Hôm nay,  

VỀ NHỮNG NGƯỜI LÀM TÍNH CỘNG

15/03/201300:00:00(Xem: 7868)
doan-thanh-liem_1
Tác giả là một luật gia và nhà hoạt động văn hoá xã hội của miền Nam trước 1975. Ông sinh năm 1934, tại Nam Định. Tốt nghiệp Đại học Luật khoa Saigon 1958. Du học tu nghiệp tại Mỹ 1961-62. Nghề nghiệp tại Saigon: Chuyên gia luật pháp tại Quốc hôi VNCH (1958-62), Quản lý Chương Trình Phát Triển Quận 6, 7, 8 Saigon (1965-71); Giám Đốc Văn Phòng Nghiên cứu và Liên lạc Hội Đông Tôn giáo Thế giới tại Saigon (1972-74). Gia nhập Luật sư Đòan Tòa Thượng Thẩm Saigon (1969-75); Tham gia Advisory Board nhiều tổ chức thiện nguyện quốc tế tại Việt nam. Tù nhân chính trị ở Việt nam (1990-96); Từ 2001 tới nay, là thành viên Viện Xây Dựng Hòa Bình Mùa Hè (SPI Summer Peacebuilding Institute) tại Đại học EMU.

Tôi đã sống sót sau cuộc chiến tranh kéo dài liên tục trong 30 năm, từ 1945 đến 1975, và cả sau những năm bị giam giữ trong nhà tù cộng sản (từ 1990 đến 1996). Trải qua nhiều chế độ khác nhau, nhưng tôi vẫn giữ được sự lạc quan yêu đời bởi vì tôi luôn gặp được những con người có nhân cách cao quý - họ đều là những người tận tâm hết sức góp phần xây dựng cho nhân quần xã hội. mà họ cũng thường chia sẻ với tôi những tình cảm êm đẹp, khích lệ tôi tiếp tục dấn thân phục vụ xã hội.

Nhân dịp năm mới Quí Tị 2013, tôi xin lần lượt ghi lại những kỷ niệm thật dễ thương về các nhân vật mà tôi gọi là "những người chuyên làm tính cộng". Nhiều vị trong số này đã ra người thiên cổ - nhưng sự nghiệp của họ để lại bất kể dù lớn nhỏ ra sao, thì vẫn được nhiều người biết đến và quý trọng.
doan-thanh-liem_2
- Nhà văn Nguyễn Hiến Lê (1912 - 1984)

Tại miền Nam trước năm 1975, ít người mà có nhiều tác phẩm được xuất bản và được công chúng ưa chuộng như nhà văn Nguyễn Hiến Lê. Tính ra trong 25 năm, từ 1950 đến 1975, ông đã cho xuất hiện đến 100 cuốn sách và đến mấy trăm bài báo có giá trị. Đặc biệt là những cuốn trong "Tủ sách Học Làm Người" như "Đắc Nhân Tâm", "Quẳng Gánh Lo Đi mà Vui Sống"..., thì được tái bản rất nhiều lần, kể cả sau năm 1975 nữa.

Tôi có duyên được quen biết thân thương gần gũi với ông trong một thời gian dài - kể từ năm 1976 cho đến ngày ông lặng lẽ qua đời vào cuối năm 1984 ở Saigon. Lần nào gặp ông, tôi cũng đều học hỏi được nhiều kinh nghiệm thật quý báu của một người suốt cuộc đời say mê với chuyện chữ nghĩa sách vở báo chí. Qua ông, tôi còn có dịp gặp được cả những nhân vật họat động văn hóa nổi tiếng, điển hình như học giả Đào Duy Anh từ Hanoi vào, hay cụ Giản Chi Nguyễn Hữu Văn là người có tác phẩm viết chung với ông nữa.

Có lần ông tâm sự với tôi là giới lãnh đạo chóp bu ở Hanoi, họ cũng mâu thuẫn giữa phe này phái kia, tranh chấp đấu đá với nhau dữ dằn lắm. Thật đó là điều bất hạnh cho dân tộc mình dưới cái thời mạt vận này. Ông còn nói: "Tôi già yếu rồi, đã đến tuổi 70 - chẳng còn làm được điều gì quan trọng nữa. Nhưng thế hệ các ông đang ở vào lớp tuổi 40 - 50 là cái tuổi sung mãn nhất, thì dưới cái chế độ này, các ông lại chẳng có thể thi thố tài năng để mà giúp dân cứu nước. Thật là điều uổng phí quá đi mất. Tôi nghĩ thật buồn cho tương lai của đất nước này! …" Ông còn khuyên tôi đại khái là: "Nếu được ai ở ngọai quốc bảo lãnh, thì ông nên cứ ra đi, vì chỉ ở một nước tự do, ông mới có cơ hội được họat động thỏai mái đúng theo khả năng và chí hướng của mình..."

Ông và tôi hay có dịp trao đổi sách báo với nhau, vì trước năm 1975 mỗi khi có dịp đi ngọai quốc, tôi thường được các bạn tặng cho một số sách mới xuất bản. Có một số cuốn tôi mang đến cho ông đọc, ông rất thích với mấy tài liệu này, rồi chúng tôi có thể say sưa thảo luận với nhau về một vài chủ đề do cuốn sách đó gợi ra. Điển hình là ông rất chú ý đến các tác phẩm của vị đại sư người Pháp là Raymond Aron vừa là một giáo sư dậy ở Đại học Sorbonne ở Paris, vừa là một tác giả và nhà báo có danh tiếng khắp thế giới kể từ thập niên 1950 trở đi.

Ông tặng cho tôi nhiều cuốn sách do chính ông viết hay do ông mua sắm thời trước. Có lần ông nói với tôi, nguyên văn như sau: Tôi đang chuẩn bị cho "mon grand départ" (chuyến đi vĩnh biệt), nên đã sọan ra các sách để tặng cho bà con bạn bè thân thiết - sau khi đã dành lại một số để riêng cho cháu nội tôi hiện ở bên nước Pháp. Tiện đây, tôi xin gửi ông thêm ít cuốn nữa riêng cho ông và các cháu con của ông…

Vào năm 1979 - 80, có người cháu ở bên Thụy Sĩ về thăm và biếu ông một số sách mới xuất bản ở Pháp, ông cũng đều cho tôi mượn để đọc. Phải nói rằng hồi đó tại Việt nam đang ở vào giai đọan "bế quan tỏa cảng" - mà có được lọai sách mới mẻ này từ nước ngòai đem về để mà nghiền ngẫm, là điều không có gì thú vị hơn nữa được.
doan-thanh-liem_3
- Luật sư Trần Văn Tuyên (1913 - 1976)

Luật sư Trần Văn Tuyên là một người họat động chính trị nổi tiếng ở miền Nam trước năm 1975. Ông đã từng giữ chức vụ Bộ trưởng, Phó Thủ tướng và từ năm 1971 ông còn là một Dân biểu Quốc hội nữa. Đầu năm 1975, ông được bầu vào chức vụ Thủ lãnh Luật sư đòan Tòa Thượng thẩm Saigon. Sau 30 tháng Tư năm 1975, ông bị đi tù cải tạo và chết trong trại Hà Tây gần Hanoi vào cuối năm 1976.

Hồi còn niên thiếu, ông là bạn học cùng lớp với nhà văn Nguyễn Hiến Lê tại trường Bưởi Hanoi hồi năm 1930. Ông cũng là một trong những đòan viên họat động hăng say sớm nhất của Phong trào Hướng Đạo Việt Nam ngay từ thời kỳ đầu thập niên 1930.

Từ năm 1965 trở đi, tôi thường có dịp tham gia sinh họat chung với các bạn chuyên viên trong những buổi gặp gỡ trao đổi về tình hình xã hội chính trị tại tư gia của Luật sư Tuyên trên đường Hồng Thập Tự xế cửa Vườn Hoa Tao Đàn. Phần đông trong chúng tôi lúc đó đang ở lứa tuổi 30 - 40, nên cứ theo lối xưng hô của gia đình Hướng Đạo, thì gọi Luật sư Tuyên là Anh, mặc dù có người chỉ ngang tuổi với Luật sư Trần Tử Huyền là trưởng nam của ông mà thôi. Là người thông hiểu nhiều về sinh họat chính trị cũng như ngọai giao, nên Luật sư Tuyên thường giải thích chỉ dẫn cho anh em chúng tôi về những sự kiện cũng như chiều hướng phát triển trong thế cờ chính trị quốc tế giữa hai khối Mỹ và Liên Xô. Ông rất tế nhị, không bao giờ rủ rê lôi cuốn một ai trong chúng tôi tham gia vào một tổ chức chính trị nào cả.

Riêng đối với tôi, thì ông khích lệ cổ võ cho những công tác xã hội anh em thanh niên sinh viên chúng tôi đang theo đuổi tại các quận 6, 7 và 8 ở miền ven đô Saigon. Ông gọi đó là một thứ "micro-réalisation" (thành tựu nhỏ bé) rất thích hợp cho giới trẻ trong hòan cảnh chiến tranh sôi động hồi giữa thập niên 1960 đó.

Buổi sáng sớm, trước khi đi làm, có lần tôi đến thăm ông, thì được dẫn lên tầng lầu để cùng uống cà phê và chuyện trò thân mật với ông. Lúc đó, ông còn bận bộ đồ bà ba trắng và đang chỉ dẫn bài vở cho cô con gái trong nhà gọi là Cô Dế. Trong phòng các sách báo được chất la liệt trên các kệ khá cao xếp dọc theo những bức tường quanh phòng. Các sách này, sau khi ông mất, thì được phu nhân là Bà Phạm Thị Côn cho tôi ưu tiên chọn một số để giữ làm kỷ niệm - trước khi bà cho đem bán hết đi.


Tôi vẫn còn nhớ bữa ăn cơm cuối cùng với ông tại nhà trước ngày ông đi "trình diện để đi học cải tạo" - thực tế là đi ở tù.Vào năm 1978, qua Bác sĩ Nguyễn Văn Ái mới về từ trại tù ngòai miền Bắc, tôi được biết chi tiết về cái chết của ông vào cuối tháng Mười năm 1976, đó là do bệnh xuất huyết mạch máu não - khiến cho ông bị gục ngã ngay tại hội trường trước khi ông kịp trình bày về một đề tài trong buổi sinh họat chính trị của các trại viên. Tôi đem chuyện này kể lại với nhà văn Nguyễn Hiến Lê, thì ông nói là ông rất khâm phục "sự khẳng khái cang cường của anh Tuyên trong khi đối đáp với cán bộ cộng sản ở trong tù".

- Linh mục Nguyễn Bình An (từ trần năm 1970)

Linh mục An thuộc dòng Phanxico được coi là một vị chân tu, có cuộc sống tu hành khổ hạnh, khiêm nhường và nghiêm túc. Tên của ông thường được viết là Fr. Pacific Nguyễn Bình An OFM (Chữ Fr là Frater, tiếng La tinh có nghĩa là Anh - còn chữ OFM = Ordre des Frères Mineurs, tiếng Pháp có nghĩa là: Dòng của những Anh em Khó nghèo).

Mặc dầu được tu học nhiều năm ở bên Pháp, nhưng khi về nước, ông chỉ hạn chế sinh họat trong phạm vi thuần túy tôn giáo, chứ không hề tham gia với chuyện chính trị hay văn hóa xã hội nào cả. Ông là vị Tuyên Úy đầu tiên của Phong trào Trí thức Công giáo Pax Romana hồi đầu thập niên 1960 ở Saigon. Vị Chủ tịch là Bác sĩ Nguyễn Văn Ái và Phó Chủ tịch là Luật sư Nguyễn Văn Huyền và tổng số thành viên họat động lúc đó thì có chừng 30 anh chị em. Trong số này, có khá đông người đã từng du học ở Âu châu hay Mỹ về. Những người du học ở Âu châu như Bác sĩ Ái, các Giáo sư Bùi Xuân Bào, Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung … thì đều đã từng sinh họat chung với cha An hồi đầu thập niên 1950, vào lúc cha giữ nhiệm vụ Tuyên úy của Liên Đoan Công giáo Việt nam và có thời còn phụ giúp giáo xứ Việt nam ở Paris nữa.

Với cương vị Tuyên Úy, cha An đã tận tâm hướng dẫn về mặt sinh họat đạo đức tâm linh cho anh chị em trí thức Công giáo mà thường gặp gỡ với nhau trong các phiên họp định kỳ mỗi tháng - để cùng tham dự thánh lễ và sau đó thì trao đổi thảo luận với nhau về những vấn đề liên quan đến niềm tin tôn giáo và sự dấn thân nhập cuộc của người tín đồ công giáo đối với xã hội. Nhưng sau mấy năm, thì ông xin nghỉ vì bệnh tật đau yếu và đã sớm lìa đời vào năm 1970, lúc chưa đầy 60 tuổi.

Tôi bắt đầu tham gia với Pax Romana vào năm 1961 lúc mới du học tu nghiệp ở Mỹ về. Vì là một thành viên trẻ tuổi nhất, nên tôi hay được trao phó làm công việc liên lạc và thư ký của tổ chức. Do vậy mà hay có dịp tiếp súc với vị Tuyên úy để nhờ ông hướng dẫn trong việc giải quyết công việc văn phòng này nọ của Phong trào. Tôi thấy lúc nào cha An cũng siêng năng cần mẫn với đủ thứ công việc và cư xử với mọi người bằng một thái độ khoan hòa nhân ái. Ông luôn tìm cách giải quyết sự việc chu đáo, gọn gàng và rất có lý có tình.

Rõ ràng là ông thấm nhuần cái chủ trương "Tách rời Tôn giáo ra khỏi Chính quyền Nhà nước" như vẫn áp dụng tại Âu Mỹ. Và ông có thái độ khoan dung và tôn trọng đối với bất kỳ tôn giáo nào - đó là điều thật phù hợp với tinh thần đa nguyên tôn giáo (pluralisme religieux). Ông luôn kêu gọi các người trẻ tìm hiểu thêm về chủ trương "Phát triển Tòan diện và Điều hòa" như Nhóm Kinh tế Nhân bản ở Pháp đã cổ vũ từ trước Đệ nhị Thế chiến.

Có thể nói cha An đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển Pax Romana Việt nam hồi đầu thập niên 1960. Ông được sự tin tưởng và quý mến của tất cả mọi thành viên trong tổ chức này. Vì không tham gia họat động chính trị, nên Pax Romana ít được quần chúng ngòai giới Công giáo biết đến. Nhưng, tiếc thay - cũng như mọi tổ chức văn hóa xã hội và tôn giáo khác, sau năm 1975 thì Pax Romana ở Việt nam cũng ngưng họat động.
doan-thanh-liem_4
- Hòa Thượng Thích Huệ Đăng (1940 - 2009)

Hòa Thượng Thích Huệ Đăng tên thật là Nguyễn Ngọc Đạt. Thầy Đạt là một trong những tù nhân chính trị cùng ở chung với tôi lâu nhất từ năm 1991 đến năm 1996 - lần lượt ở trại Khám lớn Gia Định (số 4 Phan Đăng Lưu gần chợ Bà Chiểu), rồi đến nhà tù Chí Hòa, và sau cùng ở trại Z30D tại Hàm Tân Phan Thiết.

Ông người cao lớn, nước da ngăm đen và có giọng nói sang sảng. Sau năm 1975 thầy Đạt đã bị bắt giam liên tục trong nhiều năm, tính ra ông phải ở tù tổng cộng đến trên 20 năm. Khi ở trong tù, ông là người chuyên tâm nâng đỡ an ủi nhiệt tình nhất cho các tù nhân chính trị đồng cảnh. Ông rành về thuốc nam, nên ra tay chữa chạy cho nhiều người bị bệnh trong số các tù nhân, nhất là các người tù hình sự - mà có khi cho cả cán bộ coi tù nào tìm đến nhờ vả nơi ông nữa. Nhờ được gia đình tiếp tế đày đủ, ông luôn rộng rãi chia sẻ các thực phẩm và cả thuốc men cho những anh em đang thiếu thốn.

Là một người năng nổ tháo vát, lúc còn được tự do ở ngòai đời, ông đã tổ chức xây dựng được nhiều cơ sở chùa chiền, mà cơ sở nổi tiếng nhất là chùa Phước Duyên trong địa hạt huyện Diên Khánh Nha Trang. Ông vừa qua đời vì bệnh vào năm 2009, sau khi được trả tự do mấy năm.

Sống chung với Thầy Đạt nhiều năm trong tù, tôi có dịp chia sẻ với ông về nhiều chuyện - mà điều đáng nhớ nhất là kinh nghiệm liên kết giữa các tù nhân chính trị với nhau. Ông nói: Trong đợt ở tù lần trước, tôi gặp gỡ quen thân với nhiều tu sĩ bên Công giáo cũng như bên Tin Lành, Cao Đài và Hòa Hảo.

Sau này khi ra tù rồi, tôi cũng sẽ tìm cách đến thăm hỏi các vị đó. Mình nên coi thời gian chung sống gần gũi với nhau trong cái nhà nhỏ này, thì đó chính là lúc cho chúng ta thông cảm, hiểu biết và yêu thương lẫn nhau sâu sắc hơn - để sau này càng dễ dàng hơn cho việc cùng cộng tác gắn bó chặt chẽ với nhau trong công cuộc xây dựng tương lai tốt đẹp cho quê hương đất nước mình.

Quả thật, Thầy Đạt là người có tầm nhìn xa và có một lập trường quốc gia kiên định vững chắc. Rất tiếc là tôi đã phải chia tay với ông vào đầu năm 1996, sau 4 năm chúng tôi cùng ở chung với nhau trong trại tù Hàm Tân Phan Thiết. Sau này, qua một số thân nhân của Thầy hiện sinh sống ở California, tôi cũng đã có dịp liên lạc thư từ thăm hỏi với Thầy - và có lúc lại còn nói chuyện trực tiếp qua điện thọai với ông nữa. Nhưng sự ra đi hơi sớm của ông đã làm cho dự tính hành động chung của Thầy với nhiều bạn hữu cùng chí hướng khác đã không thể thực hiện viên mãn được. Dầu vậy, tôi vẫn hy vọng rằng hiện vẫn còn nhiều người trong chỗ thân thiết vời Thầy sẽ tiếp tục bằng cách này hay cách khác hun đúc cái tinh thần dấn thân nhập cuộc nhằm phục vụ quốc gia dân tộc trong giai đọan mới - với lớp người trẻ đày sự nhiệt thành và sự hiểu biết rộng rãi về khoa học kỹ thuật thích nghi với đòi hỏi của thế giới hiện đại vậy.

Đoàn Thanh Liêm

Nhấn Vào Đây Để Tải Tập Tin PDF

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tác giả tên thật David Huỳnh, cư dân Los Angeles, là một "chức sắc" của Hội Đi Câu tại Hoa Kỳ, từng nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012 với loạt bài kể chuyện đi câu đủ nơi, đủ loại, từ cá sấu gar Houston tới cá tầm California, câu tới Alaska, sang Mễ, qua tận Thái Lan, và nay thì câu về đến quê cũ.
Trương Ngọc Anh (hình bên) đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002. Bài và hình ảnh được thực hiện theo lời kêu gọi của chương trình Foodbank tại Quận Cam: "Nếu biết ai đó cần sự giúp đỡ, xin vui lòng hướng dẫn vào chương trình trợ giúp của chúng tôi."
Nếu viết về con rồng, thật dễ có văn chương bay bướm, kiến thức bao trùm thiên hạ, ai đọc cũng phục lăn. Vì sao? Vì con rồng chẳng hề có trên thế gian, chẳng ai thấy, nên cứ viết tào lao thiên địa, không ai bắt bẻ được. Giống như chuyện ma. Có hàng triệu chuyện ma mà chẳng ai thấy ma bao giờ.
Alice Springs? Gớm! Cái phố nhỏ như mắt muỗi, có đốt đuốc cháy mười ngày cũng chẳng nom thấy đâu trên bản đồ nước Úc.
"Hơn bốn mươi năm sau khi xuất hiện, Dương Nghiễm Mậu vẫn còn là nhà văn avant-garde đối với văn học Việt Nam bởi những suy tưởng và cách đặt vấn đề của ông vẫn còn nguyên những mấu chốt bí mật, nhiều truyện ngắn với lối cấu trúc rất lạ, chưa ra khỏi vòng trăn trở tìm tòi của người viết hôm nay." (Thụy Khuê viết về Dương Nghiễm Mậu, Con Người Nội Soi)
Nếu bạn có một người yêu, yêu rất yêu, bạn có muốn nói về người ấy không, có muốn giới thiệu người ấy cho cả “thế giới” biết không. Tôi chắc chắn bạn sẽ “lật đật” nói rằng có. Không cần hỏi, tôi đã thấy cả triệu người trên mặt đất này đã và đang làm việc đó.
Tác giả tên thật Vũ Văn Cẩm; Vượt biển năm 1981. Đến Mỹ 1982, hiện là cư dân Oklahoma từ 2003. Nghề Nghiệp: Electrical Engineer. tại Công Ty American Airlines, M&E Center, Tulsa, OK. Bài viết -trích từ Việt Báo Tết QWuý Tỵ - là một chuyện tình đẹp.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ. Năm 2007, cô nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.” Mới đây, Khánh Vân đã hoàn tất việc đón ba má, và vợ chồng người em trai sang đoàn tụ. Bài tết năm nay của cô là chuyện vui.
Tác giả Ngô Mai Hương là phu nhân của Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân, một nhà hoạt động dân chủ đang bị nhà nước cộng sản cầm tù tại Việt Nam. Ngày 7-4-2012, khi vừa từ Hoa Kỳ về Sàigon, ông Quân bị bắt tại phi trường và nhà nước cộng sản hiện đang cố dàn dựng một phiên toà ghép tội. Trước thềm năm mới, bài viết nói lên ý chí đi tới và niềm tin ở tương lai tốt đẹp.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.