Hôm nay,  

BẠCH QUỶ

24/01/202000:00:00(Xem: 2933)
Hinh minh hoa Dinh Truong Chinh
Hình minh họa: Đinh Trường Chinh


Nếu một ngày có hai mươi bốn giờ thì trong cơ thể em cũng nhốt đủ hai mươi bốn cái xương sườn. Một ngày kia, có thể gọi là giờ thứ hai mươi lăm, em gặp phải tai nạn làm gãy mất một cái xương sườn. Vào bệnh viện, chụp quang tuyến X và người ta ra tay giải phẫu, thò tay vào chỗ hóc hiểm để bắt tạm cho em một con vít bằng kim loại, hy vọng đôi ba tháng sau em thôi ca cẩm hát hò bản nhạc “chuyện một chiếc cầu đã gãy”.

 

Gọi giờ thứ 25 là vì nó đi ra ngoài dự kiến, nó đột ngột hiện tới gây ra bao thảm cảnh nằm mộng cũng chẳng ngờ. Cái iPhone của em văng ra khỏi hiện trường đến bốn thước, va vào lề đường trầy trụa, mặt kính rạn nứt, tuy vậy cảm ứng bén nhạy có ở màn hình chưa mất đi. Một người tốt bụng đã nhặt lên, có thể bà dùng nó để thử bấm số 911 trước tiên. Đang trong sở làm, anh buộc phải ngừng tay để trả lời một cuộc gọi thất thường xuất phát từ phía em nhưng vang bên tai là một giọng nói lạ, ngập ngừng, bối rối. Anh nhìn đồng hồ, còn hơn tiếng nữa mới khép một ngày cày bừa, tuy nhiên anh đã đến gặp thằng cai: Việc bất khả kháng, tao đành phải dông thôi. Ừ, có ở lại cũng đâu còn lòng dạ mà tập trung với công việc, hy vọng bạn ấy không đến nỗi nào, chúc may mắn.

 

Bà Lucie, người loan tin thất thường có nhắn gửi lời cuối: Tôi bấm số cầu may trong một loạt số vừa hiện lên, sẽ hoàn trả lại chiếc điện thoại này vào tay khổ chủ. Ambulance đang tới, có thể họ chở cô ấy vào bệnh viện Jean Talon. Anh nghe nhói đau một bên hông, anh nhớ câu chuyện thần thoại từng đặt điều “đàn bà được cấu thành từ một cái xương sườn của đàn ông”. Em bị nạn và anh chịu chung một nỗi đau lây lan.

 

Vì gần hiện trường xẩy ra tai nạn, xe cấp cứu tiện đường mang em vào nhà thương, nơi mà anh phải nương nhờ Google hiện lên bản đồ chỉ lối. Nói cho đúng thì khoảng sáu năm trước anh từng ngại ngùng đặt chân vào lãnh địa đó một lần, nơi treo cái dấu cộng màu đỏ thật to. Anh vào thăm một người bạn mang bệnh hiểm nghèo mà bác sĩ đã không dối lòng: Ông Nguyen còn ở chơi với trần thế này thêm đôi ba tuần nữa. Hôm đó anh mọc lên một ý nghĩ rồ dại, lý ra nhà thương nên dùng dấu trừ làm “logo”. Cộng là gộp thêm niềm đau? Trừ là soán đoạt lấy bớt niềm vui. Không ai đi vào chốn này mà mặt tươi mày tỉnh cả, kể luôn tới thằng đàn ông vừa nghe tin vợ tròn con vuông. Trước mắt hắn hiện đầy bao toan tính, rồi một hôm trái gió trở trời hắn sẽ nghe vợ hiền than: Ông trời bất công, sao chẳng cho đàn ông mang trước ngực một cặp vú đầy sữa!

 

Mất chừng mười phút, anh tìm ra nơi em nằm. Vạn bất đắc dĩ, sự bất khả kháng mới vậy chứ bình thường đó là thế giới riêng tư mà một người con gái luôn tìm cách che đậy, có thể dán tấm giấy trước cửa phòng: “Vô phận sự, miễn vào”. Chỉ duy nhất một đứa có phận sự: Thằng chồng. Anh muôn đời chẳng phải là chồng em. Và ông trời có công bằng khi tạo ra hai đứa thương yêu nhau mà chả đoái hoài gì tới sợi dây trói thân: Vợ chồng? Đó chỉ là danh xưng ở mặt pháp lý, chưa chắc những gì được hợp thức hoá, ghi vào sổ sách làm bằng chứng đều thơ mộng đáng quý cả. Giấy trắng mực đen, bút sa gà chết vẫn luôn kéo theo bao điều phiền toái nằm ngoài dự tưởng.

 

Em nằm trên giường, phòng có hai giường và hai tấm màn che chắn thế bình phong. Hiện tại “dậu mồng tơi” kia không định ra biên giới bảo bọc, cửa sổ cũng thế, mở toang cho nắng gió vào hoán đổi môi sinh. Hai cô y tá có phận sự chăm nom, anh nhìn qua gã hàng xóm của em, một chân bó bột và khúc thạch cao trắng được treo lên như con mực ống bị phơi khô, một ngày kia hắn ta sẽ biểu những đứa vào thăm mang bút ra để ghi lên đó ít nhiều cảm nhận về sự què quặt hắn phải hứng chịu. Đèn bắt trên trần rất sáng, mặt em xanh và anh rất muốn chải gỡ giúp em những cụm tóc rối. Hình như y tá vừa cho em uống thuốc giảm đau. Chăn mỏng đắp ngang bụng, chiếc áo rộng kỳ cục của bệnh viện khiến em rất gầy, anh đồ rằng người ta biểu em chớ nên mặc áo nịt vú hoặc chính họ đã cởi ra giúp em, vú thoi thóp chẳng tượng hình dưới tấm chăn có in tên nhà thương. Anh ngồi xuống chiếc ghế đặt bên giường, mắt em nhắm và anh ngại lay em ra khỏi cái hiệu ứng do thuốc thang vừa tác động. Trên đầu giường có ghim miếng giấy bọc nhựa: “Mỗi cái bàn phím đều thu giữ nhiều vi trùng, yêu cầu bạn rửa sạch tay trước khi tiếp xúc với bệnh nhân”. Lời nhắc nhở kia chắc chỉ dành riêng cho y tá, bác sĩ. Anh nhớ tới đoản văn vẫn còn dở dang đã ba hôm chưa tìm được thông lộ, anh ngó xuống bàn phím bày từng hàng mẫu tự q w e r t y u i o p… nó có là nơi cho vi trùng ẩn náu? Chưa khi nào anh rửa tay sau khi đóng gập cái laptop lại. Tay anh đút túi quần khi đi tới chỗ hẹn hò em vừa cho hay địa chỉ, thường là một hàng quán cà phê. Anh vẫn tin rằng, ngồi cả giờ bên em, chia tay xong, khi trở về sẽ tìm ra lối thoát cho những con chữ đang bị dồn vào cul de sac.

 

Anh tôn trọng em nhưng bà y tá thì không, bà sẵn lòng đánh thức cũng như độ lượng trao cho bệnh nhân vài viên thuốc ngủ. Không ai có quyền hờn oán đến “mẹ hiền” cả, đơn giản vì họ tận tuỵ và quan ngại đến sự an nguy của bạn. Phải cảm ơn họ mới đúng. Em không cảm ơn thì anh sẽ nói merci. Em mở mắt ra. Bà y tá nói khi lôi một cánh tay em ra khỏi tấm chăn: Tôi đo huyết áp, chừng mười phút nữa cô sẽ có buổi ăn tối. Thấy bớt đau chưa? Tốt lắm. Bà ghi những con số vào tờ giấy kẹp dưới chân giường. Và em nhìn thấy anh. Tròng mắt em loáng ướt như trong mơ em vừa đi băng qua một độc đạo ngập mưa lũ. Một đôi mắt anh chưa từng thấy nó rơi lệ, gần em là đón nhận toàn những điều vui thú. Em có vẻ cứng rắn kể cả lúc người ta buộc phải mềm lòng. Em xa nhà từ nhỏ, từ vùng cô quạnh đi xe đò băng đồng vượt suối tới thành phố này kiếm việc làm, tự lực cánh sinh. Một kẻ như vậy, thứ hành trang cần trang bị trước tiên là sự can đảm. Can đảm đánh rơi những uỷ mị. Anh giống em chỉ một nửa, ở cái khoảng làm đứa xa nhà, ở đậu. Nửa khác biệt với em là anh chưa học được chút cứng rắn nào cả. Nếu chai lỳ anh đã không tìm tới với chữ nghĩa, với văn chương, với những trang viết đa phần xiêu đổ nhiều than thân trách phận. Anh phân bua cùng em mà em nào tin: Chúng ta giống nhau để hiểu nhau và khác nhau để bù đắp cho nhau. Câu nói đó của một văn sĩ anh quên tên mà khi đón nghe em hiểu duy một điều: Khác giống giữa đực, cái, nam, nữ. Một tháng, em dành ra hai bữa để làm tình cùng anh.

 

Em thấy sao? Thấy người nhẹ như mặt đất thôi còn sức hút. Thuốc tê vẫn chưa tan và morphin vẫn còn ngăn chận cơn đau. Khi anh về, hãy tạt qua chỗ em lấy giúp ít áo quần lót để thay, vài đôi vớ, bàn chải đánh răng… sớm mai mang vào cho em, có được không? Chìa khoá nằm trong xách tay, hình như họ cất vào cái tủ sắt ấy. Mấy giờ rồi anh? Sáu giờ rưỡi. Anh mở cánh cửa tủ có đánh số, dành cho chủ nhân nằm giường 725A. Áo quần và vật dụng cá nhân đều dồn vào một cái túi ny-lông có ghi tên Debbie bên ngoài. Anh mó tay vào lục lọi, anh ngửi mùi hương quen thuộc từ đó xông lên.

 

Một người mặc trang phục của bệnh viện, đầu tóc tóm gọn trong cái nón ny-lông xanh đẩy chiếc xe chứa từng khay thức ăn dừng lại trước cửa. Khuôn mặt không phấn son cố làm bộ tươi tỉnh khi mang buổi cơm chiều vào. Bà dùng một tay điều chỉnh cái bàn ăn sao cho thật đúng vị trí rồi đặt khay nhựa xuống đó, xong thì dùng chân để điều khiển chiếc giường thay đổi vị trí, nâng người em lên, gập lưng cho vừa tầm. Bà ngó anh như thông báo, chỉ có vậy, phần còn lại mày hãy giúp cô ấy tìm được sự thoải mái khi nuốt trôi thực phẩm nhiều sinh tố, chóng tiêu hoá.

 

Anh mở nắp nhựa úp trên dĩa: Khoai tây nghiền đứng kề một hòn thịt băm chen cài với bốn năm cọng đậu đũa luộc nhừ. Trên khay có chén súp còn bốc khói, bánh croissant nhỏ và một cốc nước trái táo. Chưa bao giờ, đây là lần đầu tiên trong đời anh đút thức ăn cho một kẻ khác. Ơn đền oán trả? Dù chẳng tiết ra sữa, Debbie từng cho anh ngậm lấy vú. Khi đó anh nhớ tới mẹ mình, anh bất hiếu ở chỗ là đã khuấy quên hình dáng cái bầu sữa mẹ già. Có no tròn? Có hồng hào? Có thơm mát? Có sự khác biệt nào giữa cấu trúc ta và tây?

 

Rất khéo tay, anh chu toàn công việc êm ru bà rù. Tên hàng xóm bị treo giò bên kia giường nhìn anh với tia mắt đong đầy sự ganh tị, hờn ghen các thứ, hoặc tủi thân do đang cô quạnh mình ên. Cô y tá mang thuốc vào cho em, một cốc nước, một ly giấy đựng bốn viên xanh đỏ trắng vàng. Cô giải thích, cái này chống nhiễm trùng, cái này giảm đau, cái này chống táo bón, cái này giúp bạn ngủ yên. Có thấy buồn tiểu không? Cô khom lưng lấy từ dưới giường ra cái thau hình dáng lạ thường rồi vén chăn đút nó dưới mông em. Anh nhìn thấy một vùng da thịt trắng muốt, ở đâu đó phía bên kia hẳn là nơi đang bưng bít vết mổ dài 15 phân được đậy đệm bằng bông băng. Em nói, thôi anh về đi.

 

Anh nghe lời. Anh về “con đường xưa anh đi vàng lên mái tóc Debbie ngõ hồn không tái tê”. Trước, anh nhấn chuông, anh gõ cửa. Nay, anh ung dung với chiếc chìa khoá, tuỳ nghi mở đóng. Sylvie, cô bạn chia tiền phòng góp gạo nấu ăn chung đang lui cui cùng bếp núc lấy làm ngạc nhiên khi thấy anh bước vô. Sylvie chỉ mặc quần lót với lại xú-chiên, cô hơi hoảng nhưng kịp trấn tĩnh vì cái nồi đang bị lửa táp gần bỏng khét. Mùi thơm quá. Anh phát biểu cảm tưởng, tính nấu spaghetti hả? Ừa, con Deb đâu? Deb bất cẩn bị xe đụng hiện nằm nhà thương, giao chìa khoá cho tôi về tìm vài món bới xách cho bạn ấy. Tôi thế Deb có được không? Mon Dieu, nó bị nặng lắm không? Ờ, ở lại ăn cùng tôi cho đỡ buồn. Gãy xương, bệnh viện đã tìm cách chắp nối lại, dự tính phải nằm trong đó cả tuần lễ. Tội nghiệp. Nằm bệnh viện nào? Dắt tôi vào thăm với nhé. Phải luôn xáo tay kẻo nó cháy dưới đít, coi giúp để tôi mặc lại áo quần ngó cho tử tế. Vậy là tử tế rồi, có đâu như Debbie giờ này chỉ có chiếc áo choàng kỳ cục che không kín người. Sylvie cười, không dám đâu, hổ ngươi lắm, thà mà bạn gái với nhau.

 

Không cất công mở youtube ra học hỏi gia chánh, chỉ mua nguyên vật liệu có sẵn bán đầy chợ, tôi chỉ thêm chút thịt xay, thêm chút hành tỏi, chút muối đường, sợi thì vừa trụng xong. Thích ăn cùng lát mì có trét bơ không? Tương đối thôi, chẳng có lắm thời giờ. Hồi nào quởn bày tôi cách nấu phở đi. Ngày mai chứ hồi nào nữa, vào thăm Debbie xong chúng ta cùng đi chợ Á đông, bạn phải đứng sát tôi, nhất nhất cử động đều phải nhìn ngó, nhập tâm. Thực sự thì chẳng có gì nhiêu khê đâu, Debbie từng đùa là nếu có tiền chúng tôi sẽ mở một quán bán phở.

 

Hai đứa ngồi vào bàn, thưởng thức món ăn Ý, truyền thống hay không thì chẳng rõ. Ăn cho có, ăn để sống chứ không phải sống để mà ăn. Đã sống thở thì đời bày ra chán khối việc để lo toan, để đối đầu, để giải quyết dù bụng đang đói meo. Có thực mới vực được đạo lại là chuyện khác. Ăn no bò cỡi cũng vậy. Nói cho cùng tận thì ăn là động từ khẩn thiết, chiến tranh xẩy ra cũng vì miếng ăn. Ăn cũng là một thứ triết lý chẳng bao giờ già cỗi, lạc hậu. Miếng ăn là miếng tồi tàn. Ô kê, đừng tranh cãi thêm cho nhọc sức. Anh ngồi vào chiếc ghế lệ thường có Debbie đặt đít, cách vuông bàn hẹp anh thấy rõ những nhịp tim rung động trên ngực mát mẻ của Sylvie. Vòng một của cô ấy lớn hơn Debbie, điều này khẳng định được là nếu sinh con đẻ cái, mấy baby nọ hẳn phải bụ bẫm lắm. Kinh nghiệm cá nhân? Mẹ anh gầy nhom nên anh khẳng khiu cả xương chẳng mấy có thịt, đi đến trường học bạn bè đặt cho danh hiệu: Thằng ni đại diện cho hãng sản xuất tăm tre xỉa răng. Anh bú sữa bình nhãn hiệu Hột Xoàn, xong đổi qua măm sữa Con Chim. Rồi chơi sữa Ông Thọ, cứ cầu âu vậy mà thân thể chẳng tráng kiện một mảy may. Mẹ anh nói “bị cái tạng nó vậy” chứ sức nó ăn thì khiếp lắm, mỗi bữa ba bốn chén cơm vung cũng chưa nhằm nhò. Nói tội trời, mấy đứa mập mạp dễ sinh bệnh hơn là mấy thằng rọm rơ như hắn. Đặt lưng xuống là ngủ quên trời quên đất.

 

Thời còn bé cơ, dạo còn ngây thơ cơ. Chứ giờ này nương nhờ vào “bơ thừa sữa cặn” phương này thì trông cũng có da có thịt như người ta. Người ta thông thoáng thì hắn cũng biết nghía, biết thèm thuồng, biết háu ăn, biết săm soi một cách kín đáo, biết đè nén và trấn nước nỗi dục vọng thầm kín, chết chìm. Hắn từng đọc ở đâu đó một lề luật chẳng in thành văn bản: Chơi với bạn mà tơ tưởng đến bạn của bạn là một tội trạng khó tha thứ. Vắng chủ nhà gà mọc niêu tôm? Con cá từng bắt đang nằm ngáp, vậy có nên bắt thêm con cá đang bẹo hình bẹo dạng bơi lội thoải mái kia?

 

Là người tử tế, ăn xong anh dành phần rửa chén dĩa. Anh mở những ngăn tủ, chỉ thấy lọ cà phê hoà tan, chỉ thấy trà đóng gói, những thứ mà với anh có chết khát cũng không uống. Đã vậy còn chú thích hàng chữ bên ngoài “caffeine free”. Chẳng có gì kỳ cục bằng đi nhậu, đi phá mồi mà lựa toàn mấy món giả chay. Đã thò chân xuống sông để lội qua bờ kia mà vẫn ngại bùn vấy bẩn?

 

Anh vào phòng Debbie. Rõ là người ta chẳng thể nào biết trước những gì đang chờ chực ở thì tương lai để hiện tại nên bỏ công tập vén khéo. Bừa bộn, bầy hầy, vung vãi, xộc xệch mọi thứ. Một người con gái sống đơn thân thì không việc gì phải tập ngăn nắp, thứ lớp? Vậy chứ người con gái đó trước khi đi ngủ vẫn tiêu tốn chút thời gian để rửa mặt rửa mày, thoa kem, chải tóc. Chi vậy? Để nhỡ có gặp ai trong mơ, họ nhìn ra dung mạo mình không đến nỗi tệ! Trong mơ, anh từng bắt gặp Debbie nhưng cô chỉ phát quang từ ngực trở xuống, anh thức giấc trên giường với bao hối tiếc về giấc mộng đã chẳng đi hết đường. Không phải ác mộng, nhưng luôn luôn nó y như một câu chuyện chẳng có hậu.

 

Anh máng những gì vương vãi dưới sàn lên thành ghế, mớ áo xống hỗn độn trên giường thì dồn chúng vào trong cái rá nhựa; xong thì vật mình xuống tấm nệm. Đã hai năm, chừng như nệm vẫn chung tình ở sự đàn hồi đáp trả khi hứng chịu sức nặng của người nằm đè. Anh và Debbie đã đi vào cửa hàng Ikea của Thuỵ Điển để lựa mua, họ quảng cáo tuổi thọ của nệm là mười năm, bạn sẽ hài lòng vì kẻ nằm bên có vặn vẹo trăn trở cách gì thì nó chẳng lây lan độ rung sang chỗ bạn đặt lưng, êm ru bà rù, mộng đẹp là cái chắc!

 

Ngọn đèn nhỏ trên đầu nằm đủ soi tỏ những tấm ảnh Debbie dán tuỳ tiện ở vách, đa số đều chụp lấy thứ quang cảnh ở quê cũ, một thành phố biển chẳng lấy gì làm sầm uất nhiệt náo dẫu là vào hè, mùa đông nó biến thành những cánh đồng tuyết ngập giá băng. Tám tuổi đứng bên mẹ. Mười hai tuổi quàng vai bá cổ với người bạn trung học. Mười sáu tuổi mặc đồ tắm nghịch nước với cậu bạn trai đầu đời… Những tấm ảnh đã ố vàng, những chặng đời lớn lên được ghi nhận đi kèm với tàn phai. Đã xẩy ra điều gì không vui khiến Debbie quyết định từ bỏ nó, cô lên phố rậm rật này tìm cách sống và cô từng hỏi về quá khứ anh: Làm sao bạn sống qua với những ngày đầy khói lửa của chiến tranh? Rồi hoà bình, sự bạc ác nào buộc bạn phải làm đứa vô tổ quốc? Anh thua thiệt, so với Debbie, ngay cả thứ nhỏ nhặt nhất là anh chẳng có lấy một tấm ảnh ghi nhận về thời bể dâu. Anh trắng tay, trắng tận cùng của chữ trắng. Sạch bong, lạnh giá như màu tuyết.

 

Buồng phổi anh đang điều hoà với không gian nhốt ngập hương mùi riêng biệt của Debbie. Hình như Sylvie đang chiếm ngự phòng tắm, tiếng nước chảy như cơn mưa rơi ở tận phương xa len lỏi đổ xuống giấc ngủ khó cưỡng chống, anh ngó tới cái MacBook Air của Debbie đặt trên bàn nhưng anh chẳng biết password để vọc tay vào lục soạn. Anh nhìn cái nịt vú móc ngang thành ghế và rồi mắt anh từ tốn đóng lại.

 

Nhà có ma. Anh nghe tiếng Sylvie thoảng nhẹ bên tai. Đồ đạc bọn tôi thỉnh thoảng bị xáo trộn dời đổi. Và rồi hôm nay thì Debbie bị xe đụng. Hồi nãy đứng tắm, sống lưng tôi nghe lạnh như kiểu có ai nhìn trộm. Có thấy người tôi đang run lên không? Tôi vừa khoá cửa lại, đêm nay tôi sẽ ngủ chung với anh trong phòng này, anh tin chuyện ma không? Sylvie choàng tay qua ôm siết lấy thân anh, da thịt cô có thể đang nổi ốc, mát lạnh như một cây kem đang tan vữa. Anh nhớ khúc phim về người Eskimo sống trong hầm nước đá, để chống lạnh họ cởi trần để ôm cứng lấy nhau, bu như sam. Có thể anh chưa bị lôi ra khỏi cơn mê, anh tự cởi áo quần mình trong vô thức. Anh ôm lấy Sylvie, nín thở để phát hiện thân nhiệt hai đứa vừa giao hoà nhau, vây bọc lấy nhau, ấm dần ấm dần cho tới nóng lên. Nóng đến độ cơ thể phải chảy nước. Sylvie nói: Em la lên nghe, biểu tỏ cái sướng để xua đuổi tà ma. May mà tối nay có anh, em không quen sống cu ki một mình trong căn nhà lạnh.

 

Anh thức dậy, mặt trời thập thò sau màn cửa sổ. Ngọn đèn trên đầu nằm chẳng có ai mó tay, chừng như nó thức suốt đêm. Cơ thể và tứ chi nghe rã rời cơ hồ năm canh đã bơi qua mặt sông rộng. Chăn nệm nhăn nhàu, con ma trong nhà đã bỏ đi, hết ôm hết bấu víu hết mè nheo lấy anh. Thường thì ma không dại để hiện hình giữa thiên thanh bạch nhật? Anh vào phòng tắm làm vệ sinh qua loa, chùi rửa thật kỹ một cái bàn chải đánh răng để đút vào mồm cọ xát cho bọt kem đầy tràn, suýt nhợn ói. Hôm nay thứ mấy? Có thể Sylvie đã đi làm. Sự lặng yên trong căn nhà khiến anh hồi hộp, gây thứ cảm giác khó chịu. Anh dồn những vật dụng cá nhân mà Debbie căn dặn vào trong cái túi xách có in thương hiệu một siêu thị chuyên bán sản phẩm Organic. Bạn hãy chọn ăn lấy những thứ không bị ngâm tẩm hoá chất độc hại, bạn sẽ trường thọ ngoại trừ bạn ra đường không may bị xe đụng, ngoài ý muốn. Những đứa thập tử nhất sinh, nằm lặt lìa trên giường bệnh, hắn có mọc lên sự hối tiếc: Biết vậy tao đã ăn chơi không sợ mưa rơi, tao trả thù đời cho bõ kiếp người mãi cơ cực ép mình nghe theo bao điều răn vô bổ.

 

Chỉ qua một đêm, khuôn mặt Debbie xuống sắc thấy rõ. Em không ngủ được, một phần vì đèn sáng loà, vì nhiều tiếng động vang dội suốt hành lang. Em nghĩ tới chỗ nằm này, đã có biết bao cơ thể rời đi để biến thành hồn ma? Ngôi giáo đường ở phố cổ cũng có ma huống hồ là bệnh viện, phải không? Anh thò tay vào chăn để nắm lấy năm ngón lạnh, anh bóp nhẹ: Chỗ em thuê có ma thành ra em cứ ám ảnh tới thế giới vô hình nọ. Debbie nhăn mặt: Ai nói cái apt. ấy có ma? Bệnh nhân nằm giường kề cận ngóc đầu lên, hắn ngó anh với khuôn mặt thiếu máu. Cho dù là rơi vào tình huống tồi tệ nào chăng nữa, chuyện ma vẫn luôn thu cất sự hấp dẫn, lôi cuốn, muốn được đón nghe; và theo bình bầu chung thì ma quỷ phương Đông rùng rợn khốc liệt dữ dằn hơn quỷ ma phương Tây.

 

Debbie vọc tay vào cái túi xách kiểm soát xem những vật cần thiết nhờ anh mang tới có sơ sót hoặc thừa thãi. Cái gì đây? Anh lấy từ đâu ra? Nội y này là của con Sylvie mà. Đêm qua hai người đã làm gì nhau? Đầu gã “hàng xóm” càng lúc càng ngóc lên cao. Một đôi lúc chuyện ma cũng tầm thường thôi, không sánh được bằng chuyện ghen tuông mờ ám tình tiền tù tội. Đêm qua anh bị ma đè, anh nói đằng chỗ em thuê có ma là vì vậy. Con ma kia chỉ muốn trêu chọc hai ta, và cách duy nhất để chống chọi lại nó là khẩu quyết “đoàn kết thì sống, chia rẽ là chết”. Chưa gì mà anh đã thế, mai này tôi chống gậy tật nguyền cà nhắc thì anh tha hồ lộng hành tác yêu tác quái!

 

Y tá đi vào trong lúc bệnh nhân bà chăm sóc đang trùm chăn lên tận đầu. Bệnh nhân run rẩy tuồng như đổ lệ tủi hờn mãi ấm ức. Y tá nói nhỏ với riêng anh: Ông nên đi về thì hay hơn, khi người ta bị chấn thương ở thể xác, tinh thần theo đó cũng yếu đuối đi. Trong thời gian tĩnh dưỡng này, khóc lóc là điều cần tránh, đêm qua anh John nằm giường bên có kể chuyện và cô Deb đã hưởng ứng bằng những nụ cười, theo tôi đó là phương thuốc chớ nên gián đoạn. Hiểu ở mặt nào đó, Deb và cá nhân tôi vô tình đã mang ơn anh John.

 

Anh bước ra khỏi bệnh viện, nhớ là đã hơn hai mươi bốn giờ qua miệng lưỡi chưa được thưởng thức một cốc cà phê. Anh tìm tới Starbucks, kêu một cốc đen đậm, nặng nhất mà cửa hiệu có bán. Nhấp môi hai bận thì chuông điện thoại đổ dồn trong túi áo. Tôi đây, đang ở đâu? Có nhớ không, là bọn mình  cùng đi chợ Á đông mua nguyên vật liệu xong thì về nhà chung tay ninh hầm món phở? Ô kê, tôi đang ngồi ở Starbucks, chỗ gần bệnh viện đấy. Ô kê, mười phút nữa tôi lại, see you. Nhớ đấy, quán chẳng có ai, sợ ma chết khiếp!

Trong điện thoại thông minh, sóng dồn đẩy âm lượng tiếng cười trong vắt của Sylvie, nghe sướng lỗ tai. Chỉ có ma nữ mới tạo được giọng cười áp đảo thần hồn như vậy. Anh từng ngồi xếp bằng dưới gốc cây bồ đề, mắt mở thao láo canh me bóng dáng ma nữ đầy phép thuật diễu hành qua. Giữa cuộc đời điên đảo này đây, chỉ có ma nữ mới cứu chuộc ta ra khỏi cảnh địa ngục. Debbie, e rằng em cũng tin điều anh trải lòng là cả một sự thật!

 

Hồ Đình Nghiêm

11 tháng 9, 2019

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hồi ấy, những ngày nghỉ học tôi hay theo cha tôi vào rẫy để làm phụ một số việc vặt. Tôi thích lắm, vì đó là cơ hội để tôi có thể mặc tình bắt chuột bắt chim. Chỉ trong tháng đầu kỳ nghỉ hè tôi đã bắt được cả chục tổ chim và một con rùa nữa...
Mấy nay thiên hạ xì xầm bàn tán về lão Tạ nhưng chẳng ai biết rõ nguồn gốc lão ta. Người thì bảo lão từ phương đông đến, kẻ thì nói lão bên tây qua bởi vì họ thấy phảng phất trong mớ chữ nghĩa của lão có bóng dáng đông lẫn tây. Lắm kẻ còn vẹo mồn nói mân nào cũng có mặt lão, tây đông đề huề, bắc nam lủ khủ, đạo đời nhập nhằng. Tuy nhiên tất cả chỉ là đồn đoán vu vơ, ngay cả cái danh xưng của lão cũng khiến người ta thắc mắc...
Những ngày cuối năm âm lịch, bận rộn nhiều việc: dọn dẹp nhà cửa, trang hoàng bàn thờ, mua sắm, lo cúng lễ, chuẩn bị phong bì lì xì... nhưng tâm trí tôi vẫn nhớ về người anh thứ hai của mình. Tất cả tái hiện và trôi đi trong dòng nhớ miên man về những cái Tết đã qua trong đời từ khi mình có nhận thức lúc ở quê cũng như khi ra phố bên gia đình và mãi sau này khi làm ăn xa, đón Tết với vợ con...
Không phải lỗi của tôi. Vì vậy, tôi không thể gánh chịu. Tôi chẳng những không làm chuyện này mà còn không biết nó xảy ra như thế nào. Không mất hơn một giờ, sau khi họ kéo con bé ra khỏi giữa hai chân, lúc đó, tôi mới nhận ra có điều gì đó không ổn. Thực là sai lầm. Nó đen đến nỗi làm tôi kinh sợ. Đen nửa đêm, đen Sudan. Tôi có màu da ít đen, tóc đẹp, gọi là vàng lợt, và bố của Lula Ann cũng vậy. Không ai trong gia đình có màu da gần giống màu này. Tar là người gần giống nhất mà tôi có thể nghĩ đến, nhưng tóc của nó không hợp với da. Khác hẳn - thẳng nhưng xoăn, giống như tóc của những bộ lạc khỏa thân ở Úc. Có thể nghĩ con bé là một nhân vật tổ tiên đầu thai, nhưng đầu thai cái quái gì? Các người nên gặp bà tôi; bà theo phe người da trắng, kết hôn với đàn ông da trắng, không bao giờ nói lời nào với bất cứ con cái của bà.
Khi ta làm chuyện gì không phải ta đều sợ người khác chê cười. Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa. Nhưng cũng có khi ta ngẫm việc đời thì phó mặc, cười hở mười cái răng. Cười hở mười cái răng thì hở cũng hơi nhiều thật, nhưng khi cười có ai kìm hãm được niềm vui bộc lộ. Cười thì cứ thoải mái cho nó muốn hở bao nhiêu cái thì hở, cho thấy nụ cười gắn liền với hàm răng...
Cô bé bỗng nghẹn lời làm Bách ngạc nhiên, anh mở hẳn cửa bước ra ngoài chưa kịp hỏi thêm thì Chinh đã quay ngoắt đi y như lúc nãy để bước lên thang lầu, nhưng lần này cô đứng gần Bách quá, chùm tóc đuôi ngựa của Chinh vùng vằng đã hắt vào mặt Bách, sự dỗi hờn vô cớ làm Bách càng thêm ngạc nhiên...
Chuyện vợ chồng Hạnh-Bằng cãi nhau, rồi goánh nhau (thực ra là chị bị goánh), rồi lại huề nhau vui vẻ “như chưa hề có cuộc… goánh nhau” xảy ra như cơm bữa, riết rồi trong con hẻm này, chẳng ai còn để ý nữa...
Chuyến về quê của tôi chỉ là đi từ Nam ra Bắc, vì tôi là một cư dân của Sài An, tức là Sài Gòn, nói văn vẻ dựa hơi Tràng An một tí. Đối với tôi, thành phố hoa lệ một thời mà tôi đã sinh sống từ thuở thơ ấu đến ngày bạc tóc hôm nay vẫn mãi là Sài Gòn. Và chỉ là Sài Gòn thôi...
Hôm cô tự kết liễu đời mình, cô mặc chiếc áo lụa trắng ra chợ huyện như một thói quen. Ra chợ nhưng cô không mua thức ăn như mọi lần về nấu cho cô và gã bác sĩ bộ đội ăn tối. Đầu óc cô hoàn toàn trống rỗng như tờ giấy trắng tinh, hai chân cô như bị vô thức sai khiến, mắt cô nhìn nhưng chẳng hình ảnh nào đập vào trí óc, và các thứ âm thanh hỗn độn của một buổi họp chợ sáng nghe như những nhiễu âm không qua máy lọc...
Tương truyền đây là những lời thơ Nôm mà vua Quang Trung phê vào sớ tâu của dân làng Văn Chương. Tờ sớ khá dài, trong đó nêu lên sự hư hoại gãy đổ bia tiến sĩ ở văn miếu. Người dân đồ đoán văn miếu bị tàn phá là do quân Tây Sơn trong lúc đánh dẹp họ Trịnh đã gây ra vừa đưa thêm giả thuyết do Trịnh Khải cho người phá hoại để đổ vấy cho Tây Sơn. Điều đáng nói ở đây là khi nhận sớ, vua Quang Trung chẳng những không giận dữ mà còn đích thân dùng chữ Nôm để phê với thái độ cầu thị vô cùng đặc biệt của ngài...
Mấy người khác đều thay nhau thử bồng nhưng đứa trẻ nhất quyết không chịu và cứ một mực đòi sư Khánh Vân. Sư Khánh Vân gọi chú tiểu Công Sơn lại bế thử thì người ta lại ngạc nhiên thấy đứa nhỏ nín khóc chịu cho bồng. Mọi người đều cười...
Năm tôi lên mười, O Xưa đã trên ba mươi. Ở con đường Nam Giao, thành phố Huế, từ đầu dốc tới cuối dốc, O Xưa đi lên đi xuống hằng ngày giống như một cái bóng, vì hình như O không sống với người. O Xưa sống với ma, người chồng ma của O vô hình, ở đâu đó, trên cây, trong cỏ, trên lá, trong vòm trời, trong bóng mây, O kể lể vậy. Có thể nhìn thấy O Xưa vào buổi sáng, vào giờ công chức đi làm, học sinh đi học và các bà nội trợ Huế ngồi xúm xít bên gánh bún bò ngon nổi tiếng của mụ Dục, bên gánh cơm Hến của mụ Khế, gánh bánh canh từ Nam Phổ của mụ Cau. Buổi trưa, lúc O Xưa đi từ trên con dốc xuống, đầu đội nón thì mấy bà nội trợ đang ngồi lê đôi mách với nhau ở cái quán tre đầu một con hẻm.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.