Hôm nay,  

Người xóm cũ

05/01/202308:16:00(Xem: 2784)
Truyện

cheo do


Nhân dịp đi công chuyện nhà, Tín ghé qua huyện Cù Châu để thăm Thiệp, cháu kêu Tín bằng cậu đang làm việc tại huyện này. Thiệp là công an biên phòng đã đóng lon trung úy. Gặp lại người cậu sau gần mười năm xa cách, Thiệp mừng lắm, đón Tín về nghỉ ở phòng riêng của mình tại ban chỉ huy. Khi hai cậu cháu đang hàn huyên thì một người trung niên chững chạc bước vào chào hai người rồi nói:

 

– Thiệp chuẩn bị đi dự tiệc bên huyện nghe!

 

Thiệp liền giới thiệu:

 

– Đây là ông Tín, cậu ruột của em. Đây là thiếu tá Sơn, chỉ huy phó của cháu. Bây giờ có cậu em đến thăm bất ngờ, thiếu tá đi một mình cũng được nhé!

 

Ông Sơn nói:

 

– Bên huyện mời cả ban chỉ huy của mình. Giờ mấy ổng dọt cả rồi, chỉ còn tôi với Thiệp. Nhân tiện mời luôn cả ông cậu đi cho vui cũng được có sao đâu?

 

Bàn đi tính lại một lúc, Tín trở thành người khách bất đắc dĩ trong bữa tiệc hôm đó.

Tiệc được tổ chức trong hội trường của huyện. Các bàn được kê nối dài thành sáu dãy với ghế ngồi hai bên đối mặt nhau. Tín ngồi cạnh Thiệp ở dãy bàn thứ ba phía trong cùng. Hai cậu cháu vừa nói chuyện vừa nhìn những người khách đang tới. Bỗng nhiên Tín giật mình khi thấy một người đàn bà có gương mặt quen quen bước vào. Người đàn bà cỡ ngoài bốn mươi, mắt đẹp –  nhỏ con, lưng hơi còng, mặc bộ đồ bà ba màu tím, tóc búi đã có phần bạc. Những người quanh đó đều vồn vã chào hỏi bà. Qua những lời chào hỏi, Tín biết tên bà là Nam Anh. Tín cố moi óc để nhớ người này mình đã gặp đâu nhưng không cách nào nhớ nổi. Có thể nỗi bối rối trong lòng đã chi phối trí nhớ của Tín. Thật tình Tín đang lo sốt vó vì bản thân chưa tìm được một công việc làm ăn thích hợp để sống. Chuyến đi này Tín chỉ nhằm vào mục đích ấy. Nghe huyện Cù Châu đang mở mang mấy xã kinh tế mới, đất đai cũng khá mầu mỡ, Tín định thăm dò nếu thấy được sẽ đưa gia đình đến đó sinh sống. Nhưng việc thăm dò của Tín hiện tại vẫn chưa tới đâu cả... Lát sau Tín quay sang hỏi Thiệp:

 

– Người đàn bà đó là ai vậy?

 

– Vợ ông bí thư huyện ủy đó! Bà ta cũng người Huế, tên Nam Anh.

 

Cái tên này Tín chưa bao giờ nghe tới. Mà hạng cán bộ đó làm sao lại là người quen của Tín được? Nhưng bất ngờ Tín thấy ánh mắt sáng rỡ ngạc nhiên của bà Nam Anh cũng dừng lại ở Tín. Có lẽ không dừng được, bà ta bước lại gần Tín hỏi:

 

– Tôi thấy ông quen quá! Ông có bà con gì với ông Thành ở Thanh Lê ngoài Huế không?

 

Trời ơi, cái giọng nói quá quen! Ông Thành lại chính là thân phụ của Tín. Thiệp cũng ngạc nhiên và nhanh nhẩu nói:

 

– Ông Thành ở Thanh Lê là ông ngoại tôi, còn đây là cậu Tín. Thì ra bà bí thư cũng biết ông ngoại tôi?

 

Người đàn bà sững sờ kêu lên với giọng xúc động:

 

– Anh Tín thật đó hả? Anh tuy khác ngày xưa nhiều nhưng lại hết sức giống bác trai thành ra tôi cứ ngờ ngợ. Bao năm nay tôi cứ tưởng là anh đi lính ngụy chứ đâu biết anh làm gì bên ngành công an ta!

 

Bây giờ thì Tín đã nhớ. Mới đó mà hơn hai mươi năm rồi!

 

– Chị Diễm! Không ngờ lại gặp chị ở đây! Chị được mấy cháu rồi?

 

Sắc mặt đang vui vẻ vì tình cờ gặp được người quen của Diễm bỗng nhiên sa sầm. Bà có vẻ như mất bình tĩnh, mở môi cười gượng gạo rồi vội vã chào Tín:

 

– Sẽ gặp lại anh sau, bây giờ tôi phải đi có chút việc.

 

Bà quay lại nói với mấy người trong ban tổ chức:

 

– Rất tiếc tôi bận chút việc bất ngờ, không thể ở lại dự buổi tiệc hôm nay. Hẹn lần khác vậy!

 

Sau khi Diễm bước ra khỏi phòng, thiếu tá Sơn quay sang hỏi Tín:

 

– Thế ông cùng quê với bà Nam Anh à?

 

– Dạ phải. Nhưng bà ấy rời quê hơn hai chục năm rồi.

 

– Ông bí thư có lẽ cũng sắp đến. Nghe ông ấy cũng cùng quê với bà Nam Anh, chắc ông cũng biết.

 

Tín nghe càng kinh ngạc hơn. Ai nữa đây? Tín đang trầm ngâm suy nghĩ thì thiếu tá Sơn tiếp:

 

– Kìa! Ông bí thư đến đó kìa! Ông có nhận ra không?

 

Tín nhìn ra. Thôi rồi! Chuyện động trời thật: đúng là Trần Thanh Lịch! Tuy sửng sốt nhưng Tín vẫn còn đủ bình tĩnh lựa lời nói chận trước để phòng ông Sơn hay Thiệp cao hứng giới thiệu sảng khi viên bí thư tới gần:

 

– Ông này chắc không phải người làng tôi. Tôi không hề biết mặt. Chợp rợp người ta tưởng mình thấy người sang bắt quàng làm họ cũng quê lắm!

 

Sau khi ban tổ chức tuyên bố lý do có bữa tiệc và giới thiệu một vài nhân vật tiêu biểu đến dự, bí thư Thanh Lịch cũng bước ra phát biểu mấy lời cùng quan khách. Tín phải cố né tránh không để cho Thanh Lịch nhìn thấy mình. Cũng may Thanh Lịch sau khi nói qua loa vài lời lại chúi đầu vào mâm tiệc, chẳng ngó ngàng đến ai nữa.

 

Suốt bữa tiệc Tín cứ suy nghĩ miên man và chỉ ậm ừ khi Thiệp hay ông Sơn nói chuyện. Tối hôm ấy Thiệp muốn mời cậu đi coi hát nhưng Tín bảo mệt người, muốn nằm nghỉ. Thiệp nghĩ là cậu mình mệt thật nên lo nước nôi và dọn chỗ cho Tín nghỉ.

 

Nhưng Tín làm sao ngủ được? Hình bóng Diễm trong buổi gặp gỡ đã làm lòng Tín xót xa vô ngần. Tuy Diễm vẫn còn giữ được vẻ thanh cảnh và có chút sửa soạn nhưng vẫn có vẻ già trước tuổi nhiều. Diễm già trước tuổi có thể vì nhiều nguyên do: Thời gian? Chế độ làm việc và chế độ ăn uống? Nỗi phiền muộn trong lòng hành hạ? Tín nghĩ chắc là do nỗi phiền muộn trong lòng hành hạ nhiều hơn hết!

 

*

 

Tín với Diễm cùng tuổi, sống gần nhau từ thuở bé. Hai đứa học chung lớp cho đến hết bậc tiểu học, từ lúc còn xưng hô mày tao tiến dần đến lúc gọi tên nhau và xưng mình. Lên trung học, tuy học khác trường, hai đứa vẫn đều đặn liên lạc, trao đổi sách vở, học hỏi nhau. Diễm chỉ đẹp ở mức độ trung bình nhưng hiền lành, nết na nên xóm giềng bạn bè đều thương. Càng lớn tình thân giữa Tín và Diễm càng thắm đượm thêm. Cái ý nghĩ chọn Diễm là người bạn đời mỗi ngày mỗi lớn trong đầu óc Tín. Nhưng vì tính rụt rè cả thẹn, Tín chưa bao giờ dám nói ra nỗi lòng mình. Diễm rất ưa màu tím. Cái sở thích của Diễm gần như lập dị. Áo dài, áo ngắn, cho đến chiếc khăn tay Diễm đều chọn màu tím. Cả chiếc xe đạp của Diễm cũng sơn tím.

 

Gia đình Diễm thuộc hạng khá giả. Từ Thanh Lê lên tới trường Đồng Khánh cũng khá xa, đi xe đạp bình thường cũng phải mất cả giờ. Thời bấy giờ xe đò còn hiếm nên chở khách hơi đắt tiền. Công chức, học sinh phần nhiều đi xe đạp. Một số rất ít dùng xe gắn máy. Những học sinh con nhà nghèo thường phải đi ké hoặc lội bộ. Dọc đường xa xa lại có một cái lều vá sửa xe đạp. Gặp khi mưa gió bất thường xe đạp dắt cũng không muốn nổi. Thương con đi học đường xa quá vất vả, cha mẹ Diễm đã nhờ bà Phường cũng người làng, nhà ở Ngoẹo Giàng Xay, giúp một chỗ để Diễm ở cho gần trường. Bà Phường trước đây ở kề cận nhà Tín. Bà góa chồng, sống với ba đứa con gái nhỏ. Khi xin được một chân lao công ở bệnh viện Huế, bà mua lại một căn nhà cũ ở An Cựu để tiện đi làm. Nhà khá rộng, quay mặt ra con đường đi vào núi Ngự Bình. Bà Phường cũng muốn nhà đỡ trống vắng, lại kiếm thêm được chút tiền nên vui vẻ nhường một căn chái cho Diễm. Diễm ăn cơm tháng luôn ở nhà bà Phường.

 

Từ căn chái này, Diễm xin trổ một cái cửa riêng. Bên trong Diễm kê giường ngủ có màn kéo che. Bên ngoài Diễm sắp xếp bàn học, tủ sách hết sức ngăn nắp. Ban đầu có vài người bạn gái hay đến học chung hoặc làm bài với Diễm. Nhưng rồi sau đó có đứa cháu họ của Diễm, thằng Lịch, cũng hay lui tới với Diễm nên các bạn của Diễm không thích, bớt đến dần.

 

Lịch là con ông anh chú bác ruột của Diễm. Tánh tình hắn láo xược, gian giảo, học hành không ra gỉ. Hễ có bài vở ở trường không làm được là hắn cứ đến quấy rầy Diễm. Lịch nhỏ hơn Diễm ba tuổi và học dưới Diễm hai lớp. Cha con hắn có nhiều thành tích không tốt với làng xóm. Làm ruộng không lo việc nước nôi, ban đêm lén đi trổ nước từ ruộng người sang ruộng mình. Khi bị người ta biết được than phiền thì gây sự, đánh đập người ta. Chơi bài bạc thua, vay mượn không được thỏa mãn thì lén đốt nhà người ta. Tệ hại nhất là cái tật thù dai, thua sút ai cái gì một lần, thế nào cũng tìm cách rình mò trả miếng. Có người anh và đứa cháu như thế Diễm thấy áy náy và xấu hổ với xóm làng lắm. Diễm chẳng mấy vui khi phải tiếp xúc với đứa cháu không tốt đó nhưng không biết làm sao được. Nàng rất bực bội khi phải mất quá nhiều thì giờ để giảng bài cho Lịch. Đã nhiều lần Diễm than thở chuyện ấy với Tín. Nhưng Diễm càng bực bội Lịch lại càng hay đến với Diễm hơn đến nỗi bà Phường chủ nhà cũng thấy khó chịu. Mỗi khi đến gặp Diễm, Tín vẫn hay bị lấn cấn vì sự có mặt của Lịch. Trông Diễm càng ngày càng nặng vẻ phiền muộn. Sự có mặt gần như thường xuyên của Lịch ở nhà Diễm đã gây cho Tín ít nhiều thất vọng và đã mơ hồ nghĩ đến những điều không ổn… Tới lúc này Tín mới nhận ra mình đã thật sự hết lòng yêu thương Diễm. Rồi Tín lại cảm thấy hối tiếc vì cái tính rụt rè, cái tính nể trọng Diễm quá đáng của mình. Thật vậy, từ ngày hai đứa lên trung học, từng gần gũi, từng học chung, nhưng chưa bao giờ Tín dám đụng đến người Diễm. Những thương cảm, những ước mơ riêng Tín vẫn một mực ôm kín trong lòng. Sao vô lý đến thế nhỉ? Thế rồi Tín nhất quyết tìm dịp gặp riêng Diễm một lần để bày tỏ nỗi lòng.

 

Tín phải vất vả canh dò nhiều lần mới tìm được cơ hội mong đợi ấy. Lần đó Tín rất mừng khi gặp Diễm ở nhà một mình. Nhưng Tín lại chưng hửng khi thấy Diễm đón tiếp mình không nồng nhiệt như mọi lần. Diễm đã mời Tín ngồi với nụ cười méo mó. Tín đâm ra thắc mắc không biết mình có làm gì để mất lòng Diễm chăng? Sau khi nói vài ba chuyện bài vở lấy lệ, Tín thốt một câu tán tỉnh vụng về:

 

– Sao Diễm hôm nay có vẻ trầm ngâm thế? Trông Diễm đẹp như một nàng tiên bị đày.

 

Diễm có vẻ không vui, cười gượng:

 

– Tín mơ mộng đến thế à? Nàng tiên bị đày? Đúng đấy! Tiên cũng có nỗi khổ của tiên chứ.

 

Nghe Tín nói thế, Tín tiếp luôn:

 

– Núi lở còn cao hơn đồi. Tiên dẫu bị đày vẫn còn sướng hơn làm người dưới thế. Người trần chịu cái khổ vật chất đã đành, về tinh thần ước vọng cũng ít khi được thỏa mãn.

 

– Tín chưa biết đó thôi. Có nhiều người từ bên ngoài nhìn vào tưởng như sung sướng lắm, hạnh phúc lắm, có thua gì tiên đâu, nhưng thật sự kẻ đó có lúc mong làm một người tầm thường nhất cũng không được nữa!

 

– Mong làm một người tầm thường nhất cũng không được?

 

Trời ơi! Sao Diễm lại thốt cái lời bất ổn sao sao ấy? Tín chưa kịp tìm lời dò hỏi thì thằng Lịch lại đến. Tín đành ôm nỗi thắc mắc nói chuyện bâng quơ một hồi rồi giã từ.

 

Chiều hôm sau, khi phụ việc ở rẫy với cha về, Tín ghé vào giếng xóm để rửa chân tay. Bất ngờ thấy bà Phường đang gánh nước, Tín hỏi:

 

– Thím về làng bao giờ thế? Có kỵ giỗ chi hả?

 

– Mới về sáng nay cả bốn mẹ con. Tôi xin nghỉ hai ngày để lo chạp họ.

 

– Diễm cũng về hay ở lại?

 

– Nó ở lại. Mấy chủ nhật này không hiểu sao nó ít về thăm nhà. Trông nó cứ buồn buồn, có lần tôi bắt gặp nó đang khóc ấm ức một mình. Tôi muốn ghé hỏi thăm ba mẹ nó nhưng chưa rảnh.

 

Nghe bà Phường nói, Tín càng cảm thấy hoang mang. Khi về nhà, thấy mẹ Tín đã dọn cơm sẵn, Tín ăn vội mấy miếng rồi thay đồ, lấy xe đạp ra đi. Bình thường Diễm rất bạo gan. Diễm không hề sợ tinh tà ma quỉ như các cô gái khác. Lần này đến buổi tối, Tín tin chắc sẽ gặp Diễm ở nhà một mình. Trên đường đến nhà Diễm, Tín cố nghĩ những câu để hỏi cho ra nguyên nhân vì sao Diễm buồn và sẽ an ủi Diễm như thế nào. Khi còn cách chừng vài trăm thước Tín đã thấy rõ ánh đèn phát ra từ phòng Diễm. Nhưng lạ thay, khi Tín tới gần cửa thì ánh đèn trong nhà lại tắt mất. Có lẽ Diễm buồn nên đi ngủ sớm – Tín nghĩ. Khi dắt xe đạp vào sân Tín sửng sốt thấy chiếc xe đạp của thằng Lịch đã dựng sẵn ở đó. Nó đến đây làm gì giờ này? Đèn đuốc sao lại tắt hết? Tim Tín đập thình thịch. Tín nhè nhẹ bước đến bên tấm cửa đan bằng tre đã sập xuống, dán mắt vào kẽ hở nhìn vào bên trong. Dù trong bong tối Tín vẫn nhận ra đồ đạc chẳng có gì khác thường ngày. Đèn vừa mới tắt, Diễm đã đi ngủ sao chiếc xe thằng Lịch vẫn để kia? Hay hắn đang rình mò lấy trộm gì của bà Phường? Tín toan mở miệng gọi Diễm thì bỗng nghe tiếng Diễm nói nhỏ:

 

– Mụ cô mi, một lần ni nữa thôi đó. Đừng có bắt quen bén mùi! Thiên hạ biết thì cả cô lẫn cháu phải cắt mặt mà quăng xuống sông!

 

Lại có tiếng thằng Lịch nói khẽ:

 

– Nói chi mặc cha họ! Thằng nào ngoa miệng tôi tính cho!

 

Nghe qua Tín bủn rủn cả chân tay. Tín định kêu lên cho thiên hạ biết nhưng kịp dằn lại. Tín chợt nghĩ đến nỗi cay đắng và hậu quả có thể đưa đến cho Diễm khi làm sáng tỏ việc này. Tín cũng quá hiểu bản chất cô hồn của thằng Lịch. Cuối cùng Tín hậm hực ra cỡi xe và tiện đà hất chiếc xe của thằng Lịch ngã rầm một cái rồi đạp một hơi về nhà. Tuy rất đau khổ nhưng Tín tuyệt đối câm nín về chuyện đó. Nếu chuyện tiết lộ chỉ có Diễm đau khổ thêm chứ tên vô lại kia có thiệt gì? Ôi, một đóa hoa quí chưa kịp nở đã bị con sâu độc cắn cuống!

 

Sở thích màu tím đặc biệt của người con gái không ngờ lại là điềm báo trước về một hoàng hôn tím thẳm cho chính nàng. Những ước mơ vun đắp gần trọn thời gian ngồi ghế học đường của Tín đã vỡ nát. Từ đó, Tín không bao giờ bước đến nhà bà Phường nữa.

 

Về sau Diễm có ghé nhà Tín mấy lần nhưng Tín đều lánh mặt.

 

Một thời gian sau thiên hạ đồn ầm lên là Diễm đã có thai. Rồi có tin Diễm đã đi Quảng Ngãi. Rồi lại có tin Diễm đã sinh con và chết vì bị chứng sản hậu.

 

Thằng Lịch cũng bỏ học nửa chừng, thoát ly theo cách mạng…

 

*

 

Sau này, trên đường đời hỗn độn, tiềm thức vẫn thỉnh thoảng điểm lại cho Tín những kỷ niệm về Diễm. Mối tình chưa bao giờ thố lộ vẫn uẩn ức vùng lên trong nhiều giấc ngủ của Tín. Dù hình ảnh sau cùng đã để lại tì vết không đẹp, nhưng những hình ảnh từ cô bé còn ỉa vứt đến hình ảnh cô nữ sinh Đồng Khánh đoan trang nết na vẫn khó phai mờ trong lòng Tín. Những hình ảnh ấy có lúc đã khiến Tín có cảm tưởng mình đã đắc tội với vợ mình. Mối tình đầu thật phi thường, nó có thể đeo đẳng chi phối cả một kiếp người!

 

Có lẽ sau cơn xúc động trong giây phút tái ngộ đột ngột, Diễm chợt nhận ra mình đã gặp lại một nhân chứng về quá khứ tội lỗi của mình. Cái tội lỗi ấy đã bám riết nàng bao lâu nay và không biết còn đeo đẳng Diễm cho tới bao giờ? Tín nghĩ đó là lý do khiến Diễm đã vội vàng rời phòng tiệc.

 

Càng suy nghĩ Tín càng thấy đau nhói trong lòng. Có thể tám năm tù tội bị ngược đãi với cảnh thiếu thốn vật chất của Tín không thấm vào đâu so với nỗi đau khổ trường kỳ và lớn lao mà Diễm đã gánh chịu. Vẻ gầy còm già nua trước tuổi của Diễm là một bằng chứng. Tín khó tưởng tượng nổi một người có tâm hồn như Diễm lại có thể sống chung với một kẻ thô tục như thằng Lịch bao nhiêu năm nay. Rồi bây giờ nữa, nhan sắc Diễm đã rõ nét tàn phai trong khi Thanh Lịch đang độ tuổi “đàn ông nửa đời trổ trời mà lên”, lại có đủ quyền thế giữa đời… Tín rùng mình nghĩ đến cái màu tím định mệnh!

 

Qua một đêm không ngủ, mới năm giờ sáng Tín đã đánh thức Thiệp dậy:

 

– Cháu chịu khó chở cậu ra bến xe nhé!

 

– Cậu ở lại chơi vài ngày đã chứ! Sáng mai con chở cậu qua thăm ông bà Nam Anh và đi vài nơi trong huyện này cho biết. Hồi hôm thấy cậu có vẻ mệt nên con chưa hỏi chuyện về bà Nam Anh. Con quen biết bà ấy lâu lắm rồi nhưng chưa bao giờ nghe bà nói gì về làng mình cả. Gặp lại một người làng sau hơn hai chục năm xa cách là một điều kỳ thú chứ cậu? Sao cậu lại có vẻ không vui? Nằm thêm chốc lát đi cậu. Trời còn sớm quá!

 

– Thôi, cậu đi lòng vòng đã khá nhiều ngày. Cậu cần về gấp. Cháu đưa giúp cậu ra bến xe bây giờ đi! Cậu dặn cháu điều này nhé: Đừng bao giờ thắc mắc tìm hiểu chi về đời tư của ông bà Nam Anh nghe! Tuyệt đối đừng nhắc đến chuyện người làng người nước chi với họ cả. Tốt nhất là cháu nên tránh gặp họ. Phải nhớ lời dặn của cậu đấy.

 

– Nhưng con chưa biết gì cả mà! Nếu bà Nam Anh tìm đến hỏi con, con biết nói sao?

 

– Có dịp cậu sẽ nói rõ với con. Còn bà Nam Anh con đừng lo. Cậu biết chắc con tránh bà thì bà càng mừng!

 

Thiệp nài nỉ mãi không được đành phải chiều ý đưa Tín ra bến xe.

 

Tín đã dứt khoát bỏ ý định đưa gia đình đến vùng kinh tế mới Cù Châu. Xe chạy qua một đoạn đường dài Tín mới chắc ăn là mình đã thoát hẳn một cuộc “tha hương ngộ cố tri” bất ngờ.

 

Ngô Viết Trọng

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Có lẽ đã đến lúc cần đặt câu hỏi về sự dễ dãi của khán giả Việt? Như vấn đề đã nhiều lần được đặt ra trong lãnh vực âm nhạc, với các cô ca sĩ trong nước gầm rú phô diễn kỹ thuật mà không chuyển tải được nội dung, cảm xúc của bài hát, phim Việt còn nặng tính phô trương kỹ thuật, nhét tất cả mọi chiêu, mọi nước bước, đường đi, ý tưởng vào cùng một vở kịch, rồi nhấn hết cỡ âm lượng, dung lượng trấn áp khán giả - hệt như việc đãi ăn một bữa buffet quá no nê, để khách hài lòng với số lượng mà quên để ý đến phẩm lượng.
Nhận được tin buồn nhà thơ Phan Xuân Sinh sau một cơn bạo bệnh, nhập viện vì bệnh tim mạch, hôn mê sau 10 ngày vô phương cứu chữa đã qua đời tại Texas ngày 28/2/2024. Thọ 76 tuổi...
Từ hồi trẻ, tôi đã có thói quen là những ngày giáp Tết thì bắt đầu chọn một vài bài nhạc xuân để nghe; và trong những ngày đầu năm thì sẽ đọc một cuốn sách. Thói quen “khai sách đầu xuân” có thêm một chi tiết khi tuổi quá độ “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”: đọc một cuốn sách có chủ đề về Phật Giáo. Trong năm Giáp Thìn này, tôi chọn cuốn “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” của một tác giả cũng tuổi con rồng: cư sĩ Nguyên Giác, cũng là nhà báo Phan Tấn Hải. Giới thiệu “tác giả, tác phẩm” dài dòng như vậy, nhưng đối với tôi, người viết đơn giản chỉ là anh Hải, một người anh thân thiết, đã từng có một thời ngồi gõ bàn phím chung trong tòa soạn Việt Báo ở phố Moran. Đọc sách của anh Hải, tôi cũng không dám “điểm sách” hay “phê bình sách”, vì có thể sẽ bị anh phán rằng “… viết như cậu thì chỉ… làm phí cây rừng thôi!” Bài viết này chỉ ghi lại một vài niềm hứng khởi khi được tặng sách, khi đọc qua cuốn sách mà cái tựa cũng đã chạm sâu thẳm vào những điều bản thân đang chiêm nghiệm.
Chúng ta thường được nghe nói, rằng mọi người đều bình đẳng trước Thượng Đế. Tuy nhiên, Thượng đế thì không ai thấy, nhưng có một thứ còn đáng sợ hơn nhân vật cổ sử đó (nếu thật sự là có Thượng Đế): đó là những trận mưa bom. Người dân Ukraine và Palestine ý thức rất rõ, vì đó là chuyện hằng ngày của họ: mọi người đều bình đẳng khi đứng dưới mưa bom. Già, trẻ, nam, nữ, trí thức, nông dân, nhà thơ, họa sĩ… đều bình đẳng: khi bom rơi trúng là chết. Cuộc chiến giữa người Palestine muốn giữ đất và người Israel từ nơi xa tới nhận phần đất mới do quốc tế trao tặng từ đất Palestine đã kéo dài nhiều thập niên. Bây giờ căng thẳng mới nhất là ở Gaza, cuộc chiến đang tiếp diễn giữa nhóm Hamas, thành phần chủ trương bạo lực của dân Palestine, và quân Israel. Trong những người chết vì bom Israel, có những người hiền lành nhất, đó là trẻ em và phụ nữ.
Thông thường khi nghe hai chữ “cô đơn” chúng ta liên tưởng đến trạng thái tinh thần yếm thế, tâm tư buồn bã, ngày tháng chán chường, thậm chí, cuộc đời trống rỗng. Có lẽ, vì ý nghĩa từ điển của từ vựng này; có lẽ, vì ảnh hưởng văn chương nghệ thuật; có lẽ vì chúng ta đã từ lâu tin như thế, mà không bao giờ đặt một nghi vấn nào. Đây là định nghĩa của “cô đơn” qua Bách thư toàn khoa Wikipedia: “Cô đơn là một trạng thái cảm xúc phức tạp và thường gây khó chịu, đáp ứng lại với sự cách ly xã hội. Cô đơn thường bao gồm cảm giác lo lắng về sự thiếu kết hợp hay thiếu giao tiếp với những cá nhân khác, cả ở hiện tại cũng như trong tương lai. Như vậy, người ta có thể cảm thấy cô đơn ngay cả khi xung quanh có nhiều người. Nguyên nhân của sự cô đơn rất đa dạng, bao gồm các vấn đề về xã hội, tâm thần, tình cảm và các yếu tố thể chất.
Vào những ngày cuối năm 2023, khi mà người Mỹ bắt đầu chuẩn bị cho những bữa tiệc Giáng Sinh, năm mới, bàn tán chuyện mua sắm, thì chiến sự giữa Isarel và Hamas chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Trên vùng đất thánh của cả ba tôn giáo lớn, những kiếp người lầm than chỉ mong có một ngày hòa bình, một ngày không bom đạn. Cũng vào những ngày cuối năm 2023, người Mỹ bắt đầu nhìn thấy một viễn cảnh Ukraine bị bỏ rơi, phải chấp nhận đổi đất lấy hòa bình. Nhiều người Việt cho rằng Ukraine sắp là một Việt Nam Cộng Hòa khác, một đồng minh bị Mỹ bỏ rơi, nhưng sau một thời gian có thể nhanh hơn nhiều.
Vào ngày 6 Tháng 12, giới truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin Taylor Swift, nữ ca nhạc sĩ đầy tài năng, được tạp chí Time vinh danh là “Nhân Vật Của Năm 2023” (Person of The Year). Đây là lần đầu tiên một ca nhạc sĩ được bình chọn danh hiệu giá trị này, càng nhấn mạnh thêm sự thành công và sức ảnh hưởng của cô gái hát nhạc pop-đồng quê. Trước đây, nhiều nhân vật được Time chọn từ năm 1927 là các tổng thống Hoa Kỳ, những nhà hoạt động chính trị lỗi lạc.
Bốn câu thơ này được bố tôi (nhà văn Doãn Quốc Sỹ) ghi lại như một giai thoại văn học, làm lời tựa cho tác phẩm Mình Lại Soi Mình. Bố tôi kể rằng khoảng năm 1984, phong trào vượt biên đang rầm rộ. Một người bạn mới gặp đó, mà hôm sau đã vượt biên rồi! Vào một ngày đẹp trời, bố tôi đạp xe từ Sài Gòn qua Làng Báo Chí bên kia cầu xa lộ để thăm chú Nguyễn Đình Toàn. Đến giữa cầu thì thấy chú đang đạp xe theo chiều ngược lại, cũng định đến thăm mình ở căn nhà hẻm Thành Thái. Hai người bạn gặp nhau giữa cầu. Có lẽ chú Toàn đã nhìn những cánh đồng lúa bên Thủ Thiêm, tức cảnh sinh tình, ngẫu hứng làm ra bốn câu thơ này.
Hôm đó, một chàng đương từ Sài Gòn đạp xe tới thăm bạn ở Làng Báo Chí bên kia cầu xa lộ. Chàng vừa đạp xe tới cầu thì gặp bạn cũng đương từ bên kia cầu phóng sang dự định về Sài Gòn thăm mình...
Có một người sống trong thành phố, bận rộn, tranh đấu, xông pha, lăn lộn giữa sự phức tạp như một sinh trùng bị mắc lưới nhện vẫn phải vùng vẫy để sống, để chờ ngày bị ăn thịt. Một hôm, ông ta đi du lịch, thấy một phong cảnh đẹp đến mức lặng người, cảm thấy siêu thoát, nhận ra đạo lý của mục tiêu tại sao con người tồn tại. Nhưng vẫn phải trở về phố cũ, y như Lưu Nguyễn phải trở về làng cũ vì những lý do chính xác, vì lẽ phải của những bổn phận làm người. Ông vẽ lại phong cảnh đó trên một vách tường lớn. Mỗi khi đời giông bão, mỗi khi hồn âm u, mỗi khi trí khổ não, ông đến trước bức tranh, nhìn ngắm, ngẫm nghĩ để tìm thấy sự thanh thản, sở hữu cảm giác bình an. Ông nghe được tiếng hát “chiều nay vang lừng trên sóng.” Ông thấy được “Âm ba thoáng rung cánh đào rơi. Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời.” Hồn ông “lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan.” Những giờ phút tĩnh lặng đó, tâm trí ông “Đèn soi trăng êm nhạc lắng tiếng quên … là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi…”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.