Hôm nay,  

Nhà Thơ Trần Vàng Sao: Thơ và Người

28/03/201900:05:00(Xem: 5595)

Không biết có bao giờ khi viết Bài thơ của một người yêu nước mình, ông nghĩ rằng ông cũng là một bài thơ, và là bài thơ của “một người yêu nước mình”? Có thể nói rằng may mắn của tôi cũng như một số anh em văn nghệ cùng thế hệ tôi là được ngồi uống trà, trò chuyện với Trần Vàng Sao trong một bối cảnh hết sức đặc biệt. Nói rằng trò chuyện với Trần Vàng Sao trong một bối cảnh hết sức đặc biệt bởi có ba cái đặc biệt cơ bản: Con người đặc biệt; Thời thế đặc biệt và; Câu chuyện đặc biệt.

H1
Trần Vàng Sao và vợ ông Nguyễn Thị Hay.


...
Buổi sáng tôi mặc áo đi giày
ra đứng ngoài đường
Gió thổi những bông nứa trắng bên sông
Mùi tóc khô còn thơm lúa mùa qua
Bầy chim sẻ đậu trước sân nhà
Những đứa trẻ đứng nhìn ngấp nghé

Tôi đi hết một ngày
Gặp toàn người lạ
Chưa ai biết chưa ai quen
Không biết tuổi không biết tên
Cùng sống chung trên đất
Cùng nỗi đau chia cắt Bắc Nam
Cùng có chung tên gọi Việt Nam
Mang vết thương chảy máu ngoài tim
Cùng nhức nhối với người chết oan ức
Đấm ngực giận hờn tức tối
Cùng anh em cất cao tiếng nói
Bản tuyên ngôn mười bốn triệu người đòi độc lập tự do
Bữa ăn nào cũng phải được no
Mùa lạnh phải có áo ấm
Được nói cười hát ca yêu đương không ai cấm
Được thờ cúng những người mình tôn kính
Hai mươi năm cuộc đời chưa khi nào định.
Tôi trở về căn nhà nhỏ
Đèn thắp ngọn lù mù
Gió thổi trong lá cây xào xạc
Vườn đêm thơm mát
Bát canh rau dền có ớt chìa vôi
Bên hàng xóm có tiếng trẻ con khóc
Mẹ bồng con lên non ngồi cầu Ái tử
Đất nước hôm nay đã thấm hồn người
Ve sắp kêu mùa hạ
Nên không còn mấy thu
Đất nước này còn chua xót
Nên trông ngày thống nhất
Cho bên kia không gọi bên này là người miền Nam
Cho bên này không gọi bên kia là người miền Bắc
Lòng vui hôm nay không thấy chật
Tôi yêu đất nước này chân thật
Như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi
Như yêu em nụ hôn ngọt trên môi
Và yêu tôi đã biết làm người
Cứ trông đất nước mình thống nhất.
(Trích Bài thơ của một người yêu nước mình – Trần Vàng Sao).

Nhà thơ Trần Vàng Sao
Trần Vàng Sao


Riêng phần con người đặc biệt, không chỉ riêng Trần Vàng Sao mà vợ và các con ông cũng khá đặc biệt. Bởi Trần Vàng Sao có tính cánh và hành xử không giống bất kì ai, ông có lối nhiếp sinh riêng biệt, có lẽ, có được tính cách này là do căn cơ trí tuệ thông minh, hóm hỉnh của ông đã được tôi luyện qua lò lửa đại họa mà đảng Cộng sản đã dành cho ông trên đất Bắc từ những năm 1970, khi đó, ông đang “dưỡng bệnh” trên đất Bắc theo chỉ định của cấp trên sau vụ Mậu Thân – 1968, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Kha và những người khác được ở lại Huế, riêng Nguyễn Đính (tức Trần Vàng Sao) “được” đưa ra miền Bắc dưỡng bệnh mà chính ông cũng không biết lúc đó mình bị bệnh gì mà phải dưỡng. Để rồi sau đó, năm 1970, ông chỉ viết vài dòng hồi ký về Mậu Thân 1968 thì bị đưa ra đấu tố, bị bắt nhốt nhiều lần và bị cách ly trên đất Bắc. Năm 1975, ông xin về lại Huế để công tác thì cấp trên từ chối. Ông tự động bỏ về và làm việc lặt vặt trong trung tâm văn hóa thành phố Huế cho đến ngày nghỉ hưu (nhưng hình như chính xác là nghỉ chế độ 176 – tinh tuyển cán bộ thiếu trình độ - trong khi đó, Trần Vàng Sao là một trí thức, nhà thơ, thành phần sinh viên đại học đi đấu tranh ở Huế những năm 1960!), mà hình như là hưu không có lương.

Sau “hưu”, ông đói vất đói vưởng, vợ ông, bà Nguyễn Thị Hay bưng từng rổ sung, rổ vả ra chợ bán, rồi mua từng rổ cà, rổ dưa lên chợ An Cựu bán kiếm lãi mà mua gạo, mua khoai. Mãi cho đến khi các con của ông trưởng thành, kiếm được công việc để tự nuôi thân thì bà Hay mới bớt gánh nặng. Nhưng vẫn còn những gánh nặng khác mà chỉ có ông với bà mới thấu hiểu. Có lẽ chính vì chỉ có hai người mới thấu hiểu nhau nên lần nào tôi ghé thăm, cũng chỉ có hai ông bà lui cui nấu nước, pha trà, châm rượu. Cũng xin nói thêm, trước khi qua đời chừng mươi năm trở lại, bà Hay có món rượu trắng nấu từ gạo (không biết mua hay tự nấu?) mà thi thoảng, gặp khách thân tình bà lại mang ra một chai loại đựng nước suối nhỏ để ông rủ khách uống. Tôi may mắn được uống với ông vài lần. Lần đầu tiên có họa sĩ – nhà văn Lê Minh Phong cùng uống, lần đó anh dẫn đường, một lần đáng nhớ cho những lần sau cũng đáng nhớ!

H2
Đạt Ma Tổ Sư



Một chiều mưa tháng 10 năm 2010, sau khi đi ra vùng lũ Quảng Bình về, tôi ghé rủ Lê Minh Phong cùng tôi đến thăm ông, Phong biết nhà, từng nhiều lần đến chơi, trò chuyện và uống rượu với ông. Cũng xin nói thêm, riêng về văn nghệ trẻ, ở Huế nói riêng Việt Nam nói chung, có lẽ chỉ có Lê Minh Phong và Nguyễn Lãm Thắng gần ông nhất. Và thường thì ông ít mời khách uống rượu, ông có nước trắng, nước trà và rượu, khách thân thì mời trà mời rượu, khách sơ ông mời nước trắng vì lý do “bà nhà chưa kịp đun nước sôi để pha trà, mong thông cảm”. Thắng Và Phong có thể ngồi cả buổi chiều, uống rượu, xem tranh, đọc tranh và nghe ông diễn giải về những bức Đạt Ma Tổ Sư do ông vẽ. Dường như ngoài thơ, ông vẽ Đạt Ma Tổ Sư nhiều nhất. Và có một điểm lạ trong tranh của ông là bức Đạt Ma Tổ Sư nào cũng trông rất giống Trần Vàng Sao.

Lần đó, tôi vào thăm, ông đang ngồi trên chiếc ghế đẩu cũ, dưới gốc cây vú sữa (chắc cũng chừng 100 năm tuổi) trước sân. Mưa mới ngớt, ông ngồi mặc cho nước giọt tí tách vào ly nước và trên mái tóc lưa thưa vài trăm sợi của mình. Ông bắt tay tôi và Phong, sau đó ông mời hai ly nước trắng. Tôi thì thấy bình thường nhưng Phong có vẻ ngạc nhiên lắm. Ngồi trò chuyện một lúc, ông lại mời nước trà, sau đó bà vợ ông mang rượu lên và ba người ngồi uống nhâm nhi, ông uống rất chậm, cả một giờ đồng hồ mới xong ly rượu. Trong lúc uống rượu, ông như sực nhớ ra điều gì, ông nói: “Nãy giờ mãi trò chuyện, mình quên mất một thủ tục rất quan trọng, do trí nhớ của mình kém nên mong Thái thông cảm, mình phải ghi lại!” Nói xong ông lấy ra một cuốn sổ dày, ngoài bìa ghi 2010, ông nói tiếp: “Mỗi năm mình lưu một sổ như vậy đó!”. Nói xong ông hỏi họ tên, địa chỉ, chỗ ở của tôi và ghi lại đầy đủ “Ngày… Liêu Thái từ Quảng Nam ra, có ghé thăm nhà tôi cùng với Lê Minh Phong. Chúng tôi chỉ ngồi nói chuyện suông, uống nước trà chứ không nói chuyện gì to tát…”.



Viết xong, ông gấp cuốn sổ lại và mang đi cất. Tôi hỏi thăm ông viết được bao nhiêu năm rồi thì ông nói kể từ năm 1980, ông bắt đầu ghi chép như vậy, mỗi năm một sổ. Như vậy, đến năm 2010 là cuốn thứ 30. Tôi vờ tò mò xin xem các cuốn của năm trước, nhất là năm 1980 sổ in bằng loại giấy gì, bìa thiết kế ra sao… Thì ông có vẻ quên mất cả cái bìa của thời đó và ông nói hiện tại ông chỉ có đúng một cuốn của năm 2010. Chúng tôi uống thêm vài ly thì tạm biệt ông, trước khi tạm biệt, tôi xin ông một bài thơ sáng tác gần nhất và “trả nhuận bút” tại chỗ để ông uống rượu. Tiễn chúng tôi ra đường (nhà ông ở sâu trong một con hẻm phía bên kia bờ Đập Đá, trước đây nó thuộc ngoại ô Huế, gần thôn Vĩ Dạ), ông nói nhỏ: “Mình nói thật, mấy cuốn sổ đó mình phải nộp sau mỗi năm, nên Thái hỏi mình chẳng có đâu!”. Tôi cũng nói nhỏ lại: “Em biết chứ, nếu ghi theo nhật ký thì anh dâu có ghi theo giọng báo cáo như vậy!” Ông nhìn xoáy vào mắt tôi rồi vỗ vai, cười. Nét cười cùa ông tròn vo, bởi răng ông rụng gần hết, bởi ông có ánh mắt trong veo…

Sau lần thăm đó, cứ mỗi lần đi Huế tôi lại ghé thăm ông, có lúc đi cùng Lê Minh Phong, có lúc đi một mình. Cũng có lần anh Mặc Lâm của đài RFA nhờ tôi tìm cách nối liên lạc với ông để anh phỏng vấn ông, tôi nhờ anh Nguyễn Lãm Thắng ghé lại nhà để anh Lâm gọi vào số điện thoại anh Thắng (vì Trần Vàng Sao không dùng điện thoại). Đài RFA, BBC, VOA, theo Trần Vàng Sao nói với tôi và Thắng thì ông không bỏ sót chương trình nào. Và những bình luận của ông với tôi trong đôi lần trò chuyện đều là tin tức mới cập nhật đêm qua. Nhưng khi anh Mặc Lâm gọi, xưng tên và muốn phỏng vấn thì ông nói “RFA là đài nào hè? Mình không biết chi mô hết trơn. Tai mình điếc nên chẳng nghe chi mô hết!” Nguyễn Lãm Thắng đâm thất vọng về chuyện này. Về sau, tôi và Thắng trò chuyện, tôi bình luận về “cái điếc” của Trần Vàng Sao khi sống trong một môi trường mà ông nghĩ gì nói gì thì chờ vợ đi chợ về, con cái đi làm mới dám nói nhỏ cho bà nghe. Ai đến thăm, làm gì, nói gì đều phải ghi sổ lại để nộp… Ông “điếc” cũng phải!

Hai nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng và Trần Vàng Sao
Trần Vàng Sao và Nguyễn Lãm Thắng



Sau lần trò chuyện đó, Thắng và tôi trở nên quí ông hơn nhờ cái chứng “điếc” của ông. Và cũng từ dạo đó, Thắng ghé ông thường xuyên hơn, đôi ba bữa thì mang ít rượu, bia, mồi nhắm cùng nhậu với ông, tặng ông chút tiền để ông uống trà, mua giấy bút (ông không biết dùng máy tính và cũng không có máy tính để dùng) mà sáng tác. Về sau, có đôi lần, Thắng điện thoại tôi với giọng buồn rầu: “Mi ơi, dạo rày ổng có vẻ lẩn thẩn và bệnh tuổi già rồi. Gặp ai ổng cũng ngửa tay xin vài ngàn mà không biết xin để làm chi! Tau hay nhắc ổng đừng như vậy thì ổng bảo ổng cũng không biết tại sao khi người ta về là ổng muốn níu lại, xin một thứ gì đó. Hay là cuộc đời ni lấy của ổng nhiều quá rồi, giờ ổng xin lại, xin vô thức…?!”

Nghe Thắng nói vậy, tôi chỉ biết lặng người và nhờ Thắng cho mượn một ít tiền chiều ghé xuống tặng ông rồi mai mốt tôi gửi trả sau! Tôi cũng lấy làm lạ là ông có vài người con, họ khá “thành đạt” trong chế độ này, có người làm bí thư phường, chủ tịch phường, nhà cửa bề thế, sống gần nhà ông. Nhưng hầu như ông bà sống riêng một cõi. Khi có mặt họ thì hai ông bà im thin thít, không nói nửa câu.

Có lần tôi viết bài về Mậu Thân – Huế 1968, tôi tìm đến ông, trò chuyện với ông một lúc lâu, tôi hỏi thẳng: “Theo anh biết thì Hoàng Phủ Ngọc Tường có tham gia vào trận tắm máu Huế Mậu Thân không?”. Ông im lặng một lúc, đủng đỉnh trả lời: “Hồi đó, mình ở dưới này, mình chứng kiến nhiều thứ, và nếu như tắm máu, tội ác thì mình mới là kẻ như thế cho dù cả đời mình chưa biết làm ai đổ máu cho dù là viên đạn lạc của mình… Mình chỉ biết theo thông tin cấp trên là lúc đó Tường ở trên căn cứ…”. Tôi hỏi: “Nhưng có nhiều nguồn tin xác tín chứng minh rằng ông Tường tham gia trực tiếp vào thảm sát Huế?!”. Ông lại im lặng một lúc rồi trả lời: “Thôi kệ, chuyện qua lâu rồi, mình chỉ mong những người chết có mồ yên mả đẹp và mình mong mỏi họ được siêu thoát. Cả người chết và người sống cần phải được siêu thoát!”

Cái câu “cả người chết và người sống cần được siêu thoát” của ông khiến cho buổi chiều Huế thêm phần ảm đạm buồn. Tôi lại tạm biệt ông, lần này là vĩnh biệt. Vì sau lần thăm đó, tôi ít đi Huế và cũng không có dịp ghé thăm ông. Vả lại dù biết nhau nhưng cứ ghé thăm thì ông lại “quên” và lấy sổ ra ghi chép nên tôi đâm ngại. Mãi cho đến ngày ông ra đi, những bạn văn, bạn thơ của ông khắp đất nước đến phúng điếu, làm thơ và viết báo nói về ông. Tôi đọc rất nhiều bài kể về mối quan hệ thân thiết giữa tác giả với ông nhưng hầu như không có bài nào nhắc đến chi tiết ông lấy sổ ra ghi chép tên tuổi ngày giờ mặc dù có người nhận mình là bạn chí cốt hoặc tâm giao gì đó của ông.

Riêng tôi, tôi chỉ kể lại những câu chuyện gặp gỡ của một kẻ vãn bối hậu sanh đến thăm ông như thăm một bậc tiền bối đáng kính. Và thực tâm mà nói, mặc dù lần nào cũng được ông bà cho uống trà, rượu, rủ ở lại ăn cơm, thậm chí có bữa ông khoe vừa bán được bức Đạt Ma Tổ Sư để mua mực vẽ tiếp, mua ít thịt cá về ăn… Nhưng tôi chẳng hiểu gì và cũng chưa bao giờ dám xem mình là bạn tâm giao gì đó của ông. Bởi ở ông là cả một kho tàng lịch sử chôn kín, cả một thế giới chỉ có ông và bà biết với nhau, ông suy nghĩ, nói ra cho bà ghi chép hoặc lưu giữ. Chỉ có ông và bà! Có lẽ vì vậy mà ông qua đời tròn một tháng, bà với vai trò làm vợ, lo mọi chuyện tang chay cho chồng xong, bà lại thả bước theo ông sau một đêm. Bà ra đi thanh thản theo ông sang bên kia để lại tiếp tục làm thư ký, nấu ăn, che chở và cưu mang cho ‘bài thơ của một người yêu nước mình”.

Bởi lẽ, chỉ có bà mới đủ để nhìn ra và che chở cho ông, một hữu thể cô đơn, cô độc đến tận cùng. Và ông cũng là một bài thơ, như những gì ông viết!

Liêu Thái

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Có nhiều câu hỏi về tái sanh thường được nêu ra đối với các Phật tử. Có tái sanh không? Nếu có, có thể nhớ chuyện kiếp trước không? Cái gì tái sanh?
Ngày mùng Một tháng Mười 1959, sau khi vào được Bắc Kinh, Mao Trạch Đông công bố thành lập nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa. Chỉ mấy tháng sau, quân Tầu Đỏ tiến sang lãnh thổ Tây Tạng.
Số phận Việt Nam luôn luôn gắn liền với những sóng gió, một thời dao động (và chuyển động) theo một phần Châu Á, và bây giờ là theo toàn phần Châu Á.
Chưa bao giờ không khí sinh hoạt chính trị dòng chính tại Mỹ của cộng đồng người Mỹ gốc Việt lại sôi nổi và đa dạng như trong năm vừa qua, với sự hăng hái và ào ạt tham gia của giới trẻ Mỹ gốc Việt.
Từ nhiều thế kỷ rồi, cứ ngỡ toàn cầu là cái đỉnh ba chân. Âu Châu đã thống trị thế giới và khuất phục Á Châu trong vài trăm năm.
Mừng Xuân Kỷ Hợi 2019, suy ngẫm chuyện xưa: Đúng 1080 năm trước, vào một năm Kỷ Hợi, Việt Nam giành lại độc lập khi Ngô Quyền xưng Vương vào năm 939.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.