Hôm nay,  

Phố Vắng

04/04/202010:59:00(Xem: 3639)

 PHO VANG


Trời ngả chiều nhưng mặt trời vẫn sáng rực rỡ.  Nắng vàng ấm và gió nhẹ khiến phố xá thêm êm đềm tươi mát, mà đường phố vắng tanh chỉ lác đác vài chiếc xe vài bóng người.  Đại dịch và chỉ thị giới hạn sinh hoạt đã trả cho thành phố cái thanh bình yên ắng. Ngà nhớ những bức ảnh Sài Gòn xưa đăng trên những trang facebook, cái thuở thái hòa những năm 1930’s, 40’, và 50’s, khi Sài Gòn chỉ nhiều nhất một vài triệu dân và mọi sinh hoạt dường như nhỏ nhẹ.  Ngà nhớ thành phố nơi này những năm 1980’s khi Ngà mới đặt chân lên đất Mỹ. Những buổi sáng chộn rộn trong lặng im và những ánh đèn vàng lúc đêm về là nỗi khốn khổ của Ngà trong suốt 10 năm đầu. Một đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở hẻm nghèo chật chội luôn vang tiếng người với đèn nê ông trắng xóa giờ lọt vào một nơi rộng mênh mang với bóng đèn mờ tỏ võ vàng, một mình.  Đời lúc đó thê lương biết nhường bao…

Ngà rẽ vào nhà anh Kính.  Anh ở cùng thành phố chỉ cách Ngà độ mươi phút lái xe, nhưng nhà anh tiếp giáp với thành phố biển nên lối xóm không quá xô bồ như khu Ngà ở.

Căn nhà nhỏ xinh xắn với đất vườn rộng rãi, anh Kính ở một mình nên không mấy gọn ghẽ dù cũng không quá bừa bộn.  Anh hể hả cất tiếng chào đón Ngà nhưng vẫn không rời căn bếp nhỏ, lửa đang phừng phừng và một món gì đó đang xém cháy thơm lừng.

-Vô đây em, vô đây.  Anh làm cá bống trứng chiên dòn tụi mình nhâm nhi.

Anh Thăng ở đâu hiện ra nơi cửa.  Khác với anh Kính cao lớn và hỉ hả như Phật Di Lặc dù anh không mập như vậy, anh Thăng nhỏ con và gầy gò.  Anh nhỏ nhẹ và ít nói nên nhỏ con thấy càng thêm nhỏ! Anh lôi trong túi giấy ra một chai Martel để lên chiếc bàn ăn nhỏ kề bên bếp.

-Trời ơi, có đủ hết mà, mang tới chi anh Thăng, anh Kính đưa đĩa cá bống trứng nghi ngút khói ra bàn.

-Thì ai thích gì uống nấy, anh Thăng cười cười ngồi xuống.

Ngà cũng mở hộp tôm sốt hạt hồ đào đổ ra đĩa.  Nhà hàng đóng cửa, chỉ mua được món này ở quán cơm chỉ Panda Express thôi, mấy anh chịu khó ăn đỡ !

_Gì cũng được em à, miễn vui.  Uống là chính, ăn thì bao nhiêu.  Anh Kính mau mắn khui 2 chai Bud, rồi lấy ra 3 cái ly nhỏ vuông vuông.  Anh Thăng cũng loay hoay khui chai Martel rót cho mình một chung.

Cuộc nhậu chính thức mở màn.  Cụng một cái, 3 đứa con Ngọc Hoàng.

-Nè, cấm tụ tập mà tụi mình xé rào, coi chừng á.  Anh Thăng hăm he thăm dò

-Coi chừng ai, đâu có ai cấm gì đâu, chỉ là “ra nghị quyết” thôi mà, Ngà cãi

-Tụi mình đứa nào cũng khỏe mạnh, đâu có ai bịnh gì đâu mà lo.  Anh dẻo dai lắm, em không cần sợ.  Anh Kính hớn hở tu một hớp.

-Tui sợ, tui đang tuổi quân dịch!

-Anh vừa mới hưu, già chát còn quân dịch gì nữa?

-Thì cô Vi tuyển binh già, không tui thì ai vô đây!  Gặp đại dịch, dẫu không buông tay cũng đến lúc phủi tay rồi, rủi chết không có gì để khiếu nại.  Mà dóc chơi cho dzui, chớ tui độc thân, có bịnh thì cũng không lây được cho ai, chỉ sợ cô Ngà

-Dạ em cũng độc thân tại chỗ, không có ai để lây

-Thì dô, vạn tuế độc thân, anh Kính mau mắn.  Ba đứa con Ngọc Hoàng lại lanh canh chụm chai và ly.

Ngà đặt chai xuống, bắt đầu tấn công cá bống trứng chiên dòn.  Ngà ăn ba con cá mới hớp một hớp bia, còn anh Kính đã xếp ba chai ra cạnh bàn mà chưa đụng đũa.  Anh Thăng cười rạng rỡ như thể hơi men đã làm anh nở bung như hoa hướng dương. Anh hết cái vẻ rụt rè ít nói, và anh gọi Ngà là em chứ không “cô, tui” như mọi khi nữa.

-Anh nói cho em hay, từn nào anh cũng nhậu.  

-Anh nhậu với ai?

-Thì dzới bạn cũ trường lựt.  

-Ủa, hồi xưa anh học luật?

-Chớ sao.  Mà goa đây gần 15 năm mới xong mảnh bằng cử nhân điện toán quản trị dữ liệu.

-À, ra là em có đồng minh, Ngà vỗ bàn cười, thanh toán thêm mớ tôm hồ đào cho “thơm râu!”

Anh Kính chợt đứng dậy, bước ra cửa vườn cách bàn ăn chỉ vài bước.  Bên ngoài trời đỏ sẫm, những cụm mây xám bỗng tím biếc rực rỡ. Anh bật lửa châm điếu thuốc.  Anh Thăng xoay ghế ngó ra vườn, tay vẫn cầm cái ly vuông vuông xinh xắn, nhẹ lắc cho rượu sóng sánh.  Ngà đã no, cũng cầm chai ra đứng kế, ngửa cổ tu một hớp.

Anh Kính chợt dúi điếu thuốc vào tay Ngà, làm một hơi đi em.  Con Ngọc hoàng giờ lên ngôi, Ngà vừa nghĩ vừa với tay cầm điếu thuốc hít một hơi.  Anh Thăng bật tiếng- trời đất, dữ à nghen?

-Chuyện nhỏ, nó làm bộ cho vui chứ thấy là biết không phải dân thở khói.

-Dzậy là sao, nó dzừa hút đó thôi?

-Coi nè, anh Kính rít một hơi thuốc thật sâu, lại đưa điếu thuốc qua tay Ngà, Ngà cũng hít một hơi khói bay mù mịt.

-Nó hít vô miệng rồi nhả ra chứ đâu có ếm vô như em đâu anh Thăng.

Anh Thăng bật cười, à, cái đó tui hổng biết.

-Nói dóc, sao biết được em có hít vào phổi hay không, Ngà cãi.

-Anh đi lính em còn con nít, hút cả ngàn điếu rồi, sao lại không biết.

-Mà sao lính hay hút thuốc?

-Cái thú dễ nhất tiện nhất và rẻ nhất.  Vậy mà nhiều khi cũng đói thuốc đó em.  Như có giọt sầu rơi xuống đáy giếng, anh Kính dập tàn trở vào bàn.  Thức ăn đã nguội, mùi gia vị giờ mới trùm lên đầu tóc. Anh Thăng nhìn Ngà loay hoay thu vén đĩa thức ăn chợt hỏi:

-Em tích trữ giấy vệ sinh chưa?

-Em có đủ.

-Không biết thiên hạ làm gì mà khùng dữ dzậy, chớ thuở xưa mình xài lá tre lá chuối cũng còn được mà, em nhớ hông?

-Không, thuở em là thuở xài giấy báo!  Mà anh có đi lính hông?

-Không cần phải đi lính mới khổ

-Nhưng không ai khổ bằng lính, anh Kính phản đối.

-Khổ sao ông nói tui nghe, anh Thăng cười cợt.

-Quên rồi.  Lúc đó vô quân trường là chấp hành bổn phận, ra mặt trận là phải hoàn tất nhiệm vụ, nhưng vào chỗ súng đạn rồi thì chỉ còn nhớ một điều là không được chết.  Không được chết, còn trẻ quá mà, chết sao được… Hết chiến tranh còn mắc ở tù, không thể chết. Ra tù phải kiếm cơm, phải vượt biên, không thể chết.  

-Thì bi giờ được chết rồi còn muốn gì, anh Thăng châm chọc

- Ừ, bây giờ ở đây yên lành, hết bổn phận hết trách nhiệm, không chết, nhưng sống để làm gì? Bây giờ chết cũng lố tuổi chết non rồi anh Thăng ơi.  Lỡ độ rồi! Dô một cái giải sầu nè!

Ba đứa lại ngửa cổ.  Không dưng Ngà nhớ bài Rượu Xuân:

Cao tay nâng chén rượu nồng

Mừng em, em sắp lấy chồng xuân nay

Uống đi em, uống cho say

Để trong mơ thấy những ngày Xuân qua

Thấy tình duyên của đôi ta

Đến đây là, đến đây là, là thôi

Em đi dệt mộng cùng người

Lẻ loi xuân một góc trời riêng anh 

Thật là lạc quẻ, không biết mình say hay vớ vẩn nữa!  Ngà nhìn anh Kính, anh ngó chừng cũng đã say nhưng vẫn chưa muốn thôi, anh Thăng thì hồng hào như tiên chứ không có vẻ gì sắp lật.  Bên ngoài đã tối hẳn, một ngày sắp qua, như 40 năm 12000 ngày đã qua, sáng trưa chiều tối. Ngà đưa anh Kính thêm một chai, anh vặn mở nắp chai rồi đưa lại cho Ngà.

-Hết chai này em về

-Lái được hông đó?

-Được, con gái Ngọc Hoàng không đến nỗi đâu.

Ba đứa con Ngọc hoàng chợt im lặng chẳng ai nói với ai câu nào.  Ngà nhìn chai bia trên mặt bàn. Hơi sương lúc mới lấy ra khỏi thùng đá giờ đọng thành giọt lăn dài xuống dọc thân chai như những giọt nước mắt nâu lạnh rớt vào lòng.  Bốn mươi năm thái bình trên đất chẳng chiến tranh, sống thì cũng bốn mươi năm lăn lóc khóc cười, bốn mươi năm nhăn nhó vật vã bươn chải, cũng bốn mươi năm yêu đương ngăn cách đắp xây phá bỏ.  Bụng dạ đã đầy mảnh chai, sống thêm cái gì nữa?

Ngà lái xe về, đường đêm vắng lặng.  Đại dịch tàn phá, cái hoang vu của thành phố hay của khắp nơi trên thế giới thì cũng chỉ như những chiếu vọng của từng cõi lòng đã rữa tan.  Đâu chỉ mình anh lỡ độ, anh Kính!


Lưu Na

03292020

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong một căn phòng motel nhỏ sạch sẽ gọn gàng chăn ga gối trắng, trên giường phủ một tấm trải lớn có thể dùng làm chăn đắp màu lông chuột, một người phụ nữ nằm khóc, và người đàn ông đang ra sức dỗ dành. Cô gái mếu máo “Anh à, anh X đã bỏ đi rồi!”...
Những ngày cuối tháng tư quân trường Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung vẫn đang cắm trại, chồng tôi chưa về, nhưng trước khi đi anh đã bảo tôi ở nhà có gì thì bám theo cha mẹ và các em để đùm bọc lẫn nhau. Gia đình cha mẹ tôi ở gần nên hai nhà như một...
Tôi bồn chồn liếc mắt nhìn đồng hồ, rồi lại nhìn chừng về phía hội trường đầy ấp hơi người và ồn ào tiếng cười nói. Đã hơn tám giờ mà chương trình vẫn chưa bắt đầu. Chưa bao giờ tôi thấy khó chịu về chuyện giờ giấc như lúc nầy. Thấp thoáng trong đám đông, tôi thấy Khánh đang chạy đôn đáo chừng như kiểm điểm sự có mặt của một số khách “nồng cốt”, để bắt đầu chương trình...
Tiếng hát Cẩm Vân trong trẻo, vút cao, nghèn nghẹn đầy xúc cảm. Tôi buông thả Mi7 và chuyển vội La thứ như chưa muốn ngừng những âm vang cuối. Nốt dứt đoạn ngân dài, tất cả lặng yên, bên ngoài có tiếng gió đêm Sài Gòn vội về, bất chợt...
Tố Như tiên sinh đã để lại cho hậu thế câu thơ tháng ba đẹp như tranh trong truyện Kiều, “cỏ non xanh tận chân trời/ cành lê trắng điểm một vài bông hoa…” Đọc xong câu thơ thì nửa số người đọc đã nhắm mắt lại để hình dung ra bức tranh mùa xuân vẽ bằng thơ; với hai màu xanh, trắng vào tay hoạ sĩ, chúng ta có bức tranh chiêm ngưỡng bằng mắt, nhưng với nhà thơ chúng ta có bức tranh trong trí tưởng tuyệt vời… Tôi nói với ông bạn mê thơ đang ngồi chung bàn cà phê mà mọi người đang nói chuyện thời sự nên không phù hợp với một sáng tháng ba trời mát lạnh vì mưa đêm qua rả rích tới sáng, anh em rủ nhau ra ngoài trời ngồi uống cà phê cho mấy ông bạn còn hút thuốc được thỏa mãn thú tính. Thế là những ông đã giã từ làn khói mỏng bị những ông còn hút thuốc giận cho, rồi cãi nhau.
Đầu tháng Tư, hoa tulip đã vội gõ cửa mọi nhà sau giấc đông miên ngắn ngủi. Mùa Xuân cũng theo hoa tulip trở về, mở ra khúc giao mùa. Trong gió Xuân đầu mùa còn lạnh, ngoài xa trên cánh đồng rừng quê muôn vạn búp non đang nẩy lộc đâm chồi. Cỏ non, cây rừng già vẫn mạnh mẽ vươn lên tràn đầy sức sống. Đàn cá hồi thức giấc bắt đầu vượt thác trở lại quê hương nguồn cội...
Một thời gian ngắn sau Hiệp Định Genève tháng 7, 1954, gia đình chúng tôi rời Phủ Cam dọn vào ở trong khuôn viên trường Đồng Khánh. Măng chúng tôi dạy môn Nữ Công Gia Chánh, và có lẽ vì là một quả phụ với 6 con, nên được Bà Hiệu Trưởng Nguyễn Đình Chi, ưu ái giúp đỡ cho gia đình được sống trong 2 căn phòng trên lầu Ba (bên phải, nếu từ cổng trước nhìn vào). Cùng ở trên lầu Ba sát cạnh gia đình chúng tôi là gia đình của bà quả phụ Trần Thi, mà chúng tôi thường kêu là Dì Hoàn vì Dì là bạn của Măng tôi từ khi 2 người học chung với nhau tại trường Đồng Khánh trong thập niên 30. Gia đình Dì cũng đông không kém gia đình tôi – 7 người. Dì ít cười và có vẻ nghiêm khắc. Các nữ sinh nghỉ trưa tại trường rất sợ gặp “Bà Thi”, dễ bị Bà la rầy hay cho “kỷ luật”, nhất khi bị bắt gặp đi lang thang trong hành lang thay vì phải ở trong phòng học.
Hạo chỉ có cậu Tân là người cậu duy nhất. Mẹ Hạo là chị cả trong gia đình có bốn người con. Mẹ, dì Hiên, cậu Tân và dì út Hậu. Cậu Tân vốn là một nông dân chính hiệu. Hình như cậu học mới qua bậc tiểu học là cậu bỏ cây bút để cầm cái cày, cái cuốc. Đến năm cậu trên bốn mươi, cậu đã có bảy người con, bốn trai, ba gái. Có lẽ cậu thấy cuộc sống làm một người nông dân quá cực hay sao mà cậu nhảy ra tham gia chánh quyền. Cậu được bầu làm xã trưởng...
Những chuyến xe ngập ngừng, chậm chạp lăn trên con đường gập ghềnh để chuyên chở đoàn người đi thăm cha, anh, em, con, chồng ở khắp nơi trong những trại tù, nơi mà lớp người mới gọi là "Trại Học Tập Cải Tạo" nghe ngược ngạo, chua chát nhiều đắng cay. Từ Quốc Lộ 1, phải đi khoảng chừng 2 cây số, trên một con đường mòn, xuyên qua rừng cây gỗ quý cẩm lai là đến trại tù cải tạo Hàm Tân...
Cuộc hôn nhân ngắn ngủi vài năm của Bình với người vợ cũ tan vỡ. Mộng Điệp là người phụ nữ vật chất, đứng núi này trông núi nọ, tính nết đanh đá chua ngoa luôn có những lời nặng nhẹ chê bai chồng không biết kiếm tiền giỏi như người ta...
Chuỗi dài thời gian của quá khứ ta còn giữ được. Giữ được mãi mãi cho đến khi trí đã mòn sức đã kiệt. Giây phút hiện tại coi như chẳng có gì. Nó vuột khỏi tay ta từng sát na rồi cũng tan biến vào quá khứ đề xếp hàng cùng với chuỗi thời gian đã qua. Tương lai là điều chưa có, chưa đến nên ta cũng chẳng làm chủ được gì của những điều ở cõi xa thẳm diệu vợi...
Hôm đi Cần Thơ, đứa cháu gọi bằng chú kể chuyện đi Hòn Kẽm- Đá Dừng, ranh giới tự nhiên hiện nay giữa 2 huyện Quế Sơn-Hiệp Đức, một địa danh mà thời trung học và đến mãi sau này tôi vẫn nghĩ là vùng núi non hiểm trở phía thượng nguồn sông Thu Bồn, nơi được biết đến nhiều bởi trận lụt kinh hoàng ở Quảng Nam năm Giáp Thìn 1964...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.