Hôm nay,  

Hồi Ký: Tôi Tìm Tự Do (kỳ 26)

18/09/200600:00:00(Xem: 2915)

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.

*

(Tiếp theo...)

Trước khi viết tiếp câu chuyện kỳ trước, tôi xin chân thành kính mong quý độc giả tha lỗi cho tôi vì trong hai tuần qua tôi đã không thể viết tiếp được phần hồi ký dang dở. Biết như vậy là điều không nên không phải với bạn đọc, nên từ nay, tôi sẽ cố gắng thu xếp thời gian hợp lý hơn, để khỏi phụ lòng tri kỷ của quý vị.
Trở lại câu chuyện, trên chặng đường trở lại Miền Bắc trong những ngày đầu tiên sau 30 tháng 4, 1975, qua gặp gỡ đồng bào suốt dọc đường đi, tôi đau xót cảm nhận được những suy tư thật trái ngược của dân chúng hai miền. Tại Miền Nam, có những người không hiểu rõ cộng sản, nên họ dễ dàng có thái độ vui mừng đón chào người lính "giải phóng". Có những người vì trước đây sống dưới chế độ VNCH, có những va chạm, hoặc có những mâu thuẫn, xung đột với chính quyền, hoặc do không hiểu rõ bản chất của cuộc chiến tranh Việt Nam, nên ít nhiều cảm thấy gai mắt khi chứng kiến cảnh người lính Mỹ trên đường phố của quê hương,... họ dễ dàng coi sự chiếm đóng của người lính cộng sản là cơ hội để họ đổi đời, để họ tìm thấy "thiên đường xã hội chủ nghĩa". Ngoài ra, cũng có những người đã từng có kinh nghiệm về tội ác cộng sản, nhưng đinh ninh từ nay trở đi, với sự chiến thắng của người cộng sản, đất nước sẽ hết chiến tranh, chồng con sẽ không còn phải đi lính, thôi thì đói khổ thế nào đi nữa, mà gia đình được đoàn tụ thì  cũng là điều hạnh phúc. Chính những ước mơ mong manh, những hạnh phúc trước mắt như vậy đã khiến nhiều người không nhận ra thảm họa mà người cộng sản sẽ gieo rắc trên quê hương Việt Nam trong những năm tháng tới.
Dĩ nhiên, bên cạnh đó, cũng có những người thực sự hiểu rõ về người cộng sản, thì âm thầm tìm mọi cách để ra đi. Đối với họ, những thảm kịch cải cách ruộng đất thời 1952, 1953, những cuộc thảm sát dành cho những người "dinh T" là những người từ vùng Việt Minh trốn về thành phố trong giai đoạn 9 năm kháng chiến, cùng những vụ Việt Minh thanh toán các đảng phái trong quá khứ, chắc chắn không sớm thì muộn sẽ tái diễn trên lãnh thổ Miền Nam. Với những người này, trong thời gian chờ đợi cơ hội trốn thoát cộng sản, họ chỉ biết sống gượng, vui giả  cho qua ngày.
Trái lại, ở Miền Bắc, bên cạnh những người say men "chiến thắng" cũng có không thiếu những người hiểu biết, coi "chiến thắng" của cộng sản là nhát búa cuối cùng trên nóc quan tài, khâm liệm tất cả những hy vọng mà họ đã ấp ủ suốt mấy chục năm. Tôi có thể nói, ở Miền Bắc, trong suốt những năm dài kể từ 1954, hầu hết những người theo đạo Công giáo, Phật giáo, những thành phần trí thức, tư sản, buôn bán làm ăn, và tất cả những ai đã từng hít thở bầu không khí "thuộc địa thời Pháp", đều ao ước thiết tha, sẽ có một ngày Miền Nam giải phóng Miền Bắc.
Như tôi đã có lần kể cho quý vị nghe về hình ảnh thầy tôi và ông thông gia, cả hai người đều dí tai vào chiếc radio để theo dõi tin tức từ Miền Nam với niềm hy vọng lực lượng của Cụ Diệm ở Miền Nam sẽ có ngày "Bắc Tiến". Tôi nhớ những ngày tháng đó là năm 1957, 1958... Thời đó, người Miền Bắc còn thỉnh thoảng nhận được những tấm bưu thiếp của thân nhân di cư vô Nam. Gia đình của ông thông gia với thày tôi ở Hà Nội có ba người con trai, thì hai người đều vô Nam. Người con cả lấy chị thứ hai của tôi, cả gia đình di cư sống ở Võ Di Nguy, Phú Nhuận, là nơi sau này tôi về sống chung cho đến ngày cộng sản chiếm Sàigòn. Người con trai thứ hai của ông thông gia đang học y khoa ở Hà Nội vào năm 1954, cũng lên đường vượt tuyến vô Nam vào năm 1957. Anh này sau được trao quyền đại đội trưởng hay trung đội trưởng, chỉ huy lực lượng an ninh bảo vệ Trung Tâm Chiêu Hồi Thị Nghè.
Hồi đó, tôi tuy còn bé, chỉ mới 8, 9 tuổi là cùng, nhưng hình ảnh ông thông gia, và thầy tôi ngồi bên cạnh chiếc radio với vẻ mặt gay cấn, ánh mắt lấm lét nhìn về phía cầu thang, như đang làm điều gì vụng trộm, cùng những tiếng thì thầm của hai ông, đã khắc sâu vào trí óc của tôi. Chắc quý vị đã biết trong những số báo trước, tôi đã kể về thầy tôi là một người cha rất nghiêm khắc. Thầy tôi thương yêu tôi lắm, vì ngoài tình cảm của một người cha dành cho con trong cảnh gá trống nuôi con, thầy tôi còn thương tôi hơn, vì tôi chào đời trong cảnh loạn lạc, lớn lên trong sự túng thiếu, cơm không có ăn, áo không có mặc, của cải gia đình đều mất hết trong thời cải cách. Thương yêu tôi như vậy, nhưng thầy tôi dậy dỗ tôi như dậy một người lính, quyết uốn nắn tôi trở thành một cây trúc theo tinh thần "trúc dẫu cháy, đốt ngay vẫn thẳng". Chính nhờ sự dậy dỗ của thầy tôi, mà tôi đã trải qua không biết bao nhiêu nguy hiểm, để sống sót đến hôm nay. Nhưng cũng vì sự dậy dỗ đó, tôi lớn lên không có được sự khôn ngoan biết cân nhắc thiệt hơn của người cầu lợi, biết mềm mỏng thỏa hiệp với đời, nên cuộc đời tôi gặp không biết bao nhiêu khốn khó. Bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu, dù là trên ghế nhà trường, hay sau này đi bộ đội, tôi luôn luôn là cái gai trong con mắt của thầy cô giáo và của "thủ trưởng", nên thường xuyên bị trù dập, bị đì, bị nhiều thiệt thòi, oan ức, đau khổ. Vậy mà tôi vẫn tự hào với những đau khổ, thiệt thòi đó... thế mới "ngu dại"!


Một trong những kỷ niệm vừa hãi hùng vừa tự hào, đến giờ tôi còn nhớ, đó là chuyện thầy tôi dậy tôi tập bơi. Người khác học bơi thì học có bài bản, được ôm cây chuối hay phao bơi đàng hoàng. Còn tôi học bơi rất đơn giản. Một buổi chiều mùa hè, tôi lúc đó mới 5, 6 tuổi. Thầy tôi mang theo một cuộn dây thừng rồi dắt tôi ra bờ sông Châu. Đến bờ sông, thầy tôi lấy dây thừng quấn giẻ trước khi quấn hai vòng vào thắt lưng của tôi rồi thắt nút lại. Tôi chưa kịp hiểu thầy tôi làm vậy để làm gì, thì thầy tôi đã nhấc bổng tôi trên tay, rồi ném thẳng tôi xuống sông. Kinh hoàng quá, tôi vừa khóc vừa la hét, vừa uống nước sặc sụa, chân tay thì đập loạn xạ. Được một chút, thầy tôi kéo dây thừng, lôi tôi lên khỏi mặt nước cho tôi thở một hồi, rồi lại vứt tôi xuống nước tiếp, mặc cho tôi khóc lóc, lậy van, vang cả một góc sông. Cứ như vậy, chỉ trong có một buổi chiều hôm đó, tôi đã biết bơi, và sau này tôi bơi rất giỏi, vừa nhanh lại vừa dai sức. Nhưng vì ngay thuở ban đầu không được học bơi đàng hoàng, nên tôi chỉ biết bơi kiểu "bơi chó". Sau này lớn lên, đi học, thấy tôi bơi nhanh, lại bơi xa cả vài cây số, nên nhà trường chọn tôi vào đội bơi và huấn luyện thật kỹ càng. Nhưng vì đã quen "bơi chó" ngay từ đầu, và "bơi chó" trong lúc tâm thần hoảng hốt, nên dù học thế nào thì học, tôi vẫn không tài nào bơi sải đúng kiểu. Cặp giò của tôi không tài nào đập theo chiều thẳng đứng lên xuống theo kiểu bơi sải, mà chỉ co vào duỗi ra giống hệt chân chó. Kết quả, tôi chỉ có thể học được kiểu bơi ếch, và bơi rất nhanh, nên thời đó, sau cuộc thi bơi của tỉnh, tôi đã được bạn bè tặng cho cái biệt hiệu là "con ếch vàng".
Tôi hơi dài dòng kể lại kỷ niệm trên đây để quý vị thấy, thầy tôi là một người cha nghiêm khắc, dậy dỗ con để đối phó với sóng gió đường đời. Quả nhiên, sau này, trên đường đi chiêu hồi, hay khi vượt ngục, vượt biên, tôi lúc nào cũng tự tin vào khả năng của mình, gặp tường cao thì trèo, gặp sông biển thì lội, lúc thì nhảy tàu, nhảy xe; khi nào bị dồn vào đường cùng, thập phần nguy hiểm, thì tôi quyết lào vào chỗ chết để tìm ra cái sống. Trải qua không biết bao nhiêu khó khăn, lúc nào tôi cũng thấy có sự hiện diện vô hình của thầy tôi ở trên cao. Và tôi nghiệm ra một chân lý, khó khăn dù có lớn lao đến đâu, nếu quyết chí và can đảm lao về phía trước, tôi cũng sẽ vượt qua.
Trong suốt những năm dài, sống bên cạnh người cha nghiêm khắc, bỗng dưng một ngày nọ, tại nhà ông thông gia ở Hà Nội, từ dưới cầu thang chạy lên lầu, tôi giật mình trông thấy thầy tôi và ông thông gia đang lén lút nghe radio. Chuyện lén lút không làm tôi để ý, nhưng vì khi thấy tôi đột ngột xuất hiện, cả thầy tôi lẫn ông thông gia đều hoảng hốt. Lần đầu tiên, tôi thấy sự sợ hãi của thầy tôi. Lúc đó, làm sao tôi hiểu được lý do khiến thầy tôi sợ hãi. Mãi sau này, tôi mới hiểu, thì ra thầy tôi và ông thông gia đang nghe lén radio trong niềm kỳ vọng, "lính của Cụ Diệm sẽ Bắc tiến"...
Từ ngày đó cho đến mấy chục năm sau này, cái hình ảnh thầy tôi và ông thông gia lén lút nghe radio cứ ăn sâu vào trong tâm trí của tôi, khiến tôi bứt rứt không yên. Tại sao những người tôi kính trọng, và có thể nói lúc nào tôi cũng sợ hãi, lại có những lúc làm những việc lén lút, để rồi sợ hãi một đứa con nít khi bị phát hiện" Và tôi nghiệm ra một điều rất đơn giản, một người khi đã lén lút làm một chuyện gì, thì  người đó rất dễ trở nên mong manh, yếu đuối.
Khi đi quá giang xe trên chặng đường ra Hà Nội, chúng tôi không ngờ bị chính người tài xế gốc thiểu số bán đứng cho một đơn vị tuần tiễu tại thị xã Đồng Hới. Lúc đoàn xe dừng lại tại trạm kiểm soát, mọi người được lệnh mang tất cả hành lý ra khỏi xe để lực lượng vệ binh lên xe kiểm soát. Vào thời điểm đó, lực lượng công an của cộng sản chưa được điều động vô các tuyến đường ở Miền Trung và Miền Nam. Vì vậy, mọi kiểm soát giao thông, quan thuế, dân sự cũng như quân sự tại các tỉnh từ Bố Trạch, Đồng Hới, Quảng Trị, vô đến Miền Nam đều thuộc quyền hạn của các đơn vị vệ binh, trực thuộc ban quân pháp của bộ quốc phòng Hà Nội.
Vừa xuống xe, chúng tôi còn đang xếp hàng, thì một tay vệ binh đeo súng ngắn cùng một tên khác đeo khẩu AK-47 ngang ngực, tiến về phía chúng tôi. Nhìn cách thức tên vệ binh đeo khẩu AK, tôi có linh cảm điềm không lành. Quả nhiên, tên vệ binh đeo súng ngắn, nói giọng trọ trẻ Quảng Bình:
- Ba đồng chí này mang ba lô theo tôi.
Nói xong, tên vệ binh quay lưng đi về phía trạm kiểm soát thứ hai ở bên kia đường, cách nơi xe đậu khoảng 200 thước. Tên vệ binh đeo khẩu AK đứng đó, lạnh lùng nhìn chúng tôi, không nói một tiếng. Ba đứa chúng tôi chẳng nói chẳng rằng, thở dài, khoác ba lô, rồi lần lượt đi theo tên vệ binh. Tuy không quay đầu lại, chúng tôi biết, tên vệ binh AK cũng đi theo, khoảng cách vừa đủ xa. Trông kiểu cách đề phòng chúng tôi một cách lộ liễu của hai tên vệ binh, tôi lo ngại nghĩ, chẳng lẽ tụi này đã phăng ra tung tích của chúng tôi rồi hay sao" (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.