Hôm nay,  

CHO MÙA XUÂN TƯƠNG LAI

14/03/201300:00:00(Xem: 4493)
Tác giả Ngô Mai Hương là phu nhân của Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân, một nhà hoạt động dân chủ đang bị nhà nước cộng sản cầm tù tại Việt Nam. Ngày 7-4-2012, khi vừa từ Hoa Kỳ về Sàigon, ông Quân bị bắt tại phi trường và nhà nước cộng sản hiện đang cố dàn dựng một phiên toà ghép tội. Trước thềm năm mới, bài viết nói lên ý chí đi tới và niềm tin ở tương lai tốt đẹp.

Tôi nhớ mang máng một câu thơ của Văn Cao đại ý - Thời gian rơi như tiếng sỏi trong lòng giếng, riêng chỉ những câu thơ còn xanh. Với tôi, không chỉ những câu thơ còn xanh, thời gian hình như chưa bao giờ làm tàn úa ước mơ của tôi. Cái ước mơ ngày tôi lên sáu tuổi cho đến nay vẫn còn mới nguyên. Khi ấy tôi mới học lớp năm, vừa biết đọc, biết viết, lá thư nguệch ngoạc đầu tiên tôi viết là thư tôi gởi cho bố tôi. Ông là một quân nhân đang trấn đóng tiền đồn ngoài miền Trung. Tôi chỉ muốn ông về nhà và được sống gần ông, bố tôi bảo với tôi rằng khi nào hết chiến tranh, khi nào đất nước thanh bình ông sẽ về. Mãi sau này tôi mới biết rằng cái ước mơ của đứa bé gái sáu tuổi đó là cái ước mơ lớn nhất, dai dẳng nhất của biết bao người.

Mùa xuân đang về, mùa của câu đối và những lời chúc lành. Nguyễn Bính viết: Cột nhà hàng xóm lên câu đối / ai viết tương tư giữa giấy hồng. Mùa xuân ở đây không có câu đối, nhưng nỗi nhớ thương, nỗi tương tư về một mùa xuân thanh bình luôn luôn hiện hữu. Ngày hôm nay, 37 năm sau chiến tranh, vận mệnh đất nước lại đang rơi vào những tháng ngày đen tối nhất. Những người lính ngày xưa bị buộc phải buông súng đầu hàng, nhiều người đã không còn. Bố tôi mất năm 2006, ông không hề biết chuyện Ải Nam Quan mất, Thác Bản Giốc mất, Hoàng Sa mất... Bản công hàm nhượng đất cho Trung Quốc do Phạm Văn Đồng ký kết chỉ được biết đến vào cuối năm 2007. Âu như thế cũng đỡ cho ông một nỗi ngậm ngùi. Tôi nghĩ đến những đồng đội của ông, những người VN ngày nào ngơ ngác, rẽ nghé tan đàn, ngỡ rằng sau cuộc tang thương đó đã mất dấu nơi quê người. Nhưng lòng ái quốc của họ là một điều không giải thích được. Cho đến nay, dường như đối với rất nhiều người Việt hải ngoại, cái ước mơ lớn nhất của họ vẫn là ước mơ cho một ngày tươi đẹp của đất nước.

Những ngày cuối năm buồn bã đến theo cái bản cáo trạng của anh Quân, và cái cảm giác như anh đang vuột khỏi tay mình làm tôi chới với. Có lẽ vì vậy mà giấc ngủ tôi đầy những cơn ác mộng. Có đêm tôi nằm mơ thấy con trai tôi, Trí đang bơi trong một hồ nước đầy rong, rồi tôi thấy một con cá sấu lớn nổi lên trên mặt nước. Tôi cố gọi con, nhưng khi nắm được bàn tay bé nhỏ của Trí tôi không thể nào kéo cháu lên được, cánh tay tôi tự nhiên yếu ớt mất hết khí lực. Tôi choàng tỉnh dậy giữa đêm khuya, người mướt mồ hôi. Tôi ý thức rằng giấc mơ có lẽ đến từ nỗi bất an, nỗi lo lắng quá cho anh Quân. Nhưng dẫu sao, dù nỗi lo lắng có lúc đã làm tôi nghẹt thở, tôi quyết định phải có một cành đào cho phòng khách, tôi hứa với lòng tôi như vậy. Tôi không thể để một năm mới đến với mình và các con trong tâm trạng đó.
ngo-mai-huong_1
Hình bên: Ông bà Nguyễn Quốc Quân.
Cây đàn dương cầm nằm phủ bụi lạnh tanh. Cái bóng hạnh phúc của những ngày đầu năm còn nguyên vẹn nơi từng góc nhà. Tôi chợt nhớ da diết những đêm giao thừa rộn ràng tiếng cười, tiếng đàn dương cầm và những bài hát xuân. Không có anh, chẳng biết ai sẽ làm cái cho màn bầu cua tôm cá của mấy em nhỏ. Sẽ không có ai pha trò cho mọi người cười. Nhưng điều tôi nhớ nhất vẫn là những câu chuyện kể của anh, những câu chuyện bao giờ cũng làm mọi người im lặng. Một người bạn bảo rằng khi anh Quân kể chuyện, thế nào cũng để lại một điều gì đó. Viết đến đây, tôi chạnh nhớ câu chuyện của chú heo con anh kể vào đêm giao thừa năm ngoái:


Một buổi sáng đẹp trời, chú heo con chạy đến bên mẹ và hỏi:

- Mẹ ơi hạnh phúc ở đâu? Mẹ heo con mỉm cười đáp:

- Hạnh phúc nằm ở chiếc đuôi xinh xắn của con đó!

Heo con thích lắm, ngày nào chú cũng ngắm nghía chiếc đuôi của mình, vừa nhảy vừa vẫy vẫy đuôi. Nhưng rồi bỗng một hôm, chú heo con buồn bã chạy đến bên mẹ:

- Mẹ ơi , tại sao con chẳng bao giờ nắm giữ được hạnh phúc vậy?

Mẹ chú khẽ vuốt ve heo con và đáp:

- Chỉ cần con tự tin bước về phía trước, hạnh phúc sẽ tự đi theo con thôi.

Hạnh phúc có lẽ luôn đi theo anh vì anh luôn kiên định với những điều mình làm. Mahatma gandhi đã từng nói: "Hạnh phúc là khi điều bạn nghĩ, điều bạn nói và điều bạn làm hài hòa với nhau". Giờ này, anh đang nghĩ gì khi một mình cô đơn đối đầu với mọi nỗi khó khăn của trại giam? Anh từng bảo với tôi rằng điều an ủi anh nhất là trong lúc ngồi tù anh biết bên cạnh tôi và các con luôn có những bằng hữu thân thiết của anh. Ngay lúc này, nếu được nhắn với anh tôi thực sự muốn anh biết rằng: Không chỉ những bằng hữu thân thiết, trên bước đường đi vận động cho anh, tôi đã nhìn thấy những tình cảm nồng ấm, thương yêu của biết bao người dành cho anh. Rồi những lời khích lệ, những an ủi vỗ về, và cả những giọt nước mắt đồng cảm đã làm cho tôi thật ấm áp. Tôi nhận ra rằng ngay cả lúc mình tuyệt vọng, lo buồn nhất, mình vẫn cảm thấy cảm kích cuộc đời nhất. Tôi cảm được niềm hạnh phúc của một người được nhận quá nhiều tình thương, cùng lúc tôi ý thức rằng tình thương đó rất bền chặt. Nó bền chặt vì nó không dành riêng cho cá nhân anh Quân hay cho chính tôi; tình thương đó dành cho những công việc anh đang làm.

Phải chăng cũng chính vì tình thương đó mà đất nước tôi đã vượt qua hết những can qua? Tôi mường tượng ra dân tộc tôi những năm xa xưa khi còn là một bộ tộc. Bộ tộc có những cô gái mặc váy lông chim, đeo khuyên, đeo còng đi dự hội mùa xuân. Cái bộ tộc Lạc Việt nhỏ bé đó đã từng phải rút chạy vào rừng khi Tần Thủy Hoàng xua quân chiếm đất. Và những chàng trai vạm vỡ, tóc búi, ngực xâm hình giao long đã bao lần phải xả thân để giữ vững mảnh giang sơn của mình. Những con người đã tạo nên một tục lệ muôn đời của bộ tộc - tục lệ thờ cúng những anh hùng, những thủ lĩnh.
ngo-mai-huong_2
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân trong sinh hoạt ngày Tết với những người thân.
Những ngày cuối năm, sự đàn áp gia tăng một cách quyết liệt của CSVN đối với các nhà dân chủ trong nước như một chỉ dấu của sự khiếp sợ. Tôi chợt nhớ đến hai cuộc cách mạng ở Tunisia và Ai Cập. Sự thành công của hai cuộc cách mạng tại các quốc gia này đã xảy ra thật bất ngờ và nhanh chóng. Không ai có thể đồn đoán được rằng những chế độ độc tài, tàn bạo kéo dài hàng chục năm trời sẽ sụp đổ chỉ trong vòng mấy tháng. Sự hung bạo bất chấp dư luận thế giới của VN có lẽ là chỉ dấu của một đêm tối cuối cùng cho một bình minh đang bắt đầu ló dạng. Tôi nghĩ đến Ls Lê Quốc Quân, đến cảnh bloger Hoàng Vi bị làm nhục ngay tại đồn công an… Trên tất cả mọi sự việc đang diễn ra, điều tôi thầy rõ nhất là sự cương quyết, sự dũng cảm của những con người đang bị trấn áp. Rõ ràng đây là sự chọn lựa sống còn của chính họ. Tôi nhớ đến câu nói sau cùng của Ls Lê Quốc Quân trước khi anh vào tù: "Tôi xin đón nhận mọi khó khăn như món quà mà tổ quốc đã trao tặng cho tôi".

Tết năm nay, thêm một gia đình nhỏ của Ls Lê Quốc Quân sẽ không đón tết. Nhưng tôi biết anh sẽ chẳng hối tiếc, anh và bao người khác đang chọn trả cái giá của chính mình cho một mùa xuân tương lai của dân tộc.

Ngô Mai Hương

Nhấn Vào Đây Để Tải Tập Tin PDF

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tác giả tên thật David Huỳnh, cư dân Los Angeles, là một "chức sắc" của Hội Đi Câu tại Hoa Kỳ, từng nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012 với loạt bài kể chuyện đi câu đủ nơi, đủ loại, từ cá sấu gar Houston tới cá tầm California, câu tới Alaska, sang Mễ, qua tận Thái Lan, và nay thì câu về đến quê cũ.
Trương Ngọc Anh (hình bên) đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002. Bài và hình ảnh được thực hiện theo lời kêu gọi của chương trình Foodbank tại Quận Cam: "Nếu biết ai đó cần sự giúp đỡ, xin vui lòng hướng dẫn vào chương trình trợ giúp của chúng tôi."
Nếu viết về con rồng, thật dễ có văn chương bay bướm, kiến thức bao trùm thiên hạ, ai đọc cũng phục lăn. Vì sao? Vì con rồng chẳng hề có trên thế gian, chẳng ai thấy, nên cứ viết tào lao thiên địa, không ai bắt bẻ được. Giống như chuyện ma. Có hàng triệu chuyện ma mà chẳng ai thấy ma bao giờ.
Alice Springs? Gớm! Cái phố nhỏ như mắt muỗi, có đốt đuốc cháy mười ngày cũng chẳng nom thấy đâu trên bản đồ nước Úc.
"Hơn bốn mươi năm sau khi xuất hiện, Dương Nghiễm Mậu vẫn còn là nhà văn avant-garde đối với văn học Việt Nam bởi những suy tưởng và cách đặt vấn đề của ông vẫn còn nguyên những mấu chốt bí mật, nhiều truyện ngắn với lối cấu trúc rất lạ, chưa ra khỏi vòng trăn trở tìm tòi của người viết hôm nay." (Thụy Khuê viết về Dương Nghiễm Mậu, Con Người Nội Soi)
Nếu bạn có một người yêu, yêu rất yêu, bạn có muốn nói về người ấy không, có muốn giới thiệu người ấy cho cả “thế giới” biết không. Tôi chắc chắn bạn sẽ “lật đật” nói rằng có. Không cần hỏi, tôi đã thấy cả triệu người trên mặt đất này đã và đang làm việc đó.
Tác giả tên thật Vũ Văn Cẩm; Vượt biển năm 1981. Đến Mỹ 1982, hiện là cư dân Oklahoma từ 2003. Nghề Nghiệp: Electrical Engineer. tại Công Ty American Airlines, M&E Center, Tulsa, OK. Bài viết -trích từ Việt Báo Tết QWuý Tỵ - là một chuyện tình đẹp.
Tác giả là một luật gia và nhà hoạt động văn hoá xã hội của miền Nam trước 1975. Ông sinh năm 1934, tại Nam Định. Tốt nghiệp Đại học Luật khoa Saigon 1958. Du học tu nghiệp tại Mỹ 1961-62. Nghề nghiệp tại Saigon: Chuyên gia luật pháp tại Quốc hôi VNCH (1958-62),
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ. Năm 2007, cô nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.” Mới đây, Khánh Vân đã hoàn tất việc đón ba má, và vợ chồng người em trai sang đoàn tụ. Bài tết năm nay của cô là chuyện vui.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.