Hôm nay,  

LỄ HỘI CỔ TRUYỀN THÁNH MẪU DÂN GIAN

14/03/201300:00:00(Xem: 5510)
dang-duc_1
Tác giả tham gia chuyến đi của một phái đoàn y sĩ thiện chí, trong số này có các tín hữu Cao Đài giáo thuộc nhiều sắc dân, gồm cả người háp, người Mỹ, người Bangladesh... Du ký này ghi lại cuộc hành trình đường bộ từ thủ đô xứ Chùa Tháp qua "cửa khẩu" Mộc Bài, thăm Bà Đen về Tây Ninh, thánh địa Cao Đài, tham dự những lễ hội văn hoá cổ truyền và tìm hiểu về hình tượng những bà mẹ thiêng của dân gian.

Kampuchia cho đến nay vẫn là một nước ngập ngừng trước những bước nhẩy vọt theo đà tiến hóa thế giới của các nước láng giềng. Xưa kia dân tộc Khmer sống theo chế độ mẫu hệ như nhiều dân tộc vùng Đông Nam Á khác, thờ thần rắn Naga, có cấu trúc nửa rồng nửa rắn. Hầu hết các công trình kiến trúc đều có hiện diện của Naga mặc dầu Phật giáo chiếm ưu thế hầu như là quốc giáo.

Theo truyền thuyết, quốc vương Kampu lấy đươc con gái vua rắn Naga hay Niệk, lập nên vương quốc Kampuchia, mảnh đất đầy đầm lầy rừng rậm ẩm thấp, rắn cực độc như Naga cũng bị thuần hóa thành hiền từ, ra tay bảo vệ toàn dân và lãnh thổ. Theo quan niệm của dân xứ Angkor, rắn có 3 đầu tượng trưng cho thiên-địa-nhân, 5 đầu là ngũ hành (kim/ mộc/ thủy/ hỏa/ thổ); 6 đầu biểu trưng phụ nữ, trái đất, thể xác, sự chết; 7 đầu là khi thế nam tử, là bẩy sắc cầu vồng, là đắc đạo; 9 đầu là Niết Bàn. Truyền thuyết ấy đã ăn sâu vào thế giới thần linh của dân tộc Kampuchia. Thần 7 đầu Naga dũng mãnh được tin là luôn luôn ẩn mình dưới Biển Hồ canh giữ kinh thành Phnom Penh. Người ta tin rằng sau khi trấn áp mưa to gió bão xong, thần luôn luôn xuất hiện trên cầu vồng, ai nhìn thấy sẽ gặt hái được rất nhiều may mắn.
dang-duc_2
Thần Naga bẩy đầu trên bậc thềm hoàng cung.
Người ta cũng kể rằng vào thế kỷ 14, một phụ nữ tên Penh ngẫu nhiên nhặt được rất nhiều thánh vật và kho báu dưới lòng sông, rồi lập chùa, cúng hết những gì mình có được trên một ngọn đồi (Phnom) tuyệt đẹp giữa châu thành. Vào thế kỷ 15, quốc Vương Ponhea rời đô từ Angkor nơi có rất nhiều di tích thần Shiva (Hindu) về kinh thành có đồi Penh. Phnom Penh, "Đồi bà Pênh", trở thành tên thành phố.

Mùa hội Tết Khmer đến hàng năm vào giữa tháng Tư âm lịch, là ngày quay hướng mặt của thần Brama, vị thần bốn mặt (thể tượng có rất nhiều trong quần thể Angkor Wat), đấng tối cao của mọi sinh vật trên cõi trần gian, cũng như các dân tộc Thái, Miến, Mã Lai…phụ nữ Kampuchia ngoài việc đi chùa tắm Phật, té nước cho nhau, nhảy vũ điệu cổ truyền Apsara, nghe nhạc PinPeat, kéo nhau trẩy hội đồi Phnom Dou Penh, nườm nượp lên đền Thánh Mẫu Bà Penh, làm lễ cầu xin an bình, tài lộc và hôn nhân. Họ nói đền Bà Penh rất linh thiêng, hiển linh, cai quản tất cả tâm linh đàn bà con gái của thành phố Phnom Penh. Phong tục của người Khmer vẫn phảng phất lề lối mẫu hệ là sau khi thành hôn, chồng sẽ dọn sang ở nhà vợ mà người Việt ta gọi nôm- na là dạng " ở rể", khi sinh con, con sẽ lấy tên cha làm họ.

Sau năm 1975, chính độ Khờ Me Đỏ của Pol Pot tàn sát thị dân, tận diệt trí thức, làm tiêu tùng hết nửa dân số. Sau gần 40 năm, nay đã tăng lên đến 14 triệu người, tuy nhiên giới trí thức trẻ hình như còn loay hoay chưa biết đưa đất nước về đâu, Hàng loạt những sòng bài mọc lên từ thành phố cho tới biên giới. Những giới cặn bã của xã hội toàn cầu đổ về Kampuchia ào ào từ mua bán tình dục thiếu niên cho đến ma túy, cờ bạc, đĩ điếm… Văn hóa của dân dã quá thật thà chất phác đến nỗi người ta phải ngạc nhiên khi đi qua cửa khẩu, các ông bà hải quan tươi cười xin thêm tiền cà phê như là chuyện đương nhiên, chuyện chẳng có gì là quan trọng, chuyện "bo" thường tình.
dang-duc_3
Điện Bà
Con đường Sisowath Quay dọc theo bờ sông vẫn là khu chính của thành phố, với dáng dấp cung điện, chùa vàng, chùa bạc lộng lẫy phía xa, hàng cây cổ thụ tỏa bóng mát, những căn nhà kiến trúc thời thực dân Pháp chẳng hề thay đổi. Con đường lúc nào cũng tấp nập ồn ào tiếng Miên lẫn tiếng Việt. Bên lề là những ông Tây bà Đầm ngồi lặng trong chiếc ghế bành tô nhấm nháp tách cà phê bốc khói mơ màng về kỷ niệm đô hộ quá vãng như tiếc nuối thời xa xưa.

Nói tới ẩm thực, ngoài món hủ tiếu Nam Vang nổi danh, còn có mắm "bồ hóc" quốc hồn quốc túy làm bằng cá biển hồ như mắm nêm của người miền Nam, còn có những quán cóc ven đường với những đặc sản côn trùng rang thơm lừng như dế, cà cuống, nhái bầu, nhện… Xin mời thưởng thức thịt bò nướng, cuốn rau chấm đẫm mắm bồ hóc, rất khoái khẩu, ngon đáo để, thật tuyệt vời với bia Kampuchia lạnh ngắt. Ông bạn chúng tôi lui hui khua dưới gầm bàn như tìm kiếm một vật gì vừa đánh rơi. Bà chủ nhà hàng chạy lại nhanh nhẩu hỏi bằng tiếng Việt miền Bắc:

- Bác đánh rớt cái gi thế ạ?

- Ơ…ơ… hàm răng giả…răng giả…

Bà chủ nháo nhác nhìn xuống, rồi thừa thông minh, biết là thịt nướng bị chê:

- Xin thứ lỗi, các cháu nướng thịt chín quá tay. Thường thịt bò ở đây nổi tiếng là mềm lắm các bác ạ…

Cả bọn cười ngất ngưởng.

Nắng chói chang hừng hực soi sói vào da thịt khiến mồ hôi ướt đẫm áo quần. Nắng quấn lấy người, lấy áo trong luồng gió nóng ào ào tới, dù thành phố Phnom Penh này có cả một biển hồ rộng lớn hợp lưu các sông Tonle Sap, Cửu Long, Bassac thóat nước về đồng bằng Nam Việt.

Rời quán thịt nướng, bước vào trong xe buýt để kịp trở lại Việt Nam dự lễ Hội Yến Diêu Trì Cung do Hội Thánh Cao Đài tòa thánh Tây Ninh tổ chức, chúng tôi như thoát được ra ngoài cái nóng nồng nực với độ ẩm ngất ngưởng đang vây quanh.
dang-duc_4
Lễ hội bên núi
Thánh Mẫu Núi Bà Đen

Thoắt cái, xe buýt đã vượt qua cửa khẩu Mộc Bài hướng về Tây Ninh. Phía Tây Bắc là vùng Tân Biên mà xưa kia là thủ phủ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, cục R, nơi đã trải qua những trận chiến khốc liệt rải đầy bom đạn mưa pháo, để biết bao chiến sĩ của cả hai bên Nam/ Bắc gục ngã, tan xương nát thịt. Ba mươi bẩy năm sau, nay là bạt ngàn rừng cao-su thẳng tăm tắp bao la xanh mướt. Dân không cần biết dĩ vãng, chỉ cười khẩy chua chát kể chuyện: "Hồi cán bộ y-tế xuống phát condom cho phụ nữ ngừa thai, do Liên Hiệp Quốc viện trợ. Các bà khẩn trương chấp hành nghiêm chỉnh. Năm sau, kết quả trẻ sinh ra đã không giảm mà gia tăng vượt bực. Hội phụ nữ gân cổ cãi vì cán bộ dậy chúng tôi vừa ăn nằm vừa đeo bao vào ngón cái thì không thể nào có bầu. Cán bộ lần này giải thích tường tận cho cả vợ lẫn chồng, lấy quả chuối làm huấn cụ. Năm tới, dân số vẫn tăng vọt. Báo cáo đổ lỗi cho Liên Hiệp Quốc vì viện trợ bao "size small" nhưng với cánh đàn ông Việt lại là "Extra Large". Nó cứ tuột ra. Bấy giờ mới khẩn trương hô hào làm bao tại địa phương. Thế là phá ruộng, cào đất, đạp đổ hết dấu tích lịch sử, để trồng caosu, nẩy ra những tư-bản đại điền chủ, đại gia cao su.…"

Vì còn sớm, chúng tôi rẽ qua tham quan núi Bà Đen, một địa danh lẫy lừng thời nghĩa quân cách mạng oanh liệt chống thực dân Pháp của người miền Nam Việt Nam. Ngọn núi hùng vĩ nổi bật trên nền trời xanh thẫm giữa những thủa ruộng mênh mông bao la xanh ngắt như chế ngự cả một miền Tây đất Việt.

Truyền thuyết về Bà Đen, người con gái tên Lý Thị Thiên Hương, nhan sắc mặn mà, có nước da bánh mật, tinh thông võ nghệ và rất mộ đạo. Một ngày trên đường lên núi viếng chùa lễ Phật, nàng bị bọn thảo khấu uy hiếp chặn đường. Nàng chống trả mãnh liệt, nhưng thế cô và quyết không để hoen ố danh tiết nên lao mình xuống vực quyên sinh. Đêm ấy, nhà sư trụ trì được báo mộng, lần xuống vực kiếm xác nàng về mai táng. Dân gian truyền rằng nàng rất hiển linh phù độ cho nhân dân trong vùng rất nhiều ân phước, lập điện thờ Bà trên núi và cũng từ đó núi có tên Bà Đen. Bà cũng báo mộng mách bảo chỉ đường cho Nguyễn Ánh lánh nạn khi bị quân Tây Sơn truy kích. Nên khi vừa lên ngôi, vua Gia Long sắc phong ngay cho Bà danh hiệu Linh Sơn Thánh mẫu, cho tạc tượng bằng đồng đen thờ ở Linh Sơn Tiên Thạch.

Vào những ngày tháng Giêng Âm lịch, dân chúng khắp nơi, trùng trùng điệp điệp đổ về viếng Thánh Mẫu Bà Đen, người Mẹ cai quản, ngự trị vùng đồng bằng Cửu Long, để cầu xin phước lành, làm ăn thịnh vượng.

Sau khi trả lệ phí tham quan ngoài cổng, chúng tôi nhẩy lên đoàn xe "tram" nối đuôi nhau đầy ních người để được đưa tới chân núi. Người ở đâu mà sao đông nườm nượp, hàng lớp hàng lớp theo nhau dồn tới. Ba lối lên ngọn núi cao gần một cây số: 1. Bằng đường bộ, leo theo bực đá, vừa được ngắm cảnh vừa chứng tỏ lòng thành khấn Phật, cầu Bà. 2. Bằng cáp treo. 3. Bằng máng trượt. Chúng tôi chọn phương thức thứ hai vì thời giờ eo hẹp.

Mua vé xong, chúng tôi đứng chờ khoảng gần một tiếng đồng hồ mới tới lượt vào cáp treo. Bạn có biết trong khoảng thời gian chờ đợi này, nhiều chuyện vui đáo để có thể xẩy ra, chẳng hạn như có một chàng bám riết chúng tôi, nói huyên thuyên, nói không ngừng, nói như nài nỉ, nói như báo động: "Các bác lên trên đó, cúng tiền vào thùng phước sương, công an sẽ thu lấy hết đấy. Để con vác một bao gạo và một bịch nước tương mang lên cho các sư. Con sẽ trình giấy chứng nhận đồ, rồi các bác mới trả tiền… năm chục đô thôi, bác ơi! …". Nhìn bao gạo chừng vài kí, 6 chai tương nhỏ chưa bằng chai nước ngọt, giá cao lắm chừng 10 đô, chúng tôi chỉ cười trừ. Ừ nhỉ, trong xã hội ngày nay, đâu đâu cũng có nhan nhản ông bà cô cậu "Cò" móc nối để lấy hoa hồng. Nào là cò chạy chức tước còn gọi là cò "phe", cò nhà đất, cò thi cử, cò vé hoa hậu, nhạc hội, cò bóng đá, cò ái tình…

Ngồi trên ghế cáp treo lơ lửng nhìn xuống xuyên qua cành lá là những hàng người lũ lượt đang leo theo bực đá nhấp nhô lên núi như đoàn kiến kéo nhau thành hàng dài, lòng tín ngưỡng đã khiến họ không thấy mệt, không thấy rã rời chỉ biết lên yết kiến Thánh Mẫu, cầu Bà ban phước lành.

Sau khi lễ Phật tại chùa, chúng tôi cũng như mọi người chen lấn vào điện Bà. Ôi thôi, nhang hương tràn ngập nghi ngút khói như muốn tắt thở, lễ vật dâng cao trên đầu, bầy tràn khắp nơi, Người ta cúng, người ta cầu, người ta vái đằng trước, đằng sau không còn chỗ nhúc nhích, phải lấn từng bước tiến tới.

Trên ban thờ, tượng Bà Đen, Bà Chúa Xứ ngồi ngang nhau, một mặt đen, một mặt trắng, dân gian ở đây coi như hai chị em. Người Khmer ở Nam Bộ thờ Mẫu thần Khmau, một nữ Thần Đất, gọi nôm na là Bà Chúa Xứ mà nơi thờ chính ở núi Sam (An Giang). Phải chăng đó cũng là kết quả của sự giao lưu tín ngưỡng dân gian của người Việt tràn xuống định cư tại Thủy Chân Lạp.
dang-duc_7
Hình bên: Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một trong bốn vị thánh Tứ bất tử. Bà được các triều đại phong kiến từ thời nhà Hậu Lê đến thời nhà Nguyễn cấp nhiều Sắc, tôn phong là "Mẫu nghi thiên hạ - Mẹ của muôn dân". Bà còn được cho là người đứng đầu hệ thống Tam phủ, Tứ phủ thờ đạo Mẫu.
Sơ lược hành trình của Thánh Mẫu

Hầu hết các làng xã và các đô thị ở Việt Nam đều có đền thờ Mẫu Liễu rất tôn nghiêm.

Nhưng Đạo Mẫu -đạo thờ mẹ- tại Việt Nam không chỉ có một bà chúa duy nhất.

Như mọi người đều thấy, rải rác khắp miền Trung là những ngọn tháp xây thờ Mẫu Thần của dân tộc Chăm (Chàm). Thần Mẹ Po Nagar ngự chính tại tháp Bà Nha Trang. Trào lưu nam tiến người Việt đã dung hòa thành Mẫu Thần Việt với tên Thiên Ya Na, Bà Chúa Ngọc, Bà Chúa Lồi, Bà Thu Bồn, Bà Mẹ Đất và rời điện thờ ra Hòn Chén (Huế). Nơi đây, hai nền văn hóa thờ Mẫu gặp gỡ, tác hợp Mẫu Liễu Hạnh từ Bắc vào Mẹ Po Nagar từ phía Nam ra. Tam phủ (thiên phủ, địa phủ, thủy phủ), tứ phủ (thêm nhân phủ) được dựng lên (theo Shaman giáo) biểu dương nghi lễ nhập hồn của các thần linh vào thân xác các ông, các bà, các cô, cậu đồng qua lễ nhạc chầu văn, múa và xuyên xiên qua thân thể. Hầu bóng nhằm cầu tài, cầu lộc… tiếp chuyện với thế giới âm thiêng liêng …. Lễ hội Thánh mẫu Thiên Ya Na vào tháng Giêng và trung tuần tháng bảy. Dân Hải-Cát tổ chức Thu-Tế rước linh vị Thánh Mẫu về đình làng. Vào những ngày này, các thuyền trên sông Hương được trang hoàng lộng lẫy trọng thể, để đón tiếp bàn dân thiên hạ. Nhiều thuyền rồng đặt ban thờ và tổ chức hầu bóng, lên đồng, ngay trên boong. Người ta lễ cầu vọng sang điện, vừa khỏi chen chúc hít khói hương nhang vừa tránh leo trèo mệt mỏi.

Tại miền Bắc, theo sách Cát Thiên tam thế thực lực, Vân Hương Tam thế giáng sinh, Nữ Thần Vân Cát của Đoàn thị Điểm và truyền thuyết dân gian, Thánh Mẫu Liễu Hạnh là Công Chúa Đệ Nhị Quỳnh Nương của Ngọc Hoàng Thượng Đế, do đánh vỡ chén ngọc bị giáng trần ở Quảng Nạp-Ý Yên (1434) đời vua Lê Thái Tông làm con nhà họ Phạm cho đến 30 tuổi, hóa kiếp tới nhà họ Lê ở Kẻ Dầy Thiên Bản (Nam Định) rồi ở Kẻ Sỏi-Nghệ An. Mẫu minh chứng là một phụ nữ hiếu nghĩa rất mực, nhân hậu với dân thôn, thông tuệ văn võ toàn tài. Chẳng thế khi Thị Ngự Phùng Khắc Khoan đi xứ phương Bắc về qua Tây hồ đã ngẫu nhiên được xướng họa với Liễu Nương khi Mẫu dừng chân vân du sơn thủy. Họ Phùng đã cao hứng lồng tâm sự mình vào cái xã hội đương thời, chiến tranh xâu xé giữa nhà Mạc-Lê-Trịnh. Bởi thế, nơi gặp gỡ được dân dựng thành Phủ Tây Hồ mà mỗi năm hàng trăm vạn người đến viếng Mẫu, nhất là vào dịp đầu Xuân. Mẫu còn giáng hạ Phố Cát- Sòng Sơn (Thanh Hóa), đèo Ngang, Lạng Sơn. Thời ấy, trong bối cảnh Trịnh Nguyễn phân tranh, loạn lạc khắp nơi, cường quyền áp bức, Mẫu Liễu Hạnh là gương sáng rỡ để phụ nữ vững tâm noi theo. Nhiều đời vua chúa đã phong Thánh, phong Thần, phong Tiên cho Mẫu dựa theo tín ngưỡng của dân gian.

Những ai đi chợ Viềng đầu Xuân không thể nào không ghé qua Phủ Dầy, nơi có lăng của Mẫu. Vào ngày này, đường vào chợ, vào phủ ngập sóng người. Những ông đồng bà cốt bận rộn suốt đêm ngày. Người ta nói đền Phủ Dầy linh thiêng vào bậc nhất đất Bắc, cứ thành tâm cầu khẩn, Mẫu sẽ linh hiển và độ trì cho thành đạt. Chẳng thế, hồi vua Bảo Đại thành hôn với Nam Phương Hoàng Hậu đã lâu mà chưa có tin mừng cho quốc dân, ngài và hoàng hậu đã đích thân đến Phủ Dầy làm lễ cầu xin, năm sau Thái Tử Bảo Long ra đời. Hiện giờ, phủ còn giữ những dấu ấn và sắc phong.

Dọc bờ biển miền Trung còn có rất nhiều đền thờ Thánh Mẫu Thiên Hậu của người Tầu. Mẫu đã hiển linh bảo vệ cuộc di tản bằng đường biển của con cháu nhà Minh khi nhà Thanh thống trị Trung Quốc. Điện thờ chính ở Hội An. Thánh Mẫu không chỉ là thần phù hộ người di tản, buôn bán trên biển của người Hoa, mà còn mang đến lòng tin cho cả người Việt khắp nơi.
dang-duc_6
Rước lễ nửa đêm tại Đền Thánh Tây Ninh
Thánh thất Cao Đài Tây Ninh

Bây giờ đã vào giữa trưa, mặt trời ngạo nghễ trên đỉnh đầu, nắng gay gắt len lỏi qua những kẽ lá. Trong các quán ven đường, võng đã được treo lên để khách có thể ngả lưng đánh một giấc ngủ trưa thoải mái. Chúng tôi ùa vào. Đặc sản Tây Ninh: Bánh tráng Trảng Bàng phơi sương, cuốn với hàng chục thứ rau ngát thơm, đồ chua, nem, thịt ba rọi, rồi chấm với nước mắm pha hay mắm tôm chua, sao tuyệt đến thế. Này, có cả ốc " núi " luộc ăn sần sật béo ngậy, cả thằn lằn, tắc kè " núi " nướng cho vào miệng cứ ròn tan. Mời bạn nếm thử.

Đường vào tòa thánh Cao Đài ùn tắc hàng cây số, xe cộ nối đuôi nhau, lách né nhau, để trườn tới, Hầu như tất cả họ đạo tứ phương từ trong cho tới ngoài nước đổ về đây dự Hội Yến Diêu Trì Cung, vinh danh Đức Diêu Trì Kim Mẫu, được tổ chức hàng năm vào ngày rằm tháng tám Âm lịch.

Khi Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc đồng sáu vị nữa sáng lập ra đạo Cao Đài đã có ngay ý tưởng xây thánh địa giống như Tòa Thánh Vatican. Khu thánh địa rộng 96 mẫu, hàng rào bao bọc, có các cửa chính ra vào như một thành phố trong một thành phố, lấy tên Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ thờ Đức Chí Tôn là Trời, là Ngọc Hoàng Thượng Đế. Ngài đã ban xuống trần gian 3 lần cứu độ chúng sinh, lần đầu tiên là Đức Thái Thượng Đạo Tổ, Đức Nhiên Đằng, lần thứ hai là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Chúa Jesus, lần thứ ba phát sinh ngay tại Việt Nam (1925) là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ hay Cao Đài, tổng hợp Tam Giáo (Phật, Lão, Nho), lấy 3 mầu vàng, xanh da trời và đỏ làm cờ Đạo. Lễ giáo kinh điển căn bản dựa vào sự linh ứng cầu cơ. Cơ bút là phương pháp dùng để thông công với các Đấng Thiêng Liêng. Một cái giỏ tre hay mây, phủ lớp giấy, ngoài bọc vải vàng có cán dài bằng gỗ xuyên qua miệng giỏ, đầu chạm hình chim loan, cổ gắn cọng mây làm bút viết trên bàn. Cây cơ có danh là Đại Ngọc hay Tiểu Ngọc Cơ. Lễ cầu cơ thường tổ chức vào ban đêm vì theo kinh dịch là thời điểm âm thịnh dương suy, con người ta và cõi âm dễ thông cảm. Nhờ sự giáng bút này, tiền kiếp của các danh nhân thế giới đã được các đồng đạo tin tưởng tuyệt đối như Victor Hugo là hóa thân của Nguyễn Du…

Đạo thờ Thiên Nhãn hay con mắt trái biểu dương sự nhìn thông suốt của Trời.

Đạo lấy ngày mùng 9 tháng Giêng Âm Lịch làm lễ vinh danh Đức Chí Tôn. Tại sao có Hội Yến Diêu Trì Cung vào rằm Trung Thu? Giải thích điều này Đức Phạm Hộ Pháp đã thuyết đạo ( 1947): "Phật Mẫu là chủ Âm quang, Chí Tôn là chủ Dương quang. Âm Dương tương hiệp. Đạo Cao Đài nương theo năng lực hai khối mà phát triển …"

Phật Mẫu là Cửu Thiên Huyền Nữ Thiên Hậu ( Trung Hoa), là Tây Vương Mẫu, là Thiên Mẫu, là Cửu trùng Thánh Mẫu hay Mẹ Sanh theo tín ngưỡng dân gian. Đạo Cao Đài gọi là Đức Diêu Trì Kim Mẫu. Như vậy, Hội Yến Diêu Trì là ngày con cái dân gian về báo hiếu Mẹ, về vinh danh công sinh thành dưỡng dục và hợp nhau tổ chức hội yến bàn đào trần gian rồi hưởng những hoa quả dâng hiến ví như đào tiên mong tâm thần lắng đọng, dứt bỏ tà dục.

Phật Mẫu được cho là có chín lần giáng trần hóa thân khác nhau để phổ độ chúng sinh: 1. Truyền sách Lục nhâm độn giáp đời vua Hiên Viên bên Tàu. 2. Đức mẹ Isis đền Memphis Ai Cập. 3. Thiên Hậu Héra Junon Hy-Lạp. 4. Đức Mẹ Lesmeter Hy-Lạp. 5. Maya, mẹ Thích Ca Mâu Ni. 6. Đức Mẹ Devi Bhagava Ấn Độ. 7. Giáng hạ ban cho vua Hán Võ Đế quả đào tiên ( theo sách Sơn Hải Kinh ). 8. Mẹ Maria của Ki-Tô giáo. 9. Khai mở đạo Cao Đài với Cửu Vị Tiên Nương ( 1925 ) tại Việt Nam.

Cũng theo cơ giáng, 9 vi tiên nương là hóa thân mang tên : 1. Cô Hoa, người Bắc. 2. Cô Cẩm Tú, chúa Chân Lạp. 3. Cô Kim Tuyến, chùa Thiên Mụ. 4. Cô Gấm, Nghệ An, hậu thân Đoàn thị Điểm. 5. Mẫu Liễu Hạnh, Nam Định. 6. Jeanne d'Arc, Pháp. Hậu thân cô Huệ, Biên Hòa. 7. Cô Lễ, Chợ Lớn. 8. Cô Bạch, đời Hán, hậu thân Hồ Để, Bắc phần. 9. Công chúa Ngọc Vạn (con chúa Nguyễn) hậu thân Cô Khiết, Bạc Liêu.

Chúng tôi đang đi giữa biển người, hàng trăm vạn cánh áo dài trắng ngập đường phố. Cánh nam giới chỉ khác biệt nữ giới với khăn đen trên đầu. Người ta vừa đi vừa trò chuyện tưng bừng, náo nhiệt, ngược xuôi trên các nẻo đường, hòa chung niềm vui như bỏ lại hết những ưu phiền của trần gian ở phía ngoài. Người ta căng lều, rải chiếu, nằm la liệt trên lề đường, trên sân cỏ, trên bực thềm, dưới tàn cây. Tất cả lòng thành là 3 ngày phó hội.


Sau khi hội kiến ngài Đầu Sư Thượng Tám Thanh, Chưởng Quản Hội Thánh, phái đoàn chúng tôi được hướng dẫn thăm viếng Y-Viện. Nơi đây được chia hai, một bên là Y-học Dân Tộc, bên kia là Tây-y có 45 giường, chủ trương khám bệnh phát thuốc miễn phí cho đồng đạo và người nghèo, mỗi ngày chừng 30 bệnh nhân. Phòng bệnh đơn sơ với đôi giường sắt cá nhân trải chiếu, đa số là dưỡng bệnh và theo dõi như người bị dư chứng bệnh đột quỵ, bênh tim di chuyển khó…

- Ơ kìa…Anh…

Chúng tôi òa kêu lên mừng rỡ. Bác sĩ phụ trách Y-Viện lại là một ông anh, học trên chúng tôi mấy lớp. Mới đó, những ngày đi thực tập tại bệnh viện chung, thế mà qua gần nửa thế kỷ. Anh là YSĩ Trưởng Quân Y Viện Tây Ninh cũ, là một bác sĩ "Ngụy", đã lăn lộn qua những trại tù cải tạo từ Nam ra Bắc, đã về hưu, vào đạo giúp đời. Với mái tóc bạc trắng như cước, anh thuyết trình, bàn luận cùng phái đoàn bằng tiếng Mỹ trôi trẩy không một chút ngập ngừng. Anh chỉ những người bệnh khốn khổ đang nằm im lìm giương đôi mắt ngơ ngác kia: "Chúng tôi cố gắng làm hết nhiệm vụ trong tầm tay, bệnh nào nặng sẽ chuyển lên tỉnh…" Phái đoàn lặng yên, chắc mỗi người đều có ý nghĩ khi trở về Mỹ trong cuộc sống sung túc, sẽ còn vương vất hình ảnh các bệnh nhân bất hạnh đang phấn đấu trong cơ chế y-tế eo hẹp kia.

Quanh Điện Thờ Phật Mẫu hay Báo Ân Từ, các đại diện Hội Thánh từ các Tỉnh, các Họ Đạo dựng rạp bầy những phẩm vật bằng trái cây kết nối đa dạng phong phú, các hình thể rực rỡ đủ mầu săc để dâng Mẹ, sau đó sẽ phát cho các đồng đạo để chung hưởng lộc. Sóng người ào ào dồn dập tới chiêm ngưỡng.

Phái đoàn được hướng dẫn thăm Trí Huệ Cung (nhà đưỡng la) Trai Đường hay khu ẩm thực…Các bà đang bận rộn sửa soạn bữa cơm chay Đại Yến thết đãi cho hàng vạn người trong 3 ngày hội, chi phí do những nhà hảo tâm đóng góp. Chúng tôi đi tham quan Ao Thất Bửu ( Vàng, Bạc, Ngọc xà cừ, Mã não, Ngọc san hô, Ngọc Hổ phách ), là một hồ có nước mạch xì lên trong vắt. Nước mang tên Bát Công Đức Thủy. Tắm rửa với nước này các tín đồ tin rằng trí não sẽ khai thông, trong sáng. Nếu đi qua Đoạn Trần Kiều (cầu) là đoạn tuyệt thế tục, nhập Trí Huệ Cung tu tới đắc đạo.

12 giờ khuya, lễ cúng đàn tại Đền Thánh chật ních chẳng còn một chỗ ngồi, hàng lớp người ngồi tràn quanh sân, dưới cây Bồ Đề, hướng tâm linh về khóa lễ. Dưới ánh trăng vằng vặc, mầu áo trắng, khăn đen nổi bật im lặng. Trong đền hàng giáo phẩm áo mũ vàng, xanh, đỏ nghiêm chỉnh đọc kinh, bắt ấn Tý, vái, gật, mà chúng tôi cảm nhận như mỗi động tác ấy đều hàm chứa một ý nghĩa sâu đậm nào đó.

Giờ ngọ hôm sau, cúng đàn Đức Phật Mẫu tại điện thờ. Phái đoàn chúng tôi đuợc mời dự tiệc chay tại Nữ Đầu Sư Đường. Một bữa tiệc chay đầy mầu săc với những món bành tráng phơi suơng cuốn rau chấm giả mắm cá, canh chua, chả giò… Không khí thật nóng bức được một bữa cơm chay thanh đạm như thế này khiến hồn ta lắng xuống như đang dự tiệc bàn đào mãi tít trên tầng trời xanh, tâm ta quấn quít gắn bó với đồng bào ruột thịt.

Đúng 19 giờ, trời đã mờ tối, trăng tròn lơ lửng, đoàn diễn hành khởi từ Điện Thờ Phật Mẫu đến Đền Thánh. Tiếng nhạc, tiếng kèn vang lên, mọi người phấn khởi trẩy hội. Long Mã dài 26 thước phun lửa múa, cờ đạo vàng, xanh, đỏ tung bay, bát bửu, tàng lộng, Cộ Đức Phật Mẫu, Cửu Vị Tiên Nương, Long, Lân, Quy, Phuợng vui mừng… Hàng vạn miệng reo hò, hàng vạn khuôn mặt hân hoan hớn hở, đông nghẹt người là người nhưng trật tự và an bình, không một tiếng than…Thiết lễ Hội Yến Diêu Trì Cung mới thật sự bắt đầu vào gần nửa đêm tại điện thờ, dâng hoa quả, ruợu trà và chỉ có Chức sắc Hịệp Thiên Đài làm lễ mà thôi.

Trăng lên thật cao, đêm mà vằng vặc sáng, những cánh áo trắng tỏa ra khỏi Tòa Thánh lung linh. Đòan chúng tôi leo lên xe, mỗi người một tâm trạng. Gió hây hây mát dịu. Kiếp luân hồi hóa thân có thật không? Linh hồn về đâu sau khi thể xác tan rã?

Nhìn sâu vào tín ngưỡng của dân ta, một số ít người nông cạn cho rằng chúng ta chỉ có đạo Phật từ Ấn Độ, đạo Lão, Khổng, Nho của Tầu, đạo Ki Tô của Tây phương… mà không hề nghĩ tới những văn hóa đạo giáo cổ truyền dân gian. Là một nước nông nghiệp với bờ duyên hải thỏai dài, núi đồi trùng trùng điệp điệp như nhiều dân tộc vùng Đông Nam Á, tập tục Mẫu Hệ xưa đưa đến truyền thống Thờ Mẫu. Công chúa Mỵ Nương thời Hùng Vương là "Mẹ Lúa". Nữ thần Đầm của miền Trung. Các phụ nữ anh hùng Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Chân, các bà Chúa Kho, bà Chúa Thượng Ngàn, bà Chúa Đất… Đó là những người Mẹ Việt Nam Vĩ Đại đã quan tâm bảo vệ Đất Nước, nghĩ đến cuộc sống dân gian, giúp các con vượt qua những thiên tai, giặc giã…

Những đền, những miếu thờ Mẫu rất đa dạng, hiện diện khắp nơi. Cổ xưa thường nhắc "Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ". Cha đây là Đức Thánh Trần Hưng Đạo.

Những nghi lễ cầu Mẹ cho cuộc sống hàng ngày, cho thời tiết, cho mùa màng, cho sức khỏe đều rất đơn giản, dễ hiểu, truyền từ đời này sang đời khác, không cần biết mọi triết lý khô cằn của kinh Phạn, La Tinh hay Hán nôm… Từ đó xuất hiện thế giới của hầu bóng, đồng cô, đồng cậu… là những mấu chốt dẫn dắt tới thế giới tâm linh, thiêng liêng mờ ảo. Giả thuyết tâm lý cho rằng động tác đồng cô, cốt cậu chỉ là để thỏa mãn, để thoát ra, để giải tỏa các ẩn ức dồn nén (stress out, obsession…). Nói thế là chưa hiểu rõ lề lối sống giản dị của người dân chất phác, chưa hiểu sự vinh tôn Thánh Mẫu, chưa thấm nền văn hóa cổ truyền Đạo Mẫu Việt Nam.

Vào đầu thế kỷ 20, đang thời Tây Âu lên cơn sốt cầu cơ, Phạm Công Tắc chỉ là một thư ký bình thường như mọi người, sống trong một xã-hội nhiễu nhương, loạn lạc, thiên tai khắp nơi, dưới sự đô hộ hà khắc của thực dân Pháp, thế mà bỗng nhiên, phải nói là "bỗng nhiên" khai mở đạo Cao Đài. Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ kể từ năm 1925 cho tới nay đã gia tăng thêm hàng triệu tín đồ trong ngoài nước, chẳng những thấm vào dân Việt còn phát huy tới các dân tộc khác. Bằng chứng hiển nhiên là trong đòan chúng tôi có hiện diện người Mỹ, Pháp, Bangladesh…

Ấy cũng là một dấu ấn vẻ vang cho tín ngưỡng xuất phát từ Việt Nam.

ĐẶNG-ĐỨC-KIM-VÂN

Tham Khảo:

1. Phủ Dầy.
2. Lên đồng tại Việt Nam.
3. Ba dạng thức thờ Mẫu của người Việt.
4. Đạo Mẫu Việt Nam.
5. Công Đức Đức Phật Mẫu/ Cửu vị Nữ Phật
6. Tin Tức Hội Thánh Tòa Thánh Tây Ninh.
7. Bước đầu học đạo.
8. Đồng Cô, Bóng Cậu.
9. History and philosophy of Caodaism ( Gabriel Gobron )

Nhấn Vào Đây Để Tải Tập Tin PDF

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tìm hiểu văn hóa của một đất nước không thể không nghiên cứu đến những tác phẩm hội họa, Nguyễn Gia Trí là một trong những tên tuổi hàng đầu của hội họa Việt Nam hiện đại. Ông sinh năm 1908 tại một làng quê nghèo bên sông Hồng, thuộc Tràng An, Thường Tín,
Chủ biên Xuân Việt Báo viết về một tác phẩm sơn mài của Nguyễn Gia Trí, nổi trôi cùng gia đình ông trong những biến động của đất nước....
Tác giả Lê Thị, người nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2012 vừa qua chính là Calvin Trần, nhà thiết kế thời trang gốc Việt nổi tiếng trong dòng chính. Những khán giả từng bật đài Bravo xem chương trình The Ultimate Collection ở mùa thứ Hai, điều hợp bởi nàng siêu mẫu Iman và nhà thiết kế thời trang danh tiếng Isaac Mizrahi, hẳn đều đã từng trải qua những giây phút rất "Calvinism".
Lần đầu tiên, chuyện Thi Sĩ và Nàng Thơ thành phim Đại học Havard xuất bản The Essential Tagore, 2011
Với trên dưới 200 tác phẩm đa dạng, đặc biệt nhào trộn những hiện thực, ảo giác, pha trộn chuyện kể dân gian với lịch sử xa xưa cũng như cận đại, nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn (Mo Van) đã giành được giải Nobel văn học 2012.
Được đề cử vào Giải Phim độc Lập về Tâm Linh dành cho thể loại phim ngoại quốc năm 2012 và là một trong chín cuốn phim đã lọt vào danh sách đề cử phim ngoại quốc ngắn của giải Oscar năm 2013, phim “War Witch” do đạo diễn Kim Nguyễn thực hiện có đề tài đặc biệt, nhức nhối.
Paula Jeanine là ca sĩ, nhạc sĩ và thi sĩ, giảng viên tại nhiều đại học danh tiếng. Năm 2009, Paula Jeanine được University of Oklahoma vinh danh sự đóng góp của bà trong lãnh vực múa.
Trong năm 2013 này, để ghi nhớ 50 năm biến cố 1963, vụ đảo chính giết Tổng thống Diệm, đưa tới việc cáo chung nền Cộng Hoà tại miền Nam, chúng ta có thể tìm đọc một cuốn sách mới vừa được phát hành đúng vào dịp năm mới Quý Tỵ 2013, cuốn Vietnam Labyrinth – Allies, Ennemies and Why the U.S. Lost the War (Việt Nam mê cung - Đồng minh, Kẻ thù và Tại sao Hoa Kỳ thất trận).
Nhìn lại năm con Rồng vừa qua, biến cố chính trị lớn nhất dĩ nhiên là Đại Thắng Mùa Thu lần thứ hai của TT Obama. Cuộc bầu cử đã chiếm trọn trang nhất của tất cả các báo suốt từ đầu năm đến cuối năm.
Có phải Bố đã nói với các con rằng các con của Bố tuyệt vời ra sao Rằng tiếng chân của các con từ xa bắt nhịp cho ngày của bố khởi hành rằng khi các con cười ánh mặt trời ùa vào sưởi ấm căn phòng?
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.