Hôm nay,  

Đọc Văn Học Hải Ngoại (kỳ Chót)

23/08/200100:00:00(Xem: 4301)
III. Tinh thần hiện đại và bản sắc dân tộc.

Số đông người Việt hải ngoại sống ở những nước công nghiệp phát triển. Công nghiệp phát triển càng cao thì xã hội càng hiện đại. Tinh thần hiện đại trước hết thể hiện ở tính cách và tác phong con người. Có nhiều mẫu người hiện đại trong văn học Việt Nam hải ngoại. Tôi chú ý đến nhân vật “cậu út” trong truyện ngắn mang tên nhân vật này (1) của Nguyễn Ý Thuần.

Sự phát triển mạnh mẽ, ồ ạt, tăng tốc của cuộc sống hiện đại tạo ra những “cơn lốc” trong môi trường đô thị đích thực của nó. Cho nên người nhà quê ra thành phố cảm thấy chóng mặt, người ở lục tỉnh lên Sài Gòn có khi bị choáng ngợp và người Sài Gòn đến New York không tránh khỏi bị choáng váng. Trong những tính cách của người hiện đại, tôi chú ý đến nét được nêu lên trong nhận xét của nhà nhân học Hoa Kỳ Marshall Bergman: “… ‘người hiện đại’, dạn dầy với những ‘cơn lốc’, ‘sống trong cơn lốc như sống trong nhà mình’ “(2). Bergman nói đến những “cơn lốc xã hội: trong môi trường thành phố. Bầu khí quyển của môi trường những cơn lốc được miêu tả chứa chất kịch tính. Đó là “bầu khí quyển của sự nhộn nhạo và hỗn độn, của sự chếnh choáng và ngây ngất trong tâm thần, của sự bành trướng những khả năng kinh nghiệm và sự huỷ bỏ những ranh giới đạo đức và những ràng buộc cá nhân, của sự mở rộng và xáo trộn cái tôi, của những bóng ma ngoài đường phố cũng như trong tâm hồn – trong một bầu khí quyển như vậy tính nhậy cảm hiện đại đã ra đời.” Môi trường của những cơn lốc được tác giả dựng lên bằng những cảnh tượng lẫm liệt của sự phát triển và sức năng động mạnh mẽ. Đó là cảnh tượng của “máy hơi nước, nhà máy tự động, đường sắt, những vùng công nghiệp mới rộng lớn”. Đó là “cảnh tượng của những thành phố chen chúc mọc lên sau một đêm, thường kéo theo những hậu quả nhân sinh kinh khiếp.”; đó là “nhật báo, điện tín, điện thoại, và những phương tiện truyền thông đại chúng khác, quy mô truyền thống ngày càng lớn”; đó là “một thị trường thế giới thường xuyên bành trướng, ôm lấy tất cả, có khả năng tăng trưởng một cách hùng vĩ, có khả năng gây lãng phí, và tàn phá khủng khiếp; có khả năng làm tất cả ngoại trừ sự vững chắc và sự ổn định”. Và như để trả lời câu hỏi, “thế nào là tinh thần hiện đại trong xã hội những cơn lốc”, tác giả viết: “Những bộ mặt lớn của chủ nghĩa hiện đại thế kỷ 19 tất cả đều máu tấn công môi trường này và họ ra sức giật đổ nó hoặc làm nổ tung nó từ bên trong; vậy mà họ tất cả đều cảm thấy một cách xuất sắc mình ở trong môi trường đó như trong nhà của mình, họ hiểu rõ những khả năng của nó, họ có tinh thần khẳng định ngay ở trong những sự phủ nhận triệt để, họ vẫn bông đùa, cười cợt, mỉa mai ngay trong những lúc nghiêm trọng nhất, đụng đến chiều sâu, chẳng có gì đáng đùa.” (Hoàng Ngọc Hiến tô đậm).

Không phải người nào sống trong cơn lốc cũng trở nên dầy dạn, có những người bị cuốn vào những cơn lốc trở nên khiếp nhược. Út có cá tính riêng, thích hợp với cuộc sống trong những cơn lốc, tức là cuộc sống hiện đại. Nét cá tính được tác giả nhấn đi nhấn lại, là lòng tự tín: “thoải mái và tự tín”, “tự tín và kỷ luật”, “đôi mắt đầy tự tin”… Vì “tin vào chính việc mình làm”,… nên anh “thản nhiên trong mọi việc”, “thản nhiên đánh đấm”, “thản nhiên chơi bời”, ngay vào trận đánh ác liệt cũng tham gia một cách thản nhiên. Anh kể chuyện mình một cách thản nhiên, “không lộ vẻ cảm xúc nào”, ngay khi kể về những sự việc đáng ghi nhớ. Đến đây tôi xin mở ngoặc: Văn phong của Nguyễn Ý Thuần có chỗ gần gũi với tác phong và cách kể chuyện của Út. Tác giả có cách kể thản nhiên, “khách quan”, “không lộ vẻ cảm xúc nào”. Về mặt này, so với Đinh Linh, Nguyễn Quí Đức là những tác giả hải ngoại trẻ có sở trường viết truyện bằng tiếng Anh thì chưa điêu luyện bằng, nhưng so với nhiều tác giả viết truyện bằng tiếng Việt ở trong nước và ngoài nước thì họ có một bước tiến rõ rệt thoát ra khỏi “văn chương tình cảm nỉ non”, bắt kịp văn xuôi hiện đại thế giới. (Đóng dấu ngoặc). Út tin ở chính việc mình làm, vì anh biết mình là ai, đang ở đâu, đi đâu và phải làm gì để đi tới…, anh không có sự chàng màng của những người loay hoay trong cảnh làm ăn manh mún (cuộc sống công nghiệp không cho phép con người chàng màng). Từ bấy nhiêu nét trong tính cách riêng của Út, từ sự từng trải dầy dạn của tính cách này trải qua những cơn lốc có thể hiểu được sự điềm tĩnh lạ thường của Út trong những cơn lốc. Trong cơn lốc trên phi trường Phú Cát bị pháo kích dữ dội – “phi trường vắng hoe… hầu hết ở trong hầm” – mặc “đạn réo ngang đầu, mặc từng chớp lửa xa gần,” Út vẫn đi đi lại lại trước hàng xác đồng đội cuộn poncho. Có thể nói sự gan dạ của Út do tinh thần đồng đội. Nhưng đến khi vị chỉ huy nài Út xuống hầm và Út trả lời: “Có gì thì nằm chung với nah em ngoài kia cũng đỡ buồn” (3), thì đó là sự điềm tĩnh của tinh thần hiện đại. Cơn lốc trên trận địa tại sông Ba một buổi chiều tháng ba năm 1975 còn khủng khiếp hơn nhiều. “…. Đạn pháo đủ loại vẫn rót, trực thăng vận tải người qua sông với chùm người bám trên hai càng sắt như đàn kiến bám trên hai sợi chỉ mỏng manh. Những cái đạp chân của đồng đội trên những bàn tay đồng đội đang tìm sự sống. Những con người đong đưa, tay duỗi căng đang chờ phiên mình bị đạp để bắt đầu cái chết. Những hố đạn pháo vung vít thịt xương…” (4). Trong cảnh tượng hỗn loạn và kinh khủng như vậy, người chỉ huy cũng cảm thấy hoảng loạn, “hôn mê”, vậy mà Út vẫn giữ thái độ điềm tĩnh (5). Người điềm tĩnh trong cơn lốc chính là người “sống trong cơn lốc như trong nhà của mình”, điều này được Bergman nêu lên như một nét cốt yếu trong nhân cách con người hiện đại. Ở nét cốt yếu này, Út của Nguyễn Ý Thuần gần gũi với Loan của Song Thao. Ở nhân vật Loan, tuy vậy, như đã phân tích ở phần II, đằng sau dáng dấp và phong thái hiện đại có thấy ảnh hưởng của những tư tưởng triết lý phương Đông. Còn ở nhân vật Út" Trong tác phẩm Le moine et le philosophe (Tăng sĩ và triết gia), đánh giá trên tổng thể thái độ của phương Tây đối với sinh tồn, tăng sĩ Matthieu Ricard nhận xét: phương Tây coi trọng “có” (l’avoir) hơn “là” (l’être), thái độ này xem ra không lành mạnh lắm, trong khi đó, Phật giáo thiên về sự thay đổi tương quan này, coi trọng “là” hơn “có” (7). Tương quan giữa “có” và “là” là một vấn đề triết học lớn. “Có” thuộc phạm trù “sở hữu”, “là” thuộc phạm trù “thực thể”. Sự nhầm lẫn hai phạm trù này hết sức tai hại, vậy mà lẽ sống không ít người dựa trên sự nhầm lẫn này. Có thể “có” học vị nhưng không phải “là” người trí thức; có thể “có” học hàm nhưng không phải “là” người thầy; có thể “có” quyền, “có” chức, nhưng không xứng đáng “là” người lãnh đạo; có thể “có” vợ nhưng không xứng đáng “là” người chồng; có thể “có” đầy kiến thức nhưng không phải “là” cái đầu biết nghĩ (từ của Montaigne: une tête bien faite); có thể “có tất cả” nhưng không “là gì cả”…. Và điều mỉa mai là ngay quá khứ vẻ vang của một số người đã từng chứng tỏ họ “là” người thì cuối cùng trở thành “sở hữu”: họ bo bo giữ lấy cho mình và con cháu mình, một khi họ không còn “là” họ nữa.

Như đã giới thiệu ở phần I, nhân vật Vũ trong truyện Tật Nguyền của Nguyễn Ý Thuần thuộc loại nguuoòi có, có, có, gì cũng có: có job đàng hoàng, có học vị, có gia đình, có nhiều chức vụ, lại có tên trên nhiều tờ báo. Nhưng Vũ “là” gì, ngoài “bộ quần áo giấy” anh mang trên người anh" Ngược lại, nhân vật Út hầu như “không có gì cả”, ngay job anh đang làm cũng chỉ là tạm bợ. Nhưng anh “là” môät con người, trước đây, tại trận địa “bóng in trên nền trời ngập nắng sừng sững như một pho tượng đang sống” (hình ảnh anh trong ấn tượng người chỉ huy) và giờ đây trên đất Mỹ, cũng trong ấn tượng người chỉ huy ấy, “con người cậu út vẫn không thay đổi”, “thoải mái, tự nhiên hành động như ngày xưa chiến đấu và phá phách”, “tin vào chính việc mình làm”, mắt sáng, nhìn thẳng (9)…

Bergman nói đến sự điềm tĩnh của những người dầy dạn trong những cơn lốc của cuộc sống hiện đại. Trong văn học Việt Nam hải ngoại còn có một sự điềm tĩnh khác có cơ sở triết học phương Đông. Đó là sự điềm tĩnh của những người “giữ được tâm an nhiên lặng lẽ giữa cuộc sống bụi bặm xô bồ này” (10). Đó là sự điềm tĩnh của những người hiểu ra được “giữa những cơn bão cuốn, luôn luôn có đâu đó những điểm bình yên thanh tịnh lạ lùng… nằm an nhiên ngay giữa cái xô bồ, hối hả, nhầy nhụa vây quanh…” và họ tìm ra được “chỗ thanh tịnh ấy bên ngoài và cả ngay trong mình” (11). Trong Mùa Biển Động của Nguyễn Mộng Giác có một trường hợp sự yên tĩnh hết sức lạ lùng, nằm ngoài những giải thích quen thuộc bằng học thuật giản đơn, trường hợp này khiến chúng ta nghĩ đến một cội nguồn sâu xa trong tâm thức người Việt, ở người có học thức thường bị che lấp, ở người bình dân thôn dã thường hay bộc lộ hơn, cội nguồn đó là gì là một vấn đề hoàn toàn mới mẻ, sẽ vội vã nếu đem lược quy nó vào những hệ tư tưởng truyền thống như vẫn được trình bầy rành mạch, khúc chiết trong sách giáo khoa.

Bạn của Ngữ (một nhân vật chính trong Mùa Biển Động) là bác sĩ sẽ đứng bàn mổ cưa chân cho Thành, một lính địa phương quân. Anh gặp bà mẹ của Thành, một bà cụ lam lũ đứng chờ ở hành lang bên ngoài phòng mổ… Thấy bà mẹ tay ôm một bao ni lông, anh đâm thắc mắc…
-Mệ dùng cái bao này làm gì"
-Mệ đem theo để đem cái chân thằng Thành về.

Nghe bà cụ đáp như vậy, người bạn của Ngữ đột nhiên cảm thấy lạnh cả xương sống. Mặc dù đã quá quen thuộc với cảnh máu me chết chóc, cảnh những người bị bom đạn rên la quằn quại, những vết thương bầy nhầy hôi tanh… nhưng mỗi lần phải đẩy chiếc xe lăn chở những bộ phận thân thể con người bị cắt, cưa ra khỏi thể xác còn lại, anh không thể dằn được cảm giác buồn nôn ngầy ngật… Cho nên anh trố mắt nhìn bà mẹ quê, cố tìm xem lúc đáp câu anh hỏi, bà cụ có cảm giác sợ hãi nhờm tởm nào đối với khúc chân bị cưa của đứa con không. Bạn Ngữ thấy bà cụ có nét mặt hoàn toàn thản nhiên, miệng tiếp tục nhóp nhép nhai trầu. Anh thêm tò mò nên hỏi:
-Mệ đem cái chân về làm gì"
Bà cụ đáp, giọng phân trần như sợ bị từ chối:
-Cậu làm ơn nói giúp cho mệ. Mệ nghe nói nhà thương không cho phép, nhưng cậu tính coi, không xin cho được cái chân đem về chôn, lỡ một mai con nó chết, thân thể không đủ chân đủ tay, tội nghiệp nó. Cậu gắng thưa với bác sĩ cho mệ.

Nghe bạn kể tới đó, chính Ngữ cũng cảm thấy lạnh cả xương sống. Không phải cái lạnh vì ác cảm nhờm tởm, mà lạnh vì đột ngột đối diện với cái gì vĩ đại bao la quá, đến nỗi cả chân đế nội tâm Ngữ tưởng vững chãi, bỗng thoáng chốc hoàn toàn tan tành sụp đổ.

Người mẹ quê đã được đào luyện thế nào để có thể can đảm chấp nhận sự rủi ro một cách điềm tĩnh như thế. Lòng thương con không thôi, chưa đủ. Có khi lòng thương con còn khiến cho người mẹ dễ dàng ngã gục trước những tai ương xảy đến cho con cái. Phải thêm một cái gì đó, cái gì vững chắc lắm để đủ bình tĩnh chấp nhận một sự thật đau lòng: là biết trươc thế nào đứa con trai thân yêu cũng lìa đời trước mình, và phải chuẩn bị chôn cất thi hài của nó ngay từ bây giờ. Cái chân “đi trước” thì lo trước cái chân. Phải xin cho được “nó” về, đặt vào một cái quách gỗ tạp, chôn “nó” bên nấm mồ của người chồng quá cố, thắp cho “nó” vài nén hương, và điều quan trọng nhất là đánh dấu thật kỹ phương hướng để khi lên nhà xác lãnh về phần thân thể đứa con còn lại, bà cụ có thể ráp đúng một thân xác nguyên vẹn đầy đủ (12).

Rất tiếc, những công trình nghiên cứu về bản sắc dân tộc người Việt chẳng giúp ích gì cho chúng ta hiểu cốt cách bản sắc đằng sau hành vi và phong thái lạ lùng của bà già quê mùa này. Trong văn học Việt Nam hải ngoại có những nhân vật bà già truyền thống, những biểu hiệu bản sắc ở họ, là cứ liệu lý thú để xác định bản sắc dân tộc. Bà Bếp Luông trong Lớp Sóng Phế Hưng của Hồ Trường An là “một bà già hiện thân Đức Quan Âm cứu khổ, cứu nạn, dù Đức Quan Âm này chửi con cái và kẻ thù địch ‘giòn hơn báng tráng nướng và trơn hơn mỡ’. Bà chửi con ra rả nhưng “trong thâm tâm bà thương yêu đứa nào cũng như đứa đó”, bà nói những lời độc địa để nhiếc móc thím Bảy, nhưng khi kẻ thù của bà trúng gió bị nguy bà sẵn lòng giúp đỡ. Từ nguồn cơn và phong cách chửi của bà Bếp Luông, nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc đã có những nhận xét hết sức lý thú: “… những lời rủa sả chửi bới thô lỗ, ngọt ngào, có vần có điệu, có cung có giọng… Người ta chửi nhau để thương nhau. Lời lẽ thoạt nghe thì thô lỗ nhưng nghe sâu vào mới thấy ngọt ngào. Những người dân quê ở vùng Hóc Hoả, quận Hoả Lựu, tỉnh Rạch Giá nếu một ngày không có dịp chửi bới nhiếc móc một cách yêu dấu những người mình thương thì họ ăn cơm không ngon miệng. Tiếng chửi bới, rủa sả cứ thế vang vang bay đầy trên những kinh, những rạch, những bông hoa “quau”, những khóm “húng lủi”, những chùm “dấp cá, tía tô”… và rơi tận vào lòng người. (13). Tôi vẫn nghĩ văn hóa “chửi” của người Việt có thể hiện nào đó của bản sắc dân tộc Việt. Cứ cho rằng cách thói chửi là một nét xấu xí. Việc tìm hiểu những nét xấu xí của người Việt đâu có đơn giản.

Bà má trong truyện Nụ Cười Tre Trúc (14) của Kiệt Tấn là sự hiện thân của tình thương và đạo lý sơ yếu nhất trong bản sắc dân tộc. Sau đây là một số biểu hiện.

“Hồi đó thỉnh thoảng tôi lén vít một cục vôi nhỏ trong ô trầu của má tôi gắn lên đầu cọng lạt dừa, đưa lên vách run run nhử mấy trự thằn lằn. Có con khờ khạo… nhào tới đớp liền. Cắn nhằm cục vôi tá hoả, anh chàng lúc lắc cái đầu như múa lân rồi say men vôi nồng, rớt bịch xuống đất….
-Đừng con! Tội chết. Con thằn lằn nó hiền thấy mồ. Nó còn ăn bớt muỗi trong nhà sao con hại nó làm chi…"”
“…Đó, đại loại má tôi hành xử như vậy đó, rất là Cổ Học Tinh Hoa… dù má tôi không hề đặt chân tới trường. Vì vậy, khi ra trường đời, má tôi lấy làm tiếc lắm… Không phải tiếc vì không thi đỗ Trạng Nguyên… mà tiếc vì không đọc được kinh Phật. (15).”
“Má tôi hiền lành như vậy đó, nhưng lúc nào cần ‘động thủ’ là bà cũng thẳng tay trừ gian diệt bạo như hiệp khách khi tình thế đòi hỏi: những lúc bà lôi tôi ra sân tắm rửa kỳ cọ! Tôi mà dẫy dụa không để yên cho bà láng cạo hờm là má tôi không ngần ngại khỏ gáo dừa khô lên đầu tôi, mặc tình cho tôi dẫy khóc… Tắm xong, bà cho tôi cái bánh men để dỗ yên bá tánh” (tôi tô đậm, HNH) (16).
“… Bà quê mùa, trái tim bà cũng rung động một cách quê mùa và bà cũng khóc một cách hết sức quê mùa, tất tự nhiên, không màu mè. Thế nhưng có điều lạ là tôi có cảm tưởng là má tôi không phải vì đau khổ mà khóc. Má tôi khóc vì xúc động. Nếu ngọc trai là ngọc của sò biển, nếu gạo thóc là ngọc của trời, thì nước mắt là ngọc của má tôi. Cả đời, má tôi buông nhả loại ngọc đó rất nhiều, cho bất cứ gì, cho bất cứ ai vô tình hay cố ý đến gõ cửa trái tim bà” (17).
“… Đôi khi bà xin đâu được muỗng nước cá kho đem về chan lên chén cơm khô cho tôi ăn đỡ thèm, bà ngồi nhai nhóp nhép nắm cơm nguội với muối hột mỉm cười ngó tôi sung sướng. Và nụ cười tre trúc lại khua bóng rì rào… Bà ngó tôi vét tới hột cơm cuối cùng mà còn liếm muỗng cho sạch nước cá kho trên đó. Chắc bà sung sướng dữ lắm. Sung sướng vì thấy tôi ăn ngon chứ không phải vì thấy mình hy sinh cho con. Sự hy sinh nào cũng kèm theo ít nhiều đau khổ. Còn nghĩ rằng mình hy sinh là ý nghĩ đó còn lẫn lộn ích kỷ, chưa quên được mình. Khi mỉm cười, má tôi vui sướng thật tình chứ chẳng phải vì hy sinh hiến mình ráo trọi. Tiếng hy sinh không có trong ngôn ngữ của má. Má tôi quê mùa lắm, đâu biết gì mấy cái tiếng lắt léo mắc dịch đó! Cả đời tôi chưa hề nghe tiếng’hy sinh’ thốt ra từ cửa miệng của bà…”
“Tôi được cái may mắn sinh ra trong một gia đình nghèo khó nên trải qua lắm đoạn trường khiến cho phần tình cảm của tôi được phát triển đầy đủ hơn những người không được cái may mắn đó. Điều đó kết nhụy ở tôi thành một thứ ‘trực giác’ mở cho tôi cái nhìn thấu đáo thẳng tiếp với sự vật, không phải qua lối mòn đầy chướng ngại của ‘lý trí’ (18).”
Trong tác phẩm của Kiệt Tấn, cùng với “bà má” có những “bà già-quê hương” mà hình ảnh khái quát được tác giả phác họa như sau:
“Đã có bao nhiêu ‘bà già-quê hương’ tôi đã gặp trong đời" Năm người" Mười người" Hay một trăm người" Hay nhiều hơn nữa" Có lẽ vậy. Không sao đếm hết. Những bà già đó nhan nhản đầu làng, cuối xóm ở quê mình. Chỉ cần chú ý một chút là bạn sẽ thấy. Họ sờ sờ đó, lúc nào cũng hiện diện, nhưng đồng thời rất âm thầm. Họ không có nhiều lời nói, chỉ có cái nhìn độ lượng, ánh mắt từ bi, nụ cười móm. Và đôi khi họ khóc. Cũng như bạn. Khi đau khổ quá, bạn khóc.” (19).
Từ những ‘bà già-quê hương’ này, tác giả nhìn thấy hình ảnh quê hương, đất nước và cội nguồn nhân bản ở mình:
“Những bà già đó tượng trưng cho quê hương. Không! Những bà già đó là quê hương. Những bà già có làn da nhăn thơm mùi đất, có nụ cười rì rào tre trúc, có bàn chân nứt nẻ phù sa, có trái tim từ bi vô lượng, trái tim đó đã bơm máu vào rún tôi từ bụng mẹ, từ lúc tôi còn nhỏ xíu lớn chưa bằng đầu ngón tay. Trời ơi! Sao thương quá sức! Ai nỡ cắt ruột cho tôi đành" Tôi thèm thương. Tôi thèm khóc. Tôi thèm quê hương. Thèm quá đỗi! Tết lại đến rồi đó…” (20).

Từ những suy nghĩ của nhà văn Kiệt Tấn có thể thấy những lỗ hổng không ít những công trình nghiên cứu về bản sắc dân tộc.

Trong tác phẩm văn học, bản sắc dân tộc thể hiện trước tiên ở tài năng sử dụng ngôn ngữ văn học dân tộc của tác giả. Tổng kết những đóng góp của những nhà văn hải ngoại cho sự phát triển của ngôn ngữ văn học Việt Nam là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của đề tài chúng tôi quan tâm. Trong bài của Nguyễn Ngọc Bích giới thiệu tác phẩm Lớp Sóng Phế Hưng (21), của Hồ Trường An, có đoạn viết:
“… đọc bất cứ một đoạn văn nào của anh, ta thấy tiếng Việt có thể phong phú đến độ nào: từ các tên cây, tên cỏ, đến cả đồ nữ trang, kiểu trang sức (mà anh như là thống khoái mô tả trong Phấn Bớm), cho đến các món ăn ở miền Nam (ôi tuyệt diệu!), và đến cả ngôn ngữ của triết học, chính trị, không có cái gì mà Hồ Trường An cho rằng tiếng Việt ngày hôm nay không thể nói đến được, - mà còn nói một cách bóng bẩy, điêu luyện, tinh vi…(22).

Rất tiếc là trong phê bình văn học hiện nay không mấy tác giả có sự may mắn như Hồ Trường An được nhà phê bình về mặt tài hoa ngôn ngữ (dĩ nhiên, có những tác giả không được bình về mặt này lại là may!). Trong lời Giới Thiệu, Nguyễn Ngọc Bích không chỉ có lòng mến mộ của nhà phê bình trước ngôn ngữ phong phú và điêu luyện của nhà văn, ở đây còn bộc lộ sự rạo rực tình yêu và tự hào của nhà phê bình đối với những khả năng to lớn của tiếng Việt.

Gặp được những từ sáng tạo tài tình, những cách dùng từ mới mẻ… là một niềm vui của thú đọc sách. Nhà văn Tạ Chí Đại Trường có nói đến một cái tính của mình là tính “ơ hờ thành thói” (23). Trong thực tế, tôi đã gặp những người có tính như vậy nhưng lúng túng không biết đó là tính gì" Nay có một nhà văn đặt tên cho nó, chắc là từ nay nhiều độc giả cũng như tôi sẽ nhận ra những biểu hiện của nó ở người đời dễ dàng hơn, rõ nét hơn.

“Ta thấy hình ta những miếu đền” (24) là một bài thơ hay của Mai Thảo. Thần tình của bài thơ là hai từ “sao không” được lập lại trong suốt các khổ của bài thơ. “Sao không” là sự rút gọn “khẩu ngữ” của mệnh đề-phó từ “sao chẳng không là vậy”. Mệnh đề-phó từ này được rút gọn thành phó từ “sao không” trở nên gọn nhẹ, lại có hơi hướng “khẩu ngữ”, lại xen vào liên tiếp như là “câu hỏi”… tất cả làm cho toàn bộ bài thơ hoạt hẳn lên. “Sao không” vừa là câu hỏi, vừa là tâm thế xác quyết, một cách xác quyết thi sĩ, không giáo điều, không áp đặt. Phó từ “sao không” được sáng tạo, lần đầu tiên xuất hiện trong bài “Ta thấy hình ta những miếu đền” của Mai Thảo.

Đọc văn học Việt Nam hải ngoại tôi gặp những từ được sử dụng rộng rãi, nhưng trong văn học trong nước, nhất là văn học miền Bắc hầu như không thấy dùng, mà những từ này tuy lạ nhưng có thể đoán ra nghĩa và thấy hay hay.

Trong Đại từ điển tiếng Việt, từ “lý” chỉ được tường giải như là danh từ. Trong truyện Auld Lang Syne của Song Thao, từ “lý” được dùng hai lần như là động từ:
-Công vịệc của họ quá bận rộn, tiền vô như nước, họ đâu lý tới cái hãng lộn xộn nhếch nhác của ông bố (tr. 74).
-Lý gì tới tôi, bà ơi! Dù có cả một hồ nước mắt, tôi cũng chẳng phí phạm một giọt cho những mất mát của một anh già chẳng ăn nhậu gì tới tôi cả…(tr.75).

Trong Đại từ điển tiếng Việt, từ “khơi khơi” chỉ được tường giải hai nghĩa. Trong Mùa Biển Động của Nguyễn Mộng Giác, từ này được sử dụng vài chục lần, ít ra với năm nghĩa khác nhau, Một nghiên cứu đầy đủ từ vựng trong ngôn ngữ văn học Việt Nam hải ngoại chắc chắn sẽ đem lại những sự bổ sung quan trọng cho các bộ từ điển tiếng Việt.

Hoàng Ngọc Hiến

Chú thích:
1. Đăng trong tập truyện “Tối tháng năm tại quán ăn đường Fifth” của Nguyễn Ý Thuần, sách đã dẫn.
2. Xem Marshall Berman [có khi được viết Bergman ở trong bài viết]: All that is Solid melt into Air. Penguin Books, 1988, pp. 17, 18, 19.
3. Sách đã dẫn, tr. 100.
4. Như trên, tr.100.
5. Xem như trên, tr.102.
6. Jean-Francois Revel, Mathieu [trong bài viết Matthieu] Ricard: Le moine et le philosophe. Nil Editions, 1999.
7. Xem sách đã dẫn, tr.283,284.
8. Sách đã dẫn, tr.100.
9. Sách đã dẫn, tr.106.
10. Xem Nguyễn Mộng Giác: Mùa Biển Động, Văn Nghệ, 1988 bộ I, tr.260,261.
11. Xem như trên, bộ II, tr.1005.
12. Như trên, bộ I, tr.197,19.
13. Hồ Trường An: Lớp Sóng Phế Hưng, Tủ sách Cành Nam, 1988.
14. Sách đã dẫn, bài Giới Thiệu.
15. Sách đã dẫn, tr.10,11.
16. Sách đã dẫn, tr.11.
17. Sách đã dẫn, tr.20.
18. Sách đã dẫn, tr.20,21.
19. Sách đã dẫn, tr.155,156.
20. Sách đã dẫn, tr.152.
21. Hồ Trường An: Lớp Sóng Phế Hưng, Tủ sách Cành Nam, 1988.
22. Sách đã dẫn, bài Giới Thiệu, tr.5.
23. Xem Tạ Chí Đại Trường: Một khoảnh Việt Nam Cộng Hoà nối dài, Thanh Văn, 1993, tr.218.
24. Đăng trong tập thơ Ta thấy hình ta những miếu đền, Văn Khoa xb, 1989, tr. 13,14,15.

***
Thay lời Kết luận

Thay lời kết luận là những ấn tượng sự đa dạng phong cách trong văn học hải ngoại Việt Nam để lại ở người viết bài tiểu luận này. Cùng viết về nông thôn miền Nam, Hồ Trường An thiên về “miêu tả phong tục”: cách cạo gió, ngày hội kỳ hương, cách trải tóc ba bảy rồi búi lại, lối chửi bới có vần có điệu ‘giòn hơn bánh tráng, trơn hơn mỡ’… còn trong tác phẩm của Kiệt Tấn mối quan tâm hàng đầu là “mở ra kho tàng vô giá đạo đức và văn hóa truyền thống trong tấm lòng” những người dân thường thôn dã. “Ánh Sáng và Bóng Tối” (1) của Hoàng Liên và “Đại học máu” của Hà Thúc Sinh đều là hồi ký về trại cải tạo, trong tác phẩm của Hoàng Liên, dòng hồi tưởng lúc nào cũng như lúc nào, điềm tĩnh và từ tốn; còn trong tác phẩm của Hà Thúc Sinh giọng văn thường sôi nổi, có khi quyết liệt. Sông Côn Mùa Lũ (2) của Nguyễn Mộng Giác và Gió Lửa (3) của Nam Dao là hai tác phẩm gần gũi về thể loại (tiểu thuyết lịch sử) và đề tài (thời đại Quang Trung) nhưng rất khác về phong cách. Chỉ riêng nói về một điểm: trong Sông Côn Mùa Lũ, “nghị luận” (còn gọi là “yếu tố chính luận”) chỉ là nửa trang hay nhiều lắm là một trang xen vào truyện; trong Gió Lửa “nghị luận” tham gia tích cực vào sự hình thành nội dung và cốt truyện… Sự đa dạng phong cách thể hiện rõ nhất trong sáng tác của những nhà văn nữ: Nguyễn thị Hoàng Bắc, Trần thị Kim Lan, Phan thị Trọng Tuyến, Trần Diệu Hằng, Ngọc Nhung, Trần Mộng Tú, Lê thị Thấm Vân, Nguyễn thị Thanh Bình, Lê thị Huệ, Nguyễn thị Xuân Sương…

Đã có những nhận xét xác đáng về văn phong từng tác giả, đem gom lại chúng ta sẽ có một bó hoa đẹp, màu sắc phong phú. Tôi nêu lên ở đây những nhận xét tình cờ tôi ghi được.

Về văn phong Trần thị Kim Lan:
“… Trần thị Kim Lan đơn giản, vắn tắt, nhanh gọn, nhưng cái gì cũng đến nơi đến chốn. Với vài nét phác họa, chị đã vẽ nên một chị tài xế da đen, một hoàng tử Phi Châu, một lớp học của trẻ di dân… vừa thực vừa linh động… Và chị tinh nhậy sắc bén lạ thường: mọi diễn biến tâm lý cỏn con nơi cô bạn Dianet (Hành trình vào đời), mọi thay đổi vô ý thức nơi giọng nói và cử chỉ của nhà hùng biện Juan Santiago (Ánh mặt trời bất tận) đều không thoát nổi mắt chị. Chị trông thấy cả, chị bắt gặp đúng lúc, chị mỉm cười chút xíu, nhưng không ác ý. Và các đối thoại trong truyện lúc nào cũng thông minh, ý vị” (Võ Phiến) (4).

Về phong cách của Nguyễn thị Hoàng Bắc:
Những truyện ngắn của Nguyễn thị Hoàng Bắc “không có chuyện hiểu theo nghĩa thông thường, nghĩa là có gặp gỡ, trắc trở, và hạ hồi kết cuộc. Đời sống của cả một dân tộc lẫn tác giả có quá nhiều bất trắc, chông chênh để văn chương Nguyễn thị Hoàng Bắc là những mẩu đời tròn trịa, hợp lý. Truyện Nguyễn thị Hoàng Bắc là những mảnh đời mong manh bắt đầu bằng những kỷ niệm, trải dài qua thăng trầm của thời thế, và thường không biết kết thúc ở đâu. Nhiều truyện chấm dứt ở chỗ lửng lơ. Nhiều truyện khác chấm dứt ở tiếng thở dài. Giọng văn tinh nghịch linh hoạt của “Long lanh hạt bụi” thuở đầu, qua “Bên lở bên bồi” trở thành trầm lắng hơn, bùi ngùi hơn; tiếng cười chưa tắt nhưng đã nhuốm đôi chút cay đắng, hoang mang”. Hoàng [Nguyễn"] Mộng Giác (5).

Sau đây là phong cách đa dạng của Miêng (bút danh của Nguyễn thị Xuân Sương):
“… Từ không khí ngột ngạt, đặc quánh của Cu Bợm, ta bước vào xốn xang, lo âu, của Song Sinh, rồi thoát đến cái nhí nhảnh hồn nhiên trong Ỡm Ờ, chất thơ của Hải Nữ. Ta bỡ ngỡ tự hỏi tất cả chừng ấy là cùng do một người viết" Miêng có cái khéo léo cuốn ta đi gần đến cuối truyện để kết luận một cách đột ngột, phần lớn trái với dự tưởng của người đọc…. Đâu đây, ta như thấy chị nheo mắt cười vì đã đưa thêm một độc giả vào tròng”. Nguyễn Nam Trân (6).

Cái thần của văn phong Phan thị Trọng Tuyến thể hiện ở nụ cười của tác giả:
“…. Người ta có thể ưu tư mà không hề rầu rĩ… Phan thị Trọng Tuyến gần như luôn luôn có một nụ cười….

Cái cười cho là của Hồ Xuân Hương nghe khiêu khích cợt nhả, cái cười của Linh Bảo lại chua chát đắng cay. Ở Phan thị Trọng Tuyến nụ cười vốn giản dị. Cười như nghịch ngợm hồn nhiên, như nét tinh quái thường ánh lên trên các gương mặt thông minh.

Ở đây, ta bắt gặp người phụ nữ Việt Nam trong một không khí tinh thần mới: tự do, khoáng đạt, cởi mở.” Võ Phiến (7).

******
Còn thiếu rất nhiều bông hoa. Tôi lại không biết trình bày, sắp bó vụng về. Mong sự lượng thứ của quí vị độc giả và tác giả.

Chú thích:
1. Hoàng Liên: Ánh Sáng và Bóng Tối, Văn Nghệ, 1990.
2. Nguyễn Mộng Giác: Sông Côn Mùa Lũ, Văn Nghệ.
3. Nam Dao: Gió Lửa, nhà xb Thi Văn, 1999.
4. Xem Trần thị Kim Lan: Gió Đêm. Văn Nghệ. Tr. xviii.
5. Xem Nguyễn thị Hoàng Bắc: Bên lở bên bồi. An Tiêm 1992, bìa bốn.
6. Xem Miêng, tập truyện, Văn Mới xb 1999, tr.12.
7. Xem Phan thị Trọng Tuyến: Mùa hè ở nơi khác. Văn Nghệ, 1986.
Hoàng Ngọc Hiến.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.