Hôm nay,  

Đọc Thơ Nguyễn Lương Vỵ

11/3/202015:24:00(View: 4893)
blank

Đọc Thơ Nguyễn Lương Vỵ

 

Phan Tấn Hải

 

Tôi luôn luôn nhìn thơ như một cõi khác --- không phải cõi xa, không phải cõi gần, không phải cõi khác, không phải cõi nhiều hay cõi ít… khi so với cõi đời thường của chúng ta. Thơ chính là ngay trong đời sống này, thơ gắn liền với hơi thở chúng ta, thơ hiển lộ ngay trước mắt chúng ta, thơ bước liền theo nét bút chúng ta ghi xuống, nhưng thơ vẫn luôn luôn là một thế giới khác. Thơ là những cuộn mây phả theo đầu ngón tay khi tôi cầm bút lên, thơ là cõi vui chơi của trẻ nhỏ hiện ra khi tôi ghi xuống trang giấy từ chữ đầu tới chữ cuối, thơ là mùi trầm hương từ Hy Mã Lạp Sơn bay về xông ướp trang giấy ngay khi tôi suy nghĩ về chữ. Vâng, thơ là thế giới khác. Vâng, thơ là Niết Bàn. Vâng, đó là thơ, của người xưa, của người nay, của muôn nghìn người đang tập làm thơ dù chỉ mới một ngày, hay đã làm thơ trọn một đời. Và như thế, tôi là một trong những người may mắn đã tập làm thơ từ thời rất nhỏ, đã làm thơ gần như trọn một đời, và đã đọc thơ rất mực trân trọng như đang bước vào một thế giới khác. Cũng như thế, trong các nhà thơ đã cho tôi nhìn ra một thế giới rất riêng và rất khác, có Nguyễn Lương Vỵ.

.

Một nửa thế kỷ làm thơ. Nguyễn Lương Vỵ đã đi tới mốc thời gian đó. Đó là những gì của đếm ngày, đếm tháng. Thực sự, trong cõi thơ không có thời gian đo đếm. Cho dù mẹ đã xa thật xa, khi trang thơ mở lại, dáng ngồi của mẹ vẫn hiện ra trước mắt Nguyễn Lương Vỵ: “Bấc lụi nhớ đèn thiu / Mẹ ngồi đau dáng núi / Khuya khoắt nhớ trăm chiều / Chong mắt người viễn xứ.” (Bóng Ngày Qua I).

Trong thơ, không gian và thời gian hiển lộ trong một cõi riêng, một cõi tái sinh trong tâm tưởng và lung linh trong giấy mực. Thi sĩ Hàn Mặc Tử đã khuất núi nhiều thập niên, và khi nghe được dòng thơ họ Hàn âm vang lẫm liệt, Nguyễn Lương Vỵ viết: “Ngồi im bên mộ Hàn / Nghe chiều vang búng huyết / Nghe thơ rền lẫm liệt / Nghe vũ trụ tan hoang…” (Viếng Mộ Hàn Mặc Tử, 1969).
.

Thơ Nguyễn Lương Vỵ (NLV) có thể chia theo nhiều khung riêng. Thí dụ, quê nhà và hải ngoại. Hay, thơ thời kỳ trước và sau 1975. Hay, thơ theo thể truyền thống 5 chữ, 7 chữ, lục bát, hay tự do.

Hay như, khi thơ NLY hiển lộ trong thế giới âm thanh (Hú / Mú mù mu / Vú vù vu / Mệt lả hiên trời / Chép môi khuya / Rạch tiếng đàn trong cỏ / Rạch tiếng gió trong xương / Ôi hương máu / Gai âm… “Hú”).

Hay như, khi thơ NLV lên thác xuống ghềnh với dấu chấm câu (Sóng như bông – Bông như sóng / Ru. Thét. Gào. Im. Ngất. Động / Sông nở gió – Bông nở em / Em nở ta. A! Cồi mộng!!!.... “Ghi Chú Thơ Nguyễn Xuân Hoàng”).

Hay như, khi thơ NLV đưa chúng ta trở về một góc quê nhà phương ngữ (Kể chuyện nữa đi Mẹ / Chuyện chị con cũng nghe / Chuyện chi mô rứa hè / Giọng Quảng Nôm giòn rụm… “Nắng Xuân Phân”)

Nhưng trong tận cùng, vẫn là một chất Nguyễn Lương Vỵ rất riêng. Cái chất riêng này làm độc giả nhìn thấy thơ anh không lẫn vào thơ người khác. Nơi đây, chúng ta thử đối chiếu thơ Nguyễn Lương Vỵ của năm đầu tiên xuất hiện trên các tạp chí thi ca Sài Gòn với gần nửa thế kỷ sau.

.

Thơ NLV trong năm 1969, qua bài “Cảm Ứng” chỉ ngắn với bốn câu, trong tâm thức vừa lãng mạn, vừa nổi loạn thời mới lớn tại quê nhà:

Biển đắp một tòa sương
Lạnh đôi bờ vú nhỏ
Nàng tắm trong tịch dương
Núi gầm lên khóc nhớ…

Đó là hình ảnh đẹp của một nàng thiếu nữ đang tắm biển, rất buồn (tắm trong ánh chiều), rất như không thực (như sương), bất như ý (lạnh đôi bờ vú – biểu tượng của nữ tính, của nhan sắc và của bất an), và hứa hẹn cuộc đời sẽ rất mực truân chuyên (núi gầm lên khóc nhớ).

.

Như thế là có phần khác với hình ảnh thơ NLV của 47 năm sau, khi anh viết trên chuyến bay ngày 24.02.2016 từ Tân Sơn Nhất, Sài Gòn, đến phi trường LAX, California --- bài thơ viết theo thể 7 chữ, mỗi đoạn 4 câu, và dài 9 đoạn, nhan đề “Nếp Gấp Thời Gian 4” trích hai đoạn như sau:

Khuya. Chia tay. Tạm biệt Sài Gòn.
Hẹn. Vết bầm. Vết sướt. Vết son.
Hẹn. Bụi bến. Bụi bờ. Bụi bặm.
Hẹn. Cầu bơ. Cầu bất. Dại. Khôn.

Còn. Chút hương. Tam Kỳ. Đà Nẵng.
Chút cô liêu. Gửi lại. Sông Hàn.
Chút kỷ niệm. Bay theo. Mây trắng.
Chút lầm than. Lầm lũi. Chưa tan!

.

Giọng thơ đầy gập ghềnh, liên tục ngắt đoạn --- có phải đó là tiếng khóc, hay những lời rất mực ngập ngừng của người con xa xứ? Hay chàng có gì muốn nói, và không mở lời được? Hình ảnh đầy những bất như ý (bầm, sướt, bụi, bờ…). Xuyên suốt cả thơ Nguyễn Lương Vỵ như thế là một ý thức về khổ, về những bất như ý trong cõi này. Không phải là một tuyên thuyết chính thức về Khổ Đế trong nhà Phật, nhưng là một kinh nghiệm bản thân của thi sĩ về bất toàn cõi này, khi còn là một chàng trai mới lớn nhìn một thiếu nữ tắm, cho tới khi là một nhà thơ ở giữa thập niên của lứa tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận” (60 tuổi có thể nghe được cả ý kiến bất đồng). Nói ngắn gọn, chung hết, thơ Nguyễn Lương Vỵ hay, đẹp, buồn, và đầy những tiếng nói bất như ý trong cõi này.

.

Hình ảnh quê hương hiện rõ nhiều lần trong thơ Nguyễn Lương Vỵ. Chúng ta gặp rất nhiều địa danh trong thơ của NLV: Qui Nhơn, Ninh Chữ, Nha Trang, Đèo Cả, Pleiku, Phố Cổ Hội An, Tam Kỳ, Ngũ Hành Sơn, Đà Lạt, Sài Gòn… hầu hết là Miền Trung. Dễ hiểu, bởi vì Nguyễn Lương Vỵ sinh năm 1952 tại Tam Kỳ, Quảng Nam. Vào Sài Gòn học ở Đại Học Vạn Hạnh, và hoàn tất Cử nhân Triết nơi đây trước năm 1975. Hầu hết các nơi NLV đặt chân tới là Miền Trung và Sài Gòn.

Khi Nguyễn Lương Vỵ làm thơ với các địa danh quê nhà, quá khứ của anh hiện lên trong thơ, buồn nhiều hơn vui. Thơ trong các năm 1969-1975 của NLV một số bài có văn phong cổ thi. Thí dụ, bài thơ 4 dòng, nhan đề “Đèo Cả” làm năm 1971, anh viết: “Lâu lắm qua đèo Cả / Đá vẫn quấn mây mù / Vọng phu xanh tấc dạ / Đá vẫn sầu muôn thu!” Trong đó, hình ảnh “vọng phu” dựa vào cổ tích, và thi sĩ cảm nhận nỗi “sầu” (từ Hán-Việt) chứ không phải nỗi “buồn” (từ Nôm, thuần Việt).

.

Tuy trong thời mới lớn, còn giữ văn phong cổ thi (nói là cổ, không có nghĩa là phải đẩy vào quá khứ, nhưng cổ còn có những giá trị muôn đời) Nguyễn Lương Vỵ đã có nét đẹp của văn phong riêng, như trong bài thơ 4 dòng, nhan đề “Không Ngủ Được” làm năm 1971, như sau:

Suốt đêm không ngủ được
Vuột mất một tứ Thơ
Tự trách mình bội ước
Mảnh trăng quê dại khờ
!

.

Nơi đây, thi sĩ ngủ và thức với Thơ, hẹn và quên với trăng; nơi đây, mảnh trăng quê là người tình có hẹn ước, đã quyện vào thơ và giấc ngủ của chàng. Nửa khuya thức dậy, mới tiếc một dòng thơ đã biền biệt trong mơ.

Nguyễn Lương Vỵ nghĩ nhiều tới người xưa. Thơ anh nhắc tới Hàn Mặc Tử, Nguyễn Du, Quách Tấn, Bùi Giáng và nhiều nhà thơ tiền bối. Có phải anh nghĩ tới bản thân mình và nhớ tới người xưa? Có phải anh băn khoăn về số phận có vẻ như tiền định của bản thân anh và các nhà thơ quá khứ?

Phải chăng chàng trai 20 tuổi tự thấy mình, cũng như người xưa, cũng cặm cụi làm thơ để nhìn thấy chữ làm đầu mình hóa thành núi đá và phải cất tiềng vang rền? Chàng trai Nguyễn Lương Vỵ viết trong bài thơ 4 câu nhan đề “Đỗ Phủ” như sau:

Hằng ngày hằng cặm cụi
Nhẩm thơ cất trong đầu
Cất lâu đầu hóa núi
Núi rền nên núi đau…
11.1972

.

Có phải khi đọc thơ người xưa, Nguyễn Lương Vỵ cảm thương cho người làm thơ thời nay, và cho chính anh? Trong bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt, với 4 khổ thơ, nhan đề “Tưởng Niệm Quách Tấn” năm 1997, nơi đây trích khổ thứ ba:

Thơ chìm đêm nguyệt tận
Hấp háy đóa bình minh
Bút se niềm ưu hận
Sương bọc gió thâm tình

Có gì mà cụ Quách Tấn phải ưu với hận? Hai chữ ưu hận gặp nhiều lần trong thơ Nguyễn Lương Vỵ. Điều chúng ta biết rằng cuộc đời Nguyễn Lương Vỵ --- cũng như hàng chục triệu người dân Việt --- đã rất mực gian nan, đầy những biến động phức tạp, không chỉ trong thời nội chiến trước 1975 mà cả sau ngày quê nhà thống nhất. Thơ Quách Tấn buồn, nhưng không có nghĩa “ưu” như là lo âu, buồn phiền, suy tính quan tâm như chữ “ưu” trong nghĩa của câu “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ.” Cụ Quách Tấn cũng không có cuộc đời phức tạp để mang nỗi giận (hận) như ý thơ Nguyễn Trãi “Anh hùng di hận kỉ thiên niên”  (Anh hùng để lại mối hận tới mấy ngàn năm). Phải chăng Nguyễn Lương Vỵ nhìn cụ Quách và rồi tự nghĩ tới mình?

.

Nguyễn Lương Vỵ không làm thơ chính trị, nhưng anh có nhiều bài thơ mang các suy nghĩ có thể gọi là “ưu hận” để tới nỗi ngòi bút phải se lại. Vào các năm 1960s, trong những cao điểm của cuộc nội chiến tại xứ Quảng, hình ảnh chặt đầu người đưa ra chợ khủng bố được nhìn thấy thường xuyên. Bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt, dài 5 đoạn, nhan đề “Chép Hộ Người Đàn Bà Điên” làm năm 1985 (nhưng có thể suy đoán là chỉ về những hình ảnh trước đó khoảng 20 năm mà nhiều người gia đình xứ Quảng trải qua), Nguyễn Lương Vỵ viết trong đoạn đầu:
.

Chiều sưng húp mồ ma
Ai cắt đầu ta vậy?
Ai moi ruột gan ta
Để bây giờ lửa cháy.

.

Nội chiến đau đớn như vậy: cắt đầu, moi ruột. Trong bài thơ “Chép Trong Vườn Cũ” làm vào tháng 10/1985, Nguyễn Lương Vỵ kể chuyện bước ra từ khói lửa và được nuôi lớn bằng Thơ Ca, trích 2 đoạn trong bài dài 6 đoạn:
.

Ra đi từ chiến tranh
Tự biết ngọn nguồn khát vọng
Tự hiểu vì đâu máu nóng
Hòa âm với rừng với biển gần xa.
.
Bởi quê hương lồng lộng Thơ Ca
Đã nâng gót đời ta nhẹ bước
Đã cho ta hình hài sau trước
Mỗi chiều hôm sấm dậy trong hồn…

.

Thơ Nguyễn Lương Vỵ hầu hết không vui. Kể cả khi viết cho các nàng thiếu nữ, những hình ảnh biền biệt liên tục gặp trong thơ anh, đó là nhớ, là tưởng.

Nguyễn Lương Vỵ viết trong bài “Nhật Ký I” dài chỉ 4 câu: “Tìm một câu thơ tím / Nắn nót bóng ngày qua / Chữ thương đau ngất lịm / Chữ tri tình xót xa.” Than ôi, ghi lại bóng ngày qua, mà chữ buồn tới thương đau ngất lịm.

Hay như, trong bài “Tưởng” chỉ với 4 câu: “Tưởng một chút hương xưa / Tưởng bờ môi năm xưa / Tưởng hoài trong cơn mưa / Thơ dại chết lâu rồi!” Nơi đây, với chàng, Thơ đã chết. Không có nghĩa là chữ đã lìa đời, nhưng là những hình ảnh thơ mộng đã xa rồi.

.

Nguyễn Lương Vỵ trân trọng với các bạn văn, bạn thơ. Chúng ta thấy nhiều bài thơ anh viết tặng, từ các bạn văn thế hệ tiền bối như Bùi Giáng, Du Tử Lê, Nguyễn Xuân Hoàng, Cung Tích Biền… cho tới thế hệ ngang lứa và trẻ hơn, như Nguyễn Tôn Nhan, Võ Chân Cửu, A Khuê, Vũ Hữu Định, Nguyễn Thị Khánh Minh, Lê Lạc Giao, Lê Giang Trần, Tô Đăng Khoa, Tuấn Khanh, Nguyễn Hoàng Nam, Phan Tấn Hải, Tâm Nhiên… Phương diện khác, Nguyễn Lương Vỵ cũng làm thơ cho nhiều người thân trong gia đình, cho hai người con gái của anh.

Trong khi đó, như bước vào một thế giới khác, Nguyễn Lương Vỵ làm các bài thơ Thiền với văn phong dị thường: kiên cố như núi đá,  thơ mộng như hoa nở, tịch lặng như đêm vắng, sáng rực như trăng rằm. Cảm hứng thơ nơi đây của Nguyễn Lương Vỵ là dịch một số bài thơ Thiền của Trần Thái Tông (Bài "Thi Kệ 'Bốn Núi' Của Trần Thái Tông"), của Trần Nhân Tông (như "Đọc thơ Trần Nhân Tông" và "Cảm Ứng Thơ Trần Nhân Tông"; “Mười bài thơ mùa xuân của Trần Nhân Tông”, “Ba Bài Thơ Mùa Thu Của Trần Nhân Tông”, “Bài Thơ Hữu Cú Vô Cú Của Trần Nhân Tông”).

.

Bài thơ nhan đề “Một Đời” do Nguyễn Lương Vỵ làm năm 2015, khi chợt nhớ 2 câu thơ cuối của thiền sư Không Lộ (? - 1141) trong bài thơ tứ tuyệt “Ngôn Hoài” (Bày Tỏ Tấm Lòng) với 2 câu: Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh (Có lúc lên thẳng đỉnh núi cô quạnh), Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư (Kêu dài một tiếng, lạnh cả bầu trời). Bài thơ “Một Đời” dài 3 đoạn, pha lẫn ngôn ngữ văn phạm thời nay (dấu hỏi ?, dấu chấm than !, và dấu ba chấm…) với đoạn đầu trích như sau:
.

Một đời một dấu hỏi
Một dấu than tiếp sau
Ba dấu chấm nhìn nhau
Bốn bề ngày nín bặt
Mưa bụi sớm nay nhắc
Nẻo quên chiều xa trông
Hú dài lạnh hư không
Thiền sư về trên núi.

.

 

Không chỉ dịch và làm thơ về các Thiền sư cổ thời, Nguyễn Lương Vỵ cũng làm thơ tặng người hộ trì chánh pháp thời nay, trong đó nổi bật có bài thơ “Gươm Báu” làm tặng BS Đỗ Hồng Ngọc, sau khi nhà thơ đọc xong cuốn tản văn "Gươm Báu Trao Tay" của nhà văn, bác sĩ họ Đỗ. Bài thơ “Gươm Báu” dài 3 đoạn, và trích nơi đây là đoạn cuối:
.

A! Quay về chơn tâm
Chuông đưa xanh linh ngữ
Bái vọng mây thiền tự
Tri ân tuệ nhãn kinh
Vượt lên bóng với hình
Như nhiên liền sáng tỏ
Đất trời trong lá cỏ
Đáy hồ reo thiên cao...

.

Tuyệt vời là Nguyễn Lương Vỵ. Có những câu thơ của anh hay tới nỗi, tôi đọc hoài vẫn thích, vẫn nghe âm vang rung động, vẫn thấy xao xuyến như các cậu học trò lần đầu được học về thơ. Trong các thi tập Nguyễn Lương Vỵ, gần như trang nào cũng có những câu tôi ưa thích. Một khía cạnh khác của thơ anh là, lẫn trong các dòng thơ đẹp vẫn là một nỗi buồn, và đọc thơ anh cũng là nếm được giữa những ngọt ngào thơ mộng là vị đắng của đời. Như hai câu cuối trong bài “Người Hải Ngoại” của Nguyễn Lương Vỵ:
.

Gió đưa cây cải ngọt ngào
Rau răm nhẫn nại xin chào đắng cay…

Xin chúc mừng 50 năm Nguyễn Lương Vỵ làm thơ.

.

Đọc thêm:

--- Nguyễn Thị Khánh Minh: Nguyễn Lương Vỵ. Những Viên Cuội Thời Gian

https://vietbao.com/p301420a305615/nguyen-luong-vy-nhung-vien-cuoi-thoi-gian

--- Văn Học Press: Tuyển Tập Thơ 50 năm (1969-2019) Nguyễn Lương Vỵ

https://vietbao.com/a305596/tuyen-tap-tho-50-nam-1969-2019-nguyen-luong-vy

.

 

 

 



Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Xét nghiệm này miễn phí, dành cho những người làm việc thiết yếu trong lĩnh vực thương mại, nhà hàng, giáo dục và phục vụ cộng đồng xã hội. Thứ Năm, ngày 11 tháng 6/2020, từ 12 giờ trưa tới 6 giờ chiều. Tại Vietnamese Taekwondo Center, 14891 Moran St., Westminster, CA 92683
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc vừa từ trần tại Bà Rịa - Vũng Tàu, hưởng thọ 72 tuổi. Nhạc sĩ Trần Quang Lộc vừa qua đời lúc 17h30 chiều ngày 7-6-2020 tại nhà riêng ở Bà Rịa - Vũng Tàu, sau một thời gian dài chống chọi với ung thư bàng quang và ung thư phổi. Tin buồn này do nhiều báo trong nước phổ biến.
Trong nghĩa đơn giản nhất, tu Hạnh Bồ Tát là những người ra sức hoằng pháp và không muốn Chánh pháp bị đoạn đứt, bất kể người này có thọ giới Bồ Tát hay không. Theo nghĩa đơn giản này, Hòa Thượng Thích Minh Châu (người đã dịch Tam Tạng Pali sang tiếng Việt) và tất cả quý tăng ni, cư sĩ đã thiết lập Đại Học Vạn Hạnh đều là các vị Bồ Tát.
Nếu mục tiêu của trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam tại Đà Lạt là đào luyện cho đất nước những sĩ quan có tư cách và văn võ kiêm toàn, Trung tá Bùi Quyền của chúng ta rất xứng đáng với danh hiệu ấy
Đất nước này sau 300 trăm năm vẫn khốn khổ vì một màu da. Ngày nay dù Hoa Kỳ sắp sửa xây nhà trên mặt trăng để bắn hỏa tiễn lên Sao Hỏa nhưng chúng ta vẫn rất cần ông tổng thống Lincoln để hàn gắn đất nước. Một chính quyền bởi dân do dân và vì dân. Một chính quyền thực đoàn kết toàn dân. Một chính quyền không sản xuất ra những người dân trộm cướp và một chính quyền không dùng lính đàn áp dân. Chúng ta cần một chính quyền không để cho những màu da khốn khổ.
Qua 7 lần xét nghiệm trung bình từ 8.00 giờ sáng đến 15.00 giờ chiều, PVNF đã thử trên 1,700 người. Qua các cuộc xét nghiệm, mặc dù nghiên cứu cho cộng đồng VN tại Little Saigon, PVNF cũng đã thử cho một số người ngoài cộng đồng như anh cảnh sát (LAPD) đi từ Los Angeles (LA) xuống Little Saigon thử vì LA thiếu test.
Trump đã lên mạng phóng tweet để đáp trả các tướng lãnh phản đối. Trong khi đó, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ tuyên bố không đồng ý với TT Trump và sẽ không cho dùng quân đội dẹp biểu tình.
Hội Cầu Vồng Việt Quận Cam (Viet Rainbow of Orange County) hy vọng rằng trong việc xuất bản bức thư này, cộng đồng người Việt sẽ cùng nhau hỗ trợ và đoàn kết với #BlackLivesMatter (Sinh mạng của người Da đen cũng đáng trân trọng). Đây là phiên bản tiếng Việt của một lá thư tạo nên nhờ công trình của Những Lá Thư Cho Dân Mạng Người Da Đen, một dự án đang thực hiện cho những ai muôn sáng tạo và chuyên dịch các nguồn lực về cảm tính kỳ thị người Da đen cho cộng đồng của họ để giúp sự đoàn kết với #BlackLivesMatter (Sinh mạng của người Da đen cũng đáng trân trọng). Lá thư này đã được viết ra và dịch lại từ một hợp tác của mấy trăm người để có thể bày tỏ được một cuộc đàm thoại thật thà và kính mến với ba mẹ, ông bà của họ, về một vấn đề cực kỳ quan trọng đối với họ.
Các tiệm làm tóc và tiệm hớt tóc có thể mở cửa lại và ăn uống trực tiếp tại các nhà hàng có thể được tiếp tục ngay lập tức với các biện pháp bảo vệ khi Quận Los Angeles tiến lên Lộ Trình Phục Hồi. Tiểu bang California hôm nay đã phê chuẩn yêu cầu của Quận cho một thay đổi khác biệt đến các hướng dẫn của tiểu bang vì Quận đã đáp ứng được các ngưỡng sức khỏe công cộng cần thiết để an toàn cho phép các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế và cộng đồng được bắt đầu phục vụ cư dân. Quận đã chứng minh rằng họ đã kiểm soát được sự lây lan của vi-rút và đang bảo vệ cư dân và những công nhân viên thiết yếu. Khả năng xét nghiệm bệnh viện và truy tìm mối tiếp xúc là thích đáng để đối phó với bùng phát dịch bệnh. Quận Los Angeles hiện đang trong giai đoạn nâng cao của Giai Đoạn 2 của Lộ Trình Khả Năng Phục Hồi của Tiểu Bang.
Một băng hình song ngữ Việt-Anh vừa được nhóm Wisdom Today thực hiện trình bày về tình hình Phật Giáo tại Hoa Kỳ hiện nay, trong đó phần chính là cuộc phỏng vấn Giáo sư Lewis Lancaster. Giáo Sư là người hướng dẫn thành lập Đại Học University of The West và là Chủ Tịch Ủy Ban Luận Án của Đại Học này kể từ năm 1992
DB Derek Trần: Tôi làm tất cả để bảo vệ cộng đồng mình trong vấn đề di trú

NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.