Hôm nay,  

Công An Cấm Nhà Báo Ghi Âm?

08/04/201700:00:00(Xem: 4124)
HANOI -- Nếu siết chặt các thiết bị nghe lén, quay phim, thu âm... có nghĩa là nhà nước CSVN cũng sẽ siết chặt nghề báo và truyền thông... Nghĩa là, siết chặt việc hành nghề của các nhà báo.

Báo Dân Trí kể chuyện: Bộ Công an cho biết đã xác định ít nhất 24 cá nhân, tổ chức có hành vi công khai quảng cáo, buôn bán thiết bị và cung cấp phần mềm thực hiện giám sát tài khoản điện thoại di động, cho phép đối tượng thuê dịch vụ phần mềm để bí mật quay phim, chụp ảnh, ghi âm cuộc gọi, định vị điện thoại trái pháp luật.

Đó là thông tin vừa được Bộ Công an đưa ra trong dự thảo tờ trình Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm nguỵ trang để ghi âm, ghi hình, định vị nhằm lấy ý kiến rộng rãi của dư luận.

Theo Bộ Công an, trong những năm qua, tình hình kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, ghi hình, định vị diễn ra rất phức tạp, gây bức xúc trong xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa quốc phòng, an ninh, trật tự của đất nước.

Dân Trí ghi rằng qua công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, Bộ Công an đã phát hiện nhiều vụ, việc đối tượng sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, ghi hình, định vị. Điển hình là vụ Công ty Việt Hồng công khai quảng cáo sản phẩm phần mềm Ptracker và đã thực hiện giám sát hơn 14.000 tài khoản điện thoại di động, cho phép đối tượng thuê dịch vụ phần mềm Ptracker của Công ty Việt Hồng để bí mật quay phim, chụp ảnh, ghi âm cuộc gọi, định vị điện thoại trái pháp luật…

Ngoài ra, Bộ Công an đã xác định có ít nhất 24 cá nhân, tổ chức có hành vi công khai quảng cáo, buôn bán thiết bị và cung cấp các dịch vụ tương tự như Công ty Việt Hồng.

“Những người sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình, định vị được ngụy trang dưới vỏ bọc đồ vật bình thường hoặc phần mềm theo dõi được cài đặt trái phép trên các thiết bị điện tử, máy tính xâm phạm quyền bí mật riêng tư của cá nhân, hoạt động của cơ quan, tổ chức, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gây bức xúc trong xã hội”- Bộ Công an cho hay.

Chính vì thế, trong dự thảo nghị định vừa công bố lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Công an cho rằng kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang ghi âm, ghi hình bắt buộc phải có giấy phép.

Theo đó, các hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị gồm: Sản xuất, lắp ráp, vận chuyển, tồn trữ, mua bán, cho thuê, sửa chữa thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị là hoạt động kinh doanh có điều kiện, bắt buộc phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự do cơ quan thẩm quyền thuộc Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng cấp.

Dân Trí viết:

“Dự thảo đề xuất 3 nhóm đối được được kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị gồm: Cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Công an; Cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng phục vụ cho lực lượng Quân đội nhân dân; Cơ sở kinh doanh không thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được Bộ Công an chấp thuận bằng văn bản.”

Trong khi đó, báo Người Lao Động báo nguy về quyền hành nghề của phóng viên sẽ bị siết:

“Một vấn đề đặt ra từ dự thảo này là việc sử dụng thiết bị ghi âm, chụp hình để tác nghiệp của nhà báo có thể sẽ bị hạn chế. Trong thực tế, nhiều phóng viên điều tra phải “nhập vai”, sử dụng camera, máy ghi âm giấu kín hoặc ngụy trang nhằm thu thập thông tin để phục vụ cho bài viết.

Bình luận về dự thảo nghị định trên, ngày 7-4, nhà báo Phan Hữu Minh - Trưởng Ban Kiểm tra, Ủy viên Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam - cho rằng Luật Báo chí 2016 (sửa đổi, bổ sung) mới có hiệu lực từ ngày 1-1-2017 cho nên những nghị định, văn bản dưới luật không được có những quy định trái tinh thần của luật.

“Đối với phóng viên, nhà báo, hoạt động tác nghiệp trong thể loại báo chí điều tra buộc phải sử dụng các thiết bị ghi âm, chụp hình. Không ít trường hợp phải bí mật nên cần ngụy trang cho các thiết bị này. Nếu quy định chỉ có cơ quan chuyên trách mới được sử dụng thì vô hình trung đã hạn chế quyền tác nghiệp của báo chí” - ông Hữu Minh nhận định.”

Báo Người Lao Động cũng ghi nhận định của luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội, về một số quy định tại dự thảo này.

Luật sư Toàn cho biết theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự, băng ghi âm, hình ảnh chỉ trở thành chứng cứ nếu nó được các tổ chức, cá nhân có liên quan xác nhận bằng văn bản về việc ghi âm, chụp hình. Tất cả các băng ghi âm, hình ảnh thực hiện lén đều không được sử dụng làm chứng cứ, không có giá trị trước pháp luật. Do đó, việc quy định này là không cần thiết. Đối với các cơ quan chức năng, việc sử dụng các thiết bị ngụy trang trên có tác dụng làm cơ sở để đấu tranh với tội phạm vì trở thành nguồn tin để điều tra.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.