Hôm nay,  

Nguyên Sa - Mai Thảo & Thời Kỳ Tiền Cúc

24/03/201800:05:00(Xem: 4276)
Nguyen Sa _ve
Nguyên Sa


Những nhà phê bình văn học sẽ tìm hiểu về Mai Thảo nhà văn, Mai Thảo người đứng đầu của một nhóm văn học. Tôi không phải là người làm công việc này, tôi chỉ có cơ may sống trong thời gian Đêm Giã Từ Hà Nội ra đời, nhìn thấy Tháng Giêng Cỏ Non từ trong trứng nước. Tôi là nhân chứng của sự hình thành tạp chí Sáng Tạo, nhìn thấy ít nhất một phần những yếu tố đã làm cho Mai Thảo trở thành con chim đầu đàn của nhóm văn chương lừng lẫy của thời kỳ văn học chạy dài suốt từ một chín năm tư đến một chín bẩy lăm. 

Danh từ “nhóm” trong văn chương Việt Nam hiện đại thật lạ. Nhóm chỉ có nghĩa là một tập hợp không có sẵn trang điểm ngôn ngữ nào có vóc dáng quý tộc hay sang cả. Bên ngoài lãnh vực văn chương, nhóm còn thường hơn cả hội, đoàn, đảng… Nhưng trong văn chương khi mà nhóm không phải là tập hợp những cây viết tài tử như nhóm Vàng Khuyên, nhóm Măng Non, mà là tập hợp những ngòi bút nghiêm chỉnh, bỗng nhiên nhóm trở thành một đối tượng làm cho người ta phải chú ý. Bởi vì nhóm đã trở thành trường phái. Có một chủ trương văn học nghệ thuật. Có những tác phẩm có tầm vóc. Chủ trương, tác phẩm khác biệt hay chống lại những chủ trương, tác phẩm đã có. Nhóm lãng mạn, trong văn chương Pháp, là một trường phái không chấp nhận trường phái cổ điển. Chateaubriand đi đầu tiên trên con đường khác biệt với Corneille, Racine, Molière… Nhóm Thi Sơn không còn chấp nhận nữa nền văn chương đầy cảm xúc, nặng chĩu chủ quan của các nhà văn nhà thơ Alfred de Musset, Alfred de Vigny… Emile Zola và những người của trường phái tả chân đánh phá lãng mạn, rồi chính tả chân, trở thành mục tiêu nhắm tới của cả siêu thực, tả chân xã hội và hiện sinh. Mỗi thời có thể có nhiều nhóm văn chương khác biệt, nhưng thường chỉ có một nhóm hiện ra trỗi bật. Thế kỷ 17, trường phái cổ điển sáng chói, trường phái lãng mạn trỗi bật trong văn chương Pháp thế kỷ 19. Mỗi thời có thể có nhiều nhóm văn chương khác biệt, nhưng thường chỉ có một nhóm hiện ra trỗi bật.

Ở nước ta, thời kỳ tiền chiến có hơn một nhóm văn chương, Tự Lực Văn Đoàn vượt trội. Thời kỳ văn học từ 1954 đến 1975, Sáng Tạo lừng lẫy. Nếu tôi phải chọn hai nhóm văn chương của thời kỳ này, tôi sẽ chọn Sáng Tạo và Trình Bày. Nhưng Sáng Tạo thì vang dội hơn vì Mai Thảo có một lý thuyết văn học mở rộng. Nhà văn đứng đầu nhóm văn học này biết rõ là anh không thích những cái gì, muốn làm cái gì, bác bỏ quan niệm văn học nào, tìm kiếm những tác phẩm nào, nhắm tới những sáng tạo nào. Sáng Tạo muốn làm khác với Tự Lực Văn Đoàn, nhắm tiến tới “cái mới”. Đứng về phía cái mới là tiêu đề của một số bài văn có tính chất lý thuyết của Mai Thảo. Tờ báo của anh đăng nhiều bài nói về văn chương hiện sinh. Những cuộc thảo luận của một số những cộng tác viên cũa Sáng Tạo đi tìm thơ, tìm truyện. Mai Thảo khẳng định văn chương là viễn mơ. Anh đứng về phía nghệ thuật vị nghệ thuật, trái ngược với Thế Nguyên, và anh em nhóm Trình Bày vào con đường nghệ thuật vị nhân sinh có tên mới là văn chương dấn thân.

Lý thuyết văn chương dẫn đạo của nhóm Sáng Tạo, trong mọi trường hợp không phải là chất xi măng gắn liền những ngòi bút khác biệt cộng tác với tạp chí Sáng Tạo. Mai Thảo trở thành người đứng đầu của một nhóm văn chương vì anh có tâm hồn của một người đứng đầu một nhóm văn học. Mai Thảo biết yêu mến tác phẩm, biết quý trọng những người sáng tạo, Mai Thảo đọc thơ Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, Thanh Tâm Tuyền hay Nguyên Sa… đọc truyện của Thảo Trường, Dương Nghiễm Mậu… với cùng một tình yêu và lòng quý mến đó. Mỗi người viết tìm thấy một Mai Thảo của riêng, một gắn bó, một thân tình, một bằng hữu. Nhóm Sáng Tạo, với một số anh em, là một nhóm nhỏ. Sáng Tạo với Mai Thảo, là tất cả những người đã cộng tác với anh. Sáng Tạo với tôi, với nhiều anh em khác, tôi nghĩ, là Mai Thảo. Mà tôi, mà chúng tôi, gắn bó và yêu mến.

Mai Thảo, với tôi, có ba thời kỳ, thời kỳ Tiền-Cúc, thời kỳ Cúc-Mãn-Khai và thời kỳ Hậu-Cúc. Mai Thảo thời kỳ Hậu-Cúc sinh sống ra làm sao? Tôi không có ý niệm nào rõ rệt, tôi cũng không biết vì sao, cũng chẳng bao giờ tìm hiểu vì sao Thảo và Cúc xa nhau.



Khi tôi chia tay với Mai Thảo là thời kỳ Cúc-Mãn-Khai. Cúc nhanh nhẹn, tôi muốn nói nhẩy nhót. Màu trắng da thịt của cánh tay trần nhẩy nhót trong ánh sáng chan hòa của những buổi chiều Sài gòn, màu trắng của khuôn mặt đã pha những mảnh đêm màu xanh nhảy nhót trong ánh đèn ban đêm ở đường Tôn Thất Đạm. Đêm nào Mai Thảo cũng gọi tên tôi. Nguyên Sa. Nguyên Sa đâu. Nguyên Sa dậy đi. Xuống ăn phở Nguyên Sa ơi.

Sau thời gian ở xóm Sáu Lèo, khu này bị hỏa hoạn, tôi dọn nhà lên Tôn Thất Đạm, ngay khúc đầu đường gần bộ Công Chánh. Người đi chơi đêm ăn phở đêm gọi khúc đường Tôn Thất Đạm này là khu phở Tôn Thất Đạm. Mai Thảo, Hoài Bắc, Cúc, Mỹ là những người khách trung thành của khu phở đêm này. Khi tới gánh phở đêm này, Mai Thảo đã say chưa? Tôi không nghĩ là bạn tôi say. Thời đó Mai Thảo chỉ uống bia thôi. Thời Tiền-Cúc và thời Cúc-Mãn-Khai chỉ có la de. Thời kỳ hải ngoại này toàn rượu mạnh.

Thứ năm tuần trước, tôi cùng với Du Tử Lê và Tuyền ghé gian phòng Mai Thảo ở trong khu cư xá Song Long trên đường Bolsa. Lê và Tuyền đến trước. Tôi tới sau, tôi không biết vị trí gian phòng của Mai Thảo. Lần trước tôi tới Mai Thảo còn ở trên lầu, từ mấy tháng nay Mai Thảo đã dọn xuống dưới thuận tiện hơn cho sức khỏe của anh, mới sinh nhật lần thứ 70. Tôi đi qua từng gian phòng, cư xá có hai khu, mỗi khu hơn mười căn apartment một phòng không có bếp, qua mỗi căn tôi cất tiếng gọi. Tôi gọi vừa phải. Không thể quá nhỏ không ai nghe thấy gọi làm gì. Nhưng không gọi quá lớn làm người đang ngủ phải thức dậy. Gọi vừa đủ chỉ người đang thức nghe thấy. Mai Thảo đợi tôi giờ này, tôi có hẹn trước, gọi vừa phải được rồi. Mai Thảo. Mai Thảo. Ông Mai Thảo ơi. Mai Thảo có ở phòng này không. Tôi gọi Mai Thảo. Tôi gọi Mai Thảo ơi. Tiếng vang ở trong tôi ném lại Nguyên Sa ơi. Nguyên Sa xuống đây ăn phở. Tôi bật cười gọi lớn hơn. Mai Thảo. Mai Thảo. Tiếng vang vọng càng lớn. Du Tử Lê nghe thấy tiếng gọi hay tiếng vang vọng nào, không biết, nhưng Du Tử Lê đã nhanh nhẹn chạy vọt ra, nói lớn đây đây, anh Nguyên Sa, phòng anh Mai Thảo đây.

Trong phòng Mai Thải hai mươi bốn chai Martel đứng sừng sững trên mặt thảm. Mai Thảo chưa điểm tâm, lát sau thì có ly đá lạnh được mang tới.

Nhưng đêm của thời đó thì chỉ có ly đá lạnh la de sủi bọt trước khi bát phở được bưng ra. Tôi thường xuống trước khi tô phở được bưng ra. Tôi có nghiêng đầu ra cửa sổ trước đó vẫy tay cho Mai Thảo biết tôi đã nghe thấy rồi, tôi xuống ngay đây. Cúc đưa tay làm thủ hiệu nhẹ chào hỏi, khuôn mặt màu da trắng có những mảnh xanh nhẩy nhót trong đêm. Cúc cười nhẹ nhàng, miệng cười nhẹ nhàng, mắt cười nhẹ nhàng, phải rồi, Cúc có đôi mắt biết cười, đôi mắt cười ngó lên lầu nhìn tôi, đôi mắt cười khi tôi xuống tới ngồi trên một chiếc ghế gấp của gánh phở đêm, cười anh Mai Thảo gọi to quá, anh bị thức dậy phải không, cười khi Cúc từ căn gác lửng của tòa soạn Sáng Tạo bước xuống khi tôi tới đập cửa buổi sáng sớm, cười khi hai người đi xe Austin ngoài phố gặp Nguyên Sa bóp còi inh ỏi.

Tôi ở Pháp về, không sống trong không khí khi chia đôi nước. Biến cố Năm Tư có ảnh hưởng trực tiếp với anh em tôi một cách khác. Tôi và hai em là Thoa và An du học tại Pháp từ cuối 1948.

Đêm Giã Từ Hà Nội thời kỳ Tiền-Cúc là một biến cố văn chương, tự bản thân tác phẩm là những rung động mới, những dòng văn khác lạ của một giã từ chung lần đầu của hằng hằng những tâm hồn cho một thành phố thịt xương. Cuốn sách làm cho tôi gần gũi Mai Thảo ngay. Mai Thảo cho xuất bản Đêm Giã Từ Hà Nội cũng hai năm sau năm 1954, cùng thời gian tôi rời bỏ Paris. Tôi cũng có nỗi đau sót chất ngất không bao giờ gặp lại. Năm 1975, trở thành người tỵ nạn, tôi trở lại Paris, tôi tưởng rằng tôi gặp lại Paris.

Tôi khám phá ra tôi có gặp lại Paris, nhưng không bao giờ gặp lại Paris có chữ P viết hoa thời đó nữa./.

Trích Nguyên Sa Hồi Ký 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong quá trình nhiều thập niên giảng dạy võ học và võ thuật, chúng tôi có sưu khảo, nghiên cứu nhiều môn võ Á châu và Thế giới để tìm hiểu, so sánh, chắt lọc tinh hoa nhằm nâng cao, canh tân cải tiến và hiện đại hóa một số kỹ năng võ thuật Việt Nam cho kịp đà tiến triển của võ học thế giới.
Hoan đặt chiếc ly không xuống mặt bàn ngổn ngang vỏ chai.
Nhiều người đã từng sống ở Miền Nam trước 1975 đồng ý với nhau rằng, chỉ cần nghe bài hát Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương là đã thấy tết đến, xuân về.
Đã có những niềm tin rồi không màng nói đến Lặng thinh môi thở khô cằn
Tôi còn nhớ, chị tên Yến. Chị có một mái tóc dài chấm eo. Eo chị rất nhỏ, vóc dáng mảnh mai, xinh đẹp. Chị mang dòng máu nửa Hoa nửa Việt, ở đâu tuốt chợ lớn, đến nhà tôi mướn một góc mặt tiền để bán bánh ngọt.
Loài chó đã kết nghĩa từ lâu đời với con người khắp thế giới, trong đó có Việt tộc: di chỉ khảo cổ và truyền thuyết dân gian chứng minh dồi dào điều đó.
Truyện đăng trên tờ Sáng Tạo, số báo xuân Mậu Tuất 1958 đúng 60 năm trước.
Nhà văn Cung Tích Biền tên thật Trần Ngọc Thao, sinh năm 1937 tại Thăng Bình, Quảng Nam. Từ 1970 là giảng viên Trường Sĩ Quan Hành Chánh Sài Gòn. Ông giải ngũ năm 1973 với cấp bậc Đại úy. Sau đó làm Giáo Sư Thỉnh Giảng Viện Đại Học Cộng Đồng Quảng Đà, Đà Nẵng.
Bài thơ xuôi này được sáng tác trong lớp học làm thơ tài trợ bởi học bổng cộng đồng Jenny McKean Moore của đại học George Washington, Hoa Thịnh Đốn. Tôi nộp đơn và may mắn được tuyển chọn vào lớp này cùng với 14 thí sinh khác.
Cánh đồng trải rộng mênh mông ngút ngàn, nhìn xa xa chỉ thấy sương mờ tựa mây lãng đãng bay thấp, lòa xòa bôi xóa nhạt nhòa đường viền chân trời.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.