Hôm nay,  

ADB, VN Ra Sức Giảm Ô Nhiễm

03/05/201900:00:00(Xem: 1312)
BIỂN ĐÔNG -- Biển Thái Bình Dương ngập rác nhựa... và biển Việt Nam cũng thê thảm.

Bản tin NHK ghi rằng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố gói viện trợ trị giá 5 tỉ đôla nhằm ứng phó với tình trạng ô nhiễm nước do hạt vi nhựa, cũng như nhằm bảo vệ ngành ngư nghiệp và công nghiệp du lịch biển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hôm thứ Năm, hội nghị thường niên của ADB đã khai mạc tại Fiji, quốc gia ở Nam Thái Bình Dương.

Gói viện trợ nói trên sẽ bao gồm viện trợ tài chính và hỗ trợ kĩ thuật từ nay tới năm 2024.

Trong gói viện trợ có các biện pháp chống lại ô nhiễm nước do hạt vi nhựa và nước thải đổ ra biển, cũng như bảo vệ hệ sinh thái và phát triển nền ngư nghiệp và du lịch biển bền vững.

Trong phiên họp được tổ chức tại hội nghị, Chủ tịch ADB Nakao Takehiko nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên biển.

Theo ông, đại dương không đủ lớn để chịu cả ô nhiễm rác thải nhựa và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Ông cũng đề cập đến hậu quả nghiêm trọng lên đời sống của người dân nếu để mất biển.

Trong khi đó, thông tấn RFI ghi rằng hiện tại, Việt Nam phát sinh thêm 12,8 triệu tấn rác mỗi năm từ các hoạt động y tế, sinh hoạt. Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới (chỉ sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines) về khối lượng rác thải nhựa xả ra biển, lên tới 0,5 triệu tấn/năm, chiếm 6% toàn thế giới.

Mỗi ngày, Việt Nam xả khoảng 2.500 tấn rác thải nhựa, trong đó có túi nylon. Theo số liệu của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, được trang Siamactu.fr trích dẫn, vào năm 1990, mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 3,8 kg nhựa; 25 năm sau, con số này đã tăng lên hơn gấp 10 lần, khoảng 41 kg. Mỗi một phút có đến 1.000 túi nylon được sử dụng và chỉ có 27% trong số này được xử lý và tái chế.

Rác thải nhựa, đặc biệt là túi nylon, mất đến ít nhất hơn 100 năm để tự phân thủy. Do không được tái xử lý hoặc bị vất bừa bãi, tại nhiều vùng biển, người dân bất lực nhìn túi nylon dính đầy trên những cành cây, mỏm đá ; rác thải nhựa trôi lềnh bềnh ở nhiều bãi biển hoặc bị chìm dưới nước. Tại một số vùng biển Việt Nam, trong mỗi mẻ lưới kéo lên, cứ 3 phần cá thì có một phần rác thải nhựa.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng rác thải nhựa tràn lan ở Việt Nam là do việc quản lý và xử lý rác thải còn rất lỏng lẻo, chủ yếu là phương pháp chôn lấp. Các nhà chức trách chưa kiên quyết đề ra những chính sách hạn chế, thậm chí là cấm sử dụng túi nylon. Người dân vẫn « vô tư » sử dụng túi nylon dùng một lần mỗi khi đi chợ vì « tiện lợi ».


RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với chị Đỗ Vân Nguyệt, giám đốc Tổ chức Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn for Environment and Community), ở Hà Nội, về thói quen của người tiêu dùng Việt Nam và một số sáng kiến giảm rác thải nhựa hiện được cộng đồng chấp nhận.

Trong nhiều câu hỏi RFI đưa ra, đặc biệt về một câu hỏi về ô nhiễm chất vi nhựa tại VN, như sau.

RFI : Theo thống kê năm 2018, Việt Nam là một trong bốn nước xả rác thải nhựa ra biển nhiều nhất thế giới. Vậy chất thải nhựa, túi nylon, tác động như thế nào đối với môi trường, hệ sinh thái biển ?

Chị Đỗ Vân Nguyệt: Tôi nghĩ đây là việc nhìn thấy được rất dễ khi nghe những câu chuyện gần đây là ngư dân khi đi đánh bắt thì trong lưới của họ toàn là đồ nhựa, hoặc là câu chuyện về những con cá, sinh vật biển bị chết khi mổ ra trong bụng chúng có rất nhiều đồ nhựa khác nhau.

Nhựa, khi phân hủy, không biến mất hoàn toàn mà trở thành những hạt vi nhựa và những hạt vi nhựa đó lắng trong nước biển, nằm trong chuỗi thức ăn của động thực vật và cuối cùng nó trở lại cơ thể con người.

Vì thế, việc chiếm mất chỗ sống, ảnh hưởng nguồn thức ăn và gây ra những tổn thương cho các loài sinh vật biển, cũng như là làm thay đổi những chuỗi mắt của hệ sinh thái…, tất cả những vấn đề đó, chúng ta sẽ nhìn thấy và càng ngày chúng ta càng cảm thấy nó rất kinh khủng. Những bãi biển hoặc là những đảo bằng rác nhựa chẳng hạn, hiện tượng này càng ngày càng xuất hiện nhiều. Trong những năm gần đây, chúng ta thấy ngay một nguy cơ, gọi là «ô nhiễm trắng» là như vậy.

Tôi cũng muốn quay lại con số vừa đưa ra. Con số đó dựa trên những khảo sát về mặt mô hình và đó cũng là một nguồn tham khảo thôi. Tại những nước như Việt Nam và bất kỳ quốc gia nào, cần phải có những khảo sát rất cụ thể và kỹ lưỡng về việc chôn lấp, bởi vì rác có thể được chôn lấp, đốt và khoảng 30% nhựa trên thế giới, chứ không chỉ ở Việt Nam, là khi không có chỗ nào nữa thì vất ra sông, ra biển.

Thế nên, phải thực sự tính xem lượng rác đó, đang bị quản lý không tốt ở Việt Nam, ở Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc và Thái Lan, thì mỗi quốc gia có những cách nào để có thể không đẩy rác ra biển và có cách xử lý rác, cũng như là, để rác nhựa có thể được tái chế và trở lại vòng đời như thế nào nữa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.