Hôm nay,  

Sóng Gió Châu Á và Việt Nam

15/02/201900:05:00(Xem: 3334)
H2 kinh te VN keo rat met moi
Kinh tế Việt Nam kéo rất mệt mỏi. (Ảnh: Việt Báo)


Số phận Việt Nam luôn luôn gắn liền với những sóng gió, một thời dao động (và chuyển động) theo một phần Châu Á, và bây giờ là theo toàn phần Châu Á. Việt Nam một thời bị chính phủ Pháp -- và sau đó là các nhà sử học, chính khách và xã hội học -- ghép tên vào khối Đông Dương ba nước (Việt Nam, Cam Bốt và Lào), sau đó là nhóm các nước Đông Nam Á (VN, Cam Bốt, Lào, Thái Lan, Miến Điện, Mã Lai, Singapore), bây giờ là khối ASEAN với thêm Indonesia, Brunei, Philippines. Nhưng vận mệnh ban đầu đã bị người Pháp ghép chữ, và ám ảnh hoài thôi, vì tên gọi Đông Dương là Indochine, tiếng Anh là Indochina; thế là cứ bị Trung Quốc (China) bám theo kéo đuôi hoài thôi. Có lẽ, khi nào chặt đứt cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam mới thoát khỏi bàn tay níu kéo kia thôi. May mắn, thời này thế giới nhỏ hẹp hơn; vận đất nước Việt Nam chỉ khá hơn, nếu hòa mình với Châu Á, và là hướng đi dân chủ của toàn cầu.

Châu Á hiện nay có hơn 4.5 tỷ người (60% dân số toàn cầu), sống trên 49 quốc gia, có sức tăng tổng sản lượng quốc dân GDP năm 2017 là 5.7%, chia trên bình quân đầu người là 6,690 USD/dân (và năm 2018 là 7,090 USD/dân); hồi năm 2016 Châu Á có 5.12 triệu phú đôla.

Hai nền kinh tế lớn trên thế giới ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam là Hoa Kỳ và Trung Quốc (TQ). Dao động kinh tếâ chuyển biến theo từng quý, có khi từng tháng.

Trong tháng 1/2018, tổng trị giá kim ngạch xuất cảng của Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 3.7 tỷ USD. Như thế, trong tháng 1/2018, Trung Quốc tạm vượt Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Nhưng trong nhiều năm vừa qua, cả trọn năm 2017, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê VN, trong 11 tháng đầu năm 2018, Hoa Kỳ là thị trường xuất cảng lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 43.7 tỷ USD.

Những con số như thế đã cho thấy Việt Nam đã và đang tìm cách thoát ảnh hưởng khu vực, nhờ vươn xa tới Hoa Kỳ. Dĩ nhiên, cũng sẽ còn rất lâu mới không bị các chuyển động của TQ, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, tác động. Đặc biệt là trong thời chiến tranh thương mại hiện nay, khi viễn ảnh kinh tế năm 2019 của Châu Á một phần sẽ định hình từ cuộc chiến đó, và khi kinh tế TQ đang lộ các dấu hiệu suy giảm, khi sức tăng kinh tế TQ trong năm 2018 đã yéu nhất kể từ 1990.

Tổng sản lượng quốc dân GDP của TQ tăng chỉ 6.8% trong quý đầu của năm 2018, thế rồi giảm còn 6.7% trong quý 2, và giảm còn 6.5% trong quý 3. Mức giảm đó cũng một phần vì chính phủ TQ giảm chi xài hạ tầng nhằm giảm nợ của các địa phương. Thế nhưng, năm 2019 sẽ còn thê thảm hơn, khi chiến tranh thương mại với Mỹ leo thang.

Nếu không đạt thỏa ước thương mại với Mỹ vào hạn chót là ngày 1 tháng 3/2019, và nếu Mỹ tăng thuế quan từ 10% lên 25% đối với trị giá 200 tỷ đôla hàng hóa TQ, kinh tế TQ sẽ còn bi thảm thêm. Thực sự, kinh tế TQ tự thân đã có vấn đề, chứ không chờ tới xô xát với Mỹ.

Viễn ảnh thấy được cho kinh tế TQ là mức sụt giảm Chỉ số Caixin về Các Nhà Quản Lý Mua Hàng (Caixin Purchasing Managers Index -- PMI) trong tháng 12/2018 là 49.7, giảm từ 50.2 của tháng trước đó. Kinh tế TQ suy giảm đã làm dao động khắp Châu Á, vì TQ là đối tác chính của hầu hết các nước trong đó. Hiện tượng đó thấy rõ trong nửa sau của năm 2018.

Trong những ngày đầu năm, công ty khổng lồ Hoa Kỳ Apple xác nhận rằng nền kinh tế TQ suy yếu sẽ ảnh hưởng thương vụ. Lập tức trong ngày, chỉ số Dow Jones của chứng khoán Hoa Kỳ giảm 600 điểm, trong khi trị giá chứng khoán Apple giảm 9%.

Như thế, có thể đoán rằng trong các bản phúc trình lợi tức vài tuần sau dó của các công ty đa quốc như General Motors, Volkswagen và Starbucks cũng bị tác động từ ảnh hưởng của thị trường dân số đông nhất thế giới này.

Nhật Bản cũng bị tác động sau bản tin về Apple. Thông tấn NHK ghi rằng trong phiên giao dịch đầu tiên của 2019, chỉ số Nikkei, chỉ số chủ chốt trên Thị trường Chứng khoán Tokyo, đi theo đà giảm mạnh của Thị trường Chứng khoán Wall Street. Chỉ số Nikkei có lúc giảm hơn 700 điểm trong phiên giao dịch buổi sáng, chốt phiên ở mức 19.561 điểm, giảm 452,81 điểm, tương đương với 2,26%. Tại Tokyo, cổ phiếu của các công ty Nhật Bản cung cấp linh kiện cho Apple giảm mạnh như dự đoán. Dữ liệu cho thấy cả hoạt động sản xuất tại Mỹ và Trung Quốc trong tháng 12/2018 đều giảm, khiến cho thị trường thêm ảm đạm.

Nhưng thế giới không thể đi lùi được. Dân số ngày càng tăng, phát minh ngày càng tân kỳ, kinh tế năm 2019 của thế giới nhất định phải khởi sắc. Và kèm theo, là những hy vọng cho kinh tế Việt Nam.

Bất kể kinh tế TQ suy yếu, sức tăng kinh tế toàn cầu vẫn tăng đều. Một phần vì Quỹ dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) sẽ hoãn lịch tăng lãi suất 2019 nếu thấy các số liệu kinh tế Mỹ yếu hơn; hoãn như thế sẽ giúp làm vững kinh tế Mỹ, và rồi cho toàn cầu.

Hệ thống tài chánh thế giới đã vững vàng hơn một thập niên trước. Các ngân hàng thế giới có đủ sức chịu đựng vững hơn nhiều năm trước, nếu gặp khách hàng có nợ xấu. Thêm nữa, sau khủng hoảng tài chánh một thập niên, giới đầu tư bây giờ đã đa dạng hóa các khoản đầu tư, cả đa dạng hóa lĩnh vực và địa dư thế giới. Và như vậy, thế giới đang tự chuẩn bị áo giáp ngăn đạn để đón nhận cuộc chiến thương mãi Mỹ-TQ có thể sẽ xấu đi. Cả Việt Nam đương nhiên là cũng đang chờ bão, vì cả hai nước Mỹ và TQ là đối tác lớn nhất và nhì: trong 11 tháng đầu năm 2018, xuất cảng hàng VN có 20% sang Hoa Kỳ, 17% sang TQ.

Nếu không có gì bất ngờ, kinh tế VN trong năm 2019 sẽ thu hút lượng vốn vào theo đà của năm 2018. Khi tổng kết tri giá tiền trong các cuộc phát hành cổ phiếu lần đầu, còn gọi là IPO (Initial Public Offering), Việt Nam đã qua mặt Singapore, nơi được mệnh danh là trung tâm tài chánh quốc tế khu vực, để trở thành thị trường IPO lớn nhất Đông Nam Á Châu trong năm 2018. Nhưng khi tính số lượng hồ sơ IPO, Singapore vẫn nhiều hơn Việt Nam.

Theo bản tin CNBC, thống kê cho thấy trong năm 2018, theo thứ tự tiền trong kỳ phát hành cổà phiếu lần đầu:

-- Kinh tế Việt Nam có 5 hồ sơ IPOs, trị giá 2.6 tỷ đôla;

-- Thái Lan có 20 hồ sơ IPOs, 2.5 tỷ đôla;

-- Indonesia có 53 IPOs, 1.2 tỷ đôla;

-- Singapore có 13 IPOs, 0.5 tỷ đôla;

-- Mã Lai có 22 IPOs, 0.2 tỷ đôla;

-- Philippines có 1 IPO, 0.2 tỷ đôla.

H3 kinh te VN roi boi nhu day dien
Kinh Tế Việt Nam rối bời không gỡ nỗi (Ảnh: Việt Báo)


Tuy nhiên, sức đẩy kinh tế Việt Nam vẫn chưa thực sự đa dạng: khoản IPO lớn nhất của Việt Nam trong năm 2018 có trị giá 1.35 tỷ đôla là hồ sơ của công ty bất động sản Vinhomes. Nghĩa là, VN vẫn phải bám vào đất mới có tiền. Hẳn là trong năm 2019 và trong cả tương lai gần cũng phải dựa vào đất. Bao giờ bức phá qua bờ tường khoa học kỹ thuật, may ra kinh tế VN mới thoát khỏi số phận phần lớn dựa vào gia công.



Theo bản dự đoán về mức thu IPO cho năm 2019, 2020 và 2021, Việt Nam cũng sẽ đứng đầu danh sách về trị giá phát hành cổ phiếu lần đầu. Các số liệu tương lai dĩ nhiên chỉ là tiên đoán, vì có thể có những biến động lớn khác ảnh hưởng, thí dụ, chiến tranh quân sự ở Biển Đông hay ở eo biển Đài Loan.

Một câu hỏi ám ảnh nhiều chính phủ: Có một viễn ảnh chiến tranh quân sự giữa Mỹ và TQ hay không? Nếu tình hình này xảy ra, sẽ lay động cả thế giới, và dĩ nhiên tác động cả Việt Nam. Những vị trí trên bàn cờ tướng không thể nhường nhau được. Không thể có chuyện để cho pháo mã qua sông được. Đối với Trung Quốc, lợi ích cốt lõi đã tuyên bố từ lâu rồi: Đài Loan, Biển Đông… Mỹ cũng không thể để mất Đài Loan và Biển Đông. TT Trump chấp nhận bỏ rơi dân quân sắc tộc Kurd, chịu bỏ mặc cuộc chiến Syria cho Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ… nhưng mất Đài Loan, hay mất Biển Đông là cơ nguy tác động dây chuyền – Khối ASEAN, Nam Hàn, Nhật Bản, Úc châu…

Mới gần đây, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đưa ra lời khuyên cho người đi ra nước ngoài, kêu gọi công dân Mỹ phải cẩn trọng thêm khi vào Trung Quốc. Lời khuyên đưa ra vì nỗi lo rằng TQ có thể áp dụng luật địa phương và bắt giam công dân Mỹ mà không cần lý do gì, khi áp dụng luật cấm ra ngoài lãnh thổ TQ. Theo luật cấm ra ngoài lãnh thổ TQ, công dân Mỹ có thể bị tạm giam, hoặc bị buộc ở lại lãnh thổ TQ trong một thời hạn vô định và có thể trở thành đối tượng bị sách nhiễm và thẩm vấn.

Đặc biệt lời khuyên công dân Mỹ khi tới Trung Quốc ghi rõ rằng TQ có thể đối xử riêng với công dân Mỹ gốc Trung Hoa hay công dân Mỹ có dòng máu Trung Hoa để sẽ tăng “quấy nhiễu và khảo sát kỹ càng hơn.”

Bản văn Bộ Ngoại Giao Mỹ viết: “Nhà nước TQ trước giờ tự cho quyền hành rộng lớn trong việc cấm công dân Mỹ rời TQ bằng việc áp dụng luật cấm xuất cảnh, đôi khi giữ công dân Mỹ ở lại TQ trong nhiều năm.” Theo bản văn cảnh báo, TQ thường dùng lệnh cấm xuất cảnh để “ép buộc công dân Mỹ tham dự các cuộc điều tra của chính phủ TQ, để chiêu dụ một số cá nhân từ hải ngoại về TQ, và trợ giúp nhà nước TQ giải quyết tranh chấp dân sự để có lợi cho phía người TQ.”

Bộ Ngoại Giao Mỹ viết rằng, công dân Mỹ có thể không biết tới lệnh cấm xuất cảnh cho tới khi họ muốn ra khỏi TQ, và họ không được thông báo là lệnh cấm xuất cảnh TQ sẽ kéo dài bao lâu. Bản văn nói, công dân Mỹ bị cấm xuất cảnh ra khỏi TQ thường bị công an quấy nhiễu và hăm dọa, “có thể bị giam mà không cho tiếp cận lãnh sự Mỹ, cũng không thông báo gì về tội họ có thể bị điều tra hay truy tố, có thể sẽ bị tra vấn và giam lâu dài với cớ liên hệ tới ‘an ninh quốc gia.’” Bản văn thêm, “Công an TQ có thể giam, hoặc trục xuất công dân Mỹ vì gửi tin nhắn điện tử chỉ trích nhà nước TQ.”

Dù có chiến tranh hay không, kinh tế TQ suy yếu cũng sẽ tác độc tới VN, vì TQ là thị trường xuất cảng lớn thứ nhì của VN. Trong khi đó, bản khảo sát Deloitte cho thấy các cơ nguy thương mại tăng dần, và làm lo ngại các chuyên gia tài chánh tại các công ty đang hoạt động ở TQ. William Chou, chuyên gia của công ty tham vấn kinh tế Deloitte, nói rằng đã thấy có hướng nghịch chiều, niềm tin suy giảm và nỗi lo tăng thêm trong suy nghĩ của các chuyên gia. Bản khảo sát tài chánh có tên là China CFO Survey, thực hiện hai lần mỗi năm, qua đây Deloitte phỏng vấn các viên chức tài chánh hàng đầu tại các công ty đa quốc, công ty TQ và công ty Hong Kong.

Khi được hỏi về những thay đổi về cảm nhận của họ trong 6 tháng qua, 82% người trả lời nói rằng cái nhìn về viễn ảnh kinh tế của họ kém lạc quan. Như thế là thay đổi nhiều so với bản khảo sát trước đó, khi chỉ có 30% nói rằng dự đoán của họ kém lạc quan.

Con số từ 30% tăng vọt tới 82% kém lạc quan cho thấy kinh tế TQ gặp nhiều nan đề hơn trong tương lai gần.

William Chou là đối tác vận hành tại TQ cho chương trình các nhà quản trị tài chánh ở TQ – chương trình có tên là Deloitte China CFO Program – nói về đổi chiều lạc quan này dẫn tới từ nhiều yếu tố, trong đó có cuộc chiến thương mại giữa Mỹ-TQ chưa có lối thoát, và cả tình hình thị trường chứng khoán TQ đang sóng gió mệt nhọc.

Riêng trường hợp VN, có thể xảy ra hiện tượng tư bản đỏ TQ ôm tiền vào mua nhà đất, mua hãng xưởùng hay không?

Trong bản dự báo Global Transactions Forecast for 2019, công ty tài chánh Baker McKenzie (bản doanh ở Chicago) tiên đoán sẽ có hiện tượng M&A (mergers and acquisitions), tức là bơm tiền để mua và sáp nhập doanh nghiệp, tăng vọt trong năm 2019 tại Châu Á.

Trong khi quốc tế không nói cụ thể về VN, các nhà tái chánh tại VN đã quan sát hiện tượng này, và nêu câu hỏi: Vì sao Trung Quốc rải người thâu tóm doanh nghiệp Việt? Đó cũng là nhan đề một bài trên Báo Đất Việt ngày 5 tháng 1/2019.

Bài báo nêu trên viết:

“Năm 2018 có 1.029 lượt dự án của Việt Nam được người Trung Quốc rót 3,4 tỷ USD mua lại cổ phần, gấp đôi so với năm 2017.

Đó là số liệu thống kê mà Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ KH&ĐT mới công bố. Cụ thể, tổng vốn đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam là 2,46 tỉ USD, vốn đầu tư trực tiếp FDI cấp mới và tăng thêm là 1,6 tỉ USD, còn lại hơn 800 triệu USD là vốn đầu tư gián tiếp thông qua việc mua bán cổ phần doanh nghiệp.

Đáng nói, hơn 1.029 lượt dự án góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư đến từ quốc gia này. Tính trung bình nhà đầu tư Trung Quốc bỏ ra hơn 770.000 USD để góp vốn vào doanh nghiệp Việt Nam, tăng gấp đôi về lượng vốn so với con số 487 triệu USD cho hơn 800 dự án trong năm 2017.

Tổng Giám đốc Công ty CP Hạt điều Gia Bảo (Bình Phước), ông Trần Văn Sơn, cho hay nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang rải người đi tìm mua doanh nghiệp, đặc biệt là DN thua lỗ hoặc thiếu vốn.

Chính công ty của ông cũng nằm trong tầm ngắm của nhà đầu tư Trung Quốc.”

Bản tin Báo Đất Việt ghi rằng, không thâu tóm được doanh nghiệp của ông Sơn, các công ty Trung Quốc này đã tiến hành mua lại vài công ty khác ở Bình Phước. Không chỉ có lĩnh vực nông sản, lĩnh vực bất động sản của Việt Nam cũng được Trung Quốc quan tâm khi các công ty, tập đoàn đến từ Trung Quốc khi các công ty này chi hàng trăm triệu USD mua đứt, hoặc góp vốn để chen chân vào các dự án bất động sản tại Việt Nam. Hàng loạt dự án ở TP. Sài Gòn, Long An, Đồng Nai... đã được các chủ đầu tư chuyển nhượng hoặc có liên quan tới các nhà đầu tư Trung Quốc.

Dĩ nhiên, nơi nào dễ dàng sinh lợi, các nhà đầu tư sẽ bơm tiền vào. Chỉ có điểm cần suy nghĩ, nếu thuần tài chánh thì tiền là tiền, nhưng nếu buộc vào điều kiện chính trị, hay gài những yếu tố dễ mất chủ quyền như sẽ cho thuê đất 99 năm ở ba đặc khu ven biển, viễn ảnh sẽ thấy là mất nước, mất biển. Phải suy nghĩ kỹ, không phải đồng tiền nào cũng nên nhận vào.

Năm mới, xin gửi lời chúc hòa bình tới quê nhà, tới Châu Á và tới toàn khu vực.

Trần Khải

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tây Tạng, vùng đất mái nhà của thế giới, là nơi đã sinh ra nhiều bậc thánh giả siêu việt, mà ngài Lạt Ma tái sinh Zong Rinpoche là một trong những hình ảnh tiêu biểu.
Có nhiều câu hỏi về tái sanh thường được nêu ra đối với các Phật tử. Có tái sanh không? Nếu có, có thể nhớ chuyện kiếp trước không? Cái gì tái sanh?
Ngày mùng Một tháng Mười 1959, sau khi vào được Bắc Kinh, Mao Trạch Đông công bố thành lập nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa. Chỉ mấy tháng sau, quân Tầu Đỏ tiến sang lãnh thổ Tây Tạng.
Chưa bao giờ không khí sinh hoạt chính trị dòng chính tại Mỹ của cộng đồng người Mỹ gốc Việt lại sôi nổi và đa dạng như trong năm vừa qua, với sự hăng hái và ào ạt tham gia của giới trẻ Mỹ gốc Việt.
Từ nhiều thế kỷ rồi, cứ ngỡ toàn cầu là cái đỉnh ba chân. Âu Châu đã thống trị thế giới và khuất phục Á Châu trong vài trăm năm.
Mừng Xuân Kỷ Hợi 2019, suy ngẫm chuyện xưa: Đúng 1080 năm trước, vào một năm Kỷ Hợi, Việt Nam giành lại độc lập khi Ngô Quyền xưng Vương vào năm 939.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.