Hôm nay,  

Đao To Búa Lớn

8/2/200100:00:00(View: 4541)
Cuộc viếng thăm đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell tại Bắc Kinh chỉ vỏn vẹn có 24 tiếng đồng hồ, nhưng đã làm bộc lộ một khía cạnh đặc biệt của chiến lược quốc tế vào thời đại này. Sau một loạt những cuộc hội kiến với các nhà lãnh đạo Trung Quốc kể cả Chủ tịch Giang Trạch Dân và Thủ tướng Chu Dung Cơ, Powell nói Tổng Thống Bush tin ở “mối quan hệ xây dựng với Trung Quốc”. Không có gì cụ thể, nhưng hai bên đã đồng ý gạt bỏ sang một bên những bất đồng để chú trọng vào những vấn đề “quyền lợi chung”. Hiển nhiên cả hai bên đã thay đổi hẳn giọng nói.
Lần trước một Ngoại trưởng Mỹ đến Bắc Kinh là bà Madeleine Albright. Bà đã được tiếp rước thân mật như một người bạn cũ, vì sau căng thẳng về vụ Sứ quán Trung Quốc ở Belgrade bị phi cơ Mỹ oanh tạc lầm năm 1999, chính phủ Clinton đã mau lẹ hàn gắn mối quan hệ. Lần này nếu ông Powell nghĩ cũng được tiếp đón thân thiện như vậy, ông đã lầm. Bởi vì bầu không khí đã khác. Những tháng đầu của chính phủ Bush đã đặt mối quan hệ Mỹ-Trung vào thế thử thách gay go nhất từ nhiều năm qua. Ngay sau khi vào Bạch Cung, Tổng Thống Bush đã có những lời tuyên bố rất cứng rắn với Bắc Kinh. Trong khi Clinton gọi Trung Quốc là bạn “kết tác” chiến lược, Bush đã đổi thành kẻ “tranh đua” chiến lược. Bắc Kinh cũng sẵng giọng trả đũa, coi kế hoạch xây dựng lá chắn phi đạn của Bush là trực tiếp nhắm vào lực lượng hạt nhân nhỏ yếu của Trung Quốc. Đặc biệt Tổng Thống Bush đã cho thấy một sự chuyển biến trong chính sách Mỹ đối với vấn đề Đài Loan. Sau khi gia tăng bán vũ khí cho Đài Loan về lượng và về phẩm, Bush hứa sẽ bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công. Bắc Kinh giận dữ lớn tiếng tố cáo.
Sau vụ phi cơ gián điệp Mỹ kẹt ở Hải Nam, Mỹ đã phải xét lại sách lược với lời nói tỏ ý “hối tiếc”. Còn Bắc Kinh cũng phải xét lại vấn đề, thả 3 học giả người Hoa cư trú Mỹ để mở đường cho sự hòa dịu qua cuộc viếng thăm của Powell. Tại sao cả hai bên đều thấy cần xuống giọng" Bởi vì về mặt chiến lược hai bên đều nhận thấy tiếp tục leo thang căng thẳng chỉ có hại chớ không có lợi cho bên nào. Thế nhưng hòa dịu không có nghĩa là một bên ông tướng đã chịu bó giáo lai hàng, hay một bên ông chăn bò đã chịu cởi bỏ khẩu súng ngang hông để đưa cả hai tay lên trời. Hòa dịu chỉ là một sự thay đổi chiến thuật, tìm một đường lối khác thích ứng với thời thể để mong đạt được những mục tiêu chiến lược căn bản.

Về sức mạnh quân sự, hiển nhiên Mỹ mạnh hơn Trung Quốc nhiều lần, nhất là về phi đạn hạt nhân và vũ khí kỹ thuật cao. Nhưng chỉ có ảo tưởng mới cho rằng Mỹ sẽ đánh trước, phóng phi đạn nguyên tử ào ạt để tiêu diệt hiểm họa Trung Quốc. Thế giới ngày nay là thế giới đa cực, dù Mỹ có sức mạnh vũ lực nhất cũng không thể duy ý chí tạo ra chiến tranh với một nước có 1.2 tỷ dân. Hậu quả một cuộc chiến như vậy không những tai hại cho Trung Quốc mà còn tai hại cho cả Mỹ và thế giới nói chung. Về Đài Loan, Trung Quốc cũng không chơi dại mà tấn công đảo này nếu không có sự khiêu khích. Còn Đài Loan bất cứ đảng nào cầm quyền cũng không chơi dại mà tuyên bố độc lập để dồn ép Bắc Kinh phải đánh, khiến Mỹ phải can thiệp thành chuyện lớn và Đài Loan sẽ lãnh đủ bom đạn. Chiến tranh Mỹ-Trung là chuyện bất khả tư nghị trong thời đại này, vì nước có tiềm lực mạnh lại không có thời thế mạnh.
Về mặt kinh tế, có những vấn đề thực tế hơn. Ở đây tiềm lực có khác nhau nhưng thời thế lại đảo ngược. Trung Quốc đang mở mang, nhưng là nước duy nhất không bị ảnh hưởng vì cuộc khủng hoảng tài chính Á châu 1997-98. Trong cơn suy thoái kinh tế thế giới hiện nay khởi đầu từ sự trì trệ kinh tế Mỹ, Trung Quốc lại vẫn là nước có sức tăng trưởng vững vàng đi lên. Sức mạnh kinh tế Trung Quốc đang ở thế bao trùm Đông Nam Á, với một khối người bằng 1/4 dân số thế giới, năng động sản suất lại chỉ có sự đòi hỏi khiêm tốn về nhu cầu cuộc sống, G-8 ngày nay sẽ bị đổi thành G-9 lúc nào không hay. Trước viễn tượng đẹp như vậy, Trung Quốc tất nhiên muốn tránh bất cứ rắc rối nào, kể cả chiến tranh toàn bộ hay cục bộ. Trung Quốc cũng kiêng nể thứ khác nữa là uy lực kinh tế tiềm tàng của Mỹ và muốn tránh một sự đổ vỡ về giao thương và đầu tư ...ít nhất cũng cho đến lúc được ngồi vào WTO. Nhưng Mỹ cũng thấy khó gây trở ngại vì cũng thiệt cho cả Mỹ, nhất là giữa lúc Mỹ đang cần phục hồi kinh tế có nguy cơ suy thoái. Vì thế Bắc Kinh vẫn cần giả lả để tạo thế hòa dịu với Mỹ, dù khi đã nắm được thế thượng phong.
Cố nhiên Mỹ còn “bất đồng” với Trung Quốc về nhiều thứ, chẳng hạn như tình hình nhân quyền, Tây Tạng, Đài Loan, việc phổ biến vũ khí, chế độ cai trị của Bắc Kinh đàn áp đối lập, thiếu dân chủ v.v...Ngoài ra Mỹ còn một mối lo tiềm ẩn là sức mạnh kinh tế của Trung Quốc sẽ bành trướng thế lực của nó ra khắp miền Á châu, nhiên hậu có thể lấn át cả ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực này. Nhưng bộ tham mưu của Tổng Thống Bush cũng phải nhìn thấy chiến thuật thời chiến tranh lạnh nay đã lạc hâu.
Hăm dọa đánh nó mà không có cách nào đánh được là thua. Tố cáo và nguyền rủa nó bằng đủ thứ tên nó không chết. Vậy dùng đao to búa lớn đánh võ mồm làm chi cho mệt. Sao không nhân cơ hội đối thoại, hòa dịu và giao thương mà lụi những đòn ngầm, nhẹ nhàng và thiết thực, làm nó đau thấu đến ruột gan để buộc nó phải lần lần tự biến dạng" Đây chính là sách lược chung cho mọi cuộc tranh đấu trong thời đại mới ngày nay.

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Hòa Lan và Đan Mạch là hai quốc gia có hệ thống hưu trí tốt nhất thế giới, trong một nghiên cứu toàn cầu để xem quốc gia nào chuẩn bị tốt cho những công dân hưu trí của mình.
Theo một nghiên cứu của Credit Suisse, lần đầu tiên trong lịch sử, số triệu phú của Trung Cộng đã vượt qua số triệu phú của Hoa Kỳ.
Theo một báo của cơ quan an toàn giao thông của chính phủ công bố hôm 22/10, tỉ lệ tử vong do tai nạn xe cộ ở Mỹ giảm nhẹ trong năm 2018, và là trong hai năm liên tiếp.
Cộng đồng người nghèo ở Mỹ có thể phải gánh chịu nhiều hơn hậu quả của sự biến đổi khí hậu toàn cầu, bao gồm giá trị nhà giảm, giá bảo hiểm nhà sẽ tăng, nhà dễ bị đe dọa bởi lũ lụt.
Tin trên New York Time ngày 22/10: Từ 12/2017, hơn 1 triệu trẻ em trên toàn quốc mất đi bảo hiểm y tế từ các chương trình Medicaid và Children’s Health Insurance Program (CHIP), hai chương trình sức khỏe chính của liên bang và tiểu bang dành cho trẻ em thuộc các gia đình có thu nhập thấp.
Thị trường lao động hiện nay đang thay đổi chóng mặt, với “thủ phạm” chính là khoa học kỹ thuật. Chúng ta đang tiến đến một thời đại mà rồi đây robot và trí thông minh nhân tạo sẽ thay thế cho rất nhiều người lao động.
Vào ngày Thứ Hai 21/10, Cựu Chủ Tịch Hạ Viện Newt Gingrich đã cảnh báo trong chương trình “Fox News & Friends” là thực sự nguy hiểm khi chúng ta để thế hệ cháu của mình học tiếng Hoa.
The Hill đưa tin hôm 21/10: một số nhà ngoại giao ẩn danh cho biết tinh thần trong Bộ Ngoại Giao Hòa Kỳ đã rơi xuống mức thấp nhất trong thời đại tổng thống Trump.
Một thăm dò mới cho thấy đa số người dân Mỹ tin rằng Tu Chính Án Thứ Nhất nên được viết lại, và chấp nhận việc ngăn chận quyền tự do ngôn luận, cả tự do báo chí.
Hãy tưởng tượng một hệ thống y tế mà bác sĩ, y tá làm việc quá tải, kiệt sức, và họ làm việc như một zombie, không có tình thương với bệnh nhân; và nhiều người trong số họ phải tìm cách giảm căng thẳng bằng rượu bia, hoặc thậm chí là tự sát!
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.