Hôm nay,  

Tạp Ghi: Văn Xá

27/06/201000:00:00(Xem: 11480)

Tạp ghi: Văn Xá - Huy Phương

Tôi chắc chắn hai chữ Văn-Xá trong bài này không đem lại cho người đọc một sự liên tưởng hay hình ảnh gì, vì nó chỉ là một địa danh hay cái tên tầm thường của ai đó mà bạn chưa hề nghe đến. Văn-Xá chỉ là một nhà ga nhỏ, một chiếc ga xép quạnh hiu, trên đường xe lửa Bắc Nam, một ngôi làng nhỏ, nghèo nàn nép mình trên mảnh đất khô cằn miền Trung. Nhưng Văn-Xá chính là tên cái ngôi làng của tôi, trưa nay cái tên ấy bỗng hiện lên trong giấc ngủ, đã thức dậy và trăn trở cùng tôi. Trong mỗi người chúng ta, ai cũng có một ngôi làng, mỗi ngôi làng đều có một cái tên và không ít thì nhiều, ai trong chúng ta cũng có ít nhiều kỷ niệm về ngôi làng đó của mình Làng tôi nằm bên cạnh con sông Bồ từ Trường sơn đổ ra biển và cũng nằm bên một con sông đào xinh xắn uốn lượn với những bóng tre xanh lã ngọn xuống dòng sông, dòng sông mà gần như tuổi ấu thơ tôi đã nô đùa, tắm rửa và ngâm mình trong đó. Từ ngôi làng đó, mỗi ngày tôi có thể trông thấy núi ở rất gần, những ngọn núi của dãy Trường Sơn hùng vĩ mù mịt đổi màu, nhưng biển thì ở xa. Vì nằm trên mảnh đất miền Trung nối hai miền Nam Bắc, con đường xe lửa xuyên Việt chạy qua làng, chuyến xe lửa, mỗi sáng chiều cất lên những hồi còi dài, nhả những làn khói đen kịt và lũ trẻ chăn trâu hai bên đường sắt thường quơ nón vẫy tay chào những người khách không hề quen biết trên chuyến xe.  Làng tôi nghèo vì không hề có một thứ tiểu công nghiệp nào khả dĩ có thể nuôi dân làng ngày hai buổi cho đỡ vất vả tấm thân mà nông dân toàn chịu cảnh "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" suốt năm này qua tháng nọ. Nếu làng hãnh diện có người làm đến chức Tuần Vũ trông coi đến ba tỉnh miền Trung, thì làng cũng chỉ thêm được vài ngôi nhà ngói khang trang, dinh cơ và ngôi từ đường của quan, nổi bật trong màu sắc nghèo nàn của những dãy nhà tranh vách đất của xóm làng.
Chuyên về nông nghiệp, nhưng làng cũng không có được một thứ nông sản đặc biệt nào khả dĩ đắt giá để nâng cao được đời sống của dân, đổi được vải vóc, tôm cá hay hàng hoá tiêu dùng. Làng chuyên sản xuất hai thứ nông phẩm mạt hạng nhất của nền nông nghiệp thô sơ nghèo nàn của mảnh đất “cày lên sỏi đá” là khoai và sắn, nên dân có được ngày hai bữa cơm trắng cũng là chuyện không thường. Khổ một nỗi, Văn-Xá lại có tiếng phát về khoa bảng, có nhiều người đỗ đạt có danh phận, lại làm quan to. Nhưng ngẫm lại những điều đó thực sự có ích gì, làng có người đỗ đạt, công vụ và đời sống càng tách rời họ xa hơn với quê hương, làng mạc, ít có cơ hội khắng khít với bà con xóm giềng.
Trong lịch sử, làng Văn-Xá có được một nàng thiếu nữ lọt mắt xanh của Vua Gia Long và được vị Vua này cưới làm vợ thứ hai (tức là Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu - Mẹ vua Minh Mạng), hẳn ngày xưa ấy, nàng cũng là bậc “sắc nước hương trời”. Nhưng tiếc rằng, khi lớn lên, con cháu nàng trong ngôi làng này, cùng với thế hệ của tôi, chẳng thấy ai có được chút nhan sắc.
Như số phận của những ngôi làng của quê hương chúng ta, Văn-Xá cũng có chiến tranh, bom đạn một thời. Nhà ga xe lửa của Văn-Xá cũng đã có lần chịu bom đạn của phi cơ Đồng Minh đánh vào chuyến xe chở nhiên liệu của quân đội Nhật đang nằm tại nhà ga. Dân làng cũng chịu cảnh VC cắt cổ, mổ bụng, thủ tiêu hay bêu đầu, thả xác trôi sông của cuộc chiến kéo dài nhiều năm như những ngôi làng Việt Nam khốn khổ khác. Gia đình nào cũng có bên này bên kia, có kẻ đi xa, có kẻ trở về, có người đã chết, có người còn sống và cũng có người không biết tan biến đi đâu.


Tôi được sinh ra trong ngôi làng ấy, lớn lên theo chân cha mẹ đi làm ăn xa, nhưng trong thời gian chiến tranh tôi lại trở về nương náu nơi ấy. Tổ tiên, ông bà và cha mẹ tôi thẩy đều được chôn cất nơi đó. Ngôi làng ấy chưa bao giờ là một nơi thần tiên như trong chuyện cổ tích cho một thời thơ ấu của tôi, cũng chưa bao giờ là nơi tôi đã trải qua những ngày tháng hạnh phúc êm đềm, nhưng hình như nó luôn luôn hiện diện ở một nơi sâu kín nào đó trong tiềm thức của tôi, để một đêm nào đó, một chiều nào đó, trong một khoảnh khắc nào đó, bỗng hiện ra làm xao xuyến lòng tôi như mặt hồ phẳng lặng bỗng chao tròn sóng gợn bởi một viên đá ném xuống mặt hồ.
Đối với thế giới bao la, một ngôi làng quả là quá nhỏ. Đối với những chặng đường sông biển vĩ đại bạn đã đi qua, cái ao làng ngày xưa quả là những vật tầm thường, đối với những nhân vật lẫy lừng mà bạn có thể đã từng gặp, hình ảnh một thằng bạn thời thơ ấu đâu còn để lại ấn tượng gì trong lòng chúng ta. Thế mà tất cả các thứ đó không hề phai nhạt, còn nguyên vẹn, để có những lúc như hôm nay, nó trở về, từ trong vùng mù mù mịt mịt của trí nhớ hiện ra, làm cho lòng chúng ta chùng xuống, làm như tất cả những gì vĩ đại trong cuộc đời này, rốt cuộc đều trở thành vô nghĩa, khi chúng ta đang trở về từ nơi chúng ta đã ra đi.
Chỗ đầu tiên của tôi là một ngôi làng nhỏ, thuở bắn chim bắt dế ngoài đồng, chỗ của bạn có thể là một thành phố nhỏ ngày hái me, trộm sấu. Ở đây là một khu vườn tĩnh lặng, ở kia là một bờ sông vang tiếng trẻ cười đùa. Trong tâm hồn chúng ta ai cũng có một góc khuất, một nơi dấu kín mà trên quãng đường đời rong ruổi, chúng ta không hề thấy, không hề nhận ra, một góc đời quên lãng, cho đến một lúc nào đó, như trưa hôm nay... Trưa hôm nay, giữ mùa hè oi bức, tôi thiếp đi trong một giấc ngủ mê mệt. Tôi có cảm tưởng tôi đã ngủ say, thật lâu, ngủ quên trên một chuyến xe lửa trở về, chạy băng băng trên con đường sắt. Trong giấc mơ tôi thấy tôi bỗng choàng thức dậy khi con tàu đỗ lại một ga nhỏ hoàn toàn xa lạ. Tôi hỏi một người khách ngồi bên cạnh:
“Đã đến ga Văn-Xá chưa"”
“Chưa, nhưng cũng sắp đến, chỉ còn một đoạn đường nữa thôi!”
Tôi nghe người bên cạnh trả lời. Rồi sau đó, tôi hoàn toàn thức giấc
Điều gì khiến cho tôi phải buột miệng - dù là trong giấc mơ - để hỏi tên một nhà ga, tên một ngôi làng cũ, mà thường ngày tôi ít khi nghĩ đến, tôi cũng không ao ước được trở về, vì tôi biết ở đó mọi điều đã đổi thay. Nơi đó, cha mẹ tôi đã không còn, mái từ đường đổ nát, xóm giềng xa lạ, những con sông đã khô nước và lòng người đã đổi thay. Cũng đã  từ lâu, tôi không hề suy nghĩ, tưởng nhớ, chuyện trò với ai hay nhắc nhở đến một lần cái tên làng đó, thế mà trong một giấc mơ ngắn ngủi, ở một nơi xa hàng vạn dặm đường, cái tên làng ngày xưa, tên của cố hương lại bật lên trong tâm thức, để phát ra câu hỏi, dù là một câu hỏi trong giấc mơ không nói được thành lời.
“Đã đến ga Văn-Xá chưa"” Sao trong giấc mơ này, tôi lại tìm về chốn cũ" Động lực nào đã đưa tôi về trên con đường sắt này, nơi trong tuổi ấu thơ tôi đã nghe những hồi còi dài văng vẳng và những đợt khói tàu theo gió toả lại đàng sau. Câu hỏi “đã đến chưa"” phần nào giải thích sự mong đợi, nôn nóng của tôi một nơi đến trong cuộc hành trình trở về. Ôi một cái địa danh tưởng đã chìm sâu vào quên lãng trong cuộc sống hàng ngày, một ngôi làng đã mờ nhạt trong trí nhớ, và nhất là tôi không hề mơ ước, nghĩ ngợi, mưu sự gì cho một chuyến về như thế.
Trong mỗi chúng ta, ai cũng có một nơi chốn cũ, một ngôi làng, một góc phố, một con đường, một nơi chốn xa xưa của thời thơ ấu, tưởng chừng như đã quên đi. Rồi một ngày nào đó, trong một cơn đau, một giấc mơ, một phút mê sảng, những hình ảnh ấy hiện ra. Phải chăng, mỗi người chúng ta đều có một nơi để về" Phần tôi, trong giấc mơ, sao tôi lại thấy tôi sắp về đến làng cũ, và... “chỉ còn một đoạn đường nữa thôi!” như lời người khách lạ trên chuyến xe nói với tôi! Hay tôi đã sắp về đến thật rồi!


Saigon Times
PO Box 409 Bankstown NSW 1885 Australia
T: (612) 9793 2557 - F: (612) 8004 816
E: info@saigontimes.com.au

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hỏi (Bà Trần T.K.T): Chồng tôi bị bắt và bị buộc tội buôn bán ma túy với số lượng thương mãi lớn
Thư ai gởi lạc thế này Giữa chiều xuân nhạt, gió bay ngập chiều
Trông thấy cô, trong giây phút Tân cơ hồ quên mất mối hận tình
Đếm bóng thời gian, chợt ngỡ ngàng Chập chờn, khấp khểnh bước gian nan
Vấn đề Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức NSW
Vì những khó khăn bất ngờ, không thể vượt qua, chúng tôi rất tiếc phải đi đến quyết định, đổi Sàigòn Times từ Tuần báo thành Nguyệt san kể từ sau số báo này
Song song với làn sóng phát triển kinh tế kèm theo đà tiến bộ nhanh chóng làm thay đổi bộ mặt xã hội
Mới khoảng 3 giờ chiều, đã nhìn thấy ngọn cờ Cao ủy tị nạn trắng nõn, dẫy dọn ở một khu có nhiều nhà. Mãi đầu mỏm Galang, lá cờ Indo đỏ trắng, cũng đang vẫy chào, như mời gọi những con người tha phương bất đắc dĩ, vì Tổ Quốc bị thằng con côn đồ, rình đâm lén, đang còn nằm dưỡng thương.
LAO ĐỘNG ĐẠI BẠI NGAY TẠI SÀO HUYỆT PENRITH
TÌNH PHỤ TỬ TƯ BẢN ĐỎ
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.