Hôm nay,  

Tin Úc Châu

22/05/200500:00:00(Xem: 5168)

HY VỌNG CHO CÔ SCHAPELLE CORBY
ÚC ĐẠI LỢI: Một bức thư gồm hai đoạn được viết bởi Chính phủ Liên bang gửi tới các luật sư của Schapelle Corby đã tạo cho cô gái Úc này một cơ hội chót có thể được phóng thích. Lá thư được viết bởi Bộ Ngoại giao Úc này nội dung của nó đã được tiết lộ buổi tối Chủ Nhật - là tài liệu chứng thực lập luận chủ yếu của phe bị cáo: rằng một người nào đó đã bỏ ma túy vào chiếc túi của cô Corby mà cô ta không hề biết.
Bức thư này xác nhận cảnh sát đang điều tra các nhân viên phụ trách hành lý tại phi trường Sydney bị cho là đã dính líu đến một tổ chức chuyển lậu ma túy, và Chính phủ đồng ý cho các luật sư được sử dụng bức thư này trong bất cứ cố gắng nào nhằm thuyết phục các quan tòa trong vụ án Corby. Và một điều rất quan trọng là bức thư nói rằng cảnh sát tin tưởng nhóm nhân viên phụ trách hành lý bị tình nghi đã làm việc trong ngày 8 tháng Mười - cùng ngày mà Corby quả quyết là ma túy đã được bỏ vào chiếc túi của mình.
Theo lời yêu cầu bởi nhóm luật sư bào chữa cho Corby, bức thư này sẽ được trình bầy trước ba vị quan tòa quyết định số phận của cô Corby trong ngày 27 tháng Năm. Cô gái 27 tuổi bị buộc tội chuyển lậu ma túy khẳng định rằng 4,1 ký cần sa được bỏ vào chiếc túi của cô bởi một người lạ. Trong bức thư gửi tới luật sư Nam Dương Lily Lubis, người bào chữa cho Corby, ngày thứ Sáu tuần qua, Đệ nhất thứ trưởng Bộ Ngoại giao Úc Rod Smith đã xác nhận cảnh sát đang điều tra một hoạt động ma túy tương tự tại phi trường Sydney.
Mặc dù bức thư rất ngắn và không đề cập đến tên của cô Corby, những người ủng hộ hy vọng nó có thể giúp nhóm luật sư thuyết phục các quan tòa không kết án cô Corby. Ông Smith viết rằng: “Theo sau một cuộc điều tra hỗn hợp, được thực hiện trong thời gian sáu tháng, Cảnh sát Liên bang Úc và Cảnh sát NSW đã phá vỡ một nhóm người ở Sydney liên hệ đến hoạt động chuyển lậu ma túy. Cảnh sát hiện đang điều tra một số nhân viên phụ trách hành lý tại phi trường Sydney về các hoạt động vận chuyển ma túy này.” Ông Smith nhấn mạnh rằng hoạt động ma túy này xảy ra trong ngày 8 tháng Mười năm ngoái - cùng ngày mà cô Corby rời khỏi Úc để đến nghỉ mát ở Bali.
Bẩy tháng bị giam giữ trong một xà lim chật hẹp rõ ràng đã làm tổn hại đến sức khỏe của cô Corby. Hôm thứ Bẩy, cô đã viết một bức thư rất cảm động gửi tới vị Thủ tướng Úc, nài nỉ ông đưa cô về nước. Cô viết rằng: “Kính thưa ông Howard, là một người cha và một nhà lãnh đạo, tôi van nài ông giúp đỡ. Tôi đã không phạm tội này. Tôi cầu xin sự công lý. Tôi không biết có thể chịu đựng được bao lâu nữa trong hoàn cảnh này. Xin ông đưa tôi về nước.....”
Mặc dù rất xúc động bởi lời van xin của cô Corby, ông Howard đã xem nhẹ sự gợi ý ông nên can thiệp vào hệ thống luật pháp của một quốc gia khác để đạt được sự tự do cho cô Corby. Vị Thủ tướng nói rằng: “Tôi không thể can thiệp vào hệ thống luật pháp của một quốc gia khác. Tôi không thể và sẽ không làm điều này.”

NHIỀU NHÂN VIÊN PHI TRƯỜNG BỊ MẤT VIỆC VÌ LIÊN HỆ MA TÚY
SYDNEY:Có tới 25 nhân viên phụ trách hành lý tại phi trường Sydney sẽ bị cho nghỉ việc vì bị nghi ngờ dính líu đến một tổ chức buôn lậu ma túy. Tờ The Daily Telegraph có thể tiết lộ mạng lưới chuyển lậu ma túy này hoạt động rộng lớn hơn được nghĩ lúc ban đầu. Cảnh sát Liên bang Úc và NSW Crime Commission đang đặc biệt chiếu cố một nhóm sáu nhân viên, gồm một nhân viên lâu năm, và một người đã bị cho nghỉ việc trong tuần qua.
Một cuộc điều tra bởi The Daily Telegraph cũng tiết lộ rằng mỗi tuần có từ ba tới bốn nhân viên phi trường Sydney đã nói dối hoặc không nói về hồ sơ phạm tội của họ khi nạp đơn xin việc làm. Dù với chứng cớ của sự gian lận hoặc các nhân viên phạm tội, Bộ trưởng Cảnh sát Carl Scully đã bác bỏ đề nghị bố trí cảnh sát NSW mặc thường phục hoạt động tại phi cảng Sydney. Người ta biết rằng Transport Worker Union đã kêu gọi việc kiểm tra lý lịch bắt buộc tất cả các nhân viên vận chuyển hành lý kể từ khi cuộc tấn công khủng bố 11 tháng Chín, 2001, nhưng Qantas đã phản đối biện pháp này. Các nguồn tin cho biết một nhân viên vận chuyển hành lý đã bị cho nghỉ việc trong tuần qua và đã bị phòng an ninh Qantas tước giấy chứng minh là người đáng tin cậy. Theo một người trong cuộc, có tới 25 người nữa được trông đợi sẽ bị cho nghỉ việc trong nay mai. Và một nguồn tin khác xác nhận một số nhân viên sẽ bị sa thải nhưng không nói rõ là bao nhiêu.
Người ta biết rằng sự ngờ vực về một nhóm chuyển lậu ma túy bắt đầu khi một số nhân viên thay đổi hoạch định nghỉ holiday, từ ngày 7 tháng Mười tới ngày 9 tháng Mười, để chắc chắn họ có mặt để tiếp nhận một kiện hàng 10 ký cocaine bị trễ trong ngày 8 tháng Mười. Cũng trong ngày này, chiếc túi đựng ván trượt nước của cô Schapelle Corby được vận chuyển qua phi trường Sydney. Nó được tìm thấy chứa 4 ký cần sa khi cô ta bị bắt ở Bali.
Trong khi đó tờ The Daily Telegraph biết được rằng trong cuộc kiểm tra tính trung thực của tất cả các nhân viên mới và cũ làm việc tại phi trường trong năm ngoái đã có ít nhất 12 người làm việc trong các khu vực an ninh cao đã bị sa thải bởi các cổ đông gồm Qantas, Virgin và Sydney Airports Corporation. Mỗi tuần có tới bốn người bị phát giác nói dối về lý lịch phạm tội của họ. Hầu hết là các sự phạm tội nhỏ, nhưng một số người phạm các tội ma túy và trộm cắp. Trong một trường hợp, một người từ Tân Tây Lan quả quyết anh ta “trong sạch hoàn toàn” nhưng đã bị phát giát có một lịch sử phạm tội bạo động rất dài.
Ông Geoff Askew, người chịu trách nhiệm an ninh của Qantas, nói rằng có một hồ sơ phạm tội không cản trở người ta có việc làm, thế nhưng bất cứ ai bị phát giác gian dối trong đơn xin việc của họ đều bị bác một cách tự động. Ông cho biết con số những người thoát được cuộc kiểm tra tính trung thực của Qantas thì “rất nhỏ”. Trong khi đó Bộ trưởng Vận tải Liên bang John Anderson nói rằng kể từ cuối năm 2003, việc kiểm tra lý lịch nhân viên đã được thắt chặt hơn nhưng một số ít người vẫn có thể lọt lưới.

HÀNG TRĂM CÁ VOI BỊ SĂN BẮT TRONG VÙNG BIỂN ÚC!
ÚC ĐẠI LỢI: Hơn 400 con cá voi đã bị giết để mổ thịt trong vùng biển của Úc kể từ khi một khu vực ẩn náu cho loài vật này được thành lập trong năm 2000 để bảo vệ chúng, bởi một quyết định của Chính phủ Liên bang không ngăn chặn các chiếc tàu đánh bắt cá voi. Các tài liệu gửi tới Tòa án Liên bang tiết lộ rằng Chính phủ đã một cách có chủ ý không cố gắng ngăn chặn các chiếc tầu săn cá voi của Nhật hoạt động trong khu vực kinh tế riêng biệt (EEZ) vì một số lý do, gồm lý do các chiếc tầu đánh cá này di chuyển quá mau lẹ.
Thay vì thế chính phủ đã đặt ra một danh sách các lời chỉ dẫn cho các nhân viên Úc hoạt động ở Nam Cực, Australian Antarctic Division, phải làm những gì khi đối đầu với một chiếc tầu đánh cá của Nhật. Các lời chỉ dẫn gồm quay video các hoạt động của tầu đánh cá, cố gắng liên lạc với nó, nhận diện nó và thu thập bất cứ tin tức nào mà có thể sử dụng làm chứng cớ luật phát trong các phiên tòa có thể xảy ra trong tương lai. Tuy nhiên, tài liệu này tiết lộ rằng các luật lệ Úc được tạo ra để bảo vệ khu vực EEZ quanh Nam Cực nơi giờ đây là khu vực ẩn náu của cá voi- mà theo đó hình phạt hai năm tù cho hành động săn giết các con cái voi đã chẳng bao giờ được thi hành.
Theo một tài liệu được đệ trình lên Tòa án Liên bang từ Bộ trưởng Tư pháp Philip, “Vì các lý do...[các vấn đề ngoại giao] Chính phủ Liên bang không cố gắng ngăn chặn, lên tầu và bắt giữ các chiếc tầu đánh cá Nhật săn bắt cá voi trong khu vực EEZ, kế cận lãnh hải Nam Cực của Úc. Ngoài điều này ra còn có các khó khăn thực tế về hậu cần, chặn bắt và leo lên các chiếc tầu được trang bị máy móc tối tân chạy rất nhanh và sự khắc nghiệt của vùng biển Southern Occean.”
Tài liệu đệ trình này được đưa ra hồi đầu năm nay trong một cố gắng để ngăn chặn một vụ án được tiến hành bởi tổ chức Humane Society International, nhằm buộc Chính phủ phải thi hành nghiêm túc các luật lệ của nó. Tuy nhiên tờ The Daily Telegraph vừa biết được rằng Chính phủ Úc đã vận động thành công Anh Quốc và Hoa Kỳ tham gia vào một phái đoàn cao cấp được gửi đến Tokyo nhằm buộc Nhật phải nhượng bộ.
Bộ trưởng Môi Sinh Ian Campbell nói rằng Thủ tướng hoàn toàn ủng hộ hoạt động ngoại giao này một phái đoàn cao cấp nhất được gửi đến để khuyến cáo về các hoạt động của một quốc gia. Và rất có thể điều này sẽ xảy ra trong ba tuần tới trước khi ủy ban về Cá Voi Quốc tế hội họp ở Nam Hàn để quyết định về đề nghị xin gia tăng số lượng săn bắt cá voi của Nhật. Lần đầu tiên kể từ năm 1966, Nhật muốn bắt đầu trở lại việc săn bắt Humpback Whales, loại cá voi có bướu ở lưng đang chỉ mới bắt đầu hồi phục từ mức độ cực thấp. Quốc gia này cũng đang cố tìm cách để gia tăng số lượng săn bắt cá voi Minke Whales lên thành 800 con, dưới sự ngụy trang nghiên cứu khoa học.
Thủ hiến Bob Carr ngày hôm qua đã lên tiếng đòi hỏi Chính phủ Liên bang phải có hành động tức khắc để ngăn chặn việc săn bắt cá voi. Ông nói rằng: “Chẳng có điều gì có thể bào chữa được cho sự an nhiên tọa thị về vấn đề cấp thiết này. Chính phủ Liên bang phải thi hành luật lệ của đất nước Úc.” Trong cùng lúc Thượng nghị sĩ đảng Xanh Bob Brown tuyên bố nước Úc nên đình chỉ mọi cuộc đàm phán mậu dịch với Nhật nếu người Nhật cứ tiến hành các kế hoạch săn bắt loại cá voi Humpback Whales ở vùng biển Nam Cực.

CÔ NỮ SINH CHIẾN THẮNG: ĐƯỢC QUYỀN MẶC CHIẾC ÁO HỒI GIÁO
SYDNEY: Cuộc tranh đấu của một cô gái theo đạo Hồi để được phép mặc chiếc áo dài tôn giáo đã kết thúc trong chiến thắng sau khi có sự can thiệp của Bộ Giáo Dục. Yasamin Alttahir, một thiếu nữ Hồi giáo Shi’ite sinh đẻ ở Iraq, đã tranh đấu với trường Auburn Girls High sau khi được bảo không được mặc một chiếc áo dài tôn giáo, “mantoon”, đến trường học. Sau khi mặc chiếc áo mantoon trong suốt hai năm, trong tháng Ba vừa qua cô nữ sinh 17 tuổi này đã được bảo cho biết nó không phù hợp với chính sách đồng phục của nhà trường.
Nguyên tắc về đồng phục của trường học công lập này đã được đề ra trong năm ngoái với sự trợ giúp của các lãnh tụ cộng đồng Hồi giáo địa phương. Nó liệt kê các loại quần áo thích hợp cho học sinh mặc đến trường, gồm các chiếc váy dài và khăn che đầu, nhưng không hề nói đến chiếc áo mantoo. Bộ Giáo Dục đã can thiệp sau khi cô Alttahir đe dọa kiện lên Cơ quan Chống Kỳ thị NSW về điều mà cô nhận thấy là cách đối xử không công bằng đối với việc mặc chiếc áo dài tôn giáo này.
Một phát ngôn nhân của Bộ Giáo Dục nói rằng: “Phù hợp với chính sách về đồng phục của nhà trường, gia đình của nữ sinh này ủng hộ sự mong muốn của cô con gái mặc chiếc áo mantoo.” Trong khi đó trường học này nói rằng họ đã không được thông báo một cách chính thức bằng một lá thư ngắn từ cha mẹ của nữ sinh Alttahir đồng ý cho phép cô mặc chiếc áo mantoo. Cô Alttahir cho biết cô đã không nói với cha mẹ về sự cần thiết để viết thư tới trường học.
Khi tờ The Daily Telegraph liên lạc với Alttahir buổi trưa Chủ Nhật, cô đã không được thông báo cho biết về sự thay đổi trong nguyên tắc đồng phục của nhà trường. Cô nữ sinh này hỏi rằng: “Như vậy tôi được phép mặc chiếc áo mantoon phải không" Không còn sự tranh cãi nào nữa chứ"" Cô thiếu nữ này đã thảo luận với cha mẹ về diễn tiến mới này trước khi nói rằng cô không nghĩ cuộc tranh đấu đã kết thúc cho tới khi nhận được một lời chính thức từ trường học hoặc Bộ Giáo Dục.

TÀI XẾ BỊ BẮT QUả TANG GửI SMS TRONG KHI LÁI XE BUÝT
SYDNEY: Một tài xế xe buýt chính phủ bị bắt quả tang đang gửi text trên điện thoại di động trong khi lái một chiếc xe buýt chở 60 học sinh từ trường về nhà. Hai học sinh 13 tuổi đã dùng điện thoại di động để chụp hình người tài xế vi phạm luật lệ trong buổi chiều thứ Sáu. Hai em Briana Montgomery và Madeleine Hill đã nhìn thấy người tài xế lấy ra chiếc điện thoại di động, và đã chăm chú vào một cuộc trò chuyện SMS thay vì tập trung vào việc lái xe trên đường.
Hai học sinh này kể rằng người tài xế xe buýt đã gửi text suốt 15 phút và hai mắt chú tâm vào chiếc điện thoại. Briana kể rằng: “Tôi để ý thấy ông ta rút một thứ gì đó ra khỏi túi và rồi nhận ra nó là chiếc điện thoại di động. Ông ta chăm chú vào chiếc điện thoại suốt 15 phút đồng hồ.” Các học sinh ngồi gần phía trước của chiếc xe buýt nói rằng thoạt tiên chúng cảm thấy vui vui, nhưng rồi trở nên rất lo lắng và có đứa đã dùng điện thoại di động để chụp hình người tài xế.
Bộ trưởng Vận tải John Watkins nói rằng hành động nguy hiểm của những tài xế xe buýt sử dụng điện thoại di động trong khi lái xe là điều hiển nhiên, và đang có một cuộc điều tra về vấn đề này. Ông phát biểu rằng: “Tôi rất quan tâm về lời tố cáo này. STA đang điều tra và tôi trông đợi họ sẽ có những hành động thích đáng.” Và một phát ngôn viên của State Transit nói rằng cuộn video trên xe buýt sẽ được xem xét trong cuộc điều tra nội bộ. Trong khi đó ông Peter Debnam, phát ngôn nhân đối lập đặc trách vận tải, nói rằng người tài xế nên bị truy tố bởi cảnh sát và sa thải ngay tức khắc.
State Transit có quyền hạn sa thải bất cứ tài xế xe buýt nào bị bắt sử dụng điện thoại di động trong khi đang làm việc. Mới đây các tài xế được khuyến cáo trong một bản tin nội bộ về vấn đề này. Tổ chức công đoàn Rail, Tram and Bus Union nói rằng họ không tha thứ hành động này của các tài xế. ở tiểu bang NSW, các tài xế sử dụng điện thoại trong khi lái xe bị phạt tại chỗ $225 đô-la và có thể bị mất ba điểm.

DOUGLAS WOOD VẪN CÒN SỐNG
ÚC ĐẠI LỢI: Một giáo sĩ Hồi giáo ở Úc bay sang Iraq để giúp giải thoát cho con tin Douglas Wood vừa cho biết, ông Wood vẫn còn sống và những kẻ bắt cóc được mong đợi sẽ công bố các điều kiện mới cho việc thả tự do cho ông ta, trong vòng 48 tiếng đồng hồ kể từ Chủ Nhật. Giáo trưởng Sheik Taj Eideen Alhilali, lãnh tụ tinh thần của cộng đồng Hồi giáo Úc, đã nói với một trong các viên phụ tá của ông ta ở Sydney buổi tối thứ Bẩy rằng viên kỹ sư 63 tuổi, người bị bắt cóc cách đây một nửa tháng, vẫn còn sống.
Theo phát ngôn nhân Keysar Trad, giáo sĩ Alhilali cho biết một lời nhắn được nghĩ từ nhóm người bắt cóc ông Wood đã được đọc trên một đài truyền hình ở Iraq, nói rằng ông Wood vẫn còn sống và thời hạn cuối cùng đã được gia hạn, nhưng không nói đến khi nào. Ông Trad nói rằng giáo sĩ Alhilali đã một cách độc lập nhận được các dấu hiệu cho biết ông Wood vẫn còn sống và những kẻ bắt cóc có thể xét đến việc giảm bớt các điều kiện để thả tự do cho ông ta. Và các đòi hỏi có thể ít hơn điều kiện lúc ban đầu - triệt thoát toàn bộ quân đội Úc ra khỏi Iraq.
Ông Wood đã bị bắt cóc bởi một nhóm cực đoan có tên gọi là The Shura Council of the Mujahideen of Iraq. Ông Wood được nhìn thấy trong một cuốn video thứ hai được trình chiếu trên đài truyền hình ả Rập, al Jazeera, trong cuối tuần qua, với đầu bị cạo trọc và hai mắt bị sưng húp, trong đó những kẻ bắt cóc đã đặt ra một thời hạn cuối cùng cho việc rút quân đội Úc ra khỏi Iraq. Và thời hạn chót này đã trôi qua mà không có tin tức gì cả.
Người anh của ông Wood ở Canberra cho biết vẫn không nhận được tin từ giáo sĩ Alhilali về các diễn biến này và Bộ ngoại giao Úc nói rằng đang cố gắng xác định nguồn tin này. Hôm thứ Bẩy, giáo sĩ này đã nài xin những kẻ bắt cóc cho phép chuyển khẩn cấp thuốc men cho con tin. Ông Wood mắc chứng bệnh tim, áp huyết cao và tê thấp. Các chứng bệnh này có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị. Gia đình ông Wood đã thực hiện một cuộn video ở Canberra và sẽ được chiếu trên truyền hình Iraq lần đầu tiên buổi tối Chủ Nhật. Những hình ảnh này cho thấy ông Wood với cô con gái và các cháu ngoại, miêu tả ông là người vui thú cuộc sống gia đình, mắc phải những chứng bệnh nguy hiểm và không liên hệ đến bất cứ tổ chức chính trị nào.

NGƯỜI PHỤ NỮ BỊ TRỤC XUẤT SAI TRÁI SẼ TRở LẠI NƯỚC ÚC!
ÚC ĐẠI LỢI: Người đàn bà Úc bị trục xuất một cách sai trái về Phi Luật Tân trong năm 2001 đã đoàn tụ với người chị hôm Chủ Nhật vừa qua. Bà Vivian Young, 42 tuổi, đã rất khó khăn để nhận ra người chị cùng cha khác mẹ, Cecilia Solon, trong buổi đoàn tụ tại một tu viện Thiên chúa giáo, nơi bà đã sống ở đó kể từ khi bị tống ra khỏi nước Úc. Bà Young được miêu tả bởi bà Solon là rất “dè dặt” trong cuộc đoàn tụ này.
Người chị cùng cha khác mẹ lâu năm không gặp này nói rằng: “Về mặt thể chất, cô ấy không thể tự chăm lo lấy thân và về mặt tâm thần, tôi không nghĩ cô ấy ổn định.” Người phụ nữ Úc sinh đẻ ở Phi này cũng đã được phỏng vấn bởi các viên chức lãnh sự Úc, và họ đã đề nghị trợ giúp ngay tức khắc để bà ta có thể trở về Queensland, nơi hai đứa con 16 và 9 tuổi đang sống.
Thế nhưng người em trai tên Henry Solon, một cư dân Brisbane, nói rằng đại gia đình gồm 14 người, gồm các anh chị em, đang xét đến việc kiện vụ trục xuất sai trái này. Ông Solon nói rằng: “Chúng tôi sẽ cố gắng vận động để được bồi thường, tôi không phải là loại người muốn kiếm tiền nhưng chúng tôi muốn làm điều này không chỉ cho Vivian nhưng cũng cả toàn thể gia đình.”
Được biết Tổng lãnh sự Frank Evatt đã chuyển các lời xin lỗi của Thủ tướng John Howard và Bộ trưởng Di trú Amanda Vanstone về việc đối xử với bà Vivian. Bà Solon cho biết cô em gái đã tỏ ý muốn trở về Úc ngay lập tức, nhưng đã thay đổi ý định vì không có đủ sức khỏe để thực hiện chuyến đi này. Khi được hỏi về các đứa con, bà Vivian đáp rằng: “Tôi hy vọng chúng vui vẻ và khỏe mạnh.” Sau đó bà Vivian đã hỏi bà Solon: “Chị có vui khi gặp em không" Chị có sẽ chăm sóc cho em không"”
Ông chồng cũ Robert Young, người đã cùng với bà Vivian đến Úc trong năm 1984 trước khi hai người chia tay trong cuối thập niên 1990, nói rằng một cách tự nhiên ông cảm thấy khuây khỏa khi người mẹ của đứa con trai 16 tuổi của ông được tìm thấy còn sống. Đứa con trai nhỏ hơn đã được cho biết về tình trạng người mẹ của nó và đang nhận được sự cố vấn tâm lý, em đã được nhận làm con nuôi kể từ đầu năm 2001.
Trong giữa năm 2001, bà Vivian Young, cũng được biết với cái tên Vivian Alvarez đã được đưa vào bệnh viện sau một tai nạn xe hơi gần Lismore, một thị trấn ở North Coast. Chính tại bệnh viện Lismore, nơi bà Vivian Young thu hút sự chú ý của các nhân viên Di trú và đã bị bắt giữ sau khi rời khỏi bệnh viện. Và bà đã bị trục xuất một tuần lễ sau. Bà Solon cho biết đã hỏi người em tại sao không liên lạc với gia đình bà, sống ở Cebu, sau khi bị trục xuất về Phi Luật Tân. Bà Solon nói rằng: “Cô ấy nói với tôi không nhớ có một gia đình ở Phi Luật Tân, có lẽ tai nạn xe hơi đã làm cô ấy bị mất trí nhớ.”
Chính phủ Liên bang đã bác bỏ một cuộc điều tra hoàng gia về vụ trục xuất sai trái này. Thủ tướng John Howard nói rằng hoàn cảnh của bà Vivian Alvarez “rất đáng buồn” và ông hứa Chính phủ sẽ làm tất cả những gì để giúp bà trở lại nước Úc, nếu đây là điều mà bà Alvarez mong muốn. Vụ trục xuất sai trái này là thêm một thất bại nữa của Bộ Di Trú, theo sau vụ giam giữ trái phép bà Cornelia Rau, người bị bệnh tâm thần, trong suốt 10 tháng. Vụ án của bà Vivian Alvarez đã được chuyển tới một cuộc điều tra đang được thực hiện bởi cựu giám đốc cảnh sát liên bang Mick Palmer, người cũng đang xem xét vụ án của bà Rau. (Coi thêm chi tiết bài Thời Sự Nước Úc dưới đây)

HAI NGƯỜI NỔ SÚNG VÀO TRẠM CảNH SÁT LAKEMBA ĐƯỢC TRẮNG ÁN!
SYDNEY: Một bồi thẩm đoàn đã xóa hết mọi lời buộc tội cho hai người đàn ông nổ súng vào một trạm cảnh sát ở vùng tây-nam Sydney cách đây vài năm. Một cảnh sát viên đã bị trúng bởi các mảnh kiếng và bốn người khác may mắn không bị thương khi trạm cảnh sát này bị tấn công bằng một loạt đạn. Tư lệnh cảnh sát NSW lúc đó, ông Peter Ryan, nói rằng ông đã chẳng bao giờ nhìn thấy bất cứ điều gì tương tự vụ nổ súng này bên ngoài các khu vực chiến tranh- và ông nói thêm rằng tình trạng bạo động ở Sydney đã bước vào một “tình thế hoàn toàn mới”.
Vụ nổ súng này cũng đã kích động sự căng thẳng chủng tộc, với cộng đồng Lebanese đe dọa kiện Thủ hiến Bob Carr vì đã liên kết một băng đảng Lebanese với vụ tấn công này. Hai người đàn ông bị buộc tội nổ súng, Michael Kanaan và Wassim El Assaad, đã được tuyên bố trắng án hôm thứ Hai vừa qua sau một phiên tòa kéo dài 2 tuần rưỡi. Kanaan, 29 tuổi, và El Assaad, 28 tuổi, đều không nhận tội nổ súng với ý định gây thương tích trầm trọng.
Tòa được cho biết đã có ít nhất 16 viên đạn đã được bắn từ bốn vũ khí khác nhau khi một chiếc xe Commdore bị mất trộm đậu trước trạm cảnh sát buổi sáng ngày 1 tháng Mười Một, 1998. Công tố viên nói rằng El Assaad đã lái chiếc xe với Kanaan ngồi ở ghế trước cả hai thủ các khẩu súng ngắn 9mm- và hai người đàn ông khác ngồi ở ghế sau. Ông Giles Tabuteau cho rằng Kanaan và El Assaad thuộc một nhóm đã hoạch định và thực hiện vụ nổ súng này để dạy cho cảnh sát một bài học vì đã “làm phiền người Lebanese, chặn xe của họ hỏi giấy tờ và thường làm họ tức giận”.
Bồi thẩm đoàn được cho biết Kanaan bị cho là đã nói rằng trạm cảnh sát Bankstowm là mục tiêu kế tiếp. Tuy nhiên phe bị cáo đã công kích tính trung thực của hai nhân chứng các người bạn cũ của Kanaan và El Assaad- những kẻ mà công tố viên đã dựa vào để chứng minh vai trò của họ trong vụ nổ súng này. Luật sư Paul King, người bào chữa cho El Assaad, tranh luận rằng lý lẽ của công tố viên chỉ dựa và lời khai không đáng tin cậy và bất nhất của các nhân chứng, những kẻ có “động lực rất lớn để nói dối”. Ông King nói rằng chẳng có chứng cớ pháp y độc lập nào liên kết cả hai bị cáo với vụ nổ súng này.
Chiếc xe Commodore mất trộm đã bị đốt cháy ngay sau khi vụ nổ súng, phá hủy bất cứ chứng cớ DNA hoặc dấu tay nào. Trong khi đó luật sư Chris Simpson, người bào chữa cho Kanaan, nói rằng các nhân chứng đã được miễn tố để đổi lấy các chứng cớ của họ và không được công bố danh tính. Sau thời gian nghị án một ngày rưỡi, bồi thẩm đoàn quyết định Kanaan và El Assaad không phạm tội. Tuy nhiên hai người đàn ông này đã bị gửi về nhà giam vì các tội khác không liên hệ đến vụ nổ súng.

DÂN CHÚNG ĐANG VẬN ĐỘNG CẤM LÁI 4WD VÀO SÂN TRƯỜNG HỌC!
NSW: Các chủ nhân của những chiếc xe four-wheel drives (4WD) có thể sẽ bị buộc phải hoàn tất một khóa huấn luyện đặc biệt trước khi được phép cầm tay lái. Ông Raphael Grzebieta, một chuyên gia về xe hơi, đã nói với một cuộc điều tra về những cái chết bất thường rằng các tài xế “cần nhận thức” một chiếc 4WD hoàn toàn khác với một chiếc xe hơi bình thường. Cuộc điều tra này đang xem xét có nên cấm các chiếc 4WD chạy vào sân của các trường công lập NSW hay không.
Cuộc điều tra được thực hiện sau cái chết của bé Bethany Holder trong năm 2002, em bị cán ngay trong sân trường Pittwater House, Collaroy, bởi một người mẹ của các học sinh khác lái một chiếc Nissan Patrol. Giáo sư Brzebieta, chủ tịch của Autralian College of Road Safety, đã ví việc trẻ em né tránh các chiếc 4WD trong sân trường giống như những người lớn đi bộ quanh một bãi đậu xe vận tải semi-trailer - trong cả hai trường hợp đều không thể được nhìn thấy dễ dàng bởi các tài xế.
Giáo sư Grzebieta đã nói với cuộc điều tra rằng các tài xế 4WD nên có một bằng lái đặc biệt, chứng minh họ có thể đối phó với những khó khăn riêng biệt của loại xe đó. Sự huấn luyện này nên bao gồm những khoản mà người tài xế không nhìn thấy (blind spots) và sự thiệt hại có thể mà các chiếc 4WD có thể gây ra. ở bên ngoài tòa án, giáo sư Grzebieta phát biểu rằng: “Họ cần phải thấu hiểu chiếc xe họ đang điều khiển, cũng giống một tài xế vận tải - chúng ta có các bằng lái đặc biệt cho tài xế vận tải, do vậy tôi nghĩ nên có một khóa huấn luyện đặc biệt cho các chủ nhân của những chiếc 4WD. Họ cần phải biết họ đang lái một chiếc xe nặng hơn một chiếc xe hơi bình thường rất nhiều.”
Trong khi đó bà Jacqueline Milledge, viên chức điều tra về những cái chết bất thường, nói rằng chủ nhân của những chiếc 4WD thường nhận thấy các chiếc xe của họ như những vật đệm riêng, nhằm bảo vệ họ không bị va đập mạnh. Bà nói thêm rằng: “Chẳng có lý do gì bé Bethany Holder bị giết chết một cách oan uổng như vậy.” Ông Daniel Holder, cha của bé Bethany, kể rằng ông đã chứng kiến đứa con gái bị cán lên người bởi chiếc xe 4WD, được lái bởi bà Joan Waterhouse, một phụ huynh vừa bỏ các đứa con xuống sân trường học. Chiếc Nissan Patrol mầu đỏ của bà Waterhouse lúc đó đang quẹo vào một chỗ đậu thì nó cán phải bé Bethany. Bà Waterhouse bị xử phạt 250 giờ làm việc cộng đồng và bị treo bằng lái ba năm.

BỊ TÙ VÌ CƯỠNG DÂM HỌC SINH!
HOBART: Một cô giáo 24 tuổi đã bị buộc nhiều tội liên hệ đến tình dục, gồm một tội cưỡng dâm một bé trai. Cô ta bị buộc sáu tội liên hệ đến bốn cậu bé 14, 15 và hai 16 tuổi. Người phụ nữ Tasmania này đã bị buộc một tội hãm hiếp, ba tội giao hợp với một vị thành niên dưới 17 tuổi, một tội có hành động tục tĩu với vị thành niên và một tội hành hung đi kèm với hành vi đồi bại.
Cô ta bị buộc tội buổi tối Chủ Nhật và xuất hiện tại Tòa án Sơ thẩm Hobart hôm thứ Hai. Một đơn xin xử kín không có sự hiện diện của giới truyền thông và công chúng đã gửi tới tòa án. Chánh án Hobart Ian Matterson đã đồng ý lắng nghe và xét xử vụ án này trong một phiên tòa kín. Người phụ nữ này đã bị từ chối cho tại ngoại và bị chuyển về nhà giam để xuất hiện trở lại trong ngày 9 tháng Sáu.
Trong một vụ án riêng biệt hồi đầu tháng, một cựu giáo viên Victoria đã bị tù 6 tháng ở sau khi làm tình với một thiếu niên học sinh.

HảI QUÂN ÚC CẦN ƯU THẾ TRÊN KHÔNG
CANBERRA: Bộ trưởng Quốc phòng Robert Hill vừa để ngỏ cửa cho Úc trang bị các chiếc tầu hải quân với loại phi cơ chiến đấu tối tân nhất, “jumper jet” stealth fighters. Hôm thứ Hai Chính phủ tuyên bố sẽ tiến hành giai đoạn kế tiếp của kế hoạch mua 100 chiến đấu cơ F-35 Joint Strike Fighter của Hoa Kỳ, trị giá tổng cộng $15 tỷ đô-la. Câu hỏi lớn còn lại là liệu một số trong 100 chiếc phi cơ Úc này sẽ có khả năng cất cánh và đáp xuống thẳng đứng (STOVL) hay không.
Một quyết định cuối cùng sẽ không đưa ra cho mãi tới 2008, nhưng Úc chắc chắn sẽ là một khách hàng mua các phi cơ chiến đấu mới để thay thế cho các phi đội F-111 và F/A-18 quá cũ kỹ của Không lực Úc. Đợt phi cơ đầu tiên sẽ được giao trong năm 2010, thế nhưng những người chỉ trích nói rằng sự chậm trễ có thể khiến đất nước này bị phơi ra một cách nguy hiểm.w

Hải quân Hoàng gia Anh, Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ và Không lực Hoa Kỳ đều đang mua những chiến đấu cơ STOVL, loại phản lực cơ có thể được bố trí trên các chiến hạm hoặc tại những phi trường nhỏ, những nơi mà các chiến đấu cơ bình thường không thể hoạt động được. Thượng nghị sĩ Hill xác nhận các cuộc thảo luận đang xảy ra trong Bộ quốc phòng về việc mua một số phi cơ STOVL. Có tới 20 chiếc jump-jets sẽ được bố trí trên hai chiến hạm mới rất lớn được đóng cho Hải quân Úc, tăng cường khả năng để phóng xa sức mạnh quân sự của đất nước này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.