Nguy Cơ Từ Sông Đồng Nai
Bạn,
Theo báo Sài Gòn, tại miền Đông Nam phần, lưu vực sông Đồng Nai gồm 4 hệ thống sông gồm Đồng Nai, La Ngà, sông Bé, sông Sài Gòn đi qua 11 tỉnh thành. Theo thống kê của tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, có tổng cộng 20 thủy điện đã vận hành và đang triển khai. Ngần ấy thủy điện đi kèm hàng loạt hồ chứa nước, giả dụ chỉ xảy ra một thảm họa chắc chắn sẽ để lại những tác hại khôn lường. Báo SGGP ghi nhận về thảm họa này qua bản tin như sau.
Trên dòng chính sông Đồng Nai có 9 thủy điện, gồm có thủy điện Trị An (thể tích hồ chứa toàn bộ 2.765 triệu m³), Đa Nhim (166 triệu m³), Đại Ninh (319 triệu m³), Đồng Nai 2 (543 triệu m³), Đồng Nai 3 (1.423 triệu m³), Đồng Nai 4 (337 triệu m³), Đồng Nai 5 (106 triệu m³), dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đang tranh cãi. Trên sông Bé có 6 thủy điện, đó là Đak Glun (27 triệu m³), Đak Glun 2 (5 triệu m³), Thác Mơ (1.360 triệu m³), Thác Mơ mở rộng (1.360 triệu m³), Cần Đơn (165 triệu m³), Srok Phumieng (284 triệu m³) và trên sông La Ngà có 5 thủy điện với tổng cộng khoảng 890 triệu m³. Như vậy, có nhiều tỷ khối nước nằm trong các hồ thủy điện trong thời tiết mưa gió thuận hòa, chưa tính khi trời nổi giận trút nước...
Chưa dừng lại đó, bởi thực tế sẽ tiếp tục còn có nhiều quả bom mới hình thành, những dự án thủy điện khác đang và sẽ hình thành. Ví dụ, dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đang tiếp tục lấy ý kiến để triển khai. Có lẽ chưa có dự án thủy điện nào gây tranh cãi ồn ào như thế. Ngay cả hai tổ chức chung một nhà, đó là Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường (VACNE) và Mạng lưới sông ngòi Việt Nam đều thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, đã đứng ra tổ chức riêng hai hội thảo khác nhau, ý kiến cuối cùng lại khác nhau, bên đồng thuận, bên phản bác dẫn đến khẩu chiến trên mặt báo. Rồi chính bản thân tỉnh Đồng Nai lại bộc lộ mâu thuẫn, trong khi "nói không" với dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, nhưng tháng 10-2008 lại đề nghị Bộ Công thương hiệu chỉnh dự án Đồng Nai 8 thành 5 dự án nhỏ vào quy hoạch các dự án thủy điện trên sông Đồng Nai, bao gồm dự án Tà Lài, Phú Tân 1, Phú Tân 2, Thanh Sơn và Ngọc Định(!). Với mật độ thủy điện dày đặc, theo tiến sĩ Đào Trọng Tứ, nguyên Tổng Thư ký Ủy ban sông Mê Công đã đặt ra những thách thức lớn đối với môi trường sinh thái, gây thay đổi lớn về cơ cấu dòng chảy tự nhiên xuống các khu vực hạ lưu theo chiều hướng bất lợi: tăng mối đe dọa lũ mùa mưa và thiếu nước mùa khô.
Bạn,
Báo SGGP phân tích rằng việc xây quá nhiều hồ chứa trên vùng thượng của một lưu vực sông theo kiểu bậc thang nối tiếp nhau dễ gây ra hiệu ứng domino trong xả lũ. Bởi "ông chủ" các hồ chứa thủy điện vận hành mỗi nơi một kiểu độc lập khiến nhiệm vụ điều tiết nguồn nước, phòng lũ không được bảo đảm. Mùa khô tranh thủ tích nước nhưng khi lũ đến thì trên xả, dưới cũng xả khiến vùng hạ lưu mang họa.