Hôm nay,  

Tình Tỵ Nạn

27/01/200100:00:00(Xem: 4754)

Tuổi Sơn lớn hơn tôi cả con giáp, nên tôi đã từng gọi Sơn bằng chú.

Chú Sơn đi vào đời tôi bắt đầu từ một chuyến vượt biên vào tháng 9 năm 84. Tôi
còn nhớ rõ. Những kỷ niệm đầu đời không bao giờ xóa nhòa trong tâm trí tôi.

Vào ngày ấn định, chúng tôi nhận lệnh chủ tàu, đến tập trung trong mấy nhà
chứa, gần bãi vượt biên. Ban tổ chức đã chuẩn bị đầy đủ lương thực, nước uống,
xăng dầu. Chỉ chờ giờ H. là chúng tôi lên tàu. Bến Súc Bà Rịa một chiều vào
thu ánh sáng chan hòa với bóng tối. Chú Sơn cùng đám thanh niên khiêng dầu ra
bãi. Ai nấy âm thầm lặng lẽ. Người lớn không nói, không cười. Trẻ con có đứa
khóc the thé. Buổi chiều hôm đó, chúng tôi ăn bữa cơm tối trong nhà chứa, cũng
là bữa ăn cuối cùng trên đất nước Việt Nam thân yêu. Nơi chôn nhau cắt rốn hơn
hai chục năm mà nay vì hiểm họa Cộng Sản, vì hai chữ TỰ DO, phải tìm đường
tỵ nạn. Bây giờ tôi mới cảm nhận một điều: Ra đi là mất tất cả chứ không phải
là chết trong lòng một ít như người Pháp thường nói (Partir c'est mourir un
per).

Khoảng 7 giờ 30 tối, thuyền nhân được lệnh rời nhà chứa để gấp rút lên tàu.
Tuy hơi mất trật tự, nhưng mọi người cũng rán giữ yên lặng, chỉ vì sợ bể ổ thì
khổ cả đám. Lúc đó chủ tàu có mặt tại bãi biển, ổng cố trấn an chúng tôi:
"Công an đã nhận vàng đầy đủ, bà con đừng lo! Chúc thượng lộ bình an! Qua bển
nhớ viết thư về"! Bấy giờ chú Năm tài công, chú Liên hoa tiêu, chú Sơn ngoại
vụ... ai lo phần nấy, bắt tay vào việc. Mấy chú sửa soạn bản đồ, địa bàn, ống
nhòm, đèn pin... chừng 8 giờ tối thì tàu rời bến. Chiếc tàu mang số đăng ký DN
1049 TS dài 13 mét chở 108 người bắt đầu chuyến phiêu lưu một mất một còn.
Trên tàu, cụ già, bà lão bắt đầu cầu nguyện, trẻ con khóc lóc, mấy bà mẹ dỗ
dành. Trong đêm thanh vắng, tiếng máy tàu rền rền nổ, âm thanh đều đặn như ru
ngủ thuyền nhân. Không ai bảo ai, mọi người trầm tư mặc tưởng.

Khoảng 9 - 10 giờ tối, chúng tôi ra khỏi hải phận Việt Nam để tiến về phía
giàn khoan. Giữa vòm trời mênh mông, vầng trăng soi đường cho con tàu vượt
biển. Mùa đồng chung, gió nhẹ, biển êm. Những con sóng nhỏ vỗ về mạn thuyền
như trấn an người đi tìm đất Hứa. Bỗng dưng tôi nhớ nhà nhớ bạn, nhớ quê hương
lạ lùng. Cũng chính lúc này, tôi đã bắt gặp ánh mắt chú Sơn. Chú nhìn tôi co
ro một xó trong khoang tàu. Tôi co rúm người như một con mèo sợ rét. Còn chú
Sơn bình thản, tự tin hơn tôi...

Nhìn chú Sơn tôi rất an tâm. Thỉnh thoảng chú rọi đèn pin lướt qua mặt mọi
người để xem có ai gặp vấn đề gì chăng. Trên tàu người phụ trách cung cấp mì
gói, lương khô... nhưng chẳng ai buồn ăn, chỉ khát nước. Những chén nước nhỏ
bé quý giá hơn vàng đến tay mọi người như một ân huệ của Thượng Đế. Nước được
chia đều cho các thuyền nhân với tinh thần đồng cam cộng khổ. Cũng từ lúc này
đầu óc tôi suy nghĩ nhiều hơn. Hai mươi năm lẻ cuộc tình tôi bắt đầu bằng những
chén nước lạnh mà nhiều lần chú Sơn đã nhường cho... Tôi không biết nói gì hơn
ngoài ba tiếng "cám ơn chú".

Chừng nửa đêm, chú Năm, chú Liên thông báo tàu gần tới giàn khoan. Mọi người
trên tàu vơi đi phần nào lo âu sợ sệt. Con tàu vẫn đi... kẻ thức, người ngủ.
Có người mệt nhoài, nôn mửa, mặt mày nhợt nhạt vì say sóng. Đến gần sáng...
Tàu vào được hải phận quốc tế. Tôi không rõ đây là đâu, nhưng có điều chắc
chắn là những tàu buôn đi qua không phải tàu của công an Việt Cộng. Thế là
được rồi!

Sáng hôm ấy, ánh bình minh ló dạng. Những đợt sóng nhỏ vẫn tiếp tục lao xao
bên mạn thuyền. Tiếng máy tàu vẫn nổ rền êm ả. Mọi người thấm mệt, nhưng vẫn
lộ nét vui. Có điều lạ là ít thấy ai đòi đi toilet. Tôi nghĩ chắc vì họ sợ
quá... nên thức ăn trong bụng cũng phải co ro không dám tiêu hóa, sinh ra
bệnh táo bón tạm thời. Cũng nhờ thế mà mùi uế được giảm thiểu phần nào...

Rồi hoàng hôn xuống, rồi bình minh lên, trong ba ngày liền. Không một đe dọa,
không một khủng hoảng con tàu vẫn lướt sóng. Có khi tôi ra boong tàu hít thở
một chút. Không khí tự do quý giá làm sao! Dưới nước thỉnh thoảng có đàn cá
heo tung mình trên không như chúc mừng chúng tôi may mắn! Cũng có vài đợt sóng
lớn làm chao đảo con tàu, nhưng không đến nỗi hiểm nguy. Đến sáng ngày thứ tư
tàu bắt đầu tiến vào hải phận Nam Dương. Lúc bấy giờ chú Năm, chú Liên nói
chuyện với bà con nhiều hơn trước. Chú Năm lên boong tàu ngồi hút thuốc. Chú
cởi phăng chiếc áo thun, để lộ bộ ngực vạm vỡ, rám nắng y như chàng Vọi trong
truyện Trống Mái của Khái Hưng. Chú Năm vừa hút thuốc vừa ca vọng cổ, tạm thời
giao tay lái cho phụ tài công. Chú Liên cũng hân hoan, show off: "Tôi là "danh
ca" mà! Kinh nghiệm đi biển cùng mình! (Sau này tôi mới hiểu). Mấy chú là dân
đánh cá chuyên nghiệp, thảo nào lái tàu giỏi thế!

Chú Sơn thì khác, chú không phải là danh ca mà là Cựu quân nhân trong Quân Lực
VNCH và là thuyền nhân tỵ nạn... Chỉ khác một điều là trước khi vượt biên, chú
Sơn đã trải qua tám năm cay đắng, tủi hờn trong các trại tù cải tạo của Việt
Cộng.

Như tôi đã nói, ánh mắt chú Sơn nhìn tôi, dường như đã mang lại cho tôi một
niềm tin thiêng liêng nào đó. Tôi tự hỏi: "Định mệnh" Hay duyên số" Không lẽ
nào!! Rồi ý nghĩ đó chợt đến chợt đi, thật khó trả lời!"

Có lần tôi đánh bạo hỏi chú: "Sao trên tàu chú không tỏ vẻ lo sợ chút nào vậy""
Chú Sơn nhìn tôi mỉm cười trả lời vắn tắt: "I believe... you are My
Destiny..."(sau này tôi mới hiểu...) chú Sơn đã mượn lời hát của Paul Anka
(You are my destiny...). Phần tôi, tôi chỉ hiểu đơn giản Chú Sơn là người khả
ái như Chú Năm, chú Liên mà thôi.

Qua sáng ngày thứ tư, tàu chúng tôi thực sự cập bến đảo Natuna Nam Dương, tức
là vào những ngày đầu tháng mười năm 84, nắng Nam Dương ấm áp vô cùng. Người
Nam Dương da cũng sạm nắng như chú Năm. Họ cởi mở hiếu khách. Họ đón tiếp
chúng tôi bằng tình thương đồng loại. Ở đây, người Nam Dương đại diện cho thế
giới Tự Do để cứu vớt chúng tôi trên bước đường tỵ nạn.

Người Nam Dương đầu tiên chúng tôi gặp trên bán đảo này là viên sĩ quan Cảnh
Sát tên Saukady. Ông ta nói tiếng Anh không thạo lắm, nhưng dễ hiểu và rất sốt
sắng trong việc giúp đỡ chúng tôi. Lúc này chú Sơn đảm nhiệm vai trò đại diện
bà con trên tàu trong mọi sinh hoạt hàng ngày: như lập sanh sách xin lương
thực mùng mền, xin tắm rửa, vệ sinh. Nói chung, mọi nhu cầu cấp bách của chúng
tôi đều được Saukady đáp ứng.

Ở Natuna chừng năm hôm thì chúng tôi được lệnh lên tàu sang đảo Kuku. Đây là
bán đảo nhỏ tàu đi từ Natuna chỉ mất hai ba tiếng đồng hồ. Nơi này tuy mới tổ
chức trại tiếp nhận tạm cư, nhưng đối với chúng tôi đây là một ân huệ quá lớn.
Đảo Kuku có ban quản trị phân phối lương thực, thuốc men, lại có cả nhà thờ,
chùa, cho chúng tôi đi lễ.

Điểm đặc biệt là ngôi chùa nho nhỏ tọa lạc trên ngọn đồi xinh xinh. Muốn đến
lễ chùa, khách mộ đạo đi qua mấy bậc đá xanh thiên nhiên và vòm cây rợp bóng
mát. Các thầy, chú làm việc trong chùa là những người thiện nguyện phục vụ tín
ngưỡng đồng bào.

Dưới mấy tàn cây, lác đác vài ba bộ bàn ghế đơn sơ làm nơi nghỉ chân, hoặc
thuyền nhân dùng làm chỗ chơi cờ hội họp. Cũng chính nơi này, thỉnh thoảng chú
Sơn đến dạy Anh ngữ cho chúng tôi. Tóm lại cảnh sắc Kuku không thua gì chùa
Non Nước ở Đà Nẵng hay chùa Túy Vân thuộc quận Vinh Lộc tỉnh Thừa Thiên. Những
ai nhốn nháo với thế sự thăng trầm muốn an nhiên tự tại, khi đến Kuku tâm hồn
sẽ lắng dịu phần nào. Tức cảnh sinh tình, chú Sơn sau này đã viết tặng tôi hai
bài thơ "Cảm Tác" tới bây giờ tôi vẫn không quên:

Cảm tác 1:

Thương nhớ năm nào đảo Kuku,
Lao đao nhà lá khói sương mù.
Cỏ may đưa đẩy người qua biển,
Duyên phận trùng phùng khách viễn du.
Vách đá chập chờn tia nắng hạ,
Ven đồi bàng bạc ánh trăng thu.
Chim Nam vỗ cánh đời phiêu lãng,
Biết cạn cùng ai chén tạc thù"

Cảm tác 2:

Biết cạn cùng ai chén tạc thù"
Dặm ngàn hun hút bóng chinh phu,
Đôi bờ biên giới đời ngăn cách,
Một tiếng kinh cầu cõi tịch u.
Thất thế thương ai ngoài chiến trận!
Sa cơ tiếc kẻ chốn lao tù.
Tao nhân mặc khách ai về đấy"
Cho quá giang tình đến Kuku...

Đến đảo Kuku, chưa có việc gì để làm, ngoại trừ việc bắt cá, hái rau, làm bánh
bột mì chiên, và nghiền ngẫm cuốn tự điển Oxford mà chú Sơn cho tôi mượn..

Sau một tuần lễ sống trên đảo Kuku, chúng tôi được chuyển sang trại tỵ nạn
Galang khoảng giữa tháng 10 năm 84.

Đây là trại tỵ nạn với đầy đủ ý nghĩa của nó. Có Cao Ủy Liên Hiệp Quốc, có
bệnh viện, có trường học, có cả chùa chiền, nhà thờ. Cứ vài ba tuần các phái
đoàn từ Mỹ, Úc, Canada sang Galang để thanh lọc và nhận người tỵ nạn. Trại này
được chia làm hai: Galang 1 để tiếp nhận đồng bào tạm cư, Galang 2 cho những
người đã được các phái đoàn nhận và chuẩn bị định cư. Thời gian này chú Sơn
làm thiện nguyện cho World Relief: một tổ chức cứu trợ thế giới do Hội Thánh
Tin Lành Hoa Kỳ bảo trợ. Trung tâm này hướng dẫn cho đồng bào học một số ngành
nghề căn bản: Anh văn tiền huấn nghệ (pre-vocational Enlish),như cắt may, sửa
xe, điện toán, đánh máy... Mỗi khóa chừng vài tuần lễ. Mãn khóa, học viên được
cấp Certificate để khích lệ tinh thần...

Ở Galang, những người làm việc thiện nguyện mỗi tuần đều được lãnh 500 rupia
(tiền Nam Dương, tương đương với 40-50 US cents). Chú Sơn làm cho World Relief
mỗi giờ được lãnh 150 rupia. Chú dạy từ 10-15 giờ mỗi tuần. Tuy tiền bạc chẳng
là bao, nhưng chú vẫn "chơi sang". Cuối tuần, chú Sơn thường mời bạn bè đi
"coffee shop" (trong đó có tôi). Cuộc sống trên bán đảo này ngày qua tháng
lại, thật êm đềm, bây giờ mỗi lần nghĩ lại tôi vẫn còn luyến tiếc.

Có những đêm trăng thanh gió mát, chú Sơn thường mượn cây đàn Guitar. Chú đàn
cho tôi hát. Kỷ niệm trên hải đảo gợi cho tôi nhớ lại quán Gió, quán Tre ở
Sàigòn năm nào. Tiếng đàn, tiếng hát của Trịnh Công Sơn và Khánh Ly còn văng
vẳng đâu đây mà nay đã xa cách ngàn trùng. Cuộc đời tan hợp hợp tan nào ai
biết được!

Thế rồi, một biến cố lớn đến với chúng tôi. Cũng do biến cố này mà tình cảm
giữa tôi và chú Sơn càng gắn bó nhiều hơn. Chú Sơn bị sốt rét, phải đến điều
trị tại bệnh viện Galang một tuần lễ. Tôi nghĩ có lẽ chú Sơn đi tù cải tạo của
VC lâu quá, thể xác suy nhược, thế nên chú dễ bị nhuốm bệnh.

Tôi lo quá! Da chú xanh xao vàng vọt. Mắt chú trước đây tinh anh, lạc quan bao
nhiêu thì lúc này đờ đẫn bi quan bấy nhiêu! Khiếp thật!

Tôi không hiểu lúc ở bệnh viện, chú Sơn sợ chết hay tôi sợ chú Sơn chết. Tôi
không chắc! Biết đâu người sợ nhiều hơn lại là tôi! Rất có thể!

Suốt cả tuần lễ, ngày nào tôi cũng đi thăm chú Sơn. Gặp lúc tôi bận công
chuyện là lòng tôi như lửa đốt. Một chén cháo, một trái cam, một ly sữa từ bàn
tay tôi săn sóc chú Sơn chắc hẳn đã mang một ý nghĩa nào đó trong cuộc tình tỵ
nạn này! Cứ mỗi lần đứng bên giường bệnh chú Sơn là nước mắt tôi tự ý muốn
tuôn trào, tôi không tài nào ngăn được! Socrate nói: "Connais-toi toi-même"
(bạn hãy tự hiểu lấy mình). Nhưng làm sao tôi hiểu được tôi lúc này" Tôi chỉ
biết nghẹn ngào mấy tiếng: "Chú đừng chết nghe chú Sơn!" Mỗi lần nghe tôi nói,
chú Sơn lại mở mắt nhìn tôi, nở một nụ cười héo hắt,... rồi khẽ gật đầu: "Ừ,
anh phải sống"! Từ đó chuyện tình chú Đạt cháu Diễm trong tiểu thuyết Yêu của
Chu Tử, chuyện "Vòng tay học trò" của Nguyễn Thị Hoàng cứ lảng vảng trong tâm
trí tôi... Tôi không hiểu tôi săn sóc chú Sơn là do tình yêu hay vì nhân đạo"
Dù gì chăng nữa, tôi nghĩ có vẫn còn hơn không,... Sau đó chú Sơn qua khỏi
cơn bệnh ngặt nghèo...

Sinh hoạt trên đảo Galang vẫn tiến hành đều đặn suốt một năm trời: học Anh
văn, học nghề, làm thiện nguyện, đi lễ, làm tạp dịch Barrack...

Thế rồi việc gì đến, phải đến! Loa phóng thanh của trại loan báo danh sách đi
định cư: chú SƠn có diện đi Mỹ còn tôi đi Úc. Có điều trùng hợp lạ kỳ: Chúng
tôi rời Galang cùng ngày. Năm chiếc tàu con đưa chúng tôi qua Singapore và ở
đó ba ngày chờ máy bay. Chúng tôi cũng bay cùng ngày! Chỉ khác một điều: Chú
Sơn đi Mỹ buổi sáng, còn tôi đi Úc buổi chiều.

Phút cuối chia tay ở Singapore! Trời ơi sao mà thê thảm! Ruột rối như tơ vò...
Tôi còn nhớ rõ. Hôm đó tôi mặc chiếc áo đỏ! Màu phượng vĩ, màu chia tay... ngồi
sau ngưỡng cửa khách sạn Singapore đưa mắt nhìn ra chiếc xe buýt chở chú Sơn
đi phi trường. Tay vẫy chào mà mắt rưng rưng ngấn lệ. Tôi đâm ra lo sợ bâng
quơ. Nghĩ đến Galang, nghĩ đến chú Sơn bỗng dưng lòng tôi se lại.

"Người đâu gặp gỡ làm chi,
Trăm năm biết có duyên gì hay không!"

Tôi đang còn miên man với thơ Kiều, thì xe chú Sơn cũng vừa lăn bánh...

*

Ngày tháng qua lại hai năm trời. Chúng tôi kẻ ở Úc, người ở Mỹ, liên lạc nhau
bằng thư tín hoặc điện thoại hàng tuần. Thời gian này chúng tôi đã "đóng góp"
cho bưu chính và viễn thông Úc-Mỹ một chi phí không ít! Từ California thư cho
tôi, mỗi lần tái bút, chú Sơn thường viết: "Nếu em chờ thì anh qua". Vâng! Tôi
chờ! Tôi quyết định tôi chờ chú Sơn! Hồi còn ở Việt Nam tôi học được câu tiếng
Pháp trữ tình, thấy hay hay tôi thường dùng để viết tái bút cho chú Sơn:
"Après toi, mon coeur sera fermé pour toujoure".

Và tôi tự dịch lấy: (Ngoài chú ra, tim tôi mãi mãi khép kín). Chú SƠn không
phản đối mà chỉ kiên nhẫn chờ cho đến ngày tôi gọi chú bằng "Anh"..

Mùa xuân Úc Đại Lợi năm 87, khởi đầu bằng một ngày đẹp trời, nắng ấm... Tôi
được điện báo của Sơn từ Mỹ gửi qua: "Anh sẽ đến Úc vào đầu tháng 10 năm nay".
Tôi hồi hộp chờ đợi, mấy đêm liền không ngủ...

Nhận được tin vui, tôi bắt đầu tập sửa đổi cách xưng hô cho phù hợp với tình
nghĩa mặn nồng của Sơn dành cho tôi. Nhất là Sơn đã giữ lời, không phải
"Galang tình xù" như nhiều người thường nói hồi còn ở đảo...

Tôi thì thầm hai tiếng "anh Sơn", tuy còn vụng về, ngượng ngập, nhưng nghe
thanh thương và gần gũi làm sao!!...

Đúng ngày N... tháng 10 năm 87 chiếc máy bay Boeing 747 chở Sơn từ Los Angeles
đáp xuống phi trường Sydney. Và hôm đó coi như là ngày mà cuộc tình tỵ nạn của
chúng tôi dừng chân trên đất Úc...

Tôn Hồng Lê

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.