Hôm nay,  

Thù Hận Khôn Nguôi

19/10/200000:00:00(Xem: 4423)
Nợ máu là hận thù sâu đậm nhất. Nhưng có nhiều loại hận thù. Huynh đệ tương tàn chỉ là vấn đề một thế hệ, dĩ chí hận thù giai cấp, hận thù tư tưởng người ta từng cố ý nung nấu thành đỏ lửa cũng chỉ thoáng qua trong một thời gian tương đối ngắn của lịch sử mỗi dân tộc. Chỉ có hận thù chủng tộc mới đáng sợ, nhất là khi xung đột chủng tộc bị trộn lẫn với những dị biệt, tranh chấp tôn giáo, nó trở thành truyền kiếp kéo dài lê thê trong lịch sử con người. Những biến động và xung đột đẫm máu lại tái phát giữa người Do Thái của Israel và người Ả Rập của Palestine trong suốt hai tuần từ cuối tháng 9 tiếp theo sau sự thất bại của cuộc hòa đàm Trung Đông lần chót. Biến cố này không làm ai ngạc nhiên, bởi vì những vấn đề tranh chấp quá phức tạp lưu cữu từ hàng ngàn năm trước, từ tranh chấp đất đai cho đến lòng tự ái dân tộc xen vào đức tin tôn giáo thành một mớ bòng bong không tài nào gỡ nổi.

Đợt bạo động mới nhất ở Trung Đông xuất phát từ cuộc viếng thăm của lãnh tụ đối lập Israel Ariel Sharon - một nhân vật bảo thủ cứng rắn - đến một địa điểm tôn giáo đang bị tranh chấp. Người Do Thái gọi đây là Đền Đồi, một thánh địa thiêng liêng nhất của Do thái giáo vì theo Thánh Kinh Cựu ước người Do Thái tin rằng nơi đây có nấm mồ của Joseph, người cha già của dân tộc Do Thái, và có những di tích của ngôi đền đầu tiên và đền thứ hai của Do thái giáo. Trong khi đó người Hồi giáo gọi đây là Haram as-Sharif (Đền Thiêng) vì nơi đỉnh đồi này có hai đền Hồi giáo, theo truyền thuyết Đấng Tiên tri Muhammad đã từ đây lên Trời. Đồi này đã từng là nơi xung đột đẫm máu trong các năm 1990 và 1996.

Cuộc viếng thăm của Sharon nơi linh thiêng đó giữa lúc hòa đàm bế tắc, bị người Ả Rập Palestine coi là một sự khiêu khích. Ngày hôm sau bạo động bùng nổ. Người Do Thái nói đó chỉ là hành động của một công dân tư nhân đến thăm thánh địa. Và Isarel đã dùng võ lực quân đội ngăn chặn bạo động. Cuộc xung đột lúc đầu chỉ có tính cách chiến thuật cục bộ nhiều hơn tôn giáo. Nhưng hai ngày sau quân đội Israel rút nhường cho lính cảnh sát Palestine canh giữ đền, chỉ vài giờ kế đó dân Palestine đã nổi loạn tràn qua hàng rào cảnh vệ, nổi lửa đốt mái ngôi đền mộ của Joseph, nậy đá tường quanh ngôi mộ và xé nát những trang giấy bản kinh cầu nguyện của Do thái giáo. Từ đó bạo động lan ra khắp nơi vùng Tây ngạn và Gaza, với những cuộc đụng độ và đập phá những di tích tôn giáo của hai bên. Nó đã manh nha một cuộc chiến tranh tôn giáo với những viễn tượng khủng khiếp làm các nhà lãnh đạo thế giới lo ngại.

Chiến tranh tôn giáo là một chuyện quái dị, nhất là riêng đối với Do thái giáo và Hồi giáo vì cả hai đều cùng chung một gốc, lấy Thánh kinh Cựu ước làm căn cứ diễn đạt. Nói chung về mọi tôn giáo, sự xung đột giết lẫn nhau lẽ ra không thể có, vì không có tôn giáo lớn nào trên thế giới chủ trương thù hận và tàn sát đồng loại. Các giáo lý của mọi tôn giáo và các đấng khai sáng đạo đều rao giảng thiện lương và bác ái, khuyến khích điều lành, ngăn cấm điều dữ. Con người là một sinh vật tàn bạo nhất trong muôn loài sống trên hành tinh này, nếu không có tôn giáo kiềm chế sự hung bạo đó, loài người chắc hẳn đã tận diệt từ lâu vì tàn sát lẫn nhau. Vấn đề chỉ là những người thừa hành mối đạo đã không theo đúng lời dậy của các vị giáo chủ.

Chiến tranh tôn giáo xuất phát từ kỳ thị tôn giáo. Đây là một khuynh hướng rất nguy hiểm, bởi vì trong cùng một tôn giáo nó đã đưa đến những sự xung đột về sự suy diễn đức tin cũng như về cách thờ phượng. Nhưng kỳ thị tôn giáo còn tệ hại hơn nữa nếu nó được dùng làm cái vỏ che đậy cho sự kỳ thị chủng tộc. Khi nhà thờ của những người da đen bị đốt ở Mỹ, những kẻ thủ phạm hiển nhiên đã phản lại lời Chúa, vì Chúa dậy tất cả mọi người bất luận thuộc chủng tộc nào đều là con của Chúa. Sự kỳ thị mầu da không phải chỉ xẩy ra ở một nước có đa số theo Thiên chúa giáo như Mỹ, mà còn xẩy ra ở những nước Hồi giáo lớn như Indonesia. Và gần đây nhất nước Libya Bắc Phi theo Hồi giáo cũng có nạn chém giết những di dân da đen đến từ Trung Phi hay Nam Phi.

Kỳ thị mầu da là di sản của loài người từ thời tiền sử, khi loài người còn bán khai họp từng bộ lạc sống trong hang, xung đột với những bộ lạc khác để tranh vùng săn thú kiếm sống. Di sản man rợ đó vẫn còn tiềm ẩn trong con người ngày nay ở bất cứ nước nào, và khi con nguời càng đông, sự cạnh tranh kiếm sống về kinh tế càng mạnh, tiềm thức kỳ thị người chủng tộc khác của thời bán khai đã nổi lên ở con người thế giới văn minh. Đây là những hành động phản lại lương tri, phản lại ý nguyện của đấng Tối cao và còn phản khoa học nữa. Những khám phá mới nhất của khoa khảo cổ đã tìm thấy những bằng chứng rõ rệt loài người trên Trái Đất đều chung một gốc xuất phát từ Phi Châu khoảng 2 triệu năm trước. Việc giải mã cuốn sách “Sáng Nhân Ký” cho thấy cuốn sách chỉ có một và chung cho cả nhân loại. DNA của con người đều cùng một loại, khác với loài vật.

Vậy mà giải quyết những hận thù về tôn giáo và sắc tộc không dễ. Vụ xung đột Ả rập-Do Thái ở Trung Dông dù có dàn xếp cho yên cũng chỉ được một thời gian, để rồi lại chém giết nhau nữa. Hận thù truyền kiếp không thể nào nguôi, như thế là tuyệt vọng chăng" Chúng tôi không nghĩ vậy, vì thời gian sẽ chữa lành. Thời gian có một liều thuốc mầu nhiệm là giúp con người học hỏi được nhiều hơn, tư duy mở rộng hơn, để tiến dần đến chân lý của sự sống. Sự tiến hóa trong lịch sử loài người đã đem lại bằng chứng đó. Và ngày nay với những tiến bộ của khoa học, những bước tiến đó sẽ mau hơn trước rất nhiều.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.