Hôm nay,  

HAI ĐẦU CON ĐƯỜNG HẦM

14/04/201800:05:00(Xem: 6939)
IMG_0069
Tác giả đầu tiên nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2001, là thành viên Ban Tuyển Chọn 2007 - 2016, trưởng ban tuyển chọn 2017.



Tối ngày 18 tháng 9, tại vùng Duarte ở miền Nam California, Thư em tôi cho hay mấy ngôi nhà bên kia đường đang cháy. Nó kể:

- Em đang coi TiVi, nghe đập cửa rầm rầm, mở ra thì thấy cảnh sát đứng trước cửa, hết hồn tại vì thằng A.Th. đi tập nhạc chưa về, hổng biết có chuyện gì thì em thấy xa xa sau lưng họ có khói mịt mù. Họ cho hay cần phải cảnh giác vì nhà bên kia đường đang cháy, hãy chuẩn bị, những nhà bên dãy này có thể sẽ phải di tản.
Rồi nó biểu tôi “mở trang facebook ra theo dõi nghen.”
Nó dùng cell phone chụp nhiều hình gởi vô trang facebook để gia đình, bạn bè và đồng nghiệp cùng biết tin một lượt. Kỹ nghệ tân tiến, điện thoại di động và computer thiệt đáng khâm phục. Khi Thư gởi hình nào vô là liền tức thì, chúng tôi từ mọi nơi đều thấy rõ từng diễn biến như chính mình chứng kiến sự việc.
Chỉ mới cháy, chưa biết là cháy thế nào mà đã có bao nhiêu là xe chữa lửa, cảnh sát, cứu thương đậu một dọc và 3 chiếc trực thăng bay quần quần quanh khu vực. Họ chận cả hai ngả đường để tiện việc cứu cấp, ngay cả A. Th. con trai nó đi tập nhạc về cũng bị kẹt ở đầu đường mấy tiếng đồng hồ. Sau cùng lửa bị dập tắt, hư hại không đáng kể.
Rồi qua tháng 10, sáng ngày 9 tây, từ trong nhà bước ra ngoài sân, tôi thấy sao rất lạ. Cả bầu trời phủ một màu hồng hồng. Mặt trời gần như bị che khuất, ánh sáng chỉ le lói xuyên qua lớp bụi hay sương mù màu hồng ấy, tạo nên màu vàng hực chiếu qua cành lá, quá đẹp. Tôi còn đang trầm trồ khen thì em tôi lắc đầu, nói:
-Trời! Đẹp cái gì. Cháy nhà
cháy rừng gì đó bà ơi. Hổng biết có cháy nhà ai không nữa.
Đã vậy còn có gió từ đâu nổi lên quá mạnh, tuốt lá từ hai cây phượng tím xuống đầy sân.
Đứng một hồi, tôi mới nhận ra trong bụi có tàn bay và mùi khét khét khó thở.
Vô nhà mở tivi ra coi mới biết đang cháy nhà trên đồi Anaheim.
Nhìn cảnh cháy nhà bên Mỹ và ngửi mùi khói làm tôi nhớ chuyện cháy nhà ở Việt Nam, vào thời xưa, xưa thiệt là xưa, đâu cũng cỡ hơn nửa thế kỷ rồi. Ngộ lắm, đôi khi nhìn thấy một vật, nghe một âm thanh và ngửi một mùi gì, những chuyện tưởng đâu đã quên, bất chợt hiện về.
Không gì tàn khốc hơn là nhà bị cháy hay bị lụt. Bị lụt hư hại nhưng đôi khi còn vớt vát chớ nhà cháy thì chỉ còn lại đống tro tàn.
Thế nhưng, đa số nhà cửa ở đây có mua bảo hiểm, nhà cháy được bồi thường, có thể xây cất lại. Nhà cửa ở Việt Nam thời tôi còn nhỏ, cháy nhà là không còn gì nữa.
Thuở ấy gia đình tôi ở quận 4, trong một xóm bình dân, bên kia cầu Ông Lãnh.
Đầu cầu bên phía Sài Gòn là chợ Ông Lãnh. Băng qua cầu là đường Bến Chương Dương hay còn gọi là Bến Vân Đồn. Dọc hai bờ sông ghe thuyền lớn nhỏ đậu san sát. Họ vừa mua bán vừa ở luôn trên ghe. Những chiếc ghe chài hay ghe thương hồ, xuôi ngược từ miền Tây lên Sài Gòn, xuống hàng nầy bốc hàng kia rất nhộn nhịp.
Ngay dốc cầu có một hãng làm thuốc lá hiệu Basto. Hãng rộng bao nhiêu đâu biết nhưng có đường xe hơi chạy thẳng vô cổng sắt lớn. Trước cánh cổng là cái sân thật rộng, nơi tụ họp bán buôn hàng quà bánh, sáng trưa chiều. Xôi đậu phộïng rắc muối mè, xôi gấc vàng tươi, xôi nếp than bánh phồng đậu xanh dừa nạo thơm phứt (món ruột của tôi), chè thưng, chè táo xọn, chè chuối, mì gánh, bún riêu, bánh mì thịt, ổi, cóc, mía... đủ thứ. Mặt tiền dài theo dốc cầu có một dãy phố, có nhà chỉ để ở có nhà vừa ở vừa buôn bán đủ thứ. Bên hông trái hãng thuốc có con hẻm dài sâu vô rồi tẻ ra đường ngang kẻ dọc, qua Xóm Chùa tách thêm cả chục hẻm nữa.
Con hẻm tôi ở lấy luôn tên “Hẻm Thuốc Basto.” Nhà tôi trong con hẻm đông đúc nhà cửa đó.
Năm ấy tôi mới vô lớp Đệ Thất, là lớp 6 bây giờ, trường Trung Học Tư Thục Nguyễn Văn Khuê, hình như nằm trên đường Nguyễn Thái Học hay Cô Giang gì đó. Lâu quá quên rồi, nhưng ba cái tên đường thì nhớ, hễ thấy Nguyễn Thái Học thì sẽ gặp Cô Giang và Cô Bắc.
Ngày xưa họ đặt tên đường sao mà hay quá, những nhân vật có liên quan nhau thì tên đường kế tiếp nhau, giúp mình nhớ lịch sử nữa.
Thời Việt Nam còn bị Pháp đô hộ, có ba nhân vật cách mạng tôi rất ái mộ là Nguyễn Thái Học, Cô Giang và Cô Bắc. Họ yêu nước, chống Pháp và bị Pháp xử tử. Điều đáng nhớ là trước khi bị hành quyết, ông Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí đã hô to khẩu hiệu để đời “Việt Nam Muôn Năm.”
Mỗi bữa đi học, từ nhà băng qua đường, lên dốc cầu rồi xuống dốc, thấy cảnh chộn rộn đông người mua bán trên bờ dưới sông của chợ Cầu Ông Lãnh, rồi tới chợ Cháy, chợ Cầu Muối, hàng hàng lớp lớp xe hàng chở rau cải từ Đà lạt xuống. Đi thêm một khoảng, quẹo tay mặt là tới trường.
Ngôi trường ấy rất lớn đối với con mắt của tôi hồi đó, một cô bé chưa tới 13 tuổi mới được bận áo dài đi học. Trường có ba building, A, B và C, dạy từ lớp Đệ Thất tới lớp Đệ Nhất, tức là từ lớp 6 tới lớp 12.
Tôi với nhỏ Hoa hàng xóm con bác Ba Chà, ngồi chung bàn đầu, đi về cùng nhau.
Chiều hôm đó, đang ngồi học thì nghe nhốn nháo phía sau, nghe lao xao ai đó nói -lửa cháy lửa cháy...
Tôi xoay đầu nhìn lại thấy mấy đứa bạn đang đứng lên lóng nhóng vừa ngó vừa chỉ tay qua cửa sổ. Lớp học trên lầu, tôi nhấp nhổm đứng lên nhìn cho rõ. Đàng xa xa, một làn khói đen bốc lên, bừng bừng. Trời ơi! hướng đó là hướng nhà tôi. Cả lớp nhốn nháo, xôn xao, lo sợ. Thầy Minh Đăng Khánh dạy Việt Văn, lên tiếng sau khi ra cửa nói chuyện gì đó với ông giám thị:
-Các em ngồi xuống, ngồi xuống, bình tĩnh nào. Có tin là xóm nhà ở vùng Khánh Hội, Hãng Phân đang bị cháy. Trong này có nhà em nào ở vùng ấy không?
Tôi và một số đông dơ tay lên. Thầy nói:
-Thầy hy vọng không có chuyện gì xảy ra cho gia đình các em. Bây giờ thầy cho các em ra sớm, về nhà xem có giúp đỡ gia đình gì được không. Các em nhớ giữ trật tự.
Trật tự gì được mà trật tự. Trong đầu tôi hiện lên hình ảnh mấy đứa em nhỏ, Ba đi làm ở nhà chỉ còn Má... cũng may, chị tôi học lớp buổi sáng, giờ đó đã về rồi.
Tôi chụp cái cặp da, quên luôn chiếc nón lá, cùng với nhỏ Hoa và các bạn ùn ùn chạy như bay ra khỏi trường, tuôn về hướng có ngọn lửa đỏ cuốn trong khói đen đang quằn quại uốn éo theo cơn gió, ngày càng rộng ra. Rõ ràng là hướng nhà mình. Càng tới gần càng ngửi được mùi khét. Bụi bay, tàn bay, khói bay... nhưng, chợ vẫn đông người qua lại, vừa mua bán vừa ngó ngó hướng ngọn lửa như canh chừng lửa từ bên kia, có nhảy qua sông chưa???
Hai đứa chạy băng ngang cầu, tới chỗ có bậc thang xi măng là lối tắt đi xuống, nhảy bổ mỗi lần hai nấc cho mau, băng qua đường, chạy vô hẻm.
Từ đầu hẻm đã thấy nhốn nháo, người người đông đảo, mạnh ai nấy ôm nấy vác tài sản từ trong hẻm tuôn ra, bỏ đại xuống bên bờ sông, rồi trở vô hẻm, dọn tiếp. Nhìn ngọn lửa càng lúc càng cháy dữ dội mà chưa thấy xe vòi rồng nào hết. Bà con lối xóm la om sòm, chạy mau chạy mau...
Hai đứa bạn tách ra, mạnh ai nấy chen, chạy về nhà. Chen xuôi chen ngược dòng người, không bị té xuống là may, vô được tới nhà. Vừa thấy mặt, má tôi hối:
-Con dắt mấy đứa nhỏ tản qua nhà Ông Tỉa Cua đi con. Nhớ nắm tay em cho chắc, đừng để lạc em nghe con.
Tôi chỉ kịp buông chiếc cặp da xuống, một bên vác vai nhỏ Thư, dắt tay nhỏ Phượng, nhỏ Kim Loan vẫn còn đang thút thít khóc, tôi la:
-Nắm tay thằng Long, nắm áo, chạy theo mau... còn chế Lài...
“Chế” (là chị, kêu theo tiếng Triều Châu) hào hển nói:
-Chế tiếp má, tụi cưng đi đi...
Rồi như một nhà đô vật trong phim Hercules, chế kê lưng khiêng cái “sóng chén” vừa bước vừa lê, rinh được cái tủ đựng chén bát để bên bờ sông rồi chạy trở vô nhà dọn tiếp.
Mấy chị em tôi chen lấn len lỏi theo dòng người lọt ra khỏi con hẻm chật, chạy ra đường cái, băng qua cây cầu Ông Lãnh, hướng tới nhà ông Tỉa. Ông Tỉa tức là ông dượng, chồng bà dì họ xa. Ông Tỉa nầy thứ chín, có vựa bán cua ngoài chợ nên thường được gọi là “Ông Tỉa Chín Cua”
Tôi, vẫn còn bận áo dài trắng lấm lem, tay bồng tay dắt đám em, chạy tới chợ Cháy, đứng ngay ngã tư đường Cô Bắc, ngó lại, ngọn lửa càng ngày càng rộng ra, cặp mắt cay xè. Vừa khi đó thấy nhỏ em kế là Ngọc Anh, đang học trường Tiểu Học Tôn Thọ Tường, đường Trần Hưng Đạo, dáo dác chạy tới, òa khóc khi thấy tôi. Mừng quá, thêm đứa này nữa là đủ rồi. Tôi la lên:
-Nè, nắm tay 2 đứa, đi qua nhà Ông Tỉa Cua. Má ở nhà dọn đồ với chế Lài.
Khi ấy, tôi nghe tiếng ai hỏi... gì đó. Quay lại tôi thấy, một người đàn bà đứng gần, hỏi:
-Nhà con cháy hả? Ba Má đâu?
Tôi nói trong tiếng nấc nghẹn:
-Dạ, nhà con... cháy. Má con... ở nhà... chạy đồ dì ơi...
Tôi thấy “dì” đó lật vạt áo lên, móc vội trong túi. Dì moi ra một đống... tiền. Không cần đếm, dì dúi vô tay tôi, nói:
-Tội nghiệp hông. Nè, con mua cơm cho em ăn nghen.
Nói xong, dì quẹt ngang mắt, bước xuống đường, qua bên kia, lẫn vào đám đông.
Tôi cầm nắm tiền, chưng hửng. Dì nầy đâu có quen, sao cho tiền mình? Nhưng rồi tôi dắt đám em đi thẳng tới đường Cô Giang. Còn đang lớ ngớ ráng nhớ coi nhà ông Tỉa ở chỗ nào thì thấy ông từ một con hẻm chạy ra. Vừa thấy mấy chị em ông hỏi liền:
-Phải con “a Bảo” hông? Phải rồi trời ơi vô đây mấy đứa, Ba Má đâu?...
Thấy ông, như đã bám được cái phao, tôi òa khóc.
Ông Tỉa vuốt vuốt đầu tôi, dỗ dành:
-Thôi đừng có khóc đi vô nhà. Cái nhà cháy hết rồi hả? Thôi thôi nín đi, vô nhà ăn cơm.
Bữa cơm đó tôi còn nhớ, ăn với cá hấp. Ông Tỉa vừa vựa cua vừa làm cá hấp bỏ mối ngoài chợ. Đó là loại cá biển nhỏ cỡ bàn tay, để nguyên con, rửa sạch, cứ 2, 3 con xấp đều vô cái rổ cỡ hai bàn tay bằng tre đan, để vô xửng hấp lên. Thịt cá ngon ngọt hòa với vị măn mẳn của nước biển, cùng món dưa leo xắt mỏng xào chua ngọt, hơn nửa thế kỷ mà tôi vẫn không quên.
Lúc trời tối om thì Ba Má và chế tôi mới tới, ôm mấy gói đồ, mặt mày đầu cổ quần áo bèo nhèo đầy khói đen.
Ba kể cho Tỉa Chín cùng cả nhà nghe:
-Cũng nhờ cái hãng thuốc lá Basto, mấy xe chữa lửa túc trực tại đó xịt nước lên mái nhà nên cũng đỡ lo. Tui chạy được mấy bọc quần áo, giấy tờ quan trọng. Mình còn có quần áo mà thay còn hình ảnh thì hổng sao, tui còn phim (thuở ấy ba tôi làm nghề nhiếp ảnh) đồ đạc rinh được một mớ để bên bờ sông, có dượng Năm, thằng Quí ngồi đó giữ rồi. Chút nữa tui đem cơm qua bển.
Khi ấy tôi mới hay, người anh bà con bạn dì tên Quí, đi làm về tới đầu cầu Ông Lãnh đã bị chận, nóng ruột, anh lột áo, quấn lên đầu rồi nhảy xuống sông lội qua, tiếp Ba Má tôi khiêng được cái bộ ván nặng nề. Tội nghiệp, đứng lố nhố bên này cầu là mấy “thầy” bạn của Ba, nghe tin liền chạy lại coi có tiếp có giúp gì được không, nhưng cũng bị chận lại ở đầu cầu.
Tới tối, giống như là, lửa cháy cho tiêu tan hết cả xóm rồi mới chịu ngưng. Lạ thiệt, khi khiêng đồ ra khỏi nhà, hai người chạy vù vù, lúc khiêng đồ trở vô nhà thì phải bốn người rinh mới nổi.
Sáng sớm hôm sau, cả đám tản cư dắt díu nhau trở về nhà. Bước qua những đống ngổn ngang trong con hẻm chật, về tới thì thấy căn nhà mái lá vách lá của tôi, bề ngang ba thước bề dài sáu, bẩy thước gì đó, như còn nguyên. Ba nói nhà mình phía gần đường lộ, vòi rồng chữa cháy cho hãng nên nhà chỉ bị xém xém mấy lỗ trên mái trên vách. Còn như vầy, đỡ hơn nhiều nhà khác, cháy rụi hết.
Đã thấy mấy trạm xá y tế nhỏ dựng lên, chữa cấp tốc mấy người bị cháy phỏng nhẹ, trong đó có nhỏ Ngọc Anh. Chuyện nầy nó dấu Ba Má, chỉ mình tôi biết thôi. Tại vì, hôm sau nó không mang dép chạy vòng vòng mấy chỗ cháy vì tò mò, nên có lỡ đạp lên chỗ nào đó còn âm ỉ phía dưới. Chân bị phỏng vừa đau vừa sợ quá chạy lại lều y tế thì được mấy anh chị y tá rửa sạch bôi thuốc phỏng cho.
Không khí lúc ấy, đi đâu cũng ngửi được cái mùi rất lạ, lạ lắm... mùi khói khét lẫn với mùi đất, mùi cây lá, mùi nhôm sắt cháy... và hình như có mùi xác chết (???) của người và súc vật (???) hòa trộn nhau. Sau nầy, tôi đã ngửi lại cái mùi hăng nồng ấy, của xác người chết trong khói lửa chiến tranh, năm Mậu Thân 1968.
Đám cháy Khánh Hội xảy ra gần cuối thập niên 50 ấy được coi là một trận cháy khủng khiếp nhất trong lịch sử.
Chỉ một buổi chiều tới tối, cả mấy chục ngàn căn nhỏ lớn, từ nhà đúc xi măng cốt sắt chí tới những cái chòi căn lều tạm bợ, vách ván, vách bằng thùng giấy cạc tông, mái lá mái tôn, mái ngói gì gì, cũng cháy sạch bách. Người chết cũng nhiều nhưng tôi không nhớ rõ con số.

Ba va chiec chieu cuu tro nha chay
Ba và chiếc cầu cứu trợ nhà cháy.



Người ta đồn rần rần, nào là bà Nhu cho người tới đốt, dẹp sạch khu bình dân nhà lá, để bà cho xây dựng lên khu nhà gạch ngói; nào là xe vòi rồng chỉ chữa cho hãng xưởng và nhà giàu, bỏ mặc cho cháy hết nhà nghèo...
Nghe vậy Ba tôi đã nói:
-Tầm bậy! Bà Nhu nào mà đốt nhà dân, là tụi Việt cộng nằm vùng tung tin đồn để gạt dân đó tụi con đừng có tin.
Tôi nhớ đã nói:
-Tại Ba là cảnh sát dĩ nhiên Ba hổng tin rồi.
Ba tôi cười, giải thích thêm cho đám con hiểu:
-Tụi con phải nghĩ một cách sáng suốt là, vùng này nhà cửa quá đông đúc. Nhà cửa dựng đại lung tung chen chúc nhau, vách liền vách. Lại xây bằng cây bằng thùng giấy carton, những vật liệu dễ cháy, nấu cơm bằng lò than lò củi cho nên có bị bắt lửa phựt lên là chuyện dễ xảy ra, rồi đường hẻm nhỏ hẹp, bà con chạy chen lấn đạp lên nhau chết, lôi kéo khóc la làm thêm kinh hoàng... đường hẹp xe taxi vô còn hổng lọt nói chi xe chữa lửa? Tụi nằm vùng trà trộn len lỏi tuyên truyền, nhắm vô dân nghèo, thành phần dễ bất mãn, phao tin để chống đối, hạ bệ ông Diệm. Tổng Thống không có vợ nên họ chĩa mũi dùi qua bà Nhu, là người theo đạo Chúa đó con.
Hôm trước nhỏ em Kim Loan kể:
“ Hồi đó tui còn nhỏ nhưng cũng còn nhớ chút đỉnh. Mình đang ngủ, nửa đêm nghe tiếng la "đốt nhà, đốt nhà" nhìn qua khe cửa thấy thiên hạ chạy rần rần cầm cây rượt theo ai đó... Xảy ra như vậy vài lần chỉ ban đêm thôi, cho tới khi bị cháy thiệt sự!
Thiệt tình! Để tuyên truyền cho chế độ cộng sản, tụi cộng sản nằm vùng không màng tới tài sản cùng sinh mạng của dân. Họ chỉ nhắm tới mục đích mà thôi. Kết quả là, bao nhiêu người chết, bao nhiêu gia đình mất hết tài sản, dù cho tài sản của họ rất ít ỏi, nghèo nàn.


Tôi nhớ, về sau, họ còn lợi dụng tôn giáo, đốc xúi dân chúng, những người nhẹ dạ, hùa nhau đem bàn thờ Phật xuống đường, chống chính phủ một cách mạnh mẽ hơn nữa
Đa số nhà cửa, tuy có điện nhưng chưa có nước trong nhà nên phải ra phông tên công cộng gánh đem về. Nhà nào không gánh được thì mướn người gánh, trả tiền tính theo đôi, một đôi là hai thùng thiếc, loại thùng hình chữ nhựt chứa dầu lửa. Xài hết dầu, họ cắt bỏ cái nắp, đóng cái quai ngang bằng gỗ và cái móc. Họ dùng đòn gánh xỏ ngang qua móc, hứng nước gánh về đổ vô hồ vô lu chứa nước trong nhà, xài dần. Nghe nói, khi mấy nhà đầu tiên bắt đầu cháy, người ta đã chữa lửa bằng những thùng nước ấy. Đối đầu với ngọn lửa đang hung hăng dữ dội phừng phừng lan mau bằng những thùng nước, làm sao phỉ? Cho nên, càng hất nước vô bao nhiêu, ngọn lửa càng phựt lên mạnh hơn, liếm qua nhà khác. Rồi cứ từng cụm từng cụm, lan ra, tàn lửa bay tứ tung, rớt xuống chỗ nào là cháy lên chỗ ấy. Những ngọn lửa phừng lên giống như những ngọn nến trên cái bánh sinh nhựt của người trọng tuổi. Cháy đều cháy tiêu cả vùng phía trong.
Tôi có nhỏ bạn sống trong một căn nhà lầu mặt tiền nằm trên đường Đỗ Thành Nhân. Nhà nó lầu đúc, sạch sẻ lắm. Nhóm nhà gần đường cái nhờ có xe vòi rồng tới kịp nên còn nguyên.
Xóm hẻm thuốc Basto, cùng dãy nhà tôi là hai hàng phố đâu mặt nhau gồm 20 căn. Đó là những căn nhà bằng gạch ngói có sân thượng rất khang trang. Nhà nhỏ Hoa là một trong số ấy. Khu nhà nầy gần như không hề hấn gì.
Vô sâu nữa thì gọi là Xóm Chùa. Từ nhà tôi vô khu Xóm Chùa là con đường từ nhà ông làm "xưng xáo" đi thẳng, hai bên được ngăn ra bằng tấm vách tường. Trên bức tường ấy có chạm một con cọp nổi, sơn phết vằn vện trông dễ sợ lắm. Đấy là dấu vết của những người Tàu đầu tiên tới trụ ở vùng nầy. Tường dựng lên như tấm bình phong, trống hai bên để thông thương qua lại. Từ đấy con hẻm chính chia ra nhiều hẻm phụ, địa chỉ thêm vài cái xuyệt (/) thí dụ, nhà số 15/17/22... ăn luồn qua tuốt bên đường Đỗ Thành Nhân và Hãng Phân. Con nít phía bên hẻm thuốc sợ bị bắt cóc lắm, ít dám vô Xóm Chùa chơi.
Bên đó người Việt người Tàu sống lẫn lộn. Dân giang hồ, du đãng, ăn xin, mua bán ve chai, dân đá cá lăn dưa... xô bồ. Thành phần bất hảo sống chung lộn xộn với dân hiền lành và dân từ dưới tỉnh lên.
Những con hẻm nhỏ chằng chịt nhau, không biết rõ đường vô là lạc. Có hẻm mình có thể chạy xe đạp, có hẻm phải xoay người đi nghiêng mới lách qua được. Có nhiều nhà mặt tiền rộng rãi, ban ngày cửa mở lớn, ban đêm đóng lại bằng song cây ngộ lắm (hình như là theo kiểu của người Tàu.) Trên bệ cửa họ làm cái khung bằng cây, đục một dọc những lỗ to cách nhau, tối đến họ đút mấy song cây theo chiều dọc vô lỗ, khít lại với nhau, làm thành như hàng rào đóng lại, rồi cài bằng một thanh cây vắt ngang, rất chắc chắn và kín đáo. Khi được xây dựng lại, chắc đã mất đi những lối kiến trúc hay lạ cổ xưa ấy rồi.
Bên cạnh những ngôi nhà khang trang thì có những căn nhà “tạp lục”.
Họ dựng nhà bằng đủ thứ vật liệu. Nhiều người dùng vách nhà người khác, nối, che mái ra, dựng vách thành cái nhà. Nền nhà có khi bằng gạch tàu, hoặc tráng xi măng, có chỗ bằng đất nện, lau quét láng coóng... Nơi đây, gần giống như một làng quê. Có con rạch nhỏ, hàng dừa xanh, nhiều miếng ván bắc ngang qua mấy đường mương nước đen ọp ẹp. Họ gọi là xóm Chùa vì có cái chùa kế bên một cây cổ thụ.
Nhiều mái lá xiêu vẹo nắng luồn mưa tuôn ấy, vợ chồng con cái ông bà cả chục mạng chen chúc nhau, năm này qua năm khác. Nơi ăn chốn ở chỉ có vậy mà cũng bị đốt cháy rụi mịn củ từ!!!
Trở lại sau vụ cháy nhà, bữa đó tôi nghe đám con nít trong xóm reo lên um sùm:
- Đi coi tụi bây ơi i i... coi mặt cô Kim Cương tụi bây ơi i i... cổ đi thăm nhà cháy kìa, ra coi ra coi i i...
Tôi chạy theo đám nhỏ để “coi mặt cô Kim Cương”.
Cô đi một mình, bận áo dài, tà áo phất phơ trên con đường bụi bay. Cô tiến về hướng khu nhà cháy, có đám tùy tùng là lũ trẻ con.
Bước lẹ tới phía trước nhìn cho tận mặt. Đúng là cô đào Kim Cương. Miệng cô cười cười. Đẹp thiệt nha. Cô son phấn đậm, áo dài có bông trắng bông xanh nho nhỏ, đi guốc cao. Không biết cô đã cứu trợ cho nạn nhân bằng những gì vì coi mặt cô xong tôi phải chạy vù về nhà giữ em.
Ba tôi đã chạy tới chạy lui, mua mấy tấm tôn cũ nhà ai đó bị cháy xém nhưng còn xài được, dựng thành vách, cất thêm cái gác rộng rãi, lùa hết đám con lên ngủ.
Khu phía trong hãng Phân và dài qua bên đường Đỗ Thành Nhân, hầu như bị thiệt hại hoàn toàn nên được cứu trợ. Bên khu tôi ở thì chỉ bị hư hại, như nhà tôi, nên mạnh ai nấy lo.
Khu bình dân, nhưng hàng xóm rất tốt. Họ chia nhau từng khúc cây, từng miếng cạc tông dựng tạm để có chỗ che nắng đón mưa.
Một buổi chiều, nhỏ Hoa rủ tôi vô Xóm Chùa, tìm thăm đứa bạn tên Tâm. Hoa cầm theo một cái gói nhỏ, nói là có mấy cái áo quần đặng cho bạn.
Qua khỏi bức tường, một cảnh hoang tàn đổ nát hiện ra trước mắt thấy mà đau lòng. Bước thấp bước cao, nhảy qua nhiều miếng ván tạm bợ làm cầu bắc qua mấy chỗ hủng còn xâm xấp nước đen thui, hôi lắm.
Đi ngang cái chùa, lạ thay, ngôi chùa bị cháy rụi cây cổ thụ cũng cháy luôn nhưng còn tượng Phật Bà Quan Âm, đứng lẻ loi giữa cảnh tiêu điều.
Nhỏ Hoa hay thiệt. Nó dẫn tôi vòng vo một hồi qua những đống gạch ngói cùng mái tôn bén ngót và cây ván cháy đen, chỗ nào cũng giống giống nhau vậy mà nó nhìn ra được chỗ nhà Tâm.
Nhà nó chỉ còn cái nền và đống tro tàn. Má tôi hay nói “Cháy nhà hông còn cái chén ăn cơm” lúc đó tôi thấy là đúng quá. Nó đứng cầm cái cây trong tay, khều khều, tôi hỏi:
-Bồ kiếm cái gì đó?
Tâm nói:
-Thì kiếm kiếm vậy thôi chớ cháy hết trơn rồi mấy bồ ơi.
Hoa dúi vô tay Tâm, dịu dàng nói:
-Bồ bận tạm nghen. Nhà tụi này hổng sao. Ờ hai bác với mấy em đâu hết rồi?
Tâm cầm cái gói, rớt nước mắt, nói:
-Ba Má bên chợ lo buôn bán mấy đứa em gởi bên nhà dì. Nhà mình hồi đó cất đại hổng có giấy tờ, mình phải ở đây canh, sợ người ta bỏ sót tên mình lúc chia lô cất nhà.
Ba đứa bạn đứng bên nhau, lặng lẽ nhìn trời chiều. Hoàng hôn, nhìn mút xa xa thấy được đường chân trời. Thì ra, nhà cửa xung quanh đã rụi tàn nên không che chắn tầm nhìn, để chúng tôi thấy cả buổi chiều nắng ngập nắng. Cảnh vật quá tiêu điều, màu vàng hực hỡ mà sao buồn quá trời là buồn.
Lo cho gia đình bạn.
Những khu bị cháy tiêu như xóm nầy chính phủ ra lịnh sẽ chia đất ra đồng đều để nạn nhân tự động xây nhà lại.
Như vậy thì những ngôi nhà rộng rãi lúc trước sẽ bị lỗ còn những chiếc chòi lá tí tẹo thì lời. Nhưng, chưa chắc những người nghèo khổ ấy có đủ tiền để mà xây, như bạn tôi đây. Về sau đã có những trận biểu tình chống lại vụ này vì họ cho là bất công, nhà mình trước kia lớn bây giờ thu hẹp lại và tôi cũng không biết chuyện ngã ngũ ra sao, còn nhỏ quá để hiểu!
Có một ngày, nghe Ba tôi nói cảnh sát phải đi cứu trợ. Tôi không để ý, có lẽ vì còn nhỏ, lo nhà mình chưa xong, đâu để ý tới vụ gì khác, chỉ sau nầy lục lại hình ảnh xưa, mới thấy một tấm hình nhỏ. Trong hình, ba tôi hai tay đang cầm một chiếc chiếu, trong một khung cảnh rộn rịp đông người. Thấy mấy cái giỏ cần xé, giống như đựng bánh mì, còn có gì nữa thì không rõ. Má tôi nói:
-Là hình hồi Ba đi cứu trợ vụ cháy nhà Khánh Hội đó con. Trời ơi hồi đó nhà bị cháy là tiêu hết. Ai cho chiếc chiếu trải ra để ăn uống nằm ngồi, ngủ là mừng muốn chết. Đồ ăn thì hổng có được bao nhiêu đâu con. Nước mình nghèo mà. Dầu sao, cũng có nhiều người cho quần áo đồ đạc lắm. Hồi đó, miền Trung mỗi năm mỗi phải cứu trợ bão lụt mà. Miền Tây thì mùa nước nổi người ta quen rồi, đâu có ai giúp gì đâu. Má nhớ hồi còn nhỏ, hễ nước lên tới đâu ông ngoại kê tấm ván bắc ngang kê cao lên tới đó, có khi gần đụng nóc nhà luôn. Hồi đó còn nhỏ khoái nước lên lắm. Má lội hổng có giỏi nhưng cũng nhảy xuống nước lủm chủm, có khi ngồi trên tấm ván, cầm rổ xúc cá lên. Cá lớn để nướng, cá nhỏ để kho. Hồi đó dưới sông dưới ruộng biết bao nhiêu là cá, tôm, ăn gì hết. Còn nhà cửa thì xa xa mới có một cái, xung quanh trồng mấy công lúa, gần nhà trồng toàn nọc trầu, ít sợ cháy nhà.

Truong Tan Long, Cau Ong Lanh, ben Van Don A
Trương Tấn Long, Cầu Ông Lãnh, Bến Vân Đồn



***

Gần cuối năm 2017, có một buổi chạng vạng, đang coi Ti Vi, bỗng dưng cúp điện. Trong bụng nghĩ, chắc là chỉ cúp mấy phút thôi, cứ tỉnh bơ ngồi chờ thì thằng con trai ở “căn nhà khách” phía sau nhà tôi chạy lên nói:
-Lửa cháy cột đèn bên nhà hàng xóm đó Má. Ba Má ra khỏi nhà đi. Tụi con đang coi Ti Vi, nghe cái bụp, cúp điện hết, rồi dòm ra cửa sổ thấy lửa phựt lên. Con chạy ra coi thì lửa đang cháy cây cột điện. Con gọi 911 rồi Má.
Ít phút sau, xe cảnh sát, chữa lửa, cứu thương rần rần chạy tới hụ còi inh ỏi, đèn xanh đỏ quay vòng vòng và nhân viên cứa hỏa nhảy xuống khỏi xe, ào ào chạy ra sân sau nhà tôi, rụp rụp xịt thuốc chữa lửa, khói trắng bốc lên, lửa tắt ngúm.
Đêm đó có gió mùa thổi mạnh. Lửa dập tắt xong, một chiếc xe cảnh sát trụ lại cả mấy tiếng đồng hồ canh chừng.
Họ bảo vệ sinh mạng tài sản của dân một cách triệt để.
Hồi đầu tháng 9, thấy Tổng Thống và phu nhân đi cứu trợ nạn nhân bị bão lụt tên Harvey ở tiểu bang Texas. Nhìn ông ôm từng kết nước lọc, từng túi thức ăn, từng giỏ vật dụng chất đầy vô từng xe mà cảm thấy vui trong lòng. Đã cho mà còn bắt tay cám ơn nạn nhân đã tới nhận quà nữa chứ.
Ở xứ Mỹ, họ cứu trợ cho tất cả, những bão lụt do thiên tai hay cháy nhà cháy rừng do nhân họa. Chính phủ vừa lo chỗ ăn chỗ ngủ, chỗ cho con nít chơi, lo cứu luôn súc vật nuôi trong nhà nữa.
Bão Harvey vừa qua, chưa đã nư, trên trời quần tụ thêm trận bão tên Irma, từ Florida quét lên vài tiểu bang.
Sau giông tố, những trận cháy rừng cháy nhà nổi lên.
Vào tháng 10, trận cháy đồi Anaheim, rồi cháy rừng bên San Fransico, tuy sự cứu trợ rất nhanh chóng với cả chục chiếc trực thăng, cả mấy trăm xe chữa lửa, mấy ngàn nhân viên cứu hỏa làm việc 24/24, vậy mà cũng mất đi cả trăm nhân mạng, tài sản đất đai đã bị thiệt hại nặng nề. Bao nhiêu ngôi nhà sang trọng đẹp đẽ cùng những dinh thự cổ xưa, cả làng, cả khu vực thương mại và mấy vườn cây trái vườn nho tan thành mây khói.
Bất cứ thiên tai nào quá lớn xảy ra ở nước Mỹ cũng được các vị Tổng Thống tới tận nơi ủy lạo và trao quà cho nạn nhân. Dù ông Tổng Thống ấy có ở đảng nào chăng nữa, dù mình có bầu cho ông hay không, bây giờ, những nghĩa cử của các ông cựu cũng như tân Tổng Thống, đều đáng cho mình kính trọng.
Còn biết bao nhiêu cơ quan từ thiện và tư nhân quyên góp cả triệu triệu đô la, luôn cả những dòng máu hiến tặng, gởi tiếp tế cứu giúp nườm nượp.
Trong sở tôi, tại phòng ăn có dự trữ hai cái thùng, loại bự như cái thùng chứa rác cả tuần. Tất cả nhân viên trong sở, bất cứ ai có gì cứ bỏ vô, khi là vài bịch bánh vài lon đồ hộp… (nói xin lỗi) ngay cả những bịch băng vệ sinh cũng có, vì đó là những nhu cầu thiết yếu phụ nữ có lúc cần. Hai thùng đựng đồ lúc nào cũng như chuẩn bị, có thiên tai hay cần cứu giúp ai, sẵn sàng để gởi tặng liền. Thùng rỗng thì cứ liên tục châm cho đầy. Khi ăn trưa, nhìn cái thùng, gợi nhắc tới chuyện muốn chia sẻ.
Không phải chỉ lo cho xứ sở này thôi đâu, đối với nhiều quốc gia trên thế giới khi gặp đại nạn thì nước Mỹ luôn luôn gởi tài chính và đôi khi cả nhân sự cùng máy móc tới tận nơi cứu trợ.
Nhớ lại những ngày xưa, trận cháy Khánh Hội, ngoài chiếc chiếu Ba tôi cầm, mấy giỏ “càn xé” đựng bánh mì còn có đồ hộp của Mỹ viện trợ. Thì ra đồ viện trợ thiên tai từ Mỹ quốc đã có mặt bên Việt Nam “từ khuya” rồi.
Bao nhiêu năm sống trên đất Mỹ, qua nhiều trận tai trời ách đất, phải khâm phục sát đất cường quốc đầy lòng nhân ái này.
Dẫu sao đi nữa, nhìn những hình ảnh tài liệu và chính bản thân đã từng gia nhập vài đoàn thể, tay bỏ đồ vô bao, lòng luôn hướng về những người bất hạnh, làm việc bất kể đêm ngày có khi quên cả đói.
Vụ cứu trợ, ai cũng có lòng nhân đạo, muốn giúp đỡ người khác nhưng có nhiều vụ "lộng giả thành chân" nên mình có giúp đỡ cũng nên biết rõ ràng những trường hợp thật hay giả.
Có những hội những nhóm tư nhân kêu gọi bạn bè bà con đóng góp để cứu trợ nhưng khi được số tiền kha khá rồi thì món tiền ấy đã bị chia 5 sẻ 7 đưa đầu nầy một mớ đầu kia một bụm, số còn lại tới tay nạn nhân thật sự chẳng còn được bao nhiêu.
Có, có, nhiều lắm, những loại cứu trợ nầy.
Từ chuyện xảy ra cho mình, nghiệm ra rằng, khi người bị một trường hợp nào đó mà được sự giúp đỡ của ai đó, cho dù là một chén cơm hay một chiếc chiếu, một cái áo hay cái quần, đúng lúc, đúng nơi, nói lên tình tương thân tương ái, làm cho người nhận nhớ suốt đời và từ đó học được bài học hãy cứu trợ cho nhau không ngại ngùng không suy nghĩ.
Hôm nay, tôi có cảm giác như đứng ở đầu con đường hầm. Đầu nầy là hiện tại, bình an trên đất Mỹ. Bên kia con đường hầm, quê hương yêu dấu Việt Nam, bây giờ ra sao? Tôi không rõ.
Con đường hầm dài hơn nửa thế kỷ, tôi như thấy lại buổi hoàng hôn ấy, trước một vùng hoang tàn cháy đen nhìn ngút mắt, cảnh não lòng của nhỏ bạn gầy gò bận chiếc áo lá và quần đen, tay ôm bọc quà bạn tặng, đứng trên cái nền nhà cỡ hai chiếc chiếu và hình ảnh của người đàn bà tốt bụng ấy. “Dì” ấy, là một chủ sạp chủ vựa hay chỉ là một bạn hàng buôn gánh bán bưng kiếm sống từng ngày? Nắm tiền ấy là bao nhiêu? Có phải là tất cả số tiền dì kiếm được hôm đó mà dì moi ra không cần nhìn không cần đếm, nhét vào tay tôi, nói:
-Cho mấy đứa em ăn cơm đi...
Ăn cơm! Dì sợ mấy đứa em tôi đói.
Có lẽ dì thấy con chị còn bận áo dài trắng học trò với lũ khủ đám em nhỏ, níu tay nhau đứng ngơ ngác xớ rớ ngay góc đường, mặt mũi nước mắt tèm lem, mà thương chăng?
Tôi không nhớ rõ mặt dì, nhưng nhớ cái áo bà ba ngả màu cháo lòng đầy dấu vết dơ màu lao động, dì lật vạt áo ngoài lên, lộ ra cái áo túi bên trong, móc ra.
Lo sợ, ngu ngơ, mắt đẫm lệ, tôi quên cả lời “con cám ơn dì!”
Tôi nhớ mãi buổi chiều hôm đó, ngọn lửa oặt òa theo gió trên không trung, nắm tiền từ cái áo túi của người “dì” không quen đã dúi vào tay tôi, không quên chén cơm và con cá hấp của Ông Tỉa Cua mà tôi không còn nhớ mặt ./.

Trương Ngọc Bảo Xuân
Ngôi nhà màu nâu
Cuối năm 2017

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong quá trình nhiều thập niên giảng dạy võ học và võ thuật, chúng tôi có sưu khảo, nghiên cứu nhiều môn võ Á châu và Thế giới để tìm hiểu, so sánh, chắt lọc tinh hoa nhằm nâng cao, canh tân cải tiến và hiện đại hóa một số kỹ năng võ thuật Việt Nam cho kịp đà tiến triển của võ học thế giới.
Hoan đặt chiếc ly không xuống mặt bàn ngổn ngang vỏ chai.
Nhiều người đã từng sống ở Miền Nam trước 1975 đồng ý với nhau rằng, chỉ cần nghe bài hát Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương là đã thấy tết đến, xuân về.
Đã có những niềm tin rồi không màng nói đến Lặng thinh môi thở khô cằn
Tôi còn nhớ, chị tên Yến. Chị có một mái tóc dài chấm eo. Eo chị rất nhỏ, vóc dáng mảnh mai, xinh đẹp. Chị mang dòng máu nửa Hoa nửa Việt, ở đâu tuốt chợ lớn, đến nhà tôi mướn một góc mặt tiền để bán bánh ngọt.
Loài chó đã kết nghĩa từ lâu đời với con người khắp thế giới, trong đó có Việt tộc: di chỉ khảo cổ và truyền thuyết dân gian chứng minh dồi dào điều đó.
Truyện đăng trên tờ Sáng Tạo, số báo xuân Mậu Tuất 1958 đúng 60 năm trước.
Nhà văn Cung Tích Biền tên thật Trần Ngọc Thao, sinh năm 1937 tại Thăng Bình, Quảng Nam. Từ 1970 là giảng viên Trường Sĩ Quan Hành Chánh Sài Gòn. Ông giải ngũ năm 1973 với cấp bậc Đại úy. Sau đó làm Giáo Sư Thỉnh Giảng Viện Đại Học Cộng Đồng Quảng Đà, Đà Nẵng.
Bài thơ xuôi này được sáng tác trong lớp học làm thơ tài trợ bởi học bổng cộng đồng Jenny McKean Moore của đại học George Washington, Hoa Thịnh Đốn. Tôi nộp đơn và may mắn được tuyển chọn vào lớp này cùng với 14 thí sinh khác.
Cánh đồng trải rộng mênh mông ngút ngàn, nhìn xa xa chỉ thấy sương mờ tựa mây lãng đãng bay thấp, lòa xòa bôi xóa nhạt nhòa đường viền chân trời.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.