Hôm nay,  

Hồi Ký: Tôi Tìm Tự Do

13/02/200600:00:00(Xem: 6115)
(Tiếp theo...)
Tuần qua, đi Hội Chợ Tết, được gặp gỡ, trò chuyện với một số vị thân hữu trong cộng đồng, trong đó có nhiều vị hỏi tôi, tại sao làm báo đã bao nhiêu năm, mà bây giờ mới viết hồi ký" Để trả lời những vị đó, và cũng là để trả lời chung những thắc mắc của quý độc giả, tôi xin thưa nguyên do chính như sau.
Kể từ khi bắt đầu làm tờ báo Sàigòn Times vào đầu năm 1993 cho đến nay, nhiều người đã nghi ngờ tôi là Việt Cộng. Tôi không hề bao giờ coi những nghi ngờ đó là "chụp mũ, vu khống", vì tôi hiểu, những ai có nghi ngờ đó, đều hợp lý và chính đáng. Bản thân tôi tự xét, lý do đầu tiên khiến nhiều người dễ nghi ngờ tôi, vì quá khứ, tôi là một người đã sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Thêm vào đó, kể từ khi làm tờ báo Sàigòn Times, vì theo đuổi mục tiêu phụng sự cho chính nghĩa của người Việt tỵ nạn cộng sản và xây dựng, bảo vệ cộng đồng, nên đôi khi tôi ngây thơ và tin tưởng mọi người đã hiểu tôi, nên tôi viết bài mạnh dạn nói thật, nói thẳng những suy nghĩ của mình. Người bình thường nói thật nói thẳng đã dễ bị mất lòng, thì một người có quá khứ dép râu nón cối mà nói thật, nói thẳng, dĩ nhiên sẽ càng dễ bị nghi ngờ.
Ngoài ra, tôi được biết, cộng sản cũng tìm đủ mọi cách giảm thiểu hiệu quả chống đối trên báo Sàigòn Times bằng cách phao vu, nguỵ tạo đủ những tin tức thất thiệt về tôi, về tờ báo. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại.
Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được mọi người hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi thấy đã đến lúc cần phải nói rõ về cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của mình khi sống trong chế độ cộng sản, để quý độc giả thấy được, khi nào còn chế độ cộng sản trên quê hương Việt Nam, khi đó, dân tộc Việt Nam còn trầm luân, khốn khổ. Giữa thế kỷ 20, cộng sản Việt Nam, với sự tiếp tay của cộng sản quốc tế, đã chiến thắng trong cuộc cướp chính quyền và đô hộ Miền Bắc. Nửa cuối thế kỷ 20, cộng sản Việt Nam, cũng với sự tiếp tay của cộng sản quốc tế, tiếp tục chiến thắng trong cuộc xâm lăng và đô hộ Miền Nam. Cả hai lần chiến thắng của cộng sản chỉ đưa dân tộc Việt Nam đến bến bờ của tuyệt vọng, và những giá trị tinh thần, cùng nền văn hiến mấy ngàn năm của dân tộc bị băng hoại.
Vì vậy, trong hồi ký của mình, tôi cũng muốn kể lại những gian nan nguy hiểm, những may mắn, cùng những thương yêu đùm bọc, những tấm lòng nhân ái, đôn hậu vô bờ bến của những người người dân Miền Nam mà tôi đã trải qua trên đường vượt thoát chế độ cộng sản tìm tự do. Qua đó, tôi tha thiết hy vọng, tất cả những ai được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Miền Nam, đều thấy may mắn và tự hào với những giá trị nhân bản mà họ đã được ấp ủ, được bồi đắp. Và chính những giá trị nhân bản này sẽ là những yếu tố quan trọng làm hồi sinh đất nước, giúp cho dân tộc ta phát triển, sánh vai với các quốc gia trên thế giới.

TỪ ĐỘNG ÔNG ĐÔ ĐẾN ĐỒN CẢNH SÁT DÃ CHIẾN

Đầu năm 1972, cộng sản Hà Nội một lần nữa, chuẩn bị ráo riết mở chiến dịch xâm lăng VNCH thật quy mô. Tại mặt trận Quảng Trị, Thừa Thiên, Cộng sản tập trung 3 sư đoàn chính quy trong đó có sư đoàn 324B. Lúc đó tôi chỉ là người lính binh nhì thuộc đại đội thông tin hữu tuyến của sư đoàn 324B. Đơn vị của tôi được lệnh tiến lên Động Ông Đô, một căn cứ pháo binh của QLVNCH lúc đó đã triệt thoái. Tuy trước đó khoảng nửa năm, tôi đã theo sư đoàn 324B vô tận vùng rừng núi Nam Lào, rồi trở ra Bắc, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy quân trang, quân dụng của QLVNCH. Và chính những cuốn sách truyện, những trang báo, những tờ tạp chí, cùng những tấm hình, những vật dụng cá nhân, vứt bừa bãi trên Động Ông Đô vào thời gian đó, đã giúp tôi thấy được cuộc sống tự do của người dân, người lính VNCH. Điều này đã giúp tôi quyết định đi tìm tự do.
Điều quan trọng nữa khiến tôi đi tìm tự do là lúc đó, tôi thiệt ngạc nhiên và hoảng sợ khi chính mắt tôi chứng kiến những người bộ đội thuộc đại đội bộ binh, không phải binh chủng pháo binh, xúm vô mầy mò, sử dụng những khẩu pháo 105 ly, bắn bừa bãi về phía thị xã Quảng Trị. Tôi không biết những viên đạn pháo 105 ly trong những ngày "mở màn mùa hè đỏ lửa" đó, có gieo tai tóc tang thương cho người dân Miền Nam nào không, nhưng chỉ nhìn những người lính bộ đội hò hét, cười đùa, nhảy múa bên cạnh 3 khẩu pháo 105 ly, coi những phương tiện giết người bừa bãi đó như những đồ chơi, tôi hiểu rằng, cuộc chiến tranh của người cộng sản không những là cuộc chiến xâm lăng, mà còn là cuộc chiến gây tội ác bừa bãi. Chính những gì tôi được chứng kiến trong những ngày ngắn ngủi tại Động Ông Đô, đã khiến tôi thêm quyết tâm rời bỏ hàng ngũ cộng sản bằng mọi giá.
Những rời Động Ông Đô như thế nào để không bị chỉ huy và những người bộ đội khác phát hiện" Và trong hoàn cảnh hai bên đang giao tranh quyết liệt như vậy, liệu khi gặp tôi trong bộ đồ bộ đội, nón cối dép râu, những người lính, người dân VNCH có chịu để tôi sống hay không" Nếu tôi đi ban ngày, tôi dễ dàng trở thành mục tiêu cho cả hai bên. Nếu tôi đi ban đêm, sự bất ngờ xuất hiện trong đêm tối của tôi cũng cực kỳ nguy hiểm. Và liệu tôi có nên mang theo súng, lựu đạn, hay chỉ đi chân tay không" Nhất là chiếc nón cối trên đầu là dấu hiệu vô cùng nguy hiểm, khiến tôi có thể ăn đạn dễ dàng, trước khi tôi kịp thốt nên lời... Từ Động Ông Đô, ban ngày cũng ban đêm, tôi nhìn về hướng đông và thấy được thị xã Quảng Trị. Ban ngày thì nhìn thấy thị xã ở xa tít tắp chân trời. Ban đêm thì ở đó là cả một vùng ánh sáng hắt lên, đầy quyến rũ. Tôi giống như một con thiêu thân, khao khát ánh sáng tự do. Và tôi hiểu, với tấm lòng chân tình của tôi, với quá khứ cuộc đời đau khổ của tôi, với những kinh nghiệm đau thương của một người cha bị đấu tố địa chủ, và 5 người chị ruột đang ở trên mảnh đất Miền Nam, tôi tin tưởng, một khi tôi đặt chân trên vùng đất tự do của Miền Nam, tôi sẽ được đối xử tử tế trong vòng tay thương yêu của những người bạn, những người anh, người chú, người bác.... Tôi là con thiêu thân đam mê tìm đến vùng ánh sáng tự do, nhưng sẽ không chết gục như con thiêu thân, mà sẽ được lột xác để hóa thành bướm...


Tôi vừa nói đến ba chữ "thêm quyết tâm", vì từ khi bước vào tuổi 17, 18, tôi đã nung nấu quyết tâm từ bỏ chủ nghĩa cộng sản bằng mọi giá...
Là một thanh niên sinh ra và lớn lên trong xã hội Miền Bắc, tôi đã bị guồng máy tuyên truyền của cộng sản nhồi nhét hầu như mỗi ngày, mỗi giờ, từ lúc trên ghế nhà trường cho đến khi ra ngoài xã hội, từ trong sách vở giáo dục, đến phim ảnh, thơ văn. Tấm lòng ngây thơ trong trắng của tôi đã được chế độ cộng sản nhào nặn một cách tinh vi, từng bước từng bước, từ nhỏ đến lớn, khiến tôi ngây thơ đinh ninh tất cả những người địa chủ đều là những kẻ cùng hung cực ác, gây nên không biết bao nhiêu tội lỗi cho những người nông dân nghèo khổ. Tin tưởng như vậy, nên tôi đã sống trong mặc cảm của một người có tội, vì cha của tôi trong thời cải cách ruộng đất cũng là một người bị quy tội địa chủ, bị đấu tố, và ông cụ đã suýt bị tử hình, nếu khi đó không có vụ đội cải cách tử hình một ông địa chủ ở làng Sui về tội "phá hoại ném dây kẽm gai ở chân đê để ngăn cản không cho người đến cứu đê khi đê bị vỡ". Tôi không nhớ tên ông địa chủ làng Sui là gì, nhưng qua những lần cha tôi với cụ Lang An nói chuyện, tôi vẫn nhớ cả hai người đều hay nhắc lại kỷ niệm này trong nỗi niềm thảng thốt sợ hãi cùng niềm biết ơn đấng bề trên đã cho cha tôi sống sót.
Trong những năm cải cách ruộng đất, 1955-56, tôi mới có 4, 5 tuổi, nhưng tôi vẫn nhớ như in trong óc những kỷ niệm đói khát, cùng sự hành hạ của đội cải cách đối với cha tôi. Đến năm 1957-58, cha tôi được ông lang An truyền nghề thầy thuốc, nên phải đi chợ xa 6, 7 cây số để bán thuốc. Đến nay, tôi không còn nhớ tên chợ này, nhưng đó là quê hương của cụ đồ Tường ở ngay bến sông Châu.
Mỗi buổi sáng, khi tôi thức dậy, trong căn nhà nhỏ ở phố chợ, đằng trước có 2 cây hòe, chỉ có tôi và bà nội, lúc đó đã ngoài 90 tuổi. Trên tấm phản gỗ ở giữa nhà là một chiếc mâm gỗ, có đậy lồng bàn cho khỏi ruồi. Mở lồng bàn ra, bao giờ cũng có hai chén cơm nguội, một chén cho bà nội và một chén cho tôi. Bên cạnh là chén muối mè mặn chát, và một nắm cơm đã được cha tôi nắm lại thật chắc, cho bữa cơm chiều của hai bà cháu. Bữa sáng, tôi phải bưng cơm bưng nước cho bà. Bữa chiều, vì cơm nắm đã khô, nên tôi phải ăn hết vỏ cơm nắm, còn ruột cơm nắm thì tôi dầm nát, trộn với muối mè, chan ít nước lạnh rồi mới đưa cho bà.
Sau này, bà nội già hơn, lại bệnh tật nữa, nên cơm không ăn được, tôi phải thổi cơm, chắt lấy nước cơm đem cho bà. Vì là gia đình bị quy chụp tội "địa chủ", lại sống ở thôn quê, nên cuộc sống của gia đình chúng tôi lúc đó thật là cô đơn, ảm đạm và vô cùng thiếu thốn. Hàng xóm láng giềng, họ hàng cũng đều xa lánh. Đã vậy, mỗi khi đi ra ngoài, tôi còn bị trẻ em cùng lứa tuổi trong làng xúm vô bắt nạt, đánh đập, hoặc bắt tôi làm địa chủ để đem ra đấu tố. Trong những phiên xử như vậy, tôi bị bắt quỳ thật, bắt phải nhận tội thật, rồi bị đem ra xử bắn giả, và phải chết giả. Vì vậy, tôi rất sợ phải đi ra khỏi nhà. Tôi chỉ luẩn quẩn trong nhà, nghe bà tôi kể chuyện khi bà tỉnh táo, và chơi với con chó Mực. Mỗi buổi chiều, khi hoàng hôn xuống là tôi buồn lắm, và nhớ cha tôi vô cùng. Nhất là những chiều mưa, bóng tối xuống nhanh, tôi đứng ở hè nhìn trời mưa kèm với sấm chớp, và lúc đó tôi chỉ biết khóc và gọi thầm: "Cha ơi! Cha ở đâu, cha mau về với con!"
Mẹ tôi xa tôi ngay từ khi tôi mới đẻ, nhưng khi còn bé, tôi không hề biết chuyện đó. Tôi cứ đinh ninh mẹ của anh trai tôi cũng là mẹ của tôi. Đến khi biết suy nghĩ, tôi mới thấy trong cư xử, có sự khác biệt, nhưng không hiểu vì sao, nên tôi thấy tủi thân và đau khổ vô cùng. Bình thường, trong cuộc sống, bị phân biệt trong cư xử đã buồn tủi, huống chi trong hoàn cảnh túng thiếu, đói khổ của một gia đình bị quy chụp tội "địa chủ", thì sự phân biệt đó còn đau đớn đến đâu. Tôi biết mẹ của anh trai tôi tuy không phải là mẹ của tôi, nhưng đã có công nuôi tôi khôn lớn, và cũng đã thương yêu tôi lắm trong suốt những năm dài cho đến ngày tôi phải đi bộ đội. Tôi luôn luôn nhớ ơn mẹ, coi như mẹ ruột của tôi. Nhưng tình thương yêu đó vẫn không thể nào bù đắp được tình mẫu tử. Có lẽ vì vậy, nên tình yêu thương của cha tôi dành cho tôi thật mênh mông vô bờ bến.
Tôi không biết rõ vì sao, nhưng nhiều người trong gia đình vẫn bảo tôi là "Mẹ tôi đã bỏ tôi vì không thương tôi!" Tôi buồn lắm, và đau lòng lắm. Nhưng khi hỏi cha vì sao mẹ bỏ con thì cha tôi không nói, chỉ thở dài.
Vì bị cộng sản tuyên truyền, địa chủ là những người độc ác, nên năm tôi mới 12 hoặc 13 tuổi, trong một lần bị cha đánh đòn, tôi đã buột miệng hét lên: "Con thù cha! Cha không phải là cha của con!" Nghe vậy, cha tôi ngạc nhiên, run giọng hỏi: "Chí, mày nói gì" Sao mày lại căm thù tao"" Tôi vừa khóc vừa nói: "Cha là địa chủ! Cha có nợ máu với nhân dân!" Nói xong, tôi lùi ngay ra cửa, chân trước chân sau sẵn sàng bỏ chạy, vì tôi đinh ninh, nghe tôi nói vậy, cha tôi sẽ tức giận vô cùng. Nhưng trái với sự lo lắng của tôi, cha tôi chỉ trợn mắt nhìn tôi một lúc, rồi cha tôi thở dài, vứt roi xuống đất, ngồi xuống giường bất động không nói. Nhìn vẻ mặt đau khổ của cha tôi lúc đó, tôi thấy có cái gì đó kỳ lạ mà mãi mấy năm sau tôi mới hiểu. Thì ra đó là sự đau khổ của người cha, vô cùng thương yêu con, bỗng nhiên tuyệt vọng nhận ra, đứa con thương yêu của mình đã bị đảng cộng sản nhuộm đỏ, nên nó đã trở thành kẻ phản bội chính cha ruột của nó! Và khi tôi hiểu được nỗi đau khổ của cha tôi, hiểu được lỗi lầm tôi đã phạm, tôi đã mang niềm đau đớn xót xa cùng nỗi ân hận thấm sâu vào lòng, trong suốt những tháng năm còn lại của cuộc đời. Và từ đó, tôi đã hận thù cộng sản bằng tất cả sự uất ức, đau đớn của chính mình. (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.