Hôm nay,  
DAVEMIN.COM

Con đường thơm

19/08/202307:26:00(Xem: 2652)
Truyện

 

duong que vn


Một buổi trưa chan hòa ánh nắng trong vắt như thủy tinh của một ngày nắng ấm cuối đông, chớm bước sang xuân. Cảnh vật như bừng sáng dậy sau những ngày u ám. Tôi và Thi ngồi bên nhau tại một nơi vắng vẻ trong khu vườn sau nhà, dưới tàn cây mít, gần bên chiếc cầu ao soi bóng lung linh trên mặt nước đang gợn sóng lăn tăn. Tuy không có những bông hoa hồng rực rỡ trong vườn hay những bông hoa dâm bụt (bông bụt) khoe sắc thắm trên hàng dậu nhưng tôi vẫn thấy được những bông hoa ấy đang nở rộ trong lòng. Tôi rất vui, vui vì Thi đang ở bên tôi.
    Tôi ngồi bên Thi và đang nghe nàng nói. Thi nói huyên thuyên về những điều nàng nằm mộng đêm qua. Ánh mắt trong sáng ngây thơ của nàng hòa nhịp trong giọng nói hồn nhiên của một cô học trò ở lứa tuổi vừa chớm lớn, chưa một lần biết yêu đương và tan vỡ. 
    Tôi nghe Thi nói, nhưng mắt vẫn không rời khỏi bàn tay nàng đang múa may theo câu chuyện. Hai bàn tay ấy như đang cuốn hút lấy tôi. Và tôi muốn được nắm lấy chúng lúc này để gửi đến nàng những thông điệp yêu thương của lòng tôi. Tôi biết, với lòng tin cậy nơi tôi, Thi chỉ có thể hiểu được thông điệp ấy như một thông điệp thương yêu của một người bạn hay của một người anh. Nàng không thể nghĩ xa hơn về những điều tôi mong muốn. Và tôi cũng không muốn làm mất đi lòng tin cậy nơi một cô gái chưa một lần biết nghi ngờ như Thi. Tôi cố giữ được điều đó đến bao giờ, một câu hỏi lớn trong tôi!
    Thi im lặng một lúc. Tiếng gió thì thào thổi nhẹ. Vài chiếc lá cuối đông còn toòng teng dính trên cành cây sung đong đưa. Con nhái từ trên bờ phóng xuống ao đến "tũm" làm tôi như tỉnh giấc. Thi từ nẫy nói với tôi những điều gì tôi không còn nhớ rõ. Thi đang ngồi bó gối nhìn tôi mỉm cười.
    – Anh đang nghĩ gì mà thẫn người ra thế?
    – Không! Tôi chối và mỉm cười với nàng.
    Nếu Thi biết được những điều tôi vừa nghĩ về nàng, chắc nàng phải đỏ mặt và chạy trốn. Cũng may, ông Trời đã không cho loài người cái khả năng siêu việt ấy nên cuộc đời vẫn cứ được bình an.
    Thi đứng dậy bỏ đi, một trong những chiếc lá mít nàng dùng để ngồi dính theo quần. Thi phủi cho chiếc lá rơi xuống đất. Chiếc lá như còn vương vấn cuốn theo chân nàng. Tôi liên tưởng đến một đoạn thơ của Thái Can:
    Cánh hồng quyến luyến nơi chân ngọc,
    Như muốn cùng ai sống phút thừa.
    Thi tung tăng trong vườn. Khi tới sân gạch nhà trong, nàng nhặt một vật nhỏ ném mạnh về phía tôi nhưng không tới rồi nàng mất hút trong dẫy nhà ngang. Tôi ngồi nhổ những cọng cỏ vàng úa một cách lơ đãng. 
    Chiếc áo len màu tím hoa cà của Thi lại vừa thoáng trong sân rồi hướng về phía cổng. Tôi đoán nàng đã ra ngõ về nhà. Một chút gì bâng khuâng, vương vấn trong lòng. Tiếng hát ru con từ hàng xóm đưa sang. Tiếng ru con lúc nào cũng êm đềm tha thiết và mang đến cho người nghe một chút gì buồn man mát. Tôi như: 
    Tơ trời lơ lửng vươn mình uốn,
    Đến nối duyên mình với cõi không. 
    (Thanh Tịnh) 
    Nắng vẫn tươi, gió vẫn thổi nhẹ, chim vẫn hót trên cành, khóm tre vẫn uốn mình kẽo kẹt đu đưa, và chiếc lá mít Thi ngồi lúc nãy vẫn còn vương trên cỏ úa, nhưng chỉ riêng mình tôi bỗng sao thấy có cái gì trống vắng xa xăm khi nàng vừa bỏ đi.
    Tôi ngồi dựa hẳn người vào thân cây mít, hai bàn tay đan sau gáy, tư lự nhìn trời xanh, thả hồn nhớ tới hình bóng của Thi tưởng chừng như nàng còn đang tung tăng trên con "đường thơm", thơm mùi tóc quyện với hương “bồ kết” xen thoảng lẫn mùi chanh theo gió nhẹ tỏa đi xa. Chiếc áo len mầu tím như còn thấp thoáng ẩn hiện sau rặng tre xanh đầu ngõ.
    Cùng lúc ấy, từ chiếc "kèn hát"(1) bên hàng xóm, văng vẳng tiếng hát lõng thõng, chậm rãi, đu đưa của người ca sĩ, cộng thêm với gió mát hiu hiu hòa lẫn trong tiếng xào xạc của lá cây trên cành cây mít như những tiếng ru đã đưa dần tôi vào giấc ngủ. Chẳng biết thời gian tôi thiếp vào giấc ngủ bao lâu. Âu cái tuổi thanh niên vô tư là thế đấy. Bỗng tôi nghe thấy tiếng chân đi sột soạt lẫn tiếng cười khúc khích. Tôi mở mắt ra thấy Thi đang đi về phía tôi. Thấy tôi tỉnh dậy, Thi hỏi ngay:
    – Sao anh ngủ say thế?
    – Không, anh chỉ nhắm mắt thôi mà! Tôi cãi lại.
    Nàng liến thoắng:
    – Không phải! Anh ngủ say lắm! Em đem cọng rơm ra định ngoáy mũi anh này.
    – Anh ngủ lâu lắm hả? Tôi hỏi.
    – Anh ngủ say lắm! Anh ngáy nữa, ngáy to lắm!
    – Anh ngáy thế nào? Tôi giật mình hỏi lại. 
    – Như người ta xẻ gỗ ấy! Thi vừa trả lời vừa phá lên cười.
    – ...?
    – Anh chẩy cả nước dãi bên mép nữa kia kìa! Nàng chỉ vào mặt tôi.
    Tôi vội đưa tay lên mép, không thấy ướt. Thi vội vừa chạy vào sân trong vừa quay lại trêu tôi:
    – Lêu lêu, có người phải lừa! Lêu lêu, có người phải lừa!
    Tôi biết bị lừa, vội đuổi theo Thi, tay dứ về phía trước như để “cốc” nàng cho chừa thói trêu chọc người khác. Tôi đuổi sát theo và có thể bắt ngay được bất cứ lúc nào, nhưng tôi đã không làm như thế vì tránh sự đụng chạm đến thân thể nàng. 
    Thi cứ chạy vòng vòng, trốn sau những cột mái hiên. Tôi đuổi theo sau mà không bắt. Bất chợt, tôi vụt chạy lên phía trước chặn đầu. Thi quay ngược về phía sau để tránh. Nàng chạy thêm vài bước rồi bỗng ngồi thụp xuống, hai tay ôm đầu, úp mặt vào hai đầu gối:
    – Không được đánh em! Không được đánh em!
    Tôi đứng chống nạnh nhìn nàng:
    – Còn trêu anh nữa thôi?
    – Dạ thôi ạ!
    Tôi cười tủm tỉm. Thi ngửng lên, thấy tôi không đánh, vội vàng đứng dậy định chạy đi. Chúng tôi chợt trông thấy chị Thìn, người chị nuôi trong gia đình tôi, đứng trước cửa nhà bếp nhìn chúng tôi mỉm cười, cái mỉm cười thật hiền lành đôn hậu pha chút hóm hỉnh. Mặc dầu chị không nói gì, nhưng chúng tôi cùng cảm thấy ngường ngượng. Thi kéo tôi đi về phía cổng ra con đường làng, mặc cho chị Thìn nhìn theo.
    Vừa ra khỏi cổng, Thi nghiêm mặt lại vì sợ gặp người trong làng nhìn ngó. Nàng đi bên cạnh tôi, ít nói, chỉ thỉnh thoảng ngước mắt nhìn tôi mỉm cười. 
    ...
    Chân bên chân, hồn bên hồn yên lặng
    Em cùng tôi đi giữa đường rải nắng,
    Trí vô tư cho dạ nở hương tình.
    Em khẽ nắm tay, tôi khẽ nghiêng mình
    Như sắp nói, nhưng mà không; khóm trúc
    ...
    Chân đang bước bỗng e dè đứng lại
    Ở giữa đường làng, mùi rơm, hoa dại.
    (Đường Thơm–Huy Cận)
    Thi rủ tôi đến thăm cô giáo của nàng năm xưa. 
    Chúng tôi đi về phía đình làng, qua vài ba ngõ dài, băng qua mấy thửa ruộng trước đây trồng ngô, rồi tới xóm dưới. Xóm dưới, nhà cửa thưa thớt hơn xóm trên nơi chúng tôi đang ở, nhưng vườn tược nhà nào cũng rộng rãi, khang trang. Trong sân, thường được trồng vài khóm trúc hay một vườn hoa nho nhỏ với đủ loại hoa. Đôi nhà có cả hòn non bộ ở giữa sân hay dăm ba chậu cây cảnh trồng trong chậu sứ tráng men lớn.
    Đi tới cuối một cái ngõ, Thi ngừng lại trước cửa căn nhà gạch ba gian hai chái, mái lợp rơm vừa được thay mới, trông rất khang trang. Chung quanh nhà được bao quanh bởi hàng rào thưa làm bằng thân tre và nứa, thấp chỉ tới đầu người. Vài loại cây leo bò trên đó. 
    Qua chiếc cổng gỗ, mái lợp rạ, kiến trúc trông giống như tam quan nhà chùa thu nhỏ. Cánh cổng một đóng, một mở. Chúng tôi cùng bước vào phía bên trong.
Con đường nhỏ dẫn từ cổng vào sân trước nhà được lát gạch đỏ đã đổi mầu rêu. Hai bên đường là hai vườn hoa nho nhỏ.
    Nằm dài suốt dọc bề ngang căn nhà, một sân gạch nhỏ cũng đã rêu phong. Ở cuối góc sân bên phải, một giàn hoa rủ những nhánh hoa mầu trắng thoảng hương thơm. Một chiếc chum sành to mầu men nâu đậm dùng hứng nước mưa được đặt hơi xế dưới mái hiên nhà phía trước. Gác trên miệng chum là chiếc “gáo dừa”(2) nâu bóng. 
    Hai bên hông nhà, vài cây bưởi mọc xen lẫn với hàng cây na. Ngọn hai cây nhãn mọc ở phía sân sau lấp ló vượt khỏi mái nhà, cành lá sum suê. Đứng trong sân, Thi gọi vọng to vào nhà:
    – Cô Vân ơi!
    Không ai trả lời. Thi lại gọi thêm hai ba lần nữa. Một người đàn bà từ trong nhà tất tả đi ra, tuổi trạc ba mươi, người nhỏ nhắn và nhanh nhẹn với nét mặt vui tươi.
    Người đàn bà nhận ngay ra Thi, niềm nở nói:
    – Thi đấy à! Các em vào chơi!
    Thi cúi đầu chào:
    – Chào cô ạ! Thầy cô và em mạnh khỏe chứ ạ?
    – Ừ, vào đây! Vào nhà đã!
    Sau vài câu chào hỏi xã giao, tôi theo Thi và cô giáo vào nhà. Sau khi mời ngồi, cô giáo vội vã vào trong nhà pha nước. Một cháu gái chừng sáu, bẩy tuổi đi ra, khoanh tay cúi chào.
    – Chào “cô chú” ạ!
    Chúng tôi nhìn nhau. Thi bước lại ôm cháu vào lòng hỏi chuyện. Cháu bé ngoan ngoãn đứng dựa vào lòng Thi tò mò nhìn tôi. Thi đã quen thân với cháu bé, tôi đoán, chắc Thi đã đến đây chơi nhiều lần. Cô giáo trở lại với ấm nước “chè xanh” hay “chè tươi” đựng trong “ấm giỏ” và bốn tách nước trong khay. Cô rót nước mời chúng tôi. Nước chè xanh trong vắt, mầu xanh vàng nhạt như màu rượu sam-pa (champagne). 
    Tôi đỡ tách nước chè vừa rót từ tay cô giáo, ủ nó trong lòng bàn tay để giữ hơi ấm, đợi mọi người cùng uống. Mùi thơm nước chè xanh thoang thoảng bốc lên như mời gọi. Nhà nghèo hay những quán nước chè xanh bên đường bán cho những người lao động thường dùng bát ăn cơm để uống chứ không dùng cốc hay tách như thế này.
    Ở nhà quê, nước chè xanh là một thứ nước uống thông dụng và bình dân. Vị chè hơi chan chát nhưng có “hậu vị” đậm đà. Đôi khi người ta cũng uống nước chè nụ, nụ được lấy từ cây chè xanh phơi khô để giữ được lâu; hay uống chè hạt vối, lấy từ cây vối, mầu nâu đậm. Chè hạt vối vị đăng đắng chứ không chan chát như chè xanh. Chè mạn là chè xanh được hái để héo, hấp rồi phơi khô bằng nắng hay sấy khô bằng lửa. Có nhà cầu kì, người ta ướp chè mạn với nhụy bông sen làm cho nuớc chè mạn sen có hương vị mát và thơm mùi sen. Nếu không có hương sen, người ta có thể ướp chè mạn với hoa ngâu, hoa sói, hoa lài hay hoa cúc… Ở nhà quê, ít ai uống chè Tầu vì đắt, chỉ có các cụ già thuộc gia đình trung lưu, giầu có mới uống nhâm nhi vào buổi sáng hay lúc rảnh rỗi hoặc đãi khách mà thôi. 
    Dân ta biết uống chè từ lâu, trước cả người Tầu, vì những cây chè cổ được tìm thấy lại ở những vùng hay những nước ở phía Nam nước Tầu. Như thế, chứng tỏ là người Việt ta biết thưởng thức nước chè trước người Tầu. Cũng như những nhà khảo cổ quốc tế đã chứng minh được rằng người Việt ta biết trồng lúa nước và biết làm trống đồng như trống đồng Ngọc Lũ trước cả người Hán. Cả nghìn năm trước công nguyên, đồng bằng Bắc Việt đã từng là cái nôi văn hóa và văn minh rất sớm của vùng Đông Nam Á cổ đại.

blank

Tiếng
“chè” là tiếng Lạc Việt cổ, tiếng “chia” là tiếng Điền Việt cổ ở Vân Nam, sau đó người Hán phiên âm là “cha” mà ta gọi là “trà” hay “chè”.  Sau khi chè được lan tỏa từ các nước phương nam sang bên Tầu từ đời nhà Hán hay trước nữa, “chè Tầu” được phát triển mạnh vào đời nhà Đường và đã đi đến chỗ gần như tuyệt đỉnh vào đời nhà Tống, sau đó được cải tiến thêm về những trà cụ (ấm tách) vào những đời sau như Nguyên, Minh, Thanh. Theo sử liệu, dân ta phải triều cống chè ngon cho nhà Nguyên.
    Uống nước chè không phải chỉ là vấn đề giải khát đơn thuần mà nó còn là cái thú thưởng thức thuộc hàng nghệ thuật tao nhã nữa. Người Nhật và người Trung hoa đã đưa nghệ thuật uống chè lên hàng “trà đạo”, mà khởi thủy phát nguồn từ những nhà sư Phật giáo. Trong ca dao của dân ta có những câu chỉ phường tục tử như:
    Vai u thịt bắp mồ hôi dầu,
    Lông nách một nạm chè Tàu một hơi.
    Ta cũng có thể tìm thấy trong văn chương nước ta những vần thơ về chè của những thi nhân, trong đó ta phải kể tới thượng tướng Trần Quang Khải, người từng đánh đuổi quân Nguyên và đã có những câu thơ hùng khí để đời: 
    Đoạt giáo Chương dương độ, 
    Cầm hồ Hàm tử quan.
    [Chương Dương cướp giáo giặc
    Hàm Tử bắt quân thù]
    Mà vẫn có những vần thơ tao nhã: 
    Thử lai yêu khách nghiêu trà uyển
    Vũ quá hô đồng lý dược lan.
    [Mùa hè lại, pha trà mời khách uống
    Cơn mưa xong, gọi trẻ sửa chậu lan]
    Hay những câu thơ nôm của Quân sư Nguyễn Trãi, người đã từng giúp vua Lê Lợi mười năm đánh đuổi quân Minh, cụ mong mỏi được:
    Bao giờ dưới núi làm nhà
    Nước khe gối đá pha trà ngủ say.
    Còn cụ Cao Bá Quát có những vần thơ:
    Thư nhàn hỏi lửa pha trà mới,
    Thích thú tựa thông nhìn ráng sa
    Chợt nghĩ về hưu vui thú ẩn,
    Một cần câu trúc chuyện đời qua.
    Cô giáo Vân hỏi han chúng tôi hết chuyện học hành đến chuyện Hà Nội. Cô giáo và Thi, hai người nói chuyện có vẻ thân mật lắm. Tôi chỉ ngồi nghe và trả lời cô giáo mỗi khi cô hỏi. Tôi góp chuyện bằng những nụ cười nhẹ. Được Thi giới thiệu, cô cứ luôn mồm tấm tắc khen tôi học cao và giỏi. Cô cho biết cô học trường Sư phạm trên Hà Nội, sau đó được bổ về đây dậy học. Cô đã dậy được vài năm rồi. Khi cô về đây, tôi đã rời khỏi trường nhiều năm trước đó nên không biết cô.
    Cứ theo câu chuyện cô nói và Thi kể lại thì cô Vân rất yêu nghề giáo và thương mến học trò. Và học trò cũng rất yêu qúy cô. Tình thương yêu của học trò dành cho cô là nguồn vui rất lớn cho cô khi cô phải sống tại nơi thôn dã xa thành phố này. Cô khen Thi là đứa học trò giỏi và ngoan, ngoan nhất của cô. Mỗi lần được khen, Thi lại sung sướng liếc nhìn tôi ra chiều hãnh diện lắm. Câu chuyện cứ lan man kéo dài đến hết mấy tuần nước. 
    Thi bỗng dắt cháu gái chạy ra sau vườn. Khi trở lại nàng mang theo hai quả ổi chín thật to. Nàng đưa cho tôi một quả. Cô giáo nói với Thi:
    – Sao con không hái thêm? Nhà có ai ăn đâu! 
    Thi đưa lên mũi ngửi mùi thơm của ổi rồi cho vào túi áo, không ăn. 
Cuộc nói chuyện của Thi và cô giáo Vân lại tiếp tục và cứ dài ra tưởng như không dứt. Tôi lơ đãng nhìn qua cửa sổ. Hai con chim bồ câu đang đứng gần nhau tỉa lông, thỉnh thoảng cùng gật gật đầu, gù gù vài tiếng. Vài chùm hoa từ hàng xóm vắt ngang qua hàng rào rung rinh trước gió. 
    Hết nhìn qua cửa sổ tôi lại đảo mắt quanh nhà. Nhà có ba gian chính. Gian giữa kê bàn thờ và bộ “tràng kỷ” dùng để tiếp khách, nơi chúng tôi đang ngồi. Hai gian bên trái và phải kê hai bộ “ghế ngựa” ghép bằng những tấm gỗ lim màu đen rộng bản, bóng láng tự nhiên, dầy cả tấc.
Trên bàn thờ, bầy biện nào lư, nào chân đèn bằng đồng sáng loáng. Phía bên trong cùng, sát tường hai con chim hạc lớn đứng chầu hai bên tượng Phật Bà Quan Âm. Tượng Phật Bà được kê lên cao bằng chiếc bục nhỏ bằng gỗ sơn son. Dưới chân Phật Bà là di ảnh của những người thân trong nhà đã quá cố. Sau đến, gần nhất, là bình hương, mâm ngũ qủa với chiếc đèn dầu leo lắt cháy. Mọi thứ trên bàn thờ như được đặt đối xứng với nhau. Tôi nghĩ nền văn hóa của ta có tính đối xứng đó chăng?
    Dưới chân bàn thờ, hai bên là hai lọ “độc bình”. Trên tường được treo vài bức tranh Đông Hồ rất đẹp, dân gian thường gọi chung loại tranh này là “tranh con lợn" hay “tranh con gà". Hai tranh gà, lợn này được đại diện gọi như thế vì chúng được phổ biến rộng rãi nhất trong những tranh của làng Đông Hồ. 

blank

Tranh Đông Hồ vừa phong phú về nội dung lại đa dạng về hình thức. So sánh loại tranh con lợn, con gà được sản xuất tại làng Đông Hồ với loại tranh con lợn, con gà sản xuất ở phố Hàng Trống, Hà Nội, ta thường gọi tắt là tranh Đông Hồ hay tranh Hàng Trống thì tôi thích loại tranh Đông Hồ hơn. 
    Tranh Hàng Trống, được in trên giấy tốt, sắc sảo cả về nét vẽ lẫn mầu sắc nhưng nó lại có cái vẻ đẹp tỉnh thành. Ngược lại, tranh Đông Hồ được in trên giấy "dó", mầu sắc được pha chế bằng những vật liệu đơn sơ sẵn có ở thôn quê hay trong thiên nhiên như vỏ cây, vỏ sò hến, lá tre, hoa hòe, lá chanh, lá cam... và đặc biệt là tranh được sản xuất trên mộc bản. Chính những cái đơn sơ ấy đã tạo cho tranh Đông Hồ một sắc thái riêng biệt, độc đáo đối với các loại tranh khác, ấy chính là tính chất mộc mạc, chân quê, đầy tình dân tộc của nó. Và đứng cả về phương diện lịch sử của loại tranh dân gian, tranh Đông Hồ được coi là lâu đời nhất trên đất nước ta. 
    Mỗi bức tranh con lợn, con gà, các nghệ sĩ dân gian đều gửi gấm những ý nghĩa vừa tinh tế, vừa thâm trầm vào đó. Tôi liếc vội sang Thi, mỉm cười vì nhận ra rằng Thi còn quá trẻ và ngây thơ để tôi có thể giảng giải cho nàng về ý nghĩa lẳng lơ của bức tranh “hái dừa” đầy dục tính nam nữ gồm một cô thôn nữ vén váy cao, ưỡn người, dạng chân đứng hứng lấy hai trái dừa của chàng trai với nét mặt hóm hỉnh chuẩn bị ném xuống từ trên thân cao cây dừa. Hai trái dừa ấy tượng trưng cho nam giới. Hay ý nghĩa thâm thúy của bức tranh “đám cưới chuột” nói lên cái uy quyền của giai cấp cai trị được miêu tả bằng hình ảnh con mèo to lớn, lớn hơn cả mấy lần con ngựa chú rể chuột cưỡi. Hay ý nghĩa phồn thực, con đàn cháu đống qua tranh “đàn gà”, “đàn lợn”...

blank

Chỉ có người Việt Nam mới thật sự thưởng thức nổi hết ý nghĩa sâu xa của những bức tranh dân gian của người Việt Nam. Ở thôn quê, người ta còn dùng tranh Đông Hồ như tranh ông Hổ, ông Chúa, bà Chúa ... để thờ. Tranh con lợn, con gà nói chung thường được bầy bán tại những phiên chợ Tết hàng năm ở làng quê. Dân làng mua tranh về để trang hoàng, để vui Xuân cùng với
thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu ngày Tết bánh chưng xanh, và những tràng pháo đỏ.
    Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột,
    Om xòm trên vách bức tranh gà.
    (Tú Xương)
    Hay 
    Đón Xuân anh thích treo tranh,
    Vách tím tranh lợn, vách xanh tranh gà.
    Mọi thứ trong nhà cô giáo được sắp xếp một cách ngăn nắp, sạch sẽ. Cứ nhìn cách bầy biện, trang trí này người ta cũng nhận ra ngay gia chủ phải là một người thấm nhuần văn hóa chân phương dân tộc.
    Trời đã ngả về chiều, câu chuyện cũng phải tới lúc chấm dứt. Tôi và Thi chào tạm biệt cô giáo. Cô đưa chúng tôi ra tới tận cổng. Trước khi chia tay, Thi không quên hôn lên má cháu gái và cùng vẫy tay chào. 
    Trên đường về Thi kể chuyện về cô giáo Vân. Nàng yêu cô giáo lắm. Tết đến nàng thường hay mang hoa đến tặng cô. Tôi và Thi bước bên nhau và kể cho nhau nghe về những kỉ niệm với thầy cô. Và chẳng mấy chốc, chúng tôi đến chỗ rẽ phải chia tay nhau, ai về nhà nấy. Tôi đứng lại nhìn theo Thi cho tới khi nàng khuất nơi cuối ngõ.
    Tôi bước về nhà với lòng vui lâng lâng khó tả. Đi được một quãng ngắn, tôi cắm đầu chạy một mạch về nhà, tung cổng chạy ào vào sân. Chị Thìn nhìn tôi ngơ ngác, mỉm cười. Chị lặng lẽ lên nhà trên chuẩn bị cho bữa cơm chiều dường như sắp được dọn ra. 
    Tôi chạy tiếp ra phía sau vườn. Tôi chợt nhớ về Thi dù nàng vừa ở bên tôi cách đây mấy phút. Âm thanh của bản nhạc tôi nghe buổi trưa lẫn tiếng cười tinh nghịch của Thi như còn văng vẳng đâu đây. 
    Tôi bâng khuâng nhìn trời cao. Những cụm mây trắng lờ lững bay bình thản, "Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay"(3), còn bay và bay mãi tới vô cùng như tình yêu của loài người chẳng bao giờ chấm dứt. Tôi lững thững quay trở vào nhà, mỉm cười với niềm hạnh phúc trào dâng trong lòng.
 
Nguyễn Giụ Hùng
 
Chú thích:
 
(1) “kèn hát” là tiếng của người miền Bắc chỉ máy quay đĩa 45 hay 33 vòng, chạy bằng “dây cót” quay tay.
(2) Gáo múc nước làm bằng nửa quả dừa khô, có cán.
(3) Câu thơ cụ Tản Đà dịch từ bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong lãnh vực sáng tác từ ngôn ngữ cho đến tác phẩm trực quan, các chuyên gia và các tác giả đang quan tâm đến khả năng sáng tạo của AI, sự hiện diện và tác dụng của trí thông minh nhân tạo sẽ làm thay đổi quan niệm và phương pháp, kỹ thuật và nghệ thuật truyền thống. Các chuyên gia về máy học dự đoán rằng AI sẽ "viết" một cuốn sách bán chạy nhất của tờ New York Times vào năm 2049 (Grace và cộng sự, 2018; Hall, 2018). Lãnh vực sáng tạo tính toán đã được xác định là biên giới tiếp theo trong nghiên cứu AI (Colton & Wiggins, 2012) và có ý nghĩa hấp dẫn đối với ngành công nghiệp văn học. Các thuật toán có khả năng tạo ra ngôn ngữ tự nhiên (Gatt & Krahmer, 2018) Các nghiên cứu về sáng tạo tính toán tập trung vào việc xác định các yếu tố cốt lõi của các hình thức sáng tạo (như văn học, nghệ thuật thị giác và âm nhạc) theo góc nhìn thuật toán, với mục đích sao chép hoặc kích thích sự sáng tạo của con người (Turner, 2014; Besold và cộng sự, 2015; Veale và cộng sự, 2019).
1)Tưởng niệm MC Phạm Phú Nam 2)Nhớ về cuộc di cư 1954. 3)Chiếu Phim Sài gòn trước 75 4)Chào đón minh tinh Kiều Chinh đến San Jose. Chiều ngày thứ bẩy 27 tháng 7 năm 2024 vừa qua chúng tôi đã có dịp nhân danh Viet Museum kịp thời trả những món nợ cho lịch sử. Số là anh chị em chúng tôi vẫn còn nhớ về chuyến di cư 1 triệu người từ Bắc vào Nam 70 năm xưa.
Anh Cao Huy Thuần vừa qua đời lúc 23giờ 26 ngày 7-7-1924 tại Paris. Được tin anh qua đời tôi không khỏi ngậm ngùi, nhớ lại những kỷ niệm cùng anh suốt gần 60 năm, từ Việt Nam đến Paris. Anh sinh tại Huế, học Đại Học Luật Khoa Sài Gòn (1955-1960) và dạy đại học Huế (1962-1964). Năm 1964 anh sang Pháp du học. Năm 1969 anh bảo vệ Luận án Tiến sĩ Quốc Gia tại Đại Học Paris, và giảng dạy tại Viện Đại Học Picardie cho đến khi về hưu.
Khi lần đầu tiên gặp một họa sĩ, tôi thường có khuynh hướng tìm vài nét tương đồng để liên tưởng đến một họa sĩ nổi tiếng nào đó thuộc những thế hệ trước. Với Nguyễn Trọng Khôi, tôi cũng làm như vậy nhưng trừ vài nét chung chung như được đào tạo ở trường ốc hay năng khiếu, tôi không tìm được gì đậc biệt. Nguyễn Trọng Khôi (NTK) không giống một họa sĩ nào khác.
Hồ Hữu Thủ cùng với Nguyễn Lâm, Nguyễn Trung của Hội Họa sĩ Trẻ trước 1975 còn sót lại ở Sài Gòn, họ vẫn sung sức lao động nghệ thuật và tranh của họ vẫn thuộc loại đẳng cấp để sưu tập. Họ thuộc về một thế hệ vàng của nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Bất kể ở Mỹ như Trịnh Cung, Nguyên Khai, Đinh Cường… hay còn lại trong nước, còn sống hay đã chết, tranh của nhóm Hội Họa sĩ Trẻ vẫn có những giá trị mang dấu ấn lịch sử. Cho dù tranh của họ rất ít tính thời sự, nhưng cái đẹp được tìm thấy trong tác phẩm của họ lại rất biểu trưng cho tính thời đại mà họ sống. Đó là cái đẹp phía sau của chết chóc, của chiến tranh. Cái đẹp của hòa bình, của sự chan hòa trong vũ trụ. Cái mà con người ngưỡng vọng như ý nghĩa nhân sinh.
Westminster, CA – Học Khu Westminster hân hoan tổ chức mừng lễ tốt nghiệp của các học sinh đầu tiên trong chương trình Song Ngữ Tiếng Việt (VDLI) tiên phong của học khu. Đây là khóa học sinh đầu tiên ra trường và các em sẽ được ghi nhận tại buổi lễ tốt nghiệp đặc biệt được tổ chức vào thứ Ba, ngày 28 tháng Năm, lúc 6:00 giờ chiều tại phòng Gymnasium của Trường Trung Cấp Warner (14171 Newland St, Westminster, CA 92683).
Tháng Năm là tháng vinh danh những đóng góp của người Mỹ gốc Á Châu và các đảo Thái Bình Dương cho đất nước Hoa Kỳ mà trong đó tất nhiên có người Mỹ gốc Việt. Những đóng góp của người Mỹ gốc Á Châu và các đảo Thái Bình Dương cho Hoa Kỳ bao gồm rất nhiều lãnh vực, từ kinh tế, chính trị đến văn học nghệ thuật, v.v… Nhưng nơi đây chỉ xin đề cập một cách khái quát những đóng góp trong lãnh vực văn học của người Mỹ gốc Việt. Bài viết này cũng tự giới hạn phạm vi chỉ để nói đến các tác phẩm văn học viết bằng tiếng Anh của người Mỹ gốc Việt như là những đóng góp nổi bật vào dòng chính văn học của nước Mỹ. Điều này không hề là sự phủ nhận đối với những đóng góp không kém phần quan trọng trong lãnh vực văn học của Hoa Kỳ qua hàng trăm tác phẩm văn học được viết bằng tiếng Việt trong suốt gần năm mươi năm qua.
Vì hình ảnh ảm đạm, buồn sầu, như tiếng kêu đòi tắt nghẹn. Tôi, tác giả, đi giữa lòng thủ đô Hà Nội mà không thấy gì cả, không thấy phố không thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ. Cờ đỏ là quốc kỳ. Mưa sa làm cho những lá quốc kỳ sũng nước, bèo nhèo, nhếch nhác, úng rữa. Một hình ảnh thảm hại. Hình ảnh thảm hại là dự phóng cho tương lai thảm hại. Và thất bại. Lạ một điều, người ta chỉ trích dẫn năm dòng thơ này, tổng cộng 14 chữ, mà không ai trích dẫn cả bài thơ, và hẳn là hơn 90% những người biết năm dòng này thì không từng biết, chưa bao giờ đọc, cả bài thơ, và tin rằng đó là những lời tâm huyết của nhà thơ Trần Dần nói về thời cuộc mà ông nhận thức được vào thời điểm 1955.
Viet Book Fest cho thấy thế hệ trẻ gốc Việt nay đã vượt qua được những ràng buộc cơm áo gạo tiền của thế hệ đi trước, để cộng đồng Việt nay có thể vươn lên với giấc mơ văn học nghệ thuật trên đất nước Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Hư vỡ là đặc tính bất biến của cuộc đời, của tất cả những gì có mặt trong vũ trụ này. Nghĩa là những gì hợp lại, thì sẽ tan; những gì sinh ra, rồi sẽ biến mất. Không có gì kiên cố, bất biến trên đời. Đức Phật đã chỉ ra sự thật đó, và biến những thái độ sống không vui thành sự kham nhẫn mỹ học: cái đẹp chính là vô thường. Bởi vì vô thường, nên có hoa mùa xuân nở, có những dòng suối chảy từ tuyết tan mùa hè, có những trận lá mùa thu lìa cành, và có những trận mưa tuyết mùa đông vương vào gót giày. Bởi vì sống hoan hỷ với hư vỡ là tự hoàn thiện chính mình, hòa hài làm bạn với hư vỡ là sống với sự thật, và cảm nhận toàn thân tâm trong hư vỡ từng khoảnh khắc là hòa lẫn vào cái đẹp của vũ trụ. Và sống với chân, thiện, mỹ như thế tất nhiên sẽ đón nhận được cái chết bình an.
DAVEMIN.COM
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.