Hôm nay,  

Ăn để mà sống

19/07/202217:45:00(Xem: 2205)

Phiếm

pho

 

Khi mùa dịch Covid ập đến, với một số người Việt tại Canada (tôi đoán chừng) là không có hiện tượng chạy vào Costco hay các chợ khác mua nhiều gạo mắm hay thức ăn tích trữ, ngoại trừ những người nhẹ dạ, lo xa. Bởi vì khí hậu Canada tuy có đầy đủ bốn mùa, nhưng trong đó có hai mùa giá băng, mấy tháng lạnh lẽo kéo dài, nên gia đình tôi, cũng giống như nhiều gia đình Việt khác, đều có tủ đông lạnh (freezer) loại nhỏ để dưới basement, dành cho việc chứa thêm các loại thịt thà, cá mắm, phòng hờ cho mùa đông lỡ có bão tuyết hoặc đường trơn trợt không thể đi chợ thường xuyên. Do vậy, dịch đến hay dịch đi, tủ thức ăn dự trữ lúc nào cũng đầy ắp!

 

Và rồi chúng ta đã bắt đầu chung sống với dịch. Kể từ lúc dịch ở đỉnh cao cho đến nay, khi lệnh cách ly đã được nới lỏng, chuyện chợ búa của nhà tôi cũng vẫn duy trì phương châm “đơn sơ, nhanh, gọn”:  mua vịt quay heo quay ăn với dưa leo bánh mì, xen kẽ mỗi tuần đi chợ Việt hoặc chợ Canada gần nhà. Vào đó, tôi quơ thiệt lẹ vài loại thịt bò gà heo, lấy vài mớ rau và các thứ trái cây (cam quít, chuối, táo…) Thế là đủ sống!

 

Hôm nọ chồng tôi muốn ăn phở bò. “Chuyện nhỏ!” Tôi lục tủ đông lạnh có đủ xương bò, đuôi bò, nạm bò, bò viên. Tôi cũng kịp mua đủ bánh phở tươi, rau quế, ngò gai, giá, chanh, củ hành, gừng… nói chung là đầy đủ cho một nồi phở. Ui cha, nồi nước lèo thơm ngất ngây, lan toả khắp căn nhà từ trên lầu xuống dưới phòng khách, bay ra cả vườn sau nơi chồng tôi đang cắt cỏ. Xong việc vườn tược, chồng tôi đi tắm, tôi hoàn tất những giai đoạn cuối cùng của nồi phở và chuẩn bị dọn ra cho cả nhà thưởng thức. Mọi thứ đã bày biện sẵn sàng ngoài bàn, tôi mới tá hoả tam tinh khi lục mãi trong tủ lạnh chẳng thấy mấy chai tương đen tương đỏ ở đâu. Vậy là nhà đã hết tương ăn phở mà tôi không biết. Mà cái món phở chúng tôi đã ăn theo thói quen bao nhiêu năm nay là phải có tương, giờ biết làm sao?

 

Tôi bỗng nhớ lại lần ra Hà Nội chơi năm 1986 (trước khi đi vượt biên), buổi sáng ra chợ Đồng Xuân, ngay Cửa Nam, vào quán phở, gọi hai bát phở chung với cô bạn. Họ đem ra đúng… hai bát phở. Tôi nhìn bát phở “solo” mà quá đỗi ngạc nhiên, bèn đổi giọng Bắc Kỳ hỏi chủ quán:

 

– Chị ơi, em bảo này, cho em tí rau giá, được không ạ?

 

Chị chủ quán khựng lại, nhận ra tôi là gái Sài Gòn giả giọng Hà Nội, bèn lên giọng chanh chua chát:

 

– Đây là Phở Bắc nhé, chẳng rau giá gì sất!

 

Có chút ngơ ngác cộng với bất ngờ, nhưng tôi vẫn vớt vát:

 

– Thế quán nhà mình không có tương đen tương đỏ hở bác?

 

Chị chủ lại nhìn tôi, lần này thì trợn mắt, sẵng giọng the thé:

– Đây là Phở Bắc nhá! Đây là Phở “Hà Lội” nhá! Muốn tương thì về Lam (Nam) mà ăn! Rách việc!!!

 

Chả nhớ bát phở hôm ấy có ngon không, chỉ nhớ cảm giác thiếu thiếu sao đó! Nhưng nhớ nhất vẫn là nỗi lòng bực mình, khó chịu vì bị đối xử như gáo nước lạnh nơi thủ đô nghìn năm văn hiến.

 

Về Sài Gòn, và sau này qua Canada, hay những khi qua Mỹ chơi, tôi vẫn tiếp tục được ăn phở phải có tương. Riêng bà chị Cả của tôi ở Arlington, Texas thì xưa nay vẫn ăn theo kiểu Bắc (không tương). Chị ấy bảo, nồi phở đang thơm, bát phở đang nồng nàn, mày cho tương vào là hỏng hết! Nhưng biết nói sao với một thói quen đã bao nhiêu năm, nên tôi vẫn ngoan cố ăn phở có tương, và gân cổ cãi chầy cãi cối:

 

– Ối, phở không tương thì còn gì là… phở?

 

Thế đấy, mới biết khẩu vị ăn uống của mỗi người là “chín người mười một ý”. Kẻ thích tương người thì bảo làm hư phở, người thích giá sống giòn rụm kẻ lại ưng giá trụng, người thích chín nạm gầu kẻ lại mê tái sống bò viên, chưa hẳn đã giống nhau, và cũng không bao giờ có một “chân lý” bất di bất dịch cho bất cứ một món ăn nào!

 

Trở lại nồi phở mùa dịch của nhà tôi, dù biết thiếu tương là mất ngon nhưng dĩ nhiên, tôi không muốn chạy xe gần nửa tiếng ra chợ phố Việt, rồi có khi phải xếp hàng thêm nửa tiếng nữa (vì mùa dịch nên số người vào chợ bị giới hạn) để chỉ mua hai chai tương! Tôi nghĩ, bà chị Cả tôi và nhiều người khác vẫn ăn theo kiểu Bắc không tương thì đã sao. Tôi cũng nhớ lại lần ăn phở Bắc bất đắc dĩ năm xưa tại chợ Đồng Xuân, tôi vẫn ăn hết sạch cả bát phở, có chết “thằng Tây” nào đâu nà!? Do vậy, tôi quyết định sẽ thử ăn phở kiểu Bắc lần này nữa xem sao, cái khó là thuyết phục chồng, con kìa!

 

Tôi liền mở đầu, dịu dàng:

 

– Hôm nay nhà mình hết tương, nên chúng ta chịu khó ăn phở không tương theo đúng kiểu… Bắc Kỳ nhé (chồng tôi người Nam, gốc Mỹ Tho).

 

Chồng tôi nhăn mặt, lặp lại y chang câu nói tôi từng nói với bà chị:

 

– Trời đất, phở không tương thì còn gì là… phở?

 

Đứa con gái cũng hùa theo ba nó:

 

– Không có tương làm sao con chấm ăn bò viên?

 

Tôi phải dịu giọng, ngọt ngào:

 

– Mẹ xin lỗi vì quên mua tương. Nhưng bây giờ mà chạy ra chợ thì chắc đến… khuya mới được ăn phở! Thôi cả nhà mình chịu khó ăn bữa nay thôi, rồi ngày mai ăn tiếp sẽ có đầy đủ tương đen tương đỏ.

Thế là cả nhà ngồi ăn phở không tương. Quả thật, tôi đã nếm được một mùi vị rất tuyệt vời của nước lèo, thơm béo mùi thịt và xương bò, thanh thanh vị của chanh, dẻo dai miếng bánh phở. Thậm chí tôi còn thấy tô phở nhìn hấp dẫn hơn, đẹp hơn như một bức tranh đa màu sắc: màu vàng nâu trong veo lấp lánh mỡ của nước lèo, màu trắng ngần của bánh phở tươi, điểm xuyết xanh rờn của hành ngò xắt nhuyễn, xen lẫn với màu tiêu đen và những lát củ hành bào, cùng những lát ướt tươi đỏ rực, bên cạnh dĩa rau giá mát rượi. Chồng tôi cũng gật gù, thú nhận rằng, không có tương cũng… chả sao cả, không đến nỗi… tận thế, dù dịch Tàu đang hoành hành! Tuy vậy, ngày hôm sau ăn phở “tập hai” thì chồng, con tôi vẫn lại hớn hở nêm tương như thói quen cũ, còn tôi thì đã thực sự thích kiểu phở Bắc (gái Bắc có khác!) nhưng có chút… lai Nam Kỳ khi ăn kèm thêm rau giá, (có ai cấm đâu!)

 

Chẳng ai mong chờ đại dịch, nhưng cũng “nhờ” nó, mà chúng ta ngộ ra nhiều điều đơn giản và thấm thía trong cuộc sống mà xưa nay không chú ý. Mọi người đã nói đến chuyện đời phù du, hãy yêu thương và tha thứ cho nhau, hãy tận hưởng những niềm vui nho nhỏ thường ngày dù vẫn còn bóng tối Covid bủa vây, hãy trân trọng hạnh phúc hiện tại với những người thân yêu xung quanh.

 

Còn tôi, thì nói chuyện… ăn uống! Vâng, hãy bớt đòi hỏi khắt khe, trông chờ món ăn phải đúng chuẩn, gia vị này gia vị kia cho vừa khẩu vị hoặc thói quen lâu năm (cuộc đời này vốn dĩ đã không hoàn hảo, có phải?)

 

Cho nên, nhân dịp “sự cố Phở Bắc” này, tôi cũng đã cảnh báo chồng con chuẩn bị tinh thần “có sao ăn dzậy người ơi” và đón nhận những món ăn “không hoàn hảo” trong tương lai (dù còn dịch hay hết dịch) do tôi đảm trách: Canh chua không ngò om, cà ry thiếu nước dừa, cơm tấm gạo dài không mỡ hành, bún bò Huế không mắm ruốc, bún riêu thiếu gạch cua… Và còn nhiều nữa.

 

Hãy đợi đấy!!!

 

Kim Loan

(Edmonton, 20.7.2020)

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cái cối xay bột nước lắp ráp xong chị Bông đã xay thử đậu nành rồi xay gạo thấy cả hai đều thành bột mềm nhuyễn đúng ý. Coi như chị đã “khai trương” cái cối xay bột nước của mình mặc dù khi lắp cối xong ông thợ cối đã xay thử bột nọ bột kia rồi. Hôm ấy cả nhà chị được ăn món bánh xèo chiên giòn và uống sữa đậu nành nấu với lá dứa vừa thơm vừa béo thật ngon...
Hai chị em Quỳnh Trâm và Bội Trâm hôm nay được mẹ dạy làm món bánh trái cây bằng bột đậu xanh để đón anh gia sư của hai nàng. Những chiếc bánh xinh xinh đủ màu sắc của trái khế vàng, trái ớt đỏ, trái mảng cầu… được bày sẵn trên khay thật hấp dẫn...
Thơ của hai thi sĩ Huỳnh Liễu Ngạn & Thy An...
Chiếc xe khách Sài Gòn ra Huế tạm dừng ở thành phố Nha Trang vào khoảng bốn giờ chiều. Xe chưa đậu hẳn thì đã có bao nhiêu kẻ bán hàng vặt ồ ạt phóng tới miệng rao hàng inh ỏi tạo thành một thứ âm thanh hỗn loạn. Một số ăn xin tật nguyền, què cụt cũng cố chen lấn tranh nhau hành nghề...
Tôi quen biết Loan thật tình cờ, người đời thường gọi là “duyên”, với tôi, là một định mệnh từ muôn kiếp trước, đã gắn liền hai cuộc đời chúng tôi thành hai chị em, thương yêu và gần gũi, giúp đỡ, an ủi nhau còn hơn chị em ruột thịt...
Bản thân tôi ít khi nào dám ngó về biển cả, dù thấy biển cả rất mênh mông, thoáng mát và êm ả qua nhiều hình ảnh. Cũng có lúc tôi trực diện biển khơi, nhưng chỉ là lúc biển êm sóng dịu rì rào ru hát « Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào… » hoặc là lúc mơ mộng, biển nhớ…
Thời gian sau 1975, tôi cỡ 9-10 tuổi, ngoài ông anh lớn đi dạy ở Cần Thơ, tôi có ba người anh đang học Đại Học, hằng tuần có bạn bè kéo về nhà tôi tụ tập ăn uống, đờn địch ca hát rất vui. Tôi nhỏ tuổi không được tham gia, nhưng có núp ở sau bếp... nghe lỏm...
Kanchanaburi là một tỉnh miền trung Thái Lan có biên giới chung với Miến Điện. Thủ phủ là thành phố cùng tên cách Bangkok 140km. Ở đây có cây cầu nổi tiếng xây dựng từ WWII, cầu sông Kwai...
Chiến trận ngày mỗi lan rộng, mức độ tàn phá cũng gia tăng khủng khiếp. Mỗi lần quân Pháp vào làng càn quét, dân chúng lại bồng bế nhau tản cư, chỉ còn dân quân tự vệ ở lại bảo vệ nhưng cũng yếu ớt lắm. Khi quân Pháp rút, để lại hàng chục xác chết, dân lại trở về chôn cất người chết, dựng lại gian nhà tranh bị thiêu rụi rồi tiếp tục cày cuốc kiếm sống. Cuộc sống đã nghèo khổ nay càng nghèo khổ hơn...
Câu chuyện bắt đầu, một người kể: “Sở dĩ con kên kên sói đầu vì nó ăn mít. Nó đút đầu vào ruột trái mít đục khoét. Mủ mít dính chặt lông. Khi rút đầu ra, lông dính lại. Đầu trọc lóc.” Người thứ hai lên tiếng: “Nói vô lý. Kên kên ăn xác chết, ăn đồ hôi thúi. Mít có mùi thơm. Kên kên không ăn đồ thơm.” Người thứ nhất trả lời: “Nói có lý nhưng xét ra vô lý. Kên kên không ăn mít thường nhưng ăn Sầu riêng. Mít Sầu riêng hôi lắm.” “Nói vô lý. Sầu riêng thơm kiểu khác. Cả triệu người ăn. Cả triệu người ghiền. Điên hay sao mà ăn đồ hôi.” “Bà thấy thơm nhưng tui thấy hôi. Quyền tự do mà. Cả triệu người không ăn Sầu riêng. Cả triệu người thấy Sầu riêng hôi.” “Nói tào lao. Hoa thì thơm. Phân thì hôi. Ai có thể ngửi thấy hầm lù thơm?” “Có thể hôi thúi, nhưng ở đó lâu ngày, quen đi. Thúi cũng như thơm. Giống những người ở xung quanh Kinh Nước Đen.”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.