Hôm nay,  

Việt Nam Làm Gì Với 1080 Năm Độc Lập

12/02/201900:05:00(Xem: 4004)
800px-Tượng_Ngô_Quyền
Tượng Ngô Quyền


Mừng Xuân Kỷ Hợi 2019, suy ngẫm chuyện xưa: Đúng 1080 năm trước, vào một năm Kỷ Hợi, Việt Nam giành lại độc lập khi Ngô Quyền xưng Vương vào năm 939. Sau hơn ngàn năm Bắc thuộc, với khả năng đồng hóa các lớp di dân từ phương Bắc, người Việt đã “hội nhập” – qua chiến tranh – các địa phương và sắc tộc bản địa, nhưng vẫn dưới bóng rợp của văn hóa chính trị Trung Hoa. Trong hai thế kỷ vừa qua, tiến trình “hội nhập” đó mở ra thế giới bên ngoài, cũng lại qua chiến tranh…. Chẳng lẽ độc lập ngày nay là tái hội nhập vào Đế quốc Trung Hoa?

Nhìn lại 1080 năm độc lập của nước nhà, chúng ta dễ tự ru ngủ với thứ kiến thức chính thức, chân lý của nhà cầm quyền ở VN hiện nay tổng hợp cho hậu thế. Đó là sự khoa trương về một chủ nghĩa dân tộc hào hùng đã từng đánh thắng mọi đợt ngoại xâm. Để rồi cuối cùng là đưa cả dân tộc vào quỹ đạo của Đế quốc Trung Hoa.

Nếu chủ động nhìn lại địa dư và lịch sử để biết mình là ai, đã làm những gì để khỏi bị Bắc thuộc, thì có lẽ ta sẽ khiêm nhường hơn để giữ bản sắc riêng trong một thế giới luôn luôn đổi thay.

Trước hết, đa số thời gian của 1080 độc lập vừa qua lại là nội chiến hơn chiến đấu chống ngoại xâm. Trong 70 năm sau khi Ngô Vương Quyền lập quốc cho tới khi nhà Lý xác định chủ quyền của Việt tộc, là nội chiến giữa các lãnh tụ hay lãnh chúa của thời Đinh và Tiền Lê tại một số khu vực miền Bắc.
Từ Lý Công Uẩn hay Lý Thái Tổ, chúng ta có vài trăm năm “lập quốc” và hình thành ý thức “quốc dân” hay quốc gia dân tộc. Nhưng sau 200 năm trong 1080 năm độc lập, nhà Lý lụn bại và nội chiến lại xảy ra cho tới khi nhà Trần lên ngôi. Khi ấy, nước ta còn nhỏ và lãnh thổ còn hẹp, từ Mê Linh tới Đại La, lên Cổ Loa, xuống Hoa Lư đã là xa xôi, mà vùng nào cũng có thế lực tranh đoạt quyền lực với nhau. Tranh đoạt ấy là chinh chiến, sau đó mới là “hội nhập”.

Ai cũng nhớ dân ta vào đời Lý chúng ta đã phá Tống bình Chiêm, vào đời Trần đã ba lần thắng Nguyên Mông, sau đó còn thắng nhà Minh để có đời Lê với Lê Lợi, Nguyễn Trãi và Lê Thánh Tông. Nhưng giữa ba cái đỉnh cao đó, toàn là những khoảng trũng của lịch sử…

Nhìn vào nhiều chuyển động ngầm ở dưới trong các khoảng trũng ấy, ta có thể tự hỏi rằng “người Việt là ai” và làm gì trong các thời đại ấy.

Đó là những người sinh sống trên bản địa, ban đầu là châu thổ sông Hồng, sông Chu, sông Mã. Họ đã Việt hóa người Tầu từ phương Bắc chạy qua trong thời Tần Hán hay Đường Tống trong khi tầng lớp quý tộc ở trên tranh đoạt quyền lực giữa từng địa phương với nhau. Việc tranh đoạt ngày càng thu hẹp, hết còn là Thập nhị Sứ quân, nhưng lại dữ dội hơn, thí dụ như giữa Hoa Lư và Thăng Long.

Tiến trình đó được gọi là hội nhập, hay thống nhất. Nhưng đời Trần vô cùng anh dũng đã ba lần đánh thắng ngoại xâm mà vẫn duy trì chế độ nô lệ và sau chiến thắng, người dân đã từng đóng góp máu xương cho nền độc lập vẫn cúi đầu trước tầng lớp quý tộc, rồi tầng lớp đó lại dần dần tự Hán hóa.

Khi nhà Trần lụn bại, nhà Đại Minh thành hình tại Trung Quốc, đã nhân danh việc phục hồi nhà Trần mà đưa quân xâm chiếm Việt Nam.

So với thời trước, lãnh thổ nước ta thời đó đã mở rộng hơn và chính là người Việt hay các sắc tộc sau này được gọi là người Việt đã nổi dậy từ đất Thanh Hóa Nghệ An. Họ coi thường Thăng Long, gọi là Đông Đô, là ưa cúi đầu. Từ Thanh Hóa nổi lên, Lê Lợi giải phóng Thăng Long nhưng cũng mở ra tranh chấp giữa hai loại công thần từ hai nơi. Nguyễn Trãi chết kẹt ở giữa, là dân Thăng Long vào Thanh Hóa cứu nước mà sau lại mất mạng.

Thế rồi đã có lúc đất nước chia tư, Lê, Mạc, Trịnh, Nguyễn và Kiêu binh Thanh Nghệ Tĩnh đã làm triều Lê suy sụp, nhà Trịnh tiêu vong.

Chẳng lẽ yếu tố địa phương lại khiến người Việt ta khó thống nhất với nhau khi đã giành lại độc lập từ phương Bắc?

Ngẫm lại thì sau khi lên ngôi và cầm quyền, lãnh tụ nào cũng nói “dân tộc là một” mà thật ra vẫn có tinh thần phe đảng hay địa phương nhằm củng cố quyền lực.

Những người khôn ngoan nhất thì dùng triều đình và trí thức để nói dân tộc là một, nhưng là một nhánh của nền văn hóa Trung Hoa. Đôi khi, vì tranh đoạt quyền bính, có kẻ nhận làm chư hầu của Trung Hoa để tìm viện binh, xưa kia có Lê Chiêu Thống, ngày nay có Hồ Chí Minh và các hậu duệ.
Trong khi đó, người dân dù bị áp bức, vẫn nghĩ khác: Họ không hề muốn là người Trung Hoa!



Hoi cho Tet Sinh vien o Cali
Hình ảnh tự nói lên sức sống: Một sinh hoạt cho thiếu nhi tại Hội Tết Sinh Viên tại Nam Cali.


Nói đến 1080 năm độc lập, chúng ta cần nhìn rõ điều này, và nhìn vào Đàng Trong khi chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa cách nay đúng 460 năm, vào năm 1558. Các Chúa Nguyễn đã mở ra một cơ hội mới cho dân ta không chỉ về địa dư mà còn về nhận thức.

Nhìn lại thì 850 năm sau khi Ngô Quyền xưng Vương, và Bắc Bình Vương xưng Đế là Quang Trung, dân ta đã ra khỏi không gian hai chiều Nam-Bắc - Việt Nam và Trung Quốc - để tìm một bản sắc và định mệnh mới. Cuộc thử nghiệm đó của Quang Trung thất bại vì nhiều lý do, kể cả vì tình anh em mà để cho Nguyễn Nhạc thành ông vua cát cứ hưởng nhàn tại địa phương của mình. Sau đó là tinh thần chuyên chế của Nguyễn Ánh khi lên ngôi là Gia Long lại đưa xứ ta vào văn hóa Trung Quốc.

Với nhiều ưu nhược điểm, Quang Trung Nguyễn Huệ không may mất sớm khi còn trẻ làm chúng ta tự ru ngủ với “lịch sử giả định” cho đỡ buồn. Với nhiều ưu điểm, Gia Long Nguyễn Ánh lại đưa triều đình vào hệ thống chính trị Trung Hoa. Vì vậy, các Hoàng đế thời Nguyễn Sơ mới hết đất cựa khi bị thực dân tấn công.

Người Đàng Trong là dân Miền Nam từ thời Đào Duy Từ tới hai nền Cộng Hòa đã tìm ra không gian sinh hoạt rộng lớn và tự do hơn, một không gian sau này ta gọi là “toàn cầu hóa”. Nhưng không may là miền Nam lại dựa vào các nước Tây phương theo chế độ dân chủ thiếu kiên nhẫn nên bị bức tử. Hồ Chí Minh và hậu duệ được yểm trợ bền bỉ hơn từ "đồng chí quan thầy".

Và nhìn từ thế kỷ 21 thì nền độc lập hiện nay của Việt Nam chỉ còn là thứ độc lập của chư hầu! Xin ngẫm lại mà xem, vì sao sau Thăng Long, Hoa Lư, Thanh Hóa, Gia Định và Đà Nẵng, ngày nay dân ta lại nói đến mật ước Thành Đô mãi tận Tứ Xuyên và lo ngại mối nguy từ Đông Hải?

Trong ngàn năm Bắc thuộc, dân ta nhịn nhục sinh sống mà cố duy trì bản sắc riêng dù vẫn bị binh đội Trung Hoa tấn công nhiều lần, ít ra là bốn lần, sau mỗi lần quật khởi để giữ lấy quyền quyết định. Qua ngàn năm Bắc thuộc đó, dân ta đã hội nhập vào một hệ thống văn hóa chính trị với các yếu tố xã hội, gia đình, ẩm thực, y khoa, tôn giáo, văn học nghệ thuật tưởng như là của Trung Hoa mà thật ra vẫn khác. Những thế hệ người Hoa bước vào nước ta có góp phần Hán hóa, nhưng họ cũng lại học theo cái khác đó của dân ta và dần dần tự Việt hóa, thậm chí cầm quân chống lại phương Bắc.

Đâm ra, vì lý do địa dư, chúng ta dễ bị một cường quốc láng giềng chiếm đóng mà vẫn muốn có một định mệnh khác.

Nhật Bản là quần đảo cách xa nên có thể gạn lọc hay dở và giữ lấy bản sắc riêng, rồi còn khuất phục Trung Hoa. Dân Cao Ly trên bán đảo Triều Tiên lạnh lẽo cũng vùng dậy khi nhà Hán sụp đổ và lập ra một nền văn minh tưởng như của Tầu mà vẫn khác. Dân ta phải đợi khi nước Tầu có loạn sau giai đoạn Tùy-Đường, vào thời Ngũ Đại Thập Quốc, thì Ngô Quyền mới giành lại độc lập.

Yếu tố địa dư hình thể phần nào giải thích sự gian lao và chậm rãi đó. Nhưng nỗi khát khao tự do trong sự khác biệt mới là động lực lâu bền của độc lập.
Nhìn từ Trung Quốc, xứ này coi nước ta là chư hầu, không về chính trị thì về văn hóa, giáo dục và thật ra họ tốn kém rất nhiều từ xương máu đến tiền bạc trong nhiều thế kỷ, kể cả những gì họ mất trong thế kỷ 20 cho việc bảo vệ chế độ Hà Nội. Nên họ tự coi là có quyền với mảnh đất phương Nam. Về phần Việt Nam, giới thượng lưu mới vẫn quen thói cũ là mỗi khi gặp vấn đề thì nhìn vào Trung Quốc để tìm giải pháp.

Nguoi VN Houston
Người Việt tại Houston tập họp.


Nhưng thế giới đã đổi thay làm đảo lộn các khái niệm địa dư của vạn năm trước. Phân nửa miền Nam của Việt Nam sớm thấy đổi thay này từ thế kỷ 16-17, mà thất bại trong thế kỷ 19-20. Và phân nửa miền Bắc đang thực tế lãnh đạo cả nước dưới cái bóng của Tầu, kềm hãm sự phát triển của đất nước.
Còn lại hy vọng chính là cộng đồng người Việt xa xứ từ thời 1975, những người Việt tự do từ miền Nam ra đi, để bảo vệ cái khác, cái riêng và xây dựng giấc mơ về một tương lai độc lập cho Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử mất ngàn năm, hơn ba triệu người Việt ở hải ngoại đang là cầu nối cho Việt Nam, nối liền quá khứ với tương lai, và san bằng những cách ngỡ của địa dư mà tìm lại một nền độc lập khác, cho một Việt Nam khác

VÕ THÀNH VĂN

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tây Tạng, vùng đất mái nhà của thế giới, là nơi đã sinh ra nhiều bậc thánh giả siêu việt, mà ngài Lạt Ma tái sinh Zong Rinpoche là một trong những hình ảnh tiêu biểu.
Có nhiều câu hỏi về tái sanh thường được nêu ra đối với các Phật tử. Có tái sanh không? Nếu có, có thể nhớ chuyện kiếp trước không? Cái gì tái sanh?
Ngày mùng Một tháng Mười 1959, sau khi vào được Bắc Kinh, Mao Trạch Đông công bố thành lập nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa. Chỉ mấy tháng sau, quân Tầu Đỏ tiến sang lãnh thổ Tây Tạng.
Số phận Việt Nam luôn luôn gắn liền với những sóng gió, một thời dao động (và chuyển động) theo một phần Châu Á, và bây giờ là theo toàn phần Châu Á.
Chưa bao giờ không khí sinh hoạt chính trị dòng chính tại Mỹ của cộng đồng người Mỹ gốc Việt lại sôi nổi và đa dạng như trong năm vừa qua, với sự hăng hái và ào ạt tham gia của giới trẻ Mỹ gốc Việt.
Từ nhiều thế kỷ rồi, cứ ngỡ toàn cầu là cái đỉnh ba chân. Âu Châu đã thống trị thế giới và khuất phục Á Châu trong vài trăm năm.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.