Hôm nay,  

Chuyện Tết xưa, Tết nay...

18/01/202317:42:00(Xem: 4098)

Tùy bút ngày Xuân

tet

Xin thưa trước với độc giả, như là giới hạn không gian và thời gian bài viết: Tết xưa là Tết của MNVN thập niên 60, 1975. Tết nay: Tết của người Việt hải ngoại và trong nước.

 

Lên trung học đệ nhất cấp, cấp 2 bây giờ, tôi xuống quận học trường Trung học Quế Sơn cách nhà chừng 7km. Mười lăm tuổi rời quê theo gia đình ra phố “tỵ nạn cộng sản”. Kỷ niệm về Tết xưa luôn gắn bó suốt hành trình làm người của mình cho đến bây giờ khi đã bước vào độ tuổi trên 70. Tết ở quê tôi ngày xưa, dù là làng quê nghèo nhưng việc chuẩn bị diễn ra rộn ràng từ đầu tháng Chạp Âm lịch khi thời tiết bắt đầu có mưa phùn và trời lành lạnh. Vài gia đình bắt đầu giẫy mả (tảo mộ), không rầm rộ và đồng loạt nhưng đây là việc làm mang tính truyền thống của ý thức nhớ ơn tổ tiên và mỗi gia đình/tộc họ có ngày riêng. Giẫy mả xong về nhà cúng tạ, quê tôi thường cúng bánh xèo hoặc mì Quảng từ bột xay bằng gạo lúa mới vừa thu sau vụ mùa tháng 10. Sau đó là lo đánh gốc tre phơi khô làm chất đốt nấu bánh tổ, bánh tét.

 

Những nhà “có của” dùng cả “ảng” (1) to giã lá bứa (2) pha nước lạnh để ngâm toàn bộ đồ khí tự trên gian thờ, ba ngày sau giã nát than lau chùi rồi phơi nắng. Việc tiếp theo là cắt bờ rào chè tàu trước nhà, giẫy cỏ lối đi, riêng nhà tôi thì cha tôi còn lấy phong pháo Điện Quang đem treo trên giàn bếp hoặc phơi trên nhánh dâu trước nhà để pháo nổ giòn khi đốt. Gạo, nếp, rau quả có sẵn trong nhà và vườn nhà, có gia đình còn tát ao bắt cá chứa sẵn trong thạp để dùng dần vì có lẽ người dân nặng lòng với câu tục ngữ “Sống sao thác vậy” nên mâm cúng Tết thường đầy đủ các món mà ông bà khi sinh thời ưa thích. Quê tôi xa chợ nên thịt heo thường mua của những “ông hàng phiên”, họ rủ nhau xẻ thịt heo gánh đi bán từng nhà. Có nhà còn chung nhau với hàng xóm và dù giàu hay nghèo, mỗi nhà đều mua thịt Tết từ 5-10kg. Không có tủ lạnh nên họ thường sơ chế rồi cất dùng dần. Ngày Tết là dịp để dân quê ăn bù khi cả năm thiếu thốn. Do vậy mới có câu ca dao: “Có đói cũng ba bữa Tết/ Có hết cũng ba bữa mùa”.

 

Càng gần đến ngày, nhà cửa làng xóm phong quang thoáng đãng, lòng người càng nôn nao rạo rực hơn và mong sớm đến ngày nhất là lũ trẻ con. Chúng mong được cha mẹ đi chợ mua về các thứ đồ chơi như “lung tung”, “gà oác”, pháo hoa cải (3). Chúng mong đến sáng mồng một được diện áo quần mới đi chúc Tết bề trên trong họ hàng và thực tế, còn mong được ăn no, ăn ngon, thỏa thích vui chơi kể cả đi lượm pháo lép ở các nhà giàu mà không sợ quở mắng.

 

Tết ngày xưa ở quê thường tập trung nhiều nhất vào việc cúng kính và thăm viếng họ hàng. Do đó, chuẩn bị bàn thờ, mâm cúng luôn tươm tất. Thường thì cúng rước ông bà về ăn Tết cùng con cháu vào chiều 30, cúng Trời Đất còn gọi là hành khiển vào giao thừa, cúng chính vào sáng mồng một, cúng sáng, trưa, tối cho đến chiều mồng ba thì cúng đưa. Nhiều địa phương phía Nam còn có tục lệ đi thắp nhang mộ phần tổ tiên nếu tập trung vào một nơi hoặc thắp nhang mộ những người thân gần nhất. Ngoài cúng trong nhà còn có mâm cúng ngoài trời mời âm hồn, cô hồn, các vong linh tiền khuất. Sau ba ngày: “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy” thì được quyền vui chơi thỏa thích, coi hát bội, đánh bài chòi, thăm viếng bè bạn, v.v…

 

Sau 1975, miền Nam Việt Nam đổi chủ, phần thì ruộng đất tập trung vào hợp tác xã, phần thì chống duy tâm, phần khác thì kinh tế hoạch định, dân càng nghèo đi nên xã hội kéo theo nhiều đổi thay. Tuy vậy, người dân vẫn đón Tết dù không bằng ngày trước. Một hiện tượng phổ biến là trong những năm “bao cấp”, lượng đèn nhang, vàng mã sản xuất và bán ra trên thị trường tăng nhiều. Có lẽ do khi con người không dựa vào sức mình để vươn lên thì họ nhờ đến... thần thánh! Đến Tết, cán bộ có tem phiếu ra cửa hàng mua thịt, thường dân thì hợp tác xã nào có điều kiện mổ heo phân phối cho các hộ gia đình với số lượng tượng trưng, mỗi gia đình tự lo liệu, mua sắm các thứ là chính. Việc đi chúc Tết vẫn duy trì nhưng không còn vui vẻ như trước. Trên đường làng không còn thấy nhiều màu sắc áo quần, không thấy những em bé tung tăng theo người lớn đi chúc Tết. Phải gần đến 15 năm sau, nhờ đổi mới, nhờ kinh tế thị trường, nhờ xoá bỏ kinh tế tập trung nên xã hội mới thay đổi dần dà.

 

Cũng sau 1975, người Việt bỏ đất nước vượt biên ngày càng đông và hình thành cộng đồng tỵ nạn xa xứ, những cộng đồng này có mặt ở cả Mỹ lẫn Châu Âu, số lượng nhiều hay ít phụ thuộc vào việc sắp xếp định cư của chính quyền sở tại. Điều đáng nói là dù thế nào, đến ngày Tết cổ truyền dân tộc, người Việt cũng tổ chức đón Tết như là để con cháu nhớ đến ông bà dù Âu Mỹ chỉ đón Giáng Sinh và Tết Dương lịch, ngày Tết Việt vẫn phải đi làm. Miền Nam California có lẽ là nơi đông người Việt cư trú nhất, ở đó có quận Cam (Orange County), có khu Phước Lộc Thọ là nơi nhiều năm trước, mỗi lần Tết đến, người Việt tổ chức 3 khu chợ, bán sản vật của 3 miền: Chợ Đồng Xuân, chợ Đông Ba và chợ Bến Thành. Các chợ Việt Nam trên khắp nước Mỹ bán bánh mứt từ tháng 11 âm lịch, từ giữa tháng chạp bán bánh chưng bánh tét, dưa hành, kiệu. Điểm đặc biệt là tại trụ sở các cộng đoàn người Việt ở Mỹ làm lễ thượng kỳ VNCH vào ngày đầu năm và cũng không quên các họp mặt chúc Tết vào dịp tất niên lẫn tân niên. Các chợ Việt Nam ở nhiều tiểu bang nước Mỹ cũng thường đốt các dây pháo dài, năm nào cũng có các đoàn lân đi múa ở các chợ, chùa chiền và nhà thờ có người Việt sinh hoạt.

 

Tất cả việc làm này cũng là cách lưu giữ truyền thống, nhắc nhở con cháu nhớ về Đất Mẹ, tổ tiên, Ông Bà, đã an ủi rất nhiều cho những người tỵ nạn lớn tuổi nhớ quê. Hy vọng những việc làm này sẽ được truyền tụng qua nhiều thế hệ sau này để con cháu không quên nguồn cội và biết làm gì khi sau này lớn lên trên đất khách mà họ đã chọn làm quê hương.

 

Khi Internet du nhập vào Việt Nam, khi kinh tế ngày càng khá dần lên do chính sách kinh tế của nhà nước, do nguồn kiều hối của thân nhân từ ngoại quốc gửi về, do các nguồn vốn ODA của thế giới đổ vào Việt Nam, người Việt trong nước đón Tết khá dần lên, tươm tất hơn nhưng cũng kéo theo nhiều thay đổi. Từ thành phố đến thôn quê, ở đâu cũng mất dần không khí rạo rực chuẩn bị Tết. Chỉ cần ngày 30, dạo một vòng chợ (ở quê) hay một vòng siêu thị (ở phố) đã có thể sắm các món cúng, món ăn, món tiếp khách đầy đủ! Cảnh cả nhà lo vuốt nếp, ướp thịt, hong đậu xanh, lau lá, quay quần gói bánh chưng bánh tét và đặc biệt, ngồi chụm lửa, thay nước canh nồi bánh suốt đêm nay chỉ còn rải rác ở một ít nhà. Đèn, nhang, nến cũng không còn chuẩn bị như xưa vì đa số đã thay bằng đồ điện thậm chí khi pháo bị cấm, người ta mua pháo điện về cắm điện và bật công tắc cho nổ!

 

Tết sau này, nổi bật ở khắp nơi vẫn là hoa, lan, cây cảnh, trái cây. Đó là đào miền Bắc, mai vàng miền Nam, cúc, vạn thọ, thược dược, trạng nguyên, mãn đình hồng. Cũng có nhiều chậu kim quất (tắc). Trái cây trong nước thì ít nhưng nhập tiểu ngạch từ biên giới Bắc thì nhiều. Vì phải xử lý thuốc bảo quản nên có nhà khi trưng bàn thờ chưa hết ba ngày Tết đã thúi bủn! Người Việt trong nước không hiểu có phải cả năm không có tiền hay sao mà đợi đến cuối năm mới mua sắm những thứ cần dùng trong suốt năm. Chính việc này tạo ra cái khung cảnh rộn ràng, tất bật khác ngày thường. Cũng có rất nhiều người bận rộn buôn bán, mãi đến ngày ba mươi mới đi mua sắm và cũng không ít người đợi “quét chợ cuối năm”, đợi khi người bán không thể bán được nữa thì ép giá để mua rẻ. Thương cho những người từ miền Trung vào tận miền Tây hoặc lên Đà Lạt mua hoa đem về bán, chỉ bán được ít ngày, ngày chót ế ẩm phải vất bỏ cả xe tải!

 

Việc chiêu đãi người đến nhà thăm và chúc Tết ngày xưa khá trọng thể và linh đình. Hầu như người ta mời nhau tất cả những món mình sắm sửa nhưng sau này, đến thăm là lễ nghĩa, là xã giao, là đáp lễ, là nịnh nọt kiếm điểm của nhân viên đối với cấp trên với phong bì đỏ lì xì cho con cái hay cha mẹ chủ nhà nhiều hơn số tiền mừng tuổi (cho vui) như thông tục ngày xưa. Khách đến nhà không ung dung trò chuyện mà đến nơi, việc đầu tiên là xin phép chủ nhà thắp nhang bàn thờ, sau đó, có người uống vội ly nước trà, nói vài câu chúc Tết rồi đi, cho đủ nơi cần đến!

 

Điều đáng trân trọng và ghi nhận là ý thức giữ gìn phong tục của người Việt, chăm sóc cho thân nhân cao tuổi để họ vui trong ngày Tết, cúng kính trang trọng để làm gương cho con cháu bất kể nhà giàu hay nghèo, bất kể mấy ngày sau có thể tham gia nhiều canh bạc ăn thua tiền triệu. Chính vì điều này, Tết Việt Nam còn là dịp để đoàn tụ gia đình, dù khó khăn cách mấy, mỗi cuối năm, người đi làm ăn xa cũng tìm cách về nhà, kể cả dắt díu vợ con về quê xa cả ngàn cây số, lại phải săn lùng mua vé, kể cả vé chợ đen hoặc bị mất tiền do mua phải vé lừa của bọn bán vé giả!

 

Nhiều năm trước, đã có nhiều ý kiến nên bỏ ngày Tết Nguyên Đán mà cả nước nên tổ chức ăn Tết theo Tây lịch. Điều này sẽ có lợi cho hành chánh và công việc kinh doanh, phù hợp với thời kỳ hội nhập Quốc tế nhưng bàn đi tính lại rồi vẫn không thay đổi. Chưa biết việc này lợi-hại, hay-dở thế nào nhưng theo thiển ý của người viết, cần phải giữ lại ngày Tết cổ truyền. Qua một năm vất vả, bận rộn làm ăn, cuối năm có dịp nghỉ ngơi, nhìn lại mình, nhìn lại điều đã làm, điều chưa làm được từ làm ăn đến đối nhân xử thế và nếu có ý thức, sẽ biết định hướng cho năm sau. Tết cũng là dịp để người làm ăn không hanh thông năm trước, hy vọng và tin tưởng ở năm sau, nhất là những người tin vào vận hạn, bói toán.

 

– Nguyễn Hoàng Quý

 

(1)  Ảng là dụng cụ chứa nước ở quê làm bằng cát và xi măng có dung tích từ 60-400 lít.

(2)  Lá bứa là lá của một loài cây thân gỗ, có vị chua, ngâm nước sẽ cho mội trường acid làm chất tẩy rửa.

(3)  Lung tung là một loại trống có vành tre, dán giấy màu, cắm cây bằng chiếc đũa ở giữa, khi dùng hai bàn tay lăn qua lăn lại cây, hai sợi chỉ gắn hạt đất sét khô sẽ tạo ra âm thanh như tiếng trống. Gà oác là một loại tò he tô màu lòe loẹt, thổi tạo ra tiếng. Pháo hoa cải làm bằng giấy quyến mỏng phủ màu, giữa rải thuốc pháo, ban đêm đốt và quay sẽ bắn ra tia lửa như hoa cải.

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tuyết rơi như lông ngỗng, như hoa rụng tùng chùm, bám trên nóc xe, trắng xóa mặt đường và tan dưới lằn bánh xe cán ngang. Hơi lạnh len cả vào chân tóc. Mùa Đông thật sự đã đến.
Nếu "Lữ Hành" là cuộc hành trình thơ thới và bất tận của loài người và được ông sáng tác tại Sàigòn vào năm 1953 đầy hy vọng thì "Dạ Hành" là lúc con người đi trong đêm tối. Mà bóng tối ở đây không là một khái niệm về thời gian khi thiếu ánh mặt trời. Bóng tối là chông gai hiểm hóc của phận người và ca khúc cũng được viết tại Sàigòn nhưng mà là Sàigòn khói lửa của chiến chinh tham tàn năm 1970. Rồi Phạm Duy mới nói về cuộc đi bình thường là bài "Xuân Hành", sáng tác năm 1959, ở giữa hai bài hành kia. Hành trình bình thường và muôn thuở như câu hỏi đầy vẻ triết học là "người là ai, từ đâu tới và sẽ đi về đâu ".... Ngươi từ lòng người đi ra rồi sẽ trở về lòng người. Người vừa là thần thánh, vừa là ma quỷ, biết thương yêu dai mà cũng biết hận thù dài…. Nhất là biết vui buồn giữa hai nhịp đập của con tim, ngay cả khi tim ngừng đập.
Bài viết của nhà thơ Ngu Yên ở Texas “Cảm Xúc Trong Tiếng Hát” có nhiều điều lý thú trong lãnh vực âm nhạc. Ngu Yên đã dấn thân trong hai lãnh vực Thơ, Nhạc… Ngoài các tập thơ đã được ấn hành, khoảng cuối năm 1995 ở Houston, Ngu Yên tổ chức những buổi ra mắt sách, băng nhạc, CD và tổ chức những buổi trình diễn ca nhạc. Năm 1998, Ngu Yên đứng ra thành lập nhóm Viet Art Productions để thỏa mãn sự ham vui theo sở thích cùng nhau vui chơi, tổ chức trên 50 buổi trình diễn như đại hội chợ, trong những dịp lễ, sinh hoạt cộng đồng… ngoài Texas còn có nhiều nơi khác. Vì vậy trong lãnh vực âm nhạc, Ngu Yên có kinh nghiệm và khả năng viết về đề tài nầy… Qua bài viết của tác giả Ngu Yên tạo cho tôi cảm hứng góp phần chia sẻ với “lời bàn Mao Tôn Cương” tế nhị vì cũng ngại làm phật ý với “ca sĩ” trình diễn và góp ý thêm cho sinh động trong chuyện vãn.
Thứ Tư, ngày 15 tháng 1, 2025, gia đình và đông đảo bạn hữu đã đưa tiễn họa sĩ/nhà văn Khánh Trường về nơi an nghỉ ở Peek Family, Westminster. Chương trình tang lễ ngắn gọn nhưng ấm cúng, thân tình, và thật cảm động với nhiều lời phát biểu chia sẻ của gia đình và nghệ sĩ thân hữu. Việt Báo đã đăng tải và chia sẻ nhiều bài viết từ bạn bè, văn hữu trong số báo đặc biệt về Khánh Trường ngày 3 tháng 1, 2025, sau đây là bài điếu văn của con gái út của Khánh Trường, Annie Nguyễn Trường An, đọc bởi chồng Cô trong buổi tang lễ bằng tiếng Anh, Lê Anh Dũng biên dịch sang tiếng Việt.
Khi con đọc những dòng này, ta không còn nữa. Nhiều người quanh đây có lẽ cũng không còn nữa. Lịch sử thay đổi nhanh đến chóng mặt. Ta nhớ năm 1982, một người bạn bảo rằng trong tương lai khi nói chuyện điện thoại, người ta có thể nhìn thấy mặt nhau. Điều ấy là không thể tưởng tượng được. Nhưng vào lúc này, bốn mươi năm sau, mọi thứ diễn ra đúng như vậy. Bốn mươi năm sau nữa, con sẽ ở đâu, làm gì, kỹ thuật tiến bộ đến đâu, ta không biết. Không ai biết. Nếu con đọc lại những dòng này, hãy nghĩ đến ngày hôm nay.
Trước thềm năm mới 2025 DL, thay mặt toàn thể ban biên tập và trị sự Việt Báo Daily News, chúng tôi xin kính chúc quý độc giả, các thân hữu, văn thi nhạc sĩ, cộng tác viên, quý thân chủ quảng cáo, mạnh thường quân… một năm mới an khang, thịnh vượng.
Trong vở hài kịch “As You Like It,” thi hào và kịch tác gia người Anh William Shakespeare (1564-1616) có một câu thoại nổi tiếng: “Cuộc đời này là một sân khấu, Và tất cả nam nữ đều là diễn viên; Họ xuất hiện và ra đi; Và một đời người đóng nhiều vai, Và tuổi thọ của hắn kéo dài trong một vở kịch bảy màn.” Trong câu thoại ở trên, chúng ta thấy Shakespeare nói đến hai điều liên quan đến thân phận con người: Tất cả mọi người đều là diễn viên trên sâu khấu cuộc đời, và đời người thật ngắn ngủi được ẩn dụ trong một vở kịch kéo dài bảy màn. Là diễn viên trên sân khấu cuộc đời, con người có thể là chủ nhân của những hành vi mà họ thao tác, nhưng cũng có thể con người chỉ diễn xuất theo kịch bản của ai đó soạn ra. Trường hợp đầu thì chính con người là tác nhân của những gì họ diễn xuất. Nói cách khác con người thể hiện vai trò của mình trên sân khấu cuộc đời qua chính những gì họ suy nghĩ, nói và hành động, hay nói theo Đạo Phật là các hành nghiệp.
Bằng tất cả tình yêu dành cho chữ nghĩa, hai tác giả trẻ của tập truyện này đang tự trưởng thành qua từng con chữ. Đó không phải chỉ là hành động viết, mà còn là hành trình khám phá bản thân và thế giới xung quanh. Họ viết để “náu thân” trong một góc nhỏ của cuộc đời, để tìm lại niềm tin và ước mơ, nhưng trên hết là để gìn giữ hình bóng Việt Nam trong lòng mình.
Tại Matter Studio Gallery, bắt đầu ngày 8 tháng 12, 2024 và kéo dài đến hết ngày 5 tháng 1, 2025, họa sĩ Nguyễn Việt Hùng sẽ trình làng bộ sưu tập tranh mới nhất mang tên Chances Matter. Đây là dịp hiếm hoi để giới mộ điệu nghệ thuật thâm nhập vào một thế giới sáng tạo riêng biệt, nơi nghệ thuật không chỉ là cái đẹp mà còn là câu chuyện của sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên.
Dịch thơ, nói theo Bùi Giáng, là “điều khảm kha nhất” và đó phải là thơ hay bởi, trừ những ngoại lệ đặc biệt, chẳng dịch giả nào phí thì giờ với thơ dở. [1] Sự “khảm kha”, như thế, phải thuộc về cái nghệ thuật chuyển đạt, sao cho giữ được hồn cốt làm nên cái hay của bài thơ trong một ngôn ngữ khác.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.