Hôm nay,  

Khái Niệm Mới Về Dịch Thuật

06/03/202209:38:00(Xem: 3101)

Capture

(Lược và trích trong chương một của The Theory and Practices of Translation của Eugene A. Nina và Chaeles R. Taber. Bản dịch ở Hoa Kỳ xuất bản 1982 bởi E.J. Brill, Leiden, trong chương trình Helps For Translation. )

Giới thiệu:

Những ai thích dịch hoặc thích đọc bài dịch từ kho tàng chữ nghĩa của thế giới, xin mời đọc bài này.

 

LỜI DẪN:

Bài viết tuy có nội dung dịch thuật về kinh thánh, nhưng khái niệm tổng quát về dịch áp dụng chung cho nghệ thuật dịch, được phát triển mạnh mẽ trong nửa phần sau của thế kỷ 20 và phổ biến sâu rộng sang thế kỷ 21 vào những lãnh vực dịch khác nhau, nhất là văn chương và văn hóa.

Xin nhắc rằng, hệ thống dịch lớn nhất và dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau nhất trên thế giới là hệ thống dịch kinh thánh của giáo hội La Mã. Vì vậy, kinh nghiệm lý thuyết, kinh nghiệm thực hành, kinh nghiệm nghệ thuật dịch của họ dày, rộng, và sâu. Một trong vài người dẫn đầu hệ thống dịch này là Eugene A. Nina.

Dịch thuật ở Việt Nam thừa hưởng từ nền dịch thuật của Pháp từ nửa đầu thế kỷ 20, nay đã xưa cũ và có nhiều phần trong lý thuyết cùng phương pháp dịch đã lỗi thời. Dịch sát theo ý tác giả và dịch sát theo ngôn ngữ của bản gốc là hai việc khác nhau, nếu chưa nhận định được khái niệm này, nên suy xét lại. Dịch bám sát theo bản gốc là quan niệm truyền thống, nay, đã không còn là ưu điểm hàng đầu. Nhất là dịch thơ. Giỏi ngôn ngữ chưa hẳn là người dịch đáng tin cậy.

Những việc ấy tuy quan trọng nhưng chưa quan trọng bằng ý muốn dịch và ý “chê dịch” của một số người biết dịch. Ý muốn dịch theo quan niệm của mình là đúng, vì mình sẽ chịu trách nhiệm với phẩm chất và nghệ thuật dịch, tuy nhiên, không thể kết luận phương pháp dịch của mình là độc tôn, đứng nhất thiên hạ. Ý “chê dịch” là ý sai lầm. Vì bản chất của dịch là sai, nên dịch giỏi là làm giảm bớt lỗi và dịch hay là thay thế bớt những lầm lẫn, nhưng không có bản dịch nào hoàn hảo, 100% theo ý tác giả.

Người Việt cần đọc nhiều văn bản dịch trong mọi lãnh vực để nhận ra những điều hay, lẽ phải, những gì cần phải biết từ sức khỏe, khoa học, kinh tế, chính trị, xã hội , tâm lý, văn hóa, văn chương, văn học, quân sự, vật lý, hoá học … tóm lại là tất cả những gì giúp cho trí tuệ và tâm tư của chúng ta đào sâu mở rộng và bừng lên ánh sáng của thế giới.

Tôi đề nghị các bạn có khả năng dịch cứ dịch, thời gian sẽ loại bỏ những gì không đúng, không phù hợp, nhưng không cần phải chỉ trích nhau về bản dịch. Nếu thấy dịch không “đúng” theo ý mình, thì mình dịch một bản khác, “đúng” hơn, để người đọc giám định và học hỏi. Có câu, “chỉ trích là rẻ tiền, hành động là đầu tư.” Người đọc có trình độ đều có thể nhìn thấy: hành động vạch lá tìm sâu, lòng tỵ hiềm, và bóng tối âm u trong lời chỉ trích thiếu hiểu biết. Thay vì mất thời giờ vạch cỏ tìm gai, sao không trồng cây hoa, cây ăn trái?

(Ghi: Chữ thẳng là bản dịch từ bản gốc. Chữ nghiêng là lời của người dịch. Và tôi xin trình bày theo lối bản viết rời.)

 

1.

Chưa bao giờ trong lịch sử thế giới lại có nhiều người tham gia vào việc dịch thuật về cả hai mặt: thế tục và tôn giáo. Người ta ước tính, ít nhất khoảng 100. 000 người dành phần lớn hoặc toàn bộ thời giờ cho công việc này. […] Thật không may, lý thuyết cơ bản về dịch đã không bắt kịp sức phát triển của các kỹ năng. Đối với việc phiên dịch của tôn giáo, mặc dù nhiều tài năng thánh hiển và nỗ lực tận tụy, sự hiểu biết đã bị lỗi thời so với khả năng dịch thuật trong các lãnh vực thế tục. […] Sự nhận định có vẻ ta thán của Nina, vì ông nhìn ra những thay đổi của nghệ thuật dịch bên ngoài tôn giáo. Không bị bó buộc bởi những giáo điều, các học giả khác, cùng thời, đã đưa ra những ý niệm và phương pháp dịch phù hợp thời đại, tự do hơn và mỹ thuật hơn.      

2. TRỌNG TÂM KHÁC BIỆT GIỮA TRUYỀN THỐNG VÀ TÂN THỜi.

Theo trọng tâm cũ, việc dịch là hình thức của thông điệp, và người dịch thích thú vào phần tái tạo các đặc điểm về văn phong, ví dụ nhịp điệu, vần, cách chơi chữ, những ngữ pháp khác thường … Trong khi, trọng tâm mới di chuyển từ hình thức của thông điệp to sự phản hồi của người cảm nhận. Nghĩa là, điều để người ta quyết định là phản hồi của người đọc đối với thông điệp. (Một ví dụ thú vị, tuy là một trường hợp đặc biệt, nhưng nếu trải rộng ra, đó là những khó khăn bình thường gặp phải khi dịch: Trong kinh thánh có đoạn kể lại chuyện Chúa Giê-Su chữa bệnh người bị quỉ ám, khi đuổi con quỉ ra khỏi người bệnh, trông thấy đàn heo đi qua, Chúa đuổi quỉ nhập vào đàn heo chạy xuống vực sâu. Nếu dịch đúng bản gốc, vào trong xứ đạo Hồi thờ phượng con heo, thì kinh thánh sẽ bị tẩy chay. Vì mục đích truyền đạo quan trọng hơn, người dịch đổi đàn heo thành đàn cừu, đàn dê. Quỉ nhập vào cừu, vào dê thì không xâm phạm đến tín ngưỡng Hồi giáo. Thời đại hôm nay cho phép dịch được thay đổi theo mục đích và văn hóa để mang lại ích lợi, không nhất thiết phải bám theo ý tác giả.)  

Sự phản hồi này sẽ được so sánh với sự phản hồi của nguyên bản, tức là sự cảm nhận qua hình thức thông điệp.

Nếu câu hỏi cũ là: Đây có phải là một bản dịch chính xác không? Bây giờ, phải trả lời thêm một câu hỏi: …bản dịch chính xác cho ai? Tính chính xác được xác định bởi mức độ mà người đọc “trung bình” trong văn bản dịch mà dịch giả muốn họ có thể hiểu một cách chính xác. Chúng tôi không chỉ quan tâm đến khả năng hiểu đúng của người đọc, mà còn có khả năng lôi cuốn thú vị. Nói một cách khác, không chỉ đơn thuần dịch nội dung để người đọc trung bình hiểu được thông điệp, hơn nữa, chúng tôi muốn bảo đảm, họ khó có thể hiểu lầm.

Đặt câu hỏi vế tính đúng chính xác theo kiểu này, đương nhiên ngụ ý sẽ có một số cách dịch khác nhau, có thể gọi là “đúng” (hoặc tiếp cận sát sự đúng.) Trong thực tế, đối với các học giả đã hiểu rõ bản gốc, ngay cả bản dịch theo nghĩa đen, tốn nhiều công sức, cũng là bản “đúng” (theo nghĩa tiếp cận sát,) họ không lầm lẫn. Mặt khác, trong hầu hết các cộng đồng ngôn ngữ lớn, đặc biệt khi họ áp dụng ngôn ngữ quốc tế mà hàng triệu người sử dụng, sẽ có một số trình độ văn hóa xã hội khác nhau về khả năng nói và hiểu. Nghĩa là, cần phải đòi hỏi một số cấp độ dịch khác nhau về từ vựng, cấu trúc ngữ pháp, để mọi người có cơ hội căn bản đồng đều cảm hiểu thông điệp trong bản dịch. […]

Ông Nina phát biểu khá rõ ràng về sự “đúng”, nhiều cách dịch khác nhau, đều “đúng”. Nghe có vẻ rất nghịch lý, nhưng nếu xét về mặt phức tạp của các ngôn ngữ khi đối chiếu sẽ có sự chọn lựa giữa: đồng nghĩa, tương đương, tương xứng, tương ứng, để dùng vào văn bản dịch cho rõ cho hay theo ý dịch giả, (có nghĩa, trình độ hiểu biết và kinh nghiệm của mỗi dịch giả sẽ xác định giá trị bản dịch), thì “ tiếp cận đúng”, nhiều cách đúng, có ý nghĩa hơn là “sai.” Quan điểm này ủng hộ nghệ thuật dịch trăm hoa đua nở. Trong đoạn này, Nina còn nhắc đến, “một bản dịch cũng có thể nặng về mặt văn phong  đến mức gây ra khó hiểu.” Câu nói này nhắc nhở một số người dịch quá chú trọng theo sát văn phong của tác giả, nghĩa là bám sát cấu trúc ngữ pháp và từ vựng để đồ lại (copy) nhan sắc của văn bản gốc, nếu tạo ra một văn bản khó hiểu hoặc không thể hiểu, thì vô ích. Nhất là dịch thơ, không nhất thiết phải bám trụ thể thơ và bắt chước câu thơ.

3. THÁI ĐỘ MỚI TÔN TRỌNG NGÔN NGỮ CỦA NGƯỜI ĐỌC.

Một số vấn đề trở ngại trong việc dịch (kinh thánh hoặc áp dụng vào dịch văn bản thế tục) có thể bắt nguồn từ thực tế: người ta thường có quan điểm khá lầm lẫn về người đọc cũng như các ngôn ngữ gốc. Vì vậy, để dịch các văn bản tiếp cận mục đích tương đương sự phản hồi, người dịch cần thay đổi quan niệm về ngôn ngữ mà họ đang dịch. Điều này không chỉ bao gồm thay đổi một số thái độ có khuynh hướng đặt ngôn ngữ gốc lên bệ thần học (xem trọng, bất di bất dịch không thể thay đổi) cúi đầu tôn thờ một cách mù quáng, mà đòi hỏi phải triệt để suy nghĩ lại thái độ đối với ngôn ngữ của người đọc, ngay cả khi nó là tiếng mẹ đẻ của mình. (Nói dễ hiểu hơn, không thể quá tôn trọng ngôn ngữ gốc của tác giả một cách mù quáng, mà phải quan tâm đến ngôn ngữ của độc giả.)              



4. ĐẶC TÍNH RIÊNG CỦA MỖI NGÔN NGỮ.

Ngay từ đầu, điều cần thiết là phải nhận ra, mỗi ngôn ngữ đều có tính đặc sắc và huyền ảo của nó. Nghĩa là, mỗi ngôn ngữ sở hữu những đặc tính riêng biệt tạo ra cho nó một số sắc thái riêng tư. Ví dụ: khả năng thành lập chữ, những mẫu độc đáo của trật tự hành văn, kỹ thuật liên kết các mệnh đề thành câu, các dấu hiệu của diễn ngôn, và các kiểu diễn tả đặc thù của địa phương. Những điểm này hiện rõ trong thơ. (Chúng ta có thể chia sẻ quan điểm trên dễ dàng, cứ nhìn vào thế giới ngôn ngữ, sẽ thấy ngay ngôn ngữ chia ra một số vùng chữ viết, như vùng chữ tượng hình của Trung quốc, vùng chữ abc phát xuất từ Ai cập và La mã, vùng chữ “siêu thực” tiếng Phạn … Mỗi vùng chia  nhánh ra nhiều ngôn ngữ khác nhau, và mỗi ngôn ngữ gắn liền với địa lý, phong thổ, cá tính dân tộc, lịch sử, của mỗi địa phương, phát sinh những đặc tính khác biệt.)

Để thông đạt có hiệu quả, người ta phải tôn trọng sự tinh túy của mỗi ngôn ngữ.

Thay vì than phiền về việc thiếu một số đặc tính trong một ngôn ngữ, người dịch nên tôn trọng những đặc điểm trong ngôn ngữ của người đọc và khai thác tiềm năng của ngôn ngữ đó ở mức độ cao nhất có thể áp dụng. […] Đơn giản, người ta phải chấp nhận trong thực tế, có nhiều ngôn ngữ không có (hoặc không muốn) sử dụng giọng thụ động. Đơn thuần, họ chỉ tường trình các hành động như là các hoạt động. Thay vì cưỡng ép những cấu trúc chính thức của ngôn ngữ này lên ngôn ngữ khác, người dịch giỏi đã chuẩn bị kỹ để dịch thay đổi bất kỳ các cấu trúc chính thức nào cần thiết để tái tạo những thông điệp, thông tin, ở dạng cấu trúc đặc biệt của ngôn ngữ độc giả.

Bất cứ điều gì có thể nói bằng ngôn ngữ này, đều có thể nói bằng ngôn ngữ khác, trừ khi hình thức đó là một yếu tố tinh chất của thông điệp.

Đối với người bình thường, tiềm năng và sự tương đương trong thực tế của ngôn ngữ có lẽ là điểm tranh luận nhiều nhất về dịch thuật. Sẽ rất khó hiểu, nếu một người chưa bao giờ thấy tuyết lại có thể hiểu một đoạn kinh thánh nói về “trắng như tuyết”. […] Ví dụ trên cho thấy, nếu độc giả không có kinh nghiệm về một sự việc gì trong ngôn ngữ bản gốc, khi đọc bản dịch, dù dịch hay, dịch đúng, họ vẫn không thể cảm nhận hoặc chia sẻ. “Tuyết” là vật cụ thể, thực tế, có thể thấy qua báo chí, hình ảnh, dù chưa thực sự đối diện với tuyết. Nếu là một sự kiện, hình tượng trừu tượng, hoặc ý tưởng mà độc giả chưa biết bao giờ, đương nhiên họ không thể lãnh hội. Điều này áp dụng vào câu văn, có rất nhiều ngôn ngữ xây dựng câu văn khác với ngữ pháp quen thuộc của độc giả, thấy rõ nhất là trong dịch thơ, vì vậy, có sự cân nhắc và lựa chọn trăn trở khi thay đổi thể thơ và cách cấu trúc trong câu thơ.  

Tuy nhiên, phải nói rằng, nếu hình thức (cách diễn tả) thông điệp là yếu tố thiết yếu cho ý nghĩa của nó, thì rõ ràng có một giới hạn trong việc truyền đạt ý nghĩa từ bản gốc sang bản dịch. Thông thường không thể tái tạo loại ý nghĩa này. Ví dụ, trong chương thứ ba của John. Chúa Giê-Su nói về “gió/wind” và “thánh linh/Spirit”. Trong tiếng Hy lạp “pneuma” dùng cho cả hai ý nghĩa. Điều này dẫn đến cách chơi chữ quan trọng, nhưng không thể minh bạch dịch sang Anh ngữ. Trong trường hợp này cần ghi chú bên lề để độc giả biết một từ vựng của bản gốc mang hai ý nghĩa khác biệt. (Dịch một văn bản khó mà không có ghi chú hoặc giải thích gì, có nghĩa là người dịch hoặc quá tự tin hoặc xem thường phẩm chất dịch.)  

Trong tinh thần đó, người dịch gặp khó khăn, gần như không thể, tái tạo nhịp điệu, vần điệu của thơ và nhất là những nét đặc sắc hoặc đặc thù của bài thơ và những ám chỉ có chủ đích. Ở thời điểm này, ngôn ngữ mất khả năng tương ứng, người dịch phải chuẩn bị hy sinh một số hình thức (cách diễn đạt) hay đẹp nào đó vì ích lợi chung của nội dung. Nghĩa là, để bảo toàn nội dung của thông điệp, hình thức diễn đạt phải thay đổi. (Lập luận chính xác) Nếu tất cả ngôn ngữ khác nhau về hình thức, và đây là bản chất khác biệt của ngôn ngữ, thì hoàn toàn tự nhiên các hình thức diễn đạt phải thay đổi để bảo toàn nội dung. […] Lập luận này trở thành định đề trong dịch thuật, biểu lộ rõ rệt nhất trong thơ, lời nhạc, và văn bản triết học. Đa số những phê phán về dịch sai rơi vào những trường hợp này. Sự chọn lựa để hy sinh một số hình thức ngôn ngữ, kể cả ý và tứ để bảo toàn nội dung hoặc giữ gìn tinh túy bản gốc của mỗi dịch giả, sẽ khác nhau và dĩ nhiên khác với chọn lựa của người phê phán. Trong lãnh vực dịch thuật, nhất là dịch văn bản văn chương, sự phê phán thường biểu lộ sự thiếu hiểu biết, sự tự tin cường điệu, hơn là đúng hoặc sai. Đơn thuần, cá nhân đó tự cho mình quyền tối cao phê chuẩn ngôn ngữ.

Xin ghi nhận rằng, dịch giả thường không có nhiều danh vọng. Những dịch giả giỏi đã là tác giả hoặc nhanh chóng trở thành tác giả. Cho dù là ai, khi dịch, người đó trở thành kẻ phục dịch, người trung gian chuyển tiếp nội dung và hình thức bản gốc sang một khối văn bản dịch. Công việc này thường bị chê hơn là khen. Dịch giả là một phó thường dân của tác giả, đồng thời là người phục vụ nơi bàn ăn chữ nghĩa của độc giả, hầu hết mọi hầu hạ trong các bữa ăn đều không có tiền típ.

Vì bản chất tinh túy của ngôn ngữ, và ngôn ngữ thế giới chia ra nhiều dòng dõi khác biệt. Khi dịch các ngôn ngữ trong cùng một dòng dõi thì sự thay đổi hình thức diễn đạt ít hơn, dễ hơn đối với dịch ngôn ngữ khác dòng dõi. Ví dụ dịch tiếng Spanish sang tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức thì thuộc vào trường hợp dịch thuật trong cùng đại gia đình. Nếu dịch tiếng Anh sang tiếng Iran, Ả rập … sự thay đổi hình thức diễn tả sẽ thường xuyên và đôi khi không thể nào phiên dịch. Còn nếu như dịch tiếng Batu Phi châu qua tiếng Anh, sẽ còn phải quyết liệt hơn để chọn lựa những gì có thể chuyển dịch. Tiếng Anh là tiếng thông dụng, tự bản thân đã chất chứa những kinh nghiệm thay đổi mang tính toàn cầu, Còn như dịch các ngôn ngữ khác sang tiếng Việt, khó khăn lên đến bội phần. Tuy nhiên, khi gặp thực khách khó tính, khó chịu, nói năng khó hiểu, không lẽ người hầu bàn bỏ việc ra về?

5. THÁI ĐỘ MỚI LIÊN QUAN ĐẾN NGÔN NGỮ GỐC.

Thái độ dịch mới quan tâm đến ngôn ngữ người đọc chắc chắn ngụ ý một cách nhìn mới về ngôn ngữ gốc. […] 

Người dịch phải cố gắng tái tạo ý nghĩa của mỗi đoạn văn theo ý hiểu biết của người viết. Nguyên tắc cố gắng tái tạo ý nghĩa một đoạn văn mà người viết hiểu một cách tự nhiên không cần phải nói, nhưng ở đây vẫn có nhiều điều người ta đáng thắc mắc. Ví dụ, một số người nhấn mạnh việc dịch tiếng Hy  Lạp trong Tân Ước, phải trở về với ngôn ngữ Aramaic để hiểu rõ Chúa Giê-Su đã nói gì trong ngôn ngữ này. Nói một cách khác, điều người viết hiểu dễ dàng, sau một thời gian dài, không hẳn là những gì người đọc có thể lãnh hội rõ ràng. Cứ như Kinh Thi đã được Khổng Tử san định, được các cao nhân giảng giải, được Nguyễn Hiến Lê bàn soạn, nhưng đến đời cháu của chúng ta, họ dễ gì cảm nhận những thâm thúy mà cha mẹ chúng ta từng vỗ tay tán thưởng? Dịch không dễ dàng, đơn giản, chuyển chữ này sang chữ kia, giải ý này qua ý nọ, mà chủ yếu vấn đề đa văn hóa và văn hóa khác biệt qua thời đại. Trước thời Chúa Giê-Su cụm từ “cổng trời” chỉ định một nơi biệt giam trên đỉnh núi không có đường xuống. Đến đời Tân Ước, “cổng trời”, trở thành cửa thiên đàng, dịch giả biết dịch làm sao?

 

Hết chương Một. Mời đọc chương Hai: The Nature of Translating của  Eugene Nina trong lần sắp tới. 

Ngu Yên

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Năm 1979, Steve cho xuất bản Indochina Newsletter là tài liệu liên quan đến các vi phạm nhân quyền tại Việt Nam sau ngày 30/4/1975, sau đổi tên thành Indochina Journal, rồi Vietnam Journal. Tôi và vài người Việt nữa đã cùng làm việc với Steve trong việc phối kiểm tin tức liên quan đến tù nhân lương tâm và dịch nhiều tài liệu của các phong trào đòi tự do dân chủ tại Việt Nam sang tiếng Anh, như Cao trào Nhân bản của Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Diễn đàn Tự do của Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, các bài giảng về sám hối vào Mùa chay 1990 của linh mục Chân Tín, cũng như những tuyên cáo về tình trạng thiếu tự do tôn giáo của các Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, Thượng tọa Thích Trí Siêu Lê Mạnh Thát; của Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền, Linh mục Nguyễn Văn Lý.
Mục tiêu ban đầu khi Tổng thống John F. Kennedy thành lập USAID trong cuộc chiến tranh lạnh với Nga vào năm 1961, nội các của ông không chỉ nhắm đến các viện trợ dân sự và nhân đạo mà còn mang mục đích sâu xa hơn: Đó là sự ổn định và phát triển của các quốc gia khác sẽ bảo vệ cho nền an ninh quốc gia Hoa Kỳ. Mục đích này vẫn không thay đổi sau hơn sáu thập niên hoạt động của USAID, qua nhiều đời tổng thống Mỹ. Bởi lợi ích của nước Mỹ nằm khắp thế giới, những sự giúp đỡ, viện trợ trước mắt mang lại lợi ích chiến lược lâu dài cho nước Mỹ. Các nghiên cứu về USAID cho thấy quyền lực mềm của nước Mỹ do USAID đã mang lại thiện cảm về nước Mỹ, giúp hàng hóa, sản phẩm Mỹ được ưa chuộng tại các thị trường nội địa và gián tiếp giúp cho các tập đoàn Mỹ nhận được các hợp đồng kinh tế to lớn so với các đối thủ. Ngược lại, khi thiện cảm này bị mất đi, hay thậm chí bị ghét bỏ, làn sóng tẩy chay hàng Mỹ là lẽ đương nhiên. Những chương trình giáo dục, huấn nghệ cho trẻ em các nước chiến tranh
Doanh nhân Donald Trump đã khởi xướng trào lưu dân tuý và hai lần thắng cử tổng thống. Ngay khi xuất hiện lần đầu tiên trên chính trường để vận động tranh cử năm 2016, Trump không có tham vọng thu tóm quyền lãnh đạo Đảng Cộng hoà trong ý tưởng thù địch, mặc dù thể hiện nhiều quan điểm chống đối gay gắt. Ngược lại, ngày nay, "chủ thuyết Trump" chế ngự toàn diện mọi sinh hoạt của đất nước. Thực ra, khi nhìn lại hoạt động của Đảng trong thời hiện đại, đây là kết quả của một tiến trình dài nhằm tái định hình chiến lược bảo thủ mà Đảng đã đề ra vào những năm 1960.
Một trong những sắc lệnh hành pháp đầu tiên của Tổng thống Donald Trump là một đòn tấn công trực diện vào nguyên tắc hiến pháp lâu đời về quyền có quốc tịch theo nơi sinh (birthright citizenship). Quyền này được quy định trong Tu Chính Án Thứ 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ, ghi rõ rằng bất kỳ ai sinh ra trên lãnh thổ Hoa Kỳ đều đương nhiên trở thành công dân Hoa Kỳ, không phân biệt nguồn gốc hay tình trạng nhập cư của cha mẹ.
Trong hơn một thế kỷ qua, vị trí chiến lược và tài nguyên thiên nhiên phong phú của Greenland đã khiến hòn đảo này trở thành một trong những mục tiêu tham vọng của Hoa Kỳ, đặc biệt là trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh (Cold War). Nhưng các nhà lãnh đạo Greenland vẫn luôn kiên quyết từ chối những lời đề nghị này. Từ kế hoạch mua lại đất đến các cuộc đàm phán thiết lập căn cứ quân sự, Greenland đã trở thành một trong những hòn đảo được săn đón nhất trên thế giới.
Hơn năm thập niên đã trôi qua, tuần này hàng loạt các bài báo dòng chính Hoa Kỳ đã đưa ra nghi vấn Nick Út có thể không phải người chụp tấm ảnh biểu tượng cuộc chiến Việt Nam trên các tờ báo lớn Hoa Kỳ: Washington Post, Los Angeles Times, National Catholic Reporter, CBS News, BBC, Vanity Fair... Câu hỏi được chạy dòng tít lớn trên các báo là liệu Nick Út chụp tấm hình, hay một người khác tên là Nghệ Nguyen đã chụp tấm hình này?
Tết năm nay là Tết Ất Tỵ, người ta đón xuân con rắn rắn bò bò trườn trườn mình trên mặt đất, nó không có chân, nhưng lướt mình trong bụi cây, trong hang ổ ngóc ngách nơi rừng cây rậm rạp, nhất là ở các vùng nhiệt đới um tùm, rắn đang lò mò mang mùa xuân tới… rắn đang mang về mùa xuân Ất Tỵ! Hình ảnh con răn có người yêu thích, quấn quanh cổ, quanh người đi chơi, quảng cáo, bán thuốc sơn đông mãi võ, cũng có người ghét bỏ, rùng mình quay đi.
Nước ta có nhiều ngày Tết. Mỗi Tết có một ý nghĩa riêng, có đôi khi theo thói quen của Trung Hoa ngày xưa. Các lễ Tết gồm có: Tết Nguyên Đán ngày Mồng Một tháng Giêng, Tết Hàn Thực vào ngày 3 tháng 3 , Tết Đoan Ngọ ngày 5 tháng 5, Tết Trung Thu ngày 15 tháng 8 và Tết Song Thập ngày 10 tháng 10.
12:05 giờ đêm, từ buổi tiệc Giáng Sinh ở nhà cô bạn thân ra về, một cảm giác ứa nghẹn bất chợt trào lên. Trong khoảnh khắc, tôi thấy mình tắp xe vào bờ đường xa lộ, rồi không thể tự kiềm chế, từng cơn nấc ào đến, nước mắt ràn rụa, tôi khóc như thể vừa hay tin người thân yêu nhất mới qua đời. Cơn òa vỡ đầu tiên này xảy ra vào một đêm cuối tháng 12, khi tôi ở tuổi 46. Thật ra, nhiều ngày, tháng trước đó, mọi giác quan trong người đã phát ra nhiều tín hiệu cảnh báo về một cơn chấn động kéo theo những hoang mang, những trăn trở về ý nghĩa, lẽ sống… Nhưng bận rộn với việc chứng minh bản thân qua nhiều vai trò, trái tim tôi không có chỗ cho cảm xúc lạ, cái đầu coi thường khái niệm “midlife crisis”.
Từ thời xa xưa, con người đã ngước nhìn bầu trời đêm với sự ngưỡng mộ và tò mò. Những ánh sáng lấp lánh trên nền trời đen thẳm không chỉ đóng vai trò như la bàn và lịch, mà còn là nguồn cảm hứng cho thơ ca và nghệ thuật, cho những câu chuyện về các vị thần. Nhưng vào năm 1925, mối quan hệ của con người và những vì sao đã có một bước ngoặt lịch sử. Một nữ khoa học gia trẻ tuổi đã khám phá ra rằng các ngôi sao không phải là những vật thể giống Địa cầu, mà chủ yếu được cấu tạo từ hydro và heli, hai nguyên tố nhẹ và đơn giản nhất trong vũ trụ. Nữ khoa học gia tài năng này tên là Cecilia Payne, 24 tuổi. Phát hiện mới của bà đã đặt nền móng cho ngành vật lý thiên văn học về thiên thể và thay đổi hiểu biết của chúng ta về vũ trụ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.