Hôm nay,  

Những Sợi Vắn, Sợi Dài Trong Truyện Hoàng Quân

14/12/202109:55:00(Xem: 2164)
SVSD1

Sợi vắn, Sợi dài, tập truyện Hoàng Quân, Nxb Nhân Ảnh, 11/2021.

 

“Ký ức biết chọn lọc, chỉ giữ lại những mầu hồng mà thôi.”

Tôi nhớ đã đọc câu ấy trong truyện ngắn nào của Hoàng Quân, dường như nhân vật nào ở trong truyện đã thốt lên như vậy. Tôi không chắc có phải tác giả đã để nhân vật nói thay cho mình nhưng tôi thích câu nói ấy; hơn thế nữa, tôi tin là ký ức của tác giả cũng chỉ muốn giữ lại màu hồng và những truyện của Hoàng Quân mà tôi từng đọc cũng là được ghi chép lại từ một ký ức tươi hồng.

 

Màu hồng phơn phớt ấy có thể nhìn thấy được qua các truyện ngắn trong tập truyện Sợi Vắn, Sợi Dài* này, qua mối tình nhẹ nhàng, phất phơ như cánh cò bay lả bay la trong truyện Ca dao, qua chút tình mơ màng, lãng đãng như chuyện liêu trai trong truyện Người trong mộng, qua những “hoa bướm ngày xưa” nơi sân trường kỷ niệm trong truyện Thầy trò một thuở… và nhiều truyện khác nữa.

 

Kể từ Bông Hoa Trên Phím (2015), tập truyện đầu tay đẹp như “đóa hoa đời xinh xinh” có thể xem như “mối tình đầu” của tác giả với sinh hoạt văn chương ở hải ngoại, cho đến tác phẩm mới nhất này, nhà văn Hoàng Quân đã có tới năm tuyển tập truyện ngắn cho thấy một sức viết thật khỏe khoắn. Không lâu sau ngày đặt những bước chân đầu tiên lên sân chơi chữ nghĩa như một cuộc dạo chơi thong thả, đến nay tác giả những tập truyện ngắn ấy đã trở thành cái tên quen thuộc và được người đọc yêu mến qua các thể loại truyện ngắn, bút ký hay tự truyện.

 

Những truyện ngắn ấy được người đọc yêu thích ở những điểm nào, có lúc tôi đã tự hỏi như vậy và không khó để tìm ra câu trả lời. Hẳn là ở lối văn trong sáng, nhẹ nhàng, ở lối dẫn dắt câu chuyện thật tự nhiên mà lôi cuốn như người kể chuyện có duyên trong một bàn tiệc khiến người đọc đã trót đọc những dòng đầu là phải đọc cho đến dòng cuối để biết câu chuyện diễn tiến và kết thúc như thế nào. Hẳn là ở giọng văn đầy nữ tính, ở tài quan sát, nét tinh tế và nhất là nét dí dỏm, tinh nghịch nấp sau những dòng chữ ấy khiến người đọc có lúc cười thầm, có khi bật cười thành tiếng.

 

Cứ thế, dòng văn chương của Hoàng Quân xuôi chảy như dòng suối trong trẻo, róc rách, từ lối dẫn truyện thật linh hoạt đến những tình tiết bất ngờ và thú vị, từ chuyện này thoắt nhảy sang chuyện khác như chú sóc nhỏ chuyền cành.

 

Người đọc là tôi cũng hiểu được vì sao truyện Hoàng Quân vẫn được yêu chuộng khi đọc Khoảng cách vô hình, truyện đầu tiên tôi chọn đọc trong tập truyện này chỉ vì cái tên truyện. Đúng ra, chỉ vì muốn biết cái “khoảng cách” ấy là khoảng cách gì, dài ngắn, xa gần, rộng hẹp thế nào và vì sao lại gọi là “vô hình”.

 

Hóa ra đây là một truyện có tính thời sự, trong bối cảnh mùa đại dịch. “Khoảng cách” ở đây là khoảng cách giữa hai vợ chồng dưới một mái ấm gia đình có đôi lúc không được “ấm” cho lắm. Một khoảng cách mơ hồ, bàng bạc nên gọi là “khoảng cách vô hình” cũng đúng thôi.

 

Đọc, có lúc tôi bỗng giật mình thấy mình có vẻ giông giống nhân vật ông chồng ở trong câu chuyện, thấy mình cũng là “tác nhân” tạo nên “khoảng cách vô hình” trong mái ấm của chính mình như kẻ gây nên tội. Đọc thử một đoạn để thấy cái “khoảng cách” trong truyện như thế nào.

 

“Cả hai như có thỏa thuận ngầm, lúc nào cảm thấy quá sức chịu đựng thì tự bấm nút “hai không”: không nghe, không thấy, mà sao bây giờ anh lại phá lệ. Cơn bướng trong chị trỗi dậy. Chị vào phòng lấy cái điện thoại, mở vội một chương trình nhạc và gắn headset vào tai. Chị dọn cà phê, bánh ra bàn, nói lạt lẽo:

 

- Anh uống cà phê ăn bánh.

 

Chị biết, ngồi hai người bên bàn ăn mà mang headset rất khó coi, rất bất lịch sự. Nhưng chị muốn cho anh biết, chị thực sự cảm thấy bị xúc phạm. Chị cố giữ vẻ bình tĩnh, uống cà phê, ăn bánh ngọt. Cả cà phê lẫn bánh ngọt đắng nghét.

 

Theo lời kêu gọi của “bà mẹ” Merkel, bà thủ tướng Đức, khoảng cách quy định nơi công cộng là hai mét. Khoảng cách trong nhà chị tuy vô hình, không đo được, nhưng dường như rộng lắm.”

 

Đọc, cũng để thấy giãn cách xã hội dù sao vẫn dễ chịu hơn là “giãn cách gia đình”.

 

Câu nói lạt lẽo của cô vợ, thái độ lạnh lùng của anh chồng gợi nhớ câu nói của nhà văn, nhà viết kịch W. Somerset Maugham, “Thảm kịch của tình yêu không phải là cái chết hay nỗi chia lìa, mà là sự dửng dưng.”

 

Những ngày dài “stay home” dễ làm con người trở nên bực bội, quạu cọ khi phải tự nhốt mình trong một không gian kín và khi hai vợ chồng không còn biết làm gì hơn là ngồi... nhìn nhau. Truyện còn là lời cảnh báo mọi người phải lo “bảo quản” không khí trong lành trong ngôi nhà của mình kẻo không khéo lại chết vì thiếu dưỡng khí trước khi con virus quỷ quái ấy kịp ghé thăm.

 

Những nỗi nhàm chán, dửng dưng trong tình yêu vợ chồng cũng dựng lên bức tường ngăn cách vô hình làm mất đi ít nhiều hạnh phúc trong cuộc sống lứa đôi.

 

Đọc thêm ít truyện như Sợi vắn, sợi dài, như Dọn nhà, dọn lòng, như Vẫn chuyện cố nhân… vẫn như thấy có mình trong đó. Vẫn chuyện cố nhân, chẳng hạn, một truyện cười ra nước mắt, người đọc có lúc thấy ông chồng trong truyện giông giống ông chồng mình hoặc cô vợ trong truyện giông giống cô vợ mình.

 

Khi mà người đọc phải khó chịu vì cô bạn gái vô duyên của ông chồng hoặc bực mình vì ông chồng “dại gái”, cũng tựa như ghét cay ghét đắng nhân vật “phản diện” trong cuốn phim nào, thì xem như tác giả đã thành công. Những anh chàng, những cô nàng thật “vô tư”, những vị khách không mời mà đến ấy ta vẫn gặp đâu đó trong đời này, ở đâu bỗng nhảy xổ vào cuộc sống êm đềm của chúng ta mà không thèm hỏi qua ý kiến ai cả.

 

Người đọc thích đọc truyện Hoàng Quân một phần cũng vì tìm thấy mình, tìm thấy những chuyện dở khóc dở cười, những cảnh ngộ trái ngang mà ai cũng có lần đụng phải, rơi vào. Điều này cho thấy ở Hoàng Quân cái sở trường về lối văn kể chuyện, từ những chuyện thường ngày của “gia đình tôi”, “chồng con tôi”, “chàng (hay nàng) của tôi”… đến những mẩu chuyện buồn vui gần gũi đời thường.

 

Không chỉ là những truyện vui vui, truyện ngắn của Hoàng Quân đôi lúc vẫn có cái buồn buồn nhẹ nhàng tựa những cơn mưa bóng mây. Con đường mùa xuân, chẳng hạn, là câu chuyện về những tình bạn ấm áp và cảm động, có vui có buồn với một kết thúc... có hậu.

 

Tôi nhớ, có lần nói với tác giả nửa đùa nửa thật, “Văn Hoàng Quân như ‘liều thuốc bổ’ giúp tăng cường sinh lực, mang đến sự trẻ trung, vui tươi cho người đọc”. Nói thế là có lý do, vì có câu “Tiếng cười là liều thuốc bổ”. Đặc biệt, truyện Hoàng Quân còn là món ăn tinh thần hợp khẩu vị giúp người đọc tạm quên đi phần nào những âu lo và làm dịu bớt không khí nặng nề, ngột ngạt trong mùa dịch dai dẳng này.

 

Nhiều truyện trong tập truyện này có vẻ là truyện thật hoặc tạo cho độc giả cảm tưởng là những câu chuyện thật, nếu không là bút ký hay tự truyện của tác giả thì cũng là viết xuống từ những chuyện “người thật, việc thật”. Có bao nhiêu phần trăm sự thật trong những truyện ấy thì chỉ tác giả mới biết được. Dù thế nào đấy vẫn là những truyện khá thuyết phục và khiến người đọc thêm yêu mến, gần gũi với người viết. Đó cũng lại là sở trường trong lối viết và kỹ thuật dựng truyện của tác giả.

 

“Trong chương trình nhạc Văn Phụng, ca sĩ Châu Hà, với mái tóc ngắn, bà bảo Suối Tóc ngày xưa là nguồn cảm hứng để ông viết nhạc tặng bà, bây giờ đã thành suối cạn…

 

Nàng không hề mơ chàng viết nhạc, viết thơ tặng nàng. Nàng chỉ ước ao, ngày nào khi suối cạn, nàng vẫn còn nhận được ánh mắt đằm thắm của chàng, dẫu hấp háy qua làn kính lão.”

 

Đoạn văn ấy ở trong truyện Sợi vắn, sợi dài. Câu trên là chuyện có thật, những câu dưới là mượn ý từ mẩu chuyện có thật để bày tỏ nỗi “ước ao” của nhân vật về một tình yêu bền chặt.

 

Tên truyện cũng là tên của tuyển tập truyện ngắn này. Liệu truyện ấy có là truyện ưng ý nhất của nhà văn trong số 15 truyện của tuyển tập? Nếu không phải vậy hẳn tác giả chọn ngẫu nhiên, hoặc vì lý do thầm kín nào đó… chỉ tác giả biết mà thôi.

 

Và người đọc, hoặc sẽ chọn ra được trong tập truyện này truyện nào mình thích nhất, hoặc cũng khó mà nói được mình thích nhất truyện nào vì mỗi truyện mỗi khác cũng tựa như những lọn tóc mai vẫn có… sợi vắn, sợi dài.

 

Lê Hữu

 

(*)  Sợi Vắn, Sợi Dài, tập truyện Hoàng Quân, Nxb Nhân Ảnh, 11/2021.

 

Sách có thể mua qua Amazon:

 

https://www.amazon.com/dp/1990434282/

Hoặc liên lạc tác giả: hoangthingocthuy@hotmail.com

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chúng ta phần lớn từng học sử theo niên đại với nhiều chi tiết tên tuổi cần phải nhớ để đi thi, hay đọc sử nước nhà qua lăng kính của một người công dân gắn bó với quê hương và di sản tổ tiên để lại. Tác giả Goscha là một nhà khoa bảng chuyên về sử học từng được một giáo sư sử học quốc tế nổi tiếng người Việt (từng là giáo sư của Miền Nam Việt Nam) hướng dẫn, và từng huấn luyện và khảo cứu ở nhiều nước liên hệ đến Việt Nam (Pháp, Mỹ, Canada, Úc, Thái Lan). Được một chuyên gia tầm cỡ như thế trình bày những câu chuyện về đất nước, ông bà của của chính chúng ta qua lăng kính đặc biệt của một người ngoại cuộc giúp chúng ta có một cái nhìn toàn diện hơn, và không kém phần thú vị về một đề tài tuy cũ nhưng vẫn còn nhiều điều mới mẻ.
Tối Thứ Bảy 15-4-2023 nhiều đồng hương vùng Dallas tiểu bang Texas đã đến dự đêm nhạc Sài Gòn Mơ Ngày Hội Ngộ, diễn ra tại phòng sinh hoạt của thương xá Asia Square Times, thưởng thức những ca khúc thương nhớ Sài Gòn, Vượt Biển của nhạc sĩ Trần Chí Phúc đến từ Nam Cali...
Mấy tháng đầu năm 2023 này sao mà mưa bão liên miên... Làm như thiên nhiên muốn bù đắp cho tình trạng hạn hán kéo dài cả thập niên trước đây ở tiểu bang Cali. Dường như không hẳn thế mà xem ra còn ngược lại: Đợt biến động khí hậu này liên tiếp cũng đã và đang gây nên quá nhiều thiệt hại trên hầu hết các vùng của lãnh thổ Hoa Kỳ, đe dọa nặng nề đến môi trường sống của toàn thể dân cư nữa!
“Khi tôi muốn ca hát về tình yêu thì tình yêu lại biến thành đau khổ. Nhưng khi tôi chỉ muốn hát về đau khổ thì đau khổ lại hoá thành tình yêu”. – Franz Schubert.
Chiến tranh ở bất cứ nơi nào trên thế giới đều giống nhau, nó như những hạt giống gieo trên mặt đất, nhưng điều khác biệt là hạt giống nẩy mầm và nuôi sống loài người, còn bom đạn gieo xuống tàn phá và giết chết loài người, hay để lại những hố sâu trên mặt đất và những vết thương không bao giờ lành trong tâm hồn mỗi con người. Nhưng vết thương không lành là những vết thương đau nhất và cũng "đẹp nhất." -- Trần Mộng Tú.
Đã qua thập niên thứ nhất của thế kỷ XXI, nền văn minh cơ khí vẫn liên tục phát triển với nhà cao tầng, đường cao tốc, phương tiện làm việc và sinh hoạt đều sử dụng máy móc, ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của mọi người, tạo nên một nếp sống, nếp nghĩ phù hợp. Giữa bộn bề khói bụi, có ai lắng hồn nhớ lại một thuở thanh bình ngày xưa, nghĩ về cảnh “ hôm qua tát nước đầu đình…” “trên đồng cạn dưới đồng sâu, chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa…” “Trời mưa trời gió, đem đó ra đơm, chạy về ăn cơm, chạy ra mất đó…?”
Có thể nói ai cũng có lần nói lái ở trong đời, đôi lúc chỉ vô tình thôi. Nếu bạn buột miệng nói “đi giữa trời nắng cực quá” hoặc khi đèn điện không sáng mà bạn nói “điện sao lu quá chừng”, người nghe sẽ cho là bạn nói tục, có oan cũng đành chịu vì, dù bạn không cố ý nhưng nắng cực, điện lu nói lái nghe tục thật. Tương tự như thế, hãy cẩn thận đừng nói dồn lại, dồn lên, đồn láo, đồn lầm…
Hơn 20 năm trước tôi gặp Trần Hải Sâm, khi cô còn là sinh viên ban thạc sĩ của Đại học Oregon, là một cô gái đã tốt nghiệp ngành cổ sử Đại học Quốc gia Hà Nội với dáng nét trẻ trung, tính tình vui vẻ, cởi mở. Sau này Sâm trở thành bà xã của Luật sư Đinh Ngọc Tấn, một bạn trẻ đã cùng tôi tổ chức nhiều hội thảo từ sân trường đại học và trong sinh hoạt cộng đồng vùng Vịnh San Francisco...
Câu chuyện dưới đây về Đức Đại Mục Kiền Liên là một đệ tử giác ngộ của nhân vật lịch sử Đức Phật Thích Ca, du hành đến một thái dương hệ xa xôi và đến một hành tinh gồm những cư dân khổng lồ, tại đó cũng có một vị Phật cùng những đệ tử đang tụ tập theo sự hướng dẫn của vị Phật này...
Đây chỉ là cách nói nhẹ đi, thay cho lối nói có thể bị coi là sỗ sàng, làm khó chịu, xúc phạm. Tôi chỉ muốn nói từ CHẾT...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.