Hôm nay,  

Thuở Ấy

08/03/200700:00:00(Xem: 4036)

Thuở Ấy

Thời học sinh, việc học hành của tôi ít khi nào được xuôi chảy trót lọt như bạn bè cùng trang lứa. Hồi còn ở tiểu-học, tôi học hành đã chẳng ra gì, phải ở lại tới ba lớp như tôi đã viết trong "Cái Thằng Tôi ngày xưa", hai năm mẫu-giáo, hai năm lớp ba và hai năm lớp bốn, đến khi lên trung-học lại bị kẹt vì quá luống tuổi so với bạn cùng lớp. Ở cái lứa tuổi mười bảy, đa số học sinh đang chuẩn bị thi tú tài toàn phần để vô đại-học, còn tôi mười bốn tuổi vẫn cà nhỏng lê la ở lớp bảy. Như vậy, dù tôi có cố gắng chăm chỉ học hành siêng năng cách mấy, đến năm mười bảy tuổi, tôi cũng chỉ mới lò dò lên được tới lớp mười. Với cái tuổi ấy và cấp lớp ấy, chẳng chóng thì chầy, tôi học chưa qua lớp mười một, đã phải bị động viên nhập ngũ, và nếu tôi có hăng hái tình nguyện đầu quân thì tôi cũng sẽ phải lãnh nguyên cặp cánh gà mang cấp bậc Trung Sỹ, tương lai cầm chắc sẽ chết già ở cấp bậc Thượng Sỹ Nhất. Biết cuộc đời của thằng con sẽ lận đận, ba mẹ tôi đã đêm ngày thấp thỏm, e rằng thằng con sẽ khổ ngay từ khi mới bước vào ngưỡng cửa đời. Cái nỗi lo lắng đó đã khiến ba mẹ tôi năng nổ, tìm đủ mọi cách lo liệu để tôi được học trọn kiếp hết lớp mười hai, may ra tôi có cơ hội thi tú tài đi sỹ quan đỡ vất vả cả xác lẫn hồn .

Nhìn khoảng trời tương lai dày đặc giăng mắc mây ú ám của thằng con, ba mẹ tôi nẩy ý định, khai sụt tuổi đời, hay có thể được, lấy cái khai sinh của thằng em kế thế cho cái khai sinh đã già niên tuổi của tôi, hy vọng với số tuổi trên giấy tờ khai sụt, tôi sẽ không bị Quân Cảnh hỏi thăm khi bị ruồng bắt lính. Nhưng với cái tuổi mười tư, nói theo bí từ của Phạm Duy, lúc đó tôi đã cao tồng ngồng, không lẽ cao lớn như vậy, tôi lại mang khai sinh tuổi mười một của thằng em kế. Tự lương tâm, tôi đã thấy việc mạo tuổi là xấu hổ vì phải mang một cái tuổi dưới vị thành niên không tương xứng với cái vóc dáng, huống chi với những kinh nghiệm nhà nghề chuyên bắt lính của quân cảnh, tôi làm sao tránh thoát khỏi những cặp mắt cú vọ khi nhìn vào giấy tờ của kẻ mạo nhân. Thấy tôi phân vân chuyện khai sụt tuổi, anh tôi đưa ra ý kiến, đề nghị cho tôi học nhẩy. Nhận thấy nhẩy lớp rất phù hợp với hoàn cảnh của tôi lúc đó, tôi không cảm thấy ngại ngùng phải khai sụt tuổi hay phải mang một cái tên mới với cái tuổi chẳng tương xứng với con người của tôi tý nào, an tâm với ý nghĩ đó, tôi quyết định nhẩy lớp.

Nhưng từ lớp bảy nhẩy qua học lớp chín, tính kỹ ra, nhẩy một lớp cũng chẳng ăn thua gì vì cuối năm lớp mười một chưa kịp lên học lớp mười hai, tôi đã phải xếp bút nghiên theo việc kiếm cung ở tuổi mười tám. Như vậy dù là mang tiếng nhẩy lớp, tôi vẫn phải khăn gói lên đường nhập ngũ và sẽ anh dũng mang cái lon trung sỹ như thường, như là chưa từng học nhẩy lớp nào. Thà là không học nhẩy như vậy lương tâm tôi đỡ áy náy, đỡ phải mất công chuyên cần, đỡ phải nặng nợ giấy bút. So đi tính lại, khai sụt tuổi không hợp, nhẩy một lớp cũng không giúp được việc học tương lai, chẳng còn cách nào hơn, tôi đành phải làm một chuyện điên rồ là nhẩy hai lớp, từ lớp bảy trường Thanh Hải tôi nhảy lên lớp mười trường Chính Tâm.

Việc học nhẩy hai lớp của tôi nếu nghĩ lại khác nào chuyện đội đá vá trời. Trước đây hồi còn ở tiểu-học tôi học đã chẳng đi đến đâu, quanh năm suốt tháng trên đầu chuyên đội sổ, mỗi năm học lên từng lớp đã khó, nói chi đến học nhẩy. Tuy vậy cũng hên cho tôi, mặc dù học lực tôi kém cỏi vì mê chơi, nhưng tôi lại có một cái may là tôi học trội được mỗi môn toán. Phải nói tuy tôi làm một chuyện quá sức của một học sinh bình thường nhưng nhờ có số vốn căn bản của môn học chính, với sự cố gắng chuyên cần, tôi đã có thể theo kịp chúng bạn cùng lớp. Và để chuẩn bị kỹ trước khi nhẩy vào lớp mười, tôi đã chịu khó học bổ túc các môn toán, lý hóa và lấy thêm môn sinh ngữ trong ba tháng hè để có đủ căn bản học lực hy vọng ngày khai trường tôi theo kịp đà với các học sinh đồng lớp.

Chuẩn bị cho cái vốn liếng học lực đã tạm xong nhưng còn cái khoản giấy tờ học-bạ là văn bản chứng nhận tôi đã học qua chương trình lớp chín thì tôi không có. Thực là rắc rối to. Ba mẹ tôi đã tìm cách cố gắng xoay sở cái học bạ, nhờ nhỏi đủ mọi nơi, lần mò đến các trường trung-học trong thị xã cũng như nhờ cả những người ba mẹ tôi quen biết ngoài Nha Trang để cho tôi có cái học-bạ lớp chín. Bương trải xuôi ngược suốt ba tháng hè, ba mẹ tôi không tài nào lo nổi cái hồ sơ chứng nhận tôi đã học qua lớp chín, gia đình tôi đành phải thúc thủ bỏ cuộc. Chẳng tìm được cách nào để có cái chứng chỉ chứng nhận đã học qua lớp chín, túng quá, đã lỡ phóng lao phải liều theo lao, không lo được học-bạ, tôi đành phải học bậy, làm việc phiêu lưu nhẩy lớp học đại mà không có một mẫu giấy chứng minh nào có thể bầu cử cho tôi cái chuyện tôi học nhẩy lớp.

Vào học lớp mười trường Chính Tâm, tôi ý thức được phần nào tầm quan trọng của học vấn, tôi đã cố gắng học hành chăm chỉ và tôi còn được một cái may nữa là ít chúng bạn. Phải nói lúc tôi vào học lớp mười, những đứa học sinh Thanh Hải lên học cùng lớp, ít đứa nào muốn chơi thân với tôi. Tuy không nói ra, nhưng chắc chắn cái chuyện tôi nhẩy lớp đi ngang về tắt, vượt mặt nhảy lên học ngang cùng chung lớp với chúng nó, không nhiều thì ít, chắc chắn chúng nó phải tự ái bực mình lánh tôi. Nhờ tôi ít bạn, công việc học hành của tôi thuyền xuôi mát lái, tôi học hành siêng năng đến nơi đến chốn, và việc học hành cứ theo sự chuyên cần của tôi có đà tấn tới dần, đã có tháng tôi nhảy vọt lên đứng hạng nhì so với các học sinh cùng lớp. Tôi chỉ còn một mối lo trong gan ruột là chưa được hợp thức hóa việc học vì hàng tháng hoặc đôi ba tháng, cô Hảo thư ký trường, lại đưa giấy gọi tôi lên văn phòng, đòi tôi bổ túc cái học bạ lớp chín. Mỗi lần như vậy, tôi lại lo bấn lên, cứ sợ sẽ bị tống cổ đuổi ra khỏi trường thì hết đường cứu vãn. Gặp cô Hảo, tôi phải năn nỉ, hứa hão viện cớ giấy tờ từ ngoài Nha Trang vẫn chưa gửi vào tới, cô cứ để thư thả, em sẽ viết thư về ngoài ấy xem sao, nội vài tuần nữa thế nào giấy tờ cũng tới. Rồi cứ tình trạng rình ràng, khất lần lữa như thế cho đến hết niên học thì mọi sự coi như hoàn tất. Bất chiến tự nhiên thành, cuối năm đó mặc dù không có học bạ lớp chín, giấy tờ học-bạ lớp mười của tôi vẫn được chuyển qua trường Phan Bội Châu ký nhận, đóng dấu chứng thực đã hoàn tất niên học. Phải nói trong lịch sử học hành của đời tôi ở các năm trung-tiểu-học, năm lớp mười là năm gai góc nhất vì từ một học sinh lười biếng lại làm một chuyện vô tiền khoáng hậu nhẩy hai lớp nhưng năm lớp mười lại là năm học tôi học chăm chỉ cần mẫn nhất và lực học đỡ nhất. Và nếu cái tình trạng học hành cứ theo đà, thuận buồm xuôi gió, tấn tới như năm lớp mười, không khéo thi tú tài tôi đỗ tối ưu không chừng.

Nhưng dòng đời tựa dòng nước trên nguồn tuôn ra biển, ít khi êm xuôi phẳng lặng, có lúc cuồng bạo đổ xuống thác ghềnh, cũng có lúc phải chia nhánh phân ly. Việc học của tôi chỉ suông sẻ ở năm lớp mười. Qua năm lớp mười một, bạn bè thân thiết từ những năm trước khi tôi ở lại lớp, vẫn còn cận quen với tôi ở những năm trước, từ lớp chín trường làng chuyển lên lớp mười trường Chính Tâm, học chung trường với tôi. Trong những tháng đầu của năm lớp mười một, việc học của tôi còn giữ mức bình thường chưa đến nỗi bị bè bạn làm sao nhãng chi phối, lực học của tôi vẫn còn giữ được thứ hạng tốt trong khoảng hai mươi trở lại. Nhưng những ngày tháng về sau việc học hành của tôi cứ bết bát dần chỉ tại mê theo bạn theo bè đi chơi, không ghé quán nước thì cũng chui đầu vào rạp hát coi ciné hay theo chúng bạn lang thang ở cổng trường ngắm các tà áo nữ sinh ra vô trường lớp những khi đổi giờ hay những khi tan học.

Chuyện bắt đầu như vầy, thuở ấy đi học tôi thường phải đón bắt xe-lam làm phương tiện đi lại. Ngày ngày ngồi trên xe lam nhìn lũ chúng bạn, tốp năm, tốp ba rong ruổi đạp xe, cười nói, nghịch giỡn trên đường đi học, lòng tôi khắc khoải lên cơn sốt. Nghe chúng bạn rủ rê đi chơi xa, lòng tôi héo úa vì thèm được tung hoành như chúng bạn. Khổ nỗi, muốn được ngang dọc như lũ bạn thì tôi phải có phương tiện di chuyển riêng. Đời học sinh, hai buổi cắp sách đến trường, đi, về, còn gì thú hơn ngồi cưỡi trên chiếc xe đạp. Rủi thay gia đình tôi ngoài chiếc xe gắn máy duy nhất dành cho ba tôi hằng ngày xử dụng đi làm việc, gia đình chúng tôi chẳng lọi ra chiếc xe hai bánh nào khác để di chuyển, tôi có muốn đi chơi cũng đành phải trói chân ở nhà. Ngày tháng thoi đưa ra vô trường tỉnh, ngồi xe lam chong mắt nhìn lũ bạn đạp xe, tôi nóng lòng và hằng ao ước mau mau được làm chủ một chiếc xe đạp.

Ngoài cái lý do muốn có xe riêng để đạp xe hùa theo chúng bạn đi chơi, tôi còn cái lý do tiềm tàng mà nó là cái lý do mấu chốt đã mãnh liệt thôi thúc tôi phải cố gắng nài nỉ mẹ tôi xin mua cho bằng được chiếc xe đạp là tôi muốn tránh cái nạn gian khổ đi xe lam chung. Thường cái đám nam sinh Thanh Hải lên học trường tỉnh, đa số đều có xe riêng, không xe gắn máy thì cũng đi xe đạp, còn tôi cứ phải lẻ loi một bóng đơn côi, ngày hai buổi lủi thủi ôm sách vở, đón xe lam, sáng trưa chiều đi đi về về. Nếu chỉ vì cô đơn phải đón xe-lam đi một mình như vậy cũng đâu có gì đáng để phàn nàn. Cái lý do mà tôi tha thiết ước mơ có chiếc xe riêng là cái sức chịu đựng mỏi mòn đã từng đeo đẳng tôi suốt hơn năm qua, mỗi lần đón bắt xe lam, phải ngồi chung đụng với các nàng nữ sinh thật lòng tôi khổ ngại biết dường nào, tôi không biết cách gì để thoát khỏi cái nỗi khổ âm thầm phải ép mình đó. Có những hôm tôi đứng chờ vẫy tay đón xe dừng lại thì đã gần đầy nhóc phe các nàng. Xe đã ngừng lại rồi không lẽ tôi lại vẫy tay bảo tài xế chạy đi, như thế lại là dịp để cho tài xế rủa sả thì tôi còn mất mặt quê biết mấy. Cực chẳng đã, những lúc như vậy, tôi đành phải cố gắng gồng mình leo lên xe, khép nép ngồi vào một góc mà tay chân luôn phải ké né, chẳng dám cục cựa, mắt lúc nào cũng phải giả bộ nhìn xéo ra ngoài làm như đang chăm chú xem ngoại cảnh, chả bao giờ tôi có can đảm đưa mắt nhìn qua o nữ sinh đối diện. Có hôm tôi lên xe lại nhè ngồi giữa băng ghế, đối diện với o nữ sinh học cùng lớp. Bình thường gặp gái tôi đã chẳng dám có gan nhìn thẳng mặt, nói chi đến chuyện thân thiện nhoẻn miệng cười hay chuyện vãn thăm hỏi việc học hành. Tôi ngồi yên bất động như pho tượng, mắt làm bộ cúi xuống nhìn tập vở cầm tay. Chán mắt mỏi cổ tôi lại nhìn lên trên nóc xe phía đối diện, ngớ ngẩn đọc thầm những hàng chữ, "Đừng giơ tay ra ngoài nguy hiểm", hay "Lên xuống khi xe đã ngừng hẳn". Đi xe lam bao nhiêu lần, lần nào cũng in đậm trong đầu mấy hàng chữ đến nỗi bâygiờ, sau ba mươi mấy năm nhẩm lại, tôi vẫn nhớ như in trong đầu mấy hàng chữ cảnh báo đó. Làm lơ tránh né ánh nhìn các nàng tối đa như vậy nhưng nhiều khi mắt phải đổi hướng, vô tình lỡ chạm phải ánh mắt o nữ sinh, tôi đã vội vã quay ra chỗ khác ngay rồi làm bộ ngó ra phía sau, chăm chú nhìn cảnh vật lùi dần theo tốc độ xe lướt tới mà đầu óc hoàn toàn trống vắng. Phải nói chẳng bao giờ tôi dám công khai ngó gái, thời học sinh trung-học có nhiều khi tôi cảm thấy chán tôi lắm. Người chi mà lại có thứ người nhát gái đến độ như vậy. Cũng vì lý do cực nhát đó mà nó đã giúp tôi kiên trì năn nỉ mẹ tôi ráp cho bằng được chiếc xe đạp.

Mộng ước thật bình thường nhưng thực sự muốn có chiếc xe đạp không phải dễ. Ba tôi dư biết cái tính "lăng loàn" ưa rong đàng của tôi, đời nào ba tôi có ý định cho tôi làm chủ một chiếc xe đạp. Còn mẹ tôi thì đã được ba tôi mớm về những tai hại nếu thả tôi tự do với chiếc xe riêng nên khó lòng cho tôi có thể thuyết phục lay chuyển nổi mẹ tôi. Biết muốn có chiếc xe đạp là gian nan khó khăn nhưng tôi vẫn kiên trì một mực xin mua cho bằng được. Lúc đầu mẹ tôi cứng lòng bỏ ngoài tai tất cả, nhất định không rằng không, nhưng nước chảy đá mòn, tôi cứ nỉ non tả oán về những ngày tháng gió bấc, trời tối hết xe, tôi phải chống trả với gió bụi cuốc bộ từ trường về nhà hay những chiều mưa gió tôi phải lặn lội đi bộ từ trường ra mãi ngoài ty bưu điện đón xe rất cực. Nghe tôi lải nhải hoài, mẹ tôi phát bực, cuối cùng mẹ tôi chịu thua, đổi ý năn nỉ với ba tôi thí cho tôi cái xe cho rảnh nợ.

Từ độ tôi làm chủ chiếc xe đạp, lực học của tôi cứ tụt dần theo từng vòng lăn của bánh xe xuống dốc. Những khi có dịp bè bạn rủ rê đạp xe lang thang rong chơi, chẳng mấy khi thiếu vắng bóng tôi, tôi ba hồi theo chúng bạn đạp xe ra Kim Ngọc ăn trái cây, ghé Lầu Ông Hoàng hái lựu ở Xuân Thọ Tự, trốn học qua Ba Đào Viên uống càfé coi các đấu thủ đánh quần vợt, hay thỉnh thoảng chui vào các rạp Lilas, Hồng Lợi, Ánh Sáng hay Ngọc Thúy trong thành phố coi ciné, và còn thường theo bạn lê lết trên con đường Nguyễn Hoàng đứng chờ trước cổng trường Phan Bội Châu nhìn từng cụm, từng nhóm nữ sinh áo trắng tha thướt ra vô cổng trường. Kỷ niệm thời học sinh đong đầy với những tháng ngày theo bạn dù học qua ngắm gái Phan Bội Châu đôi lúc nghĩ lại thấy lòng dâng lên chút ngậm ngùi cay đắng. Kể lại một thời của những ngày năm xưa thấy thương thân tủi phận. Những thằng học sinh trường tư như chúng tôi đã không biết phận bèo bọt của mình lại hay chơi ngông khoái đèo bồng leo cao ngắm nghé nữ sinh trường Phan thì có phải té nặng cay đắng cũng đáng kiếp. Để che dấu cái gốc gác của những thằng học sinh trường tư như tôi, lần nào ghé qua đường Nguyễn Hoàng, chúng tôi bao giờ cũng cẩn thận tháo cái huy hiệu "Trường Tư Thục Chính Tâm" bỏ túi, hy vọng sẽ che giấu được cái mã vốn không mấy anh dũng của chúng tôi. Nhưng nữ sinh trường Phan thuộc loại lá ngọc cành vàng, là những học sinh ưu tú của tỉnh đã phải trải qua kỳ thi sát hạch mới được tuyển chọn nhập học, các nàng dù có ngu dốt đến đâu cũng thừa thông minh để hiểu rằng những thằng học sinh trường tư so với lực học đã thua hẳn các nàng, lại còn cà bơ cà bất lang thang như chúng tôi thì chắc chắn cái xuất xứ phải thuộc loại dân chẳng ra gì, đã vậy trên túi áo còn không mang một huy hiệu màu cờ sắc áo của trường nào thì có cao tay lắm chúng tôi cũng là học sinh từ những trường không tên tuổi hay có giỏi giang cao sang hơn thì cũng ngang ngang cỡ cái trường tư thục nơi ông Nhật Trường Trần Thiện Thanh đã có thời mài đũng quần trên ghế là cùng. Các nàng chắc chắn dư biết cái lai lịch không mấy hào hùng của chúng tôi và cứ nhìn những gót ngọc có dáng khinh khỉnh của các nàng đi thẳng vào cổng trường, chẳng bao giờ ngó ngàng hay để tâm liếc nửa con mắt đến mấy đứa chúng tôi thì đủ biết trong mắt các nàng, sự có mặt của chúng tôi đã chẳng có gợn lên một chút mây mờ nào trong tâm khảm. Chúng tôi cũng biết thân biết phận, chỉ dám ngậm ngùi đứng xớ rớ ngả mũ đưa mắt ngó chứ có bao giờ dám mở miệng chọc ghẹo hay buông lời âu yếm tán các nàng bao giờ đâu. Ngày qua tháng lại cứ cái ngữ, "... anh có theo hàng trăm cây số, em cũng không thèm quen anh đó...", riết rồi chúng tôi cũng chán nản theo tình một chiều của các bóng nữ sinh trường Phan nên đành dở dang bỏ cuộc. Chuyện thường nhân gian bao giờ cũng đen bạc đỏ tình hay đen tình đỏ bạc, được cái này mất cái kia, việc chúng tôi theo gái trường Phan mất cả chì lẫn chài, gái hỏng còn việc học hành lở dở sa sút.

Nghiệp đoàn xe đạp của chúng tôi lúc đầu gồm năm mạng, Thuận, Cảnh, Tần, Hải và tôi. Hải cũng nhảy từ lớp chín lên lớp mười một học ngang tôi. Đồng hội đồng thuyền, dễ hiểu nhau nên trong nhóm Hải thân với tôi nhất. Nhưng đi chung đoàn chưa được mấy tháng thì thằng Hải sinh tật mê gái, nó xé lẻ bỏ chúng tôi cái rụp để đi theo tiếng gọi của con tim. Hằng ngày Hải chực chỏm siêng năng đợi đón cho bằng được Nga ở cửa lớp để đưa đón về. Hải học nhẩy, đã vậy trí óc còn đi hoang, bận bịu với gái hơn là dành thời giờ cho bài lớp, tương lai chắc chắc sẽ vào trường Hạ Sỹ Quan và ra trường nắm cái lon trung sỹ. Mối tình giữa Nga và Hải cũng chẳng được trọn vẹn, Hải học tới lớp mười hai thì biến cố 75 xẩy đến xô đẩy cuộc tình mỗi đứa mỗi nơi. Nga đi lấy chồng. Hải hận lòng uất ức bỏ đi tu, tận hiến đời mình cho chúa sau bao tháng năm rốt cuộc sau này cũng làm cha, rồi cứ ngày ngày Hải khoác chiếc áo thụng đen, trùm kín đời mình, hai buổi sớm tối siêng năng cầu kinh, gục đầu trước bàn thờ đưa tay đấm ngực ăn năn: "Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi,...", sám hối cho cái tội trạng là đã đánh mất Nga để lọt vào tay thằng khác... Theo gái, Hải bỏ chúng tôi, trong nhóm "xe đạp ơi"của chúng tôi còn lại bốn mạng.

Mặc dù nhóm xe đạp chỉ vỏn vẹn có mấy mạng nhưng thằng Thuận bao giờ cũng muốn nắm phần chủ động và luôn luôn tỏ ra xứng đáng là tay lãnh đạo năng nổ tháo vát. Những màn ghẹo gái hay lò dò qua Phan Bội Châu nhìn ngắm các tà áo nữ sinh tất cả đều do thằng Thuận chủ mưu hành động. Mà tôi phải công nhận thằng Thuận nó can đảm thật, mỗi lần tán gái mặt mày nó trơ trơ, chả thấy hãi sợ tý nào. Tôi phục nó sát đất. Phải chi tôi có chút can đảm chỉ bằng một góc của thằng Thuận thôi là tôi có đủ vốn liếng ngước mặt nhìn gái rồi. Tôi nhớ có một buổi sáng cũng như những buổi sáng thường ngày đi học, nghiệp đoàn xe đạp của chúng tôi rong ruổi từ nhà đến trường. Trên con đường Thủ Khoa Huân, thay vì đi tới quẹo trái ra quốc lộ 1 hướng về trường, thằng Thuận cho xe quẹo phải, dẫn cả bọn vào con hẻm kế bên nhà may Ngọc Hải. Thấy lạc lối, tôi vọng lên hỏi nó:

- Ê Thuận. Mày đi đâu lại chui vô con hẻm này.

Nó quay đầu lại cười cười không thèm trả lời. Cả bọn đạp xe theo Thuận tới trước sân nhà cuối hẻm. Thuận dừng xe. Từ phía sau thoáng thấy bóng dáng Thúy, nàng nữ sinh yêu kiều học trên tôi một lớp đang ôm sách đứng đợi. Thấy sự thể tôi lật đật thắng xe rồi tất tả bảo cả bọn:

- Thôi đi ra bay ơi!

La xong và đang lẩm bẩm với ý nghĩ định cự thằng Thuận thì tôi thấy một gã hải quân mang cấp bậc trung úy chạy chiếc Honda Dame vào đón Thúy. Lúc xe Honda chở Thúy quay đầu trở ra ngang qua tôi, Thúy quắc mắt nhìn tôi, tôi vội vã quay mặt chỗ khác không dám nhìn nàng. Gã hải quân chở Thúy đi rồi, Thuận cũng quay xe ra theo. Tôi quay qua mắng Thuận:

- Mày đúng là cái thằng trẻ không tha, già không chê, nhỏ Thúy này học lớp 12A trên tao một lớp trên tụi mày hai lớp, ăn uống gì mà mày lại chui đầu vào cái hẻm này. Lạng quạng coi chừng thằng trung úy hải quân bồ con Thúy nó thiến thì bỏ mẹ mày. Mẹ, mày nhỏ mà hay chơi leo!

Thằng Thuận cười hề hề không trả lời. Chúng tôi cùng quầy quả đạp xe chạy đến trường. Sau khi khoá xe vào hàng hiên chỗ garage cho xe đạp, tôi lôi cuốn tập vở được cuộn tròn kẹp sau túi quần ra cầm tay. Tôi ung dung vừa đi vừa nhịp tay đập nhẹ cuốn tập, miệng huýt sáo hiên ngang vòng theo hành lang đi lên lầu. Chưa kịp lên bậc thang chót, ngước mắt nhìn lên, tôi đã thấy Thúy mặt gườm gườm đứng chờ sẵn. Tôi kịp ngừng bước, tái mặt miệng thôi huýt sáo, trân trối nhìn Thúy. Tôi chẳng biết phải phản ứng như thế nào, tay chân tôi lúng túng vì ngượng ngập. Thúy giận dữ nhìn tôi nạt:

- Mấy ông làm gì chui vào hẻm nhà tui trong đó"

Tôi bối rối, mặt sượng trân nóng ran, ấp úng chẳng biết phải trả lời như thế nào cho phải lẽ, chỉ biết chong con mắt sợ hãi ngó nàng. Thúy tiếp tục dằn mặt tôi:

- Tui cấm ông không được chui vào hẻm nhà tui ở, nghe không! Mới nứt con mắt ra đã bày đặt dê gái. Lần sau mấy ông còn vào nữa tui xịt chó cắn, ráng chịu.

Tôi teo quá. Xuýt tý nữa thì tôi đã buột miệng phun câu thề thốt:

- Dạ em hổng dám làm dzậy nữa đâu!

Thúy có khuôn mặt thanh tú, dễ thương, vậy mà lúc giận dữ cũng đánh mất hết cả vẻ hiền lành. Để tránh khỏi phải đối đầu với cơn giận hồng thủy, tôi bước lách người qua Thúy, đi vội lên lầu về lớp! Vừa đi tôi vừa tức thằng tôi, trả lời có vài câu với đứa con gái mà tôi cũng không biết trả lời đã vậy còn run nữa. Tôi chửi thằng tôi thậm tệ, sao lại có thằng con trai vừa hèn vừa ngốc nghếch đến thế! Thúy dù có giận dữ hay dữ tợn đến đâu đi nữa thì dáng người mảnh mai như vậy làm sao hạ được tôi, nàng có hung bạo cách mấy vẫn không thể nào nuốt sống nổi tôi. Còn trình độ học vấn của tôi ít ra cũng đã đến lớp mười một, đã từng tập viết luận từ thuở nhỏ, trải qua bao nhiêu năm học tập các lớp kim văn cổ văn, đã viết bao nhiêu bài luận vắn dài, đã từng hùng hổ cãi cọ tay đôi bằng những danh từ đao to búa lớn, cũng như thượng cẳng chân hạ cẳng tay đánh nhau với biết bao thằng nhóc trong xóm có tiếng là hung dữ, vậy mà đứng trước một o nữ sinh chân yếu tay mềm, tay chân tôi lúng túng, miệng á khẩu chẳng nói nên lời. Tôi xấu hổ với chính tôi. Mở miệng trả lời một câu tầm thường với gái như vậy mà trả lời không nổi thì tôi cũng nên chết sớm đi cho nhỏ mả. Học hành bao nhiêu năm, chữ trả cho thầy, thà rằng tôi không cắp sách đến trường, như vậy đỡ làm nhơ nhuốc, hổ danh cái đứa cũng đến trường lớp ăn học. Thà rằng tôi cứ ở nhà cho yên chuyện rồi bữa sau ba mẹ đem trầu đi hỏi vợ cho chắc ăn. Học với hành làm chi cho vất vả mất công. Cũng may cho tôi là bọn thằng Thuận không được chứng kiến tận mắt những cử chỉ vụng dại của tôi, nếu thấy, chắc là tôi sẽ khổ sở, sẽ bị bọn thằng Thuận mắng nhiếc vì đã bỏ công tiêu hao bao tháng ngày cho phép tôi theo bọn chúng học hỏi và chúng sẽ thẳng tay đuổi tôi không một chút tiếc thương ra khỏi nghiệp đoàn xe của chúng. Tôi nhủ lòng, lần sau sẽ cẩn thận hơn, bọn thằng Thuận có nổi hứng trở vào ngõ đến trước sân nhà Thúy, tôi sẽ chẳng dại lao vào trong đó làm gì cho tổn thọ quê mặt. Thằng Thuận chửi tôi cũng đành chịu, thà để nó chửi đỡ hơn là bị gái làm nhục quê mặt.

Nghiệp đoàn xe đạp bọn thằng Thuận còn lãng mạn hơn, cuối tuần chúng nó còn dám đạp xe lên mãi tận Văn Phong là cái thôn xóm hẻo lánh xa xôi, cách xa thành phố hàng chục cây số để thăm hai o nữ sinh Hồng và Hoa. Hoa học chung cùng lớp tôi, Hồng học dưới tôi hai lớp, hai o nữ sinh học cùng trường Chính Tâm là hai đóa hoa mặn mà đã làm ngất ngư bao con tim say đắm của các chàng trai Thanh Hải. Nói cho đúng, nếu cố tình ghép "Trai Thanh Hải, gái Phan Bội Châu" hay trai "Thanh Hải, gái Phú Trinh" hay "Trai Thanh Hải, gái Văn Phong" gì đi nữa..., nghe ra cũng thanh lịch xuôi tai được lắm chứ. Thế thì bọn con trai Thanh Hải chúng tôi có phải bỏ công lặn lội lên tận Văn Phong thăm mấy o nữ sinh cũng không phải là công bỏ. Vì ở Văn Phong xa xôi, ngày hai buổi xuôi ngược đạp xe đến trường Chính Tâm cả là một chặng đường dài mất giờ, vất vả, học sinh nam nữ Văn Phong ngày trong tuần thường đóng đô cư ngụ ở khu Thương Phế Binh là khu được xây dựng dành cho các thương binh ngay đầu dốc Vĩnh Thủy, để trọ học. Mặc dù khu Thương Phế Binh, dân Thanh Hải chẳng có thân nhân bà con gì sống ở đó nhưng nam học sinh Thanh Hải ra vô khu Thương Phế Binh nườm nượp như đi chợ, không phải để thăm hay ủy lạo các thương phế binh đã hy sinh một phần mình cho chiến cuộc mà là để ghé vào thăm tìm dịp cua gái, quẩn quanh bên hai nàng Hồng, Hoa. Những ngày chủ nhật, hai nàng Hồng Hoa trở lại Văn Phong thì các chàng Thanh Hải lại mày mò tìm cách ghé thăm trên ấy. Tôi vốn nhát gái, đời nào lại có gan đạp xe đi những chỗ xa xôi dễ sợ như vậy. Mẹ tôi vẫn hay khuyên tôi chớ nên chơi xa, qua mấy vùng khỉ ho, hẻo lánh sợ có ngày sẽ bị Việt Cộng tóm. Những lúc bọn thằng Thuận rủ rê tôi đi chơi xa thăm Hoa thăm Hồng, để che dấu cái tính sợ hãi nhát gái gia truyền, tôi luôn viện lẽ từ chối tránh chạm trán nói chuyện với mấy nàng, tôi đem lời răn dạy của mẹ làm cớ thoái thác:

- Thôi tụi bay đi chơi đi. Tao thích ở nhà thôi. Đi xa xôi vào mấy vùng mất an ninh như vậy, tao chả đi.

Những lần như vậy thằng Thuận vẫn hay mắng át tôi:

- Cái đồ chết nhát!

Mà tôi nhát thật! Nhát nào cũng là nhát, sợ gái hay sợ chết đều là nhát cả. Rõ ràng là như vậy. Tôi đành phải chịu yên lặng cho mấy thằng bạn xỉ vả. Chúng nó không hiểu nỗi lòng của tôi, còn tôi cũng đâu dám bộc bạch phân trần cho chúng nó biết. Nói ra thấy ngượng, Việt Cộng sức mấy tôi sợ bằng mấy đứa con gái. Đi những vùng mất an ninh như Lại An, Ma Lâm, Tân An, Thiện Giáo... hay bất cứ những vùng cò gáy, hẻo lánh lắm Vi Xi, thằng trời đánh như tôi, gian nan, hiểm nguy mấy lòng tôi cũng chẳng ngại sờn, vậy mà hễ đối đầu mấy đứa con gái là tôi thấy teo thấy sợ.

Đối đầu trực diện nói chuyện với con gái tôi không dám, nhưng đôi lúc tình cờ đạp xe đeo theo lũ bạn được nghe chúng nó tán gái, nghe thấy khoái lỗ nhĩ. Những chiều tan trường ngang qua Vĩnh Thủy, nơi mấy o nữ sinh ngoài giờ học vẫn hay tụm năm tụm ba gần khu Lao Xá chờ chực. Những lúc đi cả đoàn theo chân chúng bạn dừng chân tán gái, tôi rất hiên ngang dũng cảm, dám nhìn thẳng các nàng tuy chỉ là đứng xa xa chong mắt ngó. Hồi đó tôi phục thằng Thuận và thằng Hải sát đất, định bụng hễ có dịp, sẽ bảo tụi nó chỉ cho ít ngón nghề dê gái, bằng không cũng ráng ép mình ép xác siêng năng đeo theo tụi nó, coi tụi nó chài gái thế nào đặng học lại vài chiêu, kiếm lấy cái vốn bữa sau biết đường mở miệng tán các nàng, lấy vợ. Nghĩ để mà nghĩ như vậy thôi, hễ hôm nào bọn thằng Thuận rục rịch chuẩn bị đi thăm gái là tôi lại kiếm cớ tránh xa để khỏi đối đầu với các nàng.

Trong những năm trung học ở trường tỉnh, những buổi chiều vàng tan trường không có bạn xe đạp đi chung, tôi thường phải xanh xao đạp xe về một mình thì cái con đường độc đạo Thủ Khoa Huân nối liền Phan Thiết, Thanh Hải đã biến thành tiểu lộ kinh hoàng trong trí tôi. Mỗi lần phải băng ngang qua Vĩnh Thủy, từ đầu khu Lao Xá, thoáng thấy bóng các nàng lảng vảng bên kia đường đối diện nhà thờ Vĩnh Thủy là tôi đã cong lưng, đầu cúi gầm mặt nóng ran, vận dụng đôi chân đạp mạnh pedals gia tăng tốc lực, đạp lấy đạp để, mong mau thoát chặng đường khổ giá. Tôi đạp xe lẹ như vậy mà có nàng vẫn không buông tha, vẫn buông lời chớt nhả ghẹo:

- Anh Thóc ơi!

Nghe thế tôi càng hoảng hồn, cố rướn đạp mau cho xe chạy nhanh hơn. Tôi đâu dám quay lại nhìn để nhận diện coi ai là nàng tiên đã buông lời âu yếm đó. Đã bảo tôi là đứa nhát gái mà.

Mà hình như cái tính nhát gái của tôi nó cũng có nòi. "Nòi nhát gái!". Chúa ơi, cái câu than thân của tôi người nghe chắc cũng phải ngậm ngùi tội nghiệp cho cái số kiếp lận đận kém may mắn của tôi. Cũng câu nói ấy nếu người ngoài tọc mạch xỏ xiên ám chỉ tôi, chắc tôi phải cho là người ấy buông lời mạ lỵ gia đình tôi. Và nếu cho rằng cái câu "nòi nhát gái" như là lời phỉ báng thì như thế, nhát gái cũng nhục nhã cho tổ tiên nhà tôi lắm chứ không phải là trò đùa. Và cứ theo cái lối dị đoan tin tưởng "...., ai nhát ba đời" thì tôi nghĩ đời ông tổ tôi chắc không đến nỗi tệ lậu, nhát đởm như đám con cháu sau này đâu. Tin tưởng như vậy nên tôi bắt đầu kể lại từ cái đời ông nội tôi, ba tôi, xuống cho đến tôi mà thôi.

Theo bà dì, em gái bà nội tôi, kể lại vì ông nội tôi chẳng bao giờ dám hó hé kể lại chuyện tình của ông cho ai nghe bao giờ, thì ông nội tôi ngày xưa chuyên làm nghề đi-đổi, đem nước mắm từ nhà qua bên xứ Thượng Chiểu để đổi lúa mang về. Chuyện tình ông nội bà nội tôi bắt đầu từ lúc nào thì bà dì tôi không bao giờ được rõ, còn bà nội tôi đã mất trước khi tôi lọt lòng ra đời nên tôi chả bao giờ có được cái diễm phúc nghe câu chuyện từ chính miệng bà nội tôi kể lại. Theo sự suy đoán của tôi thì chắc là bà nội ra tay trước tán ông nội tôi nên mới có đám con cháu chúng tôi. Chứ cái ngữ khù khờ, chân chỉ hạt bột như ông nội tôi, chẳng biết mở miệng ăn nói như thế nào, thì làm sao có cơ hội quen gái lấy vợ, có con, để lưu lại đám hậu duệ con cháu là ba tôi và tôi.

Bà dì của tôi cứ mỗi lần từ Sài Gòn ra thăm, bà hay mắc cái võng ra nằm đầu hè rồi kể chuyện tình đời xưa của ông nội tôi. Bà kể nhiều lần đến độ tôi phải thuộc lòng. Lần nào cũng vậy, trước đám cháu ngồi bao quanh, mở đầu câu chuyện bao giờ bà cũng kể công:

- Tao nói thật đấy. Cứ như cái mã ông nội bay mà không có tao giúp vào thì làm sao có chúng mày.

Bà dì bắt đầu câu chuyện bằng cái lối nói lấp lửng như vậy, người ngoài chưa nghe thủng chuyện không hiểu rõ, tưởng bà dì là người có công đẻ ra đám con cháu chúng tôi. Bà thường bảo chúng tôi rằng:

- Ông nội bay hồi đó đến nhà bà nội chúng bay, đánh chết cũng có bao giờ dám tự động vào nhà đâu. Tao thấy nhiều hôm ông nội bay đến nhà bà nội mà cứ lòng vòng đi đi, lại lại nơi hàng rào sân trước. Tao vừa bực mình vừa tội nghiệp. Tao đã bao nhiêu lần phải chạy ra lôi kéo ông nội chúng mày vào thì mới dám vào, bằng không, nếu tao không kéo vào là kể như chả bao giờ có đám chúng mày. Ông nội chúng mày nhát như thỏ đấy, vậy mà cũng quen lấy được bà nội bay kể cũng là chuyện lạ.

Những lúc nghe bà dì của tôi kể chuyện như vậy, tôi thấy ông nội tôi chẳng nói chẳng năng góp lời lấy một tiếng, mà tôi chỉ thấy ông nội bực mình lẩm bẩm trong miệng: "Cái con bé ..." rồi ông đứng dậy bỏ ra chỗ khác ngồi. Chả bao giờ tôi thấy ông nội tôi cãi lại hay lên tiếng minh oan cho cái câu chuyện tình o em vợ kể. Những lúc thấy ông nội tôi cô đơn lãng mình bỏ ra chỗ khác, tôi chạnh lòng xót thương ông nội tôi vô hạn, bởi hơn ai hết, tôi hiểu ông nội tôi vì chính tôi cũng cưu mang cái giòng máu bất khuất không bao giờ chịu mở miệng tán gái ấy, giống y chang như ông nội tôi vậy. Bà dì thấy ông nội tôi bỏ ra chỗ khác ngồi, bà nhìn đám cháu lắc đầu rồi chỉ ông nội tôi tố khổ:

- Đấy, đấy, lời tao nói có sai đâu!

Nhìn phản ứng ngoe nguẩy của ông tôi sau bao nhiêu năm lấy bà tôi mà vẫn còn ngại ngùng khi phải nói chuyện với o em vợ như vậy, tôi biết câu chuyện bà dì kể hoàn toàn có thật và nếu xử sự cho đúng cách, chúng tôi phải biết ơn bà dì, phải biết chiều chuộng biếu xén quà cấp để trả ơn người đã có công gầy dựng lên gia đình ông bà cha mẹ con cháu chúng tôi vì nếu không có bà dì thì chưa chắc đã có đám con cháu chúng tôi ngày nay thật.

Đó là chuyện tình của ông nội tôi. Qua đời ba tôi lại còn tệ hơn. Mẹ tôi có tiếng trong làng xã là bao giờ cũng ăn nói mạch lạc, khúc chiết có đầu có đuôi. Con cóc trong hang nghe mẹ tôi nói chắc cũng phải chui ra để nghe. Ngược lại ba tôi chẳng bao giờ biết mở miệng nói được một lời hay, ông ít tỏ lộ bằng lời nói mà mỗi lần nói lại hay gắt gỏng vì ông không thể diễn tả bằng lời nói trôi chảy như một người bình thường được. Chuyện tình của ba mẹ tôi bắt đầu như thế nào tôi đã chẳng bao giờ biết đến vì ba tôi dĩ nhiên là không biết kể chuyện rồi, còn mẹ tôi thì cạy miệng cũng chẳng bao giờ hé mở, nói về cuộc tình của ba mẹ tôi cả. Tôi biết rõ ba tôi chứ, thường ông đã không nói được nên câu gọn ghẽ thì còn nói chi đến chuyện tán gái. Ngay đến cậu tôi là em ruột mẹ tôi, mỗi lần đến nhà thăm anh chị, thấy ba tôi từ đằng sau nhà, cậu tôi chạy ra chào hỏi thăm ông anh rể, ba tôi gật đầu chào lại rồi đi ra đằng trước, cậu tôi theo ba tôi ra đằng trước nói chuyện, ba tôi chẳng biết góp chuyện gì lại đi ra đằng sau. Chuyện trò với đàn ông con trai còn khó khăn cho ba tôi mở miệng như vậy, nói chi tới chuyện ba tôi mở miệng tán gái. Mỗi lần khách đến nhà, mặt ba tôi khó đăm đăm, tôi biết chắc là ba tôi chẳng bao giờ muốn đuổi khách mà vì ba tôi chẳng biết phải nói câu chuyện gì làm đẹp lòng khách nên mặt lúc nào cũng nhăn nhó vì không biết phải đối ứng như thế nào, làm cho khách đến nhà không cảm thấy thoải mái, có khi họ còn có ý nghĩ ba tôi ít hiếu khách. Tôi nhớ có bà hàng buôn nước mắm, sau những lần đi buôn về, bà thường ghé nhà tôi thanh toán sổ sách. Cứ mỗi lần đến đầu ngõ nhà tôi, bà tìm cách hỏi dò đám nhỏ chúng tôi coi ba tôi có mặt ở nhà không. Nếu ba tôi không có nhà bà mới có đủ can đảm bước chân vào nhà gặp gỡ mẹ tôi. Còn nếu có mặt ba tôi ở nhà là bà quầy quả trở ra đi thẳng một mạch về nhà, mẹ tôi có tình cờ thấy bà, chạy ra cố ý mời mấy bà nhất định cũng không chịu ở lại. Ba tôi nói chuyện khó khăn như vậy, tôi rất hiểu tính tình của ba tôi. Sao tôi thấy nghi ba tôi quá., tôi nghi mẹ tôi lại cũng là người ra tay, mở miệng tán ba tôi trước giống như tôi nghi bà nội tôi tán ông nội tôi quá à.

Rồi bây giờ đến thằng tôi, tôi cũng nghi tôi sẽ bước theo vết chân của cha, ông tôi. Cứ hễ thấy gái là tôi run, thấy gái là tôi run. Tôi vẫn biết là muốn lấy được vợ, hai điều kiện tiên quyết cần thiết để cua đào, gò gái là "thứ nhất đẹp trai, thứ hai chai mặt", trong hai tính trên tôi chả được cái đức nào, tôi vốn đã không đẹp trai, thấy con gái lại run như cầy sấy, vậy thì chắc chắn rằng tương lai tôi sẽ ế vợ.

Nói ra cái legacy nhát gái của cả gia phả rồi, lòng tôi nghe rưng rưng xấu hổ. Tôi biết làm sao đây, sự thực là như vậy, tôi đã thừa kế được cái di sản quý báu từ đời ông nội tôi truyền lại cho con cháu. Hiểu rõ cái tính tình của mình như vậy nên tôi lúc nào cũng lòng dặn lòng, thôi thì tránh voi chẳng xấu mặt nào, biết mình nhát gái thì nếu thấy các nàng lảng vảng đến gần, tôi cứ kiếm cách tránh cho xa thì lòng sẽ không run sợ.

Nhưng chuyện đời đâu dễ dàng, hễ cứ "vouloir c'est pouvoir", muốn là được như ý đâu, nó cứ như là "nhát của nào là trời trao của đấy" vậy, tôi càng sợ con gái, càng cố ý tránh xa các nàng bao nhiêu thì ông trời lại dấm dúi cho tôi gặp gái bấy nhiêu. Tôi nhớ lần đó vào một buổi chiều cuối giờ, giáo sư Lê Choi dậy Pháp văn đã cố gắng dạy hết nốt phần còn lại của bài học ngày hôm đó, chúng tôi bị cho ra trễ mười lăm phút. Ra khỏi lớp, sân trường đã vắng hoe, lác đác còn lại vài ba học sinh đứng đợi ngoài cổng trường chờ xe nhà đến đón. Chẳng còn thằng bạn nào về chung, tôi thênh thang ra ngoài hiên trường mở khóa lấy xe rồi nhẹ nhàng thanh thản đạp xe rời trường. Tôi đạp xe cố tình chạy thật chậm, chờ chập choạng cho chiều xuống hẳn, đợi cho mấy nàng ở Vĩnh Thủy vào hẳn trong nhà đặng tôi sẽ lặng lẽ đạp xe qua cho đỡ sợ. Tính gọn ghẽ, chắc mẩm như vậy rồi chẳng ngờ đôi khi ông trời trớ trêu, con người tính toán là một lẽ nhưng chuyện đời có xẩy ra như mình muốn hay không cũng còn tùy vào thuộc thành sự tại thiên, tôi cố gắng tránh gái cách nào đi chăng nữa, ông trời đã định, tôi làm sao thoát khỏi lưới trời… Tôi đạp xe về tới ngã tư rẽ Phú Hài. Vừa quẹo từ quốc lộ vào con đường Thủ Khoa Huân, ngờ đâu đã thấy Trang, cô bạn học cùng lớp trước khi tôi nhảy lên Chính Tâm, đang đứng đợi xe-lam. Thấy tôi, Trang hớn hở nét mặt, chồm người đưa tay vẫy vẫy dáng điệu mừng rỡ:

- Thóc ơi! Cho Trang nhờ xe về với!

Nghe Trang gọi bất ngờ, tôi giật mình lung túng không biết phản ứng như thế nào cho phải lẽ. Không lẽ tôi làm ngơ giả vờ như không thấy Trang gọi. Nhưng giả vờ thế nào được, cô nàng đứng ràng ràng ngay trước mắt tôi, đã vậy còn giơ tay ngoắc lia lịa thế kia thì trốn tránh bằng cách nào. Chân tay tôi lúc đó luống cuống, tim chực nhẩy ra khỏi lồng ngực. Chẳng lẽ tôi lại đạp xe tháo thân bỏ chạy. Mà tôi dừng lại chở Trang thì bạn bè thấy được, chúng nó chế giễu cười tôi thì tôi quê biết chừng nào! Âu lo như vậy, nhưng không tìm được cách nào có thể từ chối, chẳng đặng đừng, tôi bắt buộc phải dừng lại chở Trang. Theo phản ứng tự nhiên tôi ngó trước trông sau cẩn thận, khi đã chắc ăn là không có ai tôi mới an tâm, đau khổ bóp thắng dừng xe lại hẳn. Nghĩ lại cũng kỳ, nếu khi ấy tôi gặp người quen không lẽ tôi bỏ mặc Trang ở đó rồi làm tỉnh đạp xe bỏ đi như không có chuyện gì. Chắc chắn là tôi phải chở Trang về rồi, nhưng mà đã bảo cái tính nhát gái của tôi nó hành hạ tôi khổ sở như thế đó.

Sau khi Trang đã lên được yên ngồi phía sau, nàng miệng cười hớn hở bảo tôi:

- May gặp được Thóc, không thôi trời tối mất. Nãy giờ Trang chờ xe Lam đã nửa tiếng đồng hồ mà chẳng thấy bóng dáng chiếc xe nào. Không đón được xe chắc là Trang phải cuốc bộ về nhà tối nay.

Trang may, nhưng số tôi không gặp may chút nào. Tôi đã chạy chậm cốt tránh vỏ dưa là mấy nàng ở Vĩnh Thủy thì lại đụng nhằm phải vỏ dừa Trang. Đèo Trang phía sau mà lòng dạ tôi ngổn ngang tơ vò trăm mối. Phải làm sao bây giờ" Tâm can tôi nóng hừng hực như có ai đốt lò than trong ruột. Cả cái lịch sử đời tôi trước đây chưa từng bao giờ có một lần mạnh dạn nói chuyện với con gái, vậy mà bây giờ bỗng dưng tôi nhẩy ngang bỏ cái khoản tán, đi chở con gái phía sau xe làm sao con người tôi không bị mất quân bình cho được. Nghĩ đến lúc gặp phải người quen thấy tôi chở gái, tôi cảm lạnh cả người. Người không hiểu không biết, thấy tôi chở gái với dáng điệu bần thần sẽ cho là tôi kỵ gái. Như thế là lầm to, tôi cũng chỉ là thằng con trai bình thường, cũng ao ước mong muốn có một cô bồ, cũng có yêu đương, cũng thích mơ mộng có người đẹp tay trong tay, dung dăng dung dẻ như mọi người ở cái lứa tuổi hoa niên chứ. Nhưng mơ mộng yêu đương của tôi nghĩa thực cũng chỉ là mộng mơ. Muốn là một chuyện, thực hiện được hay không lại là chuyện khác, bởi bản tính thực của tôi là nhát gái. Chở Trang ngồi phía sau, tôi có cảm tưởng tôi đang ôm mìn làm một công việc hiểm nguy vào sinh ra tử lòng run run sợ hãi. Phải chi trời ban cho tôi có tính chai mặt hay ít nhát gái đi một chút thì bữa hôm tôi chở Trang về thơ mộng biết bao. Ngồi phía sau bagage, Trang gợi chuyện nói với tôi, huyên thuyên hỏi tôi đủ thứ mà tôi cứ ậm ừ trả lời cho qua, chỉ chú ý mỗi một việc là gò lưng đạp xe cho lẹ về để mong thoát nạn. Hình như Trang đoán ra tôi nhút nhát nên nàng lại càng làm già, thỉnh thoảng khi xe lạng qua tránh những đoạn đường xóc ổ gà, Trang làm như vô tình đưa tay vòng ngang eo ếch tôi ôm gọn như muốn giữ vững chỗ ngồi làm tôi thấy nóng ran cả người. Những câu chuyện Trang kể ra chắc là lý thú lắm vì đôi lúc tôi lại thấy Trang cười ròn rã, đưa tay đấm thùm thụp nhẹ vào lưng tôi như muốn tôi cùng san sẻ câu chuyện nàng mới kể. Đã vậy đôi lúc Trang còn chọc ghẹo tôi bằng cách áp má vào lưng tôi làm tôi muốn nhẩy nhổm. Phản ứng của tôi như vậy, không phải là tôi không thích tình tứ thơ mộng đâu. Thực tâm nếu là lúc bình thường, tôi chắc là phải khoái chết đi chứ nhưng cái cảm giác xấu hổ và sợ hãi có ai bắt gặp nó chiếm cả tâm can tôi làm tôi thấy nổi gai ốc nhiều hơn là thưởng thức cái âu yếm tình tứ mà Trang trao gửi. Điều làm tôi lo lắng nhất là đoạn đường ngang qua Vĩnh Thủy, lòng tôi thấp thỏm cứ sợ các nàng còn tụm nhóm ở đó thì tôi hãi biết chừng nào. Nghĩ đến đó thôi đã thấy ớn lạnh, chỉ sợ cái cảnh tôi chở gái bị các nàng bắt gặp sẽ trêu chọc thì chắc là tôi phải độn thổ mất. Cũng may cho tôi, lúc tôi chở Trang qua Vĩnh Thủy, trời đã chạng vạng tối, không còn o nàng nào ngóng đợi, tôi được bình yên thở ra nhẹ nhõm như thoát khỏi một gánh nặng khi băng qua đó. Tôi tiếp tục rong ruổi cong lưng đạp xe chở Trang về cho đến đầu làng phía ngoài hàng rào ấp chiến lược. Thấy đã gần tới cổng làng và muốn tránh tại nạn sợ ai bắt gặp quả tang chở gái, tôi cho xe từ từ dừng lại rồi nhỏ nhẹ bảo Trang:

- Tới nơi rồi, Thóc thả Trang xuống đây. Trang chịu khó đi bộ vào làng chút xíu nghe.

Nhưng Trang giẫy nẩy không chịu:

- Thóc đã làm ơn thì làm ơn cho trót. Ráng chạy thêm chút xíu nữa đi.

Tôi ú a ú ớ chẳng biết giải thích cách nào để cho Trang hiểu. Gian nan khổ ải cách nào tôi cũng chịu được nhưng tôi chở Trang vào làng bị người quen bắt gặp thì tôi còn mặt mũi nào dám ngước nhìn ai, bạn bè trông thấy chọc ghẹo phát xấu hổ, bà con làng nước trông thấy rồi miệng năm miệng mười đồn thổi, thằng này con kia, tôi còn dám vác mặt đi đâu. Biết vậy nhưng tôi chẳng biết ăn nói làm sao. Không lẽ tôi lại bộc bạch nói trắng ra với Trang là tôi sợ người ta cười vì chở nàng. Tôi lại cũng sợ Trang hiểu là tôi sợ gái nữa kìa. Ngần ngừ chẳng biết cách nào từ chối, cực chẳng đã, tôi đành phải ôm hận lê thân tiếp tục đạp xe chở Trang vào quãng đường nhà nàng ở.

Thả Trang xuống xe rồi, lòng tôi nhẹ nhõm trút hết được nỗi phập phồng lo sợ.

Cái buổi chiều đầy ắp kỷ niệm chở Trang hôm ấy đôi lúc nghĩ lại tôi thấy lòng rạt rào nao nao. Ông nhạc sỹ Thanh Sơn ngồi ghi lại trang nhật ký thuở ấy như những gì ông đã ghi lại trên nốt nhạc lời ca với những kỷ niệm đầy ắp hình bóng của thuở học trò, đã làm ông bâng khuâng mỗi khi ông nghĩ lại những ngày xanh, đuổi hoa bắt bướm của mối tình thơ mộng đã làm con tim ông rung cảm viết lên thành những bài ca tháng hạ. Còn tôi quay về kỷ niệm xưa để ghi lại trang nhật ký đời tôi sẽ viết gì đây, có mối tình nào đâu, có biết yêu bao giờ đâu mà thả thơ với mộng. Cả cái quãng đời trung học của tôi quanh đi quẩn lại chỉ toàn nghịch phá, lêu lổng, trốn học, theo bạn chọc gái. Đôi khi tình cờ được nghe những bản hè hay nghe những bản tình ca "nỗi buồn hoa phượng" hay "lưu bút ngày xanh"... hay những bài ca của thời học trò, mường tượng ra những hình ảnh thơ mộng thấy lòng mình cũng xúc cảm dâng tràn với những bâng khuâng xao xuyến, không phải vì yêu mà vì ngẩn ngơ, chắc lưỡi hối tiếc, tiếc cho những cơ hội bằng vàng đã bỏ lỡ. Hồi tưởng lại những tà áo trắng nữ sinh chung đường về những trưa chiều tan trường, những lần chung bước đường dọc Huyền Trân Công Chúa, lẽo đẽo theo sau những nữ sinh học cùng lớp, chẳng bao giờ tôi có gan dù chỉ dám vượt mặt hay bước ngang sánh vai trò chuyện cho quãng đường đón xe lam rút ngắn. Tiếc ngẩn ngơ những lần ngồi xe lam chung, bên những o nữ sinh mà chẳng bao giờ tôi dám mở miệng hé môi dù chỉ là một nụ cười đờ mi xả giao. Tiếc nhớ bao lần, tôi và nàng tiên nữ sinh ở Long Hoa cùng chung chuyến xe lam, những lần ngồi xe chỉ có mỗi hai đứa tôi, nàng mỉm cười nhìn tôi như ngầm han hỏi, còn tôi cúi đầu ngượng ngập... lúng túng không dám nhìn nàng... Tiếc quá, tiếc đến ngẩn người…! Ôi! Phải chi bước ngược được thời gian làm lại từ đầu ... thì chắc là trang nhật ký đời tôi phải khác. Nghĩ vậy nhưng ngẫm lại mình, gừng càng già càng thấy cay, cái tính nhát gái của tôi càng ngày lại càng thấy tệ, và tôi cảm thấy có trở về quá khứ chắc cũng chỉ là lặng lẽ ngắm mây tạ từ trôi thôi, chứ không có gì thay đổi hết, nghĩa là vẫn như cũ, vẫn nhát gái kinh niên như thuở ấy.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.