Hôm nay,  

Bắt Đầu Vào WTO...

24/10/200600:00:00(Xem: 6478)

Bắt Đầu Vào WTO...

Việt Nam sắp lấy vợ... Đúng vậy. Không phải là Việt Nam sắp về hầu hạ các ông bà già vợ hắc ám kiểu như các cụ Liên Xô hay Trung Cộng thời xưa nữa... Mà lần naỳ, Việt Nam sẽ phải hầu hạ tới 149 bà mẹ vợ. Bản phúc trình sơ thảo WTO mà thông tấn AP có hôm Thứ Hai cho thấy mọi chuyện pháp lý là xong rồi, và VN sẽ chính thức trở thành thành viên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO vào đầu tháng 12.

Không kịp lúc, khi TT Bush tới Hà Nội dự hội nghị APEC giữa tháng 11. Nhưng thế cũng là đỡ rồi, còn hơn là dỗi hờn hăm dọa sẽ “lấy vợ trễ một năm nữa...”

Nhưng hầu hạ vợ hiển nhiên là chuyện gian nan. Trừ phi Việt Nam là chàng đẹp trai, túi đầy đô la, thì các cô sẽ nhắm mắt đưa thân và các bà mẹ vợ sẽ bỏ lơ chuyện chàng rể này mới ở hang Pắc Bó chui ra...

Bản tin nhan đề “Chất lượng hàng hóa Việt Nam đầy rẫy vi phạm” trên Đài Á Châu Tự Do RFA hôm 23-10-2006 ghi nhận rằng phẩm chất hàng VN vẫn không đồng bộ, trích:

“...Khía cạnh đó là chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm. Thật ra đây là vấn để rất lớn của doanh nghiệp trong nước trước thềm WTO. Giới tiêu thụ chắc chưa quên những mặt hàng thời bao cấp, dù là nhập từ Trung Quốc hay của các nước anh em Đông Âu. Những đinh ốc bù lon không vặn được vào nhau, các linh kiện thay thế không đồng bộ theo kế hoạch, bản vẽ....

Gần đây, khi Việt Nam bước những chặng chót để vào cánh cửa Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, dư luận người tiêu dùng ngày càng thêm bức xúc với hàng loạt hàng hóa kém chất lượng, cân đong thiếu số lượng, ghi sai nhãn mác xuất xứ....

Nào là xăng pha acetôn và bơm không đủ định lượng, sắt thép xây dựng không bảo đảm tiêu chuẩn, điện kế chạy nhanh, bánh Trung thu bị buộc thu hồi sản phẩm, sữa bột pha loãng ghi sữa tươi...

Ngay cả lúa gạo là mặt hàng chủ lực của Việt Nam sau dầu khí, chất lượng cũng bị thả nổi. Gạo xuất khẩu bị pha tạp quá cao, gạo thơm kém thơm hơn gạo Thái Lan....khiến các nước nhập khẩu gạo Việt Nam phải bỏ thấp giá để trừ hao...”

Vậy rồi sao. Lần này thì cưới vợ xong rồi, Đảng CSVN hết màn chơi chạy nổi... Khổ thế. Bản tin đó của RFA chỉ nói thuần tuý về chất lượng sản phẩm. Nhưng có một tai hại khác nữa mà các nhà báo qúôc nội từng nhiều phen lo ngại. Rằng thợ thuyền Việt Nam trứơc giờ đã bị Đảng CSVN bóc lột tàn bạo rồi, bây giờ mà vào WTO thì sẽ còn bị thêm một tầng bóc lột tàn khốc nữa, nếu không có biện pháp bảo vệ.

Đó là nỗi lo được phóng viên Thanh Thảo tuần qua trên báo Lao Động bày tỏ:

“...Hôm rồi, một người bạn dẫn tôi vào một siêu thị "xịn" chuyên bán "hàng ngoại" ở Sài Gòn để mua tặng tôi một đôi giày. Biết tôi chỉ quen đi giày vải nhẹ và rẻ tiền, anh bạn mua cho tôi một đôi giày vải "hàng hiệu" Ellesse-Italia, nhưng sản xuất tại…Indonesia. Kể ra, đôi giày này, ngoài nhãn hiệu Ellesse, trông nó chả hơn đôi giày vải "hàng nội" tôi đang đi là bao, nhưng giá thì khác hẳn. Đôi giày nội của tôi giá chỉ 33.000 đồng, còn đôi giày vải "Italia-Indonesia" kia giá những 330.000 đồng, đắt gấp…10 lần. Tôi xót cho tiền của bạn một phần, phần còn lại tự nhiên lại thấy xót cho…đôi giày mình đang đi. Bởi giá nó rẻ quá! Dù chất lượng của nó có thể chưa bằng đôi giày ngoại, nhưng sự chênh lệch về giá không thể lớn đến thế. 

Việc EU vừa rồi đánh thuế 10% trên mặt hàng giày Việt Nam vì họ ghép cho ta tội "bán phá giá" đã khiến rất nhiều doanh nghiệp gia công sản xuất giày ở VN lâm cảnh khó khăn. Ta đã khiếu kiện, và tiếp tục phản đối. Nhưng mọi sự chắc chắn là không thay đổi, ít nhất trong vòng 2 năm nữa: mức giá áp thuế 10% vẫn sẽ được thực hiện với mặt hàng giày Việt Nam vào EU.

Xem ra, khi đã vào WTO, việc cạnh tranh bằng giá nhân công rẻ để có những mặt hàng giá rẻ chưa chắc đã "ăn". Nhiều khi, hàng mình bán giá rẻ quá lại bị người ta… nghi ngờ, không chỉ nghi ngờ chất lượng và xuất xứ làm nên thành phẩm, mà còn nghi ngờ nhà nước can thiệp bảo hộ để bán phá giá nhằm cạnh tranh nữa.

Thực ra, những mặt hàng lâu nay bị kiện "bán phá giá" như tôm đông lạnh hay giày da, thì nhà nước không hề có bất cứ sự bảo hộ hay trợ giúp nào nhằm hạ giá thành sản phẩm. Chỉ có các doanh nghiệp tự làm mọi cách để giá thành trở nên cạnh tranh như thế, trong đó có một biện pháp nhằm hạ giá thành là trả lương công nhân rẻ. Trả lương đã rẻ lại không đúng kỳ đúng hạn, là nguyên nhân chính khiến công nhân ở nhiều doanh nghiệp làm hàng xuất cảng đình công...”

Trời ạ... đó là chuyện chưa vào WTO đã bị cạnh tranh ép giá, rồi lao động VN đã thê thảm. Vậy rồi khi vào WTO thì y hệt như cưới vợ, may nhờ rủi chịu hay sao, hay là 12 bến nứơc đành chờ... tấm lòng từ bi của nàng.

Một trong những điều kiện, và cũng là đánh giá về mức độ bao cấp, là chuyện cổ phần hóa các công ty qúôc doanh. Tất nhiên là khi gia nhập WTO, thì không có quyền bao cấp, và cũng có nghĩa là phải tăng năng lực đổi mới bằng cổ phần hóa. Vậy thì, cổ phần hóa có lợi cho công nhân Việt hay không" Đây cũng là một câu hỏi cần bùi ngùi suy nghĩ.

Thủ nhìn lại một chuyện mới xảy ra hai tuần trứơc. Theo báo Tiền Phong, trong 2 ngày 10-11/10/2006, tại  Nông trường cao su Phong Phú, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (thuộc Công ty cao su Thống Nhất), đã xảy ra cuộc đình công của 118 công nhân khai thác mủ cao su của nông trường này... Cổ phần hóa xong, thợ bị xiết nhiều hơn...

Theo báo Tiền Phong, 118 công nhân Nông trường Phong Phú đình công từ sáng sớm ngày 10/10/2006, nhưng ban giám đốc nông trường né tránh việc tiếp xúc với công nhân, nên cuộc đình công đã kéo dài tới khi có sự can thiệp của cơ quan chức năng. Theo đại diện công nhân nông trường Phong Phú được cổ phần hóa từ tháng 6/2006 có 135 công nhân, viên chức  và hơn 450 hetca cây cao su, 10/135 công nhân, viên chức thuộc thành phần điều hành  nông trường. “Từ khi cổ phần hóa, ban giám đốc nông trường đã thiếu minh bạch trong trả lương và định mức sản phẩm khiến thu nhập của công nhân giảm chỉ bằng 2/3 so với các nông trường bạn nên công nhân đã đình công...”

Nghĩa là, công ty quốc doanh thì cán bộ lãnh đạo lè phè, đốt tiền nhà nứớc bao cấp qúôc doanh. Nhưng khi cổ phần hóa xong, thì cán bộ lãnh đạo trở thành giai cấp tư bản mới, bị áp lực của Hội Đồng Quản Trị, thế là còn kềm kẹp công nhân để cho hãng sinh lợi táo bạo hơn...

Con đường nào cũng đầy nứơc mắt. Thực là gian nan. Thôi thì cầu nguyện cho các nhà dân chủ lập được Công Đoàn độc lập thì mới bênh vực nổi cho công nhân. Bên ngoaì, bị áp lực 149 nứớc WTO, còn bên trong laị bị áp lực giai cấp tư bản mới, nguyên là cựu cán bộ đảng CSVN, thì dân mình thở làm sao cho nổi kìa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.