Cụ ông Maurice Jacobson 89 tuổi đã đề nghị mua một căn flat trị giá 300 ngàn đô la, cho người mẹ đã đem đứa con bỏ bên ngoài bệnh viện Dadennong ở Melbourne, với điều kiện bà mẹ trẻ nầy chịu xuất đầu lộ diện để tiếp tục nuôi dưỡng đứa bé sơ sinh tính đến hôm nay mới được hơn 10 ngày. Ông cụ có nhiều người con, nhiều cháu và nhiều chắt nhưng lại là một người kinh doanh địa ốc rất thành công, cụ hứa sẽ mua căn flat ở bất cứ nơi nào nếu người mẹ chịu khó nuôi đứa bé gái sơ sinh, mà hiện nay được đặt tên là Catherine.
Cụ sắp sửa cử hành sinh nhật thứ 90 của mình cho biết "Mỗi người cần một cơ hội. Bé con cần phải ở bên mẹ cháu. Đó là một cháu bé rất dễ thương, kháu khỉnh. Ngay khi tôi thấy hình ảnh của cháu đăng trên báo chí, chợt nhiên tôi cảm thấy mình phải giúp đỡ điều gì đó cho bé".
Cụ cho đài Sky News biết rằng, cả đời cụ rất thành công trong các công việc kinh doanh và hy vọng nghĩa cử nầy sẽ giúp cho hai mẹ con đoàn tụ với nhau. Cụ còn cho biết nếu người mẹ trẻ không muốn ra mặt vì bất cứ lý do gì, có thể vì xấu hổ hay vì một lý do nào khác, cụ sẽ hiến tặng tiền vào một quỹ ký thác cho đứa bé. Quỹ nầy sẽ do Chính phủ tiểu bang và cơ quan tài chánh ở Victoria thành lập.
Thủ hiến Victoria, ông Steve Brack nói rằng Chính phủ tiểu bang và Quỹ Ký thác Tiểu bang hiện cộng tác cùng nhau, để thành lập một quỹ ký thác, sau khi có một loạt các lời kêu gọi giúp đỡ nhân đạo từ người dân Victoria với nghĩa cử tốt muốn giúp đỡ bé sơ sinh. Một đường dây 24 giờ mỗi ngày đã được thiết lập, để nhận các cú gọi điện thoại đến giúp đỡ cho bé Catherine, thế nhưng một phát ngôn nhân Bộ Nhân Sự Vụ cho hay, gần đây chẳng nhận được tin tức gì mới.
Người ta được biết rằng nếu lý lịch của bà mẹ không được biết rõ, thì bé Catherine có nhiều hy vọng được nhận làm con nuôi.
Cụ ông và cụ bà Valda, vốn đã chung sống cùng nhau trong 64 năm, tin rằng người mẹ của bé sơ sinh có lẽ đã bỏ rơi bé trong một lúc hết sức tuyệt vọng. Cả hai cụ đều muốn người mẹ trẻ nầy nên biết rằng, nay cô vẫn còn hy vọng. Cụ ông nói "Tôi cảm thấy dễ chịu phần nào và có thể làm một điều gì để giúp đỡ cho cả hai mẹ con. Cháu bé trông thật khỏe mạnh, một đứa bé thật xinh đẹp. Nơi chốn tốt đẹp nhất cho cháu là vòng tay của mẹ cháu".
Cụ ông nói rằng, cụ cảm thấy có bổn phận bó buộc phải giúp đỡ Catherine, sau khi đọc trên báo chí về số phận hẩm hiu của bé. Cụ tin rằng, mọi người đừng nên phê phán hành động bỏ rơi bé sơ sinh của người mẹ và có lẽ cô ta không hiểu được là cô nay nên an tâm, vì có rất nhiều hỗ trợ nhiệt thành từ Cộng đồng người Úc.
Trong quá khứ cả hai cụ đều có nhiều kinh nghiệm ,về việc nhận con nuôi. Được biết hai cụ sinh sống tại vùng Toorak ở Melbourne, sau khi nuôi nấng thành công ba đứa con, hai cụ sang Phi luật tân để nhận thêm một đứa con nuôi, khi cả hai cụ đã ngoài 50 tuổi. Sau khi cư ngụ tại một khách sạn ở Manila gần sáu tháng trời để nộp đơn, xét duyệt và sau đó mang về Úc một bé gái Phi và nay cô bé gái Marika đã được 30 tuổi. Ngoài ra một người con gái khác của hai cụ, cũng nhận một đứa con nuôi.
Cụ ông Jacobson vốn hành nghề may mace, sản xuất quần áo cũng giống như phần lớn đồng hương người Việt chúng ta khi mới đến Úc. Sau đó cụ chuyển sang nghề môi giới địa ốc, nhằm lúc kỷ nghệ địa ốc rất phát đạt vào thập niên 1950. Cụ thành lập một công ty gia đình chuyên về xây cất, ngoài ra cụ còn làm chủ và điều hành khách sạn cũng như các khu vực cư dân và doanh vụ, ở khu ngoại ô phía đông Melbourne. Dù đã gần đến 90 tuổi, cụ vẫn góp một tay hết sức đắc lực trong công ty gia đình. Hình ảnh trên truyền hình cho thấy, cụ Jacobson đứng giữa một công trường xây dựng mênh mông với chiếc điện thoại di động trên tay, cụ điều khiển các công nhân và họ làm việc răm rắp theo lệnh của cụ.
Hai cụ có tất cả 13 cháu nội ngoại và 8 chắt, thế nhưng cả hai cụ vẫn rất yêu mến trẻ em.
Trường hợp bé Catherine bị mẹ bỏ rơi, khi được quấn trong một chiếc khăn to tướng và đặt trong một thùng giấy bên ngoài bệnh viện Dadennong hai tuần lễ trước đây. Bé hiện nay được Dịch vụ Gia đình giao cho một gia đình tạm thời nuôi dưỡng. Thế nhưng nhân viên Bộ Nhân Sự Vụ vẫn hy vọng bà mẹ trẻ sẽ ra mặt, để nhận lại bé Catherine. Nếu cô nầy không xuất hiện, thì bé sơ sinh có thể được cho để người khác nhận làm con nuôi.
Một phát ngôn nhân của Chính phủ Tiểu bang cho biết, quỹ Ký thác cho bé Catherine hiện sẳn sàng hoạt động. Bà tiết lộ là "hiện công chúng đáp ứng rất nồng nhiệt và hào hiệp, trong việc giúp đỡ cho mẹ con của đứa bé đáng thương nầy. Chính phủ Victoria hiện chưa kêu gọi mọi người hiến tặng tiền bạc hay vật dụng gì cả, thế nhưng do mọi người hứa hẹn sẽ đóng góp rất nhiều tiền bạc, chúng tôi hiện thiết lập vài loại ký thác cho bé Catherine".
Được biết Bộ Nhân Sự Vụ mới đây đã xin một án lệnh của tòa án, để bé Catherine được sống trong một gia đình nuôi dưỡng tạm thời cho đến ngày mùng 8 tháng sáu sắp tới. Nhân viên của Bộ vẫn hy vọng một ngày nào đó, người mẹ trẻ của bé Catherine sẽ đứng ra nhận lại bé gái tội nghiệp nầy.
Bà Gill Callister, Giám đốc phụ trách về trẻ em của Bộ Nhân Dụng cho biết, bà hy vọng những hình ảnh mới nhất của bé Catherine được đăng trên các nhật báo mới đây, sẽ thuyết phục được mẹ cháu hãy đứng ra nhận lãnh trách nhiệm. Bà nói rằng "Bé Catherine ngày càng trông rất đẹp và chúng tôi thực sự hy vọng rằng, qua các tấm ảnh nầy sẽ thúc giục mẹ cháu sẽ đến gặp cháu, để nhận ra đứa con gái xinh đẹp của mình và chịu nói chuyện với chúng tôi".
Được biết bé Catherine được một y tá thuộc ca đêm tìm thấy lúc 6 giờ sáng giá lạnh, bên ngoài bệnh viện Dadennong ở đông nam Melbourne, khi cô nầy nghe tiếng khóc oa oa của bé vào sáng sớm, đúng vào ngày Hiền Mẫu (Mother's Day). Bé bị chứng hô hấp khó khăn, mặt xanh tím và bắt đầu lên cơn sốt. Người phụ trách trường hợp của bé Catherine, bà Louise Quigley hiện duy trì một đường dây điện thoại nóng, để mọi người gọi vào cho biết tin tức về người mẹ của cháu Catherine. Bà cho biết "Tôi muốn khuyến khích người mẹ trẻ hãy ra mặt, điện thoại đến tôi và chịu nói chuyện với tôi. Phần tôi, tôi chuẩn bị sẳn sàng nói chuyện với cô ta vào bất cứ lúc nào cô ta thấy thuận tiện".
Trong lúc đó, bé Catherine vẫn lưu lại sống trong một gia đình ở ngoại ô phía đông nam Melbourne, gia đình vốn có nhiều kinh nghiệm chăm sóc bé sơ sinh. Bà Quigley cho biết "Bé Catherine sống trong một gia đình có ngôi nhà bình thường, nơi có thể có thêm những trẻ em khác nữa. Mọi chuyện rất bình thường, như quí vị có thể tin tưởng như vậy. Họ là những người chăm sóc rất có kinh nghiệm, có căn bản nghề nghiệp vững chắc trong việc săn sóc các bé sơ sinh".
Nếu người mẹ của bé Catherine vẫn không liên lạc với Bộ Nhân Sự Vụ, thì Bộ sẽ xin một án lệnh thường trực hơn của tòa án, để thu xếp việc chăm sóc cho cháu bé dài hạn hơn. Những người muốn nhận bé Catherine làm con nuôi, thì phải chờ ít nhất là 12 tháng nữa.
Còn nếu trường hợp mẹ của cháu Catherine liên lạc với Bộ Nhân Sự, cô ta sẽ có quyền viếng thăm bé, ngay cả trong trường hợp cô nầy không muốn chăm sóc cháu Catherine một cách vĩnh viễn.
Bà Quigley nói rằng, điều quan trọng cho sự phát triển của bé Catherine là bé sẽ biết được mẹ ruột của mình là ai. Bà cho biết "vào lúc nầy những gì bé cần đến là được cho bú sữa, giữ gìn sạch sẽ và có được một nơi tiện nghi ấm áp để ngủ, thế nhưng khi bé ngày một lớn lên, đặc biệt khi bé đến tuổi thiếu niên, bé sẽ muốn biết về nguồn gốc của mình, ai là mẹ ruôt của bé. Những điều nầy rất quan trọng, khi bé ngày càng lớn lên".
Trong một diễn biến khác, tin tức từ Bộ Nhân Sự Vụ cho biết người mẹ của bé đã liên lạc với nhà cầm quyền, cô nầy gọi qua đường dây nóng của Bộ qua trung gian của một phụ nữ, mà người ta tin rằng đó là bà ngoại của cháu sơ sinh Catherine.
Một tia hy vọng bừng sáng trong tim mọi người, khi người trực đường dây điện thoại nóng nhận được cú gọi từ một bà cụ với giọng nói nghe rất nóng nảy, bồn chồn. Bà nầy cho biết, bà muốn có tin tức liên quan đến bé sơ sinh Catherine và hỏi rằng việc gì xảy ra, nếu người mẹ ra mặt nhận con, bà cụ nầy còn cho biết bà biết rõ người mẹ của bé. Khi được hỏi có phải bà đang gọi điện thoại và có mẹ của bé ở bên cạnh, phải không, thì bà cụ đáp rằng có. Người bên kia đầu dây điện thoại đặt câu hỏi và được nhân viên cố vấn của Bộ giải đáp.
Qua cú điện thoại nầy, nhân viên của Bộ kết luận rằng, mẹ của bé khỏe mạnh và đang phục hồi sức khỏe sau khi hạ sinh cháu Catherine. Cô ta theo dõi hình ảnh của con gái mình trên truyền hình mỗi ngày và lo sợ khi xuất hiện, thì hình ảnh của mình sẽ loan truyền trên các màn ảnh truyền hình.
Khi người cố vấn hỏi có phải bà đang được nói chuyện với mẹ của bé hay không, thì tự nhiên bên kia im bặt và có lẽ hai người đang thảo luận. Sau đó người gọi điện thoại cho biết, sẽ bảo mẹ của bé Catherine gọi lại vào ngày mai, nhưng kể từ đó vắng bặt tin tức.
Bà Gill Callister đã đưa ra một lời kêu gọi cá nhân đến người mẹ của bé và yêu cầu cô nầy hãy gọi số điện thoại trên đường dây nóng. Bà cho biết "chúng tôi hiểu cô sẽ không bỏ rơi cháu bé, trừ khi cô còn cảm thấy có một cách nào khác có thể giải quyết vấn đề. Với tất cả thận trọng, lẽ tự nhiên là muốn che dấu mọi chuyện. Thế nhưng điều tốt đẹp nhất bà ta có thể làm cho bé Catherine, là hãy nói chuyện với chúng tôi để đề ra cách giải quyết vấn đề. Ngay cả khi bà ta cảm thấy không thể hoặc sẽ không chăm sóc cho Catherine, bà ta vẫn giữ một vai trò đặc biệt trong tương lai của cháu. Catherine không thể mãi mãi là một đứa bé sơ sinh. Một ngày nào đó, bé sẽ trở thành một thiếu nữ và sẽ rất muốn biết mẹ ruột của mình là ai và gia đình ra sao". Việc ưng thuận của người mẹ của bé sẽ gia tốc trong thủ tục nhận con nuôi, của một gia đình muốn xin con nuôi. Bà Callister tha thiết "Xin hãy ra mặt. Chúng tôi tôn trọng sự riêng tư của mẹ cháu. Xin hãy gọi lại chúng tôi".
Trong khi đó Trung sĩ cảnh sát tại trạm cảnh sát Dadennong, bà Sarah Wynne nói rằng, xúc tiến việc truy tố người mẹ của bé Catherine dường như là điều chưa ai nghĩ đến trong lúc nầy. Bà cho biết "bất cứ thủ tục hình sự nào vào giai đoạn đoạn nầy, chắc chắn không phải là mục tiêu của chúng tôi. Chúng tôi muốn mẹ của bé cảm thấy an toàn và được hỗ trợ để ra mặt. Chúng tôi hết sức thành thật và mở rộng vòng tay với bà ta".
Mọi cánh tay của người dân Úc đều đồng tình dang rộng, để đón nhận người mẹ trẻ trở về với trách nhiệm làm mẹ của mình. Chẳng ai phiền trách một phụ nữ trẻ bỏ rơi đứa con sơ sinh của mình, trong một giây phút cảm thấy hết sức tuyệt vọng.
Còn trường hợp cụ ông Maurice Jacobson cho thấy một lão ông dù gần đất xa trời, vẫn không thiếu lòng nhân ái đối với một phụ nữ trẻ sa cơ thất thế và tuyệt vọng, đến nỗi phải bỏ rơi đứa con ruột của mình. Ngoài ra công chúng nước Úc sẳn sàng tỏ lòng hào hiệp và thương cảm, trong việc giúp đỡ mọi thứ cho hai mẹ con Catherine, hoặc ít nhất cho riêng bé sơ sinh nầy cho đến ngày khôn lớn.
Điều nầy cho thấy trong một xã hội văn minh, sinh mạng và hoàn cảnh đau thương của một cá nhân, đều được đáng trọng và để ý đến hay chia sẻ. Dù xã hội nào cũng đầy dẫy những chuyện xấu xa kém cỏi, trái tim người Úc vẫn đầy ắp lòng nhân đạo và thương người, nhất là trong những khi lỡ bước.