Hôm nay,  

Kể Chuyện Gia Đình/Chuyện Tình/Kỷ Niệm/Chia Xẻ: Có Phải Vậy Không?

14/01/201700:00:00(Xem: 3532)
Mời Tham Dự Kể Chuyện Tình, Chuyện Gia Đình, hay Kỷ Niệm, Hồi Ức, Chia Xẻ

Kể Chuyện tình, Chuyện Gia Đình, Kỷ Niệm, Hồi Ức, Chia Xẻ … là mảnh sân chung dành cho tất cả quí vị độc giả. Các bạn có thể kể chuyện tình, đời sống hôn nhân, hay chuyện gia đình, chuyện nuôi dạy con, kỷ niệm thời đi học, thời tuổi trẻ, tuổi thơ, những hồi ức …. của bạn, hay chia xẻ những bài viết hữu ích nói về tình yêu và đời sống gia đình cho tất cả bạn đọc Việt Báo và Việt Báo Online cùng thưởng thức hay học hỏi từ chuyện tình/chuyện gia đình, bài viết của bạn.

Có biết bao nhiêu chuyện để kể, tâm sự, chia xẻ, các chuyện vui, truyện ngắn, truyện dài … Mời bạn viết hay sưu tầm và gửi cho Việt Báo, hoặc eMail cho: giadinh@vietbao.com hay minanguyenha@yahoo.com

Trang Gia Đình/ Chàng&Nàng chờ chuyện tình, chuyện gia đình, hay bài chia xẻ của bạn.

Tuần này là bài viết của chị Lại Thị Mơ. Cám ơn chị Mơ đã chia xẻ nhiều bài viết của chị đến với độc giả của trang Gia Đình Việt Báo.

CÓ PHẢI VẬY KHÔNG?

Lại Thị Mơ

Từ ngày qua Mỹ, tôi mới biết chữ tomboy để chỉ những bé gái, nhưng leo trèo nghịch ngợm như con trai.

Bên Việt Nam mình thì không có chữ cho riêng những tomboy. Các bà mẹ khi thấy con gái mình không yểu điệu thục nữ, thì chỉ chép miệng bà mụ nắn lộn. Theo các bà, con gái thì phải chơi các trò chơi của con gái như: chơi búp bê, chơi nấu cơm, chơi giải gianh, chơi ô quan, chơi banh đũa. Chứ có đâu mà xắn quần lên (vì con gái không được mặc quần xà lỏn) chơi đá cầu, đá banh, đánh khăng, đánh đáo...

Ngoài trò chơi, con gái phải nói năng nhỏ nhẹ, từ tốn. Nói những lời nói nhẹ nhàng dễ nghe, chứ không phải nói kiểu ba bựa, dùi đục chấm mắm cáy. Nhưng mà con trai thì muốn nói thế nào cũng không bị bắt lỗi.

Khi lớn lên dù có bị bà mụ nắn lộn, thì đàn bà con gái vẫn bị xã hội phong kiến, trói bằng những luật lệ bất thành văn, truyền từ hồi ông

Khổng Tử lớn lên. Bởi vì chính ổng là người tuyên truyền, phổ biến cái luật tam cương ngũ thường của ổng. Tam cương là ba cách đối xử của quần thần với vua (bảo hoàng hơn cả nhà vua), phụ tử( hiếu thảo), phu thê (phu thê tương kính). Ngũ thường là nhân lễ nghĩa trí tín.

Tam ngũ này thì cũng đúng 90%, ngoại trừ bảo hoàng hơn cả nhà vua, thì phải xét lại. Ông vua gian ác mà cứ phò hoài là mình cũng đồng tình với gian ác. Chẳng hạn “ông vua” HCM theo cộng sản làm cho quê huơng dân tộc khốn đốn, lầm than.

Ông Khổng Tử này không có công bằng chút nào. Chủ thuyết của ông cứ lẫn lộn đúng đúng sai sai (vô lý). Làm cho người ta cứ lơ mơ (confused). Chẳng hạn ông nói tam tòng chỉ dành cho phái nữ. Con trai thì không hề nói phải cái gì, nhưng con gái từ lúc còn nhỏ: tại gia tòng phụ. Lớn lên đi lấy chồng thì phải nhất nhất nghe lời ông chồng: xuất giá tòng phu. Ông chồng chết rồi thì phải nghe lời con (trai): phu tử tòng tử.

Xã hội phong kiến lại quan niệm gái chính chuyên chỉ có một chồng. Có nhiều người chồng chết chưa kịp có con, cũng ở vậy luôn. Nhiều khi mới lấy độ một hay hai năm, con còn nhỏ xíu mà chồng chết cũng phải ở vậy.

Quả thật tư tưởng phong kiến đì người phụ nữ quá đáng. Họ đặt ra những chữ thật kêu, như tiết hạnh khả phong (mục đích để ngăn cản người goá phụ bước thêm bước nữa). Còn không thì về làm mẹ kế để nuôi con chồng, vì nuôi con chồng còn hơn bồng cháu ngoại (không được ơn, vì nó là cháu của bà nội nó).

Khi nhóm Tự lực văn đoàn ra đời, họ đã nhìn thấy điều bất công này đối với phụ nữ. Nhiều tác phẩm như nửa chừng xuân, lạnh lùng… ra đời.

Nửa chừng xuân nói về nỗi khổ của (cô Mai) người vợ phải lấy một người chồng không yêu, do cha mẹ sắp đặt. Về nhà chồng thì bị nạn mẹ chồng nàng dâu, và các cô em chồng hành hạ (giặc sông Ngô không bằng bà cô bên chồng). Người đàn bà có ăn học, khi về làm dâu trong một gia đình ít học, lại càng bị ghét cay ghét đắng. Và còn bị mang tiếng tân thời dù chỉ muốn mang kiểu tóc ngắn. Nhất nhất mọi thứ đều phải tuân theo người có quyền lực nhất nhà, đó là bà mẹ chồng. Khi con bệnh, thay vì tới Bác Sĩ, thì lại phải chữa theo mấy ông thầy pháp cho uống tàn nhang nước thải, vô cùng phản khoa học. Đưa đến hậu quả, đứa bé đã chết oan uổng,vì không được quyền làm trái ý bà mẹ chồng (ngu xuẩn).

Con của cô nhưng là cháu của tôi. Một câu nói vô lý như thế, mà xã hội vẫn cứ coi như chuyện bình thường.

Còn trong tác phẩm lạnh lùng của Nhất Linh. Cô Nhung còn tràn đầy nhựa sống, lấy chồng chẳng bao lâu thì chồng chết, để lại một thằng con nhỏ. Cô phải nén mọi cảm xúc, phải tắt lửa lòng. Cô không dám vượt qua khỏi quan niệm cổ hủ của xã hội lúc bấy giờ. Cô phải ở vậy nuôi con, phụng dưỡng mẹ chồng. Để cả hai bà goá xứng đáng với danh hiệu tiết hạnh khả phong trong con mắt của mọi người thời đó. Thật là vô nhân đạo, bất công cho người phụ nữ tuổi Xuân còn tràn trề nhựa sống, mà phải cam chịu thiệt thòi, để được cái danh hão.

Nói về những bất công của phụ nữ trong xã hội phong kiến thì còn rất nhiều. Vì họ rất ích kỷ, và có ác ý rõ ràng. Ví dụ tật bó chân phụ nữ khi còn rất nhỏ. Chẳng qua họ thấy hai chân chỉ dùng để đi, còn lại những bộ phận khác vẫn không ảnh hưởng. Thế là họ dùng những chữ rất hoa mỹ: bó chân để dáng đi yểu điệu thục nữ, khoan thai nhẹ nhàng. Vấn đề là họ đã bắt đứa bé gái phải bó chân khi còn rất nhỏ,khi chân chưa phát triển. Như vậy quyết định đó đâu phải của người muốn bó chân. Phải chăng họ muốn người đàn bà chỉ quanh quẩn trong nhà, dùng hai tay làm việc nội trợ và sinh con đẻ cái. Khỏi lo đi ra ngoài, vì đã bị biến thành người tàn tật, theo đúng ý của những người áp đặt.

Tôi không phải là tomboy vì tôi không biết chơi đá banh, đánh đáo. Nhưng ngay từ nhỏ tôi đã nhìn ra rất nhiều bất công cho phụ nữ. Khi chưa tới 10 tuổi, vì là con gái, tôi phải phụ mẹ làm việc nội trợ, rửa chén, lau nhà, còn con trai chỉ có học và chơi.

Một đứa bé gái nhỏ rửa chén lau nhà thấy bình thường, trong khi mấy thằng anh tuổi teen thì cứ tha hồ rong chơi thả diều, đá banh cả ngày. Khi đói thì về lục cơm ăn, quần áo thay ra có người giặt.

Con gái không được la cà ngoài đường, vì con gái là con của người ta, con dâu mới thật mẹ cha mang về.

Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô. Có 10 cô con gái cũng là bỏ đi, không những thế còn lo ngay ngáy. Vì con gái được coi như hũ mắm đầu giường, hoặc trái bom nổ chậm. Vô hình chung, người ta coi con gái là thứ nguy hiểm, có thể gây phiền phức cho cha mẹ.

Học giỏi ở trường, ngoan hiền đảm đang việc nhà, đứa con gái nhỏ là tôi, khi lớn lên được gọi là tay hòm chìa khóa của mẹ. Nhưng người kỳ vọng lại là những cậu con trai ăn chơi nhong nhỏng.Tư tưởng phong kiến ăn sâu vào suy nghĩ, đến độ người ta coi đấy là chuyện bình thường.

Ông ngoại tôi là con trai duy nhất làm trưởng họ. Trưởng nam lắm ruộng nhiều trâu. Một trăm cái giỗ đổ đầu trưởng nam.

Ngoại trừ phải làm giỗ( mỗi tháng vài lần), ông ngoại tôi còn có một bổn phận phải có con trai để cái họ (last name) của mình kéo dài mãi mãi.

Nỗi lo buồn của ông tôi, là điều đau buồn cho bà ngoại tôi. Vì bà đẻ ra một dọc 10 cô con gái, bà đẻ hoài đẻ hoài, ráng kiếm cho được một cậu con trai nối dòng. Khoa học đã chứng minh, không có con trai đâu phải lỗi của bà. Nhưng bà vẫn thấy mình có tội, nên bà ráng đẻ, đẻ liên tiếp tới độ, tôi có hai bà dì sinh cùng năm (Tây) cách nhau 11 tháng.

Cuối cùng thì bà ngoại tôi cũng sanh được một cậu con trai út, bằng một giá rất đắt:đó là hy sinh mạng sống.

Bà tôi sinh nhiều quá nên bị băng huyết, khi chở tới bệnh viện thì không kịp nữa. Mê tín dị đoan đã làm cho quan tài của bà không được quàn trong căn nhà mà bà đã phải thức khuya dậy sớm lo toan mọi việc.

Bây giờ bà đã thành ma. Người ta dựng một cái rạp bằng lá ở cuối vườn để làm đám tang cho bà.

Khi lớn tôi đã cảm thấy nghẹn ngào, tủi thân khi mẹ tôi mắng mỏ “tôi có cả đống con trai, chẳng cần nhờ đến cô đâu”.

Đã bao lần tôi oán giận những tư tưởng phong kiến đã trói buộc hành hạ bà tôi, rồi tới mẹ tôi.

Cháu bà nội tội bà ngoại. Bà ngoại nâng niu trìu mến cháu ngoại, nhưng đó là tài sản thuộc về bà nội của nó. Bà (ngoại) chết cháu được ăn xôi, hai tay hai nắm bà ơi là bà! Thật là suy nghĩ cay độc, gán cho đứa cháu ngoại là kẻ vô ơn bạc nghĩa.

Ngay cả cách gọi đã thấy một sự kỳ thị rõ rệt. Khi dịch (nôm na) in là nội, “in- grandma” đó là Mother of father, còn out là ngoại, out- grandma là Mother of mother là tụi Mỹ làm chung hiểu liền.

Sau đó tụi nó còn hỏi: tại sao lại gọi in và out. Tôi đã cười mỉa mai: quan niệm của xứ tao con gái chỉ ở tạm trong nhà mẹ đẻ, khi lấy chồng thì gia đình chồng mới là gia đình thực sự của họ. Cả đám con gái Mỹ làm chung đã hét lên no way! My mom is my mom forever. Mày không nghe người ta gọi là mother in-law hả. À thì ra thế, chỉ là in- law thôi mà. Khi mà anh đường anh, tôi đường tôi thì quyền hạn của mấy bà mẹ chồng cũng chấm dứt. Đó là nói chuyện thời Tự lực văn đoàn, chứ thời này mẹ chồng phải sợ con dâu. Còn đâu cái thời mà con dâu phải than thở:

Vì chồng phải lụy mụ gia.

Chứ tôi với bà: có bà con chi.

Người ta bảo rằng: đàn bà tu 10 kiếp mới được thành đàn ông. Thế mà bây giờ bên VN đàn ông con trai cứ chạy qua Thái Lan (cho rẻ) để chuyển giống thành đàn bà. Ở dưới quê người ta cũng không thích có con trai. Bởi vì có con gái còn đem gả cho Đài Loan, Hàn Quốc mới có tiền xây nhà lầu. Con gái ở dưới quê còn có cơ hội lên thành phố bán bia ôm, chứ con trai thì làm được cái gì? Đâu có ruộng vườn đâu mà cày cấy, hãng xưởng cũng đóng cửa. Đi làm phụ hồ vì bây giờ người ta xây dựng tứ tung, nhưng cũng chẳng kiếm được bao nhiêu tiền.

Người ta thích con gái để hy vọng kiếm ra tiền, nhưng cũng vẫn muốn có con trai để nối giõi tông đường. Những người đàn bà đẻ ra con gái bị gọi là đẻ ra toàn vịt trời, lớn lên sẽ bay đi hết, vì khi lấy chồng phải phục vụ giang san nhà chồng.

Tóm lại đàn ông con trai là của quý, còn đàn bà con gái là thứ yếu (xìu). Ngay cả trong tôn giáo cũng không có phái nữ được đứng trên bục giảng.

Nói chi xa xôi, đàn bà bên Mỹ cũng mới được đi bầu đây thôi, chẳng phải từ khi có bầu cử.

Tôi chỉ nhận xét thế thôi, chứ không dám phản kháng. Ở trong nhà có 7 con trai, con gái duy nhất cũng mặc kệ. Hễ là con gái là phải rửa chén, quét nhà như một chuyện bình thường.

Khi đi làm chị bạn làm chung kể rằng, chồng chị là con trai duy nhất. Thời bao cấp ở VN, cuộc sống khó khăn nên phải đun bếp bằng củi. Mẹ chồng 70 tuổi không thể nào chịu nổi, khi đến thăm, thấy con trai 50 tuổi đang ngồi chẻ củi cho vợ. Bà đã xót xa bảo con dâu rằng sao chị lại để anh ấy làm thế. Chị bạn tôi đã phải giả vờ than vãn: con đã nói để lát nữa con làm, nhưng anh ấy vẫn cứ không nghe.

Chao ơi trong con mắt của mẹ già, con trai của bà vẫn là đứa con bé bỏng. Bà không hề thấy rằng, bà phải mừng vì thấy con trai mình là người chồng tốt, biết chia sẻ nhọc nhằn với vợ.

Tất cả những nhận xét về bất công đối với phụ nữ dưới thời phong kiến. Tôi đã mang ra viết trong bài luận khi học Anh Văn lúc mới qua đây. Ngay cả ở Mỹ, ngoại trừ kỳ thị về màu da, ngay cả phụ nữ (Mỹ trắng) cũng chỉ mới được đi bầu sau này. Cô giáo dạy Anh Văn bắt bốc thăm sách để đọc. Sau khi đọc phải viết tóm tắt từng chương và viết reactions cho mỗi chapter. Tôi như cá gặp nước, vớ phải một cuốn truyện viết về câu chuyện một cô giáo lấy ông chồng nghiện rượu có bà mẹ chồng cay nghiệt, ít học. Khi lấy chồng cô phải bỏ thành thị,về sống bên cạnh nhà mẹ chồng ở làng quê.

Nếu những cô Mai, cô Nhung của Tự lực văn đoàn, suy nghĩ như thế nào. Thì cô giáo trong truyện Mỹ này cũng suy nghĩ như vậy, con giun xéo mãi cũng quằn.

Tôi còn nhớ mãi cô nói với ông chồng, không phải tôi không được mặc quần dài( ngày xưa phụ nữ phải mặc váy), có nghĩa là tôi ngu, không biết gì.

Chao ơi bao nhiêu ý nghĩ phải đè nén từ lâu, đã tuôn tràn trên trang giấy. Tôi đã dẫn chứng bao nhiêu nhân tài là phụ nữ như nhà Bác Học Marie Curie, Helen Keller dù mù điếc vẫn đi diễn thuyết trên toàn thế giới.

Dĩ nhiên không phải tuyệt đối cái gì đàn ông làm được, đàn bà cũng làm được. Nhưng ít ra thời bây giờ phụ nữ đã được đối xử công bằng về luật pháp, ngoại trừ ở những nước bắt đàn bà phải trùm kín mít từ đầu đến chân.

Tuy nói bình đẳng nam nữ, nhưng thật ra người ta vẫn gọi phụ nữ là phái yếu. Không phải yếu về thể chất mà yếu cả tinh thần. Họ cho rằng đa số phụ nữ đều mê tín dị đoan. Điều này không có tôi trong đó.

Tôi không bao giờ tin vào những chuyện viển vông.

Mua vé số và xem tử vi bói quẻ, đối với tôi đó là viển vông. Tôi có người bạn và một người anh, hễ có tiền là đi mua vé số.

Cả nhà bạn tôi không có ai kiếm đủ tiền để chi phí cho cuộc sống của cả gia đình ở VN trước kia. Hàng tháng đều trông chờ tiền của người em duy nhất từ Mỹ gởi về. Cô em này được người cô dẫn đi vào ngày 30 tháng Tư /75 khi mới hơn mười tuổi. Cô đã phải vừa đi học vừa đi làm để có tiền gởi về phụ giúp gia đình. Nếu chỉ dùng cho việc chi tiêu,thì số tiền 200 đô mỗi tháng đủ trang trải mọi thứ, cho một gia đình 5 miệng ăn sống no đủ. Đằng này tiền về ngày hôm trước, hôm sau ông đã mua mấy trăm tờ vé số. Ngày xưa thời VNCH chỉ có một loại xổ số gọi là xổ số kiến thiết quốc gia giúp đồng bào ta làm nên cửa nhà. Việt Cộng vào, xổ số có trên khắp nước. Tỉnh nào cũng có xổ số, đâu phải để kiến thiết quốc gia. Đâu phải để dân làm nên cửa nhà, mà là làm tan cửa nhà, như trường hợp bố của bạn tôi. Vé số mua nhiều đến nỗi vé trật, dùng để nhóm bếp mỗi ngày cũng không hết!

Còn anh tôi nhịn ăn nhịn mặc để mua vé số. Vì anh bảo trong tử vi của anh có sao thiên khố. Thế nào cũng có ngày anh trúng độc đắc.

Tôi thì không, một con chim trong tay còn hơn con chim trong bụi. Dù chỉ một đồng, tôi cũng mua được một viên kẹo hay một cây cà rem, chứ không có thả mồi bắt bóng.

Không tin chuyện giả tưởng, cũng đồng nghĩa với chuyện không tin mê tín dị đoan. Mà người Việt mình thì tin dị đoan, nên mới có phong tục kiêng và xông đất. Nhất là sau năm 75, người ngoài Bắc vào họ bày ra đủ thứ mê tín.

Trước kia chúng ta nghe nói Cộng Sản là vô thần, nhà thờ và chùa chiền hạn chế. Nhưng bây giờ thì chùa (không phải nhà thờ) nhiều không thể viếng hết. Chùa xây nguy nga tráng lệ, không phải ở nơi cô tịch xa chốn phồn hoa đô hội như ngày xưa.

Đường dẫn đến chùa thì đủ thứ ma cô giựt dọc, cờ bạc sát phạt nhau um sùm. Người ta nhìn thấy đủ thứ đồ cúng cho thuê, giả dối nhưng vẫn cứ làm. Phật từ bỏ cung điện nguy nga, sống đời khổ hạnh, đâu phải để hưởng mấy thứ đồ dâng cúng đó.

Có phải vậy không? Càng ngày tín ngưỡng càng xa dần lời Phật dạy. Tâm chẳng còn thanh tịnh, chùa xây cất ở những nơi ồn ào náo nhiệt.

Phật dạy buông (xả), thì người ta nắm. Bất cứ cái gì nắm được là nắm, từ tiền bạc tới danh vọng. Mọi thứ phải trông bắt mắt để lôi cuốn khách thập phương, chùa càng ồn ào thì tiền cúng dường càng đầy.

Không mua vé số, không coi bói nên tôi không xin xăm, bói quẻ.

Thằng con tôi lúc còn bé được dẫn đi chơi ở bãi biển có casino. Vì trẻ em dưới 18 tuổi không được vào trong. Đứng trước cửa nhìn những máy đánh bài, nó đã nói: mẹ ơi, khó thắng lắm.Vì họ đã set-up máy rồi, tỷ lệ thắng thua do họ quyết định.

Ngoại trừ quan niệm coi thường phụ nữ (đàn bà đái không qua ngọn cỏ, nữ nhi thường tình…). Người ta còn cho rằng phụ nữ là người yếu bóng vía, nên rất mê tín dị đoan.

Ngày xưa khi còn ở trong nước, tôi đâu có thấy mức độ mê tín dị đoan quá đáng như bây giờ. Người ta nói đến phong thuỷ và cây thước đo Lỗ Ban. Khi về thăm họ hàng ở VN, vì nhà chật nên cầu thang làm theo kiểu xoắn ốc. Tôi đã nhiều lần suýt té, vì các bậc thang cách nhau xa quá, đã thế lại để hổng giữa các bậc, chẳng có che chắn phía sau. Quả thật tôi vô cùng phập phồng khi xuống thang buổi tối. Sống bên Mỹ, mọi thứ họ đều lo cho sự an toàn. Các bậc thang rất gần nhau, nhiều nơi công cộng còn rắc kim tuyến để ban đêm lấp lánh giúp cho người già mắt kém.

Tôi rất e ngại cho các cô của tôi đã già lên xuống mỗi ngày bằng cái cầu thang nguy hiểm đó. Tôi hỏi tại sao không làm thêm bậc và che chắn đàng sau các bậc thang (vì sợ tốn kém thêm?). Các cô tôi bảo rằng cầu thang phải theo nguyên tắc đếm của Lỗ Ban. Tôi chẳng nhớ, chỉ nghe loáng thoáng: sinh lão bệnh tử gì đó. Nên bậc đầu tiên và bậc cuối cùng phải gặp chữ sinh. Tôi nghe mà thở dài trong lòng, kiểu này sinh đâu không thấy, chỉ thấy lấp ló ông thần chết đứng bên trên hay bên dưới cầu thang, đưa tay vẫy vẫy mỗi khi lên hay xuống!

Mê tín dị đoan đã nhiễm (rất nặng) trong suy nghĩ của người Việt trong nước (không phải tất cả). Hèn chi khi cậu em rể của tôi được bảo lãnh qua Mỹ. Cậu có mang theo cây thước Lỗ Ban (để mai sau mua nhà). Cậu đem đo cái cửa ra vào của nhà tôi, rồi nói phải làm nhỏ lại, phải xoay hướng này. Tôi bảo rằng mua nhà ở Mỹ, có sẵn như vậy, đâu phải như bên VN tự xây. Có sao ở vậy, vả lại một cái nhà có tới 4 cái cửa ra vào. Đông Tây Nam Bắc hướng nào cũng có, còn làm nhỏ đi, rồi làm sao khiêng đồ đạc. Ở Mỹ người ta làm cái gì cũng có tiêu chuẩn rõ ràng, đâu có theo ông Lỗ Ban gì đó, mà vẫn sống nhăn răng. Chỉ có không nhà mới chết, chứ cửa to cửa bé hướng hợp hay không cũng chẳng sao.

Tôi cũng nhớ lại hôm một anh chàng (Mỹ) mang các mẫu cửa (ra vào) tới nhà tôi quảng cáo. Cái cửa mẫu rất đẹp, nhưng rất đắt. Tôi để yên cho anh chàng nói xong, mới nhẹ nhàng trả lời. Tôi công nhận những cái mẫu cửa của ông: thật là đẹp, thật là tốt và an toàn. Có điều tôi không nghĩ ăn trộm nó sẽ vô nhà tôi bằng cái cửa này, vì nhà tôi có 20 cái cửa sổ. Còn tiền trong nhà của tôi cũng không bao giờ có tới hai ngàn đồng, là giá tiền của một cái cửa.

Anh chàng quảng cáo cuốn gói chạy mất. Anh đã ăn cắp gặp bà già rồi. Còn tôi thì khi đi làm mấy bà khách già( Mỹ), đã bảo rằng: nghe con nhỏ này nói thì phải chờ nó nói cho hết câu! Ngày xưa đi dạy, học trò cứ nhao nhao đòi cô kể chuyện (cổ tích). Tôi hứa im lặng học ngoan, nghe cô giảng bài, rồi cô sẽ kể chuyện cổ tích cho nghe.

Chuyện cổ tích của tôi là một anh chàng bê bối, làm cái gì xong là không mang cất mọi thứ vào chỗ cũ. Vì thế cậu bị mất đủ thứ vật dụng. Cậu xin cha làm cho cậu một cái tủ có chìa khoá rất đẹp.

Tôi luôn luôn dành cho học trò đoán câu kết luận.

Tôi bảo rằng, cậu bê bối vô cùng sung sướng, mọi thứ vật dụng đã có nơi có chỗ, rất tiện cho cậu, cho đến khi…

Dĩ nhiên học trò cũng đoán được câu kết luận: cho đến khi cậu làm mất chìa khoá tủ.

Tuy vậy học trò vẫn bị tôi lừa. Lại kể chuyện cổ tích, khi đám con trai không chịu khiêng bàn lúc tổ chức ăn tất niên. Con gái đã đi chợ sắm sửa kẹo bánh, lại còn phải khiêng bàn khiêng ghế. Còn con trai chỉ ngồi vào ăn. Cô giáo này cũng chẳng bỏ lỡ cơ hội. Cô kể chuyện về một cậu con trai rất đẹp trai, ăn diện bảnh bao, lái một cái xe rất đắt tiền. Một ngày kia xe cậu bị xẹp bánh,nhưng cậu không biết thay bánh xe.

Cậu dừng xe sát lề đường, cậu vẫy hoài chẳng xe nào chịu ngừng. May thay từ đằng xa có một cái xe du lịch trờ tới, cậu chẳng thèm chú ý, vì trong xe là một cô gái thật đẹp trạc tuổi cậu.

Cô gái lái xe sát lề đường nơi cậu đứng. Cậu chẳng thèm ngó cô, mắt vẫn nhìn hai phía xe lên xuống. Cô gái trẻ đẹp vẫn lịch sự bước ra khỏi xe ân cần hỏi cậu có cần gì giúp không?

Chàng trai trẻ tuổi chỉ vào cái bánh xe xẹp. Cô gái chợt hiểu ra, reo lên à anh cần thay bánh xe. Tưởng anh không mang theo đồ nghề, cô gái xinh đẹp bảo rằng cô có sẵn dụng cụ để trong thùng xe, cậu có thể dùng. Cả đám con trai trong lớp đã hét lên rằng tôi đã nói móc chúng nó. Khi tôi kể tiếp câu chuyện: cô gái xinh đẹp đã xăn tay áo lên, thay bánh xe cho chàng công tử tốt mã rẻ cùi, mà Mỹ gọi là good for nothing!

Trở về câu chuyện cậu em.

Mấy năm sau, cậu em mua thêm hai căn nhà, chẳng còn mang cây thước ra đo. Cũng như khi sắp xếp mọi thứ trong nhà không hề nói đến phong thuỷ, miễn sao trông đẹp mắt là được.

Khi mới qua vài tháng, lúc mới mua một cái xe (cũ), cậu còn cúng xe. Một con gà luộc (cô hồn thích gà) nằm chễm chệ trên đầu xe với khói hương nghi ngút. Tôi rất ngạc nhiên, cậu bảo “có kiêng có lành”, để cô hồn không quấy nhiễu mình. Hóa ra ma cũng vẫn ăn hối lộ. Tôi cười bảo rằng cô hồn sống là mấy ông cảnh sát giao thông, chuyên cho giấy phạt vô cớ, để lấy tiền đút túi, thì mới sợ, làm gì có ma.

Mấy năm sau các con lớn cần xe, cậu đã mua thêm mấy chiếc và đổi xe (cũ) mấy lần, cũng không thấy cúng xe (cho tôi ăn ké).

Ngày xưa con gái cũng không được đi học nhiều, mọi thứ đều tập trung cho nam phái. Vì đàn bà được xếp vào loại nhi nữ thường tình, đàn bà đái không qua ngọn cỏ. Có phải vậy không?

Mấy ông Tầu hồi xưa khi dễ đàn bà quá, thế giới bây giờ có biết bao bao nhiêu nhà lãnh đạo là phụ nữ. Chỉ có mấy nước Hồi Giáo phụ nữ mới bị bắt nạt, bị cấm đoán đủ thứ, mùa Hè mà họ vẫn phải trùm kín mít từ đầu tới chân. Chỉ thấy cũng cảm thấy khó thở, huống chi bị sinh ở xứ đó. Ấn Độ còn có tục lệ quái đản, gả con gái phải có của hồi môn kèm theo. Thật là quá vô lý, nuôi con vất vả. Khi con lớn lên gả chồng còn bị lỗ thêm một lần nữa. Nghe đâu nhiều nhà còn ra giá ấn định của hồi môn là bao nhiêu, chứ không phải muốn tuỳ ý nhà gái muốn đưa bao nhiêu cũng được.

Tôi đã vô cùng tội nghiệp cho một ông khách người Ấn. Khi thấy ông làm hai jobs, 16 tiếng/ ngày. Tôi rất ái ngại và hỏi thăm. Ông bảo rằng ông phải cố làm, vì ông có tới bốn cô con gái tới tuổi cập kê. Không có của hồi môn mang về nhà chồng, sẽ không ai chịu cưới.

Tục lệ quái đản như vậy, nhưng họ vẫn cứ giữ từ đời này qua đời khác.

Đã nói là phong tục tập quán mà. Dân tộc nào cũng có mê tín dị đoan, dù là người thiểu số hay người văn minh.

Hàng ngày tiếp xúc với khách hàng, ngay cả Mỹ cũng tin vào chuyện xui xẻo. Tiếng cú kêu báo hiệu sẽ có người chết (giống VN).

Đừng giương dù trong nhà… tôi cực lực phản đối chuyện này. Tôi bảo không giương dù trong nhà, bước ra ngoài sẽ bị ướt.

Ở VN bây giờ không biết gọi là phong tục hay hủ tục. Cúng kiếng và mê tín lan tràn, như một thứ đầu độc. Thật tình tôi không hiểu, sự gì liên quan giữa chuyện vỡ một cái gương hay bể một chai nước mắm vài đồng bạc, sẽ là dấu hiệu (điềm) xui xẻo tiếp theo. Hoặc cho nhau cái ly, con dao, cái kéo sẽ đưa đến sự ly biệt hay cắt đứt mối liên hệ thân thiết.

Ngoài chuyện kiêng, sợ, người ta còn phải lo đút lót thần thánh cô hồn ma quỷ. Mồng 10( âm lịch) mỗi tháng phải cúng Thần Tài, Thổ Địa gì đó bằng một miếng heo quay.

Ông thần tài của tôi là ông Boss, còn ông thổ địa là Landlord hoặc City hall. Boss đừng lay-off là có tiền, landlord (nếu nhà thuê) hay City Hall (nếu nhà mua) đừng đuổi là yên tâm.

Đầu năm xông đất, xuất hành chọn hướng coi như dẹp ở xứ Mỹ. Hướng có tốt mà wrong way cũng không dám đâm đầu vào.

Mùng năm, mười tám, hăm ba
Đi chơi cũng lỗ, nói gì đi buôn.

Mặc dù bên Mỹ cũng có dị đoan (chút đỉnh) như tin ngày thứ Sáu mười ba. Nhưng hễ tới ngày đi làm là phải đi.

Ra ngõ gặp đàn bà, nhất là gặp bà bầu, người ta đi trở về, vì sợ xui. Điều này quả là phỉ báng đàn bà, và làm mất đi tính cách đáng quý của người phụ nữ khi phải mang nặng đẻ đau. Khi sinh lại phải vượt cạn một mình (người ta đi biển có đôi, tôi đây đi biển mồ côi một mình).

Gọi con gái là lũ vịt trời, là một cách phỉ báng khác cho phụ nữ. Có biết bao đứa con gái hiếu thảo, và có biết bao thằng con cầu tự bất hiếu chỉ gieo khổ đau cho đấng sinh thành.

Cho biết tới bao giờ người ta mới thoát khỏi những suy nghĩ ước lệ. Những tư tưởng bất công đối với phụ nữ, mà người ta coi đó như một lẽ tự nhiên.

Có phải vậy không? Hãy đối xử với nhau bằng lòng nhân hậu. Hãy dùng lương tâm làm thước đo trong mọi cách đối nhân xử thế, trong mọi mối quan hệ cha mẹ anh em bạn bè.

Hãy sống sao cho thành người “ tử tế”.

Lại Thị Mơ

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.