Hôm nay,  

Edmonton có gì lạ?

15/08/202220:12:00(Xem: 3399)

Tản mạn

IMG_6342
 Thầy Pháp Hoà & tác giả tại chùa Trúc Lâm, Edmonton, Canada.

 

Khi mới qua Canada định cư ở thủ đô Ottawa, tôi chẳng biết nhiều về các thành phố khác, ngoại trừ vài thành phố lớn lân cận xung quanh miền Đông Canada như: Toronto, Montreal, Quebec. Đến lúc chồng tôi được chuyển việc làm tôi mới biết có một thành phố mang tên Edmonton ở vùng viễn tây Canada thuộc tỉnh bang Alberta. Thời đó chưa có Googles nên chúng tôi phải vào thư viện Ottawa để tìm sách đọc về Edmonton trước khi dọn đến cho bớt ngỡ ngàng. Dù là thủ phủ của bang nhưng Edmonton không phải là thành phố lớn, dân số hơn một triệu người với diện tích 684 cây số vuông và chẳng có tiếng tăm gì với những điểm du ngoạn nổi bật. Ngày chia tay với bạn bè, họ chúc chúng tôi đến Edmonton bình an cuộc sống với… mọi da đỏ, vì họ nghĩ đây là vùng thảo nguyên bao la, gần phía Bắc Cực, là nơi cư trú của dân “native”. Người trong Canada mà còn nghĩ vậy thì nói chi đến những người ở các nước khác. Mỗi khi có bạn ở Mỹ, Châu Âu, Úc hay Việt Nam hỏi tôi ở thành phố nào, khi nghe đến Edmonton ai cũng ngơ ngác:

 

– Edmonton ở đâu, có gần Toronto không?

 

Tôi hơi bị… quê, nhưng vẫn cố gỡ gạc:

 

– Bạn có biết thành phố Vancouver thuộc bang British Columbia không, nằm gần với Seattle của bên Mỹ đó!

 

– Vancouver của Canada và Seattle của Mỹ là hai thành phố nổi tiếng, ai mà không biết!

 

– Thì đó! Edmonton của tôi gần Vancouver.

 

– Gần là gần bao lâu tiếng lái xe?

 

– Cỡ... 12 tiếng chớ nhiêu!

 

– Mà đến Edmonton có gì chơi hôn?

 

– Cũng có chớ! Cái West Edmonton Mall lớn nhứt Bắc Mỹ.

 

– Xời! Mall ở nơi đâu chả giống nhau, chỉ có diện tích lớn hơn thì có gì mà… khoe?!

 

Tôi tự ái dồn dập, nhưng họ nói cũng chẳng sai. Thú thật, cả năm tôi đến West Edmonton Mall chừng một, hai lần, hoặc khi có người thân từ nơi khác qua chơi, tôi đưa họ đến đó cho biết. Mall rộng lớn thênh thang vì ngoài các tầng lầu cho shopping, còn có các casinos, hotels, restaurants, supermarkets, bars, rạp chiếu phim, hồ tắm có bãi biển nhân tạo, nên mua sắm xong cũng rã rời cả chân tay. (Chả hiểu tại sao thành phố nhỏ xíu mà lại… chơi sang, xây một cái Mall thiệt bự?)

 

Thành phố nhỏ nên cộng đồng người Việt cũng nhỏ. Phố Việt chỉ quanh quẩn mấy blocks đường, và các quán ăn món Việt cũng ở mức độ “thường thường bậc trung”.

 

Tôi âm thầm sống trong thành phố Edmonton bé nhỏ gần hai mươi năm qua, cho đến vài năm gần đây, cũng những bạn bè trước đây hờ hững hỏi Edmonton có gì vui, có gì lạ thì nay họ phone cho tôi, giọng điệu thay đổi 180 độ, ân cần thân thiết:

 

– Bà ở Edmonton vậy có biết Thầy Thích Pháp Hoà không nà?

 

– Thì sao? Nhà tui chỉ cách Chùa Trúc Lâm của Thầy vài con đường.

 

– Bà không biết thiệt sao? Thầy đi thuyết pháp trong cộng đồng người Việt khắp nơi, từ đất nước Canada qua đến hầu hết các tiểu bang nước Mỹ, đến cả Nhật Bản, Hàn Quốc. Tiếng tăm của Thầy bay về cả Việt Nam. Bà vào youtube kiếm tên Thầy, muốn nghe bằng tiếng Việt hay tiếng Anh đều có.

 

Trước đây khi Má tôi còn sống thì bà thường đi Chùa, sau khi Má mất đến nay chỉ còn vài anh chị em trong gia đình có đi Chùa vào những dịp lễ lớn. Riêng tôi trở thành con chiên của Chúa, nhưng vì mê các món ăn chay của Chùa Trúc Lâm rất ngon như chả giò, canh chua, đậu hũ chiên giòn, đậu hũ kho thơm, nên thỉnh thoảng có ghé mua. Bữa đó, sau khi mua đồ chay, tôi thấy trong tủ sách của Chùa có sách của Vĩnh Hảo, người gốc Nha Trang từng là một tu sỹ Phật Giáo, sau đó hoàn tục, hiện đang ở California. Tôi đã đọc và yêu mến khung cảnh bàng bạc của quê hương qua những ngôi Chùa bình yên mùi khói nhang hoà quyện với tiếng gõ mõ của từng thời kinh sớm chiều, cũng như những triết lý giản đơn nhưng thẳm sâu giữa đời và đạo trong sách của Vĩnh Hảo. Thầy Pháp Hoà thấy tôi ngắm sách liền bảo:

 

– Chị thích thì đem về đọc, khi nào xong đem lại trả cũng được.

 

– Nếu tôi giữ luôn, được không Thầy?

 

– Lúc đó thì em tặng chị, còn bây giờ thì cho… mượn!

 

Nói đùa vậy thôi, chớ tôi có thời gian dài làm MC cộng đồng nên Thầy Pháp Hoà cũng từng thay mặt Chùa đi dự những buổi Hội Chợ Tết, Trung Thu, Gây Quỹ…tôi nào dám lấy sách của Thầy, mang tiếng… xấu cho MC thì sao!

 

Hoá ra, tôi là hàng xóm của một “ngôi sao”. Chị bạn bên Dallas kể, chiều nào đi làm về, lúc nấu cơm chị mở youtube nghe Thầy, mỗi lần nghe xong, chị thấy hết muốn cằn nhằn chồng con nữa, mà thương yêu nhau hơn. Nhỏ bạn bên Pháp thì nói, nghe Thầy để hiểu hai chữ “vô thường” của cuộc đời, nhưng vì hay… quên nên phải nghe mỗi ngày để nhớ mà sống chậm hơn. Một chị khác bên Việt Nam tâm sự với tôi, có đêm chị nằm mơ thấy được nghe Thầy giảng, tỉnh dậy mà cõi lòng bình an chi lạ.

 

Tôi liền tìm YouTube nghe thử, và quả thật là hay. Giọng nói từ tốn, không khuyến khích mê tín, cuồng đạo, rất gần gũi, có duyên và hài hước nhẹ nhàng.

 

Một vị tu sỹ, lãnh đạo tinh thần của một tôn giáo, khi có tài giảng thuyết hay, hấp dẫn, sẽ thu hút được đám đông. Những yếu tố tạo nên bài giảng hay, có thể kể đến: nội dung bài giảng, cách chuẩn bị soạn thảo bài giảng, lối trình bày bài giảng, và… diện mạo bên ngoài của vị giảng thuyết (yếu tố cuối cùng này cũng khá quan trọng á!). Thầy Pháp Hoà có dáng dấp, phong thái, khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười làm cho người đối diện lập tức cảm mến và tin tưởng nên Thầy có lượng “fan” đông đảo là chuyện dễ hiểu.

 

Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu Phật Pháp của Phật tử khắp nơi, khi Chùa Trúc Lâm khá chật hẹp, Thầy Pháp Hoà đã xây dựng Westlock Meditation Center, còn gọi là Tu viện Tây Thiên, vùng ngoại ô Edmonton. Không gian tu viện Tây Thiên thân thương thanh tịnh, phảng phất bóng dáng quê nhà, có chút hiền hoà đặc trưng của làng quê châu Âu hay Bắc Mỹ. Những đồi cỏ xanh mướt xen kẽ những hàng cây táo, vườn hồng ngát hương, các loài cây có tán xanh rì gợi cho người thưởng ngoạn thấy lòng tĩnh tâm, buông xả, hít thở trọn vẹn vào cái không khí tĩnh lặng, trong veo và thanh tao ấy. Mỗi năm Tây Thiên đón chào cả ngàn du khách từ khắp nơi (nhiều nhất là từ Mỹ) đến viếng và tham dự các khoá tu học suốt bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông.

 

Và thế là Edmonton bỗng dưng… nổi tiếng, ít nhất là trong giới Phật Tử muôn phương. Mấy đứa bạn ngày xưa hay “chọc quê” tôi ở vùng “khỉ ho cò gáy”, nay không tiếc lời ngợi khen nức nở, hứa hẹn sẽ bay đến Edmonton để diện kiến Thầy Pháp Hoà bằng xương bằng thịt, rồi sau đó tiện thể sẽ ghé… thăm tôi!

 

Ai đó đã nói “yêu em lòng chợt từ bi… bất ngờ” quả không sai!

 

Kim Loan

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong cuộc sống của con người, từ gia đình đến xã hội, sự vui đùa bao giờ cũng cần thiết. Khi đang làm việc mệt nhọc, nghe một câu nói đùa, lòng bỗng thấy vui, cơn mệt nhọc như tiêu bớt một phần. Hai người đang tức giận nhau, không khí đang căng, chỉ một câu nói đùa có thể hóa giải hoặc làm giảm cường độ xích mích...
Từng thùng cây thông con được đưa từ chiếc xe tải vừa sửa xong xuống đất. 37 người làm trong "Hợp Tác Xã Sửa Chữa Ô Tô 19/8 " Đà Lạt, đang đi công tác ở gần thác Prenn: Bửu Sơn Tự, là một ngôi chùa nhỏ của vài chú tiểu và một nhà sư tu được vài năm nay...
Ba chị em Tabi, Betsy và Holden tung tăng trong chợ Target, hôm nay chúng theo bố mẹ đi chọn mua đồ cho ngày khai trường vào ngày 24 tháng tám sắp tới. Chợ nào cũng “Back to School Sale” đua nhau giảm gía nhiều quần áo, giày dép và đồ dùng cho học sinh. Ba chị em vui thích lắm...
Chị Thiên Kim sinh trưởng vào thập niên năm mươi của thế kỷ trước, trong một gia đình khá giả có cửa hiệu buôn bán ở phố Ngã Giữa, đường Phạn Bội Châu, Huế (nay là đường Phan Đăng Lưu). Hồi học trường Đồng Khánh chị đã nức tiếng hoa khôi, nên mỗi lần tan lớp, có nhiều “cái đuôi” theo về tận ngõ, hoặc trồng cây si trước cổng đợi tan trường...
Sáng sớm, vừa mở di động vào messenger gặp ngay tin nhắn của Duyên. Sững người. Rồi cười. Sao thế nhỉ? Sao con bé lại hỏi câu ấy nhỉ? Đang định nhắn “Sao em biết?” thì giật mình, xóa chữ đi lùi, sửa lại...
Ông Hương Cả làng Ngọc Thạnh nổi tiếng mát tay, tuy là chức sắc trong làng nhưng người làng ít kêu ông là ông Hương Cả mà họ kêu là thầy Hai. Thầy Hai bốc thuốc Nam rất hiệu nghiệm, ai bị bệnh gì cũng tìm tới thầy Hai. Thầy Hai xem mạch và bốc thuốc làm phước chứ chẳng phải lấy tiền...
Tôi và Hùng giận nhau đã hơn tuần lễ sau một trận cãi vã dữ dội, chúng tôi quyết định xa nhau. Khuôn mặt cương nghị tuấn tú của chàng với nụ cười ngạo nghễ luôn luôn ám ảnh tôi...
Người chồng cô có một số phận khá kỳ lạ. Anh sinh ra trong một gia đình nghèo khó trong vùng đồng bằng sông Cửu Long...
Thơ của ba nhà thơ: Nguyễn-hoà-Trước, Trần Hạ Vi, Trần Yên Hòa...
Kể lạ, ở “nước non mình”, bút hiệu của các nhà sáng tác qua nhiều lãnh vực văn chương, thi ca, âm nhạc, hội họa, nghiên cứu phê bình, truyền hình, báo chí, diễn viên, có bút hiệu/danh, là Sơn [không kể Sơn ở đầu như Sơn Nam, Sơn Tùng, Sơn Vương…] là đông vô số kể. Thiếu Sơn, Triều Sơn, Trúc Sơn, Phạm văn Sơn, Trịnh Công Sơn, Mai Sơn, Phong Sơn, Vân Sơn, Trần văn Sơn, Linh Sơn, Trần Áng Sơn, Từ Sơn, Vinh Sơn, Tiến Sơn, Cao Sơn, Ngô văn Sơn, Lê Thái Sơn, Nguyễn Lê La Sơn, Lê Tây Sơn. Chu Sơn, Tùng Sơn, Hoài Sơn, Đào Bá Sơn…Trong đó hai ông Sơn thi sĩ là….đáng yêu nhất. Nguyễn Đức Sơn và Nguyễn Bắc Sơn. Đáng yêu, vì hai ông này đều có tài, đều có cái lạ trong thơ, lẫn ngất ngư, ngất ngưỡng, ngất ngây trong đời sống.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.