Hôm nay,  

Mùa Xuân, Thương Người Như Thể Thương Thân

23/12/202118:02:00(Xem: 2438)

Tản mạn

h01
Mùa Xuân năm nay lạnh quá! Ở California mà than lạnh mới lạ! Lạnh thật, không hiểu sao năm nay lạnh quá? Ở đời này nhiều việc thay đổi: thời tiết thay đổi, con người thay đổi, nhưng có nhiều người có lòng, làm việc từ thiện vẫn không thay đổi, miệt mài làm việc thiện, giúp  người nghèo, trẻ con mồ côi. Làm việc thiện từ năm này sang năm khác, làm việc thiện không biết mệt mỏi.

 

Hôm qua có một khách hàng đến văn phòng chúng tôi,  nhìn thấy một  bà già da mặt nhăn nheo đang bưng những thùng giấy ra xe. Người này gầy thật gầy. Ở Mỹ mà gầy như thế này hiếm lắm, người khách hỏi:

 

– Ở đây già như thế vẫn còn làm việc hả chị?

 

– Em nói người nào?

 

– Bà cụ em vừa gặp mới vào cửa đó.

 

Tôi nói ngay:

 

–  Đó là một bà cụ chưa bao giờ lập gia đình. Hồi nhỏ thì nuôi cháu, bây giờ thì đi lượm giấy, thùng carton bán để giúp cho trẻ con mồ côi ở Việt Nam.

 

Một xe giấy đầy bán chừng $20–30, rồi thêm vào vài trăm để gởi tiền về Việt Nam.

 

Người khách trẻ, một triệu phú, yên lặng có vẻ kính phục một lão bà ốm nhom này.

 

Đâu phải người đàn bà ốm nhom này mới làm việc từ thiện gần đây, bà làm việc này liên tục từ mấy chục năm nay. Khi hai mẹ con mới đoàn tụ đã đi làm việc thiện. Làm việc một tuần 5 ngày, cuối tuần đi chợ trời để mua quần áo về giặt sạch, xếp quần áo cẩn thận, áo của đàn ông, đàn bà và trẻ con để riêng để gởi đi. Việc này của cụ bà đã kéo dài hơn 32 năm, từ khi đến Mỹ. Khi bà cụ sắp chết, trong nhà còn nhiều quần áo đã giặt sạch, cụ bà trăng trối:

 

– Hãy gởi những quần áo về Việt Nam.

 

Người ở Việt Nam ra đi sau này biết rõ cảnh khổ của người còn ở lại quê nhà. Mọi sự giúp đỡ nhỏ nhỏ cũng làm ấm lòng người nghèo khó.

 

Khi nói về người có lòng thì nhiều lắm, người già, người trẻ, người nào cũng có thể làm việc thiện nếu người đó có trái tim nhân hậu, biết thương người. Người tốt trên thế giới này thì nhiều lắm, ở đâu cũng có người tốt. Theo thống kê thì người Hoa Kỳ làm việc từ thiện nhiều nhất trên thế giới, người tị nạn ở đây cũng làm việc thiện.

 

Mùa Giáng Sinh năm nay ở Cali lạnh quá, nhưng có những việc làm ấm lòng người. Người Việt vốn biết ơn, mang ơn ai thì phải trả, để tỏ lòng biết ơn với chánh phủ Hoa Kỳ và người dân Hoa Kỳ, đồng bào Việt Nam cho cơm cho người không nhà. Các phái đoàn cho cơm hằng tuần, không phân biệt Phật Giáo, Công Giáo, Cao Đài, Hoà Hảo, Tin Lành.

 

Chùa Bảo Quang mỗi tuần vào ngày thứ Ba cho cơm người không nhà ở công viên của thành phố Santa Ana liên tục 26 năm. Cơm chiên nóng, đồ xào, món mặn, trái cây, nước trà, nước ngọt, v.v. Trời mưa, trời nắng, Phật tử của chùa cũng đem cơm đến công viên của thành phố cho cơm, thức ăn, trái cây do Phật tử đem đến, đĩa, muỗng, chùa đi mua. Nhưng chưa bao giờ chùa gây quỹ để xin tiền, tất cả đồng hương Phật tử lo liệu.

        

Có những người trẻ làm việc từ thiện. Chúng tôi cảm động lắm. Một tuần trước khi lễ Giáng Sinh, tôi nhìn  vào xe của một người trẻ, là Tuấn Lưu, chuyên viên địa ốc  của chúng tôi, tôi thấy có một hộp chocolate trong xe, tôi nói:

 

– Con đem  hộp bánh này vào nhà, để  trong xe coi chừng chocolate chảy đó.

 

Tuấn nói :

 

– Con đem cho bà homeless ở ngoài đường, mà tìm không thấy.

 

Tôi cảm thấy buồn  buồn, không biết việc gì đã xảy ra cho người phụ nữ không nhà này? Có chuyện gì không may cho bà ấy chăng? Ôi, cuộc đời vốn vô thường mà.

 

Trời lạnh, cảnh sát thường buổi sáng sớm đi qua các công viên nhặt xác của người không nhà. Vì lạnh quá không đủ ấm, và vì bệnh đã qua đời một cách dễ dàng.

        

Tôi nhìn băng sau tôi thấy nhiều bịch quần áo, tôi hỏi Tuấn:

 

– Băng sau của con có nhiều  thứ quá vậy?

 

Tôi hỏi như thế vì Tuấn Lưu là một người sạch sẽ, thứ tự, xe lúc nào cũng thật sạch, và bàn làm việc của Tuấn cũng rất sạch.

 

Tuấn nói :

 

– Con đem quần áo cho người không nhà.

 

Thì ra mấy ngày lễ Tuấn ở ngoài đường. Tuấn đi tìm người không nhà để cho quần áo ấm.

 

Một hôm đến văn phòng Tuấn nói:

 

– Con cho hết quần áo rồi, cho áo ấm, áo gió thì người ta nhận, nhưng cho áo vest thì người ta không nhận.

 

Tôi ngạc nhiên :

 

– Tại sao vậy?

 

– Mặc quần áo sang thì người ta không giúp đỡ. Bạn con  ở Việt Nam cũng nói cho quần áo vest cũng không nhận. Có lẽ ăn mặc sang, người khác nhìn vào không giúp nữa.

 

Nên bây giờ trong xe của Tuấn vẫn còn đồ vest. Tôi hỏi Tuấn:

 

– Quần áo ở đâu mà con có nhiều vậy?

 

– Của ba con, của con, của em con, và của bạn con.

 

Tuấn thích làm việc xã hội. Làm việc âm thầm không hề nói với ai ở văn phòng. Anh chị em trong văn phòng biết thì chắc chắn sẽ đóng góp với Tuấn. Ngay cả tôi, tôi cũng đóng góp, để khuyến khích một người trẻ có lòng giúp đỡ tha nhân.

 

May mà Tuấn là chuyên viên địa ốc, nếu làm cho hãng xưởng, mà bỏ sở làm đi tìm người không nhà để cho quần áo tuần này đến tuần khác thì sẽ thất nghiệp thôi.

 

Ba của Tuấn là nhân viên văn phòng sở Mỹ, đi theo diện ODP. Ông cũng là giáo sư dạy nhạc đào tạo nhiều ca sĩ. Tuấn ca rất hay, ca ở nhà thờ, ở chùa, ca trên tivi, radio, không cần đàn, trống, tiếng ca rất truyền cảm, đi vào lòng người.

 

Trong văn phòng của tôi, hầu hết ai cũng làm việc từ thiện, gởi tiền về giúp cho nhà dòng, cho chùa, cho những trẻ mồ côi, và có người hết lòng vì người nghèo ở Việt Nam.

 

Một người trẻ khác nữa là Hiếu Trần, làm việc tối tăm mặt mũi, làm toàn thời gian ngày thường, cuối tuần làm chuyên viên địa ốc. Hiếu lên tivi chương trình "Cái Nhà Là Nhà Của Ta" xin quần áo cũ, sau đó Hiếu đem giặt sạch sẽ để gởi về Việt Nam và mỗi năm hai vợ chồng Hiếu đều về Việt Nam đi phân phát quà. Có lần từ Việt Nam, Hiếu gởi cho chúng tôi xem một số hình, Hiếu đang vác gạo xuống ghe trượt chân té xuống sông. Hiếu bơi rất giỏi, nếu không biết bơi thì không biết việc gì xảy ra. Người bạn đứng trên bờ thay vì nhảy xuống vớt bạn lên, thì chỉ đứng trên bờ chụp hình. Nhưng Hiếu bơi rất giỏi nên không cần phải ai cứu. Hiếu sinh ra ở miền Tây, học bơi từ lúc 3 tuổi.

 

Khi chúng tôi nhìn thấy trong hình Hiếu đang bơi lội trên dòng sông, chúng tôi rất xúc động. Một người trẻ có lòng Trời Phật, Thượng Đế thương xót.

 

Sau khi Hiếu Trần lên tivi, radio rao xin quần áo cũ thì hằng tuần đồng bào gởi quần áo cho rất nhiều. Quần áo để ở văn phòng đến độ không có  lối đi. Nhạc sĩ Trọng Nghĩa, Mộng Lan chở đến nhiều thùng quần áo rất có giá trị và đẹp.

 

Sau đó chúng tôi năn nỉ Hiếu:

 

–  Con ơi, con làm ơn đến tận nhà đồng hương nhận quần áo, vì văn phòng nhỏ quá không có đủ chỗ để giữ hàng mấy chục thùng quần áo trong một tuần lễ.

 

Khi Hiếu đi về Việt Nam để làm việc xã hội, từ Biển Hồ, Cao Miên đến miền Tây Việt Nam, thì đồng bào người cho quần áo ấm, người cho tiền. Hiếu Trần làm một hội từ thiện được trừ thuế nếu người nào cho tiền, hay quà.

 

Người trẻ này mơ ước:

 

– Con làm địa ốc thêm để dành mỗi năm về Việt Nam một lần.

 

Khi rời quê hương ra đi Hiếu tự  hứa với lòng mình phải đi làm, dành dụm tiền để giúp người nghèo ở Việt Nam.

 

Còn nhiều người nữa ở văn phòng của chúng tôi giúp người nghèo, như Kevin Hùng Đỗ giúp cho các nhà dòng, Lisa Nguyễn và Lang Hoàng giúp cho các chùa, Hoà Trương giúp cho các anh em tranh đấu ở quê nhà, các cô thư ký của chúng tôi cũng làm việc thiện. Trang Đặng và Trang Nguyễn cũng thích làm việc từ thiện. Trang Nguyễn, Tỉnh Nguyễn giúp cho nhà thờ hằng tuần. Nguyên Trương cũng thích làm việc từ thiện, phát thực phẩm cho người nghèo ở nhà thờ. Nguyên và con gái dạy tiếng Anh cho trẻ mồ côi ở viện mồ côi Việt Nam qua zoom. Bửu Hằng hay giúp sửa điện và cúng dường cho các chùa.

 

Dược sĩ Trần Hưng Thịnh giúp tiền mua gạo cho trẻ em mồ côi ở quê nhà. Nha sĩ Thanh Hằng giúp cho các chùa, các thầy, sư cô, ni sư.

 

Nhiều lần tôi tự nói với chính mình:

 

Mình có phước vì xung quanh mình toàn là người tốt, rất tốt, hàng xóm của mình cũng rất tốt.

 

Có lẽ mọi người có số, sinh ra có sao tốt xung quanh thì mọi ngày đều gặp người tốt.

 

Người tốt thì nhiều lắm đồng hương ơi! Ở đất này quả báo nhãn tiền, người tốt sẽ gặp nhiều sự may mắn trong đời.

 

Trời lạnh nhưng lòng người ấm, giúp người, người nhận được sự giúp đỡ cũng cảm thấy ấm lòng. Người giúp người khác nhìn thấy nụ cười biết ơn cũng thấy ấm lòng.

 

Mong thế giới hòa bình, hy vọng mọi người trên giới đều tốt, giúp đỡ lẫn nhau, cho mọi người đều có cơm ăn, áo mặc thì dù trời lạnh vẫn thấy ấm lòng.

 

Kiều Mỹ Duyên

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Một truyện ngắn của nhà văn Tiểu Lục Thần Phong. Truyện thuật một anh chàng đi xem câu cá ngoài bờ biển và trong lúc đi, anh suy nghĩ lan man về sự đời, về lẽ sống, cái chết và những điều phi lý của cuộc sống. Mời đọc.
Nhà nhạc học Trần Quang Hải, nổi tiếng với những công trình nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Việt Nam, vừa qua đời tại Paris hôm 29/12/2021. Dưới đây là bài viết ghi chép lại những kỷ niệm giữa ông và người bạn chí thiết suốt mấy chục năm, Giáo sư Tiến sĩ Phạm Trọng Chánh. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Một truyện rất ngắn của nhà văn Đào Như về tình nghĩa phu thê. Mời đọc.
Một truyện ngắn của nhà văn Hoàng Quân, đọc để cùng với tác giả yêu tiếng Việt hơn. Việt Báo hân hạnh giới thiệu.
Một truyện ngắn mang phong vị dã sử của nhà văn Trần Hoàng Vy. Mời đọc.
Một đoản thiên dí dỏm, nhẹ nhàng của nhà văn Hoàng Quân. Mời đọc.
Bài tham luận của nhà văn Trang-đài Glassy-Trầnnguyễn đọc trong buổi kỷ niệm 20 năm thành lập Trang Mạng VHNT Gió-O.
Nhờ những tình cờ may mắn, tôi quen nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, tác giả bài thơ “Còn gặp nhau...” Một bài thơ được biết bao người yêu thích, trích dẫn, chuyền tay nhau đọc, được viết thư pháp trên giấy, trên lụa, trên đá...
Một bài tản văn về... cá bống của tác giả Trần Hoàng Vy, đọc để cùng tác giả... mơ về một món ăn đậm đà hương vị quê hương.
Một bài thơ đầu năm của nhà văn Phạm Quốc Bảo.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.