Hôm nay,  

Mùa thu, trăng & hạt mưa

10/09/202217:07:00(Xem: 1584)
Tản mạn

autumn leave

1.


Từ khi con người biết đến hội họa và diễn đạt tâm hồn qua cung bậc của âm nhạc hay bằng hình tượng của văn chương, mùa thu đã theo đấy vào thơ ca, nhạc, họa… Bạn đã từng bàng hoàng khi đứng trước bức tranh thu của một danh họa? Lắng nghe mùa thu sướt mướt trên từng giai âm của cung điệu? Hay run rẩy, thổn thức trước một bài thơ thu đầy lá vàng và tâm trạng? Xốn xang, man mác bởi một nỗi…


Mùa thu xưa, xa lăng lắc của cụ Tam nguyên Yên Đổ: “ Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao/ Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu/ Nước biếc trông như tầng khói phủ…” ăm ắp một trời thu xanh, với gió hắt hiu, nước biếc và khói phủ! Còn cái mùa thu gần với hiện đại của Lưu thi sĩ thì bàng bạc, hiu hắt “dưới trăng mờ thổn thức” bởi người chinh phu “trong lòng người cô phụ”? Gần hơn với thế hệ bây giờ, là cái cảm giác chùng chình của mùa thu qua những cảm nhận của Hữu Thỉnh: “Sương chùng chình qua ngõ/ Hình như thu đã về?” Có nghĩa là thu vừa mới về, và cái vòng quay ba tháng, chín mươi ngày đã trở thành ấn tượng rất riêng của Xuân Quỳnh: “Cuối trời mây trắng bay/ Lá vàng thưa thớt quá!” Cảnh sắc mùa thu tiếc là ở phương Nam nắng gió, rất khó mà nhìn thấy hay cảm nhận một cách rõ rệt như đất trời phía Bắc, và cả ở trời Âu, trời Tây xa vạn dặm. Mùa thu Paris của Cung Trầm Tưởng với màu vàng huyễn hoặc của vườn Lục Xâm Bua. Mùa thu nước Nga trong thơ Olga Bergon, khéo léo nhắc lại những tấm bảng “nhắc nhở” mọi người ở Matxcơva : “Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng”, thì người ta đã cảm nhận và thấu hiểu hết nỗi đau của cây mỗi mùa thu về, sự li biệt của những chiếc lá vàng, rời bỏ những cây mẹ để về cội nguồn của đất cát. Chia tay và li biệt, có ai đó gọi đấy là mùa thu. Một sự tuần hoàn, một vòng quay mới cho sự hồi sinh và tái tạo mới. Phương Đông, lá vàng, hoa cúc… những biểu tượng thu là một trời man mác, nhớ nhung.

 

2.


Nhắc thu thì không thể thiếu vầng trăng, cho dù là “trăng vạn cổ”, quen thuộc với hết thảy mọi người. Song mà trăng dường như mỗi năm mỗi khác, mỗi năm mỗi mới? Mới trong cảm nhận của từng thế hệ, từng lớp người, và trong huyết mạch tâm linh của nòi thi sĩ? Trương Kế xưa từng nhìn trăng qua mấy câu thơ: “Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên”. Vầng trăng rụng, tiếng quạ kêu trong một đêm sương đầy, đã như một phát hiện thần thánh, bản ngã của trăng và cả bản ngã của thi nhân mà người đời sau khó sánh? Vầng trăng thu ắt khác hẳn với vầng trăng xuân của Trương Nhược Hư với “Xuân giang hoa nguyệt dạ”? Cùng với người xưa, vốn trăng là bạn, cho nên: “Giang bạn hà nhân sơ kiến nguyệt” để rồi: “Giang nguyệt hà niên sơ kiến nhân”. Là bạn, có khi rất ư thân thiết, coi như sở hữu của riêng mình? Vì thế mà Hàn Mặc Tử, người ra đời cách đây một trăm năm đã dám rao: “Ai mua trăng tôi bán trăng cho”!


Trăng là chị Hằng Nga duyên dáng, xinh đẹp: “Trăng ngọc màu duyên tỏa bóng ngà/ Đêm thu xinh đẹp dáng Hằng Nga” ( Như Mai), để bao người mơ mình là Hậu Nghệ, mỏi mòn dưới đất để ngắm… trăng trên trời. Mượn túi thơ, bầu rượu để tìm cảm hứng ngợi ca một chị Hằng hàng triệu năm tuổi? Ánh trăng soi song cửa, ánh trăng chiếu vào nhà, gợi nhớ nhiều thứ về quê hương thung thổ, với bao gương mặt của những người thương yêu và cả những bóng hình trong kỷ niệm. Bóng trăng trên sông, bên bờ suối, ở lưng chừng núi và cả “đầu súng trăng treo” vẫn là những hình ảnh một đời khó quên. Rồi ánh trăng nơi sân đình, tiếng trống lân rộn ràng đêm rằm trung thu, rồi tiếng hò reo tở mở của đám trẻ con lúc phá cỗ đón trăng. Bao con người lớn lên dưới ánh trăng thanh hòa bình quê kiểng?


Trăng vốn tính âm, ánh sáng hiền hòa, dịu mát, ví với bà, với mẹ, với chị và cả với người con gái làng đang tuổi cập kê kia mà ai đã từng gửi thương gửi nhớ. Mong đợi cả mấy mùa trăng?

 

3.


Mùa thu phương Nam đồng nghĩa với mùa mưa, những cơn mưa đỏng đảnh, chợt đến chợt đi. Song cũng có lúc mưa dầm dề, tối trời, tối đất, mà mỗi khi mưa dai dẳng, đăng đăng đê đê, lại chạnh lòng lo miền Bắc, miền Trung bão lũ, lắng nghe đài báo mỗi cơn áp thấp, mỗi cơn bão về là lại mang mang lắm nỗi niềm của những người con xa xứ, dõi mắt về quê qua làn mưa, chẳng phải “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ”, mà mưa bay qua mắt, từng hạt, từng hạt, xốn xang, nặng trĩu cả lòng!


Hạt mưa mùa thu, bỗng một sáng nắng ấm, trong văn vắt đọng lại trên sợi dây phơi phía sau hè, cái níu tay khẽ khàng làm lăn dài sợi mưa, nghe nắng ấm tràn trên tay mà vui vì lắm nỗi. Sẽ không còn mưa dầm, làm tù túng chân người già, con trẻ trong nhà. Phía sân chung của khu phố nhỏ, nhiều tiếng cười hơn, bài tập dưỡng sinh vẫn còn chưa dứt, dưới những vệt nắng vàng, làm lay lay những cành lá?


Hạt mưa lại thánh thót nhỏ vào cái lu nước màu da lươn bóng láng trước hiên, rồi mưa lại lộp bộp trên mái nhà, hàng cây lá reo dưới mưa. Không vàng sắc thu mà đang xanh dậy thì, cái màu lục diệp mơn mởn dưới mưa…


Trần Hoàng Vy

(Tiết thu phân)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hồi ở trại tỵ nạn Thailand, tôi có lúc đã quay cuồng “chạy sô” đi học 4 thứ tiếng.
Thơ của hai thi sĩ Thy An & Lê Minh Hiền
Nhận được bài thơ của người bạn Phạm Xuân Tích, tôi thấy bài thơ của ông bạn khá độc đáo và lý thú, tôi mạo muội viết lại sao y bản chính – cả hai bản tiếng Pháp và bản dịch tiếng Việt cũng của ông ấy, để hầu các vị đọc cho vui...
Mấy hôm nay có những cơn mưa kèm theo gió mạnh buổi chiều kéo dài đến khuya, báo hiệu sắp hết mùa Hè. Tôi lại nhớ tuổi trẻ của mình những năm đầu “lập nghiệp” vào mùa tựu trường...
Nói về "giàu nghèo" là nói về một vấn đề rất tế nhị bởi vì nó đụng đến đồng tiền. Mà đồng tiền luôn luôn có hai mặt: mặt tốt và mặt xấu. Nhưng đó là điều cần phải làm vì mấy ai có thể nói mình biết quản lý tốt đồng tiền...
Tôi trôi tuổi ấu thơ, từ quê hương cùng khổ, rau dưa khoai sắn / Tôi trôi từ chợ quán rường, cái đình làng, ngôi trường tiểu học, áo lấm lem màu mực tím mẹ mới mua, cùng cây viết lá tre, trang giấy tự túc, vàng khè, không trông rõ chữ...
Buổi sáng, đánh răng rửa mặt xong chị Bông bước ra ngoài vườn sau và cất tiếng hát mở đầu một bản nhạc tình Bolero “Hôm ấy anh đi, mình với mình vừa quen…” Thấy anh Bông đang lúi cúi bên mấy thùng recycle và thùng rác chị Bông hớn hở chạy đến gần...
Buổi sáng vào hãng, sau khi chào hỏi và cụng ngực với những người làm chung. Mình bị tay đốc công gọi vào văn phòng giũa: “Tại sao mầy không coi ngó tụi nó, tuần rồi mấy lô hàng bị sai, ông chủ đang giận dữ”...
Thời buổi công nghệ tiến triển như hiện nay, lợi ích cũng có mà lợi hại cũng kèm theo y như combo không thể thiếu. Ai dùng facebook, yahoo đều biết lúc này chuyện kẻ gian (mà chúng ta gọi là hackers) xâm nhập tài khoản của chúng ta, rồi giả mạo là chủ nhân, liên lạc chỗ này chỗ kia trong friend list để xin xỏ, lừa lọc tiền bạc, rồi dính chùm nhau mắc lừa, hackers lại tung hoành đi phá hoại tiếp những người khác...
Xưa, có nhà văn nhận xét về người Việt là “ Gì cũng cười!” Cười mọi lúc, mọi nơi. Nghèo giàu, sướng khổ, vinh nhục gì cũng cười? Song có lẽ cũng đã... “ xưa rồi Diễm”, ngày nay lại có thêm nhận xét: Người mình... gì cũng chửi? Chửi mọi lúc, mọi nơi, trên tầng cây số...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.