Hôm nay,  

Chuyện Hậu Lễ Độc Lập: Mừng Lễ Độc Lập Hoa Kỳ, Nguyện Cầu Độc Lập Cho Ukraine

09/07/202210:18:00(Xem: 5121)

Tùy bút

vn vet



Lần đầu tiên tôi chú ý đến ông già Mỹ trắng ngồi xe lăn trên lề đường, khi xe tôi dừng đèn đỏ chuẩn bị quẹo vào trung tâm bán sỉ Costco. Tôi nhớ đó là khoảng thời gian quân Nga bắt đầu tấn công Ukraine, cách đây cũng đã bốn, năm tháng gì đó.  Chiếc quần jean lưng lửng, loang lổ vết bẩn và rách te tua, lộ ra hai đầu gối nám đỏ bầm và đôi chân lông lá; áo thun ngắn tay màu xanh rừng của lính, màu áo quen thuộc của Tổng Thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, vị tổng thống anh hùng của một dân tộc anh hùng mà cả thế giới đều kính nể; trên cánh tay áo ông ta còn gắn một lá cờ màu vàng xanh của đất nước Ukraine.  Tôi chợt cười thầm. Là “fan” hâm mộ của tổng thống Ukraine đây mà. Tôi cũng là người rất hâm mộ ông tổng thống thông minh gan dạ này.  Lần đầu tiên thấy Zelenskyy phát biểu với giọng nói hùng hồn, lời lẽ khôn khéo, mạnh mẽ, kêu gọi thế giới giúp đỡ Ukraine, làm tôi rất khâm phục. Nhưng khi nhìn ánh mắt chứa đựng sự oán hận, lẫn đau khổ, và sự chịu đựng tột cùng của Zelenskyy, tôi muốn rơi nước mắt.

 

Ông già ngồi trên xe lăn khổ người phốp pháp với cái bụng bự tròn quay nhú ra dưới lớp áo. Khuôn mặt khắc khổ và buồn bã, nhưng hàm râu quai nón rậm rì khiến ông toát ra một vẻ mạnh mẽ kiên cường, và không thấy có chút gì là đáng tội nghiệp, dù trên tay ông cầm tấm bảng có mấy chữ viết tay xiêu vẹo: “Please help!” Điều khiến tôi xúc động và chăm chú quan sát kỹ ông già là vì ông đội chiếc mũ dìm đen có hàng chữ màu vàng in thật lớn: VIETNAM WAR VETETRAN.  Một cựu chiến binh Việt Nam. Người này đã từng bay qua nửa vòng trái đất giúp dân tộc tôi gìn giữ tự do và hòa bình.  Tôi biết chính phủ Mỹ rất ưu đãi các cựu quân nhân, tại sao ông già này lại đi ăn xin như thế nhỉ.

 

Đèn chuyển sang màu xanh.  Tôi chợt giật mình bừng tỉnh vì tiếng còi hối thúc của xe sau.  Làn đường hẹp không có chỗ tắp vô, nên tôi vội chụp lấy cái điện thoại, moi hết số tiền lẻ trong ngăn bên của cái vỏ bọc, và rà xe tới gần chỗ ông già. Hạ cửa kính xuống, tôi chồm tới nhét nắm bạc lẻ vào tay ông rồi nhấn ga chạy đi, bỏ lại đàng sau ánh mắt sáng lên đầy thiện cảm với đôi bàn tay chắp xá và tiếng “Com on” thật to. Vào trong Costco lựa đồ mà tâm trí tôi mãi nghĩ về người cựu chiến binh Việt Nam với cái vẻ mặt oai hùng nhưng buồn bã ấy.

 

Tôi ở không xa Costco, nên tôi thường xuyên đi mua đồ và đổ xăng ở đây. Những lần sau đó, mỗi khi đi Costco tôi đều cố ý mang theo một ít tiền để cho ông già này, vì hầu như ông luôn luôn ngồi tại chỗ cũ.  Và tôi trở thành khách hàng của ông lúc nào không hay. Một lần, chẳng hiểu sao ông lại đổi hướng, thay vì ngồi bên phải thuận tiện xe cộ qua lại dừng đèn đỏ cho tiền, ông lại chuyển sang ngồi phía bên trái, trên lề cái “only” quẹo trái ngăn đôi giữa hai bên đường xuôi và ngược chiều.  Thế nên trên đường đến tôi không thể đưa tiền cho ông. Mua sắm xong ra xe tôi lục lấy cái phong bì rồi bỏ tiền vào đó, và lái chầm chậm vô làn thứ nhì từ bên trái. Khi dừng lại đợi đèn xanh tôi hạ cửa xuống cầm lấy cái bì thơ, chồm ra ngoài và thảy qua cho ông già.  Tôi cố ném vào chiếc xe lăn ông đang ngồi, nhưng không ngờ cái bì thư va vào chiếc xe sau vừa trờ tới, và nó rơi xuống đất nằm trong lòng đường.  Bì thư không dán nên số tiền văng tung tóe, làm tôi cảm thấy rất áy náy.  Tôi định đậu xe để xuống nhặt lại cho ông, thì người phụ nữ da trắng trong xe đã bước xuống gom hết lại những tờ bạc dưới đất và bước tới đưa cho ông già. Đúng là “Người Mỹ tử tế,” tôi thầm nghĩ. Từ những việc cỏn con này, tuy chưa một lần trò chuyện, tôi có cái cảm giác ông già Mỹ đã là “người quen.”

 

Nhưng đó là lần cuối cùng tôi cho tiền ông.  Những lần sau tôi cũng mang theo tiền, nhưng không còn thấy ông già xuất hiện chỗ đó nữa, và mỗi lần chạy ngang qua tôi có cảm giác hơi buồn, nghĩ là chắc ông ấy đã vĩnh viễn ra đi. Tồn tại từ thời chiến tranh Việt Nam, tuổi ông nay cũng đã cao rồi còn gì.

 

*

 

Ngày 4 Tháng 7 năm nay, 2022, ngày Lễ Độc Lập Hoa Kỳ.  Vì được “xả trại Covid,” mấy đứa con đưa tụi nhóc cháu nội đi chơi xa hết, không đứa nào về chung vui như trước kia, nên tôi rảnh rang việc nấu nướng. Qua hơn hai năm trốn dịch trong nhà cũng bị “cuồng chân,” ông xã tôi muốn dành ngày lễ Độc Lập đi tháp tùng đoàn diễn hành của thành phố cho thư giãn gân cốt. Đặc biệt, năm nay thành phố có tổ chức cuộc thi chạy bộ 5 km quanh thành phố, trước giờ xe hoa bắt đầu cuộc diễn hành, để gây quỹ cho Nhà Tạm Trú Phụ nữ và Trẻ em.  Đáng tiếc, chúng tôi dù cũng từng là dân chạy bộ nhưng vì bận rộn quên mất thời hạn, ghi danh trễ nên không thể tham dự.  Cuộc thi này rất thú vị, vì dọc đường các cơ sở kinh doanh địa phương cung cấp miễn phí thức ăn nhẹ, các loại nước uống, trái cây.  Sau cuộc thi có cả... bia cùng rượu cho người lớn giải lao nữa.  Tất cả mọi thí sinh đều được phát áo đồng phục với số báo danh.  Dọc đường ai mỏi mệt có thể dừng lại bốc vài cái bánh, chai nước, rồi vừa chạy vừa thưởng thức.  Già trẻ gái trai đều tham dự được, ai đến đích trước nhận phần thưởng và huy chương, những người mỏi mệt cứ chạy sau hay đi bộ tà tà thì khi đến đích cũng được tặng những món quà an ủi.

 

Buổi sáng, tôi thức dậy ăn uống xong là “diện đồ July 4th” áo đỏ có hình cờ Mỹ rồi cùng nhà tôi đi bộ ra phố. Thành phố nhỏ chúng tôi dọn về sau khi nghỉ hưu ở gần biển, thuộc vùng Đông Vịnh San Francisco, là một thành phố cổ.  Chính quyền và người dân ở đây luôn luôn giữ gìn truyền thống tổ chức diễn hành xe hoa trong ngày Lễ Độc Lập hàng năm, trừ vài năm dịch Covid vừa qua. Năm nay mở cửa trở lại nên cả thành phố náo nức rộn ràng lo chuẩn bị cho cuộc diễn hành và cuộc thi chạy bộ.

 

Theo lịch trình, sau khi cuộc thi chạy 5 km bắt đầu, thì đoàn xe hoa cũng khởi hành từ tụ điểm gần bờ biển, chạy quanh downtown, dọc theo khu vực dân cư, giáp một vòng thì về lại chỗ cũ, chiều dài cũng trên bốn, năm dặm. Tôi háo hức ngắm nhìn, chạy tới chạy lui theo đoàn xe đủ màu sắc và kiểu dáng để chụp hình. Tôi mãi mê nhìn những kỵ mã cảnh sát thành phố oai phong trên lưng những chú ngựa nòi cao lớn bờm lông đen mượt, khoác những bộ yên cương rực rỡ sắc màu, và tôi bỏ lạc ông xã trong dòng người coi đông nghịt hai bên lề đường.

 

Đến đoạn đường có những chiếc xe hoa thật dài và đẹp, tôi vội đưa điện thoại lên. Bấm được vài tấm hình, tôi xoay lưng lại định đi tiếp bỗng đụng phải một người đang bước tới thật nhanh. Tôi bị mất trớn ngã nhào vào đám đông đang ngồi coi diễn hành trên lề đường. Chiếc điện thoại vuột khỏi tay, và theo phản ứng tự nhiên tôi chụp vội cái tay nắm của một chiếc xe lăn gần đó để giữ thăng bằng trở lại.  Bị xấu hổ, tôi vội cúi nhặt chiếc điện thoại lên rồi lắp bắp lời xin lỗi với người ngồi trên chiếc xe lăn có cắm đầy những lá cờ Mỹ nhỏ: “I’m... sorry!” “No problem!’Người đó trả lời, và rồi kêu lên với vẻ kinh ngạc,  “Oh....thì ra là cô à?”

 

Tôi chưa kịp hoàn hồn, nghe thế bèn nhìn kỹ ông ta, và chợt nhận ra người ngồi trên xe lăn chính là người ăn xin gần Costco tôi vẫn cho tiền mấy lúc trước. Vẫn chiếc mũ dìm có hàng chữ in “VIETNAM WAR VETETRAN,” vẫn “chiếc áo thun Tổng Thống Ukraine,” và lá cờ vàng xanh trên tay áo.  Nhưng nhìn ông ta gọn gàng hơn, sạch sẽ hơn, và thần thái ông lúc này trông rất tốt, mặt mũi tươi tắn, nét mặt sinh động, không còn nét bơ phờ và buồn phiền như trước nữa. Tôi vừa ngạc nhiên vừa vui.  Rủi mà may, tình cờ được dịp gặp lại ông già cựu chiến binh Việt Nam, người mà lâu nay tôi thường nghĩ đến mỗi lần chạy ngang qua chỗ ông từng ngồi xin ăn. “Thì ra là ông!” Tôi cũng kêu lên mừng rỡ như gặp lại bạn cũ. “Ông có khỏe không? Lâu nay ông làm gì mà tôi không thấy ông nơi... chỗ cũ?” Tôi nói, không tiện nhắc lại chỗ cũ là chỗ nào. Ông ta chỉ cười, rồi quay qua người phụ nữ Mỹ trắng lớn tuổi ngồi trên chiếc ghế xếp bên cạnh:

 

“Honey, cô đây là người anh thường kể với em trước kia, người bao giờ cũng dừng lại giúp anh mỗi khi cô ấy đi mua sắm ở Cotsco.” Quay sang tôi, ông tiếp, “Xin chào! Tôi tên là Scott, còn  đây là Sue, bạn gái tôi.”

 

Bà Sue gật đầu chào tôi với nụ cười hiền lành và đầy thân thiện. Thấy bà có vẻ xuề xòa tôi cũng chào bà tự nhiên không chút dè dặt, tự giới thiệu tên mình, rồi quay qua ông, chỉ vào chiếc mũ ông đang đội:

 

“Ông là cựu chiến binh Việt Nam? Lần đầu tiên tôi chú ý đến ông vì chiếc mũ này. Có phải ông đã từng sang Việt Nam chiến đấu giúp quê hương tôi?”

 

“Yes, I did! Vâng, tôi đã từng.” Rồi như còn có rất nhiều điều muốn nói, ông già vừa quay đầu chiếc xe lăn, vừa ra dấu cho tôi và bà bạn ông tách khỏi đám đông, “Chỗ này ồn ào quá, chúng ta hãy qua bên kia nói chuyện đi.”

 

Bà Sue cởi chiếc áo khoác máng vào thành chiếc ghế xếp bà vừa ngồi, để người ta biết là ghế có chủ, rồi bước vội theo ông. Tôi cũng hào hứng bước theo hai người đến chỗ gần trạm xăng, nơi  có một rừng cờ Mỹ thật lớn đang phất phơ tung bay trong nắng.

 

“Trước nhất, tôi xin cám ơn ông,” tôi nói khi xe ông dừng lại bên cạnh hàng cờ bay phất phới, “ngày ấy đã sang tận Việt Nam chiến đấu giúp quê hương tôi.”

 

Ông Scott vội lắc đầu, và nói bằng cái giọng có vẻ nặng nề:

 

“No! Chúng tôi đã không giúp được gì cho các bạn.  Cho đến tận bây giờ, tôi luôn nghĩ rằng

 chúng tôi còn mắc nợ các bạn.”

 

Tôi thấy tội nghiệp ông. Đã mấy chục năm qua mà ông vẫn còn ấm ức, nói ra những điều tôi thường nghe trước giờ mỗi khi nói chuyện cùng những cựu quân nhân Hoa Kỳ trở về từ Việt Nam.  Ông nới một hơi, phàn nàn về chuyện thời chiến tranh Việt Nam, về cánh báo chí phản chiến Mỹ, về người dân Mỹ xuống đường biểu tình, về chính phủ Mỹ... càng nói càng hăng, mặt ông đỏ bừng.

 

Bà Sue đứng im lặng nghe, thỉnh thoảng lắc đầu, có vẻ như bà đã quen với chuyện này:

 

“Ông ấy vẫn thường như thế, mỗi khi có ai nhắc về chuyện chiến tranh Việt Nam.” Bà nói.

 

Tôi muốn giúp ông quên đi cái quá khứ đau lòng ấy lúc tuổi già, nên hướng qua chuyện khác:

 

“Cám ơn ông, Scott. Nhưng chuyện đã mấy chục năm rồi, làm ơn hãy quên đi để cho tâm trí ông được nhẹ nhàng.” Tôi nói xong đổi đề tài: “Bây giờ cho tôi hỏi, hình như ông rất hâm mộ Tổng Thống Zelenskyy của Ukraine? Tôi thấy ông mặc áo màu giống Zelenskyy và còn đeo cờ Ukraine, đã từ lâu lắm rồi?”

 

Ánh mắt Scott sáng lên, và tôi biết là tôi đã... bắt đúng huyệt của ông.

 

“Oh yeah! Absolutely, yes!”  Tất nhiên rồi! Ông kêu lên đầy vẻ thán phục. “Cũng nhờ chứng kiến sự kiên cường của họ mà tôi mới ‘là một con người’ như bây giờ!”

 

Có lẽ sự thân thiện và kính trọng của tôi đối với ông lâu nay đã khiến ông tin tưởng. Cho nên dù mới gặp lần đầu, qua vài câu hỏi tế nhị và cảm thông của tôi (bạn tôi thường nói tôi có năng khiếu trong việc khai thác thông tin từ người khác mà!), Scott đã mở lòng kể cho tôi nghe về chuyện của ông, về lý do tại sao ông trở thành kẻ ăn xin và bây giờ thì trở lại phong độ cũ.

Và rồi, tôi quên mất đoàn xe hoa diễn hành, quên mất ông xã đang đi tới đâu, quên luôn đám đông đang vỗ tay từng đợt mỗi khi có chiếc xe hoa chạy qua.  Tôi đứng lặng người, đắm chìm vào câu chuyện đầy cảm động và đau thương của ông già Mỹ.

 

*

 

Gần cuối năm 1974, ông Scott là thương binh trở về từ Việt Nam sau một trận pháo kích của Việt Cộng vào nơi đóng quân của ông. Một mảnh đạn pháo đi lạc đã ghim vào đốt sống nên ông bị liệt hai chân. Người vợ trung thành Cathy và đứa con trai độc nhất Richard của hai người đã chăm lo cho ông suốt cả cuộc đời.  Con trai ông ăn học thành tài, ra đi làm nhưng không hề kết hôn, dù anh ta cũng có bạn gái đó đây. Mấy năm về trước, gia đình ông gặp phải một cơn đại họa. Vợ ông và Richard đã qua đời cùng lúc trong một tai nạn xe hơi, bỏ lại ông một mình với tấm thân tàn phế. Ông bị sốc vì quá đau khổ, quá thương nhớ, làm cho bấn loạn tâm thần.  Do dùng thuốc gây nghiện quá nhiều để giảm stress, và còn mượn rượu giải sầu, ông đã trở thành con nghiện cả hai món.  Cuối cùng, ông làm thân “homeless” không nhà vô ngụ trong “shelter” của thành phố.  Vì nghiện ngập, số lương hưu hàng tháng đều bay sạch, nên ông phải đi xin thì mới có thêm tiền mua thức ăn hoặc thuốc để “phê” hay vài lon bia để uống.  Ông kể xong thì nói:

 

“Cho đến thời gian tôi gặp cô, là tôi đã làm ăn mày cũng hơn một năm rồi.”

 

“Tôi thật là xin lỗi chuyện vợ con ông, Scott!” Tôi nói cùng với sự xúc động tận đáy lòng vì câu chuyện thương tâm của ông. “Cầu Thượng Đế phò hộ cho ông.”

 

“I’m okay now.”  Bây giờ tôi ổn rồi, cám ơn cô.

 

“Cô biết không,” bà Sue nãy giờ đứng im, bây giờ thấy ông ngừng lại bà mới lên tiếng, “nếu không có chiến tranh Ukraine, không có Tổng Thống Zelenskyy, nhất là gần đây không có hai tù binh Mỹ bị Nga bắt giữ, thì hiện tại ông ấy vẫn còn đói khổ dài dài, còn ngồi ăn xin ở chỗ cổng vào Costco như cô từng thấy. Trước đó cho dù tôi đã hết lời khuyên can ông hãy đi cai nghiện nhưng ông không chịu nghe.”

 

“Là sao ạ?” Tôi hỏi với vẻ tò mò lẫn thích thú.

 

“Là do tôi quá ngưỡng mộ Zelenskyy và dân tộc Ukraine, tôi mới tự cai nghiện!” Scott trả lời thay bà Sue. “Hằng ngày xem tin tức, tôi thương đất nước họ lắm, những con người dũng cảm vô song.” Ông dừng lại quay qua bà Sue, “Tôi quen Sue từ Trung tâm Tạm Trú cho kẻ không nhà. Bà đã khuyên bảo và lo lắng cho tôi rất nhiều, và tôi nghe lời bà mọi việc, ngoại trừ chuyện cai nghiện. Cám ơn em yêu!” Ông nói, đưa tay vỗ vỗ vào lưng bà một cách rất âu yếm.

 

“Wow! Ông làm tốt lắm! Good Job, Scott!” Tôi nói và đưa ngón cái lên.  “Nhưng tôi hơi... chậm tiêu một chút, ông có thể cho biết tại sao ông ngưỡng mộ Tổng Thống và dân tộc Ukraine mà ông tự cai nghiện thành công? Chả lẽ ông muốn... qua Ukraine đánh nhau với quân của Putin giúp họ?” Tôi đùa.

 

“I wish!” Tôi rất muốn thế! Không ngờ Scott hăng hái trả lời.  “Phải, tôi rất khâm phục họ, ước gì tôi lành lặn và còn trẻ, khỏe, tôi sẽ qua Ukraine giúp họ ngay không chần chừ!  Nhất là gần đây mỗi lần xem tin tức, thấy hình ảnh Alexander và Andy Tai ở Alabama bị quân Nga bắt giữ tôi thương họ vô cùng, và tôi đã tự nguyền rủa tôi. Tôi nghĩ lại mình thật vô dụng, khi bao nhiêu đồng đội của tôi đang trong vòng nguy hiểm chiến đấu cho tự do, thì tôi ở nhà ăn no mặc ấm lại đi hủy hoại đời mình trong một thời gian dài như vừa qua, đến xém chút nữa bỏ mạng. God, cám ơn Thượng Đế! Tôi đã làm được!” Ông nói với một vẻ tràn đầy hãnh diện.

 

“Đúng vậy, Scott đã tự mình cai nghiện, không cần tới trung tâm.” Bà Sue nói tiếp theo ông. “Và ông ấy đã làm rất tốt, kết quả chỉ trong vòng mấy tháng.  Nhờ cả ngày ngồi theo dõi tin tức từ Ukraine, ông đã đánh gục và chiến thắng được các cơn ghiền vật vã. Tôi cũng phụ giúp ông nữa. Trong thời gian qua ông ấy và tôi đã tiết kiệm được một số tiền. Thay vì dùng mua ma túy và hoang phí rượu bia như trước, mới đây chúng tôi đã đem cho Hội Hồng Thập Tự Hoa Kỳ một ít để giúp cho người tị nạn Ukraine. Amazing! Quả là chúng tôi đã làm được điều đáng kinh ngạc!”

 

Tôi cảm động đến rưng rưng, không thốt ra lời. Ông Scott đúng là một người rất giàu tình cảm. Mất hết một lúc im lặng, cuối cùng tôi nói:

 

“Scott, ông quả thật là người tốt! Xin Thượng Đế phù hộ cho ông!” Rồi tôi hỏi: “Ông có biết một trong hai tù binh đó là người Việt Nam của chúng tôi không, anh Andy Tai Huynh.  Không biết bây giờ họ ra sao.”

 

“Tôi biết, Tai là người Việt Nam. Chính phủ Mỹ vẫn đang cố gắng bằng mọi cách để đưa họ về với gia đình, cô yên tâm đi.”  

Biết Scott theo dõi kỹ tin tức về cuộc chiến Ukraine, tôi hỏi:

 

“Theo ông, thì cuộc chiến Ukraine rồi sẽ đi tới đâu? Tôi xem tin tức thấy tổng thống và dân tộc Ukraine rất kiên cường, nhưng quân Nga cậy người đông tiền lắm, cứ tiếp tục xâm chiếm chứ không chịu dừng lại. Bây giờ thế giới phải làm sao mới tốt cho Ukraine?”

 

“Chắc chắn có một ngày quân Nga sẽ phải rút thôi!” Scott nói như khẳng định.  “Quân dân vô tội của Ukraine đã thiệt mạng quá nhiều rồi. Thượng Đế công bình sẽ phán xét, kẻ ác sẽ phải đền tội. Cũng có lúc, tôi giận các nước phương Tây quá chết nhát “chicken” không chịu giúp vũ khí sớm cho Ukraine, để Zelenskyy phải kêu gào khản cả cổ mới chịu gửi vũ khí cho họ.” Ông ngừng lại, lấy chai nước từ phía sau lưng ra hớp một miếng rồi nói tiếp, “Cho tới sáng nay, quân Ukraine vẫn đang cố gắng chận đứng quân Nga ở biên giới Donetsk, nhưng chẳng biết họ có giữ nổi hay không đây.” Ông nghẹn ngào, “Poor Ukraine! Ukraine tội nghiệp, mỗi ngày đều có rất nhiều thường dân vô tội bị quân Nga giết. Tính tới nay, đã có hàng chục nghìn thường dân Ukraine lớp bị giết lớp bị thương.” Và ông bỗng cao giọng như nấc lên, “Cuộc chiến này không thể kéo dài! Hãy cầu nguyện cho họ!”

 

Tôi gật đầu:

 

“Đúng vậy. Chúng ta nên cầu nguyện cho đất nước và người dân Ukraine. Cầu nguyện cho cuộc chiến này chấm dứt càng sớm càng tốt!”

 

“Phải! Hãy cùng cầu nguyện.  Xin Chúa thương xót và cứu lấy Ukraine!” Bà Sue cũng nói và đưa tay lên làm dấu thánh giá. “Ukraine không thể nào thua, Chúa ơi!”

 

Tự nhiên tôi cảm thấy trong lòng buồn bã vô cùng. Nếu rủi như Ukraine không chiến thắng nổi quân Nga... Tưởng tượng tới đó, tôi chợt lắc đầu rùng mình, không dám nghĩ tiếp.

 

Chào từ giã Scott và Sue, tôi thất thểu bước theo những chiếc xe hoa cuối cùng của đoàn diễn hành để về nhà.  Trời đã quá xế trưa. Ánh nắng hè rực rỡ lung linh, những chùm phượng tím hai bên đường đong đưa trong cơn gió nhẹ từ biển thôi vào man mác.  Nhưng trong tôi mọi hào hứng của buổi mai khởi hành ra đi bây giờ đã biến mất.

 

Lạy Trời xin cứu lấy Ukraine. Tôi khấn thầm.

   

Phương Hoa

(Lễ Độc Lập Hoa Kỳ, 2022)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hồ Hữu Thủ cùng với Nguyễn Lâm, Nguyễn Trung của Hội Họa sĩ Trẻ trước 1975 còn sót lại ở Sài Gòn, họ vẫn sung sức lao động nghệ thuật và tranh của họ vẫn thuộc loại đẳng cấp để sưu tập. Họ thuộc về một thế hệ vàng của nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Bất kể ở Mỹ như Trịnh Cung, Nguyên Khai, Đinh Cường… hay còn lại trong nước, còn sống hay đã chết, tranh của nhóm Hội Họa sĩ Trẻ vẫn có những giá trị mang dấu ấn lịch sử. Cho dù tranh của họ rất ít tính thời sự, nhưng cái đẹp được tìm thấy trong tác phẩm của họ lại rất biểu trưng cho tính thời đại mà họ sống. Đó là cái đẹp phía sau của chết chóc, của chiến tranh. Cái đẹp của hòa bình, của sự chan hòa trong vũ trụ. Cái mà con người ngưỡng vọng như ý nghĩa nhân sinh.
Westminster, CA – Học Khu Westminster hân hoan tổ chức mừng lễ tốt nghiệp của các học sinh đầu tiên trong chương trình Song Ngữ Tiếng Việt (VDLI) tiên phong của học khu. Đây là khóa học sinh đầu tiên ra trường và các em sẽ được ghi nhận tại buổi lễ tốt nghiệp đặc biệt được tổ chức vào thứ Ba, ngày 28 tháng Năm, lúc 6:00 giờ chiều tại phòng Gymnasium của Trường Trung Cấp Warner (14171 Newland St, Westminster, CA 92683).
Tháng Năm là tháng vinh danh những đóng góp của người Mỹ gốc Á Châu và các đảo Thái Bình Dương cho đất nước Hoa Kỳ mà trong đó tất nhiên có người Mỹ gốc Việt. Những đóng góp của người Mỹ gốc Á Châu và các đảo Thái Bình Dương cho Hoa Kỳ bao gồm rất nhiều lãnh vực, từ kinh tế, chính trị đến văn học nghệ thuật, v.v… Nhưng nơi đây chỉ xin đề cập một cách khái quát những đóng góp trong lãnh vực văn học của người Mỹ gốc Việt. Bài viết này cũng tự giới hạn phạm vi chỉ để nói đến các tác phẩm văn học viết bằng tiếng Anh của người Mỹ gốc Việt như là những đóng góp nổi bật vào dòng chính văn học của nước Mỹ. Điều này không hề là sự phủ nhận đối với những đóng góp không kém phần quan trọng trong lãnh vực văn học của Hoa Kỳ qua hàng trăm tác phẩm văn học được viết bằng tiếng Việt trong suốt gần năm mươi năm qua.
Vì hình ảnh ảm đạm, buồn sầu, như tiếng kêu đòi tắt nghẹn. Tôi, tác giả, đi giữa lòng thủ đô Hà Nội mà không thấy gì cả, không thấy phố không thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ. Cờ đỏ là quốc kỳ. Mưa sa làm cho những lá quốc kỳ sũng nước, bèo nhèo, nhếch nhác, úng rữa. Một hình ảnh thảm hại. Hình ảnh thảm hại là dự phóng cho tương lai thảm hại. Và thất bại. Lạ một điều, người ta chỉ trích dẫn năm dòng thơ này, tổng cộng 14 chữ, mà không ai trích dẫn cả bài thơ, và hẳn là hơn 90% những người biết năm dòng này thì không từng biết, chưa bao giờ đọc, cả bài thơ, và tin rằng đó là những lời tâm huyết của nhà thơ Trần Dần nói về thời cuộc mà ông nhận thức được vào thời điểm 1955.
Viet Book Fest cho thấy thế hệ trẻ gốc Việt nay đã vượt qua được những ràng buộc cơm áo gạo tiền của thế hệ đi trước, để cộng đồng Việt nay có thể vươn lên với giấc mơ văn học nghệ thuật trên đất nước Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Hư vỡ là đặc tính bất biến của cuộc đời, của tất cả những gì có mặt trong vũ trụ này. Nghĩa là những gì hợp lại, thì sẽ tan; những gì sinh ra, rồi sẽ biến mất. Không có gì kiên cố, bất biến trên đời. Đức Phật đã chỉ ra sự thật đó, và biến những thái độ sống không vui thành sự kham nhẫn mỹ học: cái đẹp chính là vô thường. Bởi vì vô thường, nên có hoa mùa xuân nở, có những dòng suối chảy từ tuyết tan mùa hè, có những trận lá mùa thu lìa cành, và có những trận mưa tuyết mùa đông vương vào gót giày. Bởi vì sống hoan hỷ với hư vỡ là tự hoàn thiện chính mình, hòa hài làm bạn với hư vỡ là sống với sự thật, và cảm nhận toàn thân tâm trong hư vỡ từng khoảnh khắc là hòa lẫn vào cái đẹp của vũ trụ. Và sống với chân, thiện, mỹ như thế tất nhiên sẽ đón nhận được cái chết bình an.
Mỗi 30 tháng 4 là mỗi năm xa hơn ngày đó, 1975, thêm một bước nữa xa hơn, đi vào dĩ vãng. Hầu hết những người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến trước 75, nay đã vắng mặt. Non nửa thế kỷ rồi còn gì. Khi không còn ai nữa, không hiểu những thế hệ trẻ tha hương sẽ nhớ gì? Một thoáng hơi cay? Có khi nào bạn đọc ngồi một mình chợt hát lên bài quốc ca, rồi đứng dậy, nghiêm chỉnh chào bức tường, thằng cháu nhỏ thấy được, cười hí hí. Ông ngoại mát rồi. Trí tưởng tượng của người thật kỳ diệu. Rượu cũng kỳ diệu không kém. Nửa chai vơi đi, lơ mơ chiến sĩ trở về thời đó. Lạ lùng thay, quá khứ dù kinh hoàng, khốn khổ cách mấy, khi nhớ lại, có gì đó đã đổi thay, dường như một cảm giác đẹp phủ lên như tấm màn mỏng, che phía sau một thiếu phụ trẻ đang khóc chồng. Cô có mái tóc màu nâu đậm, kiểu Sylvie Vartan, rủ xuống che nửa mặt. Nhưng thôi, đừng khóc nữa. Chỉ làm đất trời thêm chán nản. Để tôi hát cho em nghe, ngày đó, chúng tôi, những người lính rất trẻ.
Ngày 30 tháng 4 năm nay, 2024, đánh dấu 49 năm ngày Sài Gòn thất thủ vào tay cộng sản Bắc Việt (30 tháng 4 năm 1975). Biến cố này đã mở ra một tương lai đen tối cho dân tộc Việt Nam mà một trong những hệ lụy thảm khốc nhất là hàng triệu đồng bào đã bỏ nước ra đi tìm tự do, trong đó có khoảng hơn 400,000 người chết thảm giữa lòng biển cả. Cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài trong 20 năm đã khiến cho hơn 950,000 bộ đội và thường dân miền Bắc chết và khoảng 600,000 lính cộng sản bị thương. Trong khi đó, có khoảng hơn 700,000 thường dân và binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa thiệt mạng, cùng với 1,170,000 lính VNCH bị thương. Phía Hoa Kỳ có 58,281 binh sĩ tử thương và 303,644 lính bị thương. Đó là chưa kể số thương vong của binh sĩ các nước tham chiến ở hai miền Nam-Bắc, theo www.en.wikipedia.org.
Thế giới đang bùng nổ nhiều cuộc chiến tranh, và đang ngún lửa ở nhiều nơi khác: Trung Đông, Ukraine, Miến Điện, Đài Loan, Biển Đông… Một thời Việt Nam cũng đã trải qua nhiều cuộc binh lửa. Khi đọc kỹ Tam tạng Kinh điển, chúng ta cũng sẽ thấy có những cuộc chiến. Bản thân Đức Phật khi mới lớn cũng học kỹ thuật kiếm cung. Trong nhiều kiếp quá khứ, Đức Phật, khi còn ở cương vị Bồ Tát, cũng đã từng ra trận. Nhiều hình ảnh ẩn dụ trong kinh điển cũng cho thấy dấu tích chiến tranh: ngựa chiến, voi chiến, áo giáp, mũi tên… Và rồi tận cùng, Đức Phật nói trong Kinh SN45.7 rằng chiến thắng vinh quang nhất chính là nhiếp phục tham, sân, si – nơi đó chính là Niết Bàn. Đó là mặt trận lớn nhất, gian nan nhất.
Vào ngày 6 tháng 12, 2023, nhà thơ, nhà văn, giáo sư văn học và nhà hoạt động xã hội được yêu mến người Palestine Refaat Alareer đã thiệt mạng trong một cuộc không kích từ Israel cùng với người anh, em gái và bốn đứa con của họ. Trong tuần để tang kể từ đó, những lời tri ân dành cho cuộc đời, sự nghiệp viết lách và các hoạt động nghệ thuật tích cực của Alareer đã tràn ngập khắp nơi trên thế giới. Nhiều lời tri ân được đăng cùng với bài thơ cuối cùng “Nếu tôi phải chết” được ông đăng trên Twitter của mình vào ngày 1 tháng 11 năm 2023. Cho đến nay, bài thơ chia tay như một điềm báo đau lòng của Alareer hiện đã được dịch sang hơn 40 thứ tiếng; được đọc trên các sân khấu thế giới và được viết trên các bức tường sân ga tàu điện; được in trên các biểu ngữ, bảng hiệu, cờ và diều, được giương cao trong các cuộc biểu tình đòi ngưng bắn trên khắp thế giới.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.