Hôm nay,  

Người Đi, Mây Trông Theo

16/10/200600:00:00(Xem: 8144)

Người Đi, Mây Trông Theo

Sáng nay bầu trời nặng trĩu mây.

Sáng ngày thứ sáu 13 tháng 10 năm 2006, trời u ám mây giăng. Không mưa, nhưng mây lãng đãng, quẩn quanh, như bùi ngùi, như lưu luyến, như quấn quít dấu chân vị cao tăng vừa giong buồm Bát Nhã, rời bến Ta Bà, xuôi về Biển Tuệ:

Dấu chân in mặt cát

Người đi, mây trông theo

Cuộc đời là sa mạc

Biển đời, thuyền nhổ neo (*)

Tác giả bốn câu thơ trên là Hòa Thượng Thích Mãn Giác, pháp danh Nguyên Cao, đạo hiệu Huyền Không. Ngài may mắn được sanh ra trong một đại gia đình thấm nhuần Đạo Phật nên hội đủ thuận duyên để năm mười ba tuổi đã xuất gia.

Kể từ khi chính thức hiến dâng thân tâm và trí tuệ cho Đạo Pháp, không phút giây nào Ngài lơ là việc tu học và lập nguyện xiển dương hoằng pháp. Sau khi cùng tốt nghiệp Đại Học Phật Giáo tại Huế với Hòa Thượng Thiên Ân, Ngài được cử đi du học Nhật Bản.

Chính tại xứ Anh Đào này, Ngài đã cảm nhận được sâu sa Thiền-vị để từ đó cánh hạc thi ca mênh mang bay lượn trong vô tận sắc không, khi hồn thơ đã tiềm ẩn cùng chú điệu Nguyên-Cao năm nào. Bài thơ “Nhớ Chùa” Ngài viết năm hai mươi tuổi, có những câu mà có lẽ không một Phật tử nào không từng nghe qua:

Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng

Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung

Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tông (*)

Tấm lòng gắn bó với Quê Hương, Dân Tộc bàng bạc trên thi ca của Ngài:

Ta là hạt cát biển đông

Đêm ngày thao thức mãi trông lối về

Nhìn trăng, thấy rõ đường quê

Mây bay một nẻo, gió về một phương (*)

Niềm hoài hương của Ngài lúc nào cũng đầy ắp, lúc nào cũng sẵn sàng tuôn trào dù chỉ một ngọn gió, một áng mây gợi nhớ. Qua dáng vẻ điềm đạm, nghiêm túc của một vị thiền-sư, mấy ai thấy được giọt lệ khô trong tâm người viễn xứ:

Mưa gió chiều nay thấy nhớ nhung

Trời ơi, sao lạnh thấm vô cùng!

Chuông xưa ngân lại trong chùa mới

Người Việt muôn đời vẫn thủy chung (*)

Chính từ sự thủy chung đó, trái tim Ngài đã mở ra bằng Từ-Nhãn-Quan-Âm để giang rộng ngàn tay, cưu mang bao đồng đạo, bao đệ tử, bao tăng sinh, bao đồng bào trên suốt chặng đường gian khổ tìm Tự Do trong ba thập niên 70-80-90. Ngày nay, trên khắp năm châu, có lẽ không nơi nào không có những người đã từng được Ngài giúp đỡ.

Vì hạnh nguyện, Ngài đã không từ nan đi tới mọi chân trời góc bể, nhưng khi Phật sự viên thành thì Ngài lại trở về ngôi chùa khiêm tốn tại thành phố Thiên Thần (Los Angeles) vì đây là ngôi chùa Việt Nam đầu tiên được thành lập để những người Việt xa quê có nơi nương tựa tinh thần sau cơn hồng thủy. Cũng chính ngôi chùa này là mái ấm cho bao cánh chim tan tác tụ về, cùng gíong đại hồng chung, thể hiện tinh thần Bát Nhã bất sanh bất diệt.Sự thủy chung của Ngài cũng rõ nét trong từng câu thơ chân thiết, đọc lên trong ngày kỷ niệm Đại Tường cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân, người khai sáng chùa Việt Nam Los Angeles mà Ngài từng sát cánh phụng sự:

Trầm hương thoáng lại từ đâu

Lòng nghe tất cả tiếng cầu nguyện xưa

Chuông ngân vọng đến bao giờ

Lá vàng rụng xuống thành thơ nhớ người (*)

Cũng tấm lòng trĩu nặng ân tình đó, Ngài đã khóc bằng nước mắt của đại dương bốn bể, trong ngày giỗ đầu cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh, vị Bồ Tát đã chịu chết trong ngục A Tỳ cho chúng sinh được sống khi thể hiện Bi Trí Dũng trước bạo quyền Cộng Sản Việt Nam:

Lòng nghẹn chưa từng nói được đâu

Làm sao hết được nỗi u sầu

Mai này lá rụng xin về cội

Đốt nén tâm hương Lễ Giỗ Đầu (*)

Chứng kiến bao đau thương quằn quại, nhưng lòng không oán thù vì hạt Từ Bi đã thành đại thụ Bồ Đề:

Trong lòng ta vẫn sáng ngời

Ngoài ta đêm vẫn một trời trăng sao

Núi sông còn đóa hoa nào

Mây bay còn chở chiêm bao kiếp người (*)

Với Tâm Phật đó, Ngài thấy rõ muôn kiếp nhân sinh nổi trôi sinh tử nên bằng mọi phương tiện, Ngài cố chỉ cho thấy đời thường này là Huyễn, Mộng, Bào, Ảnh thôi:

Hôm qua mộng thấy tụng kinh

Tỉnh ra mới biết chính mình là trăng

Bao nhiêu cát của sông Hằng

Là bấy nhiêu kiếp đã tằng tử sinh (*)

Nhưng mấy ai thức tỉnh giữa cơn đại mộng đã triền miên cuốn hút nhân sinh trôi lăn trong vòng luân hồi cuồng xoáy nên đôi lúc hình ảnh Ngài thấp thoáng nỗi cô đơn của người lữ hành trên đường thiên lý:

Đêm khuya mình tỉnh thức

Mọi người còn ngủ yên

Trên trời, trăng thiền tọa

Ngoài sân sáng dịu hiền (*)

Sự cô đơn thầm lặng chuyên chở đầy Từ Bi, trắc ẩn đó, man mác trong bài lục bát ẩn dấu tâm tư của người “Bất động ngồi sắt son. Ta trở thành núi non”:

Qua thiền môn, thấy trời xanh

Kim Cang Kinh tụng chân thành từng trang

Khói hương quyện cảnh mơ màng

Không gian là chiếc y vàng quấn thân

Thiền môn xưa sạch phong trần

Kim Cang Kinh chép trầm luân thoát rồi

Ta từ sanh tử về chơi

Ngồi trên chót đỉnh mỉm cười với trăng

Thân ta là giải đất bằng

Tâm ta là nước sông Hằng mênh mông

Tình ta là đóa hoa hồng

Ý ta là cả cánh đồng tâm linh

Còn đâu nữa, Kim Cang Kinh

Thiền môn biến mất mà mình vô ngôn

Bình minh về ngập hoàng hôn

Kêu lên một tiếng, tỉnh hồn ngàn xưa (*)

Đôi nét chấm phá qua chính thi ca của Ngài cũng không thể đủ - dù  chỉ là phác họa – vẽ nên chân dung của một Trưởng Tử Như Lai mang hạnh nguyện vào đời “Thượng cầu Phật Đạo. Hạ hóa chúng sanh” và ra đi như làn hương thoảng, làn hương của Giới, Định, Tuệ bay ngược gió, còn mãi xông ướp cho Đời Thường nhận biết Vô Thường để:

Có, không, đùa bỡn tháng ngày

Bao nhiêu phiền não rũ bay hồi nào

Đá kia ngồi đếm chiêm bao

Nước bao nhiêu nữa cũng vào biển trong (*)

Hòa Thượng Thích Mãn Giác, pháp danh Nguyên Cao, đạo hiệu Huyền Không vừa ra đi, nhưng chỉ là sự ra đi của thân tứ đại. Quà tặng vô giá Ngài còn để lại là bao công trình trước tác, biên soạn, dịch thuật kinh điển, là bầu trời mênh mông thi ca mà Ngài đã dùng như phương tiện để trưyền đạt đạo pháp, là tấm lòng từ ái thể hiện bằng chính cuộc đời Ngài, là ở ngay phút ra đi vẫn tràn ngập tình thương nhân thế:

Còn đây, giọt lệ cuối rơi

Trần gian xin hứng, cuộc đời xin mang (*)

 Ngưỡng nguyện Giác Linh Hòa Thượng cao đăng Phật Quốc.

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.   

Diệu Trân

(Như-Thị-Am 13 tháng 10 năm 2006)

(*) Thơ Huyền Không

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.