Hôm nay,  

Con Mèo Mun Tình Nghĩa

16/02/201100:00:00(Xem: 12192)

1-contentTác giả tên thật là Nguyễn Tân, tuổi 60', cựu sĩ quan hải quân, định cư tại thành phố Glendale, CA. Với giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002, thêm giải Việt Bút 2008 dành cho những tác giả từng nhận giải và "vượt được chính mình", Bồ Tùng Ma hiện là thành viên "Ban Tuyển Chọn Chung Kết"của Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ. Trong năm qua, loạt bài đặc biệt của ông về du học sinh Việt Nam tại Mỹ rất được hâm mộ, hiện đang chờ in thành sách. Truyện cho Việt Báo Tết của Bồ Tùng Ma năm nay kể về con mèo mun tình nghĩa đã theo chàng suốt hai cuộc chiến tranh.

*

Không biết con mèo mun đã ở trong gia đình tôi từ lúc nào, nhưng chắc chắn không quá 20 năm vì loài mèo chỉ thọ được chừng 20 năm. Ỏ lứa tuổi đẹp nhất của con người thì mèo đã già lão, nhưng vẻ bên ngoài của chúng, không như con người, các cụ mèo chẳng khác mấy cô, mấy cậu mèo bao nhiêu. Các cụ chỉ hơi chậm chạp một chút thôi. Nếu mấy bà mấy cô mà được như mèo, các mỹ viện đóng cửa hết.

Khi tôi lớn lên, nhận thức được ngoại cảnh, đã thấy con mèo mun ở trong nhà, bên cạnh ông, bà, cha, mẹ tôi cùng kẻ ăn người ở trong nhà. Tôi xem nó như một thành viên trong gia đình. Con mèo là con vật nuôi bốn chân duy nhất trong nhà tôi. Còn chó, lúc bấy giờ tôi gần như chẳng biết mặt mũi con chó ra sao cả, chỉ nhớ mang máng con chó nhà tôi có 4 chân và hay "cãi nhau" với con mèo. Chính phủ Việt Minh đã ra lệnh cho dân làng phải giết hết chó, vì chó hay sủa người đi đêm, mà hồi đó ngoài ăn trộm ra, chỉ có Việt Minh mới hay đi đêm. Nghe nói ông tôi không đành lòng giết con chó nuôi trong nhà từ lúc tôi chưa sinh ra, nên tìm mọi cách kéo dài cuộc sống của nó càng lâu càng tốt. Ông tôi nhốt kín nó trong nhà như che chở tội phạm đại nghịch. Được ít lâu, thấy việc này trước sau cũng bại lộ, hại cho cả người lẫn chó, nên ông tôi bảo người nhà đem con chó đi "tị nạn chính trị". Con chó được bỏ vào bao bố, giả bộ như đem đi trấn nước nó, nhưng thật ra đem nó qua bên kia đường xe lửa rồi thả ra, xua nó chạy qua bên vùng Pháp kiểm soát.

Tưởng vậy là xong, cả nhà nhớ đến con chó, không biết số phận nó ra sao, thì hai ngày sau nó trở về. Nó vẫy đuôi, liếm chân hết người này đến người khác. Cả nhà vừa mừng vừa lo. Lại đem chó đi dấu. Thây kệ, đến đâu hay đến đó. Nhưng rồi một hôm có thông cáo nói nếu ai chưa giết chó phải giết trong vòng 3 ngày. Ba Thí, một người hàng xóm, trước đây là con một anh mõ làng, vừa mới thay thế ông giáo Lễ, làm trưởng ban thông tin tuyên truyền xã, cắt nghĩa thêm:

-Tiếng chó sủa nghe rất xa. Mỗi lần chó sủa Tây biết ngay có người kháng chiến trong vùng. Chó và chủ chó chính là Việt Gian.

Cả nhà xôn xao, lo sợ. Ba tôi nói với ông nội tôi:

-Con chó năm nay đã trên 12 tuổi, tương đương với một cụ trên 70. "Nhân sinh thất thập cổ lai hi. Khuyển sinh thập nhị cổ lai hi". Mình nên tìm cách cho nó "ra đi" êm thấm.

2-contentTheo lời ông tôi nói, chưa bao giờ ông phải quyết định một việc khó khăn như cho con chó "ra đi". Phải cho con chó chết bằng cách nào đây" Cuối cùng, cũng như lần trước, ông tôi lại "Thây kệ, đến đâu hay đến đó". Ông tôi lại nhốt con chó. Nó sống như vậy hơn bảy tháng rồi chết già. Cả nhà cảm thấy như vừa mất một người thân đang ở tù chung thân.

Trở lại chuyện mèo. 

Dân làng tôi ưa chuộng chó, chứ không ưa chuộng mèo. Nuôi chó khỏi lo đồ ăn cho chúng, chúng chỉ việc ngồi chực phía sau một đứa bé đang ị là sắp có một bữa ngon. Người ta nói "chực như chó chực cứt" mà. Mèo thì khác, từ đi đứng cho đến ăn uống, trông rất quý phái, nhưng có tật ăn vụng. Có những con mèo thông minh, biết cả cách mở chạn, mở lồng bàn. Ăn xong có khi mèo còn ị bậy. Vì ăn giống như người nên phân chúng chẳng khác gì phân người, nghĩa là không "dịu" như phân chó.

Tuy không ưa mèo nhưng sau khi chó bị "dị ứng" với Việt Minh, một số lớn dân làng đâm ra thích nuôi mèo. Họ nuôi mèo để...nhớ đến chó. Chó và mèo không phải bà con họ hàng gần gũi nhưng lại có tình hàng xóm láng giềng. Nhà có chó thường có thêm mèo. Chó mèo tuy không ưa nhau nhưng không thù nhau đến nỗi giết hại nhau như con người, nhất là con người vào thời kỳ 1947, 1948 rất dễ bị bị gán là Việt Gian rồi cho đi mò tôm hay cho ra bãi cát làm bạn với giun dế. Thời ấy người dân dễ bị chụp mũ lắm. Chụp mũ Việt Cộng ở Mỹ mà kể vào! Ở Mỹ ai bị chụp mũ thì cứ việc chụp lại. Còn ở Việt Nam hồi ấy ai bị chụp mũ, nhẹ nhất cũng đi tù. Có lần một cô nhí nhảnh, làm duyên với anh trai làng, lấy tay kéo nghiêng nón trong lúc có một chiếc máy bay quan sát của Pháp đang lượn trên không, cô bị gán là lấy nón ra dấu cho máy bay địch. Có lần một cô thích làm đẹp, đội nón lá có quai bằng chỉ thêu ba màu xanh, trắng, đỏ, màu cờ tam tài Pháp, cũng bị gán là tay sai của Pháp.

Trong làng có mấy ông ngồi mỉa mai Việt Minh cho đở tức, như "chính phủ, chú phỉnh", "kháng chiến, khiến chán", "Hồ Chí Minh, hình chí mô"... cũng bị bắt đem đi hành quyết. Mấy ông này thường là những người đứng tuổi, có vai vế trong làng trước kia. Họ thường bị những người mang mã tấu nửa đêm đến bịt mắt bắt đem ra một bãi cát lớn mà tiếng địa phương gọi là "nổng". Họ tự đào huyệt chôn mình, cố đào cho thật sâu để "an thân" sau khi chết, nghĩa là để khỏi lòi chân tay ra khỏi huyệt. Ông nội tôi và ba tôi may mắn không ở trong số những người này vì biết "thủ khẩu như bình", lại ít gây thù oán với ai.

Con mèo mun nhà tôi là một con mèo cái. Nó có một vết trắng ở trán mà sau này nhớ lại tôi thấy y hệt cái lô-gô của hiệu bán áo quần Guess. Vết trắng này không những làm giảm đi vẻ "phù thủy" của con mèo mà còn khiến mặt nó hơi tếu. Con mèo được bà tôi cho ăn khá đầy đủ nên hầu như nó không ăn vụng, nghĩa là thỉnh thoảng cũng chấm mút chút đỉnh đồ ăn của gia đình. Chuyện nhỏ!

Nhưng đây không phải là chuyện nhỏ đối với Ba Thí. Một hôm anh ta qua nhà tôi. Lúc ấy tôi đang ngồi nói chuyện học hành với ông tôi nơi bàn ăn. Ba Thí đẩy vai tôi, có ý bảo tôi đi chỗ khác, nhường ghế cho anh ta. Tôi có cảm tưởng như mình là một đồ vật gì đó ở trên ghế vừa bị hất văng xuống đất. Ba Thí nói với ông tôi:

-Trên cơ sở hiểu biết, chắc bác rõ tui qua đây có chuyện chi rồi.

Ông tôi vốn ghét Ba Thí. Tôi rất ngạc nhiên không hiểu sao ông tôi ghét Tây mà còn ghét cả Ba Thí. Đầu óc non nớt của tôi cứ nghĩ chỉ có Việt Minh mới ghét Tây, chống Tây.

Có lẽ thấy Ba Thí tự tiện kéo ghế ngồi cùng bàn với ông tôi, một việc trước đây anh ta không bao giờ dám, ông tôi lại càng ghét anh ta hơn. Ông nói:

-Chắc lại chuyện chó má.

-Không phải chuyện chó mà chuyện mèo. Trên cơ sở...à...à, tui xin nói ngay, con mèo của bác qua nhà tui ăn vụng nhiều lần nhưng hôm nay tui mới nói.

-Không có chuyện đó được. Đồ ăn nhà tôi không cần đậy...

-Bác không tin, ...ngửi miệng con mèo của bác. Toàn mùi cá.

Ông tôi trừng mắt nhìn Ba Thí, nhưng chỉ mấy giây sau ông tôi nói:

-Phải, phải. Mèo thích ăn cá hơn ăn thịt. Bây giờ anh muốn chi"

Ba Thí đứng dậy ra về:

-Tui đặt vấn đề với bác: Bác nên ... chấp hành.

Bác không chấp hành thì để tui giải quyết.

-Chấp hành" Tôi không biết anh nói cái chi. Chiều tôi lên ủy ban nói với anh chủ tịch.

3Ông tôi nói vậy nhưng không lên ủy ban. Xế chiều ông tôi đi thăm cô tôi. Ông tôi đi rồi, Ba Thí qua nhà tôi. Anh ta ngang nhiên sục sạo khắp ngỏ ngách, nhưng cho đến chiều mới thấy con mèo trốn trong một góc nhà. Có lẽ linh tính báo cho nó biết người ta muốn hại nó. Thường ngày gần như lúc nào cũng thấy nó lảng vảng trong bếp. Tôi trố mắt nhìn Ba Thí. Tay trái anh ta cầm gậy, tay phải nắm đuôi con mèo đem ra sân, quay con mèo như chong chóng, rồi tung nó lên trên không. Con mèo xoay mấy vòng, cái đuôi dài của nó như một mái chèo trong không khí, nó từ từ rơi xuống đất trên 4 chân. Nó xoay người trừng mắt nhìn Ba Thí rồi chạy đi. Con mèo có vẻ hơi chậm chạp nên Ba Thí lại rượt theo nó và chộp được nó. Lần này anh ta dùng cả hai tay, một tay túm 2 chân trước, một tay túm 2 chân sau. Ba Thí ngang nhiên đem con mèo lên lầu nhà tôi, ra nơi cao nhất ngoài sân thượng. Anh ta dùng hết sức mạnh tung nó lên trời. Con mèo xoay ba bốn vòng, cái đuôi như một mái chèo, nó rơi xuống sân và phóng đi, lần này nhanh nhẹn hơn lần trước. Hình như rơi từ nơi càng cao thì con mèo càng chống chọi hữu hiệu hơn, thương tích ít hơn. Ba Thí đuổi theo con mèo nhưng nó đã chạy mất hút. Đêm hôm đó tôi không chợp mắt được vì lo cho con mèo, không biết nó sẽ ra sao. Nửa đêm tôi vừa thiu thiu ngủ thì cảm thấy có cái gì âm ấm nơi bàn chân, lại nghe có tiếng khò khè như hơi thở của người bị bệnh suyển. Tôi nhổm dậy, thấy con mèo đang nằm dưới chân. Tôi mừng quá, ôm nó vào lòng và ngủ một mạch cho đến sáng. Tôi đem con mèo bỏ vào tủ khóa lại. Nó nằm im thin thít, không hề phản kháng. Cũng như con chó, con mèo lại được nhốt kín, lâu lâu mới được đem ra ngoài làm vệ sinh, cho chạy nhảy. Co lẽ vì tổn thương thân thể lúc bị Ba Thi tung lên không rồi rơi xuống đất nên con mèo chỉ sống thêm 6 tháng nữa rồi chết năm 18 tuổi

Con mèo mun chết được một năm thì tôi lên bảy tuổi. Ông tôi cũng đã mất. Bà tôi bệnh nằm một chỗ trên giường. Ba má tôi vừa sợ Tây vừa sợ Việt Minh, sống thấp thỏm trong ngôi nhà nhỏ còn lại. Ngôi nhà này trước kia dùng làm phòng ăn. Ngôi nhà chính hai tầng lầu vừa bị triệt hạ theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến. Cái sân gạch lớn là nơi tập họp của thanh thiếu nhi, thường để học tập chánh sách hay để sinh hoạt, hát múa.

Họ tụ tập thành một đám mấy mươi người trước lá cờ đỏ treo sau cái bàn trên để ảnh ông Hồ, ông Stalin và ông Mao, dưới sự điều khiển của Ba Thí. Không hiểu sao đám nào cũng có anh ta. Mỗi lần như vậy Ba Thí hướng dẫn đám thiếu nhi đưa tay lên làm thành nắm đấm để chào cờ, vừa chào vừa hát quốc ca, rồi hát bài "Suy tôn lãnh tụ":

Tuốt gươm thiên vung cho nước nhà,
Khiến dân Việt Nam thoát ách xưa...
Sau này không nghe ai hát bài hát đó nữa, có lẽ vì quá dở, chỉ nghe trẻ con hát nhại:
Tuốt gươm thiên vung cho nước nhà
Bắt ông già gánh lúa trầy da...


Suy tôn lãnh tụ xong đám thiếu nhi ngồi nghe Ba Thí, một người chỉ mới biết đọc biết viết sơ sơ, giảng về khoa học, chính trị, lịch sử v.v...

Rồi Ba Thí làm nhạc trưởng kiêm ca sĩ, vừa lấy tay đánh nhịp vừa hát, sùi cả bọt mép ra mấy cái răng hô:

Nào anh em ta.
Hai, ba.
Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng
Kiếm nguồn tươi sáng.
Ta nguyện đồng lòng điểm tô non sông....(*)


Đám thiếu nhi cầm tay nhau vừa múa vừa hát. Cuối cùng Ba Thí đưa tay lên làm nắm đấm:

-Chào quyết thắng!

Mỗi lần đám này tụ tập trong sân nhà là mỗi lần chân bà tôi nhức thêm.

Cả xã chỉ có cái sân nhà tôi là rộng và đẹp.

Không phải chỉ có đám Ba Thí mới tụ tập tại đây. Lâu lâu bộ đội Việt Minh cũng đi ngang làng tôi và tụ tập trên sân nhà tôi để "rèn cán chỉnh quân". Hình như ba má toi không ghét họ lắm, như ghét bọn Ba Thí. Ba má tôi nói chuyện có vẻ thân mật với vài người, đặc biệt với ông trung đội trưởng, người cùng quê Thừa Thiên với má tôi. Sau đó ba má tôi làm một con heo đải họ. Tôi còn nhớ trước khi ăn, họ hát một bài hát mà sau này tôi biết là bài "Tình Nước" của Phạm Duy. Nhạc Phạm Duy hồi đó chưa bị Việt Minh cấm. 

Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá...


Đôi khi tôi có cảm nghĩ lạ lùng là bọn Ba Thí và bộ đội Việt Minh chẳng có liên hệ gì với nhau.

Vì ghét bọn Ba Thí và vì tinh nghịch nên tôi nghĩ ra một trò chơi. Hồi đó dân làng tôi đồn trong vùng có nhiều loại ma như ma đuốc là ma xuất hiện trên các bãi tha ma vào lúc đêm hôm; ma le, do người chết đuối biến thành. Còn một loại ma nữa, ít nghe nói hơn, ít dễ sợ hơn, chúng chỉ nghịch ngợm, chọc phá người, chớ không làm hại người. Sở thích của chúng là ném đá vào nhà người ta, để nghe người ta...chửi cho vui. Tôi nghĩ mình nên giả làm con ma này. Nghĩ là làm ngay. Tánh tôi xưa nay vẫn vậy. Tôi trèo lên nền ngôi nhà chính nay chỉ còn là một đống gạch ngoái vụn, chọn những mảnh ngói nhỏ nhất, chỉ bằng ngón tay út, cho vào hai túi quần. Đêm hôm đó chờ đám thiếu nhi múa hát đến hồi sôi động nhất, tôi trèo lên một chỗ kín nhất trên nóc nhà và ném một nắm ngói vụn vào góc sân, gần cái bàn có hình ba"Ông Thánh". Tôi tránh ném vào đám người, sợ họ bị thương dù những mảnh ngói vụn rất nhỏ. Bọn người nhảy múa ngưng nhảy múa, ngơ ngác nhìn chung quanh. Tôi ném thêm một nắm ngói nữa rồi leo xuống. Tôi nghe có tiếng vài người kêu lên, giọng nữ:

-Ma, ma.

Lúc bấy giờ cũng đã khuya. Bọn người bàn tán gì đó rồi giải tán. Cách vài ba buổi múa hát tôi lại ném. Tôi không ném từ một chỗ mà ném từ nhiều hướng khác nhau. Có khi tôi liều lĩnh nấp trong hàng dâm bụt gần nhà Ba Thí để ném. Có khi tôi dùng những mảnh gạch to hơn để ném cho được chính xác vào vị trí chọn lựa, tránh làm bị thương bọn ngưòi múa hát. Một hôm tôi đang nấp trong hàng dâm bụt, tay thủ sẵn một hòn gạch khá lớn,định ném vào bàn ba "Ông Thánh" thì nghe có tiếng Ba Thí nói với ông Tài, Chủ tịch HànhKháng xã (Ủy ban Kháng chiến Hành chánh xã):

-Anh Tài này! Chắc thế nào nó cũng ném.

Tôi nghe ông Tài nói gì đó không rõ. Vài phút sau có giọng nữ nói khá lớn:

-Sống khôn thác thiêng. Nếu là ma thật, xin ném sao cho hòn gạch hay đá, đất, ngói chi cũng được, rớt vào ngay vòng tròn vẽ trên sân. 

Nghe nói, tôi lo quá, ném đại hòn đá vào lùmcây kế bên bàn Ba "Ông Thánh", rồi chuồn nhanh về nhà. Vừa lúc đó tôi nghe có tiếng nhiều người la lên:

-Con mèo mun! Con mèo mun! Nó rớt ngay trong vòng tròn ông chủ tịch vẽ.


-Ở đâu rớt xuống"

-Trên lùm cây rớt xuống.

Tôi vội chạy nhanh về nhà rồi đi ra cửa trước. Tôi thấy một con mèo mun chễm chệ ngồi chính giữa cái vòng tròn vẽ bằng than trên sân. Nó xoay lưng về phía tôi. Đêm hôm đó nằm ngủ, tôi có cảm giác âm ấm nơi chân và nghe có tiếng khò khè nho nhỏ như phát ra từ người bị bệnh suyển.

3Năm tôi 8 tuổi bà nội tôi bị bệnh nằm một chỗ đi không được, đứng cũng không được, chỉ ngồi hay nằm. Ba má tôi quyết định phải trốn xuống thành phố, thứ nhất để chữa bịnh cho bà tôi, thứ nhì để tôi được học hành đến nơi đến chốn, thứ ba có lẽ quan trọng nhất, để tránh Việt Minh. Gia đình tôi vốn ghét Tây nhưng dần dà cảm nhận được sống với Tây vẫn thỏi mái hơn sống ở trên quê. Một hôm ba tôi quyết định đêm hôm sau trốn xuống thành phố. Bà tôi đồng ý ngay. Theo lời bà tôi nói sau này, bà đồng ý ngay không phải vì cầntrị bệnh gấp mà chỉ vì gai mắt cái chuyện "Ăn đủa hai đầu". Số là để tránh bệnh truyền nhiễm, ViệtMinh phát động phong trào "Ăn đũa hai đầu".

Thi đua ăn đũa hai đầu
Lấy chồng bộ đội là dâu cụ Hồ.


Ăn đũa hai đầu là khi gắp đồ ăn thì gắp như thường lệ, để bỏ đồ ăn vào chén, rồi trở đầu đũa kia như ngoáy trầu để lùa cơm và đồ ăn vào miệng. Bà tôi nói ăn như vậy trông thô lỗ, gai con mắt quá. Bà nói thà chết chớ không bao giờ "thiđua" ăn như vậy. Để tránh bị phê bình, kiểm thảo, bà không dùng đủa mà dùng muỗng.

Má tôi hơi ngạc nhiên thấy bà tôi đồng ý trốn đi nhanh như vậy. Má tôi đưa mắt nhìn bà tôi định nói gì đó nhưng rồi lại hỏi ba tôi:

-Đêm mai sáng trăng, đi có tiện không"

-Đã thu xếp mọi chuyện rồi. Không còn dịp khác đâu.

Tôi còn nhớ như in khuya hôm đó ba tôi cõng bà nội tôi đi ra cửa sau, mẹ tôi gánh đôi thúng, trong đựng tất cả tài sản của gia đình, còn tôi thì lẻo đẻo theo sau với cái túi vải đựng đồ cá nhân. Ba tôi nói chỉ cần đi hơn một cây số, qua bên kia đường xe lửa là xong. Gần đến bãi tha ma ở cuối làng, tôi thấy có hai người, một người mang mã tấu và một người mang súng, lảng vảng phía trước. Tôi hoảng sợ, kéo áo ba má tôi, có ý bảo đi lui, nhưng ba má tôi vẫn tiến bước. Hai người kia hình như đã thấy chúng tôi nhưng họ lại đi vào trong xóm. Sau này tôi nghe kể lại ba tôi đã thuxếp chuyện này trước khi ra đi. Đến bãi tha ma tôi suýt ngất đi khi thấy một đốm sáng ở đâu đó phía bên trái bay lên. Tôi lắp bắp nói:

-Ma đuốc, ma đuốc.

Mẹ tôi và bà tôi nghe nói cũng hoảng sợ, lặp lại lời tôi:

-Ma đuốc, ma đuốc.

Ba tôi nói:

-Lân tinh từ xương người trong mã bốc lên đó. Không có ma quỷ chi đâu. Đừng sợ.

Chúng tôi qua khỏi đường xe lửa. Ai cũng thở phào nhẹ nhỏm. Trước mặt tôi là một cánh đồng khá rộng chỉ còn trơ cuốn rạ dưới ánh trăng sáng vằng vặc. Bên kia cánh đồng là lũy tre làng, lấp lánh ánh đèn, có cả những ánh đèn rất sáng. Tôi trố mắt ngạc nhiên nhìn. Chỉ đi có mấy bước mà cảnh vật đã thay đổi như từ địa ngục lên ThiênĐàng. Tôi thấy một con vât từ đâu trong làng chạy ra, châu mỏ kêu lên mấy tiếng khi thấy chúng tôi. Ngoại trừ vùng miệng và mũi, thân hình của nó trắng tinh. Tôi hỏi:

-Con chi vậy ba" -Con chó chớ con chi-Ba tôi cười nói. -Con chó trắng bóc vậy hả ba" -Không, có cả chó đen, chó vàng, chó vện...

Giống như mèo vậy.Đó là lần đầu tiên tôi thấy con chó.Ông bác họ tôi, đã cùng gia đình đến đây từ năm ngoái, đứng bên bờ ruộng đón chúng tôi. Cạnh bác tôi là một người đàn ông đứng tuổi, vẻ mặt hiền hậu. Sau này tôi đươc biết ông ta là ông xã trưởng, một người được Ba Thí mô tả rất xấu xa tàn ác, từ hình dáng cho đến tánh tình. Sáng hôm sau gia đình tôi quá giang xe GMC của Phápxuống thành phố Đà Nẵng.
Vậy là gia đình tôi, gồm bà nội tôi, ba má tôi và tôi chính thức sống tại thành phố Đà Nẵng. Tôi được vào học trường công, hồi đó gọi là trường nhà nước, lớp nhì, tương đương với lớp bốn ngày nay. Tại thành phố có những điều mới lạ, vượt ra ngoài tưởng tượng của tôi. Thí dụ trong một cuộc duyệt binh của quân đội Pháp trên đường Ferrytức đường Độc Lập thời Việt Nam Cộng Hòa và nay là đường Trần Phú, có một đại đội commando (biệt động) người Việt mà lại có lá cờ nhỏ màu vàngghi bốn chữ đỏ "Đại đội Lê Lợi" do một anh lính cầm đi đầu. Tiếp theo sau có mộtđại đội Việt Binh Đoàn với lá cờ "Đại đội Quang Trung". Khi đi học tôi cũng rất ngạc nhiên thấy trong quyển lịch sử có những chữ, "cách mạng", "thực dân Pháp". Hồi đó tôi tưởng chỉ có Việt Minh mới dùng những chữ này, mới nói đến Lê Lợi, Quang Trung. Nhưng cái lạ nhất là ông trung đội trưởng bộ đội Việt Minh nay lại là ông giáo lớp nhất của tôi. Sau này ông bị động viên, học sĩ quan và lên đến đại tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Hai năm sau bà nội tôi mất, được đem về làng chôn cất. Tôi có thêm mấy đứa em, cả trai lẫn gái. Tôi đã quên hẵn con mèo mun mãi cho đến ...20 năm sau.

Hai mươi năm sau tôi là một Sĩ Quan Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa. Tôi đã phục trên nhiều chiến hạm cũng như trong nhiều đơn vị ở vùng duyên hải Nam Việt Nam. Đơn vị cuối cùng của tôi là Giang đoàn 25 Xung Phong ở Cần Thơ, một trong những đơn vị hải quân tôi ưa thích nhất.

4-content

Thiếu nữ và Mèo Tranh Henry Matisse

Đây là một đơn vị hải quân kỳ cựu do Pháp giaolại khoảng năm 1954 tai Nam Định rồi được di chuyển vào Cần Thơ năm 1955. Nghe nói vào khoảng năm này, một vị chỉ huy trưởng giang đoàn này ...suýt được Tướng Năm Lửa Trần Văn Soái mà Pháp gọi là Général Cinq Feu, phong làm Tư Lệnh Hải Quân. Có bốn đơn vị trưởng tiền nhiệm của đơn vị này đã lên đến cấp tướng, mộtĐề Đốc (Tướng hải quân hai sao) và ba Phó Đề Đốc (Tướng hải quân một sao). Tôi rất hãnh diện chỉ huy đơn vị này cũng như ở trong cái tư dinh hay nói đúng hơn là nửa cái tư dinh mà có lẽ quý vị đơn vị trưởng tiền nhiệm từng ở.

Đây là cái nhà khá cũ, có lẽ xây từ thời Pháp, được ngăn đôi, phần phía trước dành cho tôi, phần phía sau làm nơi tạm trú cho các sĩ quan vãng lai. Mới bước chân vào nhà này tôi đã có cảm tưởng rờn rợn. Lúc đầu tôi không hiểu tại sao nhưng sau đó đã biết lý do. Tôi đã nghe nói trong nhà này mấy năm trước có người tự tử. Tôi cười, nói với Hải, một sĩ quan từ Sài Gòn xuống Cần Thơ công tác về những việc có liên quan đến phòng ốc, doanh trại:

-Sao tôi thấy nhà này giống chỗ Romeo ôm Juliette chết quá.

-Dạ, đâu có giống. Tôi xem phim này rồi. Nhà này đâu có xây theo kiểu thời trung cổ.

-Phải, nhưng sao tôi lại thấy giống.

Ở đây ít lâu tôi quen với một cô gái. Cô hay đến đây thăm tôi. Một hôm tôi nói với cô ấy:

-Sao" Em thấy chỗ anh ở ra sao"

-Thấy giống như cái nhà mồ trong phim Romeo, Juliette.

-Ủa, em thấy giống hả" Vậy là tụi mình rất...hạp nhau.

-Em chỉ nói giỡn chơi. Tại em nghe anh Hải nói anh thấy nhà giống chỗ... Anh Hải là anh trai của em.

-Ủa, vậy hả! Sao bây giờ em mới nói" À, hay tụi mình... tự tử ở đây đi.

-Anh nói gở quá. Mà ai là Juliette của anh. Không phải em đâu nghe!

Quả vậy. Cô ấy hay tới đây thăm tôi, nhưng lúc nào cũng có thằng em trai chừng 6 tuổi kè kè bên cạnh. Tôi chưa bao giờ ôm hôn được cô ấy, thân mật lắm cũng chỉ cầm tay, chứ chưa cầm đến...chân.

Một hôm gần Tết cô ấy cùng thằng em đến thăm tôi. Tôi nói với thằng em:

-Nhà này có ma đó nghe! Con nít tới đây phải coi chừng.

Thằng em nghe nói, càng quấn riết bên chị nó, mặt tái như chàm:

-Thôi, em hổng tới đây nữa đâu.

-Ai bảo tới.

-Tại má biểu đi với chị.

Tôi hù thêm:

-Ở đây vắng vẻ, dễ sợ lắm. Không ai dám ở, chỉ có mình anh. Anh sợ muốn chết!

Thằng bé nói:

-Có con mèo nữa mà.

Tôi nói:

-Làm gì có mèo.

-Có. Có con mèo đen.

-Đâu"

-Nó ngồi trong góc đó.

-Đâu"

-Trong góc.

Tôi nhìn theo hướng bàn tay thằng bé chỉ. Quả thật có một con mèo mun đang ngồi. Tôi nhìn con mèo, cảm thấy như có cái gì thân thương, buồn buồn, ở một nơi nào đó không phải thế gian này. Tôi ngồi im lặng một lúc khá lâu, khiến người bạn gái tôi cũng ngạc nhiên. Cô đập vào vai tôi:

-Anh sao vậy"

-Không có chi.

-Có. Nhớ nhà, nhớ bồ, nhớ quê...

-À, phải. Anh nhớ ra rồi. Con mèo ở quê anh. Tôi nói và chợt rùng mình. Tôi nhìn chăm chú con mèo. Tôi cố tìm một dấu vết quen thuộc. Tôi tìm cái vệt trắng trên trán con mèo. Nhưng trán nó không có vệt trắng nào cả, chỉ có mấy cái chấm nhỏ màu xám. "Biết đâu được, thời gian có thể thay đổi cái vệt thành cái chấm xám". Tôi nhớ đến con mèo Pluto trong chuyện The Black Cat của Edgar Allan Poe và tôi càng sợ thêm. Nhưng tôi lại hết sợ ngay sau đó. Nếu quả thật đó là con mèo 40 năm trước đây thì nó chỉ đến giúp tôi mà thôi. Nó đã giúp tôi một lần rồi, tôi và nó từng là đôi bạn thân, tình nghĩa với nhau.

Tôi bỗng cười lớn, thấy mình có ý nghĩ thật buồn cười. Đã trên 20 năm trôi qua, con mèo đã trên 40 tuổi, tương đương với con người 140 tuổi, nó thọ đến vậy được sao. Dù cho còn sống, nó có thể vượt cả nghàn cây số đến chỗ này được sao.

Cách hai hôm sau cô bạn tôi lại đến. Không có thằng em đi theo. Lần này cô đem theo một gói nhỏ. Mới bước chân vào nhà cô đã hỏi:

-Con mèo đâu"

-Nó chạy mất tiêu rồi.

Cô bạn tôi mở cái gói ra. Mấy con cá kho lẫn trong mớ cơm.

-Con mèo đó kìa. À, nó đang đi tới -Cô nói.

Con mèo đến ăn một cách tự nhiên và điềm đạm. Ăn xong nó yên lặng ngồi nhìn chúng tôi, hết người này đến người khác. Một lát sau nó leo lên ghế tôi ngồi, sà vào lòng tôi. Cô bạn tôi bồng con mèo lên, vuốt ve. Những ngày tiếp theo thỉnh thoảng cô lại đến cho mèo ăn, vuốt ve nó. Không hiểu sao tôi cảm thấy hạnh phúc như chính cô ấy tới săn sóc tôi, vuốt ve tôi. Nhưng tôi vẫn không dám tỏ ra quá thân mật với cô. Nhìn cái vẻ nghiêm trang của cô tôi rất ngại.

Một hôm, sau khi từ Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 4 Sông Ngòi về, thấy con mèo đang nằm ngủ trên bàn, tôi bỗng nảy ra một ý nghĩ, vừa với mục đích tinh nghịch, vừa với mục đích ...sâu xa hơn. Tôi bồng con mèo lên nói:

-Tình nghĩa với nhau, mày giúp tao nghe. Ngày mai ngày mốt mầy đừng có ra phòng khách, cứ trốn đâu đó. Tao sẽ cho mầy ăn uống đầy đủ.

Con mèo nhìn tôi như hiểu ý rồi nhẹ nhàng nhảy xuống đất, đi vào bên trong.

Sáng hôm cô bạn tôi đến sớm hơn thường lệ. Cô bỏ gói đồ ăn của mèo trên bàn:

-Hôm nay em đi làm sớm. Anh cho con mèo ăn.

-Em khỏi mang đồ ăn tới. Nhà có đồ ăn mà.

-Mèo thích ăn cá. Nhà anh chỉ có thịt. À, mốt em mới tới thăm...mèo được.

Tôi cười nói:

-Thăm mèo"

Cô không trả lời, bước ra khỏi cửa. Tôi tiễn cô ra tận ngoài đường. Nghe cô nói mai không đến, tôi cảm thấy buồn. Tôi trở vào nhà, thấy con mèo đang bươi gói đồ ăn ra. Tôi nói:

-Đã bảo không xuất hiện mà. Thôi được. Mai cứ đến, mốt đừng đến nghe.

Con mèo không xuất hiện theo đúng yêu cầu của tôi. Tôi linh cảm như nó biết nghe lời tôi, trốn đâu đó.

Tôi đi làm về thì cô bạn tôi cũng vừa đến:

-Con mèo đâu rồi anh"

Tôi nói, cố làm ra vẻ buồn rầu:

-Nó chết rồi.

-Sao lại chết"

Cô hốt hoảng nói, rồi ôm mặt khóc:

-Vậy thì em...tới đây làm gì.

-Em nói "hay" thật. Không lẽ em đến đây chỉ vì con mèo.

-Chết hồi nào, ở đâu, tại sao"

-Chết hai ngày rồi. Nó chạy qua đuờng, bị xe cán.

-Tội nghiệp quá.

-Tội nghiệp thiệt. Đêm nằm anh cứ mơ thấy nó.

Nghe nói loại mèo đen linh lắm, hơn cả người.

-Em cũng nghe nói vậy.

-Anh quên nói cho em biết con mèo này đã ... 140 tuổi.

-Anh nói gì ghê vậy!

-Thiệt mà.

Tôi kể cho cô nghe câu chuyện về con mèo mun có cái vết trắng trên trán ở quê tôi. Nghe xong, cô nói:

-Chính là nó. Nó đầu thai. Em có nghe nói nhiều chuyện tương tự như vậy.Thôi, em về.

-Mai đến nghe

-Dạ. Mai em đem đồ ăn đến...cúng con mèo.

-Mai Chủ Nhật em đến chơi lâu lâu nghe. Trưa hãy về. Trưa truyền hình chiếu phim "ChiếcBóng Bên Đường".

-Để em hỏi lại mẹ em có cần em cái gì không.

Hôm sau cô đến thăm tôi. Tôi vẫn còn nhớ đó là một buổi sáng sớm, trước Tết 7 ngày. Lần này cô bỏ tất cả các món ăn trong một cái dĩa: Ba con cá, ba miếng mỡ heo nằm ngay ngắn bên một mớ cơm. Lại có thêm nhang đèn. Cô sắp đồ cúng trên bàn ăn, đốt nhang đèn và khấn vái. Cúng xong cô nói:

-Đợi đến trưa lâu quá. Em về rồi trưa đến được không"

-Bộ em chán ngồi với anh lắm sao

-Không phải. Nhưng em thấy...bất tiện

-Anh thật tình không hiểu em. Chúng ta quen nhau đã nửa năm rồi mà.

Tôi nhìn ra ngoài sân. Đây là cái sân nối liền nhà tôi đang ở với khu nhà sĩ quan có gia đình. Mấy bà đang cúng đưa ông Táo. Tôi nói:

-Người ta cúng đưa ông Táo, còn mình cúng con mèo.

-Tối mẹ em mới cúng đưa ông Táo.

Tôi chợt nhớ đến con mèo đen. Tôi quay mặt vào trong nhà, thấy nó đang ngồi trên bàn cúng, tự nhiên và nhỏ nhẹ nhai mấy miếng mỡ. Tôi nói lớn:

-Ôi chao! Con mèo đó kìa. Nó hiện về.

Cô bạn tôi cũng nhìn vào, rồi rú lên:

-Ôi chao ôi!

Cô đứng dậy ôm cứng lấy tôi, run như cầy sấy. Tôi cũng ôm lấy cô, rồi hôn cô, rồi...

Từ đó cô đến nhà tôi thường xuyên hơn, để săn sóc tôi lẫn con mèo. Một hôm cô đem con mèo đi tắm gội, xong cô nói:

-Anh này! Em thấy trên trán nó có cái vệt trắng thật. Tại lông đen rậm quá, che bớt.

Tôi bán tín bán nghi nhưng cũng không muốn tìm hiểu thêm. Cứ cho là như vậy đi. Cứ cho chính đây là con mèo mun năm xưa ở quê nhà. Con mèo tình nghĩa. Có thể lắm chứ!

Cô bạn đó chính là vợ tôi bây giờ, một người đã chịu thương chịu khó với tôi trong suốt thời gian tôi ở trong tù cải tạo, đã có với tôi ba mặt con.

Nhờ ông Edgar A. Poe mà tôi nhớ đến chuyện Con Mèo Mun năm xưa và viết ra đây. Để cám ơn ông, tôi xin dịch The Black Cat của ông giới thiệu đến độc giả. Tôi tin chắc khi đọc truyện này, ông bà độc giả nào gây gổ, lạnh lùng với nhau, sẽ ôm nhau chặt hơn.


BỒ TÙNG MA

(*) Bản nhạc Lên Đàng của Lưu Hữu Phước

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.