Hôm nay,  

Những Người Phụ Nữ Miền Nam Sau Cuộc Chiến

30/04/202009:19:00(Xem: 3361)

Ba tôi là một sĩ quan truyền tin của quân đội VNCH. Gia đình tôi sống trong Bộ Tổng Tham Mưu, gần sát phi trường Tân Sơn Nhất. Vì sống trong trung tâm của Bộ Tổng Tham mưu nên ba tôi nói rất nguy hiểm và ba đã xây một cái hầm cho mẹ con tôi trốn đạn. Mẹ nói ba làm rất cực để giữ an toàn cho gia đình. Ba vì công việc nên đi hoài, mẹ ở nhà mỗi khi nghe đạn pháo nổ dắt chúng tôi chạy xuống hầm trốn đạn. Và ngày ấy đạn pháo bay như mưa, tôi còn nhớ cứ lâu lâu nghe tiếng súng bắn và nghe người ta la "chết rồi, máy bay cháy", hoặc "chết rồi, nổ rồi, cháy ..cháy" và trên radio thì cứ nghe bài hát "một cánh tay đưa lên, hàng ngàn cánh tay đưa lên quyết đấu tranh…. ".

Rồi miền Nam thất thủ rơi vào tay giặc.

Gia đình tôi phải dọn ra khỏi trại lính. Ba tôi cũng như những người Sĩ Quan khác bị bắt ra trình diện, họ nói ba tôi chỉ cần ra học tập cải tạo 3 ngày rồi sẽ được về. Khi ba tôi ra trình diện họ bắt nhốt luôn trong tù.

Mẹ tôi ở nhà người ta tới nói gia đình tôi nếu đi Kinh Tế Mới (KTM) thì ba tôi sẽ được khoan hồng. Họ đã gạt mẹ tôi, dẫn mẹ tôi đi coi miếng đất ở Kinh tế mới và chỉ miếng đất ngon có cây trái xum xuê, nào ngờ khi về đó họ đưa cho mẹ tôi miếng đất phèn, cỏ tranh, lau sậy mọc đầy, cao qua khỏi đầu, một nơi chưa có người ở. Mẹ tôi phải mướn người làm sạch và cất lên cho gia đình tôi 1 cái nhà.

KINH TẾ MỚI

Rồi mẹ con dắt díu nhau về KTM nhưng vì đông con nên mẹ gửi tôi, đứa em gái và người anh ở lại Sài Gòn cho ông ngoại và bà cô nuôi.

Một năm sau mẹ lên đón hai chị em tôi về còn anh tôi ở lại Sài Gòn với bà cô. Gia đình tôi là gia đình đầu tiên về KTM, chị em tôi không đi học vì không có trường.

Tôi còn nhớ chính quyền ở KTM kỳ thị gia đình tôi, họ không kêu tên mẹ tôi mà hay nói móc gọi mẹ tôi là bà "Đại Úy ngụy". Và họ nói "Không bán Gạo cho Bà Đại Úy ngụy!". Dạo ấy tôi không hiểu, sau này lớn lên tôi mới hiểu vì sao, vì ba tôi là sĩ quan của chế độ cũ.

Vào thời bao cấp nạn đói tràn lan mấy mẹ con tôi phải ăn khoai mì thay cơm! Mẹ tôi nuôi gà, vịt, trồng trọt đủ thứ, nhưng vì miếng đất nhà tôi ở là miếng đất phèn nên cây trái trồng không đơm bông kết trái như ý mẹ mong muốn.

Bỏ quá nhiều tiền để mướn người trồng cây nhưng không thu lại được kết quả, mẹ tôi đành phải bỏ bầy con ở nhà, mỗi ngày lên tỉnh mua bán để kiếm tiền đem về nuôi chị em tôi. Có những hôm mẹ tôi đi bán tối về không còn xe nên phải lội bộ gần 5 km cây số, khi mẹ về được tới nhà thì trời đã gần sáng.

Mẹ tôi đi sớm lúc chúng tôi còn ngủ và khi mẹ về khuya thì chị em tôi đã ngủ nên chúng tôi rất ít thấy mặt mẹ. Tám chị em tôi ở nhà một mình, tự nấu ăn và đứa lớn trông chừng đứa nhỏ, lúc ấy chị lớn nhất của tôi mới 11 tuổi.

Hai chị lớn của tôi ở nhà trông em, còn tôi thỉnh thoảng phải theo mẹ đi bán, 3-4 giờ sáng tôi dậy đi với mẹ, phải lội bộ xa lắm mới ra được đầu đường để đón xe. Ngày ấy mẹ đốt đuốc đi trước, tôi mắt nhắm mắt mở lẽo đẽo theo sau, và thỉnh thoảng mẹ la to coi chừng rắn, tôi nhìn xuống thấy những con rắn mập, bự nằm cuộn tròn phơi sương. Cứ đi một đoạn thì thấy một con rắn, tôi nghĩ nếu bó đuốc của mẹ tắt thì tôi sẽ đạp trúng những con rắn này, vì sợ quá làm tôi tỉnh ngủ luôn. Ký ức này ám ảnh theo tôi hoài có lẽ vì vậy tôi không thích sống ở làng quê.

KTM chỗ chúng tôi ở là vùng đất hoang, chưa có nhiều nhà ở, xa xa khoảng 500m mới có 1 căn nhà. Vì đang ở Sài Gòn mà bỗng dưng bị bắt về một vùng quê hẻo lánh ít có bóng người, tối thì đốt đèn dầu, ngủ nghe tiếng cóc nhái kêu làm tôi cảm thấy rùng rợn, tối nào ngủ tôi cũng chui vào giữa mấy chị nằm cho chắc ăn và an toàn.

Rồi một ngày em tôi bị “ma giấu” (1 hiện tượng có thật cho em tôi, mà tôi khó cắt nghĩa theo khoa học) mẹ tôi sợ quá không còn muốn ở lại KTM và mẹ quyết định bỏ nhà để lên thành phố sống. Chính quyền địa phương tức giận mẹ tôi nói "ma quỷ" là "Mỹ qua" và họ không cấp hộ khẩu cho gia đình chúng tôi. Tôi còn nhớ mẹ tôi lúc đó cũng phải trốn đi từ từ, không dám công khai dẫn chúng tôi đi cùng một lúc mà mẹ chia ra ba đợt để Chính quyền đừng nghi và không bị họ làm khó dễ.

VỀ THÀNH PHỐ

Lên thành phố mẹ tôi chạy chọt khắp nơi, cuối cùng cũng xin được hộ khẩu và chị em tôi được đi học lại.

Rồi mẹ tôi quyết định buôn thuốc Tây, vì buôn bán thường thì không đủ nuôi 9-10 miệng ăn. Thời gian đó thuốc Tây là hàng quốc cấm, chỉ có hợp tác xã mới được bán. Vì vậy, những tiệm thuốc tây tư nhân phải đóng cửa, họ còn hàng nên giấu, lòn bán ra bên ngoài cho những con buôn. Mẹ tôi mua đi và bán lại.

Có những ngày tôi theo mẹ lên Sài Gòn lấy thuốc, tôi phải ngồi ngoài chợ giữ giỏ thuốc cho mẹ, nếu lỡ có bị Công an bắt thì hàng không bị mất hết. Mẹ đi gom thuốc, 2-3 tiếng mẹ đem lại bỏ giỏ cho tôi giữ rồi lại đi tiếp, cứ thế tôi phải ngồi đó một mình cả ngày để đợi mẹ nhiều lúc tôi giận mẹ lắm vì mẹ bỏ tôi ngồi một mình cả ngày ngoài chợ. Giờ nhớ lại tôi thấy cũng tội nghiệp mẹ, vì mẹ không có nhiều tiền nên lội bộ lấy thuốc chỗ này một chút, chỗ kia một chút nên mới lâu.

Chiều về thì mẹ con tôi và những bạn hàng phải đứng nép vào trong bóng tối thì xe mới dám ngừng để đón khách, có những lúc phải leo lên những chiếc xe hàng cao, người lên trước phải phụ giúp kéo người ở dưới lên cho lẹ để xe chạy không thôi bị Công An bắt hết.

Một lần mẹ tôi trải thuốc bán ở chợ, Công An tới, mọi người ôm đồ chạy nhưng vì đa số là đàn bà nên chạy không kịp và họ bị bắt, mẹ tôi cũng trong số đó. Mẹ kêu tôi chạy về báo bà Sáu biết, tôi lúc ấy mới lên 8, làm gì biết đường về, vì mỗi lần theo mẹ chỉ lẽo đẽo theo sau chứ có bao giờ để ý, mà cũng không biết tên bà là gì, chỉ biết gọi bà là bà Sáu và biết bà là em bà ngoại vậy thôi. Vậy mà lúc đó không hiểu sao tôi diễn tả bà Sáu có những người con tên Tòng, Hà, Phong...thì người ta biết và chỉ đường cho tôi và tôi đã về được nhà bà để cầu cứu.


Chuyện đời có đôi khi cũng lạ, Công An thường thì hống hách ưa đi bắt nạt người dân và hay bắt những người bán thuốc tây, nhưng cũng có lúc họ phải đi năn nỉ. Có một bạn hàng là bạn của mẹ tôi dẫn một ông cán bộ cao cấp tới nhà, năn nỉ mẹ tôi kiếm giùm cho ông 1 chai nước biển vàng vì sáng hôm sau 8 giờ sáng mẹ ông lên bàn mổ cần nước biển mà ông tìm hoài không ra.Thời đó nước biển vàng khan hiếm lắm. Mẹ tôi sợ không dám bán nhưng ông năn nỉ quá mẹ thấy cũng tội nghiệp nên kêu ông ra chợ Sài Gòn đợi sẽ có người đem tới bán cho ông và khi mẹ ông mổ xong, ông tới cảm ơn mẹ tôi rối rít và muốn đền ơn nhưng mẹ tôi không dám lấy vì sợ ông quật ngược lại bắt mẹ.

Khi khá chút mẹ tôi bắt đầu dự trữ thuốc tây ở nhà để bán, và nhiều người tới nhà tôi mua, họ không mua của hợp tác xã vì tôi nghe họ nói thuốc ở đó không tốt, chữa không hết bịnh, còn hàng mẹ tôi là thuốc thiệt và tốt vì mẹ tôi lấy từ những nhà thuốc tây tư nhân bị đóng cửa và ai cần thuốc gì thì mẹ tôi lên Sài Gòn lấy.

Những ông Công An phường bắt đầu canh me, khi thì chận đường bắt lấy giỏ thuốc của mẹ tôi và có lần họ vô xét nhà, tịch thu hết thuốc, mẹ tôi năn nỉ, khóc lóc xin đừng lấy vì mẹ cần tiền để nuôi con nhưng họ vẫn lấy. Mẹ tôi tức quá khóc kêu chị tôi đi mua cho mẹ chai thuốc rầy để tự tử, chị tôi lúc ấy còn con nít, ngây thơ, tưởng thiệt nên chạy đi mua. Giờ nhớ lại tôi thấy họ là những người vô cảm, tôi còn biết hàng xóm ghét cái ông công an tên Hùng, dân ở đó ghét gọi là Hùng mặt chuột vì ông ưa canh me lấy hàng của người khác.

Nghĩ lại những ngày đó thấy thương mẹ tôi, công trình đi lấy thuốc từ Mỹ Tho lên Sài Gòn đi và về cũng rất xa, nhưng bị Công An tịch thu hết, mất hết vốn mẹ tôi phải làm lại từ đầu.

TRẺ EM RA ĐƯỜNG KIẾM SỐNG

Có lần mẹ tôi bị bắt giam cả tháng trời trong nhà tù Mạc Đĩnh Chi chỉ vì cái tội bán thuốc tây, Mẹ tôi khóc miết vì không biết bên ngoài đàn con sống như thế nào.

Thời gian mẹ ở tù, 2 chị em tôi thay mẹ lên Sài Gòn lấy hàng. Chị lớn tôi năm ấy 13 tuổi và tôi lên 10, chị dặn tôi ngồi ở bến xe Xa Cảng Miền Tây đợi, chị đi lấy hàng rồi hai chị em sẽ về trước chuyến xe cuối cùng.Tôi đợi mãi cho tới khi trời tối và chuyến xe cuối cùng đã chạy nhưng chị không tới. Tôi đã khóc vì tôi không biết kiếm chị tôi ở đâu, tôi lại không có tiền mà cũng không biết phải làm sao vì trời đã tối. Cũng may có hai mẹ con thấy tôi đứng khóc và biết tôi lạc chị nên đã kêu tôi vào ngủ chung với họ để đợi trời sáng rồi đón xe về. Và đêm ấy tôi không dám ngủ nằm thút thít mãi cho tới khi trời sáng.

Sáng hôm sau tôi lên 1 chiếc xe, nghe nói xe về Mỹ Tho nơi tôi ở, tôi ngồi sát trong và cầu mong cho họ đừng đuổi tôi xuống xe vì tôi không có tiền nhưng may sao ông lơ xe chỉ thu tiền những người khác mà không thu tiền của tôi, tôi thấy ông ngó tôi rồi ông quay đi. Lúc đó tôi mừng quá thầm cảm ơn trời, phật đã che chở cho mình và cảm ơn ông đã không đuổi tôi xuống xe.

CÔ GiÁO TÔI

Chị em tôi ngày học ngày nghỉ và tôi thường hay đi học trễ. Một lần tôi bị cô giáo la: "Hoàng Yến, tại sao em đi học trễ hoài?" Bị cô la trước cả lớp làm tôi khóc vì quê. Tôi trả lời cô: "Dạ, thưa cô em phải tắm 5 đứa em". Nghe tôi nói cô dịu giọng xuống không còn la, cô hỏi tôi: "Vậy chứ mẹ em đâu, sao mẹ em không làm?". Tôi không thể nói mẹ tôi đang bị ở tù nên trả lời :"Dạ, mẹ em đi đâu em không biết nữa cô". Cô hỏi: "Mẹ em đi lâu chưa?" và tôi nói "Dạ, cũng lâu rồi cô." Cô làm thinh một lúc lâu, cô nói: "Chắc mẹ em đi vượt biên, cửa nhà em bằng gì?". Tôi chỉ biết cửa nhà tôi màu bạc nhưng bằng sắt, bằng nhôm hay bằng thiếc có bao giờ tôi để ý, nên tôi nói đại "Dạ, chắc bằng sắt". Sau này tôi để ý lại mới biết cửa nhà tôi bằng thiếc. Cô đã không la tôi nữa và tôi thấy nét mặt cô đăm chiêu có gì đó hơi buồn trong ánh mắt cô, cô nói nhỏ “em về chỗ ngồi đi”.

Sau đó tôi thường vắng mặt, cô kêu mấy bạn tới thăm tôi và coi cửa nẻo nhà tôi có chắc không về báo lại cho cô? Giờ nhớ lại tôi vẫn còn cảm động. Có lần tôi thấy cô ngồi bán bánh ngoài chợ sau giờ dạy học.

Đó là những cô giáo "ngụy" mà chính quyền mới thiếu người nên vẫn còn để các cô dạy. Những cô giáo của thời VNCH đào tạo còn sót lại, hiền lành, thương yêu trẻ và giúp đỡ các em học trò trong những hoàn cảnh khó khăn. Ngày tôi ra đi tôi rất nhớ cô và nhớ các bạn, nhớ mái trường xưa, nơi tôi đã từng học và nơi đó đã cho tôi rất nhiều kỷ niệm.

Rồi mẹ tôi buôn bán để dành được ít tiền cho chị em tôi lần lượt vượt biển. Cuối cùng cả gia đình tôi cũng được đoàn tụ ở Đức.

Tuy sau này ba, mẹ tôi không sống chung với nhau nữa nhưng chúng tôi luôn tôn trọng ba, mẹ. Cuộc đời mẹ tôi đã quá khổ vì các con nên mẹ tôi đi thêm bước nữa chúng tôi vẫn vui và tôn trọng vì mẹ cũng cần phải có người lo cho mẹ. Ba tôi sau khi ra tù cũng lập gia đình khác, chúng tôi có thêm 3 người em ở VN và chúng tôi thương yêu nhau như trong 1 nhà. .

Đó là câu chuyện buồn của gia đình tôi, khi cộng sản vào chiếm miền Nam đã làm cho nhiều gia đình tan nát. Cuộc sống ngày nhỏ của tôi luôn thiếu vắng hình ảnh của cả cha lẫn mẹ nhưng giờ nghĩ lại tôi chắc vào thời điểm đó còn có nhiều gia đình và nhiều đứa trẻ khác còn khổ hơn gia đình tôi rất nhiều.

Những người phụ nữ miền Nam sau cuộc chiến, họ từng là những người phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng vào thời điểm đó họ trở nên mạnh mẽ, cứng rắn, chịu thương chịu khó, thay chồng lo cho đàn con, dù khó khăn cực khổ cách mấy họ cũng vượt qua. Mẹ tôi là một trong số những người phụ nữ mạnh mẽ ấy. Dù mẹ ở hoàn cảnh nào cũng không bao giờ bỏ rơi đàn con của mình. Chúng tôi phải cảm ơn mẹ vì có mẹ chúng tôi mới có được ngày hôm nay.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Từ muôn đời nay tình yêu là một giấc mộng đẹp giữa đời thường cuộc sống. Có tình yêu, cuộc sống của con người ý nghĩa hơn vì mọi hỷ, nộ, ái, ố cũng như... thất tình sẽ "được" tình yêu mang đến cuộc sống của chúng ta một cách nhanh chóng và "đầy đủ"...
Cơn mưa đột ngột buổi chiều vào ngay giờ cao điểm đông xe, đông người trên phố. Trở lại công việc ngay mùng Ba Tết, bữa nay thì phải chạy giao hàng từ sáng sớm, tôi mệt mỏi tách chiếc ‘cánh én’ cà tàng của mình ra khỏi luồng xe, tấp đại vô một mái hiên. Một chiếc hai bánh khác cũng tấp theo và một cặp trai gái hối hả bỏ xe chạy vô đứng cạnh tôi...
Từ mấy ngày nay, chợ Đầm đã rộn rịp cho bốc thăm, chia lô để làm chợ Tết. Năm nay, theo lệnh nhà nước, Tết đến sớm hơn mọi năm một tháng. Như để nhắc nhở, lịch năm mới được bày nhan nhản khắp các cửa tiệm. Đặc biệt là các cửa hàng quốc doanh thì lại chẳng có cuốn lịch nào, vì lịch đã chui ra ngoài cả rồi. Lịch năm nay trông tiến bộ lắm, thôi thì các tài tử tha hồ mặc đủ loại áo quần thời trang từ nước ngoài gửi về, nghiêng bên này, liếc bên kia, õng ẹo không kém gì các minh tinh màn bạc Hồng Kông. Có cô còn cầm trên tay một trái táo đỏ nhập theo hàng hoá của các tàu buôn chở đến, ra cái điều sung túc lắm. Ngự Chiêu và Thư Hương nắm tay nhau đi thơ thẩn qua các cửa hiệu, vừa chỉ trỏ các cô tài tử trên lịch, vừa cười khúc khích phê bình vô tội vạ. Thư Hương cười đến suýt ngất khi thấy hình một cô gái miền Bắc mặc áo dài cổ cao thật là cao kiểu một ngàn chín trăm... hồi đó!
Sáng hai mươi tám tết, tôi đạp xe xuống quán cà phê Quỳnh Giao ở gần nhà. Quỳnh Giao học sau tôi hai lớp ở trường trung học vài năm trước, nay thì mức độ nổi tiếng của cô ấy như vết dầu loang ra khỏi vùng ngoại ô, lên tới cổng trường đại học bên Sài gòn vì nhan sắc hơn người. Quỳnh Giao đẹp rực rỡ trong mấy chị em gái đều xinh xắn, nhưng tính nết dễ gần của cô được lòng người lớn kẻ nhỏ hơn chị em trong nhà có quyền thế trước biến cố lịch sử. Họ cắn răng chịu đựng cuộc đổi đời hơn là thả lỏng để hoà vào cuộc sống đã đổi thay nhiều như Quỳnh Giao.
Vài cái Tết thuộc những năm người dân cả nước ‘ăn độn’ trong thập niên 1970 thế kỷ trước đã để lại trong tâm khảm tôi dư vị rất chua chát. Nay ngồi chợt nhớ lại mà không khỏi chạnh lòng, vừa sượng sùng vừa tội nghiệp chính mình...
Thật ra mỗi năm đến Tết Ba Má đều xếp vàng bạc để cúng và đặc biệt nhớ tới ông bà và cha mẹ, chứ mình không có tin dị đoan con ạ! Người chết là hết, vàng bạc đối với họ đâu có ý nghĩa gì! Ý nghĩa là với người sống thôi! Sống sao cho đẹp, đó là mình đã làm cho họ vui lòng.
Chị Bông gọt sát vỏ bưởi vỏ chanh, nấu nước lấy tinh dầu gội đầu. Xem mấy Youtube và bạn bè chỉ dẫn chị Bông đã từng làm theo, từ dễ cho đến khó: nào gội đầu bằng baby shampoo ít hóa chất để bảo vệ da đầu trẻ em thì cũng tốt cho da đầu người lớn, nào hạn chế nhuộm tóc, hạn chế gội đầu xấy tóc thường xuyên, nào massage đầu với dầu ô liu, nào massage đầu với dầu dừa rồi quấn khăn lại ủ tóc 15 phút, công phu và khó chịu như thế chị Bông cũng kiên nhẫn làm đến hết chai dầu ô liu xong hết cả hũ dầu dừa organic cũng chẳng thấy kết quả gì mà hình như tóc càng rụng thêm...
Tôi còn nhớ một cái Tết năm xưa, tôi lái xe đưa gia đình từ Seattle xuống Tacoma một thành phố lân cận để đến lễ đầu năm tại một ngôi chùa và chọn cho đúng hướng xuất hành năm mới. Ngôi chùa này và nhà sư trụ trì còn trẻ, lại là một nhà thơ mà tôi đã nghe một người bạn nhắc đến và đây là lần đầu chúng tôi đến lễ...
Dù có nao nức đợi chờ hay hững hờ thờ ơ, dù có mong mỏi hay chẳng cầu vọng thì mùa xuân vẫn hiển hiện trong đất trời, trong lòng người. Nhớ ngày xưa còn bé, như muôn vạn đứa trẻ khác trên đời này, gã cũng mong chờ, nao nức tết để được lì xì, được mặc áo mới, được đi chơi thoải mái mà không bị la, được nghỉ học và không phải học bài…
Gần nửa thế kỷ rồi, mà giờ đây, nhắc tên Nguyên, trong trí nàng hiện lên hình ảnh nhà Hường, êm đềm, thân thiết. Lệ thường, khi nàng đến, Hường lôi tuồn tuột nàng vào phòng học. Ngang qua phòng khách, “giang sơn” của bạn bè anh Hưng, nàng liến thoắng chào hỏi các anh...
Ông bóc tờ lịch cuối cùng của năm 2023. Giao thừa bước vào 2024 đã qua năm phút, ông hồi hộp chờ chuông điện thoại reo. Từ năm Canh Thìn 2000 đến nay Giáp Thìn 2024, đã hai mươi bốn năm, mỗi năm ông đều nhận được hai cuộc điện đàm từ Paris vào giao thừa tây lịch và giao thừa âm lịch...
Tôi may mắn hơn nhiều người Việt sống bên ngoài Việt nam là được sống trong một thành phố không cần biết tiếng Anh vì mọi dịch vụ đều có người Việt phục vụ đồng hương. Dịch vụ mới nhất tôi nghe được trong chiều ba mươi từ người bạn bị mất việc hôm tháng trước, anh giao hết cho dịch vụ trương bảng nhận khai thuế nhưng có làm thêm dịch vụ xin tiền thất nghiệp, nghĩa là lo khâu xin việc mỗi tuần ở những hãng xưởng khác nhau theo yêu cầu của Sở thất nghiệp TWC để được hưởng tiền thất nghiệp hàng tuần nhưng bảo đảm không ai gọi đi làm đâu mà sợ. Tiền thất nghiệp cứ chuyển vào tài khoản nhà băng người thất nghiệp mỗi tuần, không phải lo gì hết ngoài việc trả cho dịch vụ vài chục bạc. Nghe xong không biết nên vui hay buồn với cộng đồng mình vào một chiều cuối năm ở hải ngoại.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.