Hôm nay,  

Edmonton có gì lạ?

15/08/202220:12:00(Xem: 3400)

Tản mạn

IMG_6342
 Thầy Pháp Hoà & tác giả tại chùa Trúc Lâm, Edmonton, Canada.

 

Khi mới qua Canada định cư ở thủ đô Ottawa, tôi chẳng biết nhiều về các thành phố khác, ngoại trừ vài thành phố lớn lân cận xung quanh miền Đông Canada như: Toronto, Montreal, Quebec. Đến lúc chồng tôi được chuyển việc làm tôi mới biết có một thành phố mang tên Edmonton ở vùng viễn tây Canada thuộc tỉnh bang Alberta. Thời đó chưa có Googles nên chúng tôi phải vào thư viện Ottawa để tìm sách đọc về Edmonton trước khi dọn đến cho bớt ngỡ ngàng. Dù là thủ phủ của bang nhưng Edmonton không phải là thành phố lớn, dân số hơn một triệu người với diện tích 684 cây số vuông và chẳng có tiếng tăm gì với những điểm du ngoạn nổi bật. Ngày chia tay với bạn bè, họ chúc chúng tôi đến Edmonton bình an cuộc sống với… mọi da đỏ, vì họ nghĩ đây là vùng thảo nguyên bao la, gần phía Bắc Cực, là nơi cư trú của dân “native”. Người trong Canada mà còn nghĩ vậy thì nói chi đến những người ở các nước khác. Mỗi khi có bạn ở Mỹ, Châu Âu, Úc hay Việt Nam hỏi tôi ở thành phố nào, khi nghe đến Edmonton ai cũng ngơ ngác:

 

– Edmonton ở đâu, có gần Toronto không?

 

Tôi hơi bị… quê, nhưng vẫn cố gỡ gạc:

 

– Bạn có biết thành phố Vancouver thuộc bang British Columbia không, nằm gần với Seattle của bên Mỹ đó!

 

– Vancouver của Canada và Seattle của Mỹ là hai thành phố nổi tiếng, ai mà không biết!

 

– Thì đó! Edmonton của tôi gần Vancouver.

 

– Gần là gần bao lâu tiếng lái xe?

 

– Cỡ... 12 tiếng chớ nhiêu!

 

– Mà đến Edmonton có gì chơi hôn?

 

– Cũng có chớ! Cái West Edmonton Mall lớn nhứt Bắc Mỹ.

 

– Xời! Mall ở nơi đâu chả giống nhau, chỉ có diện tích lớn hơn thì có gì mà… khoe?!

 

Tôi tự ái dồn dập, nhưng họ nói cũng chẳng sai. Thú thật, cả năm tôi đến West Edmonton Mall chừng một, hai lần, hoặc khi có người thân từ nơi khác qua chơi, tôi đưa họ đến đó cho biết. Mall rộng lớn thênh thang vì ngoài các tầng lầu cho shopping, còn có các casinos, hotels, restaurants, supermarkets, bars, rạp chiếu phim, hồ tắm có bãi biển nhân tạo, nên mua sắm xong cũng rã rời cả chân tay. (Chả hiểu tại sao thành phố nhỏ xíu mà lại… chơi sang, xây một cái Mall thiệt bự?)

 

Thành phố nhỏ nên cộng đồng người Việt cũng nhỏ. Phố Việt chỉ quanh quẩn mấy blocks đường, và các quán ăn món Việt cũng ở mức độ “thường thường bậc trung”.

 

Tôi âm thầm sống trong thành phố Edmonton bé nhỏ gần hai mươi năm qua, cho đến vài năm gần đây, cũng những bạn bè trước đây hờ hững hỏi Edmonton có gì vui, có gì lạ thì nay họ phone cho tôi, giọng điệu thay đổi 180 độ, ân cần thân thiết:

 

– Bà ở Edmonton vậy có biết Thầy Thích Pháp Hoà không nà?

 

– Thì sao? Nhà tui chỉ cách Chùa Trúc Lâm của Thầy vài con đường.

 

– Bà không biết thiệt sao? Thầy đi thuyết pháp trong cộng đồng người Việt khắp nơi, từ đất nước Canada qua đến hầu hết các tiểu bang nước Mỹ, đến cả Nhật Bản, Hàn Quốc. Tiếng tăm của Thầy bay về cả Việt Nam. Bà vào youtube kiếm tên Thầy, muốn nghe bằng tiếng Việt hay tiếng Anh đều có.

 

Trước đây khi Má tôi còn sống thì bà thường đi Chùa, sau khi Má mất đến nay chỉ còn vài anh chị em trong gia đình có đi Chùa vào những dịp lễ lớn. Riêng tôi trở thành con chiên của Chúa, nhưng vì mê các món ăn chay của Chùa Trúc Lâm rất ngon như chả giò, canh chua, đậu hũ chiên giòn, đậu hũ kho thơm, nên thỉnh thoảng có ghé mua. Bữa đó, sau khi mua đồ chay, tôi thấy trong tủ sách của Chùa có sách của Vĩnh Hảo, người gốc Nha Trang từng là một tu sỹ Phật Giáo, sau đó hoàn tục, hiện đang ở California. Tôi đã đọc và yêu mến khung cảnh bàng bạc của quê hương qua những ngôi Chùa bình yên mùi khói nhang hoà quyện với tiếng gõ mõ của từng thời kinh sớm chiều, cũng như những triết lý giản đơn nhưng thẳm sâu giữa đời và đạo trong sách của Vĩnh Hảo. Thầy Pháp Hoà thấy tôi ngắm sách liền bảo:

 

– Chị thích thì đem về đọc, khi nào xong đem lại trả cũng được.

 

– Nếu tôi giữ luôn, được không Thầy?

 

– Lúc đó thì em tặng chị, còn bây giờ thì cho… mượn!

 

Nói đùa vậy thôi, chớ tôi có thời gian dài làm MC cộng đồng nên Thầy Pháp Hoà cũng từng thay mặt Chùa đi dự những buổi Hội Chợ Tết, Trung Thu, Gây Quỹ…tôi nào dám lấy sách của Thầy, mang tiếng… xấu cho MC thì sao!

 

Hoá ra, tôi là hàng xóm của một “ngôi sao”. Chị bạn bên Dallas kể, chiều nào đi làm về, lúc nấu cơm chị mở youtube nghe Thầy, mỗi lần nghe xong, chị thấy hết muốn cằn nhằn chồng con nữa, mà thương yêu nhau hơn. Nhỏ bạn bên Pháp thì nói, nghe Thầy để hiểu hai chữ “vô thường” của cuộc đời, nhưng vì hay… quên nên phải nghe mỗi ngày để nhớ mà sống chậm hơn. Một chị khác bên Việt Nam tâm sự với tôi, có đêm chị nằm mơ thấy được nghe Thầy giảng, tỉnh dậy mà cõi lòng bình an chi lạ.

 

Tôi liền tìm YouTube nghe thử, và quả thật là hay. Giọng nói từ tốn, không khuyến khích mê tín, cuồng đạo, rất gần gũi, có duyên và hài hước nhẹ nhàng.

 

Một vị tu sỹ, lãnh đạo tinh thần của một tôn giáo, khi có tài giảng thuyết hay, hấp dẫn, sẽ thu hút được đám đông. Những yếu tố tạo nên bài giảng hay, có thể kể đến: nội dung bài giảng, cách chuẩn bị soạn thảo bài giảng, lối trình bày bài giảng, và… diện mạo bên ngoài của vị giảng thuyết (yếu tố cuối cùng này cũng khá quan trọng á!). Thầy Pháp Hoà có dáng dấp, phong thái, khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười làm cho người đối diện lập tức cảm mến và tin tưởng nên Thầy có lượng “fan” đông đảo là chuyện dễ hiểu.

 

Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu Phật Pháp của Phật tử khắp nơi, khi Chùa Trúc Lâm khá chật hẹp, Thầy Pháp Hoà đã xây dựng Westlock Meditation Center, còn gọi là Tu viện Tây Thiên, vùng ngoại ô Edmonton. Không gian tu viện Tây Thiên thân thương thanh tịnh, phảng phất bóng dáng quê nhà, có chút hiền hoà đặc trưng của làng quê châu Âu hay Bắc Mỹ. Những đồi cỏ xanh mướt xen kẽ những hàng cây táo, vườn hồng ngát hương, các loài cây có tán xanh rì gợi cho người thưởng ngoạn thấy lòng tĩnh tâm, buông xả, hít thở trọn vẹn vào cái không khí tĩnh lặng, trong veo và thanh tao ấy. Mỗi năm Tây Thiên đón chào cả ngàn du khách từ khắp nơi (nhiều nhất là từ Mỹ) đến viếng và tham dự các khoá tu học suốt bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông.

 

Và thế là Edmonton bỗng dưng… nổi tiếng, ít nhất là trong giới Phật Tử muôn phương. Mấy đứa bạn ngày xưa hay “chọc quê” tôi ở vùng “khỉ ho cò gáy”, nay không tiếc lời ngợi khen nức nở, hứa hẹn sẽ bay đến Edmonton để diện kiến Thầy Pháp Hoà bằng xương bằng thịt, rồi sau đó tiện thể sẽ ghé… thăm tôi!

 

Ai đó đã nói “yêu em lòng chợt từ bi… bất ngờ” quả không sai!

 

Kim Loan

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mấy hôm nay có những cơn mưa kèm theo gió mạnh buổi chiều kéo dài đến khuya, báo hiệu sắp hết mùa Hè. Tôi lại nhớ tuổi trẻ của mình những năm đầu “lập nghiệp” vào mùa tựu trường...
Nói về "giàu nghèo" là nói về một vấn đề rất tế nhị bởi vì nó đụng đến đồng tiền. Mà đồng tiền luôn luôn có hai mặt: mặt tốt và mặt xấu. Nhưng đó là điều cần phải làm vì mấy ai có thể nói mình biết quản lý tốt đồng tiền...
Tôi trôi tuổi ấu thơ, từ quê hương cùng khổ, rau dưa khoai sắn / Tôi trôi từ chợ quán rường, cái đình làng, ngôi trường tiểu học, áo lấm lem màu mực tím mẹ mới mua, cùng cây viết lá tre, trang giấy tự túc, vàng khè, không trông rõ chữ...
Buổi sáng, đánh răng rửa mặt xong chị Bông bước ra ngoài vườn sau và cất tiếng hát mở đầu một bản nhạc tình Bolero “Hôm ấy anh đi, mình với mình vừa quen…” Thấy anh Bông đang lúi cúi bên mấy thùng recycle và thùng rác chị Bông hớn hở chạy đến gần...
Buổi sáng vào hãng, sau khi chào hỏi và cụng ngực với những người làm chung. Mình bị tay đốc công gọi vào văn phòng giũa: “Tại sao mầy không coi ngó tụi nó, tuần rồi mấy lô hàng bị sai, ông chủ đang giận dữ”...
Thời buổi công nghệ tiến triển như hiện nay, lợi ích cũng có mà lợi hại cũng kèm theo y như combo không thể thiếu. Ai dùng facebook, yahoo đều biết lúc này chuyện kẻ gian (mà chúng ta gọi là hackers) xâm nhập tài khoản của chúng ta, rồi giả mạo là chủ nhân, liên lạc chỗ này chỗ kia trong friend list để xin xỏ, lừa lọc tiền bạc, rồi dính chùm nhau mắc lừa, hackers lại tung hoành đi phá hoại tiếp những người khác...
Xưa, có nhà văn nhận xét về người Việt là “ Gì cũng cười!” Cười mọi lúc, mọi nơi. Nghèo giàu, sướng khổ, vinh nhục gì cũng cười? Song có lẽ cũng đã... “ xưa rồi Diễm”, ngày nay lại có thêm nhận xét: Người mình... gì cũng chửi? Chửi mọi lúc, mọi nơi, trên tầng cây số...
Mặt trời đang ngập ngừng lặn sau lũy tre xa. Ánh nắng vàng còn xót lại vương vãi trên cánh đồng đã đổi thành màu da cam rồi màu tím nhạt. Dăm ba chị nông dân đương gánh lúa về, đòn gánh nặng trĩu nhún nhẩy trên vai. Họ trao nhau vài câu chuyện ngắn, đứt quãng, xen lẫn tiếng chuông chùa thong thả ngân từng tiếng một vang vào không trung. Vài con chim lạc lõng vội vàng bay về tổ...
Ngày 16/12/1970, phim Love Story (Chuyện Tình) với nhạc phẩm chủ đề của Francis Lai được trình chiếu đầu tiên ở Hoa Kỳ thu hút khán giả trong 4 tuần liên tục...
Thơ của hai thi sĩ Quảng Tánh Trần Cầm & Thy An...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.