Hôm nay,  

Bánh Chưng, Bánh Tét

13/01/200100:00:00(Xem: 5848)
Như một cái lệ, cứ đến đêm Giao Thừa là tôi lại cùng một vài ông bạn già kéo đến "Tập hợp Đồng Tâm" lễ tổ. "Cây có cội mới tốt cành xanh lá. Nước có nguồn mới biển cả sông sâu", năm cũ sắp qua, năm mới sắp tới, chúng ta thắp một nén nhang dâng lên quốc tổ Hùng Vương để thấy tâm hồn mình đỡ cô đơn, thấy bản thân mình gần gũi với quê hương thêm một chút...

Nước Việt Nam ta là giao điểm của lục địa Ấn-Hoa, qua trường kỳ lịch sử, bao nhiêu trào lưu văn hóa đã đến và đã đi, bao nhiêu triều đại đã phế hưng trên giải đất hình chữ S, nhưng người Việt Nam có mẫu số chung không ai phủ nhận được: "Chúng ta đều là con cháu của vua Hùng". Thời gian cứ qua nhưng mẫu số kia tồn tại mãi. Đó là cái nền chung của dân tộc. Con cháu vua Hùng vì thời cuộc phải lưu lạc tha phương khắp cùng trái đất, nhưng Giao Thừa, giờ phút thiêng liêng, con cháu thành tâm dâng hương trước các tiên vương như một hành động tâm linh hướng về đất nước.

Sau khi hành lễ, con cháu vua Hùng từ già đến trẻ lại quây quần tụ họp bên nhau "thừa lộc tổ". Lộc của các vua cha để lại từ muôn đời nay là bánh chưng, phát nguyên từ tổ Lang Liêu vua Hùng thứ 6. Đã bao nhiêu nghìn năm trôi qua mà người Việt Nam nào tết đến cũng vẫn còn ăn bánh chưng, hay một biến thể của bánh chưng là bánh tét. Bánh chưng, bánh tét tuy hình thức khác nhau, một đằng vuông, một đằng tròn nhưng chất liệu giống nhau, đều là gạo nếp bên ngoài, đậu thịt bên trong... được gói bằng lá dong hay lá chuối... nấu chín lên thành thực phẩm "quốc gia". Ai là người Việt Nam, Tết đến, đều ăn bánh chưng bánh tét như thừa hưởng một di sản văn hóa của ông cha muôn đời để lại. Bánh chưng vuông, bánh dầy tròn (hay bánh tét tròn) đều là hình tượng trời tròn, đất vuông của các tiên vương đề xướng. Vuông tròn ở đây không phải là một ý niệm vật lý mà là một quan điểm về lối sống. Con cháu vua Hùng hãy ăn ở với nhau vuông tròn. Vuông tròn như một thể hiện đạo đức toàn vẹn nhất, viên mãn nhất.

Bữa ăn "thừa lộc tổ" đêm giao thừa ở "tập hợp Đồng Tâm" năm nay thấy ý vị hơn mọi năm. Có lẽ là vì món khai vị, món bánh chưng "quốc hồn quốc túy" năm nay "rền" đặc biệt. Mấy người bạn trẻ, chắc sinh trưởng ở bên Úc này, nên không hiểu "rền" là gì" Cũng phiền phức đây, một tính từ cổ (archaique) ít dùng, nên khó làm cho người bạn trẻ hiểu được thế nào là "rền". Tôi cố tìm một từ tiếng Anh gần gũi với tính từ "rền":

"Something sticky", tôi nói vậy. "Dính như là xôi ấy hả bác""

Tôi gật đầu nhưng cùng một lúc nhận ra sự "không tới" trong cách giải thích của mình. Rền không chỉ là sự kết dính. Nó còn là sự nhất thể, sự nhuần nhuyễn của gạo, của đậu, của thịt mỡ... đến nỗi khi ăn mình không còn cảm nhận được đâu là gạo, đâu là đậu, đâu là mỡ mà nó là một sự hòa tan của chất dẻo, chất bùi, chất béo... sản phẩm của một nền văn minh lúa nước từ ngàn xưa để lại.

Một thứ bánh rất gần với bánh chưng là bánh dầy. Bánh dầy ngon, quánh, được khen là bánh dầy "dẻo". Không ai gọi bánh dầy "rền". Tìm mãi trong ký ức đã bắt đầu mòn mỏi mới thấy được một chữ "rền" trong ca dao:

Mẹ em tham thúng xôi rền, Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng...

Tôi không phải là nhà ngôn ngữ nên nhận định của tôi chắc chắn còn nhiều thiếu sót... Nhưng trong địa hạt ẩm thực, "rền" đối với tôi gợi ra một ý niệm kết hợp, nhuần nhuyễn, dễ hòa tan. Nếu bánh chưng là một sản phẩm văn hóa từ ngàn xưa để lại, biết đâu tiền nhân của chúng ta đã chẳng qua đó, muốn nhắc nhở chúng ta, những người thưởng thức bánh chưng, hãy luôn luôn kết dính với nhau, hãy dễ dàng hòa hợp cùng nhau. Nó cũng nằm trong đức lý vuông tròn vậy.

Ăn bánh giao thừa năm nay, tôi lại nhớ đến chiều 30 tết năm 1978 - sang năm 1979 khi đi cải tạo ngoài Bắc ở trại Tân Lập Vĩnh Phú. Trại này hắc ám có tiếng. Ngày thường lán nào ở lán nấy, khu nào ở khu nấy, tù không được loạng quạng đi từ khu này sang khu khác. Nhưng chiều 30 tết, trại "xả cảng", tù được lui tới thăm nhau. Ở trại tù Yên Hạ (Sơn La) về đây tôi có 2 người bạn thân. Một người bạn viết, trung tá Nguyễn Quang Tuyến (tức nhà văn Văn Quang, quản đốc đài phát thanh quân đội) và trung tá Nguyễn Văn Long (tức thượng tọa Thích Thanh Long, giám đốc nha Tuyên Úy Phật giáo). Chiều 30 tết, chúng tôi gặp nhau và có ý định ăn với nhau một bữa tất niên. Hôm nay, được ăn cơm thật sự, không phải ăn "cái gọi là cơm" như sắn khô, ngô hẩm. Trại cũng vừa phát cho mỗi tù nhân hai cái bánh chưng vuông, mỗi bề chừng 15cm, dầy chừng 3cm. Bánh chưng mini kiểu này ở quê tôi (Quốc Oai, Sơn Tây) thường được gọi là bánh gói "điêu". Bánh thiếu cân, thiếu lạng, bánh bày biện vẽ vời như người nói điêu, cân thiếu. Nhưng năm đó, tù đang đói bã người, đói trơ xương lõ đít, đói mờ mịt càn khôn nên có hai cái bánh chưng ấy trong tay là một nỗi vui mừng khó tả. Chiều 30 phát cơm trắng, bánh chưng, trại chưa kịp mổ heo, giết trâu ăn tết. Nhưng được ăn cơm trắng cũng là một đặc ân hiếm có.

Để sửa soạn cho bữa ăn này, ông thượng tọa đem về ít rau diếp và mấy củ hành. Tôi đi "liên hệ" với ông hoàng của tù (le prince des prisonniers), đại tá an ninh Nguyễn Văn Hãn xin vài muỗng mỡ. Một người anh em trong đội của Văn Quang, vừa mới nhận quà, thấy ông thượng tọa và hai "nhà văn" sang lán của mình ăn cơm tất niên mới "cảm khái" tặng một thứ quà đáng giá. Đó là chiếc túi nylon đựng nước mắm khô nhà gửi; anh lấy nước mắm khô ra rồi, đựng vào lon Guigoz nhưng cái túi nylon anh chưa kịp sử dụng. Anh mới tặng cho chúng tôi chiếc túi còn dính mùi nước mắm này. Chúng tôi "lược" cái túi nylon này rất kỹ để nó khỏi bay mùi. Rồi mỡ với hành phi lên, đổ nước "lược" nước mắm vào, chúng tôi có một thứ nước chấm tuyệt vời. Ăn cơm trắng rau diếp với nước chấm này, ngon thấy ông bà ông vải.

Ngày xưa, nhà thơ Hồ Dzếnh có hai câu thơ mà bạn tôi Mai Thảo, thuở sinh thời rất thích:

Phút linh cầu mãi không về Bâng khuâng giấy trắng chưa nề mực đen.

Bây giờ "phút linh cầu" của chúng tôi về rồi. Đó là lúc cơm trắng ăn xong, còn lưng lửng dạ, chúng tôi bắt đầu đi vào tiết mục hết sức ly kỳ trọng đại: bóc bánh chưng ăn. Không ai dám ăn cả cái bánh chưng, chỉ dám ăn nửa cái để "chào xuân, đón tết". Hai ông bạn tôi bóc bánh, ăn bánh như một thứ lễ nghi. Riêng tôi vừa bóc bánh đã xảy ra "sự cố". Vừa mới cởi xong nút lạt, mở vài lượt lá bên trên thì từ chiếc bánh của tôi, gạo nếp đã bung ra lả tả. Chiếc bánh của tôi, chắc xếp ở trên thùng bánh, không đủ nước nên nó còn nguyên hạt gạo, không chín nổi. Mấy tháng nay chờ đợi bánh chưng, không ngờ đâu cái số tôi lại hẩm hiu đến vậy. Nhìn cái bánh chưng sống nhăn sống nhở, tôi cúi mặt thở dài không biết nói năng gì. Ông bạn tù thượng tọa, không biết vì ông có kinh nghiệm bản thân hay vì ông thương tôi nên ông vội nói: "Ông đổi cho tôi cái bánh chưng ấy đi. Đi tù như ở đây không biết sống chết thế nào nhưng tết đến mà ông có cái bánh chưng như vậy là điềm thật tốt: sống rồi". Anh em dạo ấy vì đói cơm, thiếu áo, lại lao động khổ sai quá mức nên chết như ngả rạ.

Bây giờ mỗi khi đón xuân, ăn bánh chưng vừa "rền", vừa ngon, vừa dẻo, tôi lại nhớ đến chiếc bánh chưng sống chiều 30 tết năm xưa trong trại cải tạo ở miền Bắc. Ông bạn già thượng tọa của tôi được tha về chừng 4 năm là mất. Tết đến, ăn miếng bánh chưng tôi lại nhớ ông. Còn ông bạn viết Văn Quang, ông không đi HO mà cũng không đi ODP, ông ở lại Việt Nam sống như cây cỏ. Ông Văn Quang ôi! Tết này ông có thì giờ, xin ông xuống chùa Giác Ngạn (chỗ cổng xe lửa đường Trương Minh Giảng cũ rẽ vào), thắp nén hương nhớ ông bạn già của chúng ta đã sớm về cõi ấy...

Phan Lạc Phúc

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.