Hôm nay,  

Chuyện Ngày Xanh (3)

04/10/200600:00:00(Xem: 5098)

LƯU BÚT NGÀY XANH
...
Hè năm đó, lớp nhì, tui còn nhỏ lắm. Ba mắc đi làm việc má mắc bán cơm tháng, cử tui đi theo dì về quê ăn đám cưới người chị bà con. Được đi mình ên. Đã quá. Khỏi phải giử em.
Khỏi phải sáng bốn giờ thức đặng theo Má đi chợ Sài Gòn tiếp xách giỏ. Thức bốn giờ tại vì chợ Bến Thành mở cửa lúc năm giờ. Nếu chợ mở cửa lúc bốn giờ chắc con nhỏ phải thức ba giờ quá!!! Được cái là bà bán bánh da lợn đổ khuôn, bữa nào cũng để dành cho tui phần bánh bìa bánh vụn một gói. Tui lủm trọn.
Hương vị, ngon lành y như bánh nguyên. Cần gì cái đẹp bên ngoài!. Lúc đó gia đình tui sống trong dãy nhà cho công chức ở trong Sở Giảo Nghiệm (còn có tên là sở Lục Hình) trên đường Nguyễn Trung Trực. Má nấu cơm tháng, bán điểm tâm cho mấy thầy mấy cô làm việc tại sở và những người từ mấy tỉnh lên học “cua”. Sở Giảo Nghiệm của Tây giao lại cho nên có rất nhiều ngành nghề chuyên môn. Nhân viên Cảnh Sát trong nghề từ các tỉnh cần phải lên đây qua nhiều khóa huấn luyện.
Má rất giỏi.
Hồi xưa có vựa trầu ở chợ Cần Thơ. Lên Sài Gòn, ở nhà nuôi con mà hổng tạo ra đồng tiền để phụ giúp ba, Má thấy xót ruột lắm. Ba che cái hàng ba trước cửa nhà, đặt cái bàn dài trong nhà, đầu tiên má chỉ mở bán “cà phê vợt”, trứng gà ốp la thịt xúc xích ăn bánh mì cho mấy thầy mấy cô thôi. Sau đó thấy những người từ xa tới ở trọ thì dễ miếng ăn thì khó, với lại thấy má làm ăn sạch sẽ, họ (40 người) yêu cầu má - thôi cô ba à (kêu theo thứ của ba tui), cô nấu thêm cơm tháng cho anh em tụi tui ăn sáng trưa chiều luôn đi cho tụi tui khỏi đi đâu xa.
Tại vậy mà cực thân con nhỏ tiểu học nầy! Được đi về quê, sướng thấy mồ. Tuy là sanh ở quê, lên Sài Gòn hồi bốn năm tuổi, có nhớ gì đâu nà. Quê tui ở Cần Thơ mà lần đó tui được đi Long Xuyên.

Lần đầu tiên được đi xe đò. Được ngồi ghế “súp” (ghế phụ) nhỏ vừa cái đít khoái lắm. Lên xe từ khuya tưởng xe chạy liền như lời chú lơ xe la bài hãi”
"chạy liền chạy liền bà con ơi lên đi lên đi chạy liền…."
Chừng xe chật cứng chạy khỏi bến thì trời sáng trưng. Vừa ra khỏi bến xe là bắt đầu đếm cây số. Tui nhớ từ Sài Gòn tới Mỹ Tho là 100 kí lô mét. Tới Long Xuyên bao nhiêu cây, quên mất tiêu rồi. Mỗi lần xe chạy ngang mấy cái dợn sóng trên đường lộ là nguyên bộ đồ lòng mình nó cũng trồi lên rồi hụp xuống dịu nhĩu thót ruột, tụi con nít ré lên. Cười. Khoái lắm. Rồi xe cán qua ổ gà làm một cái TƯNG! Đã lắm! Cảm giác mạnh nầy ở Sài Gòn làm gì có hỉ". Mỗi lần xe chạy ngang qua cầu là chú lơ xe la um sùm “lấy đầu dô bà con lấy đầu lấy tay dô bà con ơi…” Nghe nói đã có người bị đứt đầu mất tay vì hổng chịu “lấy dô”. Ý da!
Ngồi sát cửa sổ. Gió mát phất phất vô mặt. Vui hết sức.
Đã vậy còn được ăn hàng nữa chớ. Ăn suốt dọc đường mà có thấy no đâu"
Mỗi lần xe ngừng mấy cái chợ, cái “bắc” là thiên hạ bu lại rao bán. Mận ổi Trung Lương, khóm Bến Lức, ở bắc Mỹ Thuận hay dọc đường" hổng nhớ rỏ, có bán một loại bánh tét cốm dẹp, các bạn có ai ăn qua bánh nầy hôn" Lạ miệng mà ngon nhớ tới bây giờ. Bánh nầy có trộn dừa nạo, đậu xanh hay đậu đỏ, vị ngọt của dừa của nếp non cán dẹp lép, thấm thía, thơm phứt, ngon lắm. Ăn xong lá dục ra ngoài cửa sổ. Gọn bân! Sài Gòn đâu thấy bán.
Sau nầy ăn bánh cốm xanh của miền Bắc, hổng biết có phải từa tựa như bánh tét cốm dẹp hông nữa. Rồi bắp trái. Hột bắp vàng lườm, dẻo thiệt dẻo, thơm thiệt thơm. Cầm đưa lên mũi hít hít vài cái rồi mới đưa vô miệng. Cạp hết trái bắp, cái cùi ngọt hút nước rột rột.
Má Bảy tui nói bắp miệt nầy ngọt tự nhiên. Đem lên tới Sài Gòn là lạt nhách luộc phải lót mía mới ngọt. Người ta nói bắp qua sông là hết ngọt vậy đó con. Dòm ra cửa sổ thấy hàng dây điện cột đèn dâng cao lên hạ thấp xuống ngộ ghê.. Thấy nhà cửa bắt đầu thưa ra, xa xa mới có một cái. Có khi lúc hiện lúc ẩn sau lùm cây xanh thiệt là xanh. Trên trời cũng xanh thăm thẳm. Vài cụm mây trắng đặt kẹo như đứng yên một chổ. Rồi tới đồng ruộng xa mút con mắt. Ruộng một màu vàng tươi. Ngọn lúa ngả nghiêng theo chiều gió. Gió phất mùi thơm quá. Má Bảy nói mùi lúa chín đó con.
Aaaa… về miền Lục Tỉnh là đây. Ruộng cò bay thẳng cánh là đây.
Rồi con sông chạy theo xe. Có chỗ chỉ thấy toàn là một loại cây khẳng khiu tui đưa tay lính quính hỏi:
- Má Bảy ơi cây đó là cây gì dzị Má Bảy"
Má Bảy nói:
– Cây me keo đó con.
Một lần xe ngừng lại cho bác tài coi coi cái gì đó ở đầu máy xe, bà con ùa xuống mạnh ai nấy lủi vô bụi …
Tui cố vói kéo được một nhánh cây me keo. Có mấy trái lòng thòng bứt xuống hỏi dì tui:
– Trái nầy ăn được hông Má Bảy
Má Bảy nói
– Được chớ con. Bẻ nó ra ăn cái ruột xốp xốp đó.
Rồi Má Bảy kể:
- Hồi nhỏ má con ưa ăn me keo lắm.
Tui bỏ vô miệng nhai thử. Chua chua chát chát. Đâu có ngon. Nuốt đại. Thôi tui cũng kiếm chỗ đặng… hông thôi chút nữa mắc… Kêu bác tài ngừng xe ổng khỏi có ngừng đâu....
Đi xe tài nhứt tới trưa trưa là tới Long Xuyên. Tại bến xe thôi tấp nập… Lần đầu tiên thấy chiếc xe lôi. Biết là xe lôi vì má có nói.
Đó là những năm trước 1960. Trước đó nữa có chiếc xe kéo. Người kéo. Hồi lên Sài Gòn má tui nghe nói chính phủ sẽ ra lịnh bỏ, cấm dân làm nghề xe kéo, má cho hết thảy con cái leo lên xe kéo, đi cho biết, để sau nầy còn nhớ có một thời dân mình có người phải làm nghề cầm cái càng xe kéo cái rờ mọt đàng sau, lấy sức nguời thay máy móc như vậy đó.
Mà nhớ thiệt. Hơn 50 năm vẫn còn nhớ.
...
Trở lại cái xe lôi. Sau khi xe kéo bị cấm rồi người ta chế ra chiếc xe lôi để chở khách. Chiếc xe lôi có cái thùng đàng sau cho khách cùng hàng hoá ngồi, đàng trước gắn chiếc xe đạp để anh xe lôi đạp kéo đi. Về sau nữa ai có tiền thì gắn chiếc xe Mobilette có máy thay sức người. Cái thùng sau có hai hàng ghế bằng cây hay gì đó, đâu mặt nhau, chính giữa để chất giỏ đồ. Ngồi trên xe lôi khoái quá trời. Ngắm cảnh.
Hồi đó còn thơ ngây thấy cái gì cũng lạ dòm xung quanh coi chơi vậy thôi đâu có ngờ nhờ vậy mà bây giờ mới còn nhớ đặng viết ra đây. Rồi chợt đâu, một màu vàng hực. Dọc bờ sông. Tui hỏi:
- Á coi kìa má Bảy ơi ai trồng bông gì mà nhiều quá dzị" Dì cười nói
- Ối ai mà trồng ba thứ nầy, con. Bông điên điển chớ bông gì. Nó mọc hoang cùng xứ. Chỗ nào có nước là có nó.
Các bạn còn nhớ loại bông điên điển dọc theo mé sông hôn" Màu bông vàng tươi. Vàng cam hực hở. Đẹp cảm động. Nở đỏ hết hai bên bờ sông, hai bên bờ rạch. Tới mùa nước lên, bông nở rộ. Đẹp hết biết. Đẹp vui lắm. Má Bảy tui nói:
– Hồi nhỏ má con ưa chèo xuồng dọc bờ sông hái bông sen bông sún bông điên điển có lần níu kéo ừm sao đó, chút xíu là lật xuồng (dì cười) con giống má con, rắn mắc. Bông điên điển ăn sống ăn xào ăn luộc gì cũng được hết á. Nấu canh tôm ngọt tự nhiên. Trộn rau sống bông sún dừa nạo ăn mắm và rau…
Ngon bể bụng!
....
Xe lôi đạp re re trên đường lộ cái. Tới con đường đất phải tẻ vô, bắt đầu nhồi xốc vui ghê. Xa xa mới có một cái nhà lá. Trước nhà nào cũng có cái lu bự quá xá bự. Dòm kỷ thì trên cái lu có máng cái gì… aaa…. giống cái gáo dừa.
Má Bảy nói:
-Lu chứa nước mưa để uống quanh năm. Hồi nhỏ nhà ông ngoại lúc nào cũng đủ nước uống. Bà ngoại thả trái bí già trong lu uống mát lắm con.
Trước cổng nhà có dàn bông giấy nở đỏ rực. Tui thích bông giấy tại vì ba tui có trồng hai chậu trước cửa. Cây gì trồng nhiều hai bên đường cành xà xuống de ra trái lòng thòng, a trái xoài. Tui thò tay lên vói tính hái má Bảy la liền:
- Đừng con. Ở nhà quê người ta quí cây trái người ta trồng lắm con. Muốn ăn mình phải vô hỏi mua có khi người ta cho một hai trái hông lấy tiền, chớ đừng có hái bậy vậy hổng nên con.
Xe lôi ngừng, xuống xe thấy cây cầu ván. Thiệt đúng là:
Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi.
(ca dao)
Cây cầu khó đi chết bà. Đâu có chỗ vịn gì đâu" Mà ngộ. Trong con rảnh nhỏ xíu xìu xiu như vầy hai bên cũng vàng ối bông điên điển. Má Bảy tui đã nói rồi. Bông mọc hoang cùng xứ!
A… con chuồn chuồn. Đâu mà nhiều quá xá ta ơi. Có con cánh đỏ có con cánh vàng có con cánh … Á… cánh màu xanh. Ở Sài Gòn tui chưa từng thấy chuồn chuồn cánh màu xanh. Ngộ quá. Nó bay nó đáp y như máy bay trực thăng. Tui lom khom vói tay tính chụp bắt, Má Bảy tui thúc tới hối:
- Đi lẹ lẹ lên con, xách nặng.
Đành tiếc rẻ bước đi. Trên cây cầu ván gập ghình!
…. Đám cưới tui hổng nhớ gì nhiều. Chỉ nhớ chuyện mắc thấy cười thôi. Đó là chuyện chế tui với chú rể tập lạy, tối trước đám cưới. Trời ơi. Muốn vợ muốn chồng cực động trời. Thấy cô dâu chú rể đứng lên quỳ xuống phủ phục tập lạy trước bàn thờ mà tội nghiệp ghê nơi. Mồ hôi mồ kê tuôn có giọt. Mặt mày thì vì mắc cở hay vì mệt mà đỏ ké. Nhớ là đám cưới đãi tới ba ngày. Hàng xóm tụ lại nấu cỗ cưới khéo lắm. Mặc sức cho người ta tranh tài. Có nhiều cô bạn chế tui tới phụ tiếp. Chắc sẵn đó kiếm chồng luôn chớ gì"""
Vui gì đâu. Thấy rất nhiều những món ăn tiểu xảo đẹp thiệt là đẹp. Hổng nhớ món nào hết. Ngoại trừ món tráng miệng, xưng xa sơn thủy. Miếng xưng xa trắng tinh, có vân vân màu trắng đục của nước cốt dừa, màu lá dứa, màu tròng đỏ trứng đánh trộn vô. Đẹp hổng dám đụng tới. Sau đám cưới Má Bảy tui nói thôi còn nghỉ học theo Má vô ruộng thăm bên chồng. Tui theo liền. Đi chơi mờ. Nhờ vậy tui được coi cải lương Miên.
....
Hổng nhớ rỏ hai dì cháu vô ruộng bao sâu, xã nào, ấp nào" Chỉ nhớ cũng đón xe lôi chạy một đổi rồi đi bộ xa lắc xa lơ hà. Hay tại vì mình còn con nít, chưn cẳng cụt ngủn, người lớn bước một bước bằng mình bước hai bước, đường thấy xa hơn""". Trên con đường làng có tre trúc rậm rạp. Ngọn tre quặt quà lả theo chiều gió. Nhà thì xa xa một cái chớ hổng phải khít vách như ở Sài Gòn. Tới nhà bên chồng Má Bảy tui. Cái nhà lá, xập xụi. Gần sông. Trong nhà nhớ in là có cái giường cái bộ ván, cái bàn thờ. Phía trong in là có cái phòng tối hù, chứa giống gì đó ai mà biết. Phía sau nữa là cái chái bếp. Có cái bộ ngựa để ngồi chơi, ngồi ăn cơm chắc, đóan vậy thôi tại vì đâu có thấy cái bàn nào" Cầu thì… cái hồ cái ao gì đó tuốt luốt đàng xa. Dòm thấy lạ quá chừng.
Mừng hai dì cháu, có chị em cô Út. Cô Út đẹp hết xảy! Cô Út là em chồng của má Bảy tui. Còn đứa em tên thằng Cu cở cở tui mà má bắt tui phải kêu nó bằng cậu! “Cậu Cu” Hết tên đặt, đặt tên Cu! Ai hổng biết con trai có “cu” cần gì đi khoe tùm lum" rồi mỗi ngày réo Cu ơi Cu… May phước chỉ có một thằng Cu. Nếu có thêm một thằng nữa thì sẽ có thằng Cu Lớn thằng Cu nhỏ!!! Chớ đâu phải Cu trơn. Nghe tên mất cảm tình. Tui chỉ đứng đó ngó nó. Nó cũng đứng đó ngó ngó tui.
Sau khi cơm nước xong xuôi, má Bảy giao tui lại cho cô Út, má phải đi dạo xóm làng thăm viếng bà con gì đó. Ngày đầu lạ chỗ lạ nơi tui buồn lắm. Nhưng cô út, còn trẻ lại hổng có em gái, thấy tui sao ngồi cú rũ, cứ nắm tay tui dụ
“cưng ở đây chơi luôn mấy tháng hè ngen. Cô dẫn đi chơi vòng vòng đây. Ờ tối nay có mấy người trai làng đi soi ếch, bắt rắn, cưng muốn đi theo coi hông" Có thằng Cu đi nữa”.
Trời! Nghe bắt rùng mình. Vừa soi ếch vừa bắt rắn là hai món tui sợ chết bà. Mà lại đi chung với thằng quỉ nhỏ tui phải kêu bằng cậu. Cậu Cu. Hứ. Sức mấy dám đi theo. Đành ở nhà. Tối đó tui đã leo lên bộ ván ngựa làm một giấc rồi, rồi ồn ào làm mình thức dậy.
Mấy người đi soi ếch bắt rắn về. Trời ơi trời!!!. Rùng rợn thiệt là khủng khiếp, hãi hùng!. Một chùm ếch xanh dờn nhớt nhợt nhảy chồm chồm kêu uệch uệch. Một giỏ rùa nhút nhích mai vàng u. Một con rắn dài hết cở, màu vàng tươi, cô Út nói là con rắn ngựa. Họ xách nó ra tỉnh bơ, móc đầu nó vô cái đinh đóng trên vách, cái mình nó quằn quại. Bụng phình ra như có chửa. Rạch bụng ra, lòi nguyên con chuột đồng!
Tui sợ khiếp kinh hồn!.
Họ bầm xả ớt nghệ gừng rau thơm bạc hà gì đó hầm bà lằng đặng làm thịt mấy con đó. Nghe nói là nấu cháo, xào theo đồ rừng" Gì đó""" Còn tui, leo lên bộ ván khóc thúc thít. Ai mà dám ăn mấy thứ nầy!
Nhớ nhà. Nhớ ba má. Nhớ chế tui. Nhớ em tui. Nhớ cái máy nước phông tên xài đã đời. Ở đây muốn có nước phải múc nước sông đục ngàu. Rửa chén bằng cái cùi dừa, hổng có một miếng xà bông!
Nhớ cái đồ cắt móng tay mà cả hai tuần nay móng tay ra dài thòn dính đất không, hổng có đồ cắt coi dơ quá thấy ghê! Chưa thấy cái gì vui hết á. Ở ruộng buồn thấy mồ. Tối nghe đủ thứ tiếng. Nội tiếng gió thổi nghe cũng kỳ khôi. Tối âm u. Tối hù. Tối thui. Dòm ra ngòai đâu thấy gì. Trong nhà xài đèn dầu ống khói leo lét. Ui trời ơi! đứa con nít ham vui ham chơi buồn gì đâu. Tiếc tại sao hổng về Sài Gòn cho rồi. Giờ nầy ở nhà cùng con nít trong xóm lấy cọng đu đủ chơi uýnh kiếm đã đời. Hay chơi cò cò, cò xủi, đánh đủa, nhảy dây, hula hup...
Đã vậy hổng thấy đứa con gái nào đồng lứa, chỉ mới thấy “thằng cậu Cu” lãng xẹt. Tui khóc ấm ức. Nhứt định ngày mai đòi về.
Sáng bữa sau tui ngủ tới trưa. Đã thiệt. Đâu ngờ không khí trong lành của miền quê làm cho mình ngủ ngon quá vậy. Tui hỏi cô Út ”chừng nào dì tui về" “ cô nói “ối mấy bả tụ lại đậu chến, uýnh tứ sắc rồi. Mê lắm. Dễ gì khiêng bả về. Thôi ở đây chơi với cô đi, cô dẫn đi rung cây cà na ăn.”
”Cây cà na" Nó ra làm sao cô" “
Cô Út cười “thì chút nữa thấy chớ gì”.
Ngoài cửa lấp ló một … ông. Cô Út dòm ra thấy, cô cười mắt đong đưa sáng rở. Rồi. Bả có mèo.Tui cũng dòm cho kỷ. Xời ơi thằng cha nầy đẹp “ chai” quá ta.
Tướng tá cao lớn như Nguyễn Ngọc Hạnh, miệng cười tươi thấy đủ “ba mư hai” cái răng như Tý Quang, cặp mắt đa tình liếc liếc như Nhân Sâm, làn da ngâm ngâm khỏe mạnh nửa như tvb nửa như Khiêu Long, xăng xái lanh lẹ như Nhược Thu, y ta nói năng mạch lạc như Sơn Khê.
Ui chaaaa... “anh Sáu” chính hiệu dân mần guộng.
Y ngoắc cô Út ra hai người đứng dựa hàng rào nói chuyện gì đó mà thấy cô Út ẹo qua ẹo lại miệng cười cười mặt ngó xuống …
Từ hôm đó lòng anh mùa xuân mới
Tim bừng bừng trong nhịp đập thíết tha
Cơn gió thoảng vào lòng anh mát rượi
Yêu làm sao em hiền dịu thật thà
“Mùa xuân kỷ niệm”
Khiêu Long

Một hơi ổng đi rồi cô vô nhà kêu “nhỏ ơi chút nữa đi rung cây cà na rồi tối nay mình qua sông đi coi cải lương Miên. Anh Sáu nói gánh hát mới dìa”.
Ở Sài Gòn tui thường coi xinê tại vì nhà khít bên rạp hát Lê Lợi, chú xét vé là bạn ba tui, chú ưa cho tui vô coi phim Pháp, phim Mỹ. Dì tui ưa dẫn tui theo coi phim thần thoại Ấn Độ, tui chưa từng coi cải lương, mà lại là cải lương Miên nữa ta. Khoái quá, quên chuyện đòi về. Hỏi cô Út vậy chớ coi Miên nó nói tiếng Miên mình làm sao biết nghe, cô cười nói “có người đứng cắt nghĩa”.
Lạ quá. Thôi kệ, tối nay biết chớ gì. Giờ đi theo cô rung cây cà na. Thằng cậu Cu theo tò tò bên đít thấy ghét dễ sợ. Bạn nào có biết cây cà na hông" Với con mắt đứa con nít, sao tui thấy cây cà na cao lớn quá xá. Cũng cở cây me như hàng me trên đường Nguyễn Trung Trực bộ nhỏ sao" Nguyên một khu nhiều cây lắm. Nhớ in là, bên dưới cây xâm xấp nước" Hay là tại mùa nước lên"
Tui hỏi cô Út rung cây cà na làm sao rung" cổ cườI chắc thấy tui sao… quê quá" Cô nói thì đợi có gió gió mới rung cây, rụng trái xuống mình lụm.
Trời trời. Vậy mà rồi gió cũng phe phẩy tới, cây cũng rung, mình chống hai bàn tay lên thân cây tiếp sức. Rụng lợt đợt trái cà na xanh, ba chị em chạy luợm đã đời. Vui hết biết. Mèo cô Út từ đâu chạy tới lượm tiếp. In là hai người nầy có hẹn với nhau trước hay sao ấy.Hai người giỡn với nhau làm cho tui mắc cở ghê. Dòm lại thằng “cậu” Cu cũng đang dòm mình. Ghét gì đâu!
Bữa đó xực một bụng trái cà na xanh chấm muối hột trộn ớt hiểm chua chua mặn mặn cay cay ngon quá chớ.
Tối đó mặt trời chưa lặn mấy cô cháu đã sửa soạn xuống bờ sông. Sông gì" Tức quá hà. Tui hổng nhớ được địa thế chỗ đó.
Chiếc xuồng ba lá nhỏ xíu hà. Mèo cô Út níu tay cô Út rồi níu tay tui xuống ngồi trên lườn xuồng. Đông lắm chật hết xuồng, ai đó chèo qua sông. Nước sông chảy mạnh lắm nha. Lục bình bông tím trôi có dề. Tui vói tay tính … kéo… hái bông, bị la liền. Tui hổng biết lội, cô Út bắt ngồi giữa. Nứơc văng lên ướt áo. Cười thôi nức nở.
Lên bờ .Hổng nhớ là cái đình hay rạp hát mà người ta thôi đông nghẹt. Vô lọt được bên trong, nóng tàn bạo. Thấy ai nấy cầm quạt quạt lia lịa. Tại sao ghế hổng ngồi, tui nhớ, thằng “cậu” Cu (lúc nầy tui đã quen với nó rồi), hai thằng bạn của nó và tui, bốn đứa đu tòn teng trên thành cửa sổ gần sân khấu.""" Nhờ vậy tui thấy đào kép và sự chộn rộn của gánh hát “bồ tèo” nầy một cách rõ ràng.

Những người nầy hát cải lương bằng tiếng Miên*. Họ sắm tuồng cân đai áo mão theo kiểu hát Hồ Quảng (bây giờ nghĩ lại, có lẻ hát cải lương lai Hồ Quảng như thời những người đào kép chuyên hát cải lương Hồ Quảng rất nổi tiếng là Thanh Tòng, Bạch Mai, Bửu Truyện đó chớ còn gì nữa")
Họ hát có tuồng tích đàng hoàng mà tui tức quá, còn nhỏ quá hông nhớ được nhiều. Về sau khi học về nguồn gốc của bộ môn hát bội và cải lương có nghe mấy Thầy Năm Châu, Năm Nỡ, Duy Lân giảng sơ về vụ nầy.
(* Chú thích: anh Hạnh và chị Long Thượng nhắc, đây là hát Dù Kê. )


Cô đào đẹp có duyên hết biết. Cổ cười má lúm đồng tiền thiệt sâu. Ông kép dậm phấn trắng xát. Hoàng tử mờ, trong cung cấm mờ, đen sao được"
Đứng trong cánh gà có ông thầy tuồng nhắc tuồng.
Đứng trên sân khấu bên góc có một người đàn ông vừa coi đào kép hát vừa cắt nghĩa cho khán giả nghe từ đoạn từ đoạn bằng tiếng Việt. Lẽ dỉ nhiên ông nầy một là Miên lai, hai là lai Miên mới biết hai thứ tiếng cho nên ổng nói tiếng Việt bỏ dấu ít ít cho nên nghe lờ lợ. In là chuyện cổ tích Hoàng Tử bị gian thần lật đổ ngai vàng hay sao, giết vua cha, đâm Hoàng hậu, bắt Hoàng Tử… khi Hoàng Tử gặp công chúa theo khóc lóc… hai nguời ca vọng cổ bằng tiếng Miên, thảm thiết thê lương, trên sân khấu đào khóc nức nở, dưới khán giả cũng khóc rột rột. Bỗng từ đâu bay lên chiếc guốc, cùng tiếng la:
“ Cho chết mẹ thằng gian thần.”
May phước gian thần có vỏ Né, né tàng tài, hông thôi ăn chiếc guốc vông lỗ đầu ! Đu cửa sổ sát sân khấu tui thấy rõ ràng, tội nghiệp, gian thần ốm nhom ốm nhách hà.
Ông “cắt nghĩa” thông dịch tiếp: “Vì gian thần đoc ac, Hoang tự đi đái công nương cung đi đái luôn…”
( Vì gian thần độc ác, Hòang Tử đi đày, công nương cũng đi đày luôn…)
Tuồng hát chắc là hay lắm vì thấy thiên hạ vỗ tay rần rần. Dân làng ở đây lai Miên nhiều. Người Tàu lai Miên thì đẹp tuy hơi đen. Hai thằng bạn của thằng cậu Cu chắc cũng lai vì tui đưa cánh tay tui lên đọ với tụi nó, tay tui trắng tươi!
...
Thằng bạn (hổng nhớ tên) vừa đọ màu da cánh tay với tui vừa hỏi:
- Ngày mai theo tụi tao ra mả chòm chơi hông"
Tui nhăn nhăn mặt, hỏi:
- Mả chòm là cái gì
Nó cười hì hì. ( Sao tui nói giống gì tụi nó cũng cười""") nó nói:
- Mả mà hổng biết hả" tại mầy ở Sài Gòn lâu quá mầy ngu! mả là chỗ người chết họ sống đó.
Nóng mũi tui cãi:
– Ai hổng biết cái mả. Tao hỏi là hỏi mả chòm là cái gì"
Nó cười. Cũng cười nữa. Hầm trong bụng. Nó mà cười lần nữa chắc tui đục vô mặt. Nó nói, giọng anh hai:
- Kiêu mả chòm là tại dzì ở đó có một chòm mả. Có muốn đi thì hừng đông thức sớm.
Hơi quê, bớt giận, tui hỏi:
- Vậy chớ ở mả chòm có con chuồn chuồn xanh hông"
- Con gì cũng có… đủ thứ chim nữa. Có con chuồn chuồn, con cu, con trĩ có đủ thứ bông có thằn lằn rắn mối…
Tui nạt ngang
- Chim có gì dzui mà chơi"
Thôi thôi tui chỉ muốn biết có con chuồn chuồn màu xanh hông chớ tui hổng thích chơi chim. Tui cũng hổng thèm chơi thằn lằn rắn mối. (chẳng là vầy, con nhỏ Na ở nhà nó hay theo mấy thằng bạn bắt thằn lằn, giựt đứt cái đuôi ra bỏ vô cái dĩa cho cái đuôi nó dảy dảy coi chơi, tàn bạo lắm). Tui tiếp:
- Tao muốn ép con chuồn chuồn cánh màu xanh dìa cho em tao coi.
- Ối ở đây thiếu cha gì mấy thứ đó, tưởng muốn gì quí, chuồn chuồn thíếu cha gì. Mình bắt chuồn chuồn cho mầy xong rồi cái mình đi tắm sông, tao hái trái bần trái bình bát cho mầy ăn. Đợi có gió lên mình chạy thả diều. Mầy muốn nữa thì tao lấy xuồng chèo ra hái bông sen hái sen cho mầy ăn hột. Ngon lắm.
Tui nghe cái chương trình đi chơi ngày mai mà ham. Tuổi ham ăn, nghe nói trái bần trái bình bát, hột sen tươi là khoái, ăn sen như má tui hồi nhỏ đã ăn. Chưa thấy trái thấy hột đã thấy ngon rồi. Thả diều". Tui sáng con mắt:
- Tụi bây có diều hả" Tui hổng có. Mua ở đâu"
Thằng cậu nói:
- Cần gì mua. Để tụi tui làm cho con diều.
Đã quá. Hết buồn rồi. (Cũng lạ. Xin hỏi mấy ông. Tại sao từ nhỏ mấy ông đã có khiếu ve phái nữ chúng tôi rồi. Hồi mới quen thì đem bông đem hoa đem trái ra dụ. Bỏ công bỏ sức ra làm nầy làm nọ. Chừng rinh ngừơi ta về làm vợ rồi, một thời gian sau là quên tuốt! một cái bông cũng quên. Mượn làm cái gì cần ngày mai xài thì hẹn cuối tuần!!! Mà điều, cái sự dụ dổ ấy rất là dễ thương cho hài lòng mình )
Vừa lúc đó có mấy ông nhỏ nào ở đâu chen lên lấn tui qua một bên, thằng cậu Cu của tui bèn chỏi cánh tay đẩy một cái mạnh, mấy ông nhỏ lọt đài. Thằng cậu tui chửi theo:
- Mây tâm phăng. (Tui hổng hiểu nghĩa)
Cả buổi tối đó tui nhớ in là, cô Út với ông mèo đi đâu mất tiêu. Cổ bỏ tui lại với ba thằng bạn mới. Tui cũng đâu cần vì ba đứa bạn mới hứa hẹn có nhiều chỗ đi chơi nghe thấy vui quá xá. Mà điều, vụ tắm sông phải hỏi lại. Đi theo mấy thằng quỉ nầy rủi nó chơi ác nhận tui xuống nước thì… Tui sợ nước lắm vì hồi mới biết đi lẩm đẩm đã bị té dập mặt xuống mương nước lấp xấp mà tui hãi hùng tưởng sắp bị chết đuối. Từ đó về sau sợ ma da lắm.
Sáng bữa sau.
Má Bảy tui về đưa cho tui một gói gói lá sen nóng hổi. Mở ra.
Aaaa…Bắp. Bắp nầy nấu ngộ quá. Hổng phải thứ bắp nở, hầm, trắng tinh ăn với đường thẻ bào với dừa nạo như ở Sài Gòn à nhe, đây là bắp tươi xát ra hầm hay nấu gì đó, hột nhỏ xíu, như bắp non màu hơi hơi vàng, có chế nước cốt dừa lên mặt, một chút xíu muối mè nữa.
Nước cốt dừa là món tui khoái tàn nhẫn!
Ôi có ai đã ăn qua món bắp nầy chưa" Ngọt thiệt ngọt, béo thiệt béo, dẻo thiệt dẻo, thơm gì đâu! Chớ có gì sánh bằng! Ở Sài Gòn bắp xôi gì thấy gói toàn lá chuối, chưa từng thấy gói bằng lá sen. Ở đây cái gì cũng lạ, ngộ ghê nơi ta.Tui vừa xúc bắp ăn bằng cái sống lá chuối mắt vừa lấm lét ngó ra đường ngóng mấy đứa bạn mới, tới dẫn đi chơi mả chòm. Cô Út cũng vậy. Lúc nào cổ cũng lấm lét ngó ra sân. Sao mình nhấp nhỏm y hịt cô Út vậy cà"" Tui hỏi cổ lúc má Bảy tui vô trong buồng:
- Cô đi tắm sông dí tụi con hông"
Cô Út hết hồn. Hỏi:
- Đi dí ai" Trời trời. Bộ mấy thằng quỉ chùa rủ ren hả. (Cô réo Cu ơi Cu, cô ngó dáo dác, hổng thấy Cu đâu, xây qua tui cô dặn) Đừng có đi một mình nha, đợi cô dẫn đi. Cưng hổng biết lội, có gì anh Ba giết cô chết. (Anh Ba là ba tui) Tui trả lời:
– Đâu có cô. Con đợi cô đi tắm chung, con đâu có muốn đi tắm dí tụi nó. Bữa nay tụi nó rủ con ra mả chòm chơi bắt con chuồn chuồn cánh xanh.
Cô Út làm thinh. Tính toán chắc" Cô nói:
- Ừa, sáng cưng đi chơi dí tụi nó, trưa dìa ăn cơm rồi xế xế mình đi tắm sông. Cô dẫn lợi chổ nầy kín lắm.
Tui hỏi:
- Chỗ đó có trái bần trái bình bát hông cô" Có sen hông cô"
Cô Út cười, con mắt nheo lại. Tui thấy cổ có dziên quá chừng hà. Cổ nói:
- Thiệt đúng là dân ở chợ, trái gì cũng hổng biết, trái gì cũng tưởng quí lắm vậy. Ở đây hằng hà sa số mấy thứ đó Xưng ơi (cổ kêu tui là Xưng!)
( Hẹn kỳ sau. Cô cháu tui sắp sửa tới đoạn đi tắm sông, mấy ông làm ơn xê ra đừng có rình mò nghe hông)
...
Trên con đường làng buổi sáng gió mát quá, theo thằng cậu với hai thằng bạn vừa đi vừa nhảy thót thót lòng vòng lên bờ ruộng lồi lõm. Có khi tui lọt cái chủm!!! xuống vũng nước. Ba thằng quỉ cười hắc hắc... Có khi gặp chùm nhản lồng, bứt ra, lột lớp võ ngoài, bỏ vô miệng. Bụp trong miệng. Chua chua. Vui quá. Mùa nầy lúa chín. Mùi lúa chín thơm nực. Thấy có nhiều người lom khom từ đám, từ đám, hái lúa gặt lúa gì đó. Vui quá hà. Cậu nói:
- Xưng ở đây chơi lâu lâu tụi tui dẫn đi mót lúa chơi. Vui lắm.
Tui giận, nói:
- Cậu Cu đừng có kiêu tui là Xưng, tui tên Xuân chớ hổng phải Xưng. Ít xờ u xu ớ xớ anh nờ xuân. Xuân.
Cậu trả lời tỉnh bơ:
- Thì kiêu tui là Cư, Cư có dấu đàng hoàng. Xê ư cư. Cư. Kêu tui là Cư tui kêu Xưng là Xuân.
Chịu liền. Hai đứa chìa hai ngón tay út ra móc ngoéo. (Từ đây về sau tui chỉ kêu cậu Cu trơn bằng một tiếng cậu thôi). Cậu nói:
- Rồi. Chừng nào đói bụng mình bắt chuột đồng, bắt cào cào bắt dế cơm nướng ăn chơi.
Úy. Nữa. Sao nói toàn là ăn con nầy con kia không vậy trời!. Tui nói:
- Thôi. Thấy ghê. Tui hổng ăn chuột đâu. Ở nhà tui chọi mấy con chuột chạy vòng vòng cái lỗ cống…
Thằng bạn nói:
- Chuột nầy là chuột đồng chớ hông phải chuột cống.
Tui cãi:
- Chuột cống chuột đồng mấy thứ" Cũng là chuột.
- Hai thứ. Chuột cống của mầy ăn rác ăn ***. Chuột đồng ở đây ăn lúa. Mình ăn nó thơm giống như ăn lúa. Ngon lắm.
Ngộ thiệt. Ở đây người ta ăn bông. Bông điên điển. Ăn rùa ăn rắn rồi bây giờ tới ăn chuột ăn cào cào dế cơm. Chắc tới chừng tui trở về Sai Gòn tui sẽ trở thành con khỉ quá..
Dọc bờ ruộng trên đường làng có nhiều loại bông dại dễ thương tụi nó bứt đan lại với nhau thành một cái vòng vừa có lá nhỏ nhỏ xanh xanh vừa có bông vàng vàng đỏ đỏ đội lên đầu tui nói:
- Mầy trắng nhứt cho mầy đội mão làm công chúa như công chúa trong tuồng cải lương hồi hôm. Mà công chúa nầy đang đi trên vườn thượng uyển chớ chưa bị đi đái, ư, đi đày. Tụi tao làm thằng hầu cho.
Như vậy đó, một đứa đi đàng trước, hai đứa hầu hai bên, tui đủng đỉnh điệu hạnh đi chính giữa. Khoái lắm. Đi ngang qua một cái ao tụi nó đứng lại vừa chỉ vừa nói:
- Chổ nầy có ma da. Hai con. Hai anh em nắm tay nhảy xuống tắm, chết chùm. Bằng tuổi mầy. Đi ngang đây mầy phải bắt ấn trừ quỉ thì ma da hổng dám theo, hông thôi nó khiến mầy lợi gần nó níu chưn mầy làm mầy phải chết chìm đặng thế mạng cho nó đi đầu thai.
Trời trời!!!. Nghe tụi nó hăm kìa. Tui sợ quíu, nhưng làm tỉnh hỏi:
- Bắt ấn trừ quỉ ừm sao chỉ tao coi.
Thằng cậu nói:
- Bắt vầy nè. (nó bắt chéo hai ngón tay lại, ngón giữa bấu ngón trỏ quặp xuống)
Tui làm theo y chang. Đi một đổi nữa một thằng bạn chỉ:
- Thấy cây mít đằng xa đó hông" Có quỉ. Quỉ thằng Thổ. Hồi đó đó có một thằng Thổ nghèo lắm. Đợi tối khuya nó leo ăn cắp xoài bị chủ vườn ruợt nó thượng lên cây mít trốn bị chủ vườn lấy cây sào chọt nó nó té cái bịch xuống gãy cổ chết tươi thành con quỉ cây mít. Bây giờ linh quá nó thành tinh! Tối tối ai đi ngang hổng vái nó nó nhảy xuống nó nhát. Cái đầu gãy nó nằm ngay đơ ngang trên vai vầy nè (vừa nói nó vừa ngoẹo đầu). Còn con nít cở mầy đi ngang đây một mình ên mà hạp tuổi nhằm giờ linh nó bắt nó dấu. Nó nhét mầy vô bụi tre gai khỏi ai kiếm ra. Có con nhỏ Miên lai bị dấu chừng người ta kéo đựơc nó ra thì mình mẩy rách te tua. Lớn lên nó thành bà khùng. Muốn coi bà khùng hông chút đi ngang nhà bả chỉ cho coi. Gần xịt hà.
-Ừ. Coi.
(Trời trời. Sao ở nhà quê đủ thứ chiện vậy ta. Ma. Quỉ. Tinh. Vậy mà má tui ưa nói ở nhà quê lành lắm, chắc hổng phải chổ nầy rồi) Ủa mà sao ba thằng quỉ cứ ngó nhau cười khúc khích vậy cà""" Tui cứ theo sát tụi nó. Tò tò. Chỗ nầy vắng vẻ. Ớn chớ sao không. Rồi bỗng đâu, giữa một vùng đồng trống không có một cái nhà. Cái chòi đúng hơn. Ngồi dưới đất ngay trước cửa là một người đàn bà, đang ngó trời ngó đất, tay gãi sột sột.
Thằng bạn chỉ tay nói “bà khùng kìa “, rồi nó réo:
- Ê. Ê. Chăn cà mum chăn cà mum.
- Lotxarongcoichoi.
Thằng cậu cũng phụ họa, la um xùm:
- Chăn cà mum chăn cà mum
- Lotxarongcoichoi.
Bà khùng nghe tiếng xây qua xây lại ngó dáo dác, vừa thấy đám tụi tui bả vụt đứng dậy cười the thé tay lận lận trên thắt lưng rồi… tuột xuống. Ba thằng quỉ sứ la aaa aa á á á á rồI vụt chạy. Bà khùng rượt theo, vấp cái xà rông quấn ngang chân bả té xấp xuống, cười ngất ngất. Trời Phật ơi tui đâu có ngờ mấy ông nội nầy chơi gì kỳ cục, chọc rồi chạy. Thấy tui, bà khùng hả họng cười khặc khặc mặt mày đỏ ké dơ tay lên ngoắc ngoắc … rồi bả rượt tui, vừa ruợt vừa nắm cái xà rông.. Sợ quíu tui cũng vọt theo ba đứa nó. Tụi nó giò cẳng đi chưn không, chuyên môn chạy thả diều, tui mang đôi dép Nhựt làm sao chạy lợi tụi nó.
Mất dạng.
Tui lụi thụi nín thở chạy theo. Quẹo qua một bụi tre dòm lại hông còn thấy bà khùng nữa tui xà thụp xuống đất. Mão mũ gì văng mất tiêu. Khóc. Nhắm mắt. Khóc hù hụ.
Ba thằng quỉ chùa. Ba thằng quỉ sống. Ba thằng … thằng… thằng cường lâm … sở thú…* Thằng Thạch Thằng Sanh Thằng cậu. Khóc rống lên. Một hơi … nghe tiếng lụi đụi, mở mắt ra thấy ba thằng ngồi lủ khủ trước mặt hỏi:
- Làm gì mà mít ướt dzậy, công chúa"
- Tụi bây bỏ tao…hu hu hu … xém chút bà khùng ăn thịt tao hu hu hu …
- Bả làm vậy chớ bả hiền khô hà. Bả khỏi có dám ra khỏi cái sân đi. Thôi nín đi công chúa. Tụi tao đi bắt con chuồn chuồn xanh cho mầy. Rồi tụi tao dạy mầy nói tiếng Miên. Chịu hông" đứng dậy đi công chúa.
Một câu công chúa hai câu công chúa! Hết giận! Bốn đứa lại lên đường. Vừa đi vừa quẹt mặt mũi tèm lem vừa tập nói tiếng Miên, “Mậy tầm Phăng, Chăn cà mum….”
Tới một chỗ bỗng con đường rộng lớn ra. Mênh mông.
Aaaa... mới biết nghĩa của câu “ruộng đất mênh mông” là đây. Thiệt vậy. Tới bây giờ biết mấy chục năm mà tui không quên. Cả một vùng đồng không mông quạnh. Đàng xa xa có cây lớn rể lòng thòng. Làm dây đu dây làm Tặc Dăng được nè, đủ chỗ cho con nít thả diều chạy thả cửa. Chơi đánh cầu đánh vợt còn đã nữa. Chỗ nầy mặt ruộng nứt nẻ khô rang mà đâu thấy sót mấy đám rơm rạ khô bén như vùng đất ruộng khô trên đường đi Phú Xuân Nhà Bè mà ba tui hay chở cả nhà tới chơi. Ước gì cả đám con nít trong xóm tui với đám em tụ lợi đây chơi sướng biết bao nhiêu. Khỏi sợ làm bể chậu bông, bị người lớn la như ở trong sân Sở Lục Hình. Và kìa, mả mồ nhiều lắm. Tui hỏi:
- Phải mả chòm hông"
Cậu tui nói:
- Hông. Đây là mả nhà, mả có chủ. Mả chòm tuốt đàng kia kìa.
Vừa nói vừa đưa tay chỉ. Tui dòm theo. Có thấy gì đâu. Mả ở đây có bia đàng hoàng. Cái nào hổng có bia thì cũng đắp cao lên dòm là biết cái mả liền hà. Họ trồng bông mười giờ nở đỏ ối, xung quanh còn viền bông gì mà người ta hay trồng ngoài mả đó, cây cao ngang vai mình có bông trên ngọn màu vàng màu đỏ đẹp lắm tui nhớ là bông hoa chuối. Còn chỗ kia""" Tụi nó hối tui đi tới tới. Đi thêm một khoảng. Đây rồi. Tội nghiệp quá. Lúc đó tui mới chín mười tuổi gì đó mà tui cũng hiểu hiểu. Ngừơi chết có gia đình được chôn cất đàng hoàng nhang khói nầy nọ, còn chỗ nầy, mả trộn trong cỏ, dòm kỷ mới thấy. Một chòm mả, phải có tụi nó chỉ từ cái từ cái...
Tui hỏi:
- Mả gì hơi u u lên, hông có mộ bia tụi bây chạy chơi lỡ đạp lên hổng sợ tội hả"
Cậu cười:
- Đâu có sao. Tụi tao chơi ở đây thì họ vui chớ tội khỉ gì. Chừng nào Tết Thanh Minh tụi tao cũng cắm nhang dán quần áo mới cho họ nữa.
Tui hỏi:
- Tết Thanh Minh là tết gì"
- Xời. Tết Thanh Minh mà cũng hổng biết. Mầy ở Sài Gòn lâu quá mầy ngu. Tết Thanh Minh là Tết của người chết, trong tháng ba. Người ta làm cỏ, mả đất cái nào bị sụp thì họ đắp cao lên, mả đá thì sơn phết giống như mình sơn nhà ăn Tết vậy đó. Rồi họ cúng đồ ăn cúng chay, cúng mặn. Rồi họ dán giấy xanh, giấy đỏ giống như mua quần áo mới cho ngừơi chết bận ăn tết đó. Hiểu chưa"
Ngó xung quanh, hằng hà cây dại. Bông dại. Chim một bầy đang mổ mổ gì đó dưới đất, nghe thấy động vụt bay lên đậu trốn trên cây kêu chíu chít vui hết sức. Thôi bươm bướm chuồn chuồn bay loạn xạ. Chưa từng thấy chỗ nào có nhiều chuồn chuồn như chỗ nầy. Tui mừng húm. Tui chạy rượt theo chuồn chuồn. Nhứt định bắt cho được con chuồn chuồn cánh màu xanh. Coi vậy mà hổng phải vậy. Coi dễ mà hổng có dễ. Nó cứ bay xà xà, gần gần, chập chờn ngay trước mặt mà hể mình khum khum tới gần từ từ đưa hai ngón tay ra nhắm ngay nó là nó xà qua chỗ khác, đáp trên cái bông hay cái lá gì đó chọc mệt.
Mệt thiệt. Chảy mồ hôi. Tui bứt nút cổi phăng cái áo ra. Xăn ống quần lên. Dòm lại thì giống y như ba thằng kia. Tui thở hồng hộc la tụi nó:
- Sao tụi bây hổng bắt được con nào hết vậy" Dở ẹt.
Cậu cự lại:
- Sao dở. Tại bữa nay có mầy đi theo. Xui.
Tui đứng lại. Chù ụ.
- Thôi. Tao hổng rượt nữa đâu.
Thằng bạn nói:
- Ừ mầy ngồi đây đi để tụi tao. Tại mầy chạy càng ràng chớ mọi khi tụi tao chụp con nào dính con đó.
Phần mệt phần giận lẩy, tui lấy áo trải xuống đất nằm xuống ngó lên trời.
“ Trên trời có đám mây xanh.
Ở giửa mây trắng xung quanh mây vàng”
Ai làm thơ đúng quá xá trời là đúng bà con ơi.
Dòm mấy cụm mây đổi hình thù con nầy con kia tưởng tượng tự do đã đời, tui sụp mí lúc nào hổng hay. Chừng giựt mình mở mắt ba thằng bạn cũng ngồi xung quanh.
Thấy tui thức dậy, thằng cậu dơ ra trước mặt tui, cái gì ngộ quá. Làm bằng lá, hổng biết lá gì, màu xanh, nó đan lại với nhau như cái hộp. Nó dở bàn tay đang khum khum đậy miệng hộp cho tui ghé mắt coi. Trong đó là con chuồn chuồn. Màu xanh. Cánh đập lia lịa. Còn sống.
Cánh nó mỏng dánh mỏng tanh như lá cây ngườI ta ngâm nước cho mụt rả còn lại gân lá thiệt mỏng ép trong tập đẹp dã man. Mừng thiệt mừng tui cừơi. Dòn tan.
Tui hỏi:
- Ế ế coi chừng nó đập gãy cánh. Đứa nào bắt vậy"
Cậu nói:
- Tao chớ ai.
Tui nói:
- Sao có một con hà"
- ……"""
- Vậy chớ muốn mấy con. Bà nội"
- Ít nhứt cũng hai con. Má tao nói cái gì cũng nên có hai cái , như trồng cây phải trồng hai cây thì mới có trái…
- Bộ mầy muốn có hai con chuồn chuồn đặng cho nó đẻ ra chuồn chuồn con hả"
- Đâu phải. Một con cho tao một con cho em tao. Tao muốn nó còn sống về tới Sài Gòn.
Cả ba thằng cười ngất.
- Từ đây tới ngày mầy về nó đói bụng nó chết ngắt.
Tui cố lý sự:
- Cho nó ăn.
- Ăn gì"
- Ai biết. … cho ăn... cỏ.
- Trời ơi nuôi dế cho ăn cỏ còn có lý. Tụi tao chưa từng nuôi chuồn chuồn. Thôi để tao bóp bể bụng rồi ép vô vở...
Tui la lên:
- Ế ế. Đừng đừng. Tàn nhẩn vô nhân đạo ác đức sát nhơn. Đừng có giết nó chết tội nghiệp. Để tao tính.
( các bạn tính tiếp tui. Làm sao cho con chuồn chuồn còn sống cho tới ngày tui về Sài Gòn cho em tui coi""")
* Ý muốn nói “cường lâm thảo khấu”.
....
Còn Tiếp

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khi viết tới lúc tuổi 20 thì tui cụt hứng. Ở tuổi đó đầu óc bắt đầu biết cân nhắc tính toán, mà cân nhắc tính toán thì hết ngây thơ trong sáng, tự mình cảm thấy đã mất đi màu xanh rồi!
Để coi… ! Hồi học lớp Nhất tiểu học (lớp Năm bây giờ), có ban văn nghệ tí hon mặc đồng phục quần soọt xanh áo sơ mi cụt tay trắng, thắc nơ đỏ trông bảnh choẹ lắm. Trong ban văn nghệ tí hon ấy, Luy đánh đờn mandolin
Hổng nhớ tên, hổng nhớ mặt, chỉ nhớ cổ còn trẻ và ... dữ lắm. Dữ hơn má mình. Sáng bữa nào vô lớp tui cũng khóc. Khóc vì sợ, khóc vì... nhớ má" hay khóc vì sáng nào cũng vô trễ. Ba tui đưa đi học mà sáng nào cũng trễ.
Bạn có bao giờ nhớ tới hai câu thơ thân thuộc từ những ngày xanh trong trang Lưu Bút học trò Thân nhau mới tặng ảnh nầy . Để làm kỷ niệm những ngày xa nhau .
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.