Hôm nay,  

Tuổi Trẻ Ngu Ngơ - trang 1

03/08/201401:16:00(Xem: 10066)

tuổi trẻ ngu ngơ

trương ngọc bảo xuân

Trang 1

Khi ngồi nhớ lại chuyện của nửa thế kỷ trước, tôi phải thoát ra khỏi hiện tại cùng với cái xác phàm đầy mệt mỏi. Muốn tìm lại quá khứ, tôi phải trở thành cái bóng của chính mình, bay lên cho cao, vượt lên cho nhẹ để có thể xoay ngược vòng trái đất, ngó lại, nhớ lại…

…tôi đứng đó, dựa vào góc tường, theo dõi từ khi mọi sự bắt đầu, nhìn hai người trẻ tuổi đang ngồi sát bên nhau, gió hiu hiu thổi, trên trời đầy sao, nghe họ tâm tình.

Tôi phải làm một kẻ khách quan, một nhân chứng, nhận xét, phê bình chuyện của họ, để hiểu, để biết, từ đầu tới cuối, họ đã làm gì sai?

Năm 1964

Nửa thế kỷ trước, có hai người trẻ tuổi yêu nhau
Nàng mới 16, chàng mười bảy.
Lần đầu họ gặp nhau là trong sân trường. Cái sân trường nhỏ xíu, hai cánh cổng sắt mở rộng thì vừa đủ chiếc xe hơi của thầy viện trưởng Nguyễn Phụng lọt vô. Bên tay mặt có vài cây xanh, lá um tùm, bên tay trái có cây dừa cao ngều ngệu, có mấy bụi hoa gì đó chưa nở nên chưa biết hoa gì.
Và nổi bật nhứt là cái bậc thềm vòng cung. Trên những bậc thềm ấy, chỗ đóng đô của họ, đã chứng kiến biết bao kỷ niệm của nhóm sinh viên còn ngây thơ trong trắng.
Trong kỳ thi tuyển, nàng thi đậu, cũng không nhớ những người đã cùng thi hôm ấy. Thế mới nói, tuổi trẻ thường hay vô tâm.
Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ thời thập niên sáu mươi, chương trình học là ba năm, thi đậu được cấp bằng tương đương của đại học cho nên học viên có thẻ sinh viên, le lói.
Nàng nhớ như in, ngày đầu gặp chàng, áo sơ mi trắng tinh bỏ trong quần đen, tay dài săn lên, cắp cái cặp táp mỏng bên hông, bước đi một cách tự tin, mang một vẻ mặt nghiêm trang, mắt nhìn thẳng người đối diện, một cách dễ ghét. Nàng ngoảnh mặt trở vô lớp.

Lớp học vào buổi chiều, nắng còn xiêng khoai. Cả nhóm bạn cùng ùa vô lớp. Khi học chữ hay bây giờ coi như học nghề, nàng luôn luôn thích ngồi bàn đầu. Quẹo vô giữa, ngồi bàn đầu, ngoài bìa, ngó ngay lên bàn của thầy. Chàng đi luôn phía dưới cùng với mấy người con trai. Ngộ thiệt, giống như một định luật bất thành văn, con trai tự động kéo hết xuống dưới, nhường chỗ cho con gái, tất cả ngồi phía trên.

Sau khi xưng tên họ ra, mọi người quay sang phải trái mình làm quen nhau.

Ngồi cùng bàn với nàng là nhỏ da trắng trẻo, miệng hơi hơi móm duyên, tên Lan. Nhỏ nầy trắng dễ sợ ta ơi, giống như lai Tây vậy. Nhỏ kia tròn trịa, miệng hay cười, tóc ngắn, tên Ngọc, nhỏ kia ốm nhom tên Tuyết. Ngồi bàn kế bên có nhỏ xưng tên Chí Mỹ, và ba đứa nữa, quên mất tên rồi. Mấy bàn phía sau toàn là nam nhân, nay chỉ còn nhớ mấy cái tên thôi, Đức, Tươi, Lâm Tình, và loáng thoáng tên Minh, họ Lương. Về sau có thêm anh Châu và đứa em gái, thời gian sau cũng đi theo gánh hát.

Những giờ đầu dĩ nhiên gặp lại ba vị thầy. Thầy Năm Châu, thầy Duy Lân và thầy Lê Hoài Nở, là những giám khảo của ngày chấm thi.

Quý thầy đã thay phiên nhau mà giảng, bài học đầu tiên là sơ qua về nghệ thuật diễn xuất và đạo đức của người nghệ sĩ, gạt bỏ mọi thành kiến “xướng ca vô loài” xưa cũ. Ngay sau giờ học đầu tiên nầy, quý thầy đã làm cho nàng thấy tự tin hẳn lên. Đây là cái nghề mà nàng gần như rất thích, tưởng rằng sẽ theo đuổi suốt đời. Nói đúng ra, nàng thích nhứt làm ca sĩ ca tân nhạc, học đàn tây phương, đóng thoại kịch (nhưng không có đàn và biết nhạc lý nên không thể thi bên đó, còn kịch thì vuột mất cơ hội thi rồi) cổ nhạc đang tuyển, nàng ghi danh thi đại, lại đậu, mà đậu hạng nhứt nữa mới lọa!?!

Nhớ bản Lý con sáo trong bài thi trích tuồng “Khi nữ hoàng trị tội”:

-Ôi ai đây?

Ai ở phương trời nào đây

Nào ai biết ai hay

Cùng chung cùng chia

Sớt với nhau đắng cay ngọt bùi

Ma sao lòng vẫn ngậm ngùi

Nào còn gì của tôi ở đây, chẳng biết yêu cũng không người yêu Ngày lạnh lùng mà đêm khát khao, biết ở đâu biết đi về đâu

Suy nghĩ lang mang, tới giờ nghỉ, mọi ngừơi ùa ra sân chơi. Lớp học kế bên là lớp học đàn cổ điển, tranh, sáo kìm, cò… cũng có một nhóm nhỏ sinh viên, tuổi trạc bằng nhau, mười mấy. Líu tíu lăng xăng nói nói cười cười, con gái cập tay con gái, ra phiá sau có quán bán nước ngọt kẹo bánh của vợ chồng bác gác cổng để ăn hàng.

Tan học, mọi người túa ra cổng. Nàng ra về, lòng thơi thới hân hoan. Từ đường Nguyễn Du, nàng phải đi bộ ra tới bùng binh chợ Bến Thành, qua trạm xe, để đón xe buýt về Phú Lâm. Tới chợ Phú Lâm, nàng còn phải đi bộ thêm một khoảng đường dài nữa mới về tới nhà. Đi học cực như vậy mà nàng vẫn vui, hăng hái, bởi vì trong lòng đang mang đầy lý tưởng.

Lớp sơ đẳng ấy học bán thời gian, khi thì buổi sáng sớm khi buổi chiều cho tới tối. Lúc ấy đa số sinh viên vẫn còn đang học chữ. Quí thầy luôn dặn:

“Các con cần phải có kiến thức, cần phải học chữ nghĩa cùng với nghề nghiệp thì mới hổ trợ cho nhau, phải là những nghệ sỹ có đạo đức và trách nhiệm. Thế hệ các con hãy thay đổi bộ mặt của ngành cải lương nầy. Nghệ thuật không phải chỉ mua vui, nghệ sỹ không phải sống phóng túng. Không phải sống phóng túng mới là nghệ sỹ. Nghệ sỹ là những người có cơ hội để góp tiếng với quần chúng, thay đổi thành kiến xấu, gởi thông điệp tốt ra ngoài xã hội; cố giữ vững những luân lý ngàn đời của ngừơi xưa nữa.”

Và “các con” lúc ấy, hứng khởi, hăng say, nghe lời chỉ bảo dạy dỗ của những bậc thầy mình rất kính trọng.

Thời ấy, ban cổ nhạc của trường mới thành lập được bốn năm thôi, như vậy có nghĩa là, năm hai ngừơi tuổi trẻ ngây ngô gặp nhau là năm thứ tư, cũng là năm nhóm sinh viên thứ nhì ra trường. Họ vừa mới thi tốt nghiệp xong, nàng nhớ có Hồng Hạnh, Hồng Phước, Hồng Vân (về sau đổi tên là Trâm Anh) anh Nhân và còn ai nữa thì không nhớ.

Về lớp đầu tiên, trong tấm hình tốt nghiệp chụp chung với ba vị thầy mà nàng còn đang cất giữ, nàng nhớ tên vài người, anh Minh Phương, chị Hương Xuân, chị Phương Ánh, chị Lan, anh Tây biệt hiệu Trường Khanh (do thầy đặt vì thầy nói anh đẹp trai như Tống Ngọc như Trường Khanh là hai nhân vật đẹp nhứt thời xưa bên Tàu) Anh Tây là ngừơi đã giới thiệu với nàng bản nhạc:

“ngày đó có em đi nhẹ vào hồn và đem theo trăng sao đến với lời thơ nuối…”

cùng những quyển truyện dịch rất hay, tập cho nàng thói quen tìm trên vĩa hè đường Lê Lợi những quyển sách cũ mua về đọc mê man.

Anh Thiêm biệt hiệu Mai Thành, anh Nguyễn Hửu Lộc, anh Ba, anh Trọng, anh Long và vài người khác tổng cộng trong hình là 22 người.

Với Nguyễn Hửu Lộc nàng cũng đã có một thời hẹn hò. Chuyện đó chắc phải để sau mới nói.

Trong nhóm nầy có một chị, là vợ anh MP. Về sau chị theo đoàn văn nghệ của bộ Xây Dựng Nông Thôn. Trong một lần đi công tác, bị Việt cộng giựt mìn trên đường, đã chết khi tuổi mới hăm mấy bỏ con lại. Nàng cùng với thầy cô và các bạn đi dự đám tang chị, lòng rất đau buồn.

Lớp thứ ba có kép đẹp Huỳnh thanh Trà, anh Long vespa (vì anh lái chiếc vespa le lói lắm) chị Mỹ Thanh rất đẹp, vẻ đẹp thanh cao quí phái với thân hình mảnh mảnh, đẹp nhứt là đôi mắt, đúng là mắt nai tơ, to, đen huyền lóng lánh, luôn luôn bận áo dài trắng, chị Lai Huyền, chị Long (biệt danh là Long thượng vì gia đình ở vùng Châu Đốc, Long Thượng), chị Nhung có nụ cười nửa miệng rất duyên dáng, anh Tươi, “thằng Hai”, anh Nhứt, Trương Long, Lương Minh và vài người khác nàng đã quên tên.

Lớp của nàng cũng có người tên Long. Ba nhân vật rồng thiêng nầy, một đã ra trường, hai rồng còn lại phải phân biệt để khỏi lẫn lộn chớ.

Để phân biệt hai Long, bạn bè đặt thêm biệt hiệu. Hai người cùng tên nhưng tiền bối thì trắng và cao hậu bối thì đen và thấp hơn, cho nên mới có Long trắng và Long đen, phân biệt giản dị rõ ràng quá rồi. Kêu riết thành danh luôn. Có một lần Long đen đã đưa nàng tới nhà chơi, một quán phở trong khu Bàn Cờ, rồi chở nàng về Phú Lâm bằng xe đạp. Từ Bàn Cờ về Phú Lâm, quận 6, Chợ Lớn, đường xa dịu vợi. Nhớ lại mà thương. Bạn tôi ơi, giờ đang ở đâu?

Trường Khanh theo ban thoại kịch của nghệ sỹ Kim Cương và ban kịch Sống của nghệ sỹ Túy Hồng. Anh đã mất năm 1994, chỉ một tháng trước khi nàng trở về thăm quê hương. Về mà không gặp được anh, buồn biết bao nhiêu.

Năm ấy về không gặp anh Tây nhưng có buổi cơm ngon với NT và Long trắng. Buổi cơm ấy do đứa con gái lớn của NT, cô bạn thân của nàng. Cháu xách giỏ đi chợ về, đãi bạn của mẹ món canh cá thác lác rau tần ô. Cá nguyên con về nạo lấy thịt, rau tần ô tươi rao ráo, đã lâu sống ở ngoại quốc nàng đã không được ăn món nầy.

Long trắng là diễn viên phim ảnh Trương Long, mới mất cách đây vài năm. Người cao lớn như tây, tánh tình hiền dịu hay cười. Ba ngừơi bạn vừa ăn vừa ôn lại chuyện xưa. Chuyện xưa bây giờ nhắc lại để xem coi lúc đó đưá nào để ý đứa nào tương tư đứa nào thất tình đứa nào rồi cười xòa.

Anh Mai Thành là diễn viên trong rất nhiều phim hiện nay. Anh đã lớn tuổi, nhìn vẫn còn quắc thước lắm. Còn “thằng Hai” tới giờ nầy nàng cũng không hiểu tại sao ai cũng gọi y là “thằng Hai” mà không chỉ là Hai thôi???

Thằng Hai cùng tuổi với nàng, là một ngừơi con trai rất dễ mến, nhớ tới y là nhớ tới cái miệng luôn cười, khoe hàm răng sún ra! thiệt tình.

Anh Đức thường nói với thằng Hai rằng:

- Cha nội nầy sún răng mà sao hay cười quá vậy cha? Thôi bỏ đi tám.

Anh kêu ngạo thằng Hai nhưng anh không biết sau lưng anh, thằng Hai sửa tên anh là Đức cống! Nói tóm lại, ngoài cái miệng cười làm duyên ra còn mái tóc. Trên đầu “cha nội tám” có mái tóc bồng, đen mướt, chải cao lên, ve vuốt dữ lắm. Tay vuốt tóc miệng cười nói -tại tánh tui vui vẻ thì hay cười chớ siu! bỏ sao được mà bỏ?

Chị Lai Huyền thường mắng và hay sai vặt:

-Thằng quỷ nầy, cười hoài hà. Mắc gì mà cừơi? chạy lên văn phòng xin dùm cục phấn coi, thằng quỷ!

“Thằng quỷ” cừơi xòa chạy cái vù lên văn phòng.

Lớp nàng có Long đen, Lâm Tình, Lan, Ngọc, Tuyết, Chí Mỹ (là nghệ sỹ Mỹ Chi sau nầy) ba bốn ngừơi con gái nữa nàng đã quên tên (xin lỗi các bạn) và anh Đức, Đức cống.

Về sau có Thu Ba (nghệ sỹ Tú Trinh) và Kiều Phượng Loan vào học dự khuyết. KPL thì bị huốt kỳ thi, vô sau, Tú Trinh không được thi vì mới có 13 tuổi thôi cho nên hai người mới phải gọi là học sinh dự khuyết. Nàng là con gái của thầy Chín Trích. Thời đó có bốn vị thầy đờn cho sinh viên luyện ca là Ba Dư đờn tranh, Chín Trích đờn cò, Bảy Hàm đờn lục huyền cầm và thầy Sáu Tửng đờn kìm. Thầy Sáu Tửng là thân phụ của nhạc sỹ Huỳnh Anh.

Nàng thích cái tên Thu Ba, nghe thơ mộng làm sao, vì vậy sau nầy, mấy chục năm sau mới gặp lại nhưng mỗi lần gặp, nàng luôn gọi tên Thu Ba chớ ít khi là Tú Trinh.

Mới bấy nhiêu tuổi đầu mà Thu Ba đã lộ rõ khả năng, một thiên tài, ca, diễn, nói. Hay nhứt là giọng nói, còn vị thành niên mà có giọng nói đượm rõ tình cảm hỷ nộ ái ố, về sau nàng làm nghề chuyển âm phim rất xuất sắc. Mới 13 tuổi nhưng đã lộ rõ nét đẹp. Làn da màu bánh mật, cặp mắt rất to, hai mí lông mi rậm đen lay láy, tình tứ lãng mạn, cái miệng cười dễ dàng hàm răng đều như hạt bắp, mũi thẳng, khuôn mặt rõ nét xương hàm, mái tóc đen dài mướt, có thể nói Thu Ba rất đẹp và càng lớn càng đẹp thêm với thân mình dây. Cho tới bây giờ sau mấy chục năm xa cách, nàng vẫn còn giữ được nét đẹp xưa và sâu sắc hơn.

Anh Tươi trắng trẻo, đôi mắt to, tròng mắt màu nâu đậm (nàng hay thắc mắc -ảnh có lai gì không mà da trắng mắt màu nâu vậy ta???) miệng cũng luôn luôn cừơi, hàm răng trắng bóc sáng lấp lánh, Tươi mà, cái tên rõ ràng vận với diện mạo. Về sau hình như vợ anh tên Vui thì phải. Cả nhà là vui tươi đẹp khỏe, làm gì mà không lên như diều.

Anh Trà thì đẹp trai chắc từ thuở mới lọt lòng hay sao ta? bởi vậy về sau trở thành diễn viên điện ảnh, làm một “Loan mắt nhung” vì quả thật, anh có đôi mắt to hai mí đen thăm thẳm, tình tứ, biết bao cô gái mê mệt anh???. Lúc đó anh đang luyện thi tú tài, đôi hay chiếc? hình như là tú tài đôi. Quê quán Vũng Tàu, anh được cha gởi trọ học tại Sài Gòn, gần trường. Nàng có tới căn gác trọ của anh một lần, đi cùng với chị.

Lần đó tới nhà anh thì gặp Lâm Tình cũng có mặt, chữ tình rõ ràng trong đôi mắt, đôi mắt rất hiền hòa nhưng sâu thẩm.

Nhớ lại lần đầu nói chuyện với Minh, nhận xét đầu tiên của nàng về Minh rất rõ vì chàng có nhiều nét đặc biệt.

Minh là người Minh hương (cha Tàu mẹ Việt) có dáng đi đứng nhẹ nhàng. Minh với mái tóc bồng bềnh, trán cao, cặp mắt sáng đen, chân mày rậm mũi cao đôi môi đầy, có dạng hàm râu quai nón xanh xanh của tuổi mới lớn. Minh, với giọng nói trầm trầm êm êm, trong suốt thời gian quen nhau, chưa từng lớn tiếng, chưa từng thấy thái độ bất kính hay giận dữ với ai.

(còn tiếp)

blank

[img]http://img.photobucket.com/albums/v301/ngocanh32/img20140621_09002886_zpsfbf6af0e.jpg[/img]

Lớp tốt nghiệp đầu tiên, ngành cổ nhạc, năm 1962-63


.
,

Ý kiến bạn đọc
07/08/201419:53:54
Khách
Cô Xuân ơi, hồi ức của cô hay quá . Cho phép con copy vào một diển đàn của cải lương được không ?

cang saigon
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Để coi… ! Hồi học lớp Nhất tiểu học (lớp Năm bây giờ), có ban văn nghệ tí hon mặc đồng phục quần soọt xanh áo sơ mi cụt tay trắng, thắc nơ đỏ trông bảnh choẹ lắm. Trong ban văn nghệ tí hon ấy, Luy đánh đờn mandolin
Hè năm đó, lớp nhì, tui còn nhỏ lắm. Ba mắc đi làm việc má mắc bán cơm tháng, cử tui đi theo dì về quê ăn đám cưới người chị bà con. Được đi mình ên. Đã quá. Khỏi phải giử em.
Hổng nhớ tên, hổng nhớ mặt, chỉ nhớ cổ còn trẻ và ... dữ lắm. Dữ hơn má mình. Sáng bữa nào vô lớp tui cũng khóc. Khóc vì sợ, khóc vì... nhớ má" hay khóc vì sáng nào cũng vô trễ. Ba tui đưa đi học mà sáng nào cũng trễ.
Bạn có bao giờ nhớ tới hai câu thơ thân thuộc từ những ngày xanh trong trang Lưu Bút học trò Thân nhau mới tặng ảnh nầy . Để làm kỷ niệm những ngày xa nhau .
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.