Hôm nay,  

Chiếc Cúp

08/07/200600:00:00(Xem: 2510)

"Đạo Phật là triết lý của họ; Bóng đá là tôn giáo của họ."

"Niệm Phật, trì giới, giữ gìn truyền thống: đấy là nếp sống của các nhà sư Tây Tạng. Nhưng một nhóm các tăng sinh trẻ lại tìm được một nghi lễ ưa thích mới: bóng đá! Cho nên họ tìm đủ cách để thuyết phục các vị trưởng lão đồng ý cho họ mướn một máy truyền hình (TV) để xem hai quốc gia tân tiến tranh nhau một quả bóng!"

"Một truyện phim vô cùng độc đáo, thật sự hài hước. Vui đến nỗi có thể khiến khán giả trút bỏ hết mọi phiền toái trong cuộc sống hằng ngày."

Trên đây là một vài câu phê bình phim "The Cup", tức là chiếc Cúp giải bóng đá quốc tế mỗi 4 năm tranh nhau một lần. Nhưng phim không phải là về những cầu thủ cự phách như  Ronaldo ..., hoặc những pha làm bàn cụp lạc khiến trăm triệu người trên thế giới, và cả Việt nam, mê say theo dõi. Mà phim nói về nếp sống của một tu viện Tây Tạng trên đất Ấn, đạo diễn lạt ma Khyentse Norbu và tất cả diễn viên đều là các tăng sĩ thật sự, chỉ có một hai nhà cố vấn chuyên môn kỹ thuật là người Úc mà thôi.

Ngay cả tên phim cũng mang hai ý nghĩa châm biếm, đối nghịch nhau.  "Cup" ngoài là chiếc Cúp giải thưởng hạng nhất cho các trận giao đấu thể thao như bóng đá, tennis, bóng bàn, v.v.., còn có nghĩa là cái tách, cái ly hay cái tô trẹt nhỏ dùng để uống nước. Cho nên khi Geko-la vào hỏi ý kiến trụ trì phương trượng có nên cho phép bọn tăng sinh trẻ mướn một máy truyền hình (TV) để xem trận chung kết vào năm 1998 giữa Pháp và Argentina tranh nhau chiếc Cúp bóng đá huy hoàng này không, thì khán giả lại nhìn thấy vị trụ trì từ từ lôi ra dưới gầm ghế cầm lên một cái tách bằng đất, từ từ rót trà trong bình chứa nước ra tô, rồi ông mủm mỉm cười chậm chạp hỏi lại: "Cái tách hả""

Hầu như trọn phim đều có những lối diễn đạt 2 ý nghĩa như thế, khi thì châm biếm, khi thì khôi hài, khi thì mỉa mai, nhưng rất nhẹ nhàng, thoảng qua, đủ nói lên một ý nghĩa thâm trầm trong nếp sống tu hành cởi mở theo truyền thống Tây tạng. Có lẽ người mượn băng này cũng ngỡ là phim trình chiếu  những cảnh sôi nổi về chiếc cúp của bóng đá cho nên chỉ xem được một đoạn thì nhàm chán nên mang trả, không thèm quay lại từ đầu theo luật thư viện, để người sau sẵn sàng thưởng thức.

Có thể nói đây chỉ là một bộ phim hạng 2, hay hạng 3, với một cốt chuyện tầm thường nói về cuộc sống hàng ngày trong một tu viện, diễn viên đều là tăng sĩ thật sự không cần diễn xuất như minh tinh thượng thặng, phí tổn quay phim chắc cũng chẳng là bao. Tuy nhiên có một đòi hỏi là ai xem phim này cũng cần phải có một khái niệm về một nước Tây Tạng đã bị thôn tính, một số tăng sĩ cùng đức Đạt lại Lạt ma vượt thoái sang biên giới Ấn độ và được tạm dung, mới có thể thưởng thức phim này được.

Cốt chuyện cũng thật giản dị, không có những tình tiết éo le khúc mắc hay những màn hào hứng, rùn rợn hoặc hồi hộp có sức lôi kéo khán giả nín hơi theo dõi cho đến khi thở phào nhẹ nhỏm. Phim trình bày một khía cạnh thực tế trong một tu viện nhỏ, có cái tên thật dài là Peme Awam Choegar Gyurme Ling với các tăng sinh Tây tạng thuộc thế hệ thứ ba không biết truyền thống đất nước của họ ra sao; những anh chàng trai trẻ mê bóng đá đến nỗi nửa đêm leo rào trốn ra ngoài vượt những khu đồng hoang đến nhà một người Ấn ở làng kế bên, mua vé vào xem màn bán kết của giải bóng đá quốc tế năm 1998.

Bị đuổi ra ngoài vì sôi nổi phê bình làm mất trật tự, len lén về lại chùa thì bị bắt quả tang, bị phạt phải vào bếp nấu ăn ba tháng thì thay vì biết ăn năn sám hối, lại còn vèo đòi mướn một TV để được xem trận chung kết cho bằng được, đổi lại thì cứ hứa lèo hứa cuội là sẽ chăm chỉ học hành hơn, sẽ đi dự các bài giảng pháp đều đặn hơn, ấy vậy mà cũng được hứa khả thì quả là tình trạng tu hành của họ bê bối đến đâu rồi.

Chuyện diễn tiến với một vài nhân vật điển hình; vai chánh là anh chàng Orygen quậy phá, láu lỉnh, khoảng 16-17 tuổi, cầm đầu anh chàng Lodo lớn tuổi hơn, khoảng 20-22 và nhà bếp thực thụ Kunsang lớn tuổi hơn nữa, cả ba đều mê bóng đá và bằng bất cứ giá nào cũng phải theo dõi trận chung kết giải bóng quốc tế 1998 cho bằng được. Có tri sự Geko ra vẻ nghiêm khắc khó thương để gìn giữ nếp sống tự viện được trật tự oai nghi nhưng có một tấm lòng vô cùng độ lượng vị tha. Có lạt ma Godu người khờ khờ điên điên tối ngày chỉ biết cầm trống tay quay tròn tròn, bất cần đời, nhưng hể ai có việc gì lo lắng thì đến kiếm tìm ông xin đoán quẻ. Có anh chàng Cheying Pading ngủ ngày, lúc nào cũng ngủ, lên chánh điện tụng kinh cũng khò khò, nghe giảng bài cũng gà gật, giờ hành thiền thì trùm mền ngáy. Có hai cậu cháu Palden và Nyima vì quá khốn khổ tại Tây tạng nên vượt biên, xin vào tu viện Peme Ling để nương nhờ cửa Phật, gia tài chỉ có một cái đồng hồ nhỏ đeo nơi cổ là quà cúng dường để được thâu nhận.

Cuối thập niên 1950, Tây Tạng bi thôn tính, trở thành một phiên bang của Trung hoa. Đức Đạt lại Lạt ma, vừa là quốc trưởng vừa là tăng thống của dân tộc Tây Tạng, một nước theo thể chế giáo chánh (theocracy), chạy sang lánh nạn tại Ấn Độ. Cả một đoàn hơn ngàn người còn sống sót, đói khát, thương tích, bịnh hoạn, ít hơn một phần mười khi họ bắt đầu khởi hành, được cho định cư tại một vùng tây bắc còn hoang tàn hẻo lánh của Ấn Độ, bây giờ đã nổi danh là Dharamsala. Từ đó đến nay, đã trải qua hơn 3 thế hệ. Những người Tây Tạng trẻ tuổi, phần lớn chẳng biết đất nước của họ ra sao, chỉ là theo truyền thống, xuất gia, tụng kinh, niệm Phật, quanh quẩn trong tu viện an toàn của họ. Cho nên, khi Palden qua trăm ngàn khổ cực vượt thoát đến tu viện, được phép xuất gia, cạo đầu, thì ngớ ngẩn hỏi:

- Tại sao phải cạo đầu nhỉ"

Anh chàng Kunsang ra vẻ lanh lợi, giải thích:

- Để cho mấy cô gái thấy mình xấu xí, lánh đi, cho mình dễ tu.

Có thật vậy không" Chuyện nam nữ thương nhau là thường tình thế sự, đi tu, cát ái từ thân, là lội dòng nước ngược, là phá xé màn vô minh của tham dục khiến con người trôi lăn trong dòng phiền trược. Nhưng anh chàng Lodo thực tế hơn, thở dài:

- Đáng tiếc là mấy cô gái lại quyến rũ quá, làm sao mà quên họ trong đầu óc để an tâm tụng kinh ngồi thiền cho được"

Anh đã thố lộ tâm tình của một tăng sĩ trẻ. Tu thì tu, cứ tụng kinh, cứ ngồi thiền, các cô gái có thể chê anh xấu xí vì cái đầu trọc lóc, nhưng cũng không ngăn được anh mê mẫn nhớ nghĩ đến mấy cô, ngay cả trong lúc làm lễ, ngồi thiền, hay tụng kinh. Làm sao hay ai có thể cấm đoán đầu óc anh mơ tưởng gì, suy nghĩ gì" Chỉ có anh mới có thể ngăn cấm đầu óc anh đừng lăng xăng lộn xộn mà thôi. Có lẽ vì thế mà anh chàng Cheying Pading cứ ngủ gà ngủ gật cho yên chuyện, không cần tưởng Phật cũng chẳng nhớ mấy cô; nhờ vậy dành dụm được nhiều tiền hơn các bạn đồng tu, để cuối cùng rồi cũng bị Orgyen lục túi moi ra để chung góp mướn cái TV.

Phim bắt đầu bằng một nhóm tăng sinh trẻ tranh nhau một chiếc lon Coca Cola  rỗng nước thay cho quả banh, đá qua đá lại, chẳng có thành trì hay thủ môn gì cả. Đang nô đùa thì một người suỵt, Geko-la đang đến đó tụi bây. Thế là tất cả bỏ chạy tản mác. Tri sự Geko đến, người phốp pháp to cao, bước đi chậm chạp, gương mặt lạnh lùng, khiến khán giả mất cảm tình ngay từ phút đầu. Ông đi đến đâu thì các tăng sinh tranh nhau trốn mất hết; dường như vai trò tri sự của ông chỉ là không những la rầy bọn trẻ đó mà ngay cả đến vị sư già trụ trì ông cũng nhẹ nhàng chỉnh luôn.

Cảnh vị sư già trụ trì lạt ma Chonjor cứ lôi ra trong mấy cái rương chất đống những kinh sách, những món đồ lặt vặt thu thập từ bao nhiêu năm qua, lôi hình của đức Đạt lại Lạt ma ra, hai tay cầm đưa lên trán kính cẩn tôn sùng, rồi cất lại trong rương, gương mặt rầu rĩ, cho thấy nỗi buồn tha hương của ông thật thấm thía; rồi Geko-la bước vào, để lon Coca-cola xuống đất, rầy nhẹ ông:

-  Thầy lại vậy nữa rồi! Cứ trông mong ngày được hồi hương về lại Tây Tạng hoài cho thấy ông đã hết còn hy vọng được trở về lại quê hương của ông nữa rồi. Đã hơn ba mươi năm rồi, còn gì. Sư Chonjor-la gật đầu, rồi cố gượng cười:

-  Ờ! Là người tu, đáng lý không nên chấp mắc vào việc gì cả, phải không"

Một câu nói nhẹ nhàng nhưng mang nhiều ý nghĩa trong công cuộc tu hành để đạt đến thái độ vô chấp. Anh chàng thị giả Oga thì cứ soạn món này ra cho ông, cất món kia lại, âm thầm không nói lời nào. Geko-la đến là vì trụ trì Chonjor-la lo lắng cho số phận của hai cậu cháu Palden và Nyima, đã trốn khỏi Tây tạng và đang trên đường tìm về tu viện.

- Vậy thôi thì để con đi hỏi ông khùng bói thêm lần nữa nha"

- Ờ, cũng được

- Nhưng mà ông ta dơ bẩn quá, thấy mà ớn.

Ông bói toán khùng là một lạt ma bất cần đời, ngày đêm ông chú tâm quay bánh xe luân hồi cầm tay, là một truyền thống của Phật giáo Tây tạng, là một phương pháp chú tâm quán tưởng như pháp môn niệm Phật, và cũng đồng thời bị suy hóa thành một hình thức mê tín dị đoan. Như Hàn Sơn và Thập Đắc khi xưa, lạt ma Godu-la khùng khùng ương dở nhưng không phải u mê, ông thu thập mọi thứ để lổn ngổn trong căn phòng dơ hôi, thứ nào cũng không cần đến. Geko-la bước vào, đưa cho ông lon Coca-cola trống rỗng, làm cách tặng quà:

- Chắc thầy thích tích trử món này"

- Ừ, để đó đi.

Rồi Geko-la vào đề:

- Thầy bói dùm coi 2 cậu cháu Palden có sao không" Đáng lý là hôm nay phải đến đây rồi. 

- Mới bói hôm qua, bình yên mà, cần gì đoán nữa.

- Thì cứ bói lần nữa xem sao.

Lạt ma Godu-la bỉu môi:

- Mấy người coi bói chỉ muốn nghe tin vui mà thôi.

Ai đi tìm thầy bói mà không muốn nghe tin vui bao giờ; nghe đoán tin buồn thì lại lo lắng sợ hải thêm. Việc tiên tri bói toán này cũng là một truyền thống vẫn còn gìn giữ trong Mật giáo Tây tạng. Trước khi vị Đạt lại Lạt ma thứ 14, bấy giờ chỉ mới mười mấy tuổi, quyết định bỏ kinh đô Lhasa để trốn sang Ấn độ, cũng phải hỏi ý của vị Cốt Đồng (the Oracle), không phải một mà đến 2, 3 lần rồi mới dám bỏ xứ ra đi. Cảnh vị Cốt Đồng này, khi được thần nhập vào để tiên tri, trong phim Kundun, quả thật là một cảnh tượng kinh dị; gương mặt người Cốt Đồng thật là dữ tợn, miệng cứ rít lên những lời ấm ớ khó hiều, hai tay vung vẩy, đầu đội mảo tỳ-lư lắc lư cao ngất, mặc áo giáp bằng bạc nặng nề, chạy từ chỗ này đến chỗ kia, thân hình ngã nghiêng loang choạng, được hàng chục vị tăng trẻ ùa theo để đở cho khỏi té và chờ khi ông "xuất" thì chuẩn bị để khiêng người ngồi cốt lên, giữa những tiếng chuông trống khánh tang vang rền inh ỏi, một vị lạt ma nhiều kinh nghiệm thì chạy theo bén gót nguệch ngoạc ghi chú những lời linh ứng vào trong sổ tay, tạo nên một cảnh hỗn loạn kinh hoàng khó hiểu. Vậy mà Tây tạng cũng không ém dấu phương thức tiên tri có vẽ như mê tín dị đoan này.

Có phải chăng những gì linh thiêng khuất mặt khuất mày là sự thật hiện hữu, mà chúng ta, vì cứ huênh hoang tự cho là chánh giáo nên  đã đẩy những hình thức tín ngưỡng đó xuống hàng tà đạo. Chánh giáo hay tà đạo chẳng qua là do thể hiện nơi mục đích mà thôi; thần thông không phải để biểu diễn kiếm tiền trục lơi mà là để cứu nguy khi cần thiết, thế thôi. Cho nên vấn đề là vị ngồi cốt để được thần nhập phải là chân chánh, phải có đủ thần lực để truyền chuyển những gì vô hình cho thế giới hữu hình thông hiểu. Một khi bị liệt vào tà đạo rồi thì những 'đồng bóng quàng xiêng' mọc lên như nấm, để đáp ứng nhu cầu của người dân ngu dốt kinh sợ trước những thế lực siêu nhiên vô hình bất khả tri, khiến để bị khinh miệt không còn chỗ đứng trong đức tin quyền năng của dân tộc.

Quả như Godu-la tiên đoán, hai cậu cháu Palden và Nyima được liên lạc viên Thinley Nudi dẫn đường vượt Tây tạng và Nepal đến tu viện  Peme an toàn.  Cả ba vào đảnh lễ lạt ma Chonjor,  cuộc gặp gở rấr ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa và biểu hiện truyền thống khi anh Thinley đảnh lễ sư trụ trì, hai tay kính cẩn dâng lên chiếc khăn quàng trắng xin chúc phúc. Sư nhận, để đó, đến khi ra về thì sư choàng lại vào cổ anh ta, thế là chúc phúc xong. Khi Đạt  lại Lạt ma gặp giáo hoàng John Paul II cũng tặng ông một khăn choàng y như thế. Ta thấy giáo hoàng hơi bở ngở không biết phải làm gì với chiếc khăn trắng dài thườn thượt đó, quay nhìn ra sau, có được ai nhắc nhở mới vội mỉm cười choàng vào cổ. Với hai cậu cháu Palden, thì ông cậu còn biết lạy,  trong khi chú cháu không biết cả lột mủ xuống, là một khôi hài rất tế nhị trong đó có một vài châm biếm nhẹ nhàng  cho thấy càng lúc thì những tập quán truyền thống càng mất dần ý nghĩa đối với những trẻ con lớn lên trên đất tây phương.

Rồi vị thị giả Oga mang trà đãi khách. Trà được pha với đề hồ (một loại bơ làm bằng sửa dê), khách dùng tay bốc một nắm bột, trà pha vào rồi khách nhồi nặn cho đến khi trà và bột quyện nhau thành một thứ như xôi, bỏ vào miệng; đây là thức ăn thuần túy của người Tây tạng. Rồi sư trụ trì Chonjor-la hỏi:

- Dân mình bây giờ sống ra sao"

- Bạch sư, vẫn còn ăn cơm.

Cơm là thức ăn của người Trung hoa. Một câu trả lời ngắn gọn nhưng đại ý thật thâm sâu, người dân Tây tạng vẫn còn bị thống trị cho nên vẫn còn phải ăn cơm, thay vì được ăn thức bột trà đề hồ của họ. Không hiểu vậy thì không thể nào thấm thía được niềm đau của sư  Chonjor-la.

Gửi gắm 2 cậu cháu Palden rồi, anh chàng Thinley từ giả, để tiếp tục chuyển người ra thêm nữa, mặc dầu biết đó là một vai trò rất nguy hiểm, tán mạng như chơi, sau khi dặn dò Nyima phải rán tu để đừng phụ lòng bà mẹ, gia tài chỉ có một chiếc đồng hồ nhỏ dâng lên Chonjor-la làm lễ nhập viện và được sư trao lại giữ làm niềm nhớ mẹ. Cạo đầu xong, học được một buổi với Geko-la, còn tập vấn y, thì 'được' hay 'bị' nhóm Orgyen rủ vượt rào đêm đó để xem trận bán kết. Palden còn đang loay hoay với tấm y hạ, không biết làm sao cột giây thắt lưng cho y đừng tuột thì Orgyen thúc hối:

- Huynh đừng lo, rồi sẽ quen đi, truyền thống hai ngàn năm lận mà! Thôi, lẹ lẹ lên, kẻo trễ.

Hồi chiều, hai cậu cháu được cạo đầu truyền giới xong, thì Geko-la dạy cho một ít câu kinh, rồi đuổi ra ngoài. Họ vừa xoay người lui đi thì khán giả thấy Geko-la từ từ lôi dưới nệm ra một tạp chí, nói về bóng đá. Thì ra ông cũng mê say trò thể thao này như  ai, cũng đang rất muốn theo dõi trận chung kết nhưng có lẽ vì thể diện, ông không bộc lộ hăng hái như Orgyen, thế thôi. Mấy anh chàng Orgyen, Lodo và Kunsang thì hăng say hơn, dám vượt rào trong đêm để vào trong xóm, nơi một người Ấn có máy TV, bán vé vào cửa cho mọi người vào xem. Lại lôi theo cả Palden mới cạo đầu hồi chiều vào. Ba chàng lì lợm leo qua rào gọn hơ, cho thấy họ đã có nhiều kinh nghiệm leo rào, trong khi y của Palden bị móc dính kẻm gai phải lính quính gở ra, lại còn bị Orgyen chế nhạo:

- Leo rào có một chút mà còn lôi thôi, vậy sao mà dám vượt biên tới đây" 

- Ơ hơ... vượt biên là chuyện khác, nguy hiểm hơn nhiều...

Trở về bị bắt gặp quả tang, Geko-la giận dữ phạt họ nấu ăn 3 tháng, Palden được miễn vì mới phạm thanh quy lần đầu. Rồi ông báo cáo với trụ trì:

- Bọn trẻ ngày nay khó dạy dổ quá. Chúng dám vượt rào đi xem giải bóng đá!

Sư trụ trì ngây thơ hỏi:

- Giải bóng đá (the Cup) là gì vậy"

- Dạ...ơ ... là hai quốc gia tân tiến tranh nhau một quả banh!

- Kỳ chưa" Hai nước tranh nhau chỉ có một quả banh"... Mà có bạo động đánh đấm nhau kịch liệt không"

- Thỉnh thoảng cũng có...

- À... mà sao anh rành rẽ chuyện đó vậy"  

Thế là Geko-la bị hớ, mặt ngẫn ra, cười khỏa lấp. Rồi Orgyen xỏ mủi Lodo đến tìm ông, nhứt định đòi mướn một TV cho bằng được để xem trận chung kết, hứa hẹn là nếu được thì sẽ chăm chỉ tu học hơn. Geko-la lại đi tìm trụ trì lần nữa.

- Bọn tăng sinh đòi xem cho bằng được trận tranh Cúp (the Cup) tối nay đó thầy!

Vị sư già từ từ lôi cái tách trẹt dưới gầm giường lên, rót trà vào tách rồi tủm tỉm cười, hỏi:

- Cái tách (the cup) hả"

- Không phải. Là chuyện hai nước tân tiến tranh nhau một quả banh đó.

- Vậy à" Mà khi nào thì họ tranh nhau quả banh đó"

- Thưa, 12 giờ khuya đêm nay.

Chonjor-la ngẫn người ra:

- Kỳ chưa" Sao lại chọn vào lúc nửa đêm mà tranh dành nhau, chỉ có một quả banh" Lạ thật!

Có lẽ sư không biết quả đất xoay quanh mặt trời; đấu mười hai giờ trưa bên Mỹ thì Ấn độ phải thức mười hai giờ khuya để xem, trực tiếp! Nhưng cũng có thể là một mỉa mai nhẹ nhàng về ý thức thiển cận của nền văn minh Tây phương, mãi đến thế kỷ 16-17 mà vẫn còn cho rằng quả đất bằng phẳng nên đã dại dột cấm cố Galileo và lửa thiêu Bruno trên giàn hoả. Nhưng rồi sư cũng đồng ý. Hai chàng Orgyen và Lodo ngồi trước sân, lo lắng bồn chồn vì biết đòi hỏi của họ khó mà được chấp thuận thì Geko-la bước ra, cũng gương mặt rất nghiêm khắc, hất hàm hỏi:

- Làm sao có tiền"

- Hả" ...

- Tiền để mướn TV đó!

Thiệt là không thể tưởng tượng. Hai anh chàng tuôn chạy reo hò mừng rỡ rồi chia nhau đi thâu tiền bạn đồng học, nhưng vẫn chưa yên, bị ông chủ tiệm người Ấn vèo thêm 100 rúp-pi nữa.

- Ông nói chỉ có 200 rúp-pi mà!

- Nhưng đây là trận quốc tế, 300. Mướn hay không thì thôi. 5 giờ chiều nay tôi đóng cửa.

Thế là phải chạy về lận lưng anh chàng trùm mền ngủ ngày thêm được một ít, nhưng vẫn chưa đủ. Orgyen chạy tìm ông bói toán khùng điên đang trong phòng tắm, đập cửa:

- Godu-la, cho xin ít tiền đi mướn TV.

- Đi chỗ khác chơi. Tao không có tiền.

- Con biết sư có tiền nhiều mà, làm ơn cho xin một ít đi.

- Sao mày biết tao có tiền"

- Sư bói toán cho người ta, họ cúng dường sư thiếu gì. 

Sư  Godu mở cửa ra, đầu cổ ướt át chôm bôm.

- Trời đất ơi! Hồi nãy cho sư bột để rửa cái tách dơ của sư mà, đâu phải để gội đầu. 

- Tóc, tai, mặt mũi, tay chân gì thì cũng là một. Bột để rửa thì rửa tách cũng vậy, rửa tóc cũng vậy, có sai khác gì đâu. 

Rồi sư đóng ập cửa lại. Anh chàng lém lỉnh không chịu thua, thuận tay khóa cửa rồi réo lên:

- Con khóa cửa sư rồi. Đưa tiền đi thì con mở cửa cho.

- Thằng mắc dịch! 

Nhưng rồi sư cũng phải chui một tờ 20 rúp-pi ra dưới ngạch cửa.

- Mở cửa ra cho tao mau! 

Orgyen cầm tiền lên, nhét chìa khóa vào ngạch cửa, chạy đi:

- Cho sư ở đó mà rửa tóc!

 Nhưng cũng vẫn chưa đủ, làm sao bây giờ. Cậu bé Nyima thì bất cần những lăng xăng chạy đi chạy lại của đám đông, tay luôn mân mê chiếc đồng hồ trên tay. Lodo nhít nhẹ Palden:

- Hay là mượn đỡ chiếc đồng hồ đó đi. 

Palden nhăn nhó:

- Không được đâu. Đồng hồ của mẹ nó cho, nó quý lắm. Không nên đâu.   

Orgyen chen vào:

- Không sao đâu. Chỉ mượn đỡ để cầm thế thôi mà. Ngày mai chuộc lại trả cho nó.

Cực chẳng đã Palden ngần ngừ đi nài nỉ, òn ỉ với cậu cháu, rốt cuộc cũng tóm được đồng hồ vào tay. Thế là cả một đoàn mười mấy tăng sinh tranh nhau trèo lên chiếc xe vận tải củ kỹ, hò reo rùm trời, dọc đường gặp một người đứng ngoắc tay nhờ sửa dùm xe hư cũng tản lờ luôn. Có lòng từ bi muốn giúp người cũng phải chờ xem qua trận chung kết này rồi mới tính sau.

Việc mượn đỡ chiếc đồng hồ của Nyima cầm thế cho đủ tiền mướn TV cũng chính là cái gút để giải mở cốt chuyện. Ai nấy  tưng bừng tở mở nối dây ăn-ten để bắt sóng TV cho đúng đài, xô đẩy tranh nhau dành ngồi vào ghế đẩu, cả sư trụ trì cũng đến  coi cho biết, và Geko-la thì vẫn lạnh lùng nhưng trong lòng ông chắc cũng thích thú lắm lắm; chỉ riêng có Godu-la điên khùng là ở một mình trên sân thượng, mắt nhìn sao, tay quay vòng luân hồi, miệng cười an nhiên, chẳng màn để ý đến bao nhiêu rầm rộ dưới nhà. Nhưng không chỉ riêng ông là không thích xem đá bóng đâu. Còn có Nyima nữa, cậu bé cứ nằng nặc đòi lại chiếc đồng hồ, tuy được dành cho chỗ ngồi tốt.

Sau một hồi reo hò la hét thỏa thuê, Orgyen quay đầu nhìn  hai cậu cháu, Palden thì cứ dỗ ngọt, Nyima thì cứ nhăn nhó như muốn khóc; anh chàng lém lỉnh cảm thấy không còn hứng thú, lặng lẽ bỏ ra, chạy về phòng, lật trong quyển kinh tìm thêm được một ít đồng, gải đầu suy nghĩ rồi cúi xuống lôi dưới gầm giường ra một túi vải có lẽ là gia tài duy nhất. Sư già trụ trì, xem một hồi không hiểu gì cả, nhìn qua nhìn lại, dòm không thấy Orgyen đâu, khều nhẹ tri sự, thế là Geko-la phải bỏ trận đi ra.

Anh chàng Orgyen lém lỉnh bây giờ gương mặt thật nghiêm trang, lôi trong túi ra một đôi giày mới, một con dao còn nằm trong bọc thì Geko-la bước vào, trợn mắt la:

- Mày làm chi đó" Quậy phá đòi hỏi cho đã đời rồi trốn núp trong đây"

- Chiếc đồng hồ của Nyima! Nếu không có tiền để chuộc thì sáng mai phải mất.

Geko-la bước đến cầm túi vải, lôi giày ra nhìn xong để qua một bên, rồi cầm con dao lên ngắm nghía:

- Con dao này là của mẹ mày cho mà!

Mặt Orgyen như muốn khóc. Gương mặt nghiêm khắc của Geko-la cũng dịu lại; sư xoa đầu Orgyen:

- Con là một tên lái buôn tào lao, nhưng chắc chắn sẽ là một nhà tu hiền từ. Thôi đừng lo, để thầy và trụ trì hùn nhau chuộc lại đồng hồ của Nyima cho.

Bản nhạc "Đại lực, bài ca từ nóc nhà trần gian" (Mahakala, Chants from the Roof of the World) chợt đánh lên tưng bừng, đưa phim vào phần kết thúc một cốt chuyện thật giản dị bình thường như cuộc sống tu hành bình thường giản dị của các tăng sinh tu viện Peme, ngoại trừ mỗi 4 năm có chiếc Cúp cho trận bóng đá quốc tế thì không kể.    

Phim có chiếu một cảnh làm lễ Kim Cương thật uy nghiêm; toàn thể chư tăng đều có mặt, ngồi hai hàng đầu đều đội mão hoàng mạo cao ngất, giọng tụng kinh trầm hùng giữa âm hưởng vun vút của những pháp khí kèn dài, chuông, khánh, quả là một cảnh tượng gây nhiều cảm xúc.

Trong khi đó, ở những hàng sau thì các anh chàng mặc sức quậy phá. Lodo phóng cho Orgyen tờ giấy nhỏ, hỏi thăm diễn tiến các trận đấu ra sao; anh chàng Orgyen này mỗi lần được sai đạp xe xuống chợ mua thức ăn thì thường tấp qua nơi có TV chiếu các trận, cho nên rất là thành thạo và được cử làm thủ lãnh đại ca, tuy là tuổi nhỏ hơn cả đám. Chàng Cheying Pading thì gật gù ngáy vang, khiến Geko-la ở hàng đầu quay lại, gương mặt giận dữ, liệng cho một nắm gạo để đánh thức. Ở một cảnh sau, cũng trên chánh điện làm lễ, Cheying còn bị một bạn đồng môn đùa, may chéo y - kim chỉ ở đâu mà có sẳn"- của anh ta dính xuống tấm thảm đang ngồi, lễ dứt, được kêu dậy, đứng lên, mang thảm theo luôn. Nhưng cũng chính anh chàng gà gật này, ở cuối chuyện phim, lại phá được một "công án" hóc búa, khi tất cả đều được xem trận đấu chung kết vô cùng hào hứng rồi thì phải xách y áo miễn cưởng ngồi vào lớp học y theo lời hứa. Orgyen ngồi đó lơ là, tay xếp giấy làm chong chóng để tặng cho Nyima. Sư Chonjor-la hỏi:

- Mặt đất này lồi lõm gồ ghề đi rất đau chân. Da thuộc thì rất mềm mại. Làm sao có thể trãi da thuộc bao bọc hết mặt đất để đi cho êm chân"

Các anh chàng ngáo ộp nhìn nhau, thì núp phía sau lưng một Lodo đang thừ người suy nghĩ, Cheying ngẫng đầu lên, hai mắt sáng trưng, dơ tay lên, nói:

- Vậy thì mình cứ làm đôi giày da, mang đi trên mặt đất gồ ghề thì được êm chân ngay.

Sư Chonjor-la gật đầu:

- Đúng vậy. Cuộc đời cũng như thế. Phiền não trên thế gian này vô tận, ta không làm sao giải quyết hết cho được. Vậy thì chỉ có việc là tự mình phải có thái độ giải thoát cho chính mình mới không bị phiền não quấy nhiễu.

Một lời khai thị vô cùng thâm mật mà chỉ riêng tự mình biết tu tập, có kinh nghiệm tu chứng mới có thể giải thoát khỏi mọi phiền não thế gian. Thiên kinh vạn điển, những triết lý siêu việt, những lời giảng pháp thâm sâu hay những luận biện thao thao chẳng qua cũng chỉ là những lý thuyết suông.  

Trọn phim chỉ có một vài giây, không đến một phút, chiếu cảnh  Ronaldo làm bàn, khán giả la hét rầm trời. Phim đã dứt rồi, màn ảnh trổ đen, nhạc "Đại lực" đang rập ràng  mà vẫn còn một vài dòng ghi nhận :

-  "Sư trụ trì cuối cùng cũng đã được hồi hương, hoàn thành tâm nguyện trong đời ông". Như thế, chắc là với đầu óc bảo thủ Chonjor-la sẽ còn có dịp truyền thừa Phật giáo cẩn mật theo truyền thống như xưa.

- "Orygen thì vẫn còn ôm mộng một ngày nào đó anh sẽ là huấn luyện viên cho một đội túc cầu Tây tạng được vào chung kết giải bóng đá quốc tế". Mơ mộng thì mơ mộng, nhưng chắc cũng không đến nỗi viễn vông. 

- "... và Trung hoa vẫn còn cho dân Tây tạng  ăn cơm...", có nghĩa là họ vẫn còn được bảo hộ dài dài.

Ngu Thả Độn

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.