Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: Những Nan Giải Về Nha Khoa Tại Úc

09/10/200600:00:00(Xem: 2242)

Chúa Nhật 1/10/06 vừa qua ký giả Peter Weekes của tuần báo The Sunday Age đã lên tiếng báo động về tình trạng vệ sinh răng miệng cùng vấn nạn y tế nha khoa của dân Úc qua bài báo tựa đề "Australian Teeth Worst In Developed World" - Răng Úc Tệ Lậu Nhất Trong Các Quốc Gia Đã Phát Triển. Bài báo cho thấy một người dân Úc trung bình sẽ bị 10 cái răng sâu trầm trọng khi họ bước vào ngưỡng cửa của tuổi 30. Thêm vào đó, tình hình y tế về nha của Úc được sắp hàng kế chót trong số các quốc gia đã phát triển. Ông Bill OReilly, phó chủ tịch Nha Sĩ Đoàn Úc Châu (Australian Dental Association) nói: "Chúng ta được sắp vào hàng kế chót khi nói về vấn đề y tế nha khoa cho người lớn".

Giới chuyên khoa cho biết những người có vấn đề về răng miệng sẽ thường xuyên bị đau đớn, gặp khó khăn trong vấn đề ẩm thực và đối thoại, bị hôi miệng và nướu răng sẽ bị nhiễm trùng. Có nhiều dữ kiện cho thấy răng hư, răng sâu từ đàn bà có thai cũng có thể khiến cho con em bị sanh thiếu tháng, bị ốm yếu. Bệnh về răng cũng có liên hệ đến bệnh tim, bệnh tiểu đường và bệnh phì nộn.

Giáo sư John Spencer thuộc đại học Adelaide vào năm 2004 có làm một cuộc nghiên cứu và sau đó viết một bản tường trình về tình hình y tế nha khoa của dân Úc. Ông cho biết khoảng cách giữa những người giàu có và những người nghèo khổ ngày càng rộng mở về vấn đề y tế nha khoa. Thông thường thì những người có lợi tức thấp hoặc ở mức trung bình luôn là những người có nhiều vấn đề về răng, lợi, và có ít cơ hội để chữa trị bởi vì "sự thiếu sót của mạng lưới an toàn các dịch vụ nha khoa công cộng vốn đã bị xé rách bươm và vì họ không có khả năng để mua những dịch vụ nha khoa tư nhân".

Trên toàn nước Úc hiện đang có danh sách hơn 650,000 người chờ đợi được chữa trị về bệnh răng miệng bao gồm những người đang ăn tiền hưu trí và những người có thẻ y tế miễn phí (healthcard). Thời gian chờ đợi để được chữa trị thông thường rất lâu. Thí dụ điển hình là ở Victoria. Chính phủ Victoria vừa tuyên bố rằng thời gian chờ đợi để được chữa trị tổng quát về răng đã được cắt giảm từ 30.9 tháng xuống còn 20.5 tháng và thời gian chờ đợi làm răng giả được cắt giảm xuống 22.4 tháng từ 34.6 tháng.

Tưởng cũng nên nhắc lại, thời gian chờ đợi được chữa bệnh về nha khoa tại các nhà thương răng công cộng bị tăng vọt từ năm 1996, khi chính phủ Howard quyết định cắt nguồn tài trợ liên bang cho những dịch vụ này vì cho rằng y tế và sức khỏe là trách nhiệm của chính phủ các tiểu bang. Trước đó, ngân khoản dành cho các dịch vụ này bao gồm tiền của cả hai cấp chính phủ liên bang và tiểu bang. Từ 1996 đến giờ, mặc dù các chính phủ cấp tiểu bang có bù đắp một phần nào vào lỗ hổng từ sự phủi tay xóa trách nhiệm của chính phủ Howard, nhưng họ vẫn cho rằng chính phủ liên bang phải gánh vác một phần trách nhiệm trong vấn đề y tế nha khoa, chiếu theo hiến chương Úc.

Điều đáng nói ở đây là chính phủ liên bang, xuyên qua chương trình Medicare và bộ Y Tế Liên Bang, chịu trách nhiệm tổng quát về y tế cho hầu hết tất cả mọi bộ phận trong cơ thể người dân Úc, ngoại trừ răng! Ngay lúc mà chính phủ liên bang trong thời gian gần đây dùng mọi cơ hội để có thể tiếm quyền quyết định và trách nhiệm trong lãnh vực y tế từ tay các chính phủ tiểu bang, để ép buộc các chính phủ này phải tuân thủ theo đường hướng mà Canberra vạch ra, thì mỉa mai thay, y tế nha khoa (dental care) có vẻ vĩnh viễn vẫn chỉ là trách nhiệm của chính phủ tiểu bang mà thôi.

Tổng trưởng y tế liên bang, ông Tony Abbott, đã thẳng thừng tuyên bố trong tuần qua về vấn đề này. Ông nói: "Chúng tôi sẽ không gánh bớt giùm trách nhiệm này cho các tiểu bang đâu". Thậm chí, chính phủ Howard còn từ chối không chịu chi ngân khoản theo kiểu "anh đưa một, tôi cho một" với chính phủ tiểu bang để trợ cấp cho những dự án nhằm kiện toàn hóa dịch vụ y tế nha khoa, cho dù có hơn 650,000 người công dân Úc đang mỏi mòn khắc khoải chờ đợi được chữa trị!


Theo như thống kê cho thấy thì gần 60% những trường hợp được các dịch vụ nha khoa công cộng phục vụ thường đòi hỏi những sự chữa trị khẩn cấp (emergency care), trung bình là mỗi phút có một cái răng phải được nhổ bỏ khẩn cấp. Đại đa số những người này không đủ điều kiện tài chánh để đi nha sĩ tư. Điều đáng nói ở đây là ngay cả những người không ở trong tình trạng khẩn cấp nguy kịch như thế, nếu không được cung cấp dịch vụ nha khoa chu đáo vẫn có thể tạo nhiều phí tổn cho Medicare trong tương lai vì có vấn đề về sức khỏe sau này.

Mặc dù Medicare không trang trải cho các dịch vụ y tế nha khoa, thế nhưng, nhu cầu được chữa trị về răng miệng sẽ tạo nhiều phí tổn về sau cho Medicare. Những vấn đề y tế về răng miệng nếu không được chữa trị sẽ tạo ảnh hưởng xấu đến toàn bộ sức khỏe của một người. Răng sâu, răng hư sẽ đưa đến những hậu quả xấu khác về sức khỏe. Như đã nhắc đến ở phần trên của bài viết này, những người có bị hư răng, đau răng, nhức răng, có vấn đề về răng miệng sẽ thường xuyên bị đau đớn, khó ăn uống, khó nói năng, dễ bị nhiễm trùng từ nướu răng. Có nhiều dữ kiện cho thấy răng hư, răng sâu từ đàn bà có thai cũng có thể khiến cho con em bị sanh thiếu tháng, bị ốm yếu. Bệnh về răng cũng có liên hệ đến bệnh tim, bệnh tiểu đường và bệnh phì nộn. Nói tóm lại, nếu bị đau răng thì người ta sẽ khó lòng nhai nuốt và tiêu hóa được những thực phẩm có dinh dưỡng, hoặc việc nhiễm trùng từ răng lợi sẽ lây lan ra toàn cơ thể. Trong nhiều trường hợp, Medicare sẽ phải đài thọ cho việc chữa trị các bệnh tật này.

Vì thế, mặc dầu bộ Y Tế liên bang, dưới sự lèo lái của tổng trưởng Abbott, không có trách nhiệm trực tiếp về các vấn đề y tế nha khoa, nhưng trước sau gì thì các vấn đề này cũng sẽ gián tiếp tạo quá nhiều phí tổn, nhiều hơn sự tính toán so đo hơn thiệt của quý ông Howard và Abbott, cho hệ thống Medicare mà bộ này có trách nhiệm điều hành.

Ngoài việc mang danh là quốc gia đứng hàng kế chót về vấn đề y tế nha khoa nói chung trong số những quốc gia giầu có đã phát triển, Úc còn là một trong những quốc gia có tỷ lệ nhổ răng (sâu, hư) cao nhất thế giới nữa. Và đấy là những trách nhiệm mà các ông Howard và Abbott đã phủi tay đối với những công dân Úc đang thật sự cần được giúp đỡ, đặc biệt là những người ở tuổi hưu trí đã đóng góp cả một đời cho sự phồn thịnh của đất nước. Cứ tưởng tượng đến cảnh những người già cần răng giả để có thể ăn uống một cách đàng hoàng, có dinh dưỡng, phải chờ đợi hơn 30 tháng đề có được hàm răng thì người ta mới thấy rõ được sự vô trách nhiệm của những người hữu trách. Đây là một điều hoàn toàn không thể nào chấp nhận được.

Trong khi đảng Lao động đối lập liên bang có hứa hẹn sẽ tái lập chương trình dịch vụ y tế nha khoa công cộng toàn quốc (national dental care) cho những người có lợi tức thấp, vấn đề này quá quan trọng và quá cấp bách để chờ đợi cho cơ may mà một chính phủ Lao động liên bang nào đó trong tương lai tái lập chương trình đó.

Trong vài ngày gần đây, có một số đề nghị rằng Medicare nên trang trải phí tổn nha khoa cho những người có lợi tức thấp, thế nhưng, đây có phải là một đề nghị hợp lý không, ngay khi chính phủ Howard đã từng tìm cách tháo gỡ và dẹp bỏ mạng lưới an toàn y tế này.

Tổng số ngân quỹ mà chính phủ cả hai cấp liên bang và tiểu bang chi cho vấn đề y tế hàng năm là 38 tỷ Úc Kim - và trong số này chỉ có khoảng $450 triệu là được dành cho dịch vụ y tế nha khoa (bao gồm tiền giảm thuế - tax rebates - cho những người có tiền đóng bảo hiểm nha khoa, và $82 triệu chi phí cho dịch vụ y tế dành cho cựu chiến binh). Và trong tài khóa vừa qua, số tiền thặng dư lên đến $15,8 tỷ. Như thế, chính phủ Howard có thể dễ dàng tài trợ - qua khoản trợ cấp chỉ định (quarantined funds - tiền phải được tiêu xài vào mục tiêu định trước) - cho các chính phủ tiểu bang hầu giải quyết vấn nạn này và giúp hơn 650,000 người dân Úc khỏi cơn khổ ải triền miên.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.