Hôm nay,  

Miếu Lớn Hơn Đình

23/02/202011:00:00(Xem: 3358)

 Trời tối đen như mực, tiếng mang tác, tiếng hổ gầm từ đại ngàn vọng về xen vào bản hợp tấu bất tận của lũ ếch nhái côn trùng quanh con suối Hầm Hô. Đêm đường sơn không hề im vắng như người dưới xuôi vẫn tưởng. Ông ngồi bên bếp lửa độc ẩm một mình, nậm rượu dường như cũng vơi cạn, tiếng củi cháy tí tách, ngọn lửa lung lay in bóng ông trên vách nứa. Ông vẫn ngồi như thế hàng đêm, dù nắng hạ hay mưa đông, kể từ ông về dựng cái lán bên suối này, tính ra cũng đã bảy ngàn đêm. 

 Bất chợt mắt ông quắc lên, ngưng thần lắng nghe âm thanh lạ hoà trong tiếng mưa rơi, bước chân đã bước lên bậc thang của lán. Thiên tánh con nhà võ cộng với sự từng trải mấy mươi năm khiến ông phán đoán chính xác. Lập tức ông lăn mình qua bên kia tấm phên, núp mình trong bóng tối. Cữa lán khẽ hé mở, một gã trung niên ló đầu vào và khẽ gọi:

 - Đô đốc, đô đốc! Ngài có ở đây không? 

 Y gọi ba lần nhưng ông không trả lời, qua khe hở ông quan sát và nhận ra y. Y bước hẳn vào trong lán và nói: 

 - Đô đốc, đệ tử là Hậu hiệu úy đây!  đệ tử đến đây không có ý đồ xấu, xin ngài chớ lo! 

 Bấy giờ ông bước ra, gã kia liền sụp lạy, nước mắt chảy dài mà miệng cứ thì thào: 

 - Đô đốc, đô đốc, chủ nhân đây rồi! 

 Ông đỡ y dậy, chỉ cho cái kệ bên bếp lửa để ngồi rồi rót cho y một chung rượu nhỏ. Y lễ phép bái tạ xong mới uống.

 - Đệ tử đã đi tìm đô đốc suốt mười lăm năm nay. Sau khi Nguyễn vương về Phú Xuân trả thù tàn khốc những người có liên can đến soái công. Đệ trốn lên miền thượng và làm gã lái buôn thương hồ, rày đây mai đó, khi thì mua bán sản vật giữa miền thượng với các phủ Quy Nhơn, Thăng Hoa, Tư Nghĩa… Khi thì vào tận Hà Tiên trấn, có năm theo thương hồ lên Nam Vang, Vạn Tượng… Đến đâu đệ cũng dò la tông tích của đô đốc nhưng bặt vô âm tín. Mãi đến hôm nay, sau khi trao đổi sản vật ở bến Trường Trầu xong thì có người bảo: “đầu nguồn suối Hầm Hô có một lão thượng sống một mình trong cái lán, lão ấy biết nói tiếng kinh, cứ mỗi nửa con trăng thì lão ấy gùi sản vật xuống đây đổi gạo, muối và rượu Bầu Đá…” Nghe đến đây tự nhiên lòng đệ tin chắc mười mươi đấy là chủ nhân! Đệ liền gởi hàng hoá laị cho lữ điếm rồi tìm đường vào đây, để che mắt tai mắt triều đình, đệ bảo tìm vào sơn thượng để mua mật ong rừng. Trước khi vào đây đệ có nghe người làng Phú Phong bảo rằng: “ Lão thượng người Bana vẫn thường xuống đây đổi sản vật tên là ông Dõng” từ đó đệ càng tin chắc hơn người đó chính là dô đốc vậy! 

 Ông ngồi trầm ngâm, vẻ mặt bình thản nhưng đôi mắt dường như có chút ngấn lệ, mười lăm năm rồi còn gì. Ngày ấy ông còn là một viên dũng tướng còn Hậu hiệu úy là đệ tử, là học trò của ông. Hai thầy trò theo soái công vào Nam ra Bắc, chinh chiến mười bốn năm ròng, lập nên những chiến công hiển hách và lẫy lừng. Hậu hiệu úy là tay thám báo trẻ, góp phần không ít vào những chiến công đó!  Sau trận Đống Đa, giặc Bắc phương sợ soái công như sợ cọp. Đaị Việt suốt nghìn năm, chưa bao giờ rạng rỡ như thế! nhưng than ôi! sự đời vốn vô thường, mệnh trời khó biết. Soái công đột ngột băng, cơ nghiệp huy hoàng gầy dựng bao nhiêu năm chợt tan thành bọt nước. Ông lặng lẽ rót chung rượu rồi tợp nhẹ. Gã kia vẫn ngồi lặng lẽ, không nói gì. Ông tiếp tục dòng hồi tưởng : Trận cuối ở Lũy Thầy, ông cùng vợ chồng nữ đô đốc đốc thúc ba quân nghênh chiến chặn quân Nguyễn Vương ra Bắc. Cuộc chiến đang khốc liệt thì ấu chúa trẻ người non dạ hạ lệnh lui quân…Thế trận vỡ tan, tuyến phòng thủ cuối cùng sụp đổ, cơ hội cuối cùng tan thành mây khói. Vợ chồng nữ đô đốc bị quân Nguyễn Vương bắt sống sau đó thì mọi người tản mác khắp nơi. Ông vượt thoát qua Bồn Man nương náu , khi thì xuống Cao Miên, lúc về miền thượng đạo sống lẫn với người Bana, Ê Đê…cuối cùng thì về bên con suối này dựng lán ở cho đến hôm nay. Cái lán cách xa làng một khoảng cách đủ để bọn tai mắt triều đình không bén mảng đến. Người làng Phú Phong, An thái, An Truyền… cũng có biết ông về nhưng tất cả kín miệng như bưng. Lòng người vẫn còn chút tưởng đến người cựu trào năm xưa. Ông chìm trong dòng suy tư bất tận. Gã kia lên tiếng kéo ông về với thực tại: 

 - Đô đốc, ngài đã quên soái công rồi sao? 

 Nhanh như cắt, ông chụp lấy cây gậy lồ ô dựng ở góc lán và rút ra thanh đoản đao chỉa vào gã hiệu úy:

 - Ngươi đến đây dò la? 

Hậu hiệu úy mặt không đổi sắc, y qùy tâu:

 - Thưa đô đốc, đê tử theo ngài chinh chiến mười bốn năm ròng. Đô đốc đã chỉ dạy võ nghệ, dìu dắt trên đường binh nghiệp. Đệ tử luôn nhớ ơn ngài, xem ngài như cha, như thầy, làm sao đệ tử có thể đến để dò la?  Mười lăm năm ròng đi tìm tông tích ngài, sống không đổi dạ chết không thay lòng. Nếu đệ tử ăn ở hai lòng thì trời tru đất diệt! 

 Ông thâu thanh đao về, laị hỏi: 

- Vậy ngươi đến đây với mục đích gì? 

 Y tâu: 

 - Vì lòng tưởng nhớ, Con nhà võ có thể hủy hình chứ không thể huỷ tiết! Đệ tử còn một việc muốn thưa. 

 Ông bảo: 

 - Việc gì? Nói mau! 

Hậu hiệu ý hạ giọng:

 - Đệ tử chiêu tập hơn ngàn dũng sĩ, ngày đêm tập luyện để báo thù và khôi phục cơ nghiệp cho soái công. Xin đô đốc hãy đứng ra làm minh chủ, hiệu triệu dân quân! 

Y vẫn quỳ đấy, ngửa mặt nhìn ông với ánh mắt van lơn và đầy nhiệt huyết. Ông nhét đoản đao vào laị cây gậy lồ ô, đoạn đỡ y ngồi lên, nước mắt ông chảy thành dòng.

 - Hậu hiệu úy! Ngươi quả là con nhà võ, tiết tháo can cường, trung nghĩa một lòng động đến đất trời nhưng tiếc một điều sự si mê của ngươi cũng quá lớn. Ngươi đang đẩy ngàn dũng sĩ kia vào cữa tử, không chỉ một ngàn cái đầu lâu bêu trên cọc mà còn bao nhiêu họ sẽ diệt tộc đây?  Năm xưa khi soái công băng, triều đình vẫn còn thiên binh vạn mã, xe pháo đủ đầy, quân tinh tướng giỏi… mà còn sụp đổ. Một ngàn dũng sĩ thì sẽ làm được việc gì? Bá tánh lầm than vì binh lửa can qua đã đủ rồi, đừng gây thêm nữa! ý trời không biết được, lòng dân giờ cũng đã đổi thay không còn như mười lăm năm trước nữa. Người dũng sĩ không sợ chết nhưng đừng chết vì việc vô ích! vả laị thiên hạ của bá tánh nào phải của riêng của soái công ta , bao đời nay các họ: Lê, Lý, Trần, Lê… vẫn thay nhau làm chủ. Giờ Nguyễn Vương thay soái công làm chủ thiên hạ cũng là lẽ thường tình. Ta tưởng nhớ soái công và những công lao hiển hách của người có bao giờ nguôi, nhưng chuyện khôi phục laị cơ nghiệp của soái công là không tưởng, không thể được, chỉ tổ gây thêm chết chóc máu xương mà thôi! 

 Hậu hiệu úy thưa:

 - Không lẽ khoanh tay? Không lẽ phụ lòng soái công? 

 Ông ôn tồn:

 - Gây thêm binh đao mới là phụ lòng soái công đấy! bá tánh yên rồi, cơ hội nghìn năm chỉ có một lần, vĩnh viễn không bao giờ lập laị. Soái công cũng như các huynh đệ chiến tướng chắc cũng chẳng còn muốn nhắc laị chuyện đau lòng. 

 Hậu hiệu úy lại thưa: 

 - Vậy giờ phải hành xử thế nào? 

 Ông nhìn y bảo:

 - Hãy sống theo đời nhưng đừng đu theo thói đời, không xu phụ quyền thế, kể như đã không phụ soái công rồí!

 Nói xong ông laị rút thanh đoản đao ra khỏi cây gậy và trao cho y: 

 - Thanh đoản đao này tên Trủy Thủ Huyết Long Đao, nó có thể cắt đứt mọi gươm giáo trên đời mà không hề sứt mẻ. Danh môn chánh phái hay tứ chiếng giang hồ đều thèm khát săn lùng nó. Nó vốn của Hám Hổ Hầu, y mang nó từ Triều Châu sang. Y theo phò tá soái công nhưng sau đó tự phụ và tạo phản nên bị soái công giết đi. Soái công tặng nó cho ta. Ta đã giữ nó bên mình suốt bao nhiêu năm nay. Ta dùng nó hộ thân. Khi cần sẽ tự xử lấy mình chứ nhất quyết không để lọt vào tay quan quân triều đình. Nay ta không cần nữa, ngươi hãy giữ lấy, xem như chút lòng của ta gởi cho ngươi! 

 Hậu hiệu úy sụp lạy giơ hai tay đón nhận thanh đoản đao

 - Xin đa tạ đô đốc, kiếp này dầu gan lầy óc nát cũng không quên người!  Mười lăm năm nay mới gặp nhau phút giây này, biết có còn ngày nào gặp laị? 

 Ông đỡ y đứng dậy, mắt rơm rớm vỗ vai y:

 - Con nhà võ đôi khi cũng không cầm lòng đặng, lần hội ngộ này là lần đầu mà cũng có thể là lần cuối. Cuộc đời vô thường làm sao biết chuyện gì xảy ra ngày mai. Mai kia có gặp laị ở suối vàng thì ta với ngươi cùng bái kiến soái công vậy! 

 Y ôm chầm lấy ông, nức nở

 - Đô đốc, chủ nhân, ông thầy của tôi! 

 Ông lui laị góc bếp lấy bầu rượu lớn rót ra hai chén đầy và trao cho y một chén

 - Hãy cùng ta cạn chén này, ngày mai khi mặt trời quá ngọ bọn lính canh điếm ăn nhậu say sẽ ngủ, lúc ấy ngươi hãy đi! 

 Ngọn lửa bập bùng in bóng hai người trên phên liếp trông như hai pho tượng,  ngoài trời bóng tối đặc quánh như cái kén bọc lấy căn lán. 

 Mùng năm mùa xuân năm ấy ông chết, dân các làng Phú Phong, Kiên Mỹ, An Truyền… xì xầm bàn tán:” Ông Dõng chết rồi”. Các bô lão làm giấy lên quan sở taị xin lập miếu thờ thành hoàng bổn cảnh. Ngày dỡ lán của ông dựng miếu thờ, để tránh tai mắt triều đình, các bô lão không đọc văn tế mà chỉ khấn thầm: “ Sanh vi tướng tử vi thần, dân làng xin lập miếu thờ ngài, xuân thu nhị kỳ tế lễ.  Đô đốc sống khôn chết thiêng xin hãy hộ quốc hộ dân…”

 Không biết bao lâu kể từ khi lập miếu, tự dưng dân quanh ngày ngày hát ru con:

  Ai cho miếu lớn hơn đình

  Bậu có chồng mặc bậu bậu vẫn gọi mình bằng anh


TIỂU LỤC THẦN PHONG 

Đồ Bàn thành, 8/2019

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tiếng hát Cẩm Vân trong trẻo, vút cao, nghèn nghẹn đầy xúc cảm. Tôi buông thả Mi7 và chuyển vội La thứ như chưa muốn ngừng những âm vang cuối. Nốt dứt đoạn ngân dài, tất cả lặng yên, bên ngoài có tiếng gió đêm Sài Gòn vội về, bất chợt...
Tố Như tiên sinh đã để lại cho hậu thế câu thơ tháng ba đẹp như tranh trong truyện Kiều, “cỏ non xanh tận chân trời/ cành lê trắng điểm một vài bông hoa…” Đọc xong câu thơ thì nửa số người đọc đã nhắm mắt lại để hình dung ra bức tranh mùa xuân vẽ bằng thơ; với hai màu xanh, trắng vào tay hoạ sĩ, chúng ta có bức tranh chiêm ngưỡng bằng mắt, nhưng với nhà thơ chúng ta có bức tranh trong trí tưởng tuyệt vời… Tôi nói với ông bạn mê thơ đang ngồi chung bàn cà phê mà mọi người đang nói chuyện thời sự nên không phù hợp với một sáng tháng ba trời mát lạnh vì mưa đêm qua rả rích tới sáng, anh em rủ nhau ra ngoài trời ngồi uống cà phê cho mấy ông bạn còn hút thuốc được thỏa mãn thú tính. Thế là những ông đã giã từ làn khói mỏng bị những ông còn hút thuốc giận cho, rồi cãi nhau.
Đầu tháng Tư, hoa tulip đã vội gõ cửa mọi nhà sau giấc đông miên ngắn ngủi. Mùa Xuân cũng theo hoa tulip trở về, mở ra khúc giao mùa. Trong gió Xuân đầu mùa còn lạnh, ngoài xa trên cánh đồng rừng quê muôn vạn búp non đang nẩy lộc đâm chồi. Cỏ non, cây rừng già vẫn mạnh mẽ vươn lên tràn đầy sức sống. Đàn cá hồi thức giấc bắt đầu vượt thác trở lại quê hương nguồn cội...
Một thời gian ngắn sau Hiệp Định Genève tháng 7, 1954, gia đình chúng tôi rời Phủ Cam dọn vào ở trong khuôn viên trường Đồng Khánh. Măng chúng tôi dạy môn Nữ Công Gia Chánh, và có lẽ vì là một quả phụ với 6 con, nên được Bà Hiệu Trưởng Nguyễn Đình Chi, ưu ái giúp đỡ cho gia đình được sống trong 2 căn phòng trên lầu Ba (bên phải, nếu từ cổng trước nhìn vào). Cùng ở trên lầu Ba sát cạnh gia đình chúng tôi là gia đình của bà quả phụ Trần Thi, mà chúng tôi thường kêu là Dì Hoàn vì Dì là bạn của Măng tôi từ khi 2 người học chung với nhau tại trường Đồng Khánh trong thập niên 30. Gia đình Dì cũng đông không kém gia đình tôi – 7 người. Dì ít cười và có vẻ nghiêm khắc. Các nữ sinh nghỉ trưa tại trường rất sợ gặp “Bà Thi”, dễ bị Bà la rầy hay cho “kỷ luật”, nhất khi bị bắt gặp đi lang thang trong hành lang thay vì phải ở trong phòng học.
Hạo chỉ có cậu Tân là người cậu duy nhất. Mẹ Hạo là chị cả trong gia đình có bốn người con. Mẹ, dì Hiên, cậu Tân và dì út Hậu. Cậu Tân vốn là một nông dân chính hiệu. Hình như cậu học mới qua bậc tiểu học là cậu bỏ cây bút để cầm cái cày, cái cuốc. Đến năm cậu trên bốn mươi, cậu đã có bảy người con, bốn trai, ba gái. Có lẽ cậu thấy cuộc sống làm một người nông dân quá cực hay sao mà cậu nhảy ra tham gia chánh quyền. Cậu được bầu làm xã trưởng...
Những chuyến xe ngập ngừng, chậm chạp lăn trên con đường gập ghềnh để chuyên chở đoàn người đi thăm cha, anh, em, con, chồng ở khắp nơi trong những trại tù, nơi mà lớp người mới gọi là "Trại Học Tập Cải Tạo" nghe ngược ngạo, chua chát nhiều đắng cay. Từ Quốc Lộ 1, phải đi khoảng chừng 2 cây số, trên một con đường mòn, xuyên qua rừng cây gỗ quý cẩm lai là đến trại tù cải tạo Hàm Tân...
Cuộc hôn nhân ngắn ngủi vài năm của Bình với người vợ cũ tan vỡ. Mộng Điệp là người phụ nữ vật chất, đứng núi này trông núi nọ, tính nết đanh đá chua ngoa luôn có những lời nặng nhẹ chê bai chồng không biết kiếm tiền giỏi như người ta...
Chuỗi dài thời gian của quá khứ ta còn giữ được. Giữ được mãi mãi cho đến khi trí đã mòn sức đã kiệt. Giây phút hiện tại coi như chẳng có gì. Nó vuột khỏi tay ta từng sát na rồi cũng tan biến vào quá khứ đề xếp hàng cùng với chuỗi thời gian đã qua. Tương lai là điều chưa có, chưa đến nên ta cũng chẳng làm chủ được gì của những điều ở cõi xa thẳm diệu vợi...
Hôm đi Cần Thơ, đứa cháu gọi bằng chú kể chuyện đi Hòn Kẽm- Đá Dừng, ranh giới tự nhiên hiện nay giữa 2 huyện Quế Sơn-Hiệp Đức, một địa danh mà thời trung học và đến mãi sau này tôi vẫn nghĩ là vùng núi non hiểm trở phía thượng nguồn sông Thu Bồn, nơi được biết đến nhiều bởi trận lụt kinh hoàng ở Quảng Nam năm Giáp Thìn 1964...
Mùa hè một chín bảy hai, cha tôi tử trận ở Long Mỹ, để lại một vợ và bốn con. Mẹ lúc đó mới ba mươi sáu, tôi mười lăm và thằng Thanh vừa bảy tuổi. Sau gần ba tháng bàng hoàng, tang thương mẹ tôi trở lại với cuộc sống cơm áo đời thường với đàn con nhỏ dại...
Ngồi trên bãi biển Nha Trang khi thủy triều xuống cuốn nước xa bờ để lại vạt cát dài màu trắng mịn, và lúc nắng chiều chiếu xiên trên mặt biển gợn sóng lăn tăn, trông như dải lụa dát vàng lung linh đến tận các hải đảo xa mờ mây nước, khách nhàn du sẽ mê mẩn với sắc màu kỳ diệu của buổi chiều tà mà quên hết cảnh huyên náo chung quanh...
Buổi tối hôm ấy, Quân đến nhà Phượng chơi như thường lệ. Sau vài câu thăm hỏi tình hình bệnh của má Phượng, chàng thầm thì...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.