Hôm nay,  

Con tàu Việt Nam đi suốt bốn mùa vui (*)

08/02/202308:44:00(Xem: 2239)
Tạp bút

tauhoa vn


Hôm thứ Ba vừa rồi, vợ chồng tôi đến ga NTG đón hai mẹ con người bạn vào chơi trên chuyến tàu Bắc-Nam SE7 dự kiến sẽ đến ga lúc 9h15 AM, Chúng tôi ngồi ở phòng đợi cùng với những hành khách đón tàu xuôi các ga phía Nam. Nghe phía sau có lời ta thán gay gắt về tình trạng toilet ở ga. Nhìn ra sau thấy một người trung niên mặc áo pull, quần soọc nói giọng Bắc, có lẽ anh ta vừa kết thúc chuyến du lịch Nha Trang và đi tiếp. Anh ta ca cẩm với vợ rất nhiều lần, rồi với một khách mới vào ngồi bên cạnh về chỉ một nội dung, tôi bỗng dưng chột dạ và suy nghĩ, anh ta kể các chi tiết hoàn toàn không sai nhưng kết luận khá nặng nề. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn thì “có du khách ‘chó’ nào thèm đến Nha Trang du lịch!” Nghe chuyện, tôi bỗng dưng thấy buồn, trong khi cả nước và tỉnh Khánh Hòa chủ trương quảng bá rộng giới thiệu hình ảnh Nha Trang thì chỉ vì một chuyện nhỏ, tình trạng vệ sinh ở ga để rồi khái quát hóa và kết luận kinh khủng đến vậy! Mặt khác, đường sắt đâu phải là phương tiện duy nhất để du khách đến Nha Trang. Có thể ông này có vấn đề về đầu óc chăng?

Trong tôi bỗng dưng xuất hiện một chuỗi liên tưởng dài dòng, từ các chuyến Sky Train hay Metro từng sử dụng trong 4 năm ở Bangkok, vài chuyến tàu từ Monstreux qua Vevey đi Geneve và ngược lại trên tàu SBB không bao giờ đến trễ trong thời gian ở Thụy Sĩ và rồi “con tàu Việt Nam đi suốt 4 mùa vui”. Liên tưởng để đau lòng cho đất Việt!

 

Sau 1975 việc khôi phục những hư hại trong chiến tranh và hình thành tuyến đường sắt thống nhất Bắc-Nam là một cố gắng phi thường của chế độ mới. Ở “vùng giải phóng” các anh “phá đường tàu” (như dân Thanh Hóa) (**). Và sau, các anh khôi phục lại, kể cả các anh phá nát tuyến đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt lấy sắt bán phế liệu để rồi các đầu máy được Thụy Sĩ mua về sử dụng và các anh đứng nhìn thèm thuồng!

 

Bạn bè, người thân cùng thế hệ với tôi là cư dân Đà Lạt xưa cứ mãi xuýt xoa, tiếc cái ngày xưa vang bóng đã từng thích thú khi đi trên lộ trình này lúc nhỏ, có người phẫn nộ về việc làm ngu ngốc này mỗi khi có ai đó nói đến!

 

Tàu lửa những năm bao cấp trở thành phương tiện giao thông liên tỉnh Bắc-Nam phổ biến trong lúc máy bay chưa có nhiều, xe hơi cũng vậy, chưa kể các địa phương sử dụng cả xe than trên các tỉnh lộ! Cả một pho sách ngàn trang cũng nói không hết những hỷ, nộ, ái, ố về chuyện những con tàu, chuyến tàu và việc đi tàu, từ mua vé đến các dịch vụ buôn bán trên tàu.

Hôm học trò cũ ở Cam Ranh mời dự kỷ niệm 45 năm ngày các em ra trường, trong lúc uống cà phê sáng, tôi ngồi trò chuyện với các đồng nghiệp cũ, ông Hiệu trưởng là dân Nghệ An kể rằng đã từng đứng một chân trong suốt chuyến từ Vinh đến Nha Trang, tôi nhớ lại và góp thêm chuyện đi trên chuyến tàu bão táp Tuy Hòa-Sài Gòn hồi đầu thập niên 80 thế kỷ trước. Tôi cũng “chỉ đứng được một chân”, chân này mỏi thì đổi chân khác suốt chuyến. Lý do là sàn tàu nhung nhúc những “dân khu IV” với ba lô con cóc là hành lý đem theo làm gối nằm chật sàn tàu. Duy nhất chỉ một nơi có thể ngồi: toa hàng ăn nhưng ngồi đây chỉ được 5 phút, đủ để uống xong ly nước, ăn xong ly chè hoặc ăn tô mì gói. Muốn ngồi tiếp, phải mua phiếu ăn uống khác!

 

Đã hơn 45 năm từ khi đường sắt hoạt động trở lại (tháng 12/1976) mà nhà vệ sinh ở ga và trên tàu vẫn luôn là ác mộng đối với trên 70% khách đi tàu, nhất là những hành trình trên 50km. Hôi hám, dơ dáy, chật chội, phải chờ đợi cả khi mình đang… “mót”! Tiểu tiện thì không nói gì nhưng đại tiện thì kinh hoàng, gặp phòng “xí bệt” thì còn may nhưng “xí xổm” thì đáng sợ. Nhiều người ở xa về thăm quê hương, muốn đi tàu để thưởng thức cái thú ngắm nhìn quang cảnh hai bên đường lúc hừng đông trên biển, những hoàng hôn nơi chân núi hay những đêm trăng sáng, nhưng rồi, hỏi đến WC thì bỏ ngay ý định!

 

 Cô bạn ở xa của tôi, một người rất phóng khoáng và quảng đại, không có nhiều thì giờ để phê phán những việc không tác hại trực tiếp đến mình nhưng khi nghe tôi kể chuyện, thì than dài thở vắn, buồn cho dân tộc mình khi cô đã từng chu du Đông Tây, thấy và biết chuyện “nhà vệ sinh” ở nước ngoài!

Trách cứ, phê phán nếu có nhưng chỉ nhằm vào ngành đường sắt thì không công bằng vì không thể không nói đến ý thức của người sử dụng. Ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng của dân mình cũng là điều đáng đặt ra. Người Việt nói chung không coi trọng việc này, phóng uế, xả rác, vất tàn thuốc bừa bãi ngoài công lộ hay nơi công cộng với họ là việc bình thường! Không rõ chương trình cấp tiểu học giảng dạy cho học trò vấn đề này như thế nào ngoài “5 điều bác Hồ dạy” (có điều thứ 5 là giữ gìn vệ sinh thật tốt) nhưng so sánh giữa con em người Việt học chương trình ngoại quốc và con em ở Việt Nam  cùng lứa tuổi thì ý thức giữ vệ sinh khác xa nhau!

 

Đã hơn 45 năm nhưng đường sắt Việt Nam vẫn giữ khổ 1000mm từ thời Pháp xây dựng (1881) trong khi phổ biến trên thế giới nhiều năm nay là đường khổ 1435mm. Đó là lý do mà khi tàu chở nặng, chạy nhanh, xuống dốc gặp đường vòng cung rất dễ tạo ra lực ly tâm gây tai nạn thương tâm như hồi đầu thập niên 1980 ở Bàu Cá, Đồng Nai với hàng trăm người chết!

 

Gần đây, việc mua vé online có nhiều thuận tiện nhưng ngày xưa, mua vé tàu về Tết là cả một chặng đường gian nan thử thách. Có vé đã là vấn đề mà đi tàu lại càng khổ cực hơn. Có bao giờ bạn ngồi trên một toa tàu ghế cứng ra bắc từ 24 đến 29 tháng chạp âm lịch? Hãy thử đi rồi biết. Các nhà ga không bán vé tuyến gần, từ Sài Gòn muốn mua vé đi Nha Trang phải mua đến Đà Nẵng, muốn mua vé đi Huế phải mua đến Hà Nội. Lối đi giữa hai dãy ghế cũng bán vé “bổ sung” gọi là ghế “xúp”, khách ngồi trên ghế nhựa vuông nhỏ đặt sát nhau, mỗi lần có xe đẩy bán thức ăn đi qua là phải đứng dậy giạt sang hai bên tức là khoảng trống giữa hai ghế đối diện, nơi luôn có người trải chiếu nằm la liệt. Mà xe bán hàng thì khoảng 15 phút chạy qua một lần. Đặc biệt tội nghiệp là những cặp vợ chồng trẻ có con nhỏ. Vậy mà, không hề nhìn thấy nét bực bội khi phải tránh đường. Có lẽ niềm háo hức được về quê ăn Tết đoàn tụ với gia đình sau cả năm đi làm xa đã xua tan những bực bội đó.

 

Trên các toa giường nằm, tiện nhất là phòng 4 giường thì giá đắt, phòng 6 giường tầng 1 thì bị khách ở các tầng trên “xin” ngồi tạm và tầng 2-3 thì khi cần không thể ngồi do quá thấp. Hệ thống cấp nước nóng ở đầu toa khi có khi không, âm thanh để báo ga sắp đến cho khách có lúc không nghe được dầu có cả thông báo bằng tiếng Anh. Tàu đang chạy, không thể nào tìm được kiểm soát viên (trưởng tàu) để hỏi thông tin hoặc nhờ vả khi cần vì anh ta “bán” chỗ nằm của mình ở đầu toa cho khách.

 

Trở lại chuyện ông hành khách than thở ở trên, tôi không xa lạ gì vì ga Nha Trang trước đây có một toilet nhỏ trong phòng đợi ngay cửa ra tàu nay đã khóa kín, quán cà phê ga không có toilet. Ở nơi đợi tàu mới có hai phòng nhỏ, không sạch sẽ gì và phía cuối nơi giữ xe cũng có hai phòng nhưng dơ dáy không chịu nổi, lại không có giấy vệ sinh và nước rửa tay cho khách vì không có lavabo bên cạnh mà chỉ có một phuy nước to đùng với một gàu múc không nhỏ!

 

Hiện nay, thấy Nha Trang đang chỉnh trang lại nhà ga, vài đoạn ray và  các công trình phụ. Hy vọng sẽ bớt nhận được sự than phiền của khách đến và đi từ ga này. Hy vọng ngành đường sắt Việt Nam cũng có những cố gắng tương tự để không còn bị mang tiếng và thành phố Nha Trang vẫn luôn là nơi đến lý tưởng cho du khách vì có bờ biển đẹp, được đánh giá là một trong số 29 vịnh biển đẹp nhất thế giới và người dân ở đây luôn rất thân thiện, hiền hòa.

 

– Nguyễn Hoàng Quý

 

(*) Câu đầu bài hát của nhạc sĩ Phan Lạc Hoa, một tài năng bạc mệnh.

 

(**) Dân Thanh Hóa: “Ăn rau má, phá đường tàu”.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cái cối xay bột nước lắp ráp xong chị Bông đã xay thử đậu nành rồi xay gạo thấy cả hai đều thành bột mềm nhuyễn đúng ý. Coi như chị đã “khai trương” cái cối xay bột nước của mình mặc dù khi lắp cối xong ông thợ cối đã xay thử bột nọ bột kia rồi. Hôm ấy cả nhà chị được ăn món bánh xèo chiên giòn và uống sữa đậu nành nấu với lá dứa vừa thơm vừa béo thật ngon...
Hai chị em Quỳnh Trâm và Bội Trâm hôm nay được mẹ dạy làm món bánh trái cây bằng bột đậu xanh để đón anh gia sư của hai nàng. Những chiếc bánh xinh xinh đủ màu sắc của trái khế vàng, trái ớt đỏ, trái mảng cầu… được bày sẵn trên khay thật hấp dẫn...
Thơ của hai thi sĩ Huỳnh Liễu Ngạn & Thy An...
Chiếc xe khách Sài Gòn ra Huế tạm dừng ở thành phố Nha Trang vào khoảng bốn giờ chiều. Xe chưa đậu hẳn thì đã có bao nhiêu kẻ bán hàng vặt ồ ạt phóng tới miệng rao hàng inh ỏi tạo thành một thứ âm thanh hỗn loạn. Một số ăn xin tật nguyền, què cụt cũng cố chen lấn tranh nhau hành nghề...
Tôi quen biết Loan thật tình cờ, người đời thường gọi là “duyên”, với tôi, là một định mệnh từ muôn kiếp trước, đã gắn liền hai cuộc đời chúng tôi thành hai chị em, thương yêu và gần gũi, giúp đỡ, an ủi nhau còn hơn chị em ruột thịt...
Bản thân tôi ít khi nào dám ngó về biển cả, dù thấy biển cả rất mênh mông, thoáng mát và êm ả qua nhiều hình ảnh. Cũng có lúc tôi trực diện biển khơi, nhưng chỉ là lúc biển êm sóng dịu rì rào ru hát « Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào… » hoặc là lúc mơ mộng, biển nhớ…
Thời gian sau 1975, tôi cỡ 9-10 tuổi, ngoài ông anh lớn đi dạy ở Cần Thơ, tôi có ba người anh đang học Đại Học, hằng tuần có bạn bè kéo về nhà tôi tụ tập ăn uống, đờn địch ca hát rất vui. Tôi nhỏ tuổi không được tham gia, nhưng có núp ở sau bếp... nghe lỏm...
Kanchanaburi là một tỉnh miền trung Thái Lan có biên giới chung với Miến Điện. Thủ phủ là thành phố cùng tên cách Bangkok 140km. Ở đây có cây cầu nổi tiếng xây dựng từ WWII, cầu sông Kwai...
Chiến trận ngày mỗi lan rộng, mức độ tàn phá cũng gia tăng khủng khiếp. Mỗi lần quân Pháp vào làng càn quét, dân chúng lại bồng bế nhau tản cư, chỉ còn dân quân tự vệ ở lại bảo vệ nhưng cũng yếu ớt lắm. Khi quân Pháp rút, để lại hàng chục xác chết, dân lại trở về chôn cất người chết, dựng lại gian nhà tranh bị thiêu rụi rồi tiếp tục cày cuốc kiếm sống. Cuộc sống đã nghèo khổ nay càng nghèo khổ hơn...
Câu chuyện bắt đầu, một người kể: “Sở dĩ con kên kên sói đầu vì nó ăn mít. Nó đút đầu vào ruột trái mít đục khoét. Mủ mít dính chặt lông. Khi rút đầu ra, lông dính lại. Đầu trọc lóc.” Người thứ hai lên tiếng: “Nói vô lý. Kên kên ăn xác chết, ăn đồ hôi thúi. Mít có mùi thơm. Kên kên không ăn đồ thơm.” Người thứ nhất trả lời: “Nói có lý nhưng xét ra vô lý. Kên kên không ăn mít thường nhưng ăn Sầu riêng. Mít Sầu riêng hôi lắm.” “Nói vô lý. Sầu riêng thơm kiểu khác. Cả triệu người ăn. Cả triệu người ghiền. Điên hay sao mà ăn đồ hôi.” “Bà thấy thơm nhưng tui thấy hôi. Quyền tự do mà. Cả triệu người không ăn Sầu riêng. Cả triệu người thấy Sầu riêng hôi.” “Nói tào lao. Hoa thì thơm. Phân thì hôi. Ai có thể ngửi thấy hầm lù thơm?” “Có thể hôi thúi, nhưng ở đó lâu ngày, quen đi. Thúi cũng như thơm. Giống những người ở xung quanh Kinh Nước Đen.”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.