Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: Cớm, Libăng & Nội Chiến Mới?

13/02/200600:00:00(Xem: 6391)
LND: Từ sau vụ bạo động mang nhiều tính kỳ thị chủng tộc ở Cronulla trước Giáng Sinh 2005, những vấn nạn xã hội liên quan đến giới trẻ từ cộng đồng Li-băng Hồi Giáo trở thành đề tài thảo luận sôi nổi trong quần chúng qua các hệ thống truyền thông “chính mạch” của Úc. Giới chính trị gia, từ lãnh tụ đối lập Peter Debnam đến thủ hiến Morris Iemma đã nhanh nhẹn chụp lấy đề tài nóng bỏng này. Tuần qua, giám đốc Công Tố Viện NSW, ông Nicholas Cowdery QC đã thẳng thắn lên tiếng phê bình hành động này của cả hai người. Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí The Bulletin, ông khẳng định: “Việc bày tỏ quan điểm (của giới chính trị gia) về sự có tội hay không của một số cá nhân - hoặc một số nhóm - nhất định quả thật là đáng quan ngại và (việc này) có nguy cơ làm trì trệ những cuộc điều tra, khiến cho công cuộc thu thập bằng chứng khả dĩ có thể được chấp nhận trước tòa (admissible and probative evidence) trở nên khó khăn hơn. Những hành động ấy sau này cũng có thể có nhiều ảnh hưởng đến việc bằng chứng được chấp nhận hay không cũng như về việc những người bị cáo buộc có được xét xử công bình hay không”.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Cowdery cũng nhấn mạnh rằng “Tốt hơn hết thì quý vị chính trị gia không nên tìm cách trục lợi chính trị từ những vụ xét xử hình sự, ở bất kỳ thời điểm nào trong quá trình (xét xử) ấy”. Thế nhưng, quả thật giới chính trị gia khó bàng quan tọa thị mà không bày tỏ ý kiến khi có quá nhiều tin tức về những vụ phạm pháp ẩu đả từ giới trẻ thuộc một cộng đồng nào đó mà những tin tức này lại được những tay “cổ đỏ” (redneck - từ ngữ ám chỉ những kẻ kỳ thị) trong giới truyền thông dùng làm đề tài ngầm xách động kỳ thị. Thí dụ điển hình là trong tuần qua có hai vụ bạo động liên quan đến giới trẻ gốc Trung đông. Thứ nhất là vụ một người đàn ông tÿ nạn gốc Sudan (Phi Châu) bị một nhóm thanh thiếu niên Trung đông đánh hội đồng ở Auburn hôm thứ Ba 31/1/06 để cuối cùng chết trong nhà thương vào thứ Bảy 4/2/06. Thứ nhì là việc một vài thanh niên Trung Đông loạn đả, tấn công gây thương tích cho 5 thanh thiếu niên nam nữ ở Bondi vào khuya thứ Sáu 3/2/06, rạng sáng thứ Bảy 4/2/06. Để có một cái nhìn rõ rệt hơn về những vấn nạn xã hội của cộng đồng bạn hầu có thể cảm thông và thấu hiểu cùng phòng ngừa những vụ việc tương tự có cơ hội bộc phát lan tràn, xin mời quý độc giả theo dõi bài phóng sự tựa đề “Cops, Lebs And The New Civil War” (Cớm, Li-Băng và Cuộc Nội Chiến Mới) của hai ký giả Patrick Carlyon và John Lyons được đăng tải trên tạp chí The Bulletin số đề ngày 7/2/06, phát hành ngày 1/2/06.

*

Ông Michael Kennedy đã từng có kinh nghiệm đối phó, hoạt động với rất nhiều tội phạm gốc Li-Băng suốt nhiều năm trường. Một tên buôn nha phiến đã từng chĩa súng vào đầu ông khi hắn nhận thức được rằng ông là cảnh sát chìm. Trong quá trình hơn 20 năm phục vụ lực lượng cảnh sát, ông đã từng quen biết vô số ma cô, trộm đạo và những tay tội phạm tàn tệ hơn thế nữa, và ông mến thích không ít người trong số này. Những tay dân chơi tội phạm gốc Li-băng vẫn trung thành với ông khi ông bắt đầu truy đuổi những tên cảnh sát tham nhũng móc ngoặc trong thập niên 90. Có một lần, khi ông bố ráp tư gia một tay anh chị gốc Li-băng vào lúc 6g00 sáng, ông được họ mời ăn sáng. Ông hồi tưởng: “Nếu từ chối thì quả thật là quá sỗ sàng. Họ (những tay anh chị gốc Li-băng) không hung tợn như bọn găng tơ gốc Úc (da trắng). Họ ngay thẳng, đáng kính trọng hơn nhiều (more honourable). Mấy cái ổ nhện thường có dính líu tới bạch phiến và luôn có sự bóc lột, thế nhưng, các cô gái làng chơi dường như thích làm việc cho họ hơn là làm việc cho chủ Úc da trắng”.
Ông Kennedy được mời vào nhiều tư gia và qua đó, học hỏi tìm hiểu được nhiều về phong cách của người Li-băng. Các đại gia đình thường sống đoàn tụ với nhau. Những người tốt chăm sóc giúp đỡ những người xấu. Bất kỳ một sự tủi nhục xấu hổ nào mà gia đình phải gánh chịu đều được giải quyết trong nội bộ. Bà con xa (third cousins) được đối xử như anh em ruột thịt và phụ huynh lúc nào cũng được người bề dưới tuân lời, theo văn hóa mà ông Kennedy gọi là “phụ hệ qua hôn nhân” (patrimonial). Rất nhiều người là di dân từ miền Bắc Li-băng sau cuộc nội chiến năm 1975, đa số là nông dân nghèo khổ cố tìm cách sống còn trong thời loạn lạc. Trước đó, họ là thành viên của một hệ thống bà con giòng họ vô cùng phức tạp. Giới lãnh tụ địa phương cung cấp những dịch vụ cần yếu như dịch vụ xã hội, giáo dục và những dịch vụ khác để đánh đổi lại với sự trung thành tuyệt đối của dân trong làng, xã. Một số lãnh tụ rất công bằng. Một số khác thì lại rất khắc nghiệt. Nhà nước Li-băng gần như không cung cấp gì cả.


Trong số hơn 16,000 người di dân Li-băng định cư tại Úc trong khoảng thời gian 1975-1981 thì đa số là giáo dân đạo Hồi. Đấy là làn sóng định cư thứ nhì từ khi nội chiến bắt đầu. Trong khoảng thời gian 1947-1975 thì khoảng 43,000 người đến định cư tại Úc, đa số là Ki-tô Hữu và có một trình độ học vấn nào đó.
Những người đến Úc sau cuộc nội chiến rất vui mừng đã vượt thoát khỏi Li-băng, nhưng, nói chung, không cảm thấy có nhu cầu mãnh liệt để phải đồng hóa vào cái được gọi là “nếp sống Úc” (the Australian ways). Họ chật vật vất vả vì không có công ăn việc làm hoặc vì thiếu học thức. Một bản thống kê tóm lược của HĐTP Canterbury năm 1998 cho thấy trong số cư dân gốc Li-băng ở đấy thì 61% những người trên 15 tuổi không có bằng cấp gì cả. Đấy là những nguyên tố xúc tác cho việc hình thành những “khu gia cư ổ chuột” (ghetto dwellings). Dĩ nhiên là việc làn sóng người này đến Úc trong thời kinh tế suy thoái lại càng khiến cho vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Ông Kennedy cho biết, vì thế, rất nhiều người “nhúng tay sơ” vào những vụ việc phạm pháp để kiếm thêm tiền. Các tay dân chơi tội phạm Li-băng tiêu biểu, thường xuyên giúp đỡ và hợp tác với cảnh sát, một khi thu phục được lòng tin của họ.
Điều này có thể giúp cho người ta hiểu vì sao mà gã buôn nha phiến không bị truy tố sau khi chĩa súng vào đầu ông Kennedy. Lúc ấy, mặc dầu sợ vãi mồ hôi hột, nhưng đầu óc của Kennedy vẫn hoạt động thật nhanh nhẹn. Chuyện này có thể là “một sự đầu tư tốt”. Nếu sống sót thì ông sẽ nắm được một cái đòn bẫy khá lớn. Ông vốn hoạt động trong một thế giới mà những mối giây nhợ trung thành với gia đình và các quyền lợi mâu thuẫn chằng chịt như một mớ bòng bong. Và gã buôn nha phiến có những dữ liệu hữu dụng.
Ông Kennedy cho rằng những sự trao đổi tin tức dữ liệu như trên hoàn toàn bị tắc tị bắt đầu từ giữa thập niên 90. Bây giờ là một giảng sư xã hội học tại đại học UWS (University of Western Sydney), ông vừa hoàn tất luận án tiến sĩ phân tích một số những sách lược trị an của cảnh sát. Luận án cử nhân của ông năm 2000 cho rằng những căng thẳng xung đột trong thời gian qua là hệ quả của các chính sách cảnh sát trị an bị thay đổi xoay chiều thật đột ngột và nhanh chóng. Ông cho rằng lực lượng cảnh sát NSW, vì bị một cuộc “khủng hoảng đạo đức” (moral panic) - bắt nguồn một phần từ những bản tin giật gân từ giới truyền thông - nên đã phải chọn một sách lược “không nhân nhượng” là sách lược “không dung tha” (zero tolerance).
Tuân theo thượng lệnh, các cảnh sát viên thường xuyên chặn bắt xe cộ vì những vi hiến nho nhỏ. Họ liên tục chặn xét các cậu thanh thiếu niên trên đường phố. Những hành động như thế được cho là để chống lại tội ác. Thế nhưng, ông Kennedy cho rằng những việc như thế thực ra chỉ để đánh dạt đi quan niệm của quần chúng là cảnh sát quá nhẹ tay với tội ác, thế thôi. Oái oăm thay, qua vụ bạo động ở Cronulla và những vụ tấn công trả đũa thì cảnh sát cũng vẫn bị lên án là đã quá nhẹ tay với tội ác!
Ông Kennedy cho rằng chính cái sách lược “không dung tha” - zero tolerance - ấy đã đẩy những người gốc Li-băng ra xa khỏi xã hội hơn nữa, và dựng nên nhiều chướng ngại phân ranh như một cuộc chiến tranh giữa những kẻ thù không đội trời chung, một hoàn cảnh mà người Li-băng đã quá quen thuộc và có thể chiến thắng vì cuộc nội chiến quá dài trong lịch sử của họ. Ông viết: “(Cái chính sách ấy) đã khiến cho giới trẻ Li-băng bị đóng dấu, dán nhãn như những kẻ lầm đường lạc lối sai quấy và khiến họ bị sỉ nhục công khai. Và vì thế, đã giúp cho “sự phản kháng đầy nam tính” (protest masculinity) nẩy lộc, đâm chồi lớn mạnh hơn, tạo nên thái độ sai quấy hơn nữa. Cộng đồng Li-băng tin rằng sách lược cảnh sát trị an “không nhân nhượng” là một chính sách thiếu công bằng, đầy tính kỳ thị chủng tộc”.
Theo ông Kennedy thì việc biểu dương lực lượng có thể xoa dịu trấn an quần chúng nhưng đồng thời việc này cũng làm giảm thiểu rất nhiều những nguồn tin tình báo. Những chính sách nói trên đã đẩy cảnh sát cách xa khỏi những tập tục xã hội khá phức tạp của cộng đồng Li-băng, một tập tục và một văn hóa vốn là một tập hợp rời rạc vụn vặt của những giá trị truyền thống và cấp tiến, Kitô Giáo và Hồi Giáo. Bất kỳ một hình thức đàn áp nào cũng sẽ chỉ củng cố thêm cho hệ thống thân bằng quyến thuộc mà thôi. Ông nhấn mạnh: “Chính sách “không dung tha” cũng như những chính sách sử dụng con số và dữ liệu để điều hành giám thị năng suất làm việc đã biến cảnh sát trị an thành một thương nghiệp đầy tính cạnh tranh, thiếu trong sáng, dễ dàng bị chính trị chi phối. Một thứ thương nghiệp mà sự bao dung, quyền chuyên quyết của cảnh sát viên và những lời khuyến cáo không chính thức đều bị cho vào sọt rác của quá khứ vì người ta không thể nào tính sổ nó được”.
(Còn tiếp một kỳ...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.