Hôm nay,  

Nam Hàn: Giải Tư Các Tổng Công Ty?

09/03/200400:00:00(Xem: 4503)
Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF vừa khuyến cáo Nam Hàn về việc giải tư các tổng công ty chaebols với giá rẻ. Vấn đề cải cách kinh tế Nam Hàn và tương lai các chaebols Hàn quốc là đề tài trao đổi giữa đài RFA và kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa như sau.
Hỏi: Hàng năm, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF thường gửi một phái đoàn chuyên gia qua nghiên cứu về tình hình kinh tế của từng quốc gia hội viên và kết quả khảo sát trở thành đề tài thảo luận song phương với chính quyền sở tại. Vừa qua, IMF đã công bố kết quả thảo luận với Hàn quốc trong đó có một đề mục đáng chú ý là số phận các chaebols. Vì chính quyền Trung Quốc và Việt Nam coi Nam Hàn là một mô thức đáng theo, xin ông trình bày sơ lược về kết quả thảo luận này trước khi ta nói về các chaebols...
-- Thưa vâng, vào năm 1997, trước khi cuộc khủng hoảng kinh tế Đông Á khởi đầu do các biến động tài chính và ngoại hối tại Thái Lan vào tháng Bảy thì từ tháng Giêng người ta đã thấy mấy chaebol Nam Hàn bị vỡ nợ, khởi sự là tập đoàn Hanbo của ngành thép. Sau đó, khủng hoảng bùng nổ trong năm nước Đông Á và lan rộng khắp nơi. Nam Hàn là xứ bị khủng hoảng nặng nhất trong các nước Đông Á và cũng hồi phục trước tiên. Nhưng, trong năm 2003 vừa qua, sự hồi phục chấm dứt và xứ này gặp khó khăn: đà tăng trưởng còn gần 3%, sụt mất nửa so với năm 2002, chỉ hơn tốc độ năm 2001 và bằng 1/3 so với năm 2000. Cạnh đó, hệ thống tín dụng tiêu thụ bị vỡ nợ và số phận các chaebols thành đề tài được IMF nhắc nhở chính quyền Seoul theo ý tránh bán rẻ vì sổ sách kém minh bạch. Sau khi cải tổ theo kinh tế thị trường, Trung Quốc và Việt Nam đều cố học tấm gương phát triển của chaebol Nam Hàn nên khuyến cáo của IMF mới là điều đáng chú ý ở đây.
Hỏi: Trước hết, xin ông trình bày tóm tắt về các chaebol và mô thức phát triển Nam Hàn.
-- Ta có thể truy nguyên xuất xứ của mô thức này từ Nhật Bản là quốc gia đã xâm lăng và thống trị cả Đại Hàn lẫn Trung Quốc vào đầu thế kỷ 20. Một cách duy ý chí, chính quyền và các phần tử ưu tú Nhật muốn chủ động kỹ nghệ hóa và hiện đại hóa xứ sở với các tập đoàn công nghiệp được chính quyền, bộ máy hành chính và các ngân hàng hỗ trợ, theo lối Việt Nam ngày nay gọi là "khu vực xương sống" của nền kinh tế, gồm các đơn vị chủ đạo là tổng công ty quốc doanh. Nam Hàn đã học phương thức đó với các chaebol, dịch theo từ Hán-Việt là "tài phiệt", nhưng không với ý xấu như ta hiểu chữ này. Khác với các tổng công ty quốc doanh Việt Nam, chaebol Hàn quốc là tư doanh, của các gia đình ái quốc, có ý chí canh tân xứ sở, và được quân đội cùng chính quyền hỗ trợ rất mạnh. Kết quả là một sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục, theo sách lược phát triển xuất khẩu bằng mọi giá đã làm nên phép lạ kinh tế Đông Á trong ba thập niên liên tục. Nhưng hệ quả chìm bên dưới là nền móng kinh doanh nhiều rủi ro lỗ lã của các chaebol đi cùng nạn tham ô vì sự cấu kết giữa lãnh đạo tổng công ty với giới chính trị và viên chức nhà nước. Vụ khủng hoảng năm 1997 làm mô thức phát triển Đông Á bị phá sản, kéo theo hàng loạt các tập đoàn chaebol. Từ con số hơn 30, đã từng đóng góp tới hơn ba phần tư sản lượng kinh tế quốc dân, sáu năm sau vụ khủng hoảng thì nay số chaebol chỉ còn phân nửa, trong đó đáng kể nhất là bốn tập đoàn Samsung, LG, SK và Hyundai mà thôi.
Hỏi: Và vừa qua, IMF đã khuyến cáo Seoul về việc giám định sổ sách các tập đoàn này cho minh bạch và tránh giải tư với giá rẻ phải không"
-- Nếu nói vắn tắt thì như vậy, thực tế lại có thể phức tạp hơn vì nội dung báo cáo của IMF có đề nghị một kế hoạch cải cách các chaebol cần theo đuổi trong ba năm tới. Ngoài ra, còn toàn bộ việc cải tổ và quản lý kinh tế sau trận khủng hoảng và riêng về các chaebol, ta còn thấy một loại yếu tố tâm lý mà mình nói cho gọn là vấn đề văn hóa.
Hỏi: Vâng, nếu như vậy ta sẽ đi từ đầu, từ tình hình kinh tế vĩ mô lồng trong việc cải cách cơ chế theo một sách lược mới sau vụ khủng hoảng Đông Á.
-- Chúng ta nhớ lại là trong vụ khủng hoảng này, có bốn nước Đông Nam Á bị nặng nhất là Thái Lan, Indonesia, Philippines và Malaysia. Tại Đông Bắc Á, Nam Hàn bị nặng nhất và đã phục hồi trước tiên vào cuối năm 1999, với tốc độ tăng trưởng sau đó lên tới hơn 9% vào năm 2000. Nhưng việc cải cách cơ chế kinh tế lại không được đồng bộ vì một số lực cản trong các chaebols, kể cả sự cưỡng chống của các công đoàn lẫn phản ứng xin tạm gọi là ái quốc khi các tập đoàn này được bán cho nước ngoài. Chúng ta đừng quên rằng các tập đoàn đó đã từng là niềm kiêu hãnh quốc gia và có đóng góp thực tế cho công cuộc hiện đại hóa xứ sở trong mấy chục năm liền. Nhưng mặt trái khó phủ nhận là khi được chính quyền nâng đỡ và bảo vệ thì sẽ phát sinh ra nạn cấu kết, tham nhũng và sung dụng tài sản vào những nơi không thích đáng. Ngoài ra, còn có vấn đề quan trọng không kém là tìm ra đầu máy tăng trưởng bổ sung cho khu vực xuất khẩu, tức là thị trường nội địa.

Hỏi: Thưa ông, trên diễn đàn này ông có nhiều lần đề cập tới nhu cầu phát triển sức mua của thị trường nội địa để các nước Đông Á khỏi quá lệ thuộc vào xuất khẩu, vì sao tại Hàn quốc thì đó lại là vấn đề"
-- Nếu trình bày cho ngắn gọn và ra khỏi nội dung các khuyến cáo của IMF thì vấn đề ở đây sâu rộng hơn số phận của các chaebols. Trước hết, sau vụ khủng hoảng trong các năm 1997-1998, qua năm 1999, Nam Hàn đã thúc đẩy sức tiêu thụ của thị trường nội địa như một đầu máy khác cho tăng trưởng kinh tế thay thế cho thị trường xuất khẩu. Điều đó dĩ nhiên là chính đáng về mặt kinh tế, nhất là với sức tiết kiệm rất cao của dân chúng. Nhưng, do tập quán cho vay theo diện chính sách như thời trước, các ngân hàng cấp phát tín dụng mà ít thẩm định rủi ro cho xác đáng, với hậu quả là đắp lên một núi nợ khó đòi, tức là nợ xấu, không sinh lời và có thể mất. Trong năm qua, trái bóng tín dụng bị thổi phồng và công ty thẻ tín dụng lớn nhất là LG Card bị khủng hoảng. Thói quen lâu đời khiến người ta tin là một công ty khổng lồ như vậy không thể phá sản, chính quyền phải bơm tiền đắp nợ và vô hình chung dung dưỡng lối kinh doanh bất kể rủi ro. Ngoài ra còn phải nói đến hiện tượng sơ cứng trong thị trường lao động và đặc biệt nhất là hiệu năng rất kém của guồng máy hành chính công quyền, một tàn dư của sách lược phát triển cũ.
Hỏi: Điều này đáng ngạc nhiên vì xưa nay dư luận vẫn nghĩ rằng hành chánh công quyền Hàn quốc có hiệu năng cao, hơn hẳn nhiều nước Đông Nam Á khác.
-- Sự thật không được như vậy và đây cũng là một hậu quả của sách lược phát triển cũ, khi hành chánh công quyền và doanh nghiệp được cả xã hội coi như một mũi nhọn cho công cuộc phát triển. Nói cho dễ hiểu thì ta có nạn kiêu binh hay công thần của các đại gia đình cầm đầu các chaebol lẫn viên chức nhà nước. Cuộc khảo sát mới đây của Viện Phát triển Kinh doanh Quốc tế trong một đại học tại Lausanne của Thụy Sĩ đánh giá thấp khả năng cạnh tranh của Nam Hàn vì guồng máy công chức. Cụ thể là vào năm 2003 vừa qua trong khi Trung Quốc đứng hạng 23 thì Nam Hàn đứng hạng thứ 35. Kể về hiệu năng hành chánh công quyền thì theo viện nghiên cứu này, trong vùng Á châu, Nam Hàn thua Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc và Nhật Bản, chỉ hơn được Philippines và Indonesia. Việt Nam không được khảo sát nên ta không biết. Giới tiểu doanh thương Nam Hàn nay bắt đầu than phiền là kinh doanh khó khăn vì ách tắc hành chánh. Ngoài ra, và hơi giống trường hợp Nhật Bản, chính quyền Nam Hàn cũng chú trọng đến công ty nội địa hơn nước ngoài nên sân chơi chưa thật bình đẳng đối với giới đầu tư quốc tế. Chúng ta có thể thấy ở đó mặt trái của chủ nghĩa ái quốc thái quá, và bên cạnh một Trung Quốc đang ráo riết cải cách thì đấy là một vấn đề lâu dài cho Nam Hàn.
Hỏi: Trở lại các tập đoàn công nghiệp, tương lai của chúng sẽ ra sao và Việt Nam rút tỉa được bài học gì ở đấy"
-- Trong hơn ba chục năm, chaebol Nam Hàn quả là những đầu máy tăng trưởng xuất khẩu, kéo theo sự tăng trưởng của cả nền kinh tế. Đó cũng là những cơ sở tuyển dụng lớn, tạo ra công ăn việc làm cho công nhân viên xứ này. Vụ khủng hoảng Đông Á khiến chúng bị tê liệt và giới lãnh đạo thường xuyên bị điều tra về những tệ nạn cấu kết và tham nhũng nên họ rơi vào thế thủ, thụ động tìm cách tồn tại, có khi còn duy trì hệ thống kế toán thiếu chính xác là điều được IMF nhắc nhở vừa rồi. Tình hình sẽ còn kém sáng sủa trong nhiều năm, cho tới khi một thế hệ doanh gia mới lên thay thế, với một cái nhìn khác về vai trò của mình trong thế giới. Việt Nam đã lầm tưởng rằng mình sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao nhờ các tổng công ty quốc doanh. Trong giả thuyết lạc quan là những đơn vị có lời nhất vẫn sẽ tồn tại mà không bị cổ phần hóa thì mình cũng sẽ lại thấy tái diễn nạn cấu kết giữa chính quyền, là đảng viên cán bộ cao cấp, với giới điều hành các tổng công ty cũng là đảng viên cán bộ cao cấp, trong khi Việt Nam không có được mức lợi tức và phát triển cao bằng Nam Hàn. Nếu dân Nam Hàn bắt đầu thấy các chaebol này là quá khứ mà Việt Nam lại coi đó là tương lai thì mình lại thêm một trường hợp tụt hậu nữa, bên cạnh một sự thể khác là Nam Hàn có dân chủ, với báo chí được tự do phanh phui tệ nạn cấu kết giữa chính quyền và doanh trường, Việt Nam thì chưa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.