Hôm nay,  

Tản mạn về Huế của anh “học trò xứ Quảng”

22/03/202400:00:00(Xem: 1313)

nho Hue
 
Khi nói về cái nhìn của chàng học trò xứ Quảng với những người đẹp đất thần kinh tôi nghe nhiều lần hai câu: Học trò trong Quảng ra thi / Thấy cô gái Huế chân đi không đành. Có lẽ vì mặc cảm thua sút, thấp cơ so với người đẹp, chàng học trò xứ Quảng nói lại bằng cách thay chữ “Thấy” bằng chữ “Mấy” để vớt vát: Học trò trong Quảng ra thi / Mấy cô gái Huế chân đi không đành.

  
Tôi là dân Quảng, nhìn nhận theo cách riêng và thuần cảm tính của mình, rất khách quan và thật lòng, vẫn nghiêng về hai câu trước ít nhất là dựa trên sự chiêm nghiệm của mình trong 5 năm sống và học hành ở Huế chỉ vì một điều rất dễ hiểu là tôi đã ở vào tình trạng “chân đi không đành” khá nhiều lần!
  
Cho đến bây giờ, đã bốn mươi năm xa Huế, hẳn là hai chữ “thấy” và “mấy” vẫn là vấn đề tiếp tục được nói đến, được mổ xẻ để giành phần hơn cho trai Quảng hoặc gái Huế. Không chắc rằng hai câu này có phải là ca dao hay không, tôi gõ câu đầu vào Google, không tin được là tôi nhận được 4.590.000 câu trả lời chỉ trong 0.55”!
  
Tôi đến Huế hai lần năm lên chín, một lần theo mẹ thăm người quen và lần khác thăm cha tôi bệnh điều trị ở Bệnh viện Trung ương Huế, tôi cũng sống với Huế cùng nhân vật trong truyện “Trong gia đình” được phóng tác từ “En Famille” của Hector Malot lấy bối cảnh không gian là Huế, một lần ở lại mấy ngày trong trường NHSQG bên đường Ngô Quyền khi thăm chị tôi làm việc ở đó và thực sự sống nhiều năm ở cư xá sinh viên Huỳnh Thúc Kháng số 127 đường cùng tên, ngày xưa còn có tên là đường Hàng Bè. Địa chỉ này là tòa soạn báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng lúc này đang được quản lý bởi Hội Ái hữu Đồng châu Quảng Nam tại Huế do ông Nam Thiên có nhà trước cửa Thượng Tứ phụ trách.
  
Sinh viên cư xá dưới 40 người gồm dân các quận của Quảng Tín, Quảng Nam và Đà Nẵng, mỗi năm chừng bốn năm người ra trường, cư xá lại nhận thêm con số đó thay vào. Năm năm sống ở cư xá tôi hiểu tính cục bộ địa phương trong tâm tư chàng sinh viên xứ Quảng, một số người là dân quận huyện, thời gian đầu chưa am hiểu nhiều về đất và người của Huế nên khá mặc cảm, nhất là trước các cô gái Huế, chưa nói đến những Tôn Nữ con nhà!
  
Gần bốn mươi chàng trai đó sống ở cư xá cả trên dưới lầu mỗi tầng hai dãy giường có lối đi ở giữa, hai người một ô, mỗi dãy bốn ô, tính chung một tầng là 16 người, có thêm một gác xép và một phòng nhỏ sau phòng khách khoảng 8 người nữa. “Cơm đùm gạo bới” đi học nên chỉ tập trung vào việc dùi mài kinh sử, lộ trình chính là từ nơi ở đến trường và ngược lại, thời gian đầu thường ngại tiếp xúc ngoại trừ bạn cùng lớp trong khoa. Tuy vậy, máu Quảng Nam vẫn rần rật trong tư tưởng họ, có lần, ngồi hóng mát trước hành lang phòng khách cư xá, sát lề đường, chứng kiến hai anh bạn chọc ghẹo hai cô gái đi qua, tôi can không kịp vì việc này luôn được Ban Đại diện cư xá nhắc nhở thường xuyên trong các buổi họp thường kỳ: không nên để dân địa phương đánh giá thấp sinh viên nội trú và có những việc làm khiến cư xá nói chung và sinh viên Quảng Nam nói riêng mang tiếng xấu. Các cô gái có lẽ từng gặp chuyện này nên thủ sẵn vũ khí loại hàng độc, khi bị chọc, một cô nói ngay: “Chiếu không?” Đó là từ người Quảng Nam cho là bị xúc phạm vì khi người Huế chê dân Quảng thì thường dùng ba chữ mang tính miệt thị: dân bán chiếu. Tôi chưa gặp nhưng nghe nói là có rất nhiều người dân Quảng gánh chiếu đến các vùng quê và cả đi vào các ngỏ hẽm phố phường để bán. Hai anh bạn này là sinh viên năm hai, có lẽ do đàn anh truyền kinh nghiệm nên hỏi ngay: “Bán chiếu để trải dưới đò à?” Ác đến thế, đốp chát đến thế là cùng!
  
Từ thập niên 70, bên tả ngạn sông Hương có 34 vạn đò sống trên sông nước với nhiều nghề nghiệp khác nhau,từ Phu Vân Lâu, Thương Bạc xuống đến chợ Đông Ba, rẽ về sông Đông Ba có một số đò là nơi kinh doanh thân xác phụ nữ phần lớn phục vụ khách làng chơi là những người lính về từ “địa đầu giới tuyến”. Dân Huế nói chung và phụ nữ Huế nói riêng, tôi biết, không chấp nhận chuyện này! Đò Huế không còn là nơi để những đêm trăng sáng, chèo ra giữa sông Hương nghe câu “mái nhì mái đẩy”, không phải là nơi bạn bè tri kỷ gặp nhau cùng ngược dòng Hương Giang vừa thưởng thức khúc “Nam ai Nam bình” vừa uống rượu ngăm trăng, qua khỏi Tuần đến Tả Trạch Hữu Trạch tìm mùi thơm của hoa Thạch xương bồ, mùi thơm khó quên nên người Pháp đặt tên sông là Rivière de Parfum mà đò Huế trở thành chốn Bình Khang được biết đến trên cả nước không khác gì “Number 9” thường nghe gọi là “năm bờ nay” tức cây số 9, Cam Ranh.
  

Không có số liệu chính xác về số sinh viên Quảng Nam học ở 5 khoa của Đại học Huế, những người học ở trường Cán sự Y tế, Nữ hộ sinh Quốc gia hay Trung học Nông Lâm Súc, những trường không mở ở Quảng Nam Đà Nẵng nhưng nếu tính cả vào lúc tôi ở Huế sẽ có con số phỏng chừng dưới 200. Cư xá Nam Giao, Đội Cung, Xavier, Jeanne D’Arc, Huỳnh Thúc Kháng, cư xá của hai trường y tế là những nơi cư trú của họ trong những năm đi học, số còn lại thuê nhà ở hoặc dạy kèm ở ngoài. Năm năm tôi sống ở nơi này, chưa nghe thấy ai có đóng góp hoặc cống hiến gì nổi bật ở các trường hay trong các hội đoàn ngoại trừ đóng góp tích cực vào phong trào đấu tranh chống Mỹ của các đô thị miền Nam mà cư xá tôi ở, con số tham gia lên đến gần chục người! Có lẽ lo học nhiều nên kết quả của các chàng sinh viên xứ Quảng khá khả quan và điều này làm họ lọt vào mắt xanh của những người đẹp, khóa Huỳnh Thúc Kháng của tôi cũng có người rước được người đẹp về làm dâu đến tận Tam Kỳ!
  
Khá nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu người Huế đã viết về tình thương yêu và nhớ nhung của họ khi sống xa thành phố nắng nẻ đất, mưa trắng trời này, đó là giáo sư Cao Huy Thuần, là giáo sư Nguyễn Tường Bách, là nhà văn Trần Kiêm Đoàn… Ngày tôi về thăm Huế, Thanh Nhã tặng mấy cuốn sách trong đó có “Từ ngõ Huế xưa” một quyển sách chọn lựa những bài hay nhất về Huế của Trần Kiêm Đoàn, bài nào đọc cũng không thể không xúc động, trong bài Mưa Huế (trang 36) anh trích một đoạn trong Nhớ Huế (năm 1995) của nhà văn Nguyễn Mộng Giác mà anh dùng là “người bên kia đèo Hải Vân” như sau: “Mưa tê tái, mưa lạnh lùng nhưng ngay trong cái tê tái nhợt nhạt ấy, Huế vẫn cứ thơ… Tình yêu của Huế không cần viện đến nắng vàng, trời trong, mây xanh.

Ủ dột u ám cũng có nét đẹp của nó”.
  
Bạn bè tôi, những con dân sinh ra và lớn lên trên đất thần kinh luôn âm ỉ trong lòng một niềm tự hào về đất và người xứ Huế, nơi đã là kinh đô của triều đại phong kiến cuối cùng: nhà Nguyễn, cũng không ít người khi nghe ai đó ngợi ca Huế đã có những phản ứng trái chiều dầu những ngợi ca đó được số đông ủng hộ vì đã có cái nhìn sâu sắc đến mức có thể đi vào văn học sử như hai câu nổi tiếng của nhà thơ Thu Bồn:
  
Con sông dùng dằng, con sông không chảy   
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu…
  
Hay: Huế đẹp, Huế thơ, Huế mơ, Huế mộng họ liền thêm vào 5 chữ đầy ác ý và giễu cợt, chưa bàn đến đúng, sai: “Huế tộng bộng hai đầu!”
  
Lại nữa, từ câu ca dao về sông Hương núi Ngự như:
  
Núi Ngự bình trước tròn sau méo
Sông An Cựu nắng đực mưa trong.

Họ trả lời ngay:
  
Núi Ngự không cây chim ngủ đất
Sông Hương vắng khách đĩ kêu trời!
  
Hồi sống ở cư xá, có lần tôi được nghe một đàn anh kể lại một chuyện tình trai Quảng-gái Huế, không cần thẩm định mức độ khả tín của câu chuyện nhưng tôi biết anh và không tin đây là chuyện đùa. Anh kể rằng, có một chàng trai Quảng ra học đại học, ở trọ và kiếm tiền phụ thêm tiền nhà chu cấp hằng tháng bằng việc kèm trẻ (hồi ấy gọi là précepteur). Không rõ nhan sắc và sức học của cô học trò thế nào nhưng cô là con của một chủ tiệm buôn lớn trên đường Trần Hưng Đạo. Có tình yêu nảy nở sau quan hệ thầy trò này không hay chàng trai này có ý “đào mỏ” hay không cũng không rõ nhưng một thời gian sau cô học trò này… có bầu! Cha cô bé đề nghị chàng sinh viên làm rể mình, sẽ tổ chức một đám cưới xứng tầm với gia sản và vị thế của ông trong giới doanh nhân và hứa hẹn sẽ cho hai vợ chồng trẻ một căn nhà riêng trong phố. Chừng như ý thức được “thế thượng phong” của mình, chàng trai đòi hỏi thêm một chiếc xe hơi và vốn liếng. Ở đời, “già néo đứt dây”, sau nhiều lần “đàm phán” không tìm được mẫu số chung, ông chủ quyết định đưa con vào Sài Gòn sống chờ ngay sinh nở. Không biết “cái hậu” thế nào, những nhân vật trong chuyện này ra sao nhưng nếu là chuyện tình thì nó thiếu cái happy ending!
  
Các bậc tiền bối Quảng Nam ra học, ở lại làm quan, làm việc ở Huế nhiều thế hệ khác nhau đã có nhiều đóng góp cho triều đại nhà Nguyễn, cho Huế nhưng đọc một bài viết của tác giả Phạm Phú Phong (1) tôi không khỏi cảm thấy chạnh lòng về việc đối xử của chính quyền hiện tại với những danh nhân, những di tích liên quan mà nơi tôi ở, cư xá SV Huỳnh Thúc Kháng ngày xưa bây giờ hoang tàn đổ nát vì chính quyền giao cho Đại Học Y làm nơi ở của cán bộ, họ cơi nới, chia nhỏ, thậm chí có người dùng cho thuê mặt bằng buôn bán là một thực tế đắng lòng!
  
Sau Mậu Thân, Huế đổ nát, điêu tàn do bom đạn, Huế tang thương với hàng ngàn vành tang trắng do thành tựu “giải phóng” qua các mồ chôn tập thể, coi phóng sự trên tivi về các buổi khai quật những mồ chôn này, phóng sự luôn kết thúc bằng bản nhạc “Thương về cố đô” của nhạc sĩ Thanh Sơn mà mỗi lần nghe, tôi nhớ – dầu chỉ mới đến Huế vài ba lần – mình đã không cầm được nước mắt!
  
Sau này, khi lập gia đình, tôi lại lần nữa gắn bó với Huế tuy vợ tôi chỉ lớn lên ở Huế từ thuở lên năm lên sáu. Và bởi đó, tôi luôn giữ trong tim lòng biết ơn xứ Huế nơi một anh, một chị tôi đã học và làm việc, nơi cha tôi trút hơi thở cuối cùng, nơi tôi sống suốt thời sinh viên sôi nổi, nơi tôi đã không ít lần thấy lòng mình dậy lên những xôn xao về một nét đẹp Huế, một giọng nói Huế, một ánh mắt Huế, một tấm lòng Huế… cho tôi nhiều người bạn Huế vô cùng dễ thương và sau cùng, ít nhiều cũng cho các con tôi một chút chất Huế trong người.
 
– Nguyễn Hoàng Quý
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Một anh bạn học cũ, gốc dân Quảng Ngãi (*), mới lãnh lương dạy kèm mấy giờ Anh ngữ, có nhã ý mời tôi đi ăn một món đặc sản quê anh. Ngại cho túi tiền eo hẹp của bạn, tôi từ chối thì anh nói ngay “Rẻ thôi mà!”. Cái quán xập xệ nằm ở đầu đường Bình Giả, Tân Bình. Chị chủ quán có vẻ trầm lặng, khép kín, không đon đả chuyện trò với khách, nhưng quán của chị khá gây ấn tượng là mấy chữ “Don Quảng Ngãi” được ghi dõng dạc, to nét trên tấm bảng lớn treo trước quán. Rồi hầu như để cho đồng bộ, bên trong quán lại có thêm hai cái bảng khác quảng cáo “Bia Dung Quất – Bia Quảng”. Và, rõ ràng là khiêm tốn hơn, một tấm bảng khác nữa ghi mấy chữ “Cháo gà, vịt – Tiết canh – Hủ tíu”, nét nhỏ hơn nhiều so với chữ “Don Quảng Ngãi”
Trước đây tôi đã viết bài phiếm Cao Nhơn, Nhơn Trị từ thành ngữ “Cao nhân tất hữu cao nhân trị” ghi vài nhân vật ngày xưa kiến thức rộng, giỏi văn chương nên tự phụ “mục hạ vô nhân” nhưng người xưa cho rằng “Nhất sơn hoàn hữu nhất sơn cao” (Núi cao còn có núi cao hơn) để nói về con người suy ngẫm. Vì vậy chuyện “sửa lưng” nói nôm na nhẹ nhàng hơn “phản pháo, đá giò lái” giữa hai nhân vật qua lời nói hay hành động. Người xưa sửa lưng không những chỉ người có quyền thế sửa lưng người thất thế mà ngược lại…
Trong cuộc sống của chúng ta cũng thường gặp phải bao chuyện xảy ra họa (rủi ro) và phúc (may mắn). Khi có người bị họa thì lấy thành ngữ “Tái ông thất mã” nghĩa Hán Việt: Tái là “cửa ải”, Ông là “ông lão, ông già”, Tái ông là “ông già sống gần biên ải” ám chỉ khi người gặp họa trước thì may mắn được phúc sau. Thông thường thì thành ngữ nầy chí với tự bản thân để an ủi. Trong Tự Điển Hán Nôm thì phúc và phước viết giống nhau. Theo cách gọi miền Bắc là phúc, Trung và Nam là phước. Với phước, họa thì khôn lường được. Câu nói Lưu Hướng trong Thuyết Uyển “Phúc bất trùng chí, họa tất trùng lai”, phúc chỉ may mắn một lần, họa thì liên miên. Hay “Phúc vô song chí, họa bất đơn hành”.
“Vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm. Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm”: Khi không có người chỉ huy, kẻ xấu làm bậy. “Gà tức nhau vì tiếng gáy”: Tính ganh đua, đố kỵ, không chịu kém người khác. “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”: Cậy thế ỷ lại, bắt nạt người khác. “Khôn ngoan đối đáp người ngoài. Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”: Khuyên bản thân có bản lãnh thì ra ngoài xã hội, anh chị em trong nhà nên đoàn kết, gắn bó với nhau cùng nghĩa tương tự như “Gà nhà lại bới bếp nhà”: Chê cùng phe cánh lại phá hoại lẫn nhau. “Gà què ăn quẩn cối xay”: Chê những người không có ý chí. “Học như gà đá vách”: Chê những người học kém. “Lép bép như gà mổ tép”: Chê người ngồi lê mách lẻo. “Lờ đờ như gà ban hôm”: Quáng gà, chê người chậm chạp, không hoạt bát
Câu nói để đời của TT Nguyễn Văn Thiệu: “Làm kẻ thù của Mỹ thì dễ, làm bạn với Mỹ thì rất khó”. Làm kẻ thù với Mỹ chỉ trực tiếp đối đầu còn làm bạn với Mỹ phải chấp nhận yêu sách, quyền lợi của Mỹ… nếu không sẽ bị “đá giò lái, đâm sau lưng” và có lúc bị bán đứng đất nước!
Tuổi 18 có thực sự là ngưỡng cửa của trưởng thành? Không ai lớn lên giống ai, và hành trình trưởng thành cũng chẳng thể đo đếm bằng một con số. Hầu hết chúng ta đều quen thuộc với cột mốc 18 tuổi – độ tuổi mà luật pháp nhiều nơi, bao gồm Hoa Kỳ, công nhận một cá nhân chính thức bước vào tuổi trưởng thành và phải chịu trách nhiệm hình sự như người lớn. Thế nhưng, câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó.
Tình hình thế giới hình như đang rối lung tung, náo loạn như từ khi tổng thống Mỹ nhậm chức nhiệm kỳ II. Ông ở ngôi mới được hơn 100 ngày chút xíu, mà nhiều rắc rối quá, đối ngoại thì như mỗi ngày ông đưa ra những quyết định trừng phạt thế giới về kinh tế và thương mại bằng cách tăng thuế vào các hàng hóa của bất kỳ quốc gia nào nhập khẩu và Hoa Kỳ từ 10 đế 50% và hơn thế nữa.
Thông thường, sau một ngày dài bận rộn, ai cũng nghĩ rằng đến khi đặt lưng xuống giường thì cơ thể sẽ mệt mỏi rã rời. Thế nhưng đôi khi, điều ngược lại lại xảy ra: thay vì cảm thấy mệt và buồn ngủ, chúng ta lại bất ngờ cảm thấy tỉnh như sáo, tràn đầy năng lượng, trằn trọc mãi chẳng thể nào chợp mắt.
Bộ đồ lòng dĩ nhiên gồm có…lòng. Nhưng lòng lại chia ra nhiều loại: lòng non, phèo, lòng già, khố linh. Khố linh là phần cuối của lòng già, ăn rất giòn, béo vì có lớp mỡ bên trong. Đó là điểm cộng của khố linh. Điểm trừ là khố linh rất hôi, có lẽ đây là lý do có chữ “khố” nằm vùng ở đây. Bàn ngang một chút: lòng còn chỉ “lòng dạ”, một từ không dính dáng chi tới chuyện ngon hay dở. Nghĩa bóng của “lòng dạ” chỉ liên quan tới con người, còn bò heo gà thì chỉ có một nghĩa. Ngoài lòng, bộ đồ lòng còn bao gồm tim, gan, bao tử, dồi trường. Dồi trường chỉ có ở heo nái. Tùy theo tuổi heo, dồi trường to hay nhỏ. Loại ngon nhất là dồi trường của heo nái đẻ hai hoặc ba lứa. Nhưng ít thực khách biết chuyện này nên cứ đòi dồi trường to, vừa đắt vừa không ngon.
Hãy tưởng tượng quý vị đang đứng ngay cạnh xác tàu Titanic huyền thoại, chậm rãi dạo quanh một vòng và chiêm ngưỡng kích thước đồ sộ của con tàu. Quý vị có thể ghé vào phòng chứa lò hơi (boiler rooms), ngắm nghía các bảng điều khiển, thậm chí nhìn thấy số ID 401 của tàu được khắc trên cánh chân vịt. Những dải nhũ xốp gỉ sét (rusticles) lặng lẽ bám quanh thân tàu. Rải rác trên mặt đất là những mảnh kim loại đã biến dạng và đồ đạc cá nhân của những nạn nhân xấu số trong thảm kịch năm xưa.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.